Tháng 7 âm lịch là tháng ĐEN ĐỦI hay tháng CÁT TƯỜNG ?

Thứ sáu - 21/08/2020 10:07 - Đã xem: 3213

    "Tháng 7 âm lịch có phải là tháng cô hồn như mọi người thường nói ??? Vậy theo các quý vị Phật tử tháng 7 có phải là tháng cô hồn không?...
Câu trả lời là KHÔNG.

Người học Phật chúng ta lấy tháng 7 là một tháng Tri Ân, một tháng Báo Ân, một tháng mà chư Tăng sau ba tháng An cư làm lễ Tự Tứ được công đức vô lượng, vô biên. Vì vậy mà chư Tăng và các quý liên hữu Phật tử nếu muốn báo đáp thâm ân của cha mẹ, ông bà, tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp hãy vân tập nhau lại cúng dàng trai tăng, đọc tụng kinh điển, phóng sinh tu phúc, làm các việc thiện để hồi hướng cho lục thân quyến thuộc… Và đặc biệt hồi hướng cho cha mẹ hiện tại của chúng ta được mạnh khỏe, bình an. Vì vậy đối với nhà Phật chúng ta tháng 7 này là tháng đại phúc đức, là mùa của hiếu hạnh…"   
 


     
Trong cung bậc tri ân và báo ân của dân tộc, Phật giáo đã từ lâu luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, giới Phật Giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – Báo hiếu thật trang nghiêm, hoành tráng từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh – văn hóa của con người. Lễ hội xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.
“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược.
“Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
20160530230134 81257
Lễ Vu Lan của Phật giáo như chúng ta thấy ngày nay phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Khi Mục Kiền Liên vừa chứng được lục thông, liền nhớ tới mẹ mình, Tôn giả bèn dùng tuệ nhãn kiếm tìm, liền thấy mẹ đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đói khổ. Thương mẹ vô vàn, Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Do tâm bà Thanh Đề còn quá san tham và ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nề nên bà không thể dùng cơm vì bát cơm biến thành lửa. Vô cùng đau đớn, không biết dùng cách nào để cứu mẹ mình, Ngài liền về hỏi đức Thế Tôn. Đức Phật liền dạy :
“ Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tin tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, mẹ ngươi mới thoát được cảnh khổ”.
Nghe vậy, Tôn giả mục Kiền Liên liền khẩn cầu Thế Tôn :
“Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được ?”.
Đức Phật dạy :“Ngày Vu Lan cũng là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự Tứ. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự Tứ và cầu nguyện cho mẹ người được thoát khổ”.
Tôn giả thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngạ qủy mà được sanh lên cõi trời. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu : “Sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”.
Thế Tôn bảo rằng : “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.
Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan - Tự Tứ. Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan - Báo Hiếu, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.
Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu. Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.
Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng, ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đoá hồng trắng buồn thương. Thế nhưng dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn mẹ cha sâu lắng, và mỗi người tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con hiếu của mình.
Chúng ta hiểu vì sao mà bổn phận làm con phải biết báo hiếu ? Bất cứ ai hiện hữu trên đời, trước hết phải được mẹ mang nặng đẻ đau : “Chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi; đêm đêm như bệnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn; trong khi sinh nở, gan ruột dường như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề” (Kinh Báo Ân). Sanh con ra cha mẹ đã khổ nhọc, để nuôi con khôn lớn lại chịu khổ nhọc hơn, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, thậm chí vì con mà phải làm ác. Con là vàng ngọc, là giọt máu của cha mẹ chia hai, nên dẫu con thế nào cha mẹ vẫn thương con. Tình thương đó “có dừng lại chăng, chỉ hơi thở sau cùng”. (Kinh Báo Ân). Ơn sanh thành của cha mẹ thật bao la, cao như núi và rộng như biển, cha mẹ là đôi vầng nhật nguyệt sưởi ấm và sáng soi đời con: “Mẹ còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói sáng, mẹ khuất bóng rồi gọi là mặt trời đã lặn”(Kinh Tâm Địa Quán)Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Hình ảnh người cha lao động cần mẫn sớm hôm, người mẹ dịu hiền chăm chút các con từng miếng ăn, giấc ngủ, đã từng và mãi mãi là những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình. Căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục gia đình, vì cha mẹ là chuẩn mực của các con từ lúc còn thơ ấu. Mãi mãi về sau, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng thấy cha mẹ là chổ dựa tinh thần vững chắc. Có thể lúc ta thành công trong sự nghiệp hay hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi thì ta không cảm nhận rõ điều này, nhưng khi gặp cảnh ngộ không may, khi bị sống đời vùi dập tơi tả, khi hoàn toàn mất hết niềm tin đối với người chung quanh, ta mới chợt hiểu rằng, nơi một gốc trời xa yêu dấu, cha mẹ vẫn là chiếc nôi ấm cho mình ru giấc ngủ sâu, là vòng tay êm xóa tan hết nơi mình mọi buồn đau hận tủi. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của mình?
Nói về đạo hiếu, kinh điển Phật giáo đề cập đến rất nhiều, ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi … lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc thực thi đạo sống làm người. Ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương đã trình bày rõ quan điểm : “Phàm làm người phụng thờ qủy thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng”. Còn kinh Đại Tập nói rằng: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy theo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật”. Phụng dưỡng cha mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm và bổn phận. Hiếu dưỡng cha mẹ bằng cách kính thuận năm điều: “Nuôi dưỡng cha mẹ; làm đủ bổn phận con cái đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình và truyền thốn; bảo vệ tài sản thừa tự; làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” (Kinh Giáo ThọThi La Ca Việt). Kính thờ cha mẹ, con cái phải làm tròn năm việc: “Phải lo sanh kế; dậy sớm lo cơm nước cho cha mẹ kịp thời; không nên làm cha mẹ thêm lo; phải nhớ ơn cha mẹ; khi cha mẹ có bệnh phải lo sợ chạy chữa kịp thời” (Kinh Lục Phương Lễ). Dù nổ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ vô thượng thậm thâm thật khó đáp đền. Trong kinh Tăng Chi I, Đức Phật dạy “Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến khi các người 100 tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa, và dầu tại đấy họ có vãi đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”. Những cách báo hiếu trên tuy xem ra cũng cao cả và không phải người con nào cũng hiểu và làm được trọn vẹn. Thế nhưng theo như những gì Đức Phật dạy thì sự báo ân như vậy vẫn chưa trả đủ công ơn cha mẹ. Công ơn cha mẹ to lớn như thế, bổn phận con cái phải làm thế nào mới tròn câu hiếu đạo?
      Hiếu đạo theo Phật giáo, nếu chỉ phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất cùng tất cả sự cung kính thì chưa đủ để báo ân cha mẹ. Người con hiếu, ngoài hiếu dưỡng thông thường phải hướng cha mẹ trở về an trú trong chánh pháp. Kinh Tăng Chi, Phật dạy : “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, đồ ăn, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha me. Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới ; đối với cha mẹ san tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí ; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha, là chân thật báo ân”. Khuyến hóa cha mẹ trở về chánh pháp để tránh đọa lạc là cách báo hiếu trọn vẹn, bởi “Cúng dường cha mẹ không bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo … người con phải hết sức ngăn cản mới gọi là hiếu” (Kinh Hiếu Tử). Khi cha mẹ qúa vãng, Phật dạy : “Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, ngay Tăng Tự Tứ, thiết lễ cúng dường mười phương chúng Tăng, nguyện cho cha mẹ hiện đời phước thọ tăng long, cha mẹ bảy đời thoát khổ ngạ qủy, được sanh vào trời người hưởng phước lạc vô cùng” (Kinh Vu Lan Bồn). Như vậy bổn phận con cái đối với cha mẹ thì ngoài việc dâng cúng những điều kiện về mặt vật chất là lẽ tất nhiên, thế nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu như con cái biết hướng cha mẹ quy ngưỡng Tam Bảo, biết bố thí cúng dường, bỏ việc ác, làm các điều thiện. Mặt khác vì do công lao sanh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái như trời như biển cho nên không thể lấy của cải vật chất bù đắp được. Vả lại, mọi của cải vật chất trên thế gian này đều tạm bợ, vô thường, biến hoại, không có giá trị trường cửu, do đó, nếu như khuyến khích cha mẹ có lòng tin, làm điều lành, sống theo chánh kiến, đó là hành động báo hiếu có ý nghĩa nhất. Bởi vì nếu ai thực hiện được như vậy thì cha mẹ của họ sẽ tăng phước, tăng thọ, an vui trong cuộc sống hiện tại mà đời sau cũng được thọ hưởng các quả báo tốt đẹp.
Hiếu dưỡng không chỉ báo đền ân đức cho cha mẹ mà chính người con cũng được tăng trưởng phước đức: “Cúng dường cha mẹ dù một chút ít cũng được phước đức vô lượng” (Kinh Tạp Bảo Tạng). Gia đình có con cháu hiếu thảo được Phật ca ngợi phước báu ngang hàng với Phạm thiên, xứng đáng được cúng dường. Kinh Tăng Chi, Phật dạy: “Những gia đình nào trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ , những gia đình ấy được chấp nhận ngang hàng bằng với Phạm thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường”. Chính Sakkha (Đế Thích) nhờ hiếu thảo với cha mẹ mà được phước báo thiên chủ, làm vua cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Điều này trong kinh Tương Ưng, đức Phật bảo Mahàli : “Này Mahàli, thuở xưa khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc : hiếu dưỡng với cha mẹ, kính trọng các bậc gia trưởng … Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakkha được địa vị Thiên chủ”. Kinh Hiền Ngu, Phật dạy: “Công đức hiếu thuận cha mẹ thù thắng khôn lường, nhờ công đức này trên làm Thiên đế, dưới làm Thánh vương cho đến thành Phật, được ba cõi tôn kính đều là do phước đức này vậy”.
       Nếu như con cái sống hiếu dưỡng với mẹ cha tạo phước đức vô lượng chừng nào thì bất hiếu là tội lớn nhất chừng đó. Chúng sanh phần nhiều vì nghiệp chướng che mờ tâm trí nên bất hiếu nhiều hơn hiếu thảo. Đức Phật xác định: “Điều ác nhất không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục). Giết hại cha mẹ là tội nặng nhất, rơi vào địa ngục không thể cứu chữa. Đã có nhiều người con giàu sang phú qúy nhưng cha mẹ vẫn ở túp lều tranh, nhiều người cơm ăn áo mặc đầy tràn nhưng cha mẹ vẫn áo quần tả tơi, bươn chãi từng ngày để lo sinh kế, thậm chí đã có những người con có những hành động mất tính người như chửi mắng cha mẹ, đánh đập cha mẹ và nhan nhãn những bài báo đăng tin con cái giết cha mẹ … Thật đau lòng thay! Cha mẹ gian lao khổ cực làm lụng nuôi đàn con khôn lớn, thế nhưng đàn con không nuôi nổi cha mẹ, bạc đãi cha mẹ. Nhân nào quả đó, rồi đến lúc những đứa con bất hiếu này lại bị con cái của họ đối xử tệ bạc lại với họ. Khi đó dù họ có hối hận cũng đã muộn rồi, chỉ còn con đường vào địa ngục đang mở cửa đón chờ họ ở phía trước.
Nói đến gương hiếu hạnh thì trước hết chúng ta phải kể đến Đức Phật Thích Ca là bậc đã thể hiện trọn vẹn tinh thần hiếu đạo. Sau ngày thành đạo, tưởng niệm công ơn sanh thành như trời biển của thân mẫu, Ngài đã nhiều lần lên cung trời đao lợi thuyết pháp cho mẹ nghe. Hoàng hậu Ma Gia cùng với các vị thiên tử từ cung trời Dạ Ma xuống cung trời Đao Lợi để nghe đức Phật thuyết pháp và chứng đắc được sơ quả Tu Đà Hoàn. Đối với vua Tịnh Phạn, Ngài cũng thể hiện là một người con rất mực hiếu đạo khi còn ở hoàng cung. Và sau ngày thành đạo, Ngài đã nhiều lần trở về cố hương thăm thân phụ, đồng thời thuyết pháp khuyến khích vua cha phát tâm quy y Tam bảo. Nhờ sự giáo hóa của đức Phật, vua tịnh Phạn đã trở thành một người Phật tử thuần thành. Cảm động nhất là đêm cuối cùng trước khi đức vua băng hà, Ngài đã ở trong cung suốt đêm thuyết pháp cho thân phụ khiến vua cha chứng được quả A Na Hàm. Và chính đức Phật đã đích thân khiêng linh cửu vua đến nơi trà tỳ.
Trong lịch sử Việt Nam đã có ghi nhiều tấm gương tiêu biểu như vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã bãi dịp Trung nguyên yến ẩm chúc tụng của bách quan đối với mình để làm lễ Vu Lan Bồn cầu siêu cho mẹ đúng như ý nghĩa Phật giáo. Sử cũng chép về vua Tự Đức (1829-1882), rằng một hôm vua đi bắn chim ở vùng Thuận Trực, An Nong, gặp nước lũ, thuyền vua về chậm, thái hậu sai quân đem thuyền đi đón. Về đến Thương Bạc, vua vội vã về cung, chỉnh trang y phục, sang chầu mẫu hậu. Thái hậu giận, ngồi xây mặt vào vách, vua Tự Đức tự nằm xuống, gác cây roi mây trên lưng mình chịu tội. Thái hậu quay mặt ra lấy tay hất cây roi và quở trách nặng lời. Đêm đó, vâng lời mẹ, vua thức suốt đêm để phê tấu chuẩn. Từ đó về sau vua không còn bỏ bê việc triều chính nữa.
Khi đặt vấn đề chữ hiếu trong cuộc sống hiện đại, có nhiều người tròn mắt ngạc nhiên vì cho rằng liệu điều đó có còn chân thật không? Liệu có khó quá để theo đuổi một hình thức gia đình kiểu cổ xưa ấy không … Nhưng điều may mắn là đâu đó vẫn lấp lánh những tấm gương hiếu thảo nổi lên giữa cuộc sống hiện đại này. Anh Nguyễn Thanh, sau một thời gian dài đi du học, tìm được một việc làm ổn định trong một công ty đa quốc gia. Một người học trường Tây, làm việc cho Tây như thế nhưng ở Nguyễn Thanh, niềm yêu mẹ gần như trở thành một thứ “đạo” . Anh làm việc đến 21 giờ hằng đêm mới nghỉ, thế mà mỗi ngày đều dành thời gian chạy về đón mẹ đi làm về. Đều đặn như thế mấy năm. Và những khi biết sân khấu nào có vở kịch mới, rạp nào có phim hay, Thanh lại mua vé về cho mẹ đi xem. Có hôm vừa ăn cơm với bạn xong, nhưng mẹ gọi điện bảo về ăn cơm thì vội vã “vâng ạ, con đang đói đây, sẽ về ăn cơm với mẹ ngay”. Thanh tâm sự : “Sở dĩ mình có thói quen gần như thành lệ như thế là vì trong lòng lúc nào cũng muốn bù đắp chút gì cho mẹ, bởi mẹ đã chịu nhiều trống vắng khi công việc của ba mình là phải xa gia đình thường xuyên.
Một trường hợp điển hình nữa là trường hợp anh H. Long, tuổi đã 35, với cuộc sống gia đình vợ con bề bộn và công việc của một kỹ sư xây dựng, anh vốn không có nhiều thời gian chăm sóc cha. Mẹ đã mất từ lâu, anh dồn tình thương cho người cha già yếu bắng cách thu xếp qủy thời gian eo hẹp của mình để về bên cha. Người cha già lắm, đang phải ngồi xe lăn vì không thể đi lại được. Và bà con ở Gò Vấp vẫn quen thuộc với hình ảnh anh kỹ sư thường đẩy xe lăn cho cha đi dạo. Anh tâm sự: “Để cho cha được nhìn thấy cuộc sống, hít thở bầu không khí trong lành, thoát khỏi cảnh chật chội của gia đình và nhất là để cho cha khỏi buồn”. Quan niệm của anh về hiếu thảo là một suy nghĩ bình thường, với anh không phải là điều quá lớn lao. Hiếu thảo tức là biết chăm sóc cha mẹ, thương yêu cha mẹ như chính cha mẹ đã thương yêu mình và đừng làm cho cha mẹ buồn lòng.
Phong tục Việt Nam còn giữ lại nét đẹp truyền thống phương Đông, cha mẹ sống sum vầy cùng con cháu, có gia đình cả bốn đời cùng ở chung một nhà, gọi là tam tứ đại đồng đường. Các nước phương Tây lại khác, thường thích sống độc lập, con cái đến tuổi trưởng thành là ra ở riêng. Cha mẹ già được đưa vào nhà dưỡng lão, tuy vật chất đầy đủ nhưng tình cảm không được thắm thiết. Nhiều người già được bảo lãnh theo diện đoàn tụ, qua ở một thời gian đã thấy nhớ quê hương da diết, không hòa nhập với cuộc sống xứ người. Nhất là những gia đình đã thâm nhập trong cuộc sống hiện đại, mỗi người là một ốc đảo, sự liên hệ giữa các thành viên không được khắng khít, từ đấy mà tình cảm đối với người trưởng thượng cũng không còn được thiêng liêng, người già càng mang mặc cảm tủi buồn của một kẻ sống thừa ăn bám. Thật ra người già có rất ít nhu cầu vật chất, nhưng nhu cầu về tình cảm lại nhiều. Nếu không hiểu rõ điều này để khéo cư xử thì chúng ta có thể vô tình làm các người buồn giận, khiến tuổi xế chiều càng ảm đạm hơn.
Đối với người cư sĩ tại gia, nếu cha mẹ còn sinh tiền là một phước duyên rất lớn, vì cha mẹ là phước điền thế gian. Chúng ta cố gắng làm cho cha mẹ hài lòng, vui sống trong những ngày còn lại của cuộc đời về cả ba phương diện vật chất, tinh thần và tâm linh. Về vật chất, chúng ta chăm lo cho cha mẹ theo khả năng của mình, thuốc thang chu đáo khi các người đau yếu. Về tinh thần chúng ta khéo léo hòa hợp, dạy dỗ con cái biết kính trọng thương yêu ông bà. Bởi lẽ người già thường cảm thấy cô độc, hay tủi thân, đôi khi có những quan điểm bảo thủ hơi lạc hậu, chúng ta nên cảm thông trân trọng và thường xuyên quan tâm gần gủi. Về tâm linh, chúng ta hướng cha mẹ vào con đường hiền thiện, quy y Tam bảo, giữ gìn giới cấm. Nếu cha mẹ đã là Phật tử, chúng ta tạo điều kiện cho các người đi chùa nghe pháp, gần gũi các bậc tôn túc, sách tấn cha mẹ thực hành pháp tu đã chọn. Nếu cha mẹ chưa hiểu gì về đạo pháp, lại thường tạo ác nghiệp thì chúng ta hết sức kiên nhẫn, khéo léo khuyên giải cha mẹ trở về với chánh kiến. Bên cạnh đó bản thân con cái cũng phải làm nhiều phước thiện, nổ lực tu hành để hồi hướng công đức chuyển đổi tâm cha mẹ. Những lúc cha mẹ ốm đau, đức Phật dạy con cái nên thực hành trai giới, bố thí, phóng sinh và tụng kinh cầu an. Khi cha mẹ mất, đức Phật dạy con cái nếu muốn báo ơn cha mẹ thì thất thất trai tuần phải bố thí, phóng sinh, tụng kinh cầu nguyện cho vong linh cha mẹ được siêu thoát (Kinh Di Đà, Kinh Địa Tạng). Sau 49 ngày con cái vẫn tiếp tục báo hiếu cho cha mẹ. Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, với lễ vu Lan Bồn, con cái tùy điều kiện hoàn cảnh, bố thí, phóng sinh, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho cha mẹ, cầu siêu cho cha mẹ tổ tiên nhiều đời.
Tóm lại, Vu Lan bồn là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật, mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu.

Tác giả bài viết: Tuệ Đạt

Nguồn tin: hoalinhthoai.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây