Ưu Bà Tắc Giới Kinh 1/28 - Tập Hội

admin

11 tháng trước

552 lượt xem
 Thêm vào Playlist  Báo cáo

Chọn nội dung báo cáo

Không phát được
Nội dung không phù hợp
Nội dung vi phạm bản quyền
Lý do khác ( Kiểm duyệt lại Video)
Gửi báo cáo
Ưu Bà Tắc Giới Kinh 1/28, Tập Hội

Khi nghe giới thì dùng tâm cầu giới để mong muốn được học giới, không được mang tâm nghe để soi lỗi người khác, nghe để đi tìm lỗi của người khác hay nói lỗi của người khác... để tới khi nào đủ duyên tới khi Thầy trụ trì có dịp truyền giới thì các cụ Phật tử có thể phát tâm thọ trì giới để được đắc giới thể giống như Pháp. Vì giới của Bồ tát sẽ luôn đi theo mình nhiều đời nhiều kiếp đời sau lại được gặp lại để thọ trì tiếp trừ khi mình phạm nhiều trọng tội không thể sám hối thì sẽ mất giới thể hoặc có thể phải đi trả nghiệp và thọ tội tới khi hết mới được gặp lại để thọ trì tiếp. Còn giới Thanh văn là giới của Phật tử tại gia khi mới truyền thọ Tam Quy Y và thọ trì ngũ giới thì sau khi mất giới thể cũng sẽ mất theo tới đời sau sinh ra cần đủ duyên mới gặp Phật pháp và phát tâm tu học Phật Pháp và tham dự lễ truyền thọ Tam Quy Y - Ngũ giới trở lại lúc đó mới được tính là một Phật tử tại gia chính thức.

TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH
(ƯU BÀ TẮC GIỚI KINH)
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm
Việt dịch: Tỳ kheo Thích Pháp Chánh
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
* Thực hành giáo pháp đức Phật vào đời sống là người có trí huệ, chắc chắn được hạnh phúc. Tìm hiểu giáo pháp đức Phật để thỏa mãn kiến thức, lý luận thấp cao là rơi vào không tưởng, chẳng khác người không tắm gội mà mặc áo mới, kẻ say rượu mà luận bàn đạo lý.  HT THÍCH ĐỨC NIỆM
 

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ “TÌM HIỂU THANH VĂN THỪA VÀ BỒ TÁT THỪA”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ VỀ
“TÌM HIỂU THANH VĂN THỪA VÀ BỒ TÁT THỪA”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ & TRÍ VỊNH

 

Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

Sáng 04/11/2017, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Tìm hiểu Thanh văn thừa và Bồ tát thừa”.

Cư sĩ đã trình bày về hai thừa rất rõ ràng, rành mạch và dễ hiểu. Thanh văn thừa và Bồ tát thừa đều hướng con người đến sự giải thoát khổ đau, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo (giác ngộ) dưới cội Bồ-đề Ngài liền nghĩ đến năm người bạn đồng tu (5 anh em Kiều Trần Như). Phật liền phương tiện huyền xão nói pháp Tứ Diệu Đế , năm vị này nghe liền ngộ đạo chứng quả A la hán. Thanh văn thừa tuân thủ 5 bộ kinh trong Hệ Pali do lần kết tập kinh điển lần thứ nhất. Trong đại hội kết tập kinh điển này tôn giả A nan đọc về kinh, tôn giả Ưu ba li đọc về luật. Năm bộ kinh này là: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh và Tiểu bộ kinh.

Trong giới luật của Thanh văn thừa, cư sĩ giữ 5 giới, người mới xuất gia (sadi) giữ 10 giới và tỳ kheo giữ 250 giới. Giới có nghĩa là đạo đức nói chung, đồng thời là những phép tắc, đặt ra cho các Phật tử xuất gia và cư sĩ đã thọ giới nhằm ngăn ngừa ác nghiệp và giữ gìn phẩm hạnh. Bên cạnh đó, Thanh văn thừa còn có Bát quan trai giới để người cư sĩ tập đời sống của người xuất gia nhằm gieo duyên. Những giới trên gọi chung là Thanh văn giới.

Các quả vị của Thanh văn thừa gồm: Đối với người cư sĩ tại gia, quả vị sẽ là luân hồi về cõi Trời, Người. Đối với tăng sĩ có 4 quả vị theo thứ tự là: Tu đà hoàn (còn gọi là Dự lưu), Tư đà hàm (còn gọi là Nhất lai), A na hàm (còn gọi là Bất hoàn), A la hán (còn gọi là Bất sinh).

Còn về Bồ tát thừa, tuân thủ tam tạng kinh điển nói chung. Trong giới luật của Bồ tát thừa, cư sĩ thọ 5 giới, người mới xuất gia (sadi) giữ 10 giới, tỳ kheo thọ 250 giới, tỳ kheo ni thọ 348 giới. Bên cạnh việc thực hành Bát quan trai giới, người cư sĩ còn phải hành Thập thiện. Thập Thiện giới là con đường tu học thiết thực trong các phần giới, đó cũng là ý nghĩa của chánh đạo. Ở kinh Tạp A Hàm quyển 29, Đức Phật có dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Đó là ý nghĩa Thập Thiện giới cũng là chánh đạo, là con đường thành tựu Giới-Định-Tuệ. Vì muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sanh tử, thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nên tu tập Thập Thiện giới. Nội dung thực hành có 2 bước: Chỉ và Hành. Chỉ là dừng mọi hành động xấu ác có hại đến mình và chúng sanh. Hành là làm việc lành, giữ đúng giới luật, đem lại lợi ích cho mình và chúng sanh.

Cư sĩ tại gia có thể thọ giới Bồ tát. Trong các đại giới đàn (cấp tỉnh, thành) hiện nay, các giới tử thọ nhận giới Bồ tát theo tinh thần Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì. Riêng giới Bồ tát theo quan điểm của Ưu Bà Tắc Giới Kinh (Đại Chính, tập 24) gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh.

Sau khi nghe cư sĩ Trần Đình Sơn trình bày về “Tìm hiểu Thanh văn thừa và Bồ tát thừa”, cử tọa đã nêu nhiều thắc mắc để cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ những băn khoăn giữa Nam tông và Bắc tông hiện nay.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Cử tọa trao đổi sôi nổi quanh đề tài Thanh văn thừa và Bồ tát thừa

Điểm Dị Đồng Của Giới Thanh Văn Và Bồ Tát

B. Thinh Văn Giới dữ Bồ Tát Giới dị đồng (Ðiểm dị đồng của giới Thanh Văn và Bồ Tát)

      Hành giả tu học Phật pháp, căn cứ theo kinh từ trước đến nay, phân làm 2 loại: Hàng Thanh Văn thì phát tâm chán lìa và hàng Bồ Tát thì phát tâm Bồ Ðề. Bất luận chỗ phát tâm của hành giả thuộc Ðại Thừa hay Tiểu Thừa (Thanh Văn thuộc Tiểu Thừa, Bồ Tát thuộc Ðại Thừa) khác nhau như thế nào, nhưng cả hai vẫn đồng có giới hạnh riêng để tự tu trì.

Sự sai biệt của hai hạng hành giả nói trên như thế nào?

Ðây là một vấn đề chúng ta cần phải thấu triệt. Quan niệm thông thường cho Biệt Giải Thoát Giới của thất chúng Phật tử thuộc về giới hạnh tu trì của hàng Thanh Văn; Tam Tụ Tịnh Giới là giới hạnh tu trì của hàng Bồ Tát. Ðứng về mặt đại thể, đây là biểu thị sự sai biệt giữa hai giới Thanh Văn và Bồ Tát. Nhưng nói một cách quả quyết, nghiêm cẩn và tường tận hơn, thì điểm dị đồng giữa hai giới Thanh Văn và Bồ Tát lại phải căn cứ vào nhiều phương tiện để luận đàm. Các phương diện đó bao gồm tám chủng loại sau đây:

1. Thông Giới dữ Biệt Giới (thông giới và biệt giới)

* Thanh Văn giới thuộc về Biệt Giới: những giới mà thất chúng Phật tử từng hạng bẩm thọ riêng, như:

- Ngũ Giới là Giới của các Phật tử tại gia bẩm thọ.

- Thập Giới là Giới của Phật tử xuất gia sa-di, sa-di-ni.

- Sáu học pháp là Giới của Thức-xoa-ma-na.

- Cụ Túc Giới là Giới của tỳ kheo, tỳ-kheo-ni.

Ðệ tử Phật sở dĩ được phân làm thất chúng là do nơi sự bẩm thọ giới pháp bất đồng phát sinh ra. Chiếu theo chỗ thọ giới pháp khác nhau của thất chúng Phật tử mà phân biệt, thì chẳng những có từng lớp cạn sâu trong từng giới, mà còn phân ra những giới dành cho nam, nữ Phật tử riêng thọ. Ðiều này do bởi chính Ðức Phật chế ra khi còn tại thế, chế lập đầu tiên. Ngài vì muốn thích ứng với hoàn cảnh xã hội cũng như tâm cơ sanh chúng đương thời, nên chế giới ngăn cấm Phật tử không được hành động như thế này hay thế khác.

* Bồ Tát Giới thuộc về Thông Giới: Bất cứ Phật tử nào có tín tâm đối với Phật đều có thể thọ. Chỉ đặc biệt là phải có một điều kiện duy nhất: phải phát tâm Bồ Ðề, bất luận tại gia hay xuất gia; già, trẻ, lớn, nhỏ, nam, nữ v.v... Ðó là điểm cốt yếu cho những ai muốn bẩm thọ Bồ Tát Giới.

- Như người nào trước kia thọ Ngũ Giới, về sau phát tâm Bồ Ðề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Ưu Bà Tắc hoặc Bồ Tát Ưu Bà Di.

- Như người trước kia thọ Thập Giới, về sau phát tâm Bồ Ðề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Sa Di hoặc Bồ Tát Sa Di Ni.

- Như người trước kia thọ Cụ Túc Giới, về sau phát tâm Bồ Ðề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Tỳ Kheo hoặc Bồ Tát Tỳ Kheo Ni.

Căn cứ vào việc mọi hành giả theo Phật pháp, khi đã phát tâm Bồ Ðề, đều có thể thọ Bồ Tát Giới, nên gọi là Thông Giới.

2. Nhiếp Luật Nghi Giới dữ Tam Tụ Tịnh Giới (Nhiếp Luật Nghi Giới và Tam Tụ Tịnh Giới)

* Thanh Văn Giới mà thất chúng Phật tử riêng thọ, thông thường gọi là Nhiếp Luật Nghi Giới.

- Công dụng duy nhất của giới này cốt ở sự “phòng phi chỉ ác” (phòng ngừa tất cả những việc sai quấy mà ngăn dứt tất cả tội ác), cho nên đều dạy chúng ta những sự việc nào không nên làm. Hành giả nếu đúng như pháp tuân giữ, sẽ riêng được giải thoát. Cho nên Nhiếp Luật Nghi Giới còn được gọi là Biệt Giải Thoát Giới.

* Ngoài Nhiếp Luật Nghi Giới, hành giả Thanh Văn còn có Ðịnh Cộng Giới và Ðạo Cộng Giới (còn gọi là Tịnh Lự Luật Nghi và Vô Lậu Luật Nghi).

- Biệt Giải Thoát Giới chứng đắc từ nơi sự bẩm thọ, trong khi Ðịnh Cộng Giới và Ðạo Cộng Giới không phải do nơi bẩm thọ mà chứng đắc. Ðây là sự khác biệt của ba loại giới nói trên.

- Biệt Giải Thoát Giới thuộc về thi-la của cõi Dục Giới.

- Ðịnh Cộng Giới thuộc về thi-la của cõi Sắc và Vô Sắc Giới.

Dù có sự sai biệt như vậy, nhưng đồng thuộc về nghiệp hữu lậu trong tam giới. Ðạo Cộng Giới thuộc về thi-la vô lậu, không thuộc về nghiệp trong tam giới. Ðịnh Cộng Giới và Ðạo Cộng Giới dù có những đặc điểm riêng, nhưng cùng đồng tôn chỉ khuyên răn xa lìa tội ác. Cả hai giới này đều gọi là “tùy tâm chuyển giới” (giới tùy theo tâm mà chuyển biến).

Khi tâm của hành giả ở trong trạng thái Ðịnh, tương ứng với cảnh Ðịnh, hoặc lúc tâm tương ứng với Vô Lậu Thánh Ðạo; khi ấy, hai nghiệp thân, ngữ của hành giả tùy thuận theo sự tương ứng đó mà phát sanh tác dụng “phòng phi chỉ ác” một cách tự nhiên.

Tác dụng này là do khi hành giả ở trong Ðịnh và Vô Lậu Ðạo mà phát sanh. Dù có công hiệu như vậy, nhưng phỏng sử một khi xuất định, hoặc giả khi tâm duyên theo cảnh khác thì tác dụng “phòng phi chỉ ác” cũng tùy theo đó mà mất đi lập tức.

Cho nên Ðịnh Cộng Giới, Ðạo Cộng Giới và cả Biệt Giải Thoát Giới (luật nghi do bẩm thọ mà chứng đắc) bị chuyển biến suốt đời. Ðây lại có thêm một điểm tương đồng giữa ba giới.

Ngoài Nhiếp Luật Nghi Giới, Ðại Thừa Bồ Tát Giới lại còn có Nhiếp Thiện Pháp Giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.

- Nhiếp Thiện Pháp Giới: hành giả thọ giới Bồ Tát không phải chỉ không được làm tất cả những điều ác là đủ; vì như vậy mới chỉ thể hiện ở mặt tiêu cực. Hành giả còn phải cố gắng tu tập các thiện pháp. Ðây mới chính là thể hiện mặt tích cực.

Ấn Thuận Ðại Sư có dạy: “Người học Bồ Tát đạo để mong cầu thành Phật quả, không phải có một việc là xa lìa và không làm các pháp nhiễm ô, rồi cho là xong chuyện. Nói thí dụ như một khu vườn chẳng những cần phải dọn dẹp, nhổ và phát cỏ cho sạch sẽ; lại còn cần trồng những thực vật hữu dụng. Cho nên Bồ Tát cần phải học rộng tất cả những Phật pháp, viên thành tất cả công đức, thì mới có thể thực hiện được sự tích cực phi thường”.

Dù hành giả Thanh Văn bẩm thọ Luật Nghi Giới, không phải là hoàn toàn không cần tu tập tất cả thiện pháp, nhưng vẫn không giống với sự rộng học tất cả Phật pháp của hành giả Bồ Tát.

- Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: biểu thị sự việc hành giả Bồ Tát lấy việc hóa độ chúng sanh làm chủ đích. Vì Bồ Tát phát tâm hóa độ chúng sanh, nếu không thực hành việc độ sanh thì đâu thể gọi là Bồ Tát?

Bồ Tát đã lấy việc nhiếp hóa chúng sanh làm căn bản, lẽ đương nhiên chính bản thân mình phải làm mô phạm cho chúng sanh. Nếu như bản thân Bồ Tát không tu giới hạnh, thử hỏi thì làm sao được sự tín nhiệm của chúng sanh?

Cho nên nếu lấy sự hóa độ chúng sanh làm hạnh nguyện thì cần nghiêm giữ giới pháp không được vi phạm.

Có người cho giới Thanh Văn là quá nghiêm cẩn, mỗi chút mỗi vi phạm. Vì thế rất khó giữ gìn cho trọn vẹn, nhưng giới Bồ Tát trái lại rất khoan dung; vả lại, đại sĩ không câu chấp tiểu tiết. Bấy giờ mọi người đua nhau nguyện tu học Ðại Thừa Bồ Tát, đều tự cho mình là hành giả đã an trụ trong Bồ Tát hạnh. Khi làm những điều bất hợp pháp, bị người khác chỉ trích là luật nghi không hoàn chỉnh, lại lấy cớ ta đây là Bồ Tát để đáp lại kẻ chỉ trích mình, không biết đó chính là điều tuyệt đối sai lầm.

Chân chánh và thẳng thắn mà nói, Bồ Tát nếu muốn làm sư phạm cho nhơn thiên, điều kiện trước nhất cần thọ trì là Nhiếp Luật Nghi Giới. Vì Nhiếp Luật Nghi Giới chẳng những là cội gốc của Nhiếp Thiện Pháp Giới mà còn là cơ thạch cho Nhiêu Ích Hữu Tình Giới (cơ là nền tảng, thạch là đá; nghĩa là nền tảng xây bằng đá, mượn để thí dụ cho Nhiếp Luật Nghi Giới là một nền tảng rất cứng chắc cho Nhiêu Ích Hữu Tình và Nhiếp Thiện Pháp Giới).

Bồ Tát nếu không khéo hộ Nhiếp Luật Nghi Giới, thì chẳng những với Nhiếp Thiện Pháp Giới không thể sanh khởi, mà luôn cả Nhiêu Ích Hữu Tình Giới cũng hoàn toàn không thực hiện được. Vì thế, hành giả Bồ Tát đối với Tam Tụ Tịnh Giới, cần phải xem trọng ngang nhau. Có như thế, mới thể hiện rõ điểm đặc sắc của Ðại Thừa Bồ Tát Giới.

3. Tùng sư thọ giới dữ bất tùng sư thọ giới (thọ giới nơi thầy và không thọ giới nơi thầy)

Thọ giới mà đắc giới có một pháp thức nhất định, nhưng giới Thanh Văn và Bồ Tát đều có chỗ bất đồng. Thất chúng Phật tử Thanh Văn thừa muốn thọ giới, đại thể mà nói, đều phải có thầy truyền trao giới pháp.

Như chúng tại gia thọ trì Ngũ Giới, phải thọ từ nơi một đại đức xuất gia. Ðiều này trong nhiều kinh điển và luận Câu Xá đều nói như vậy. Trường hợp nhất định không tìm không có sư tôn truyền thọ giới pháp, có thể đặc biệt cho phép tự phát nguyện bẩm thọ. Việc này trong Luật Tứ Phần và Ðại Trí Ðộ Luận quy định như vậy. Ðây chẳng qua là phương tiện ngoại ngạch, bất đắc dĩ.

Như thế, nếu gặp trường hợp có sư tôn truyền trao giới pháp, thì tuyệt đối không được áp dụng ngoại lệ tự phát nguyện bẩm thọ. Ðến như chúng tại gia thọ Bát Quan Trai Giới, cũng phải ở trước ngũ chúng xuất gia mà bẩm thọ, lại còn phải tìm một vị giới sư suốt đời không ăn phi thời làm thầy truyền giới.

Trường hợp không thể tìm được vị sư tôn như thế, Phật tử có thể ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát tự phát thệ thọ giới.

Ðối với chúng xuất gia thọ giới Sa Di và Sa Di Ni, phải có hai thứ giới sư truyền giới. Trường hợp đặc biệt thọ giới Cụ Túc, phải có đủ tam sư thất chứng. Ðây là nghi thức tối quan trọng.

Vấn đề từ Thập Sư thọ giới Cụ Túc dành cho những nơi Phật pháp thịnh hành, Tăng chúng đông đảo. Trái lại, đối với những vùng biên địa hẻo lánh, Tăng chúng không đông, không có phương tiện quy tụ đầy đủ Thập Sư truyền giới, có thể giảm bớt phân nửa, chỉ cần 5 vị: bốn vị làm chúng Tăng, một vị làm Yết Ma sư tác pháp để truyền trao giới phẩm. Ðây là chánh thuyết của Tỳ Bà Sa Luận, Chánh Lý Luật v.v... Ðức Ðạo Tuyên Luật Sư cũng căn cứ theo thuyết này.

Tóm lại:

Giới Thanh Văn quyết định phải thọ giới pháp từ nơi thầy với các nghi thức quy định bắt buộc.

Về giới Bồ Tát, phần nghi thức được quy định như thế nào?

Ðiều này trong kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc dạy rõ có 3 phẩm thọ giới: thượng, trung, và hạ phẩm.

- Thượng phẩm: Từ nơi Ðức Phật mà thọ giới. Ðiều kiện này rất khó thực hiện. Trong kinh Phật dạy: “Một là giới tử lúc thọ giới, ở trước chư Phật, Bồ Tát mà bẩm thọ. Ðây thực sự là Thượng Phẩm Giới”.

- Trung phẩm: Từ nơi những đệ tử của Phật mà bẩm thọ. Trong kinh Phật dạy: “Hai là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt. Trong vòng một ngàn dặm, nếu có vị Bồ Tát nào đã thọ giới trước thì phải thỉnh làm Pháp Sư, dạy bảo, truyền trao giới pháp cho mình. Trước tiên, phải thành kính đảnh lễ dưới chân Pháp Sư, thứ đến tác bạch như vầy: ‘Kính thỉnh tôn giả làm thầy truyền trao giới pháp cho con’. Giới tử đắc giới ấy gọi là Trung Phẩm giới”.

- Hạ phẩm: Sự thọ giới trong trường hợp không gặp Phật xuất thế, hoặc đã nhập diệt, trong vòng ngàn dặm cũng không có đệ tử của Phật để làm thầy truyền giới, Phật tử có thể ở trước hình tượng Phật bẩm thọ. Trong kinh Phật dạy: “Ba là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt, trong vòng nghìn dặm, không có Pháp Sư làm thầy truyền trao giới pháp thì nên ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát, hồ quỳ chắp tay tự thệ nguyện thọ giới. Nên tác bạch như vầy: Ðệ tử... kính bạch thập phương chư Phật và đại địa Bồ Tát, con nguyện thệ học tất cả giới của tất cả Bồ Tát. Ðây là hạ phẩm giới”.

Ấn Thuận Luật Sư thuyết minh: “Trường hợp thậm chí không có hình tượng Phật để tự thọ giới thì y cứ theo trong kinh Phổ Hiền Quán dạy: Giới tử có thể quán tưởng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm hòa thượng, Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm Yết Ma A Xà Lê, Di Lặc Bồ Tát làm Giáo Thọ A Xà Lê, vẫn có thể thọ giới được”.

Theo kinh Phạm Võng này chỉ có hai cách thọ giới:

- Tự thệ thọ giới: Ðây là trường hợp trong vòng mấy ngàn dặm, không có Pháp Sư truyền trao giới pháp. Giới điều thứ 23 trong 48 giới khinh, tuyên thuyết minh bạch như vầy: “Dục dĩ hảo tâm thọ Bồ Tát Giới thời, ư Phật, Bồ Tát hình tượng tiền, tự thệ thọ giới, đương dĩ thất nhật, Phật tiền sám hối, đắc kiến hảo tướng tiện đắc giới. Nhược bất đắc hảo tướng, ưng nhị thất, tam thất, nãi chí nhất niên, yếu đắc hảo tướng. Ðắc hảo tướng dĩ, tiện đắc Phật, Bồ Tát hình tượng tiền thọ giới. Nhược bất đắc hảo tướng, tuy Phật tượng tiền thọ giới, bất danh đắc giới”.

(Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ Tát, thì đối trước tượng Phật cùng tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật và tượng Bồ Tát, sám hối trong bảy ngày. Nếu thấy được hảo tướng là đắc giới. Nếu chưa thấy được hảo tướng thì sám hối 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm, cầu cho được thấy hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng, thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới).

- Từ thầy thọ giới: Ðây là trường hợp có thể thỉnh được vị Pháp Sư truyền trao giới pháp. Cũng theo giới điều hai mươi ba dạy tiếp rằng: “Nhược tiên thọ Bồ Tát giới Pháp Sư tiền thọ giới thời, bất tu yếu kiến hảo tướng. Hà dĩ cố? Thị Pháp Sư chư sư tương thọ cố, bất tu hảo tướng. Thị dĩ Pháp Sư tiền thọ giới thời tức đắc giới, dĩ sanh chí trọng tâm cố tiện đắc giới”.

(Nếu khi đối trước vị Pháp Sư đã thọ giới Bồ Tát thì không cần thấy hảo tướng. Vì sao vậy? Vì vị Pháp Sư là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp Sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới).

Với hai trường hợp thọ giới đã nói rõ ở trên, Ấn Thuận Luật Sư trịnh trọng dạy như vầy: “Nếu không có Phật xuất thế, cũng không có đệ tử Phật, thì có thể ở trước tượng Phật hoặc quán tưởng Phật mà thọ giới, nhưng nếu có đệ tử Phật thì vẫn cần phải từ nơi đệ tử của Phật mà bẩm thọ giới mới là thích hợp”.
 
Trích từ: Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Chưa có đánh giá nào

  Ý kiến bạn đọc

Video mới hơn

Video cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây