Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.2)

Thứ hai - 09/06/2014 11:18 - Đã xem: 4308

Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.2)

(PGVN) Lý Thái Tổ là một mẫu người phật tử, có công với nước, có đức với dân, có hiếu với đạo. Đã làm rạng rỡ Đại Việt cũng như phát triển Phật giáo đương đại.
NHÀ LÝ
Mở đầu triều đại nhà Lý là Lý Công Uẩn (1010-1220)
 
1. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn 1010 – 1028)
 
Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm, sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Mẹ chết khi mới sinh, thiền sư Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi, Lý Công Uẩn thông minh và có chí khí khác người ngay từ nhỏ. Nhờ sự nuôi dạy của nhà sư Lý Khánh Vân và Lý Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành người xuất chúng, văn võ kiêm toàn, làm đến chức Điện tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất, triều thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Thuận Thiên, vẫn lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm Kỷ Dậu (1009) tháng 11 ngày Quý Sửu. Tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô về thành Đại La, một buổi sáng đẹp trời, thuyền vừa cập bến, Nhà Vua thấy Rồng vàng bay lên, do đó đặt tên là kinh đô Thăng Long (tức là Hà Nội ngày nay). Vua Thái Tổ chỉnh đốn lại việc cai trị, chia đất nước làm 24 lộ, trị vì 18 năm, thọ 55 tuổi. 
 
Lý Công Uẩn được hai thiền sư uyên bác làm dưỡng phụ và tôn sư, dạy dỗ cả kinh điển Phật giáo lẫn Nho gia, dịch lý Đạo học, vì vậy Lý Công Uẩn đã có tầm nhìn chiến lược chính trị, kinh tế và xã hội trong sách lược an bang tế thế. Lúc còn dưới trướng nhà Lê, Lý Công Uẩn cũng đã biết đánh giá chiến lược về thời bình cũng như binh thuật trong thời chiến. Mãi đến khi lên ngôi được một năm, ý định dời đô về trung tâm sông Hồng của Lý Công Uẩn mới thực hiện, nhưng để thực hiện điều nầy, thay vì dùng quyền lực của nhà vua để quyết định, Lý công Uẩn ra chiếu dời đô, phủ dụ phân tích thiệt hơn khi dùng đồng bằng làm đế đô để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Chính sự khôn ngoan và biết tôn trọng ý dân, quần Thần, Lý công Uẩn đã được toàn dân ủng hộ, âm phò dương trợ; nên để củng cố niềm tin của thần dân, Lý công Uẩn cho biết nơi thành Đại La có rồng xuất hiện, nên đặt nơi đây là Thăng Long. Quần thần tôn kính lập biểu dâng sớ tán đồng: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo". (Đại Việt sử ký toàn thư). 
 
Tuy lìa chốn cũ, vua Lý không quên quan tâm lòng dân bản xứ, nên đổi Hoa Lư thành phủ Trường An và làng Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức.
 
Về tôn giáo: Sau khi ổn định chính trị kinh tế và quân sự, vua Lý Công Uẩn bắt đầu vun bồi tôn giáo để làm điểm tựa tâm linh cho thần dân. Hơn ai hết, Lý Công Uẩn được xuất thân từ Thiền Môn, biết giá trị tâm linh cũng như chính trị xã hội bấy giờ, tôn giáo là chất xúc tác gắn bó keo sơn lòng dân trong xã hội. Vì vậy, nhà Lý đã nổ lực xây dựng chùa đình miếu mạo cung ứng nhu cầu tín ngưỡng truyền thống cho nhân dân. 
 
Năm 1018, Lý Thái Tổ sai hai quan là Phạm Hạc và Nguyễn Đạo Thanh sang Trung Quốc (đời Tống) thỉnh Tam Tạng Kinh về thờ.
 
Chiến lược chính trị như thế, bị một số Nho gia phê phán qua hình thức xây dựng chùa miếu, tiếp chúng độ Tăng hơn nửa dân số trong nước, bảo là hoang phí tài nguyên bóc lột công sức người dân. Thử hỏi, nếu nhà vua làm không được nhân dân đồng thuận thì liệu xã hội có được yên bình thịnh vượng như thế chăng? 
 Tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm (Hà Nội)
Sử gia Lê Văn Hưu phê bình trong Đại Việt sử ký:
 
Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là Thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?
 
Nho gia đố kỵ phê phán như có lý, nhưng thực tình kết quả việc làm của Thái tổ đã nhờ tài khôn khéo về tâm lý chính trị đó mà Lý Thái Tổ đã ổn định nội tình, an bình xã hội, quần chúng quy về một mối và thuận thảo với ngoại bang.
 
Quốc gia thịnh trị thời quân chủ, không chỉ trên phương diện kinh tế, tín ngưỡng góp phần lớn để an dân, thạnh trị. Từ Tây sang Đông đều như thế, tôn giáo tín ngưỡng luôn là điểm tựa tinh thần cho người dân sau kinh tế và cơm ăn áo mặt vừa đủ. Nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn tôn trọng tín ngưỡng quần chúng và tạo điều kiện cho tín ngưỡng đó phát triển.
 
Về Chính Trị: Về mặt lịch sử đương thời, Việt Nam chỉ phải đối đầu với các lân bang là Trung Quốc, Chiêm Thành và Chân Lạp. Theo lịch sử thì Tống Chân Tông phải đối diện với nhiều vấn đề nội tình nên không có thời giờ dòm ngó Đại Việt, chẳng những thế mà còn phong cho vua Lý Thái Tổ làm Nam Bình Vương (1017). Còn Chiêm Thành và Chân Lạp đều triều cống hàng năm, nên biên cương ổn định, xã hội thịnh vượng, dân cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số bộ tộc làm loạn, buộc lòng vua và các Hoàng Thái tử được phong vương thân chinh đánh dẹp. Trong lúc dẹp loạn, vua luôn nơm nớp lo sợ giết lầm người hiền hoặc giết oan kẻ trung hiếu, nên vua khấn vái đất trời: "Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét". Sau khi ông khấn, gió sấm không còn dữ dội nữa và trở nên yên lặng tại trận Diễn Châu.
 
Tóm lại, tuy xuất thân từ thiền môn, bản chất là một phật tử luôn tôn trọng sự sống, nhưng vì nhiệm vụ với đất nước, vì an sinh xã hội, buộc lòng vua Lý Thái Tổ phải sát phạt các nơi dấy loạn để mở mang bờ cõi, yên bình xã hội. Thể hiện đúng tinh thần Bi-Trí-Dũng của nhà Phật.
 
Lý Thái Tổ là một mẫu người phật tử, có công với nước, có đức với dân, có hiếu với đạo. Đã làm rạng rỡ Đại Việt cũng như phát triển Phật giáo đương đại. Tuy nhiên, các thế hệ triều Lý kế thừa, một số tranh chấp vương vị không thua các triều đại trước như các hoàng tử Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chính Vương đem quân vây hoàng thành để tranh ngôi vua với Thái Tử Lý Phật Mã (Lý Thái Tông).
 
Cũng có triều đại ăn chơi sa đọa như Lý Cao Tông, say sưa suốt ngày như Lý Huệ Tông, nhưng không độc ác như Lê Long Đỉnh. 
 
Cũng có triều đại mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước như - Lý Thái Tông, tức Lý Phật Mã (1028-1054); xây dựng lực lượng quân đội và quần chúng để tạo thế mạnh toàn dân bảo vệ tổ quốc; vua biết thân dân và giao hảo tốt với dân tộc thiểu số, gả công chúa Bình Dương cho Châu Lạng... Lý Thái Tông cũng ban Hình Thư vào năm 1042. Đây là sách luật đầu tiên của Việt Nam gồm luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng và hôn nhân gia đình.
 
Cũng có đời vua biết thương dân, quan tâm sự ấm no đói lạnh của dân và thương tội phạm như Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn 1054-1072). Qua 9 triều đại nhà Lý 1009-1225, chỉ có ba vị là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, ảnh hưởng tinh thần đạo đức Phật giáo sâu đậm. Tuy nhiên, vua Lý Thánh Tông, húy Nhật Tôn, có trách nhiệm với tổ quốc và biết thương dân, có sáng kiến khôi phục kinh tế, an dân, mở mang bờ cõi, được xem là một vị vua anh minh nhân từ nhất trong lịch sử:
 
Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn 1054 – 1072)
 
Lý Thánh Tông tên húy là Nhật Tôn, sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi (1023), là con bà Kim Thiên Thái Hậu họ Mai. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: “... Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc Vua tốt. Song nhọc sức xây tháp Báo Thiên, phí của dân làm cung Dâm Đàm, đó là chỗ kém”. Lý Thánh Tông mất năm Nhâm Tý (1072) trị vì 18 năm, thọ 50 tuổi. 
 
Ngay sau khi lên ngôi, vua Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt. Lý Thánh Tông là một vị vua có lòng thương dân. Nhân một năm trời rét đậm, Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng:
 
"Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm".
 
Hoặc - "Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng:
 
"Lòng trẫm yêu dân cũng nhý yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi."
 
Vua cũng đã có công mở rộng biên cương - phá Tống bình Chiêm, có tiếng giỏi binh pháp, nhà Tống cũng phải học hỏi phiên chế quân đội Đại Việt lúc bấy giờ. Vua từng làm nhà Tống thất điên bát đảo, bắt được tướng nhà Tống là Dương Bảo Tài. Nhiều lần phản công bị thất bại, Tống phải sai sứ cầu hòa, nhưng vua cương quyết không trao tù binh Dương Bảo Tài. Phía Nam, Chiêm Thành làm loạn, vua thân chinh đi đánh, bắt được Chế Củ. Chế Củ xin dâng đất ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Thánh Tông lấy 3 châu ấy và cho Chế Củ về nước. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị (Wikipedia).
 
Như một quy luật - Thành-trụ-hoại-không, tuy các tiên đế đức độ tài ba, lập quốc an dân, mở mang bờ cõi, thế nhưng, các triều đại về sau, bê tha bất tài, đã bị các đại thần khống chế như Trần Thủ Độ. Đời Lý cuối cùng là Lý Huệ Tông bị Thủ Độ ép xuất gia để rồi bức tử, nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Không lâu sau đó, ngai vàng chuyển qua nhà Trần, vua Trần đầu tiên là Trần Cảnh, được hơn 8 tuổi, theo sự chỉ đạo của Trần Thủ Độ.
 
Nhà Lý tồn tại từ 1009 đến 1225, tức 216 năm. Một triều đại giữ vững ngai vàng lâu dài nhất so với các triều đại tiền nhiệm. Triều Lý phát triển kinh tế văn hóa khá sâu đậm, lập Văn miếu, Quốc Tử giám chọn hiền tài ngoài giới quý tộc, tôn trọng Nho giáo song song Phật giáo. Quản lý đất nước theo luật pháp mà không do chuyên quyền cá nhân áp đặt, đây là nét văn minh của thể chế phong kiến lúc bấy giờ.
 
Theo nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong "Đại Việt sử ký toàn thư" thì: 
 
Cũng có đời vua như Lý Thần Tông (1128-1138) lấy nông nghiệp làm cơ bản phát triển kinh tế làm cho dân no ấm. Luân phiên cho quân nghỉ 6 tháng về canh tác, thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông".
 
Qua những suy vi của triều Lý, một phần do vua Lý Cao Tông tắc trách, ăn chơi sa đọa, bất tài, nghe theo nịnh thần, làm cho dân đói kém chết chóc quá nhiều, vì thế loạn lạc nổi lên khắp nơi; một phần do đại thần Trần Thủ Ðộ khuynh loát thao túng triều chính, bắt ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Do cảnh loạn lạc trong nước và triều Lý thất sủng, nên Lý Long Tường, hoàng tử của Lý Anh Tông, theo đường biển, chạy tỵ nạn sang Cao Ly, được vua Triều Tiên phong tặng Hoa Sơn tướng quân nước Cao Ly lúc bấy giờ. Và từ đó Lý Long Tường trở thành tổ của giòng họ Lý đầu tiên tại Hàn quốc.
 
Tóm lại, Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: “Triều đại nhà Lý là Triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”.
 
Các vua đời Lý so sánh với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn rất nhiều về phương diện học thức. Sự tôn sùng đạo Phật của các vua đời Lý cũng có tính cách tâm linh và trí thức hơn. Họ đều có học Phật và thường mời các thiền sư vào hoàng cung để đàm luận giáo lý. Vì thế thiền học đời Lý đã thực sự phát triển với các bậc cao tăng thạc đức như: Khánh Hỷ, Viên Thông, Viên Chiếu, Thường Chiếu, Bảo Giác... Các vị này đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam một số thi ca, trước tác, bi minh rất đáng kể.
 
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
 
Thiền Sư VẠN HẠNH
(? - 1018)- (Đời thứ 12, Dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
 
Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam học và nghiên cứu Bách luận, mà vẫn xem thường công danh phú quí.
 
Năm 21 tuổi Sư xuất gia, cùng Thiền sư Định Huệ, thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.
 
Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp “Tổng trì tam-ma-địa” lấy đó làm sự nghiệp.
 
Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.
 
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi:
 
- Quân ta thắng bại thế nào?
 
Sư đáp:
 
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
 
Quả đúng như lời Sư đoán.
 
Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ mà vẫn biết trước, báo tin cho chú và bác vua Lý hay: “Thiên tử đã băng hà, Lý Thân Vệ đã khuất phục trong thành nội, túc trực trong vài ngày Thân Vệ ắt được thiên hạ.” Và để chiêu an bá tánh, Sư ra yết thị rằng:
 
Tật Lê chìm biển Bắc
Cây Lý che trời Nam
Bốn phương binh đao dứt
Tám hướng thảy bình an
(Tật Lê trầm bắc thủy
Lý tử thọ nam thiên
Tứ phương qua can tịnh
Bát biểu hạ bình an.)
 
Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018) ngày rằm tháng năm, Sư không bệnh chi, mà gọi chúng nói kệ:
 
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.
(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.)
 
Nói xong, Sư lại bảo chúng: 
 
“Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.” Ngừng giây lát, Sư tịch.
 
Vua Lý Thái Tổ và đệ tử làm lễ hỏa táng, nhặt xá-lợi xây tháp cúng dường. Về sau vua Lý Nhân Tông có làm bài truy tán Sư rằng:
 
Vạn Hạnh thông ba mé (Ba mé: quá khứ, hiện tại, vị lai.)
Thật hợp lời sấm xưa.
Quê nhà tên Cổ Pháp
Dựng gậy vững kinh vua.
(Vạn Hạnh dung tam tế,
Chơn phù cổ sấm cơ (ky)
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.)
 
(Thiền Tông VN)
 
Tuy chỉ là một Thiền sư, nhưng lại là một Thiền sư dung thông tam giới, đem sở học sở chứng để xây dựng đất nước; đứng ngoài danh lợi thế sự mà vẫn tạo được lợi danh cho dân tộc một thời. Có công un đúc một vị vua nhân hậu lãnh đạo dân tộc, ổn định giặc loạn khắp nơi. Tu mà không rời bổn phận với đất nước; tham chính mà không dính mắc lợi danh; tâm linh là ngọn đuốc dẫn dắt mọi hành hoạt; Đạo Đời viên dung. Sách sử ngàn đời vẫn không mai một.

Còn nữa...
Minh Mẫn
Sưu tập - Diệu Âm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây