Lịch Sử Chùa Tản Viên Sơn Quốc Tự

Chùa Tản Viên có tên hiệu đầy đủ là “Tản Viên Sơn Quốc Tự“, Đây là một ngôi chùa cổ có từ ngàn xưa. Chùa Tản Viên Sơn tọa lạc trên một vị thế rất đẹp trên núi Ba Vì - Hà Nội.

Chùa Tản Viên có tên hiệu đầy đủ là "Tản Viên Sơn Quốc Tự", là ngôi chùa cổ có niên đại lịch sử từ thời nhà Lý (nửa đầu thế kỷ 11). Ngôi chùa tọa lạc quá xa nơi trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, cho nên tới thời hậu Lê, ngôi chùa đã hoàn toàn bị xuống cấp và trở thành một phế tích.
 

Tản Viên Sơn Quốc Tự ngày nay
 
   Tới thời nhà Nguyễn, ngôi chùa đã được bà con nhân dân chuyển về khu đất mới trước cửa Đền Trung. Qua hai cuộc   kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngôi chùa lại một lần nữa bị hoang tàn bởi thời gian mưa nắng. Tới năm 1997, được   sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương, Phật tử Vương Thị Nhật đã phát tâm kêu gọi công đức để tu sửa lại.

   Tới tháng 4 năm 2008, nhận lời thỉnh mời của nhân dân và sự đồng thuận của các cấp chính quyền; Ban Trị Sự Phật   Giáo Tỉnh Hà Tây đã bổ nhiệm Đại đức Thích Đạo Thịnh - ủy Viên Ban Trị Sự - Phó trưởng ban Hoằng Pháp Phật Giáo   Tỉnh về   trông nom, trụ trì để hoằng truyền chính pháp.

   Ngay sau khi tiếp nhận, Đại Đức đã làm đơn gửi các cấp Chính quyền và Ban lãnh đạo vườn Quốc Gia Ba Vì; Ban lãnh   đạo Công ty cổ phần đầu tư Du Lịch Suối Cái để xin chuyển ngôi chùa về đúng vị trí cũ.

   Được sự chấp thuận của các cấp chính quyền và các ban ngành hữu quan, ngày 2 tháng 6 năm Mậu Tý, tức ngày 4 tháng 7 năm 2008 nhà chùa và nhân dân đã làm lễ khởi công - động thổ chuyển ngôi chùa mới trước cửa Đền Trung về vị trí cũ như hiện nay.
 
Chùa Tản Viên mới xây dựng nhìn từ sau
 
   Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và tín đồ Phật tử thập phương, Đại Đức trụ trì đang làm quy hoặch tổng thể, trình UBND Thành Phố Hà Nội xin được trùng tu - tân tạo toàn bộ khu chùa trở thành một "Đại Tùng Lâm Tu Viện".

   Với mô hình kiến trúc theo kiểu "Nội Công Ngoại Quốc"; có Tả Vu, Hữu Vu, Tiền Phật, Hậu Tổ, cuối Tăng Đường... và khu Nội Viện, vừa đáp ứng nhu cầu tu học, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, chắc chắn ngôi chùa sẽ trở thành một "Đại Danh Thắng" không chỉ ở trong nước mà còn mang tầm cỡ Quốc Tế trong tương lai.
 
 Pho đức Thế Tôn cao 7,78 mét
Ngôi Chính Điện với lối kiến trúc "Cổ - Kim kết hợp", diện tích khoảng 500m2, được thiết kế theo kiểu 3 cổ chồng diêm mười hai mái.

   Tôn tượng được thờ trong Chính điện gồm có ba pho: Pho đức Thế Tôn cao 7,78 mét; Là tôn tượng bằng gỗ mít lớn nhất  khu vực Đông Nam Á hiện nay. Còn lại hai bên Tả - Hữu là hai pho Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát cao 3,5 mét đã tạo nên  cho ngôi chùa vẻ uy nghiêm và tráng lệ.

Hai bên tả hữu phía trước chùa là Tháp Chuông và Tháp Trống. Đối diện trước chính điện là Động Quan Âm thiên tạo.    Tương truyền nơi đây chính là nơi mà Bồ Tát Quan Âm đã tu hành và truyền đạo cho Tam vị tối linh thần Tản Viên Sơn    Thánh. 

Bên tả Chính điện là dãy nhà khách, với lối kiến trúc 2 tầng(tầng trệt là nhà để xe),tổng diện tích khoảng 400m2; Bên hữu    Chính điện là dãy Tăng đường với lối kiến trúc 1 tầng mái ngói - khoảng 250m2.

Phía sau Chính điện là biển non bộ với hình "Thần Kim Quy Hai Đầu Bái Phật Cầu Kinh", một kiệt tác thiên nhiên có một    không hai của trời Nam. 

Phía trên Thần Kim Quy là Nhà thờ Tổ, Tịnh Thất, Trai Đường, Nhà Trù, Vường Lâm Tỳ Ni, Tuyết Sơn Khổ Hạnh Lâm, Vườn Lộc Uyển, Rừng Sa La Song Thọ...tổng diện tích khoảng 1.000m2.

Trên đường vào khu Nội Viện, phía bên tả chùa là "Long Tỉnh Tuyền"(giếng rồng tiên). Khi vừa trấn tích xây dựng ngôi chùa, vì không có nước sinh hoạt, Đại Đức trụ trì đã thắp hương cáo bạch với chư vị Thần Linh, xin chư vị dâng cúng Tam Bảo một nguồn nước tịnh. Đêm đến Đại Đức đã được thần nhân báo mộng và chỉ cho nơi đào giếng. Quả thực giếng vừa đào được trên 3 mét thì một mạch nước lớn trong xanh đã tuôn trào. Kể từ đó mùa khô nước giếng không bao giờ cạn. Đầu xuân du khách về trẩy hội thường xin nước ấy về tẩy trần nhà cửa để cầu được may mắn. Để cảm tạ Thần Linh, Đại Đức trụ trì cho đặt tên giếng là"Long Tỉnh Tuyền" để hồi ân.
Cổng vào đền trung - Chùa Tản Viên


Cổng vào đền trung - Chùa Tản Viên
Qua khu giếng tiên là Suối Quan Âm, được bắt nguồn từ đỉnh Núi Mẹ và một phần của sườn dãy núi Chàng Rể. Dự kiến toàn bộ khu suối sẽ được đặt 500 tôn tượng A La Hán để nhân dân và tín đồ phật tử thập phương về chiêm bái và cầu phúc trong tương lai.

Qua Suối Quan Âm là khu Nội Viện, với diện tích khoảng 6ha, được quy hoạch các công trình lớn mang tầm cỡ Quốc Gia - Quốc Tế, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học cho nhân   dân và các tín đồ Phật tử thập phương.
 
 Động Quan Âm
Với tổng diện tích quy hoạch như vậy (khoảng trên 20.000m2) phần kinh phí để   kiến thiết, xây dựng là rất lớn. Thay mặt nhà chùa Tôi xin phát lời Thông bạch Công Đức tới tất cả Nhân dân, các doanh   nghiệp, các tổ chức xã hội và quý Phật tử thập phương. Tôi mong rằng dưới ánh hào quang của Chư Phật cũng như tâm   huyết và lòng mộ đạo của các Quý Vị, ngôi chùa sẽ sớm trở thành một "Đại Tùng Lâm Tu Viện" trong nay mai; là nơi phục   vụ tín ngưỡng, nghiên cứu, học tập, tu hành chính pháp cho các tín đồ Phật tử và nhân dân...!
   T/M Nhà chùa
   Trụ Trì

 Đại đức: Thích Đạo Thịnh

Video Quay Toàn Cảnh Chùa Tản Viên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây