Lục Tổ Diên Thọ Đại Sư

Thứ sáu - 17/01/2014 12:15 - Đã xem: 4800

Lục Tổ Diên Thọ Đại Sư

Diên Thọ Đại Sư, người Tiền Đường, họ Vương, tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quỳ mọp nghe kinh. Lớn lên, ngài làm quan coi về việc thuế vụ cho Văn Mục Vương. Nhiều lần ngài lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh ...
 

LỤC TỔ

DIÊN THỌ ĐẠI SƯ

Trích ở những bộ: 
“Lạc Ban Văn Loại”
          “Vạn thiện đồng quy tập”

 
Diên Thọ Đại Sư, người Tiền Đường, họ Vương, tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quỳ mọp nghe kinh.
Lớn lên, ngài làm quan coi về việc thuế vụ cho Văn Mục Vương. Nhiều lần ngài lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Việc lấy tiền công bị phát giác. Hình quan thẩm định tội của ngài đáng xử tử.
Lúc dẫn ngài đem đi chém, Văn Mục Vương bí mật sai người theo rình xem gương mặt, nếu có vẻ lo sợ buồn thảm thời cứ chém, còn nếu ngài vẫn vui vẻ thản nhiên thời phải đem ngài về trình lại. Thấy từ lúc dẫn đi cho đến lúc xắp sửa chém, nét mặt của ngài vẫn không có lộ vẻ sợ buồn mà lại có vẻ hân hoan là khác. Sứ giả liền truyền lịnh của Văn Mục Vương cho quan giám trảm rồi đem ngài về ra mắt Vương. 
Vương hỏi: “Ông không sợ chết chém ư?” 
Ngài đáp: “Tôi tư dụng của công khố một số tiền lớn, tội đáng chết, nhưng toàn bộ số tiền đó tôi dùng mua chuộc muôn ức sanh mạng. Tôi tin rằng do công đức phóng sanh ấy, dầu thân này có chết, tôi sẽ được vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ. Vì thế nên tôi không lo sợ.
Văn Mục Vương cảm động bèn ra lịnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng. 
Ngài đến Tứ Minh thọ pháp với Túy Nham Thiền Sư. Sau ngài tham học với Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai phát minh tâm yếu, được Thiều Quốc Sư ấn khả. 
Ngài từng tu “Pháp Hoa sám” ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán, thấy đức Quan Thế Âm Bồ Tát rưới nước cam lộ vào miệng, từ đó ngài đặng biện tài vô ngại.
 Ngài dầu tu “Thiền”, song lòng rất mộ “Tịnh”. Vì muốn có chỗ chuyên chủ, ngài bèn đến thiền viện của Trí Giả Đại Sư làm hai lá thăm: một lá đề  “Nhứt tâm thiền định”, một lá đề “Trang nghiêm tịnh độ”. Rồi ngài chí thành hướng Tam Bảo mà rút thăm. Luôn bảy lần đều rút nhằm lá “Trang nghiêm tịnh độ”. Từ đây ngài nhứt tâm tu tịnh nghiệp.
 Năm Kiến Long thứ hai, nhà Tống, Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh
(1), tôn hiệu là Trí Giác Thiền Sư. Ngài ở Vĩnh Minh 15 năm, độ được 1.700 vị Tăng. 
Mỗi ngày đêm,  Đại Sư công khóa 108 việc. Đại sư thường truyền Bồ Tát giới, mua thả sanh mạng, thí thực quỷ thần, tất cả  công đức đều hồi hướng Tịnh độ. Ban đêm ngài qua gộp núi khác niệm Phật, lấy số mười vạn câu làm chừng. Những người ở chỗ gần ngài niệm Phật có lúc nghe tiếng loa bối thiên nhạc du dương. Về phần kinh Pháp Hoa, trọn đời ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ. Ngài có trứ tác bộ “Tông Cảnh Lục” 100 quyển, hội chỉ thú đồng dị của ba tông: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Duy Thức.
Ngài có viết tập “Vạn Thiện Đồng Quy”, trong tập này, về đoạn chỉ quy Tịnh độ, lời lẽ thiết yếu, đại lược như dưới.
 Hỏi: Duy tâm tịnh độ cùng khắp mười phương, sao lại móng tâm thủ xả, mà cầu thác sanh liên đài, gởi thân Cực Lạc. Như thế đâu hiệp môn vô sanh, và đã có tâm nhàm uế thích tịnh thời đâu thành bình đẳng?
Đáp: Sanh về duy tâm Tịnh độ là phần của bực liễu đạt tự tâm, Kinh “Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới” nói: “Tất cả tam thế chư Phật đều duy tâm lượng, đặng tùy thuận nhẫn, hoặc nhập sơ địa, xả thân mau sanh Cực Lạc quốc độ”.  – Do đây mà biết rằng người đạt tự tâm mới sanh duy tâm Tịnh độ, còn hàng chấp cảnh chỉ thuộc trong cảnh sở duyên. Đã có nhơn quả không sai, mới rõ ngoài tâm không thật pháp. 
Lại môn bình đẳng cũng chỉ thú vô sanh, dầu tin theo lời Phật, nhưng ngặt vì lực lượng chưa đủ, quán trí cạn, tâm tưởng thô, trần cảnh mạnh, tập khí nặng, cần phải sanh Tịnh độ, để được nương nơi duyên thù thắng, nhẫn lực mới dễ thành, mau viên mãn Bồ Tát đạo. 
Thập Nghi Luận nói: Người trí dầu mạnh mẽ cầu sanh Tịnh độ, nhưng đạt được lý sanh thể bất khả đắc, tức là chơn vô sanh. Đây là nghĩa “vì tâm tịnh mà Phật độ tịnh”. Người ngu bị “sanh”, nó trói buộc: nghe “sanh” liền cho là “sanh”, nghe “vô sanh” liền cho là “vô sanh”, mà chẳng hiểu lý: "Sanh là vô sanh, vô sanh là sanh", nên rồi thị phi với nhau. Đây là kẻ tà kiến báng pháp.  
Hỏi: Ngoài tâm không pháp, Phật không khứ lai, sao lại có việc thấy Phật và Phật đến rước?
Đáp: Duy tâm niệm Phật, dùng duy tâm quán khắp cả vạn pháp. Đã rõ cảnh là tâm, biết tâm là Phật, cho nên niệm đâu cũng là Phật cả. 
Kinh Bát Chu Tam Muội nói: “Như người nằm mộng thấy thất bảo, và quyến thuộc vui vầy. Thức dậy nhớ nghĩ lại, chẳng biết cảnh sang giàu vừa thấy đó ở đâu. Niệm Phật cũng như vậy”. 
Đây là dụ cho “cảnh” do “tâm” làm ra, chính có mà là không, cho nên không Phật, cũng không lai, khứ. Lại “như huyễn không thật, thời tâm và Phật đều bặt”. Mà “chẳng phải là không huyễn tướng, thời tâm và Phật rõ ràng”. “Không” và “có” đã vô ngại, nên chính không khứ lai nhưng chẳng ngại gì thấy Phật đến. Đương thấy chính là không thấy, thường hiệp với trung đạo. Vì thế nên Phật thiệt không đến, tâm cũng chẳng đi, nhưng cảm ứng đạo giao duy tâm tự thấy. Như người gây tội nặng, cảm tướng địa ngục. Duy Thức luận nói:
-        “Tất cả như người địa ngục đồng thấy ngục tốt v.v… làm những sự khổ hại cho mình”. -Vì lẽ đó, nên đều là do tâm ác nghiệp của kẻ gây tội hiện ra, trọn không có chó đồng rắn sắt thiệt ở ngoài tâm. Tất cả sự, tất cả pháp trong đời cũng đều như thế cả.  
Hỏi: Quán kinh dạy 16 pháp quán, đều là nhiếp tâm tu định, quán tướng hảo của Phật cho đặng thấy rõ ràng đều đủ mới bước đến cõi Tịnh. Người tán tâm làm sao vãng sanh được. 
Đáp: Cực Lạc chín phẩm có cao và thấp, nhiếp cả các hạng: thượng, trung và hạ, nhưng không ngoài 2 tâm này:
A -              “Định tâm”, tu tập định quán thời thượng phẩm vãng sanh.
B -              “Chuyên tâm”, chỉ chuyên niệm danh hiệu cùng thực hành các điều thiện, rồi hồi hướng phát nguyện thời đặng thành phẩm dưới. Nhưng cần phải trọn đời chuyên cần. Lúc ngồi nằm đều phải xoay mặt hướng Tây. Trong những lúc hành đạo, lễ kính, hồi hướng, phát nguyện phải thiết tha cầu khẩnlòng không xao lãng. Như đương bị ngục tù, như đương bị giặc bắt, như đương bị trôi, bị cháy, nhứt tâm cầu Phật cứu, nguyện thoát khỏi biển khổ sanh tử sanh về Tịnh độ, mau chứng vô sanh độ khắp mọi loài, để nối thạnh ngôi Tam Bảo, đền đáp bốn ơn. Nếu ai chí thành được như vậy thời quyết đặng kết quả.  
Như hoặc ngôn hạnh không xứng đáng, tín nguyện yếu kém, tâm không chuyên nhất, không nối luôn mà thường có ý xao lãng. Giãi đãi như vậy, đến lúc lâm chung cầu sanh, e rằng nghiệp chướng trở ngăn khó gặp thiện hữu. Thân bị bức rức đau khổ khó giữ vững chánh niệm. Vì hiện tại đây là “nhơn”, lúc lâm chung là “quả”. Nếu lo  “nhơn cho chắc thiệt” thời “quả quyết không hư luống”. Như tiếng hòa nhã thời vang dịu dàng. Như hình ngay thời bóng thẳng. 
Như muốn đến lúc lâm chung thập niệm thành tựu, thời hiện tại phải lo sắm sửa trước chuyên tâm niệm Phật, chứa nhóm công đức, hồi hướng cầu vãng sanh, niệm niệm không quên Phật, không rời Cực Lạc. Như thế mới chắc chắn mà khỏi lo ngại. 
Vả, hai đường: “thiện” và “ác”, hai báo: “khổ” và “vui” đều là do ba nghiệp (thân, khẩu, ý) gây nên.
          Nếu tâm sân hận, tà dâm: đó là nghiệp Địa ngục.
          Bỏn sẻn tham lam không xả thí: đó là nghiệp Ngạ quỷ.
          Đần độn ngu si: là nghiệp Súc sanh.
          Ngã mạn cống cao: là nghiệp Tu La.
          Kiên trì ngũ giới: là nghiệp Người.
          Ròng tu thập thiện: là nghiệp Trời.
          Chứng ngộ nhơn không: là nghiệp Thanh Văn.
          Thấu rõ duyên sanh vô tánh: là nghiệp Duyên Giác.
          Tu trọn lục độ: là nghiệp Bồ Tát.
          Chơn từ bình đẳng: là nghiệp Phật.       
Nếu tâm niệm thanh tịnh thời đài vàng hoa báu, hóa sanh nơi Tịnh độ. Còn tâm niệm nhơ đục thời gò nổng hầm hố, thọ thai nơi cõi uế. Đây đều là “quả đẳng luân”, cảm lấy “duyên tăng thượng”. Cho nên nhơn cùng quả, rời ngoài tâm nguyên, không có tự thể riêng khác. Muốn đặng quả báo thanh tịnh thời phải thực hành nhơn hạnh thanh tịnh. Như nước thời tánh chảy xuống, lửa thời tánh bốc lên, thế tất nhiên như vậy, có gì mà nghi ngờ. 
Lại vì người học đạo thời bấy giờ, phân vân nơi “Thiền” và “Tịnh”, chưa biết nên tu theo môn nào là hơn và chắc chắn, nên ngài có bốn bài kệ để so sánh sự lợi hại của hai môn.  
I -     Có Thiền mà không Tịnh độ,
Mười tu, chín kẻ dần dà,
Ấm cảnh nếu hiện tiền, 
Thoạt theo nó mà đi.  
II -     Không Thiền mà có Tịnh độ,
Mười người tu, mười vãng sanh.
Đặng gần Phật Di Đà
Lo gì không khai ngộ.  
III -   Có Thiền lại có Tịnh Độ
Như cọp mạnh lại thêm sừng.
Hiện đời làm thầy người,
Đời sau làm Phật, Tổ.  
IV -   Không Thiền cũng không Tịnh độ,
Giường sắt cột đồng đang chờ.
Muôn kiếp cùng nghìn đời,
Không chỗ nương tựa được 
(2) 
Nhà Tống, năm Khải Bửu thứ tám, ngày 26 tháng 2,  sáng sớm dậy, ngài thắp hương lễ Phật. Lễ xong, ngài nhóm đại chúng lại dặn dò răn dạy, rồi ngồi kiết già trên pháp tọa mà thị tịch, thọ 72 tuổi.
Ít lúc sau có ông Tăng từ Lâm Xuyên đến chùa Vĩnh Minh, trọn năm lễ tháp của Đại Sư. Người gạn hỏi, ông Tăng ấy đáp: “Năm trước tôi có bịnh, thần thức vào u minh, thấy phía bên điện có thờ tượng một vị Hòa Thượng. Minh Vương cung kính lễ lạy. Tôi hỏi nguyên do, mới biết đó là tượng của Diêm Thọ Thiền Sư ở chùa Vĩnh Minh tại Hàng Châu, ngài đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới bực thượng thượng phẩm. Minh Vương trọng đức, nên thờ kính ngài”.
 


 
(1)         Người đời trọng đức, kiêng danh hiệu, nên quen gọi là “Vĩnh Minh Đại Sư”
(2)         Lời phê bình trong 4 bài kệ này là cốt tủy của tam tạng Cổ đức cho là nghìn Phật ra đời cũng không dời đổi. Ý nghĩa rất xác đáng. Xem lời giải thích của Ấn Quang Đại Sư ở tập Thiền tịnh Quyết Nghi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây