Đăng ký khai sinh cho trẻ - giờ đây đã trở thành một việc làm bình thường và không thể thiếu trong tư duy công dân cũng như trong hoạt động tư pháp của chính quyền. Thế nhưng, đây đó vẫn có nhưng nơi bị gọi là “điểm trắng” do tỷ lệ trẻ được đăng ký khai sinh quá thấp, hay ở nhiều địa phương trẻ bị đăng ký khai sinh quá hạn quá nhiều. Lỗi này phần lớn nằm ở sự kiếm hiểu biết của những người làm cha làm mẹ và không loại trừ cả sự ảnh hưởng từ phong tục, tập quán.
Đứa con ngoài giá thú của... bố mẹ
Vợ chồng trẻ cưới nhau được không bao lâu thì anh Nguyễn Văn Tiến (Quốc Oai - HN) đi làm ăn xa để lo kinh tế gia đình. Thi thoảng về thăm nhà, anh lại nghe đến tai những câu hàng xóm vu vơ về chuyện vợ anh ở nhà có chuyện “gió trăng”, vì vốn chị Tuyết có quán nước bán ở trước nhà văn hóa thôn, dáng vẻ cũng dễ nhìn, mau mồm, mau miệng.
Cơn ghen nổi lên ngấm ngầm nhưng anh Tiến vẫn lẳng lặng chờ đến ngày người vợ trẻ khai hoa nở nhụy. Bà con họ hàng đến thăm thằng cu đều nhận xét với anh Tiến: “Gớm, thằng bố đen thui mà thằng con cứ như trứng gà bóc, sướng nhé” mà không ngờ rằng câu khen ấy như mũi dao khoét sâu thêm cái hố nghi ngờ trong lòng ông bố trẻ.
Con qua tháng, chị Tuyết giục chồng ra xã làm giấy đăng ký khai sinh cho con. Nào ngờ anh Tiến tuyên bố thẳng: “Tôi không làm vì nó không phải con tôi. Cô lăng nhăng ở đâu rồi về đổ vấy cho tôi”. Anh còn dọa thêm vợ: “Cô mà đi làm giấy cho nó là tôi chém đấy”. Nghe chồng nói thế chị Tuyết sững sờ vì trong lòng chị xưa nay chỉ có mình anh Tiến, nhưng chị cũng lờ mờ đoán ra kẻ ngậm máu phun người là ai.
Chính là gã hàng xóm vẫn ngày ngày ngồi đồng ở quán nước tán tỉnh chị và đã bị chị mắng thẳng vào mặt mấy lần. Vợ chồng cãi nhau và đỉnh điểm là anh Tiến đã mời ông bà ngoại xuống để trả lại cô vợ và “đứa con lạc loài” theo lời của anh. Hiểu con gái mình và biết tính nóng bất cần suy xét của con rể, bố mẹ vợ anh Tiến đã đón mẹ con chị Tuyết về nhà. Và, tại nhà đẻ chị Tuyết đã ra chính quyền làm giấy khai sinh cho con, lúc này đã được gần 1 tuổi.Vì quá uất ức việc chồng xúc phạm danh dự của mình, chị Tuyết đã không khai tên bố đứa trẻ và con như đó là đứa con ngoài giá thú của chị.
Rồi dần dà, anh Tiến cũng hiểu ra rằng mình đã hồ đồ mắc mưu gã hàng xóm đê tiện mà nghi oan vợ, ruồng bỏ con. Anh tìm đến xin lỗi bố mẹ vợ xin đón vợ con về. Vợ chồng họ lại đoàn tụ với nhau, nhưng tấm giấy khai sinh của thằng con thì vẫn trống tên bố. “Vì thủ tục làm lại thấy cán bộ bảo lằng nhằng quá, mà tôi lại mải làm ăn chưa có thời gian”- anh Tiến gãi đầu gãi tai phân trần...
Khi lễ tục xâm phạm quyền của trẻ
Trong đời sống xã hội, nhiều lần chúng ta đã nghe nhắc đến cụm từ “tước quyền làm cha mẹ” trong tình huống có những bậc sinh thành có hành vi quá vô lương, ác độc... với con cái mình. Như vậy, làm cha làm mẹ không chỉ là thiên chức trời phú, đó còn là một thứ quyền. Mà đã là quyền thì không thể tránh khỏi sự lạm quyền. Xuất phát từ quyền được làm cha làm mẹ và vì lợi cá nhân mà đã xâm phạm quyền được khai sinh, quyền được biết nguồn gốc huyết thống của trẻ em cũng là một kiểu lạm quyền, theo nhận định của TS.Nguyễn Thị Lan - Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội.
Theo phân tích của TS.Lan, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được khai sinh để xác định tư cách chủ thể của đứa trẻ đó với tư cách là một thành viên trong xã hội. Việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em phụ thuộc trước hết vào các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, cha mẹ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà đã xâm phạm quyền khai sinh của trẻ như khi sinh con do phát sinh mâu thuẫn giữa vợ và chồng do người chồng nghi ngờ đứa bé không phải con mình nên không đi làm giấy khai sinh hoặc do người vợ tức chồng mà khi làm giấy khai sinh cho con không khai họ tên chồng vào phần cha đứa trẻ như câu chuyện anh Tiến, chị Tuyết ở Quốc Oai nói trên.
Bên cạnh nguyên nhân người làm cha mẹ thông qua thủ tục đăng ký khai sinh mà tước bỏ đi quyền được xác lập quan hệ huyết thống thì còn có nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng đó là do phong tục, tập quán. Ví dụ như do tập quán thủy cư của một số gia đình sống trên thuyền quanh năm nay đây mai đó, cha mẹ không chú trọng đến việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Hay do các phong tục của dân tộc như lễ ba trăng của đồng bào Dao, lễ rửa tội của đồng bào Công giáo, lễ thổi tai của đồng bào Bana, lễ cúng mụ của người Kinh dẫn đến việc nhiều trẻ em bị khai sinh quá hạn hoặc thậm chí có nơi trở thành “điểm trắng” về khai sinh...
Việc người mẹ đơn thân thực hiện thiên chức làm mẹ và vì muốn giữ bí mật về người cha đứa trẻ nên không thực hiện quyền xác định cha cho con cũng là một ví dụ về chuyện trẻ em bị xâm phạm quyền được biết nguồn gốc huyết thống, theo TS.Nguyễn Thị Lan.
Nhằm đảm bảo quyền khai sinh cho trẻ, pháp luật đã quy định thời hạn khai sinh cho trẻ là 60 ngày. Nếu vượt quá thời gian trên thì được xem là khai sinh quá hạn. Tất nhiên việc khai sinh quá hạn thì lỗi trước tiên thuộc về cha mẹ và những người thân thích của đứa trẻ. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài để hạn chế việc đăng ký khai sinh quá hạn rất khó khăn vì nó có thể ảnh hưởng đến quyền khai sinh cho đứa trẻ. Trong trường hợp trẻ bị xâm phạm quyền được biết nguồn gốc huyết thống, có nhiều đạo luật quy định quyền yêu cầu, cách thức thực hiện để xác định cha mẹ con như Bộ luật Dân sự, Luật HN&GĐ, Bộ luật TTDS, NĐ 58/2005/NĐ-CP... Tuy nhiên, nếu một khi người mẹ đã cố tình muốn giữ bí mật và không yêu cầu xác định cha cho con và bản thân người cha cũng không có yêu cầu, thì việc đảm bảo quyền này của đứa trẻ là rất khó thực hiện, vì quyền xác định cha mẹ con trước hết thuộc về những người trong chính mối quan hệ đó. |
Hồng Minh (còn tiếp)