Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Chủ nhật - 30/03/2014 23:55 - Đã xem: 5777
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992)
Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Hòa thượng pháp danh Thiền Tâm, pháp hiệu Liên Du, tự Vô Nhất thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại xã Bình Xuân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Nguyễn Văn Hương và cụ Trần Thị Dung pháp danh Giác Ân. Ngài là người thứ 10 trong số 13 anh em, 4 trai, 9 gái. 


Xuất thân từ gia đình Nho giáo kính tín Tam Bảo. Sáu tuổi, Ngài đã cắp sách đến trường học quốc ngữ song song với Nho học. Lúc thiếu thời, Ngài đã bộc lộ thiên tư tài hoa văn nhã, bẩm chất cao khiết, và là người con chí hiếu với cha mẹ. Do vì thấy mẹ đau yếu triền miên, năm 12 tuổi, Ngài ra đi tìm thầy học thuốc để mong trị lành bệnh cho mẫu thân. Nhân tạm trú học thuốc tại chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho, Ngài có dịp nghiên tầm Phật điển và nuôi dần ý chí xuất gia tu học. 
 

Năm 18 tuổi, Ngài trở về chăm sóc mẹ đến khi lành mạnh. Sau đó, Ngài khẩn khoản xin phép song đường cho xuất gia, nhưng không được đồng ý. Cuối cùng, Ngài đành phải âm thầm trốn đi (năm Giáp Thân - 1944, lúc 19 tuổi), đến tu tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Xoài Hột, và được thế phát xuất gia vào năm Ất Dậu (1945) làm đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thành Đạo. 

Năm 1948, Ngài thọ giới Sa Di và học ở Phật học đường Liên Hải cùng Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang cho đến năm 1951 để hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật học. Thời gian đó, Ngài được thọ Tỳ Kheo giới tại Đại giới đàn Ấn Quang tổ chức năm 1950. 

Từ năm 1951 đến năm 1954, Ngài hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt với các vị đồng khóa như: Hòa thượng Bửu Huệ, Tắc Phước, Tịnh Đức, Đạt Bửu, Tịnh Chơn... và Ngài cùng quý thầy lớp Cao đẳng đã phụ giúp đắc lực cho Hòa thượng Giám đốc Thiện Hòa trong việc điều khiển sinh hoạt đại chúng. Ngài làm Tri chúng, Ngài Bửu Huệ làm Tri sự. Lòng khoan dung, tính hòa nhã điềm đạm của Ngài giúp an chúng và thành tựu mọi Phật sự. 

Năm 1954, tốt nghiệp lớp Cao đẳng, Ngài xin phép chư Tôn đức trong Ban Giám Đốc lui về nhập thất tịnh tu trong mười năm tại trụ xứ Cái Bè và Vang Quới. 

Dù nhập thất tinh tấn chuyên tu, song Hòa thượng không xa rời bi nguyện độ sanh. Trong mười năm ấy, Ngài đã phiên dịch các loại kinh sách chuyên hướng xiển dương pháp môn Tịnh độ, như: kinh Quán Vô Lượng Thọ, Tịnh học Tân Lương, Lá thơ Tịnh Độ, Hương quê Cực Lạc, và giảng dạy cho Ni chúng khắp nơi đến thọ học. 

Năm 1964, Hòa thượng Thiện Hòa mở Trường Trung đẳng Chuyên khoa Phật học tại chùa Huệ Nghiêm, Bình Chánh, Sài Gòn. Ngài và hai vị Thanh Từ, Bửu Huệ được mời giao đảm trách việc giáo dục học Tăng. Song song đó, các Ngài còn phụ trách giảng dạy cho học Ni tại Phật học viện Dược Sư. Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy tại Phân khoa Phật học thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Trong giai đoạn này, Ngài tập trung biên soạn các bộ sách để làm giáo trình kiến thức Phật học Trung Cao như: Phật học Tinh Yếu, Duy Thức học Cương yếu và phiên dịch sách Tịnh Độ Thập Nghi Luận cùng kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. 

Năm 1967, Ngài đến Đại Ninh, ấp Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kiến thiết Hương Quang Thất, chuẩn bị cho giai đoạn ẩn tu. 

Năm 1968, Hòa thượng chính thức về trụ hẳn ở Đại Ninh, lập nên đạo tràng Tịnh độ. Ngài không câu nệ vào việc nhập thất, mà sẵn sàng tiếp hóa chư Tăng Ni Phật tử đến tham vấn học đạo, Ngài còn soạn thuật: Niệm Phật thập yếu, Tây phương nhựt khóa, Tịnh độ pháp nghi và phiên dịch kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni. 

Năm 1970, Ngài xây dựng Hương Nghiêm Tịnh Viện, biến đạo tràng thành một vùng chuyên tu Tịnh độ, cũng là trung tâm xiển dương pháp môn này ở miền Nam. Tăng Ni tín đồ qui tụ về lập am thất trụ lại tu học rất đông. Danh đức của Ngài được lan truyền rộng và Phật tử đến quy ngưỡng ngày càng nhiều. Đặc biệt, ở Hương Nghiêm Tịnh Viện này tâm Tịnh độ là nguồn cảm hứng để Ngài sáng tác rất nhiều thơ văn đượm chất đạo vị, thanh thoát. Thơ văn liễu ngộ tâm cảnh Cực Lạc của Ngài cảm hóa được không biết bao nhiêu đồ chúng hướng về pháp môn này. 

Năm 1974, Ngài mở khóa tu học chuyên về pháp môn Tịnh độ trong ba năm, với số Liên chúng 13 vị dưới sự hướng dẫn của Ban Liên Đạo gồm 3 vị: Liên Thủ: Hòa thượng Bửu Huệ, Liên Huấn: Hòa thượng Thiền Tâm, Liên Hạnh: Hòa thượng Bửu Lai. 

Từ năm 1975, Ngài viễn ly mọi sự nghe thấy bên ngoài, lặng lẽ nhiếp tâm tu niệm gia trì hai pháp môn Mật Tịnh song hành. Suốt một thời gian dài, Ngài kiên trì nhập thất chăm chắm giải quyết việc lớn sanh tử, song Ngài vẫn soạn dịch bộ: “Mấy Điệu Sen Thanh” và “Tam Bảo cảm ứng lục” để lợi lạc nhân sinh khuyến tu Tịnh độ. 

Những ngày cuối cùng cuộc đời ẩn tu hành đạo, Ngài vương chút thân bệnh, trước đó Ngài đã giao phó mọi việc của Tịnh viện Hương Nghiêm lại cho Tăng đồ quản lý điều hành. Ngài cố gắng khắc phục thân bệnh, nỗ lực dụng công trì danh hiệu Phật. Cho đến khi cảm nhận thời khắc vãng sinh, Ngài bảo đồ chúng vây quanh trợ niệm, rồi đến 9 giờ sáng ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Thân (tức ngày 14-2-1992), Ngài an nhiên thoát hóa, vãng sinh hưởng thọ 68 tuổi, hạ lạp 42. 

Cảm thức đức độ của một bậc danh Tăng, lúc sinh thời, các vị tôn túc trong Giáo hội Tỉnh đã cung thỉnh Ngài vào Hội đồng Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Trong cuộc đời hành đạo, Hòa thượng là vị Cao Tăng có công lớn trong việc xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Sự nghiệp sáng tác và phiên dịch của Ngài để lại cho hậu thế là một vốn quí làm tư lương tu trì và giúp hàng hậu sinh nhận thức sâu rộng trong giáo pháp. 

Các tác phẩm của Hòa thượng để lại: 

•    Kinh Quán Vô Lượng Thọ. 
•    Tịnh Học Tân Lương. 
•    Lá thơ Tịnh Độ. 
•    Hương Quê Cực Lạc. 
•    Phật học Tinh yếu. 01 - 02 - 03
•    Duy Thức Học cương yếu. 
•    Tịnh độ Thập nghi luận. 
•    Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. 
•    Niệm Phật Thập yếu. 
•    Tây phương Nhựt khóa. 
•    Tịnh Độ Pháp Nghi. 
•    Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni. 
•    Mấy điệu sen thanh. 
•    Tam Bảo Cảm ứng lục.
(xem các tác phẩm)

 

TT  Thích Đồng Bổn
(Trích trong “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam”)

 

Tiểu Sử 
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

 (1924 - 1992)

Ưu Bà Di Bảo Đăng

 

Hòa thượng Thích Thiền Tâm sinh năm 1924. Tại làng Bình Xuân, quận Hoà Đồng, Gò Công, xuất gia từ năm 13 tuổi.

Năm 1964 Hoà thượng là Viện Trưởng Sáng Lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Hoà Thượng Thích Thanh Từ, vị Thiền sư nổi danh tại Việt Nam hiện nay, và Hòa thượng Thích Bửu Huệ, lúc đó là hai vị phụ tá của Hoà thượng Thiền Tâm.

Trong khi điều hành Phật học Viện Huệ Nghiêm, Hoà thượng Thiền Tâm còn giảng dạy Phật pháp tại Phân Khoa Phật học Viện Đại học Vạn Hạnh, làm Giáo thọ tại các Ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm, phiên dịch và trước tác nhiều Kinh sách giá trị, hiện vẫn đồng được dùng cho việc tu học.

Năm 1964-1965, hoàn thành công việc soạn thuật bộ sách "Phật Học Tinh Yếu", gồm 3 cuốn, dài trên 1200 trang.

Năm 1965-1966, Ngài hoàn tất việc biên soạn quyển Niệm Phật Thập Yếu" gồm 10 chương, dài gần 400 trang (kể luôn các phần bổ túc sau này, trên 50 trang (1979-1980). Năm 1966-1967, Ngài hoàn tất hai quyển Kinh sách:

Duy Thức Học Cương Yếu, gần 300 trang. Sách giảng dạy hầu hết các phần quan yếu trong Bộ Môn Duy Thức Học.

Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Kinh, còn gọi là "Thiên Thủ Thiên Nhãn,Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Kinh" trên 150 trang.

Đây là quyển Kinh Mật Tông, giảng dạy và xiển dương về oai lực của chú Đại Bi, một thần chú rất phổ thông đang được dùng trong hầu hết các khóa lễ hiện nay nơi Phật tự.

Năm 1974, Hoà thượng Thiền Tâm xin từ chức Viện Trưởng Phật học Viện Huệ Nghiêm, vào núi ẩn tu giữa hàng ngàn rắn độc.

Năm 1992, nhằm này 14 tháng 12 dương lịch. Hoà thượng viên tịch, thọ 68 tuổi. Ba ngày sau trong lễ khai mộ của Ngài, mọi người hiện diện đều trông thấy một đôi kim xà màu vàng rực rỡ dài khoảng hai thước Tây bò đến trước đầu mộ của Đại Sư nằm im một chốc, đoạn cất đầu ngó lên Ni Sư trưởng tử Thanh Nguyệt, gật đầu ba lượt. Các hình ảnh về đôi Kim Xà này đều đã được ghi nhận đầy đủ bằng hình chụp và video.

Phú An là một thôn nhỏ, nằm trong Tổng Đại Ninh, thuộc xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng (Tuyên Đức - Đà Lạt). Dân số nơi đây vào năm 1968 chỉ có chừng 50 nóc nhà, mà trong đó khoảng 10 nhà là người Kinh (người Việt), số còn lại là người Thượng (dân tộc thiểu số). Đa số nhà người Kinh thì ở gần bên quốc lộ Đà Lạt - Sài Gòn (tức là quốc lộ số 20), còn nhà sàn của người Thượng thì nằm sâu trong rừng, cách quốc lộ khoảng chừng 3,4 cây số. Thôn này nằm trên bờ sông Đại Ninh, còn gọi là sông Đa Nhim, vì ở thượng nguồn của con sông này trên Đà Lạt, có đập thủy điện cao thế Đa Nhim. Chiều ngang của con sông rộng chừng 300 thước, chảy từ hướng Tây của ấp, qua hướng Nam, Đông Nam của vùng Đại Ninh với một giòng nước ngọt êm đềm, hiền hòa và mang nhiều chất phù sa mầu mỡ đã làm cho đất đai của vùng nầy, từ lâu trở nên vô cùng phong phú.

…"Hương Quang tịnh Thất" là nơi của cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm ẩn tu không nằm sát ngoài quốc lộ như đa số nhà của các người Kinh khác trong thôn, mà lại là nằm sâu bên trong, sát với khu vực của người Thượng, cho nên muốn vào đến chỗ trú xứ của Ngài thì phải đi bộ một khoảng đường rất xa, mất gần cả giờ đồng hồ mới tới.

Vùng Phú An này (vào thời gian 1968, đặc biệt là chỗ của cố Hòa thượng tịnh tu, vì là nơi rừng núi, ít người lai vãng và có lẽ, cũng vì ở gần sông, suối nên có rất nhiều loại rắn khác nhau.

Theo lời Ngài kể lại thì trong gần nửa năm đầu tiên về ẩn tu nơi đây, Ngài gặp nhiều thứ rắn độc khác nhau, to có, trung bình có, nhỏ có. To thì cỡ bằng cột nhà, trung trung thì bằng bắp vế, nhỏ thì bằng bắp chân, cườm tay trở xuống v.v... Có đôi lúc sau khi làm vườn xong, đến khi trở vào Thất thì thấy rắn nó quấn đuôi trên ngạch cửa thòng mình xuống, hả miệng, le lưỡi thở khè khè. Ban đầu thì Ngài cũng có ý sơ, chần chờ không dám bước qua, nhưng rồi nghĩ không lẽ đứng ở ngoài sân hoài, hay là dùng cây đập đuổi thì gây thù oán khó lòng. Thôi thì cứ niệm Phật mà bước ngang qua đại, rủi có bị nó cắn chết thì mình cũng quy Tây, càng tốt chớ sao. Rồi Ngài nhiếp tâm niệm Phật và nghĩ đến phép "từ bi quán" đoạn nhắm mắt, đi ngang qua cửa. Con rắn "đánh đu mình qua bên nầy, bên kia phạm vào mắt, vào cổ lạnh ngắt, mà Ngài vẫn cứ làm tỉnh bước đi. Đến khi vào trong Thất xong rồi, mới mở mắt nhìn lại thì nó cũng vừa buông mình ra, rớt xuống đất nghe một cái đụi rồi bò ra ngoài rừng đi mất.

Lại có lần khác, sáng sớm thức dậy (để sửa soạn vào khóa lễ). Vừa bước chân xuống "đơn" (tức là cái đi văng nhỏ, bề ngang khoảng 8 tấc, bề dài khoảng 2 thước rưỡi của người tu) thì Ngài có cảm giác như là đạp trúng phải vật gì tròn tròn và mềm mềm. Ngó xuống, té ra đó là một con rắn hổ đen thui, to bằng bấp chân đang nằm khoanh một đống ở dưới chân giường! Ngài nghĩ: Cha chả, mình đạp trúng nó một cái mạnh như vậy, chắc nó cắn mình quá. Liền niệm A Di Đà Phật năm bảy câu rồi đứng chết trân tại chỗ chớ không dám nhúc nhích. Còn con rắn kia dù bị Ngài đạp trúng mà nó cũng không có phản ứng gì hung hăng hết, y từ từ cất đầu lên. nhìn Ngài một hồi rồi le cái lưỡi đỏ lòm ra khè khè mấy cái đoạn nằm im trở lại. Lúc đó Ngài mới dám bước đi, vừa mở cửa ra vừa niệm Phật mà bảo với y ta rằng: Thôi sáng rồi, đạo hữu cũng nên về đi để cho Thầy còn niệm Phật nữa. Tưởng đâu nói khơi khơi vậy rồi thôi, không dè y ta dường như biết nghe nên y mới từ từ bung mình ra dài cả mấy thước, chầm chậm bò đến cửa một cách êm ái hòa bình, rồi ra ngoài rừng mất dạng.

Thêm một lần khác, đêm đó Ngài niệm Phật và trì chú Đại bi đến khuya mới xong, vừa bước một chân xuống cầu thang thì đạp phải lên một đống gì đó đen thui, to tướng, Ngài biết, chắc là rắn (quen với mấy người quá xá rồi!) nhưng cũng làm tỉnh niệm A Di Đà Phật một hồi, đoạn bước đến bàn viết, vặn đèn lên cho tỏ để xem thì thấy một con rắn quá to (không biết làm sao mà nó lọt vào nhà được, trong khi cửa nẻo đã đóng kín rồi - sau này mới biết chúng nó là các loại rắn thần) đang cuộn tròn một đống bên cạnh đôi dép của mình. Nó nhìn Ngài, Ngài nhìn nó. Hai bên làm thinh ngó nhau một chặp, Ngài vừa niệm Phật vừa hỏi, có phải đạo hữu vào đây để nghe Kinh, nghe niệm Phật không? Nếu phải vậy thì gật đầu ba cái cho Thầy biết đi. Rắn ta liền gật đầu 3 cái. Cố Hòa thượng biết rằng đây là loại rắn linh cũng ưa tu niệm chớ không có ý gì muốn làm hại mình. Cũng như các lần trước, Ngài mở cửa ra bảo thôi đạo hữu hãy về đi, và y ta nhìn Ngài với ánh mắt hiền lành rồi từ từ bò ra ngoài đi mất.

Từ đó trở đi, mỗi lần làm vườn hay tình cờ gặp phải các "người bạn dài thòn", thấy dễ sợ này thì Ngài niệm Phật cho nó nghe một hồi, rồi mạnh đường ai nấy đi, việc ai nấy làm chớ không có xảy ra chuyện gì khác lạ cả.

Biết vùng này có nhiều loại rắn linh mến mộ tu hành như vậy, nên Ngài mới làm pháp "Du già thí thực", hồi hướng công đức tu niệm của mình để bố thí đến cho loài rắn và nói rằng: (nói khơi khơi một mình nhưng dùng tâm tưởng và tác ý cho loài rắn được nghe). Vì khác loài nhau, nên từ nay nếu như quý vị muốn nghe Kinh chú và niệm Phật. v.v... để tu theo thì cứ ở ngoài sân chớ đừng có vào trong Thất của Thầy nữa. Sau vài lần "truyền lịnh" như thế rồi thì từ đó về sau tuyệt nhiên không còn có một con rắn nào vào trong cốc nữa.
Nơi miền rừng núi cao nguyên này thường thì có rất nhiều gò mối lớn đặc biệt của miền sơn cước. Chính chỗ Thất mà Ngài đang ở (Phương Liên Thất) cũng nằm trên một gò mối lớn. Hầu hết gò mối đều là ổ hang của rắn cả (rắn làm hang trong đó để ăn mối) gò mối càng lớn bao nhiêu thì rắn ở trong đó càng nhiều và càng to bấy nhiêu. Như vừa lược qua căn Tịnh Thất của Ngài ở, Thất được xây cất trên một gò mối lớn (đã được san bằng) vì vậy nên có nghĩa là trên mặt đất thì cố Hòa thượng ở, còn dưới mặt đất là rắn ở. Hòa thượng đã vô tình "sống chung hòa bình" với cả đống rắn độc mà không hay biết chi hết. Sở dĩ các con rắn này nó không làm hại chi đến Ngài là vì cứ mỗi tối, khi Ngài niệm Phật trì chú, hoặc lễ bái, sám hối, tụng Kinh v. v... thì các "y ta" nằm im ở dưới nền nhà, hoặc là bò lên mặt đất, rồi an bình nằm tại chỗ để nghe và tu theo. Đây là lý do vì sao mà khi Ngài mới dọn về - như đã có lược qua trong phần trước - là ở dưới chân giường, cầu thang, bỗng nhiên có rắn xuất hiện, con nào con nấy cũng dài đến cả mấy thước, to bằng bắp vế, nằm một đống đen thui trong cốc mà Ngài không hiểu vì sao nó lại vào Thất được, trong khi Ngài đã đóng cửa nẻo kỹ lưỡng hết rồi. Nhờ tu theo bằng cách "dựa hơi" Hòa thượng "các ông dài" này dần dần trở nên linh thông biến hóa được. Do vì thầm cảm cái ơn trọng đại đó, cho nên các "Y ta" kính lễ cố Hòa thượng như bậc cha, Thầy, còn các "Y ta" thì giữ bổn phận của con, cháu hay đệ tử. Vì thế nên từ đó về sau các loài rắn này trở nên hiền hòa - chẳng những nó không làm cho Ngài bực bội hay gây thương tổn chi, mà trái lại còn âm thầm theo bảo vệ cho "Sư Phụ" nữa. Sau đây là một vài chuyện liên hệ mà khi còn sanh tiền, cố Hòa thượng đã tự thân kể lại cho Ni sư Thanh Nguyệt và cháu là Đại Đức Thích Hải Quang nghe: Có lần, cố Hòa thượng đang ngồi làm cỏ tranh và xới đất bên cạnh một gò mối lớn ở phía sau Thất (Phương Liên) của Ngài, lúc Ngài quơ tay ra sau lưng để cầm cuốc thì Ngài lấy làm lạ mà nói trong bụng rằng: Ủa, sao bữa nay cái cán cuốc có vẻ là lạ và bự quá vậy? Ngài quay đầu ngó lại, thì té ra là mình đang nắm nhằm cần cổ của một con rắn to bằng bắp chân người lớn, màu đen có sọc vàng. Rắn ta vì bị nắm cổ nên hả miệng, le lưỡi ra khè khè năm sáu tiếng làm cho Ngài hết hồn vội vã buông tay ra và bước lùi lại phía sau, niệm Phật cả mấy chục câu rồi mới định thần được. Xong rồi, Ngài đứng ngó y ta một lúc và nói rằng: Ủa nhà ngươi ở đâu mà ra đây, nằm sau lưng ta hồi nào vậy? Thôi hãy đi đi, Ngài lấy tay xua, khởi ý đuổi đi. Rắn ta cũng ngó Ngài một hồi, gật đầu mấy cái (giống như xin lỗi) rồi bò ra phía sau gò mối. Ngài đứng ngó theo xem nó bò đi đâu cho biết, nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy tăm hơi gì hết, mới nghĩ: Ủa, bộ nó còn nằm gần đây sao mà không thấy bò đi đâu hết vậy kìa? Ngài đi vòng quanh gò mối tìm kiếm mấy lần mà cũng không thấy y ta đâu hết. Khuya lại, sau thời khoá trì niệm (gần 4 giờ sáng) Ngài đang ngồi trên ghế bên cạnh bàn viết nghỉ mệt, định bụng chút nữa sẽ pha cà phê uống thì nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Ngài lấy làm lạ, trong bụng nghĩ rằng: Ủa, giờ này còn sớm quá mà sao mấy người Thượng lại tới gõ cửa vậy kìa? (Bởi vì mỗi buổi sáng mấy người Thượng ưa tới gõ cửa Thất của cố Hòa thượng để hỏi việc làm như là cuốc đất, phát cỏ hoang và lên giồng trồng khoai, sắn v.v... Ngài mới đứng lên, đi ra mở cửa thì thấy bên ngoài, trước Thất của Ngài là hai người Thượng một nam, một nữ, tuổi chừng 50, dung mạo rất đơn sơ, mặt mũi sần sùi, da dẻ đen đúa, cả hai đều mặc quần áo màu chàm trông cũng rất sơ sài, đầu hơi nhọn, đi chơn đất (không có dép, giày gì hết), bàn tay nhám nhúa giống như cò vảy, đang chắp tay cúi đầu chào Ngài, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Ngài nghĩ bụng: Ủa, hai người Thượng này ở đâu đến mà thấy lạ mặt, mình ở đây cũng đã lâu rồi mà chưa quen với hai vợ chồng này. Phải hai vị đến xin việc làm hôn? Hai người ấy đáp: Mô Phật, kính bạch Hòa thượng không. Uả, vậy chớ có chuyện gì cần không mà gọi cửa tôi sớm quá vậy? Người đàn ông đáp: Bạch Hòa thượng, hai vợ chồng con đến đây để xin lỗi Hòa thượng về chuyện đáng tiếc ban trưa, có đứa cháu nội đã làm cho Ngài giật mình. Xin Hòa thượng từ bi tha lỗi và cho vợ chồng con sám hối. Cố Hòa thượng lấy làm kỳ, nên Ngài mới hỏi: Cháu nội của hai vị hả, hồi nào, nó bao nhiêu tuổi? Tôi nhớ suốt cả ngày hôm qua có gặp đứa cháu nào đâu? Người đàn bà đáp: Kính bạch Hòa thượng, cháu trai của con là đứa bé hôm qua mặc áo quần đen có sọc vàng nằm hầu phía sau lưng của Ngài lúc Ngài làm vườn đó. Ngài mới hỏi (mà trong bụng cũng chưa nhớ rõ ra là ai, bởi vì đã có đứa nhỏ nào mặc áo quần đen, sọc vàng, theo hầu sau lưng mình suốt ngày hôm qua đâu?) Vậy hả, cháu bé bao nhiêu tuổi? Người đàn bà đáp: Kính bạch bạch Hòa thượng cháu được 95 tuổi. Cố Hòa thượng của chúng ta giật mình, sửng sốt hỏi tiếp: Ủa, cháu nội mà được 95 tuổi thì hai vị đây bao nhiêu tuổi? Người đàn ông đáp: Dạ con được 842 tuổi và vợ của con 760. Đến đây thì Hòa thượng đã biết rõ họ là ai rồi, nên Ngài mới hỏi tiếp: Hai vị ở đâu tới đây? Người đàn ông thưa: Bạch Hòa thượng, chúng con ở Huỳnh Xà Thôn nằm về phía Đông của thôn Phú An này cách nơi đây khoảng 9 cây số, gia đình con có khoảng một ngàn người... Vừa nói tới đây thì người đàn bà nắm lấy tay của ông chồng đập mấy cái như ra hiệu đừng nên nói nữa (chắc sợ bị lộ tông tích) làm cho người chồng mới nói đến câu khoảng một ngàn người... thì làm thinh luôn. Cố Hòa thượng gật đầu nói: Thôi hai vị yên lòng về đi không sao đâu. Nghe Ngài bảo nbư vậy thì hai vợ chồng người này đồng chấp tay cúi chào rồi quay lưng đi vòng ra sau Thất của Ngài. Hòa thượng mới nom theo xem họ đi đâu và làm thế nào cho biết, thì Ngài thấy khi họ ra đến phía sau rồi, cả hai người đồng hóa ra hai luồng ánh sáng màu vàng nhạt lớn bằng cườm tay, bay bổng lên không về hướng Đông đi mất (giống như ông đi, bà xẹt vậy). Do đó nên Ngài biết rằng: Đứa bé 95 tuổi mặc áo đen, sọc vàng là con rắn đen có vằn vàng ngày hôm qua đã làm cho mình hết hồn! Hai vợ chồng này là rắn Chúa (chúa động). Hang ổ chánh của bọn chúng nằm về hướng Đông của ấp Phú An, cách đây 9 cây số có tên là Huỳnh Xà Động" (động rắn vàng). Chắc có lẽ họ mới biết biến hình nên dung mạo còn thô sơ chớ chưa đẹp người. Và hơn nữa chắc mỗi đêm họ ít nhiều gì đó cũng có đến đây nghe Kinh và tu theo mình nên mới có vẻ kính trọng mình và biết chắp tay niêm Phật như vậy...

Nguyên gần 10 năm về trước, lúc cố Hòa thượng còn nhập Thất ở Bến Tre. Ngài có quen với một vị tu sĩ tên là "ông Sư Mỏ Cày". Sở dĩ, gọi là ông Sư Mỏ Cày vì vị này tuy có hình tượng một nhà sư Phật giáo, nhưng thật ra là một người đạo sĩ tu tiên, luyện điển theo phương pháp xuất hồn, địa danh (tên của vùng đất) nơi ông Sư này ở tu tên Mỏ Cày, không ai biết được tên thật của ổng là chi hết. Ông Sư này rất kính quý cố Hòa thượng qua phong cách và đạo hạnh của Ngài, nên thỉnh thoảng cũng có đến viếng thăm. Hòa thượng cũng có chỉ dẫn thêm cho Sư một vài pháp tu bổ túc, vì vậy mà Sư có một sự mang ơn ở nơi cố Hòa thượng. Lúc Ngài về Sài gòn và làm Đốc giáo ở Phật học Viện Huệ Nghiêm rồi thì Sư cũng có đến thăm một lần, đến khi cố Hòa thượng lìa Huệ Nghiêm để ẩn tu thì hai đàng biệt nhau. Mãi đến mấy năm sau. Sư mới tìm được lên Đại Ninh (trước sau hai lần) để thăm cố Hòa thượng, và rồi Sư qua đời vào mấy năm sau. Lần đầu tiên Sư lên thăm cố Hòa thượng vào năm 1970, lúc đó thì Ngài không còn ở Hương Quang Thất nữa, mà đã dời về Thất mới là Phương Liên tịnh xá rồi) và được Hòa thượng cho phép ở lại Thất của Ngài vài ba hôm để đàm đạo giáo lý và tu tập (Sư thọ giáo mật tông từ nơi cố Hòa thượng). Qua đêm đầu tiên, sáng lại, Sư có thưa với cố Hòa thượng rằng Thất của Ngài đang ở tu nằm trên miệng hang của một động rắn "Kim Xà" rất lớn và xin Hòa thượng hãy cẩn thận, vì đây là các loại rắn thần, con nào con nấy cũng sống trên mấy trăm năm hết. Cố Hòa thượng gật đầu, nói với Sư là Ngài đã biết việc đó từ lâu rồi và cũng có kể lại cho Sư nghe về vài ba chuyện của các Kim Xà. Qua ngày kế đó, Sư nằm ngủ và xuất hồn ra đi thăm "xà động" này, khi thức dậy Sư có thưa cùng Ngài như sau: Nguyên từ mặt đất của nền Thất Phương Liên đi thẳng xuống dưới (lòng đất) sâu 800 thước có một động rắn lớn, trong đó có khoảng 200 "ông dài" đều sống từ hơn 100 cho đến gần 1000 tuổi hết. Động này có đường (hầm) thông qua 3, 4 động khác nữa. Chúa tể của tất cả các động rắn này là một đôi Xà Vương (rắn chúa) màu nửa đen, nửa vàng và đều đã được trên một ngàn tuổi rồi. Cặp Xà Vương này hiện đang ở ngay dưới nền Thất của cố Hòa thượng cùng với các con cháu, mỗi đêm đều nghe Ngài niệm Phật trì chú và tu theo, cho nên biết biến hóa và đồng thờ cố Hòa thượng làm Thầy để nương theo tu tập.

(Trích sách Vô Nhất Đại Sư - Hoà Thượng Thích Thiền Tâm)

Kim Xà Thánh Giả

(HT Thích Thiền Tâm sống giữa loài rắn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây