Nhận thức Phật Giáo (Phần 6)

Thứ ba - 01/04/2014 01:04 - Đã xem: 5165

Nhận thức Phật Giáo (Phần 6)

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO (Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn) (Phần cuối) Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không Địa điểm: Boston Úc Châu Phật tự chính là một bộ phận giáo dục của Phật giáo. Sau đời hậu Hán thì Trung Quốc có hai loại giáo dục then chốt. Giáo dục của nhà Nho là quốc gia chọn lấy Khổng Tử làm chủ đạo, trong sáu bộ dưới Thủ Tướng có một bộ gọi là Lễ Bộ. Lễ Bộ là Bộ Giáo dục của quốc gia, còn Tự là do Hoàng Đế trực tiếp quản lý. Dưới Hoàng Đế có 9 Tự, Tự quan lớn gọi là Khanh, cửu Khanh. Sau khi Phật giáo đến Trung Quốc, lúc đó có Hồng Lô Tự tiếp đãi khách đến từ nước ngoài (Hồng Lô Tự tương đương với Bộ Ngoại giao ngày nay), về sau Trung Quốc chúng ta muốn để họ thường lưu lại Trung Quốc, không để cho họ đi, vậy thì phải là thế nào? Hồng Lô Tự không thể tiếp đãi dài lâu, nên liền xây dựng một Tự khác, thế là dưới Hoàng Đế liền biến thành mười Tự. Vậy thì Tự này tên gọi là gì? Lúc đó Ngựa trắng kéo kinh Phật tượng Phật từ Tây vực đến Trung Quốc, bạn từ nơi đây có thể thấy được hậu đạo của lòng người Trung Quốc. Công lao của Ngựa trắng chúng ta không thể nào quên ân nó, nên Tự này liền được đặt tên là Bạch Mã Tự. Đây là Phật Tự thứ nhất của Trung Quốc.
Cho nên Tự là cơ cấu giáo dục của Phật giáo, không phải là Miếu Thần, cần phải hiểu điều này cho rõ ràng, hiểu cho thấu đáo. Vậy thì đại điện của Tự là lễ đường, cúng ngay ở giữa là tượng Phật, bạn xem tượng Phật chúng ta là một vị Phật hai vị Bồ Tát, vì sao không cúng hai vị Phật vậy? Không cúng thêm nhiều vị Bồ Tát hơn? Phải nhất định là một vị Phật hai vị Bồ Tát. Phật biểu thị cái ý như vậy? Phật đại biểu cho bản thể tự tánh, Phật đại biểu bản tánh chân tâm của chúng ta, hai vị Bồ Tát đại biểu hai loại đức năng lớn trong tự tánh của chúng ta là trí tuệ và từ bi. Bạn xem chúng ta thờ, nếu như nói thông thường thờ Thích Ca Mâu Ni Phật thì hai bên là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền. Bồ Tát Văn Thù đại biểu trí tuệ, Bồ Tát Phổ Hiền đại biểu thực tiễn, một vị là giải, một vị là hành, tri hành hợp nhất. Thờ hai Ngài là biểu thị cái ý này. Tây Phương Tam Thánh, ngay giữa là Phật A Di Đà đại biểu bản thể tự tánh, Quán Âm Bồ Tát đại biểu từ bi, Bồ Tát Đại Thế Chí đại biểu trí tuệ, vô lượng vô biên trí tuệ đức năng, hai vị Bồ Tát thì đã đại biểu đầy đủ rồi, không cần phải ba vị. Việc này phải biết không phải là thần minh, các Ngài là giáo học, các Ngài để bạn nhìn thấy tượng Phật thì liền biết là các Ngài dạy bạn việc gì.

Thích Ca Mâu Ni Phật - tên gọi này chính là giáo học của Phật giáo, chính là phương châm giáo học của giai đoạn này. Bởi vì người thế gian chúng ta khiếm khuyết lòng từ bi, tự tư tự lợi, cho nên phương châm giáo học của Phật giáo là nhân từ, Thích Ca có nghĩa là nhân từ. Thứ hai là tất cả chúng sanh tâm không thanh tịnh, một ngày từ sớm đến tối nghĩ tưởng lung tung, tham sân si mạn, cho nên trong danh hiệu Phật có chữ Mâu Ni, Mâu Ni có nghĩa là tâm thanh tịnh. Có thể thấy được Phật Bồ Tát làm gì có danh hiệu, danh hiệu chỉ là phương châm giáo học của giai đoạn hiện tại, bất cứ người nào ở nơi đây thành Phật, danh hiệu của họ đều phải gọi là Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây là dựa vào tâm bệnh của chúng sanh chúng ta, tuỳ bệnh mà cho thuốc. Mỗi một vị Bồ Tát, mỗi một vị Phật đều đại biểu nghĩa thú thâm sâu của giáo học, nếu sau khi bạn hiểu rồi thì vừa nhìn thấy là được rồi, không cần phải nói chuyện. Giáo học này của Phật pháp bạn sẽ đạt được viên mãn tròn đầy.

Chúng ta nêu ra một thí dụ rất rõ ràng, thông thường chúng ta bước vào một Tự Viện, trong sơn môn thứ nhất là xây điện Thiên Vương, Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Đại Thiên Vương gọi là Thần Hộ Pháp, hộ pháp cho ai vậy? Hộ chính mình, các Ngài dạy chúng ta làm thế nào giữ gìn chính mình. Đông phương Trì Quốc Thiên Vương - Ngài đại biểu cho việc tận hết trách nhiệm. Con người chúng ta ở xã hội này, không luận bạn ở một cương vị nào, bạn phải tận hết bổn phận của mình, dốc hết chức trách của bạn thì đúng. Người người đều có thể tận hết trách nhiệm, tận hết chức vụ, thì xã hội làm sao mà không phồn vinh, không hưng vượng chứ? Cho nên chúng ta phải biết cái đạo lý này, Ngài đại biểu cho việc gánh vác trách nhiệm. Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương đại biểu cho tiến bộ, ngày mới càng mới, không ngừng cầu tiến bộ. Không thể nói việc này tôi làm tốt rồi thì hết việc, không được vậy, mà vẫn phải cầu phát triển, vẫn phải cầu tiến bộ. Vị thứ ba là Quảng Mục Thiên Vương, vị thứ tư là Đa Văn Thiên Vương. Bạn xem qua cái danh tự này thì liền biết được, Quảng Mục nghe nhiều thấy nhiều, đọc ngàn quyển sách đi vạn dặm đường, bạn phải có thể đem công việc của chính mình làm cho được tốt, phải nghĩ bạn chính mình ngày ngày đang tiến bộ, thấy nhiều nghe nhiều, Ngài biểu thị cái ý này. Cho nên nếu bạn hiểu rồi, thì bạn sẽ cảm thấy càng thú vị.

Trên tay các Ngài đều có cầm đạo cụ, mỗi đạo cụ đều có ý nghĩa. Bạn xem Trì Quốc Thiên Vương bảo bạn gánh vác trách nhiệm, thì trên tay Ngài cầm cây đàn Tỳ Bà. Tỳ Bà đại biểu cái gì? Điều tiết âm nhạc, đại biểu tất cả đều phải thích hợp, bạn xem dây đàn không thể quá căng vì căng thì sẽ đứt, cũng không thể quá lỏng vì sẽ kêu không thanh, cho nên phải điều chỉnh thích hợp. Điều này chính là dạy bạn đối nhân xử thế tiếp vật phải chú trọng trung đạo, không được thái quá cũng không được bất cập, Ngài biểu thị cái ý này. Nam Phương Tăng Trưởng biểu thị tiến bộ, thì trên tay cầm thanh kiếm, bảo kiếm trí tuệ. Bạn không có trí tuệ thì bạn không thể tiến bộ. Nếu bạn muốn tiến bộ thì trước tiên phải có trí tuệ, do đó kiếm là đại biểu trí tuệ. Phương Tây Quảng Mục Thiên Vương bảo bạn phải xem nhiều, thì trên tay Ngài cầm một con rồng hoặc là một con rắn. Chỗ này đại biểu cho cái gì? Rồng rắn đều là biến hóa, đại biểu sự biến hóa phức tạp, trong xã hội này tất cả người tất cả việc đều biến hóa vô chừng. Nếu bạn tỉ mỉ mà quan sát, thì sẽ thấy tay kia Ngài cầm một hạt châu, biểu thị trong biến hóa có bất biến. Những nguyên lý nguyên tắc này, bạn phải nắm vững nó thì bạn mới có thể khống chế được rồng rắn này. Phương Bắc Đa Văn Thiên Vương thì cầm một cây dù, cây dù là để ngăn chặn ô nhiễm. Ở trong xã hội phức tạp, phải giữ gìn thân tâm mình thanh tịnh, không nên bị ô nhiễm.

Hiện tại mọi người đều xem các Ngài là thần minh để cúng bái, bạn nói xem có oan uổng hay không? Có mấy người hiểu được đạo lý này? Ngay giữa đại điện là thờ Bồ Tát Di Lặc. Bồ Tát Di Lặc mặt cười hoan hỷ, cái bụng thật to. Ngài đại biểu cái gì vậy? Đại biểu tâm hoan hỷ, nhìn thấy bất cứ người nào trên mặt phải thường nở nụ cười, cái bụng to biểu thị có thể bao dung. “Sanh tâm bình đẳng, thành tướng vui vẻ”, một đệ tử Phật đối nhân xử thế tiếp xúc mọi vật phải có thể bao dung, phải sanh tâm hoan hỉ đối với tất cả chúng sanh, bạn xem cái kiến trúc thứ nhất chính là một bài giảng.

Tổng Kết

Thời gian đi qua rất nhanh, lần diễn giảng này của chúng ta đến hôm nay thì viên mãn rồi. Nhận Thức Phật Giáo - đề mục này cũng là rất đơn giản mà giới thiệu với các vị. Chúng ta lợi dụng một giờ rưỡi sau cùng, đem một số ý nghĩa then chốt mà phía trước chưa thể nói ra được tường tận sẽ bổ sung nói rõ hơn. Buổi tối hôm nay còn có một số đồng tu phát tâm thọ tam quy ngũ giới, cho nên cũng ở ngay nơi đây cử hành nghi thức đơn giản nhưng long trọng này. Ý nghĩa của tam quy ngũ giới, chúng ta có một băng thu âm, cũng có một quyển sách nhỏ cung cấp cho các vị làm tham khảo. Ngày mai tôi ở bờ biển Hoàng Kim có một buổi diễn giảng, thế nên các đồng tu hy vọng tôi lợi dụng thời gian này, đem tam quy y giảng giải một cách tường tận. Phật pháp chúng ta đem nó làm một tổng kết là “Phật pháp là giáo dục thù thắng nhất viên mãn nhất cứu cánh nhất của Phật Đà đối với tất cả chúng sanh”. Mục đích của Phật pháp là khai mở trí tuệ đức năng vốn đầy đủ trong tự tánh chúng ta. Trên kinh Đại thừa, Phật đã nói với chúng ta: “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, hay nói cách khác, trong tự tánh của chúng ta vốn dĩ đầy đủ trí tuệ đức hạnh tài nghệ năng lực, cho đến phước báo, không hề khác với tất cả chư Phật, không hề khác biệt.

Nếu như chúng ta muốn biết hoàn cảnh đời sống vật chất của Phật, trong Kinh Vô Lượng Thọ, ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chúng ta sẽ thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc; ở trong Kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy tình trạng đời sống của Phật Tỳ Lô Giá Na. Thân thể của các Ngài là thân Tử Ma, sắc vàng chắc thật, thể kim cang bất hoại, vĩnh viễn không già, không bệnh, không có sanh tử. Hoàn cảnh cư trú thì trong kinh nói với chúng ta rất rõ ràng, cung điện lầu cát là do bảy báo tạo thành, đất đai của thế giới Tây Phương Cực Lạc là dùng Lưu Ly làm đất (Lưu Ly ngày nay chúng ta gọi là Tỷ Thúy, ngọc màu xanh trong suốt), đường đi đắp bằng vàng ròng, đó là phú quí, người thế gian này của chúng ta không thể nào so sánh. Trong Kinh nói, Thiên Vương trên trời, phước báo của Đại Phạm Thiên Vương cũng không thể so sánh với lão bá tánh thông thường của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở trong Kinh, Phật nói những lời nói này có phải là mê hoặc chúng ta không? Hoàn cảnh sinh hoạt của Phật đẹp đến như vậy? Lời Phật nói là chân thật, tuyệt đối không mê hoặc lừa gạt. Bạn xem trong ngũ giới có giới không vọng ngữ, làm sao Phật có thể nói vọng ngữ chứ?

Cho nên trong Kinh Kim Cang nói, Như Lai là “chân ngữ giả”. “Chân” chính là không giả, không hư dối; “thật ngữ giả” là thành thật trung thực. “Như ngữ giả”: “Như” chính là sự thật, là chiếu theo cái sự thật này mà nói, không cần thêm vào một chút, không bớt đi một chút, hoàn toàn căn cứ vào chân tướng sự thật để nói, đây gọi là như ngữ, không cuồng ngữ, cũng chính là không vọng ngữ, không dị ngữ. Tất cả chư Phật đã nói không hề khác nhau, Phật Phật đạo đồng, cái thấy của Phật đều như nhau, giảng pháp cũng như nhau. Trong Kinh Kim Cang nói, Phật có năm loại ngữ, lấy “như ngữ” làm chủ, chính là sự thật là như thế nào thì y theo sự thật đó mà nói. Cho nên chư Phật Bồ Tát nói với chúng ta tất cả pháp, có thể nói đều là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Ngày nay hoàn cảnh sinh hoạt chúng ta như vậy, hoàn cảnh sinh hoạt mỹ mãn thù thắng của chúng ta đã mất đi rồi. Phật nói với chúng ta, cái mất đó không phải thật đã mất đi, mà là mê mất thôi. Bạn mê mất đi tự tánh thì trí tuệ đức năng của tự tánh không thể hiền tiền. Giáo học của Phật pháp không gì khác hơn là dạy chúng ta giác ngộ, dạy chúng ta phá mê khai ngộ. Khai ngộ rồi thì trong vô lượng vô biên đức năng tự tánh của chúng ta, tự nhiên liền sẽ hiện tiền, cảnh giới đã hiện chính là Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm so với thế giới Tây Phương Cực Lạc hình dáng đại khái là không hề khác nhau. Đây chính là mục tiêu giáo học của Phật pháp, có thể nói thù thắng không gì bằng. Những danh từ Phật, Bồ Tát, A La Hán, phía trước đã nói qua với các vị rồi, là tên gọi học vị trong giáo dục của Phật. Chúng ta chân thật giác ngộ rồi thì liền lấy được học vị thứ nhất, chánh giác thì gọi là A La Hán. Lại tiến thêm một bước nữa, có thể đạt đến chánh đẳng chánh giác thì gọi là Bồ Tát, học vị của Bồ Tát cao hơn học vị A La Hán. Đạt đến giác ngộ, đạt đến cứu cánh viên mãn rồi, thì chúng ta gọi họ đã thành Phật. Cho nên Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Có thể thấy được Phật, Bồ Tát, A La Hán là tên gọi học vị trong nhà Phật, giống như hiện tại học vị khi đât được ở trường học là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân.

Do dó, Phật pháp là pháp bình đẳng. Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra ở trong Kinh Hoa Nghiêm là tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Vốn dĩ là Phật, hiện tại lại muốn làm Phật, vậy thì làm gì có cái đạo lý không thành công chứ? Đây đích thực là ở trên từ tu hành chứng quả xây dựng lòng tin. Chúng ta tu học có căn cứ của lý luận, lý luận này rất là thực tiễn, nhất định không phải là hư vọng. Vậy phải làm thế nào hồi phục lại tự tánh của chúng ta? Nhất định phải tu hành. Chúng ta đã mê rồi mà, mê chính là sai lầm, chúng ta đã nghĩ sai thấy sai đối với cả vũ trụ nhân sanh. Hiện tại tuy là có không ít các nhà khoa học (hiện tại gọi là nhà lý luận vật lý học), đối với vũ trụ lớn vũ trụ nhỏ, vũ trụ lớn là thái không, vũ trụ nhỏ là hạt tử, ngày nay nói đến lượng tử, đây là vật chất nhỏ nhất, họ có rất nhiều rất nhiều thuyết minh cho chúng ta, có phải là thật tướng không? Có thể nói là một bộ phận của chân tướng, nhưng không phải là chân tướng cứu cánh viên mãn. Những nhà khoa học, những nhà triết học, có cách gì hiểu rõ chân tướng cứu cánh viên mãn hay không? Trên kinh Phật nói với chúng ta là không thể nào. Nếu như người thế gian này có năng lực nhận biết rõ ràng chân tướng của vũ trụ nhân sanh, thì Phật không cần xuất thế, Phật xuất hiện ở thế gian cũng không ý nghĩa gì vì vấn đề này các người đã có thể giải quyết rồi. Phật xuất hiện ở thế gian là vì các vị muốn giải quyết vấn đề nhưng không có cách gì giải quyết, Ngài không thể không đến giúp bạn giải quyết.

Vì sao nói tất cả học thuyết thế gian này không thể giải quyết được vấn đề? Trên cơ bản mà nói, là do phương pháp sai lầm. Cái người thế gian dùng, ở trong Phật pháp chúng ta gọi là “thế trí biện thông”, thông minh trí tuệ nay phát nguồn từ trong tâm ý thức mà ra, tính chất của ý thức là phân biệt mà nghiên cứu, chúng ta dùng suy xét suy nghĩ mà nghiên cứu. Ngày nay lại ở trên rất nhiều phương tiện máy móc khoa học tiên tiến mà quan sát, thì thấy đều dùng phương pháp như vậy. Phật nói với chúng ta dùng phương pháp này không thể giải quyết vấn đề, Trong nhà Phật nếu như nói đến triết học thuần tuý, thuần học thuật, thì Phật pháp vẫn có, không phải không có, chính là pháp tướng tông. Pháp tướng tông có thể giải thích được viên mãn không? Không thể. Vì sao vậy? Vì dùng suy nghĩ. Suy nghĩ là phân biệt, là ý thức. Ý thức chỉ có thể giải quyết là trong phạm vi nhất định. Trên thực tế chân tướng của vũ trụ nhân sanh, không thể dùng tâm phân biệt (chính là suy nghĩ) mà lý giải, mà tìm tòi. Phật nói với chúng ta phải dùng phương pháp gì vậy? Phải dùng tâm thanh tịnh, phải dùng công phu của thiền định. Thiền định đến độ sâu nhất định, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tịnh cực quang thông đạt”. Tịnh đến trình độ nhất định thì tâm liền phát sáng, mới có thể chiếu kiến vũ trụ nhân sanh. Đến lúc đó, cái bạn thấy chính là chân tướng sự thật.

Ngày nay phương pháp của nhà khoa học dùng cùng với pháp tướng tông của chúng ta dùng là giống nhau, cho nên nhiều nhất là ở trong tông Pháp Tướng của chúng ta nói, họ chỉ có thể giải thích ở trong A Lại Da thức, phạm vi này thì được, họ có thể giải thích được đến “duy thức sở biến, Thế nhưng sâu hơn một tầng, là “duy tâm sở hiện”, thì họ không thể, họ không đạt đến. Cho nên tâm ý thức này, chúng ta ngày ngày suy nghĩ, năng lực của tư tưởng rất lớn, bên trong có thể nghĩ đến A Lại Da Thức, bên ngoài có thể nghĩ đến hư không pháp giới, có thể thấy được ý thức thứ sáu tác dụng của nó đích thực là rất rộng lớn, Thế nhưng chính là duyên không đến “chân như bổn tánh”, nói đến chân như bổn tánh thì nó không có tí biện pháp nào cả. Nếu như không minh tâm kiến tánh thì bạn không thể giải quyết vấn đề. Cho nên khi nhà khoa học vừa phát hiện ra, thì hiện tại cảm thấy rất là kinh ngạc, nhưng sau mấy mươi năm lại có phát hiện mới, thì cái phát hiện kia liền bị thay đổi. Hiện tại rất nhiều nhà khoa học biết là khoa học kỹ thuật không ngừng tiến bộ, họ không dám nói định luật này của họ là chân lý, hay định luật này của họ là vĩnh hằng, không ai dám nói câu nói này. Người học Phật chúng ta hiểu được, họ đã dùng sai phương pháp, nếu như các nhà khoa học này đều chịu tu thiền, vậy thì sẽ rất vượt bậc, vì trí tuệ mới có thể “soi thấy” chân tướng của tất cả pháp thế xuất thế gian. Cho nên tu hành là rất quan trọng. Tu sửa cách nghĩ, cách nhìn, cách làm, cách nói sai lầm của mình, đây gọi là tu hành. Nguyên lý tu hành phía trước đã có nói qua, là Giới-Định-Huệ. Giới là giữ pháp, giữ phép tắt; định là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh khởi được tác dụng thì sanh trí tuệ, đó là trí tuệ thật, không phải trí tuệ của thế gian. Người thông minh ở thế gian chưa đọc được phiền não, chưa đoạn được thị phi nhân ngã, tham sân si mạn. Họ có thể bị ít hơn so với người thông thường, nhưng họ tuyệt nhiên chưa đoạn dứt, như vậy thì Phật pháp không thừa nhận họ là chánh giác, tuy là họ có giác nhưng không xem là chánh giác. Chánh giác nhất định phải đoạn kiến tư phiền não.

Vậy thì do đây có thể biết, cương lĩnh tu hành của chúng ta là Giác-Chánh-Tịnh. Bước đầu nhập môn học Phật tiếp nhận tam quy ngũ giới, Tam quy ngũ giới là chính mình phát tâm, nếu bạn muốn học Phật, bạn muốn tiếp nhận giáo dục của Phật Đà, thì bạn phát cái tâm này. Bạn tìm đến tăng đòan, tìm đến người xuất gia, vị lão sư xuất gia này đem tổng cương lĩnh mục tiêu phương hướng của Phật pháp truyền thụ cho bạn, đó gọi là truyền thọ Tam Quy. Đem thứ này truyền đạt cho bạn, bạn liền biết được con đường tương lai phải nên đi như thế nào, phải đi về hướng nào. Quy y Tam Bảo, Tam Bảo là Phật Pháp Tăng. Thế nhưng cái danh từ này rất dễ sanh ra hiểu lầm, vừa nghe đến Phật thì nghĩ ngay đến tượng Phật, nghe nói đến Pháp thì nghĩ ngay đến kinh điển, nghe nói Tăng thì nghĩ ngay đến người xuất gia. Xin nói với các vị là ba thứ này không thể nương được, vì tượng Phật bị một đám lửa thì cháy tiêu, người xuất gia chính mình không tu hành, chính mình còn khó giữ thì bạn làm sao có thể nương được họ. Cho nên phải hiểu được Tam Bảo chân thật là gì? Tượng Phật, kinh sách, người xuất gia chỉ là hình tướng của Tam Bảo, dáng vẻ của Tam Bảo, thực chất Tam Bảo là ở ngay trong tâm của chính bạn. Cho nên Phật dạy chúng ta quy y Tam Bảo là quy y tự tánh Tam Bảo. Tự tánh của ta có giác, quy y tự tánh giác. Vậy bạn muốn nói, hiện tại tôi không giác, tôi mê rồi, tuy là tự tánh có giác nhưng tự tánh giác ở đâu rồi? Bạn phải hiểu rõ cái đạo lý vì sao bạn mê? Mắt ta thấy sắc, vì sao có thể bị mê? Bởi vì bạn phân biệt chấp trước nên bạn liền bị mê. Tôi hỏi bạn những thứ bày ra trước mắt bạn, bạn có nhìn thấy hay không? Bạn không thể nói bạn không thấy. Bạn thấy rõ ràng tường tận, sờ sờ trước mắt, nhưng bên trong không có phân biệt, không có chấp trước thì đó chính là giác. Vừa có phân biệt, vừa có chấp trước thì liền mê. Bạn phải tỉ mỉ mà suy xét cái việc này. Bày ra trước mắt chúng ta bất cứ hoa gì, màu sắc gì, màu hồng, màu vàng, màu xanh, thì mê rồi. Bạn nói xem mê ở đâu vậy? Nó vốn dĩ không có tên, vốn dĩ không có màu sắc, màu sắc ở đâu ra vậy? Hiện tại các nhà khoa học biết được, là do ánh sáng chiếu xuống góc độ khác nhau mà phản xạ ra. Nó vốn dĩ không có màu sắc đó, vốn dĩ không có tên, tướng là giả tướng, tên là do người đặt cho nó cái tên, là tên giả. Chúng ta hiểu được, tên có thể gọi là không phải tên thật, giả danh giả tướng, cho nên rời khỏi tất cả danh và tướng thì bạn thấy được cái chân tướng. Chúng ta thì bị mê trong cái giả danh giả tướng, trong những danh tướng, sắc tướng, hình tướng, cho phải đem những thứ này vứt đi, đích thực là không chấp trước, bạn phải huấn luyện chính mình như vậy, đây gọi là quy y Phật, quy y giác. Người ta hỏi bạn đây là loại hoa gì vậy? Vì sao bạn gọi nó là hoa? Bởi vì các người gọi nó là hoa nên tôi cũng kêu nó là hoa, các vị gọi nó đây là lá, tôi cũng kêu nó là lá, tôi tùy thuận chấp trước của các vị mà thôi. Còn chính mình thì sao? Không chấp trước, đó là chư Phật Bồ Tát, cho nên tâm của họ thanh tịnh, không nhiễm một trần. Họ cùng ở với chúng sanh, bạn gọi tên là gì thì họ gọi nó cái tên đó, bạn chấp trước như thế nào thì họ cũng làm như vậy, đó là “Hằng thuận chúng sanh, hòa với hồng trần”. Thế nhưng họ chính mình thì trong sạch vắng lặng, không hề nhiễm ô, đây gọi là quy y Giác. Cho nên sau khi bạn quy y, về sau ngay trong cuộc sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật, bạn phải biết dùng cái tâm như vậy thì bạn giác ngộ rồi, bạn không còn mê nữa, tâm của bạn vĩnh viễn là thanh tịnh, vĩnh viễn là bình đẳng, hơn nữa còn có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây gọi là quy y Phật.

Quy y pháp, pháp là chánh tri chánh kiến, tư tưởng chính xác, kiến giải chính xác. Điều này thì khó. Sau khi chân thật giác ngộ thì cái tư tưởng kiến giải đó mới là chính xác, hiện tại chúng ta không đạt được. Không đạt được thì phải làm sao? Trước tiên chọn lấy Thích Ca Mâu Ni Phật, những gì Phật đã giảng trong kinh điển, cách nghĩ cách làm của Ngài đó là chính xác. Chúng ta trước tiên phải nương vào Ngài, nhưng nương vào Ngài chỉ là một thời gian ngắn, chỉ là một giai đoạn, Phật cũng không bảo chúng ta mãi mãi nương vào Ngài, không có đạo lý này. Bạn vừa mới học, giống như học trò ở trường học nương vào thầy giáo, khi tốt nghiệp rồi thì bạn độc lập, bạn phải ra đi. Cũng như cha mẹ dạy bảo con cái, khi nó còn nhỏ thì bạn cần phải chăm sóc nó, nó phải nương vào bạn, khi nó dần dần thành người lớn, nó sẽ không ỷ lại vào bạn nữa, nếu cả đời ỷ lại vào bạn thì đứa nhỏ đó không thể có công danh. Phật dạy bảo chúng ta cũng là như vậy, trước khi bạn chưa có đại triệt đại ngộ thì phải nương vào lão sư, nương vào vị lão sư là Thích Ca Mâu Ni Phật. Hôm nay tôi ở đây truyền thụ Tam quy, bạn cũng không thể nương vào tôi, nương vào tôi thì bạn sai, là sai lầm nghiêm trọng. Bạn phải nương vào Thích Ca Mâu Ni Phật, nương vào Phật A Di Đà. Phật ở nơi đâu vậy? Chính là kinh điển, Kinh Vô Lượng Thọ là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho chúng ta, 48 lời nguyện là Phật A Di Đà giảng cho chúng ta, chúng ta nương vào giáo huấn trong kinh điển chính là nương vào Phật. Phật đích thân đến dạy bảo chúng ta thì làm gì còn có sai lầm chứ? Phật dạy chúng ta nên làm thì chúng ta nỗ lực mà làm, Phật dạy chúng ta không nên làm thì chúng ta nhất định không làm, vậy mới là học trò của Phật, là đệ tử ngoan của Phật. Tất cả đều lấy đây làm căn cứ cho đời sống của chúng ta, để làm việc và đối nhân xử thế, đó gọi là quy y Pháp.

Quy y Tăng, Tăng là đại biểu ý nghĩa thanh tịnh, đại biểu ý nghĩa hòa thuận. Phía trước đã giảng qua sáu phép hòa kính, Tăng là đại biểu cho sáu phép này. Khi nhìn thấy người xuất gia, bạn không nên nghĩ là người xuất gia này có phải là cao tăng hay không? Người xuất gia này có phá giới hay không? Ông ấy cao tăng cũng tốt, phá giới cũng tốt, không quan hệ gì với bạn, có quan hệ gì với bạn chứ? Thế nhưng có quan hệ với chúng ta là nhắc nhở chính chúng ta là ta có tuân thủ sáu phép hòa hay không? Ta có tu tâm thanh tịnh hay không? Tăng là đại biểu sáu căn thanh tịnh, không nhiễm một trần. Cho nên khi nhìn thấy cái tướng này thì phải nghĩ đến tâm chính mình có thanh tịnh hay chưa? Tăng là ý nghĩa hòa kính thanh tịnh, đây gọi là chân thật quy y.

Đó là tác dụng đối với thế gian của Tam Bảo. Chúng ta mê đã quá lâu rồi, mê từ vô lượng kiếp đến nay, lỗi lầm cũ, thói xấu xưa thường hay phạm phải. Thọ Tam quy ở đây, chúng tôi đã giảng giải cho bạn rõ ràng, nhưng khi ra khỏi cửa rồi thì quên hết, vậy có ích gì chứ? Cho nên trong nhà của bạn nên thờ cúng Tam Bảo, bạn thờ tượng Phật, nhìn thấy Phật thì nhắc nhở ta phải giác. Giác cái gì vậy? Sáu căn của ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, ta không khởi tâm không động niệm là định; không phân biệt, không chấp trước là giác, như vậy mà tu được định huệ. Không phải một ngày từ sớm đến tối xếp bằng quay mặt vào vách, định này không thể dùng được. Định chân thật chính ngay trong đời sống là ở sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà tu định, không khởi tâm không động niệm chính là thiền định, không phân biệt không chấp trước là huệ. Trí tuệ cao độ thì bạn sẽ thấy được rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, là bạn Kiến tánh, kiến sắc tánh, văn tánh, văn thanh tánh. Người minh tâm kiến tánh, họ khác nhau với chúng ta ở chỗ nào vậy? Khác nhau ngay chỗ này. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, còn người minh tâm kiến tánh sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, cái họ nhìn thấy là chân tướng, cái ta nhìn thấy là vọng tướng. Tâm họ dùng là chân tâm không sanh không diệt, tâm chúng ta dùng là vọng tâm sanh diệt, chỗ không giống nhau là ngay đây.

Nếu bạn học được rồi, bạn cũng có thể làm Phật, cũng có thể làm Bồ Tát. Bạn phải hiểu rõ cái đạo lý này, phải hiểu được cái bí quyết này, phải biết được chính mình phải tu thế nào? Cho nên chính ngay khi quy y phải giảng cho rõ lý, giảng tường tận, vậy mới chân thật truyền thụ cho bạn. Thế nhưng cũng có người nói, khi mật tông thượng sư truyền thụ phải quán đảnh, chúng ta không có quán đảnh thì có kém hơn người một bậc không? Việc quán đảnh đó có phải thật có được linh nghiệm không? Khi tôi ở Mỹ có hỏi không ít đồng tu. Họ rất nhiệt tâm lái xe mười mấy giờ đồng hồ để đi tìm một vị Thượng sư quán đảnh, rưới vài giọt nước lên đầu. Sau khi họ trở về, tôi hỏi họ, bạn có khai được trí tuệ không? Phiền não của bạn có phải đã được giảm đi? Họ lắc đầu nói không có. Như vậy vẫn còn tốt, còn nói lời thành thật. Tôi nói, nếu như nói rẩy vài giọt nước lên đầu của bạn thì gọi là quán đảnh, bạn đi xối nước tắm gội vậy thì là đại quán đảnh rồi! Không hiểu được phương pháp này, không hiểu được ý nghĩa, hoàn toàn chỉ là trên hình thức, bạn nói xem có đáng thương không? Ngày nay chúng ta quy y thọ giới đều là hình thức, không giảng cho bạn nghe rõ ràng.

Quán có nghĩa là từ bi gia trì, Quán là biểu thị ý từ bi gia trì. Đảnh là Phật pháp thù thắng nhất, đỉnh cao Phật pháp, không có gì có thể so sánh cao hơn. Đem đỉnh cao của Phật pháp truyền thụ cho bạn, dạy bảo bạn, đó gọi là quán đảnh. Các vị xem chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong đó có nói cách nhận pháp quán đảnh. Bản thân lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng là thượng sư của mật tông, không gạt người, không hỏi người để lấy tiền. Ở Mỹ mỗi lần quán đảnh phải tốn 50 đồng, quy y cũng phải thâu tiền. Tôi đến Miami giảng kinh, các đồng tu muốn tôi truyền thọ Tam quy, trước tiên họ hỏi tôi: Pháp sư à! Giá Quy y của Ngài là bao nhiêu? Bạn nói xem, có còn cách nào không?! Hiện tại những người thanh niên này đều đã nhận qua giáo dục cao đẳng, nhận lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ còn bị họ gạt, tin giả không tin thật, nghe gạt không nghe khuyên, thế giới hiện tại là như vậy, thật khiến người phải cảm thán!

Thế nên, ngày nay chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, chúng ta biết được Kinh Vô Lượng Thọ là bậc nhất trong tất cả kinh, chân thật là đảnh pháp. Đem Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà truyền thụ cho bạn, đó là đại quán đảnh. Bạn đem kinh này đọc qua một lần thì mười phương tất cả chư Phật đã quán đảnh cho bạn một lần, một ngày bạn đọc qua hai lần là quán đảnh cho bạn hai lần. Mười phương tất cả chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn, bạn đều không hề biết, còn đi tìm một người mê hoặc điên đảo gì đó đến để rẩy vài giọt nước cho bạn, thì gọi là quán đảnh. Bạn nói xem, bạn có đáng thương không? Cho nên nhất định phải hiểu được phương pháp tu học, nhất định phải có nền tảng. Cái nền tảng này là tam phước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ bi không sát hại, tu mười nghiệp thiện”. Đây là căn bản. Tu hành phải tu từ đâu vậy? Phải tu từ ngay đây. Nếu như bạn cảm thấy chỗ này mình không làm được, đó chính là không có thiện căn, không có phước đức, Phật pháp ngay trong một đời này, bạn cũng không có hy vọng rồi. Bạn ở trong cửa Phật không luận là tu học pháp môn nào, chỉ có được một ít thường thức của Phật học mà thôi, nhất định bạn không thể có được thọ dụng lợi ích chân thật của Phật pháp, vì bạn không chịu làm thật. Nhất định phải nỗ lực làm thật, phải làm cho được, thì mới có thể được. Cho nên việc này là vô cùng cần thiết, từ Tam phước mà bắt tay vào.

Đối nhân xử thế phải y theo sáu phép hòa kính. Đặc biệt là ngày nay chúng ta di dân đến nơi đây, ở nơi đây cũng có rất nhiều người của các quốc gia khu vực khác di dân đến nơi này, hình thành một xã hội nhiều văn hóa khác nhau. Mỗi một người của quốc gia khu vực khác đến nơi đây, bối cảnh văn hóa trước đây của họ, bối cảnh lịch sử, hình thái ý thức, tín ngưỡng tôn giáo, phương thức đời sống đều không giống nhau, chúng ta làm sao có thể cùng ở với nhau một cách dung hòa, đôi bên tôn kính lẫn nhau, việc này rất quan trọng. Những việc này đều ở trong sáu phép hòa kính: “ kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa cùng ở, khẩu hòa không tranh, ý hòa cùng vui, lợi hòa cùng chia”, đều ở trong đây. Cho nên chúng ta học rồi thì lập tức có chỗ dùng, rất là hữu dụng. Không những đời sống của chính mình có thể trải qua được rất hạnh phúc rất mỹ mãn, còn có thể làm cho xã hội này, khu vực này, quốc gia này đạt đến hòa bình an định phồn vinh hưng vượng. Chúng ta học Phật là học những thứ này.

Vậy thì những cảnh giới phương pháp đạo lý này, căn cứ vào kinh điển của Phật, chúng ta phải nghiên cứu tìm hiểu sâu vào, phải giảng giải. Lý thông hiểu rồi, hiểu được phương pháp rồi, biết được phải làm thế nào để ứng dụng trong đời sống, ứng dụng trong công việc, ứng dụng trong đối nhân xử thế tiếp xúc mọi vật. Phật pháp là đời sống, Phật pháp không phải để nói suông, không phải huyền học, không phải là thứ sau khi học rồi thì không có chỗ dùng. Phật pháp không những vì mang đến hạnh phúc hiện tiền cho chúng ta, hơn nữa Phật pháp càng có thể khiến cho chúng ta đạt đến hạnh phúc vĩnh hằng. Giáo dục thế gian nói đến một đời, giáo dục Phật pháp nói đến ba đời, nói đến quá khứ, nói đến vị lai, cho nên đây là giáo dục của ba đời, giáo dục viên mãn nhất. Chúng ta cần phải nhận biết nó một cách tường tận. Sau cùng chúng ta quay về Tịnh Độ.

Vì sao phải quy tâm Tịnh Độ? Đạo lý trong đây rất là sâu. Quy tâm Tịnh Độ là tất cả chư Phật khuyên bảo chúng ta, việc này không phải là nói người tu Tịnh Độ khuyên các vị. Mười phương tất cả chư Phật khuyến khích các vị niệm Kinh A Di Đà. Kinh A Di Đà sáu phương Phật tán thán, các vị đã đọc qua rồi, không một vị Phật nào mà không tán thán Tịnh Độ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán được càng rõ ràng, tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đó là tán thán đến tột đỉnh. Chúng ta muốn quy y một vị Phật, vậy thì vị Phật vua trong các Phật là tốt nhất. Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật không hề nói con phải quy y ta, mà Ngài khuyên chúng ta quy y Phật A Di Đà, bởi vì Phật A Di Đà là vua trong các Phật. Chúng ta lại xem thấy từ xưa đến nay, xem thấy từ trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền đều cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu thế giới Cực Lạc không thù thắng, thì Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền là Bồ Tát Đẳng giác của thế giới Hoa Tạng hà tất phải cầu sanh? Họ vì lý do gì mà cầu sanh chứ? Việc này đáng để chúng ta suy nghĩ. Nếu Tây Phương Cực Lạc không đặc biệt thù thắng, thì không nên vãng sanh thế giới Cực Lạc. Những việc này đều nói được tỉ mỉ ở trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Trước đây, tôi đã giảng qua Kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều lần, hiện tại đồng tu của Singapore đem lần diễn giảng thứ hai ở thư viện, giảng được tương đối tỉ mỉ, tổng cộng đã giảng 107 buổi làm thành đĩa CD, làm thành VCD. Lần này dường như có mang đến đây rất nhiều bộ, có một vị Phật tử phát tâm làm một ngàn bộ. Đĩa thì lưu giữ thời gian được lâu, chất lượng không bị biến đổi, họ nói với tôi có thể lưu giữ đến 200 năm mà âm lượng không bị thay đổi. Thế nên chúng ta dùng đĩa CD này để copy thu âm mang đi phổ biến, hiểu quả rất là tốt. Vì sao chúng ta phải tu Tịnh Độ? Vì sao phải niệm Phật A Di Đà? Vì sao phải cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc? Các vị đem bộ kinh Vô Lượng Thọ này tỉ mỉ nghe qua vài lần thì sẽ hiểu rõ, bạn cũng sẽ hiểu được phải tu thế nào, phải học ra sao. Đây là cuối cùng nói đến quy tâm Tịnh Độ. Nếu như chúng ta không muốn phải tốn nhiều tinh lực đi truy cứu đến cùng chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đến đây thì được rồi, đã tương đối viên mãn rồi. Vì sao vậy?

Tương lai đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau khi đến đó rồi thì tất cả hưởng thụ, đức năng trí tuệ của chúng ta là bình đẳng với Phật A Di Đà. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bình đẳng, thế thì chân tướng của vũ trụ nhân sanh rốt cuộc là thế nào, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần đến một tuần thì bạn thảy đều hiểu rõ. Đây là sự thật. Hà tất phải ở nơi đây, ngày ngày phải động não, có làm thế nào cũng không thể thông được. Đây là đường tắt để thành Phật. Chỗ này thông thường người gọi là thành Phật chi đạo, con đường thành Phật. Tịnh tông là đường tắt thành Phật. Con đường thành Phật rất xa rất dài, vô cùng xa thẳm, đây là con đường gần, bảo đảm ngay trong một đời này của chúng ta quyết định có thể thành tựu. Vậy thì do đây mà biết, pháp môn này đích thực là thù thắng không gì bằng. Chư Phật tán thán, Bồ Tát tán thán, các tổ sư đại đức nhiều đời không một ai không tán thán, ngay một đời này của chúng ta có thể gặp được là việc khó được. Trên kệ khai kinh nói: “trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, lời nói này là thật, không phải là giả. Cư sĩ Bàng Tế Thanh đã nói: “vô lượng kiếp đến nay hy hữu khó gặp”. Ngày hôm nay chúng ta có thể gặp được rồi, gặp được rồi mà mà để lỡ qua trước mắt, bạn nói xem đáng tiếc dường nào? Vô lượng kiếp hy hữu khó gặp, bạn gặp được rồi thì phải nắm chặt lấy, nhất định không thể bỏ lỡ qua, phải nỗ lực học tập, nỗ lực tu hành.

Lần diễn giảng này, tôi nghĩ chỉ giảng đến chỗ này thôi, chúng ta dừng lại ở đây. A Di Đà Phật!

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây