XẢ BỎ TÀI VẬT
Thứ bảy - 26/02/2022 23:09 - Đã xem: 1196
...Chúng ta không nên chấp trước vào tiền tài, của cải vật chất phù phiếm của thế gian, mà hãy buông bỏ để cho tinh thần được thoải mái, nhẹ nhàng, thư thái, an nhiên - tự tại.
Chúng ta thấy có không ít người sau khi thành công trong sự nghiệp; tiền tài, của cải đầy rẫy nhưng ngược lại, họ rất cô đơn và đau khổ. Vì sao? Vì họ không buông bỏ được. Họ chỉ biết bo bo kiếm tiền, giữ tiền và rồi bất chợt con quỷ vô thường chợt đến, khiến cho họ chẳng kịp trở tay, chưa kịp tin rằng “mình sẽ phải chết” thì đã bị mất mạng rồi. Ôi cơn say trần thế thật chỉ như một giấc mộng dài! Bậc có trí tuệ phải khéo nhận ra, kẻ si mê vô trí thì hết “lầm” lại tới “lạc”...
Trong cuộc sống nếu người thành công thực sự, hạnh phúc thực sự thì chúng ta thấy họ rất an vui, tự tại không chấp trước vào tiền tài, sự nghiệp hay bất cứ điều gì. Vì sao? Vì họ biết rằng: tiền tài, của cải, tiếng khen hay sự nghiệp… thảy đều là giả. Vì trong Kinh Kim Cương, Đức Phật đã dạy: “Nhất thiết pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Nghĩa là tất cả các pháp có hình tướng, hết thảy đều là giả, chúng như mộng, như huyễn, như
hoá, như sương mai, như điện chớp… không thật có. Bậc có trí tuệ thực sự thường không chấp vào những cái giả đó, mà họ chỉ mượn những cái giả để hiện những cái chân mà thôi. Ví dụ như người biết nương vào cái phúc báo giàu sang, phú quý kiếp này để làm bố thí, cúng dàng, phóng sinh, tu phúc,… thì kiếp sau họ sẽ được nhận lại những kết quả tốt đẹp gấp nhiều lần kiếp trước. Chúng ta rồi ai ai cũng sẽ phải già, bệnh, rồi chết. Khi chết, ta không mang theo được vật gì, ngoài nghiệp quả thiện - ác mà mình đã gieo trồng. Thế rồi tất cả tài vật, dù cho có nhiều tới đâu, quý tới đâu thì chúng ta cũng sẽ phải từ bỏ hết, hoặc những thứ đó cũng sẽ rời xa chúng ta. Cũng ví như hơi nước, tới mùa khô hanh tự nhiên sẽ bị bốc hơi và cạn dần; hay như đám mây bay qua bầu trời, chợt có rồi không thật, không bền vững. Mạng sống của chúng ta cũng như thế, sống chết vô thường, nay còn mai mất, không có kỳ hẹn, nó được ví như sương mai, như điện chớp… mới ngày nào thanh niên trai tráng, ngoảnh đi ngoảnh lại tóc đã điểm hoa râm, tuổi già lụ khụ. Biết rồi thì nên buông bỏ, buông (xả) ở đây nghĩa là không chấp trước, không vướng bận, không khởi tâm đắm nhiễm để rồi sinh ra đau khổ, âu lo, phiền muộn; làm chất xúc tác cho tâm thức đoạ lạc khi chúng ta rời bỏ tấm thân này.
- Con đường học đạo không thể bước đi trên con đường danh lợi. Cái danh, cái lợi, tiền tài của cải chỉ là vật phù du, là phương tiện ban đầu để chúng ta phấn đấu. Sau khi thành công rồi, điều thiết yếu cho con đường giải thoát, giác ngộ đó chính là việc xả bỏ tài vật để hướng tới sự thanh tịnh, giải thoát vô thượng của bậc Thánh.
_trích "Học Đạo Đức-chú thích" | Đ.Đ Thích Đạo Thịnh_