Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Năm Bản Dịch Gốc Của Kinh Vô Lượng Thọ (PDF)

Năm Bản Dịch Gốc Của Kinh Vô Lượng Thọ (PDF)

Chương 3: Lược Khảo Về Năm Dị Bản Kinh Vô Lượng Thọ - Phần 3

 Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: "Này Hiền giả Sāriputta, trong thời hiện tại, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào có thể bằng Thế Tôn về vấn đề giác ngộ?" Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con trả lời không. Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: "Vì sao, Tôn giả Sāriputta một mặt thì xác nhận là có, một mặt xác nhận là không có?" Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con sẽ trả lời: "Này Hiền giả, trước mặt Thế Tôn, tôi có nghe nói, từ nơi Ngài tôi có ghi nhận: "Trong thời quá khứ, có vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bằng Ta về phương diện giác ngộ." Này Hiền giả trước mặt Thế Tôn tôi có nghe nói, từ nơi Ngài tôi có ghi nhận: "Trong thời vị lai, có các vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bằng Ta về phương diện giác ngộ." Này Hiền giả, trước mặt Thế Tôn tôi có nghe nói từ nơi Ngài tôi có nghi nhận: "Không có trường hợp, không có sự kiện trong một thế giới, hai vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác cùng xuất hiện ở đời, không trước, không sau. Sự kiện như vậy không thể xảy ra". Bạch Thế Tôn, có phải khi được hỏi và trả lời như vậy, con đã nói lên đúng ý với Thế Tôn, không có sai lạc, không có hiểu lầm Thế Tôn? Có phải con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp? Có phải không một đối phương hợp pháp nào có thể tìm ra lý do để chỉ trích phê bình?...”.

                                                            __ (Trích “Kinh Tự Hoan Hỷ”: Sampasādanīya­sutta)[33] __

     Trong Kinh điển Phật giáo Sơ kỳ đã xác nhận, chư Phật quá khứ và chư Phật vị lai tất cả đều ngang bằng nhau về phương diện giác ngộ. Tất nhiên, giác ngộ ở đây bao hàm cả “trí tuệ” (Paññā), “tam minh” (Tevijja),… Và khẳng định trong hiện tại ở một thế giới không thể đồng xuất hiện 2 vị Chính Đẳng Giác. Tư tưởng Sơ kỳ này hoàn toàn bị “dội nước lạnh” bởi tư tưởng phát triển nêu trên của “Đại bản A Di Đà” trong Tịnh Độ Phật giáo. Giải thích thế nào khi hai tư tưởng trái ngược nhau lại cùng gọi là “Phật giáo”? Hình ảnh của Phật A Di Đà được đề cao nhấn mạnh rằng: Ngài là đấng có quang minh, trí tuệ, thần thông tối thượng hơn nhiều so với chư Phật khác. Cuối cùng dẫn đến kết luận: A Di Đà Phật là chúa tể, là đại vương của chư Phật, không một vị Phật nào hơn được hay ngang bằng.

     Thông qua quá trình dò xét các bản kinh khác, chúng tôi mới phát hiện ra chỉ duy nhất bản thứ 2: Đại bản A Di Đà này là có tính chất cường điệu ấy. Bản thời Hán không có những đoạn tương tự nêu trên, và kể cả bản thời Ngụy, Đường, hay Tống cũng không có. Tóm lại, rất có khả năng nếu chúng ta đặt ra nghi ngờ về độ xác thực của bản thời Ngô này: Ai đó đã ngụy tạo ý tưởng “độc tôn Di Đà” này vào trong chính văn kinh điển đây, có thể chính là Chi Khiêm, hoặc cũng có thể là do người khác. Lồng tư tưởng này vào bản Kinh chắc chắn nhằm hướng tới mục đích: Độc thần hóa Phật giáo. Biến thể Phật A Di Đà trở thành “Thần Chúa” tối cao, đây chính là cơ sở gây ra sự biến thái về sau của một số trường phái Tịnh Độ: Không tôn thờ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, chỉ tôn thờ Từ phụ A Di Đà, nương nhờ tha lực của Ngài để vãng sinh lạc cảnh mà không cần hoặc ít phải tốn công tự lực tu hành. Đây chính là quan điểm đi lệch dần giáo lí cốt lõi của đạo Phật, và vì thế: đức Phật A Di Đà mang một biểu tượng không khác lắm với hình ảnh Thượng Đế hoặc Thiên Chúa trong tín ngưỡng độc thần của Cơ Đốc hay Hồi giáo.

     Mặc dù thế, chứ về văn phong diễn đạt thì bản A-Di-Đà Tam-Da Tam-Phật Tát-Lâu-Phật-Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh (Đại bản A Di Đà) cũng mắc những điểm hạn chế giống như bản thời Hán của Chi Sấm. Việc vay mượn quá nhiều ngôn từ Nho gia, Đạo gia cũng như từ ngữ văn vật người Hán, cũng như lối trình bày văn chương khá phồn tạp, không phù hợp lắm với lối hành văn của người Hán, cho nên cả bản thời Hán và bản thời Ngô này chẳng được ưa chuộng lưu thông rộng rãi cho tín đồ đọc tụng, chỉ góp phần có mặt trong hệ thống Đại Tạng Kinh mà thôi.  

2.3      Dịch giả Khang Tăng Khải và bản thời Ngụy “Phật thuyết Vô Lượng Thọ Kinh”

2.3.1    Khang Tăng Khải (thế kỷ III)

     Khang Tăng Khải (Hán: 康僧鎧; Skt: सँघवर्मन् [Saṃghavarman]), phiên âm là Tăng-già-bạt-ma, còn có tên là Tăng-già-bà-la (Saṁghapāla). Tiểu sử về vị tăng nhân này quá ít ỏi nên khó biết tường tận. Theo Cao Tăng Truyện đời Lương chỉ có một đoạn ngắn ghi về ông: “Bấy giờ lại có Sa-môn ngoại quốc là Khang Tăng Khải, cũng vào cuối năm Gia Bình, đi đến Lạc Dương, dịch ra bốn bộ Kinh: “Uất-Già Trưởng Giả”[34].

     Chỉ được biết, Khang Tăng Khải đến Trung Quốc vào triều đại Tào Ngụy thời Tam Quốc, niên hiệu Gia Bình thứ tư (252) đời Ngụy Phế Đế Tào Phương, ông được ở lại chùa Bạch Mã tại Lạc Dương để phiên dịch kinh điển. Như vậy có thể thấy, giới hỗ trợ cho Khang Tăng Khải là tăng sĩ tại chùa Bạch Mã – ngôi chùa có lẽ là đầu tiên được nhà nước xây dựng tại Trung Quốc đánh dấu sự truyền bá của Phật giáo sang Đông Á. Khang Tăng Khải có dịch một vài bộ kinh điển như: Úc-Già Trưởng Giả Kinh (zh. 鬱伽長者經), Tứ Phần Tạp Yết-Ma (zh. 四分雜羯磨), và kể cả bộ Kinh Vô Lượng Thọ này v.v… Xưa nay vẫn cho rằng Kinh Vô Lượng Thọ được dịch bởi Khang Tăng Khải, nhưng câu chữ dịch thuật trong bộ Kinh này với Kinh Úc-Già Trưởng Giả lại không nhất trí, giữa các học giả vẫn có nhiều thuyết khác nhau. Lại nữa, trong Vạn Tục Tạng Kinh (zh. 卍續藏經) có thu vào bộ Kinh nói về Vô Lượng Thọ Phật có tên là Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh (zh. 無量壽佛名號利益大事因緣經), cũng ghi là do ngài Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy dịch, điều này cũng rất đáng nghi ngờ (Lịch đại Tam Bảo ký quyển 5, Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 1)[35].

     Trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 1 cũng ghi: “Sa-môn Khang Tăng Khải là người Ấn Độ, học rộng quần Kinh, nghĩa suốt mà ý sâu, vào năm Nhâm Thân tức Gia Bình thứ tư, nơi chùa Bạch Mã ở Lạc Dương dịch ba bộ: Úc-Già Trưởng Giả Kinh…, trong Cao Tăng Truyện bảo bốn bộ không đủ hiển danh. Trúc Đạo Tổ ghi chép đời Ngụy Tấn, Tăng Hựu và Bảo Xướng đời Lương có ghi,…”[36].

2.3.2    Bản thời Ngụy “Phật thuyết Vô Lượng Thọ Kinh”:

     Bản Vô Lượng Thọ này được Ấn Quang đại sư – một nhà truyền giáo có danh vọng trong đầu thế kỷ 20 được tôn vinh là tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông – xác nhận là bản tiêu chuẩn nhất. Sở dĩ những lời xác chứng của tăng sĩ Ấn Quang được giới tín đồ Phật giáo Trung Hoa tin nhận bởi truyền thuyết cho rằng vị ấy là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ-tát.

     Nhưng vì sao Ấn Quang đại sư lại công nhận bản thời Ngụy này hơn? Nếu so về nội dung thì bản này cung cấp thông tin không nhiều bằng bản “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” của đời Hán, song nếu xét về văn phong thì quả nhiên bản này rất chuẩn mực. Chuẩn mực về câu cú, hành văn, từ ngữ, phải nói là rất phù hợp với thị hiếu đọc văn của người Hán. Văn chương trong bản Kinh sử dụng nhiều ngôn từ khá hoa mỹ, uyên áo, bóng bẩy, lại không bị mắc kiểu lặp câu lặp từ nhiều như hai bản trước. Chúng ta đều biết, người Ấn Độ rất ưa lối văn phong lặp đi lặp lại câu từ trong văn bản, bằng chứng là trong các bộ Kinh Nguyên thủy nhất như Nikāya và Agama (A-hàm), kể cả những bộ Kinh của Bắc truyền Đại Thừa tiêu biểu như: Kinh Đại Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa 600 quyển của ngài Huyền Trang, các câu các đoạn lặp lại liên tục rất nhiều lần. Lối hành văn đó nhằm mục đích cho người đọc xem đi xem lại mà ghi nhớ, song lối văn chương đó nếu dịch ra Hán văn sát nghĩa sẽ là điều không hay đối với người Trung Hoa. Người Hán chuộng chất văn giản dị, thâm thúy, gieo vần theo luật, sắp xếp bố cục tường minh, tránh lỗi lặp từ và đối với họ những đoạn câu cứ gặp đi gặp lại hoài sẽ gây cảm giác chán chường, không thích đọc. Hai bản Kinh trước, tức bản thời Hậu Hán và thời Ngô, đều tuân thủ phép lặp đoạn của Phạn văn, cho nên văn ngôn rườm rà, dịch từ lại không chuẩn nên gây chán cho người đọc. Bởi vậy, bản thứ ba này rất được người Hán ưa chuộng, bởi cấu văn mạch lạc, từ ngữ hợp thời.

     Chẳng hạn, nói tới ngôn từ hoa mỹ bóng bẩy trong bản Kinh thời Ngụy này, dịch giả sử dụng Hán ngữ rất lưu loát, đó lại là ngôn ngữ mang tính “cao quý” và “bác học” – hoàn toàn không phải lối ngôn từ mộc mạc bình dị của dân gian[37]. Những ngôn từ này khi xướng lên bằng giọng Hán ngữ vô cùng hay và tao nhã, đã vậy còn gieo vần theo cách tứ tự rất nhịp nhàng, thuận miệng cho người đọc tụng hơn.

     Tuy nhiên, chính cách sử dụng văn phong và ngôn từ của dịch giả đã vô tình phơi bày ra một giả thuyết nghi ngờ: liệu đây có phải do Khang Tăng Khải dịch hay không? Chúng ta đưa ra các luận cứ sau đây:

     - Thứ nhất: Như những ngôn từ đã liệt kê ở trên, văn phong uyên bác hoa mỹ hết sức. Nếu dùng phương pháp khảo nghiệm văn bản học, ta thấy rõ ràng chất văn này rất phù hợp với lối văn mỹ lệ bóng bẩy của văn học thời Lục Triều. Y cứ theo “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê có cho rằng văn phong thời kỳ ấy rất hoa lệ, nhưng trọng âm tiết mà kém nội dung nên hóa ra phù hư yểu nhược[38].

     Khang Tăng Khải dịch Kinh vào thời Tào Ngụy. Lúc đó, mặc dù đường lối duy mĩ đã chớm nở, song vẫn chưa có quy luật rõ ràng, thể thức biền ngẫu kéo theo đó là gieo vần tứ tự - lục tự thì sau này mới phát triển. Rõ ràng, trong bản Vô Lượng Thọ thời Ngụy thì thể thức này diễn đạt rất điêu luyện, chứng tỏ phải do người dịch nào đó trong khoảng giữa thời Lục Triều viết ra mới đúng.

     - Thứ hai: Xét về thuật ngữ, cũng có vấn đề để chứng minh không phải Khang Tăng Khải dịch Kinh này. Tiêu biểu như cụm từ “Ngã văn như thị” (zh. 我聞如是) ở đầu Kinh này, cụm đó hay còn gọi là “Như thị ngã văn”, đây là phiên dịch từ cụm Phạn ngữ (Sanskrit) là: “evaṃ mayā-śrutaṃ”, tương đương với cụm từ “evaṃ me sutaṃ” trong tiếng Pāli. Đây là câu mở đầu cho mọi Kinh Phật truyền thống, tương truyền do ngài A-nan thuật lại. Song, chúng ta quan tâm ở cách dịch Hán văn. Câu “Như thị ngã văn” hay “Ngã văn như thị” là cách dịch của ngài Cưu-ma-la-thập thời Hậu Tần, đương thời vì ngài nổi danh nên nhiều người về sau cũng học tập theo phong cách dịch của ngài. Trước thời Cưu-ma-la-thập, Kinh Phật phiên dịch ra Hán văn một số không hề để câu “Như thị ngã văn”, ví dụ như bản “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” ở trên, hoặc nếu có dịch cũng chỉ để ba từ “Văn như thị” (Hán: 聞如是)[39]. Bản luận văn “Vô Lượng Thọ Kinh dịch giả khảo” của Thích Đức An ở Đài Loan thì cho rằng Kinh Vô Lượng Thọ có khả năng liên quan rất lớn đến Trúc Pháp Hộ đời Đông Tấn, còn giả thiết của người Nhật cho là Phật-đà-bạt-đà-la và Bảo Vân hợp dịch. Thật ra dù là ai dịch đi nữa thì có lẽ cũng không phải Khang Tăng Khải, bởi cách dùng “Ngã văn như thị” thì phải sau thời Cưu-ma-la-thập mới dùng. Còn nữa, Trúc Pháp Hộ thường dùng “Văn như thị” hay “Ngã văn như thị”, nếu đặt theo kiểu Sanskrit tức là “me sutaṃ evaṃ” không phù hợp, như vậy đó là do Trúc Pháp Hộ phiên dịch theo nguyên tắc trình tự của Hán ngữ; còn Phật-đà-bạt-đà-la và Bảo Vân dịch Kinh hay dùng kiểu “Như thị ngã văn” thì phù hợp với nguyên gốc Sanskrit hơn. Đây là lí do Thích Đức An cho rằng dịch giả là Trúc Pháp Hộ hơn.

     - Thứ ba: Xét về hành văn của Kinh này so sánh với các bản Kinh khác của Khang Tăng Khải, tiêu biểu là Úc-Già Trưởng Giả Kinh, ta thấy khác biệt rất nhiều, cần phải phân tích dưới đây. Úc-Già Trưởng Giả Kinh ban đầu vốn thuộc A Hàm Bộ, nằm ngay bài kinh số 39 trong Trung A Hàm (zh. 中阿含), nhưng đó là do Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch, không phải Khang Tăng Khải. Cuốn Úc-Già Trưởng Giả được xếp thành một hội nằm trong Đại Bảo Tích Kinh thời Đường dịch, quyển 82, tức là Úc-Già Trưởng Giả Hội thứ mười chín. Nay chúng ta xét văn phong của Vô Lượng Thọ thời Ngụy này và Úc-Già Trưởng Giả Hội kia:

Ngã văn như thị: Nhất thời Phật trụ Vương Xá thành Kì-xà-quật sơn trung, dữ đại Tỳ-khưu chúng vạn nhị thiên nhân câu, nhất thiết Đại Thánh, thần thông dĩ đạt, kì danh viết:… cụ túc thành tựu vô lượng Tổng-trì… đắc chư Như Lai biện tài chi trí[40].

                                    - (Trích “Kinh Vô Lượng Thọ”, Đại Chính Tạng) –

     “Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc Kì-đà lâm trung Cấp Cô Độc tinh xá, dữ đại Tỳ-khưu Tăng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu,…[41].

- (Trích “Úc-Già Trưởng Giả Hội đệ thập cửu”, Đại Bảo Tích Kinh, Đại Chính Tạng) –

     Chỗ in đậm là những điểm cần lưu ý. Hầu như, kiểu mở đầu “Ngã văn như thị: Nhất thời Phật trụ…, dữ đại Tỳ-khưu chúng … nhân câu” là thông lệ để khai Kinh, theo ông Vạn Kim Xuyên thì đó là “khai tràng sáo ngữ” (開場套語) – có nghĩa là lời nói theo tập tục để mở đầu đạo tràng giảng pháp. Kiểu mở đầu này tuyệt đại đa số Kinh văn Hán dịch đều có, cho nên đây là thông lệ mở màn cũng là quy tắc chung khi dịch Kinh chứ chẳng phải là điểm đặc sắc trong cách dùng từ của dịch giả. Sự khác biệt của “Ngã văn như thị” và “Như thị ngã văn” đã phân tích ở trên, còn điểm đáng chú ý là cách dùng từ “一切大聖” (Nhất thiết Đại Thánh) và “辯才” (Biện tài). Tra xét trong Đại Chính Tạng, người hay sử dụng hai cụm từ này ở đầu Kinh lại chính là Trúc Pháp Hộ, theo như vị Thích Đức An thống kê thì cụm từ “nhất thiết Đại Thánh” xuất hiện trong Đại Chính Tạng 26 lần, trong đó ở bản Kinh này là 1 lần, bản dịch của Trúc Phật Niệm là 3 lần, của Phật-đà-bạt-đà-la và Bát-nhã là 1 lần, và hơn 20 lần xuất hiện trong các dịch bản của Trúc Pháp Hộ[42]. Trúc Pháp Hộ và hai vị đệ tử dịch kinh là Nhiếp Thừa Viễn và Pháp Cự, họ là một đoàn đội có cấu tứ dịch Kinh giống nhau. Nói rằng Vô Lượng Thọ ngay cách mở đầu đã mang phong thái dịch Kinh của thầy trò Trúc Pháp Hộ rồi, tiêu biểu ở những cụm từ “nhất thiết Đại Thánh, thần thông dĩ đạt,… tổng trì… biện tài…”, bây giờ thử đối chiếu với một vài bài Kinh khác của thầy trò Trúc Pháp Hộ:

     “Văn như thị: Nhất thời Phật tại Vương Xá thành Linh Thứu sơn, dữ đại Tỳ-khưu chúng ngũ bách nhân câu. Nhất thiết Đại Thánh, thần thông dĩ đạt[43].

- (Trích “Sinh Kinh” số 154, Trúc Pháp Hộ dịch, Bản Duyên Bộ, Đại Chính Tạng) –

     “Văn như thị: Nhất thời Phật tại Như Lai sở du cư thổ… Nhất thiết Đại Thánh thần thông dĩ đạt. Tốc đắc Tổng-trì biện tài vô ngại[44].

- (Trích “A Sai Mạt Bồ-tát Kinh” số 403, Trúc Pháp Hộ dịch, Đại Tập Bộ, Đại Chính Tạng) –

     Chúng ta thấy sự giống nhau trong phong cách dùng từ đặc sắc này giữa các bản Kinh dịch của Trúc Pháp Hộ với bản Vô Lượng Thọ này. Vì bài giới thiệu phân tích này có hạn nên không thể liệt kê và đối chiếu sâu rộng hơn, chắc phải để dành sang một tập sách mới, nhưng thông qua đây chúng ta phần nào có thể chứng minh dường như Khang Tăng Khải không phải là dịch sư của bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Nó có liên quan mật thiết đến Trúc Pháp Hộ, hoặc Phật-đà-bạt-đà-la và Bảo Vân hơn là Khang Tăng Khải. Ở bài Kinh Úc-Già Trưởng Giả của Khang Tăng Khải, văn phong gãy gọn, cũng có sự trau chuốt, tuy nhiên cách dùng từ nhiều mặt đã khác với bản Vô Lượng Thọ này rồi, thật sự không thể nào tin rằng Úc-Già Trưởng Giả và Vô Lượng Thọ bản thời Ngụy là do cùng một người dịch được.

     Tuy nhiên, dù là ai dịch đi chăng nữa thì bản Vô Lượng Thọ thời Ngụy vẫn là một bản dịch khá xuất sắc, lời lẽ bay bướm mà giai điệu nhịp nhàng trầm bổng ai sảng, đọc tụng có cảm giác lên xuống theo tầng bậc rất dễ miệng, chứ không mắc lỗi lủng củng như hai bản Kinh trước kia.

     Cuối cùng, chúng ta cũng nên sắp xếp bố cục của bài Kinh này, gồm:

     * Phần tựa:

     - 1: Mở màn Pháp hội thính chúng: Thanh Văn và Bồ-tát.

     - 2: Mô tả công hạnh Bồ-tát theo cái đức của Phổ Hiền.

     * Phần chính tông:

     - 3: Duyên khởi của Đại Giáo, do A-nan bạch hỏi.

     - Ý 4: Nhân địa của Pháp Tạng Bồ-tát.

     - 5: Pháp Tạng Bồ-tát chí tâm cầu đạo tinh tiến.

     - 6: Pháp Tạng Bồ-tát phát 48 thệ nguyện rộng lớn.

     - 7: Pháp Tạng Bồ-tát quyết tâm sẽ thành Phật bằng lời kệ tụng của mình.

     - 8: Pháp Tạng Bồ-tát nhiều kiếp tích công lũy đức.

     - 9: Pháp Tạng Bồ-tát thành tựu viên mãn, hiệu Vô Lượng Thọ Phật, ở thế giới An Lạc giáo hóa thù thắng.

     - 10: A-nan đặt giả thiết, đức Phật giải đáp nghi vấn về sự nghiêm tịnh của thế giới An Lạc.

     - 11: Quang minh soi khắp vô lượng của đức Vô Lượng Thọ Phật.

     - 12: Thọ mạng Phật vô lượng và đại chúng đông vô số.

     - 13: Mô tả cây báu khắp nước.

     - 14: Đạo tràng Bồ-đề với gió hòa hoa thơm và âm nhạc của Vô Lượng Thọ Phật.

     - 15: Nhà cửa lầu gác mỹ lệ thù thắng tùy ý muốn có.

     - 16: Suối ao công đức.

     - 17: Danh sắc và chí trí cầu đạo của chúng sinh An Lạc hiếm có siêu việt thế gian.

     - 18: Chúng sinh An Lạc thụ dụng đầy đủ như ý.

     - 19: Gió đức mưa hoa tươi mát cõi nước.

     - 20: Quyết chứng Chính định, không đọa Tà pháp.

     - 21: Ba bậc vãng sinh: thượng, trung, hạ.

     - 22: Mười phương chư Phật tán thán Vô Lượng Thọ Phật và cõi nước của Ngài.

     - 23: Ánh sáng thần thánh của đại sĩ Bồ-tát, nhất là hai vị Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.

     - 24: Đi khắp nơi lễ kính cúng dưỡng chư Phật tha phương.

     - 25: Sự tu trì Chính Pháp của hàng Bồ-tát cõi An Lạc.

     - 26: Công đức chân thật không thể kể xiết của Bồ-tát.

     - 27: Nói về sự khổ của thế gian để khuyến dụ sách tấn tu hành.

     - 28: Di-lặc Bồ-tát hoan hỷ tâm như bừng sáng.

     - 29: Đời trược ác khổ với năm điều ác, năm nỗi đau và năm sự đốt.

     - 30: Đức Phật Thích Ca bao lượt khuyên lơn mọi người nên hành công đức trí tuệ tu hành giáo hóa nhau.

     - 31: Lợi ích của việc một đời tuân thủ Kinh giới Giáo pháp, không nên vi phạm.

     - 32: Đức Phật bảo A-nan hướng Tây lễ Phật, đức Vô Lượng Thọ Phật cùng Thánh chúng An Lạc hiện ra sáng ngời.

     - 33: Di-lặc Từ Thị thuật lại chỗ thấy của mình và xin Thích Ca Phật đính chính.

     - 34: Kẻ nghi ngờ thì thai sinh về nghi thành bảy báu chốn biên địa.

     - 35: Dự báo số lượng Bồ-tát các phương vãng sinh thế giới An Lạc.

     * Phần lưu thông:

     - 36: Đức Phật dạy gắng gìn giữ Kinh Pháp không để sót mất, chỉ đặc lưu lại Kinh này lâu nhất.

     - 37: Hội chúng nghe Kinh đều được lợi ích, ai nấy đều hoan hỷ vô cùng.

     Điểm lưu ý trong nội dung đó là 48 nguyện của Vô Lượng Thọ Phật (A Di Đà). Bài Kinh này sở dĩ được coi là tiêu chuẩn cũng bởi truyền thống tín đồ Tịnh Độ ở Việt Nam và Trung Hoa đều tin tưởng con số 48 đại nguyện từ kim khẩu Di Đà. Tuy nhiên, giờ đây khi đưa ra 5 dị bản với các số nguyện khác nhau, từ 24 nguyện, 36 nguyện đến 48 nguyện không biết theo ai. Trong bản Prakit tìm được ở Nepal của Kinh Vô Lượng Thọ chỉ đề cập 47 nguyện, còn bản tiếng Tạng về Kinh này tức Thánh A Di Đà Danh Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh liệt kê những 49 nguyện[45]. Như vậy, hầu như không bản nào đồng ý với bản nào, chênh lệch nhau không ít, vì vậy cần sẵn sàng đặt dấu hỏi nghi ngờ về con số truyền thống 48 nguyện mà tín chúng xưa nay vẫn tin theo: “Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh, cửu phẩm hàm linh giai phụ mẫu”.

2.4         Dịch giả Bồ-đề-lưu-chí và bản “Vô Lượng Thọ Như Lai Hội” trích từ bản Đường “Đại Bảo Tích Kinh”

2.4.1    Bồ-đề-lưu-chí (? – 727)

     Bồ-đề-lưu-chí (sa. Bodhiruci, zh. 菩提流志; thế kỷ VII – VIII), nguyên tên ban đầu là Đạt-ma-lưu-chi, có nghĩa là Pháp Hi. Về sau, nữ hoàng Vũ Tắc Thiên ban tên cho ông là Bồ-đề-lưu-chí, nghĩa là Giác Ái. Bằng chứng là Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 9 ghi rằng: “Sa-môn Bồ-đề-lưu-chí, vốn tên là Đạt-ma-lưu-chi, tiếng Đường gọi là Pháp Hi, Thiên Hậu đổi làm Bồ-đề-lưu-chí, tiếng Đường gọi là Giác Ái. Người Nam Ấn Độ”  (沙門菩提流志,本名達磨流支,唐言法希,天後改為菩提流志,唐言覺愛。南印度人。). Tống Cao Tăng Truyện (zh. 宋高僧傳) quyển 3 ghi lại rằng: “Thích Bồ-đề-lưu-chí, là người nước Nam Thiên Trúc. Dòng Tịnh hạnh Bà-la-môn, họ Ca Diếp thị” (釋菩提流志,南天竺國人也。凈行婆羅門種,姓迦葉氏。).

     Như vậy các tài liệu cổ cung cấp về xuất xứ của ông khá rõ ràng, họ Ca Diếp, dòng Bà-la-môn, nước Ấn Độ thuộc phía Nam. Năm 12 tuổi ông theo ngoại đạo xuất gia, học tập dày dặn các môn học thuyết số luận, tinh thông thanh minh, âm dương, lịch số, địa lí, chú thuật, thiên văn, y phương,… Mãi đến 60 tuổi mới được gặp một vị Tam Tạng thuộc truyền thống Đại Thừa Thượng Tọa bộ (chắc là môn phái Abhayagiri Vihāra – Vô Úy Sơn tự) là cao tăng Da-xá-cù-sa (Xưng Âm) dùng biện luận khuất phục, bèn cải đạo sang tín đồ Phật giáo, chú ý thực tiễn, trải qua khoảng 5 năm chuyên tâm học tập, thông đạt được Tam Tạng giáo điển, tiếng lừng phương xa.

     Nghe nói tiếng tăm của ông vang dội đến tận Trung Quốc, vua Đường Cao Tông hâm mộ, vào năm Vĩnh Thuần thứ hai (683) sang Ấn Độ để thỉnh cầu ông sang Trung Hoa Đại Đường. Ngặt nỗi đường xa muôn dặm, từ lúc di sứ đi sang cho đến lúc rước ông qua Trung Quốc thì cũng đã 10 năm trôi qua, đó là vào niên hiệu Trường Thọ thứ hai (693) của triều đại Vũ Chu, lúc bấy giờ do nữ hoàng đế Vũ Tắc Thiên thống trị, còn vua Đường Cao Tông đã tạ thế nhiều năm trước rồi[46]. Bấy giờ, kinh đô cũng không còn là Tây đô Trường An nữa mà đã dời sang Đông đô Lạc Dương rồi.

     Bồ-đề-lưu-chí ở tại Trung Quốc được các triều hoàng đế ưu sủng lễ kính, coi như bậc thánh tăng cao đạo, từ nữ hoàng Vũ Tắc Thiên cho đến hai người con của bà là vua Đường Trung Tông, Đường Duệ Tông cho đến đời cháu Đường Huyền Tông. Vũ Tắc Thiên an trí ông ở chùa Phật Thụ Ký tại Lạc Dương lo việc dịch Kinh, tất nhiên được sự tài trợ của hoàng đế thì ông không phải một mình vất vả rồi, được chuẩn bị những bậc trợ thủ trong việc dịch Kinh giúp sức đảm nhiệm trong việc thảo luận châm chước và tuyên xướng đối với công tác phiên dịch ngôn ngữ và ý nghĩa của kinh văn tiếng Phạn, lại phối hợp với các vị cao tăng nghĩa học ở Trung Quốc làm nhuận bút cho, chuốt văn và chứng nghĩa…

     Suốt 4 triều vua từ nhà Vũ Chu đến lúc nhà Đường phục hưng, Bồ-đề-lưu-chí đã dày công biên dịch được rất nhiều Kinh điển. Các Kinh sách mà ông dịch chẳng hạn như: Kinh Phật Cảnh Giới, Kinh Bảo Vũ, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Thật Tướng Bát-nhã, v.v… Những bộ Kinh nhỏ thì ông biên dịch có hơn 10 bộ. Không bao lâu có ngài Thật-xoa-nan-đà đến Trung Hoa, phiên dịch bộ Hoa Nghiêm Kinh (zh. 華嚴經) lớn lắm, Bồ-đề-lưu-chí và Nghĩa Tịnh cùng hợp tác giúp đỡ ngài ấy dịch thuật. Vào thời vua Đường Trung Tông, sau khi nhà Đường trở lại, kinh thành lại chuyển về Trường An. Ông cũng theo vua về cựu kinh, được an vị ở chùa Sùng Phúc, bắt đầu phiên dịch những bộ Kinh lớn của truyền thống Đại Thừa, tiêu biểu là Đại Bảo Tích Kinh (zh. 大寶積經)… Sự nghiệp dịch bản Kinh này của ông kéo dài đến những 7 năm, mãi đến năm Tiên Thiên thứ hai (713) đời Đường Duệ Tông mới hoàn tất. Trong thời gian đó, phần Vô Lượng Thọ Như Lai Hội nằm ở hội thứ 5 trong hai quyển 17 và 18. Từ sau khi dịch xong Kinh đó, ông gác bút không dịch nữa, chuyên tâm tinh tiến thiền quán tu hành, tới năm Khai Nguyên thứ mười lăm (727) đời vua Đường Huyền Tông thì viên tịch, truyền thuyết bảo rằng ông hưởng thọ đến 156 tuổi. Vua Huyền Tông ban tặng xưng hiệu Hồng lô khanh cho ông, thụy là Khai Nguyên Nhất Thiết Biến Tri Tam Tạng (zh. 開元一切遍知三藏). Tang sự đều do hoàng gia cử hành và sắp xếp rất ưu hậu. Lễ tang dùng hốt mộc vũ nghi, tràng phan lọng hoa dẫn đường, người tống táng kẻ xem nhìn đông nghẹt cả đường, Tăng sử ngợi rằng đó là thịnh sự xưa nay chưa từng có, duy đem cái đẹp cho về Bồ-đề-lưu-chí quả là bậc “đạo tôn đức quý”.

     Trong cuộc đời ông đã để lại cống hiến hết sức to lớn đối với nền Phật học Trung Hoa về việc dịch Kinh, tổng cộng có 53 bộ Kinh, gồm 121 quyển. Trong đó, Kinh Đại Bảo Tích xứng đáng được coi là bản dịch thành công và có giá trị nhất, vì nó cung cấp một khối lượng Phật học đồ sộ cũng như nhiều giá trị khác, được lưu truyền rộng rãi. Cũng nhờ đó, Vô Lượng Thọ Như Lai Hội được người đời sau biết đến nhiều hơn, tuy nhiên không ai trì tụng tham đọc Kinh văn mà lại chỉ tụng hay chỉ nhắc đến mỗi phẩm hội ấy, ắt phải kể tên nguyên toàn dịch phẩm mới đúng, thành thử giới Phật tử nghe qua từ Kinh Đại Bảo Tích quen hơn là nghe Vô Lượng Thọ Như Lai Hội. Kinh này gồm 49 hội, Vô Lượng Thọ Như Lai Hội thuộc phẩm hội thứ 5 trong số đó, các hội đều độc lập với nhau như những bài Kinh riêng lẻ. Thuở xưa pháp sư Huyền Trang có sưu tập được bản Phạn văn của Kinh này, cũng đã từng dịch được hội thứ 12 của Kinh rút ra thành cuốn Đại Bồ-tát Tạng Kinh (zh. 大菩薩藏經). Tuy nhiên, vào cuối đời mình, sau khi Huyền Trang biên dịch bộ Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa 600 quyển xong xuôi, chúng đệ tử và những người bang trợ cho ngài đều khuyên dịch Kinh Đại Bảo Tích, nhưng Huyền Trang than rằng tuổi già sức yếu, khí lực đã cạn, đành phải ngừng bút. Bồ-đề-lưu-chí kế thừa sự nghiệp chưa trọn của Huyền Trang, sử dụng biện pháp linh hoạt, phàm những bản dịch cũ của phẩm hội nào đã có thì chỉ trau chuốt chất văn mà hiệu đính lại chút rồi biên nhập vào Kinh, còn những hội chưa ai dịch cả thì hoàn toàn do chính tay Bồ-đề-lưu-chí tân dịch, kể ra ông đã tự dịch 26 hội với 39 quyển, còn lại 23 hội là hiệu chỉnh từ cái cũ mà đưa vào. Trong quá trình dịch thuật, ông luôn được sự hộ trì thủ trợ từ hoàng gia nhà Đường. Năm Thần Long thứ hai (706), vua Đường Trung Tông thân lâm mâm chiếu Pháp tại điện Phật Quang đại nội ngự bút viết lời tựa khai đề cho các Kinh văn của Bồ-đề-lưu-chí dịch, trong đó có bộ Quảng Đại Bảo Lâu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà-La-Ni Kinh (Hán: 廣大寶樓閣善住秘密陀羅尼經), bá quan đứng hầu, hậu phi ngắm nghía. Về sau, Đường Duệ Tông lên ngôi lại đến viết tựa mở đầu cho bộ Kinh Đại Bảo Tích này.

     Ngay cả những bậc trợ thủ người Hoa người Ấn giúp sức cho Bồ-đề-lưu-chí, đều là tinh anh nhân tài một thời, là những vị văn nhân trứ danh như: Từ Kiên, Lư Xán, Lư Tàng Dụng, Vương Tấn, v.v… họ cùng tham gia dịch sự, phụ trách đối với dịch văn thêm phần nhuận sắc; ngay cả bậc lương tể trong triều cũng nhiệm việc giám dịch như Lục Tượng Tiên, Ngụy Tri Cổ… Do đó, có thể thấy triều đình Đại Đường đối với việc phiên dịch Kinh điển vô cùng coi trọng, chất lượng của bản Kinh dịch thuật cũng được bảo đảm chứng nhận chu toàn. Cũng bởi thế mà người đương thời kể cả người đời sau đều đánh giá cao bản dịch của Bồ-đề-lưu-chí, ngay như Lạc Dương lệnh Từ Ngạc dưới thời vua Đường Huyền Tông đã phê vào bài thuật cho “Kinh Đại Bảo Tích” rằng: “Chương cú Đại Thừa nghĩa không uổng sót, tiểu phẩm tinh vi mà giơ không chìm nghỉm, có thể xong được việc, Phật nào nói nữa!” (大乘章句義不唐捐,小品精微拯無遺溺,能事畢矣,佛何言哉!).

     Sở dĩ Bồ-đề-lưu-chí có được danh tiếng lớn, không hoàn toàn do khả năng dịch Kinh của ông mà còn được sự ủng hộ ưu ái của giai cấp thống trị đương thời, càng được nhiều sự phối hợp hậu thuẫn qua nhu cầu thiết yếu về mặt chính trị của kẻ cầm quyền, mượn việc dịch Kinh nhằm phục vụ cho mưu đồ thống trị. Nói ra một sự việc điển hình, chẳng hạn đời Vũ Hậu Tắc Thiên, Bồ-đề-lưu-chí có biên dịch cuốn “Bảo Vũ Kinh” (Hán: 寶雨經), trong đó có thêm một đoạn đức Phật thụ ký cho Nguyệt Quang thiên tử phương Đông vào đời vị lai sẽ hạ sinh làm nữ nhân thống trị thế gian:

     “Bấy giờ, phương Đông có một thiên tử, tên là Nguyệt Quang, cưỡi mây năm sắc, đến thăm chỗ Phật…… Phật bảo Thiên rằng: ‘…… Thiên tử, do duyên cớ này, sau khi Ta Niết-bàn, thời phần rốt sau, trong 500 năm lần thứ tư, lúc Pháp muốn diệt, ngươi ở ngay Thiệm Bộ Châu này nước Ma-ha Chi-na phương Đông Bắc, thật làm Bồ-tát, nên hiện thân gái, làm chúa tự tại, trải qua nhiều năm, Chính Pháp giáo hóa, nuôi nấng chúng sinh giống như con đỏ, khiến tu thập thiện, có thể nơi Pháp của Ta trụ trì rộng lớn, xây dựng chùa tháp; lại lấy y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc thang, cúng dưng Sa-môn[47] [48].

     500 năm lần thứ tư tức là gấp bốn lần của 500 năm, bằng 1500 năm sau khi Phật viên tịch. Phật giáo Bắc truyền cho rằng đức Phật ra đời vào thế kỷ X trước Tây lịch, thành ra 1500 năm sau đúng vào khoảng thế kỷ thứ V – VI sau Tây lịch, đó chính là lúc Vũ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường lập ra nhà Vũ Chu. Ma-ha Chi-na phương Đông Bắc chính là Đại Đường Trung Hoa chẳng sai, vậy ra vị Bồ-tát nữ thân chính là Vũ Tắc Thiên à? Đây chính là chiêu bài “thần thánh hóa”, mượn Phật giáo để tô điểm sùng bái một hình tượng chính trị gia, đem tôn giáo phục vụ cho lợi ích thống trị phong kiến, thật là một âm mưu thâm hiểm vô cùng. Tiếp tục sau đó lại có chuyện Tăng nhân ngụy tạo ra “Đại Vân Kinh” (Hán: 大雲經), giả mạo việc đức Phật ở Linh Sơn thụ ký cho Trình Quang thiên nữ sẽ hạ sinh Đông thổ làm nữ Chuyển luân Thánh vương phổ độ chúng sinh. Chính bối cảnh ra đời những bộ Kinh này làm chúng ta cảm nhận được rằng bàn tay chính trị của giai cấp cầm quyền phong kiến Trung Hoa đời Đường quả thật ghê gớm, lợi dụng mọi thủ đoạn để hợp thức hóa ngai vàng của mình, suy tôn nữ hoàng lên ngôi mà không bị sự chỉ trích của chế độ nam quyền tông pháp từ lễ nghi Nho giáo, vậy thì họ “mượn độc trị độc”: Nho là tông giáo thì Phật – Lão cũng là tông giáo. Đem Phật chọi với Nho thì xem ai thắng, dùng tín ngưỡng Phật giáo để chống lại ý thức hệ Nho gia, quả thật Vũ Tắc Thiên vô cùng giảo quyệt đa đoan. Cũng chính vì điều đó, vị nữ hoàng này khen ngợi Đạt-ma-lưu-chi rất nhiều nên mới đổi tên cho ông là Bồ-đề-lưu-chí, tức là Giác Ái. Giác Ái có nghĩa là yêu mến sự giác ngộ, nhưng không ngờ nó trở thành nẻo nhuốc nhơ với bờ giác, Bồ-đề-lưu-chí đường đường là cao tăng đức trọng nhưng một chốc vì theo vương quyền bị động mà mang lấy tiếng xấu khó gột rửa này.

2.4.2 Phần Vô Lượng Thọ Như Lai Hội trích từ bản Đường dịch “Đại Bảo Tích Kinh”

     Như trên đã nói, Vô Lượng Thọ Như Lai Hội nằm ở phẩm hội thứ 5 thuộc Kinh Đại Bảo Tích. So với các bản trước thì bản này đã xác định được dịch giả, chắc chắn là Bồ-đề-lưu-chí. Bồ-đề-lưu-chí không chỉ là tay lão luyện trong việc dùi mài kinh thư Phạn văn mà ngay cả ngôn từ Hán văn cũng rất lưu loát, bên cạnh ông thì những hàng trợ thủ cũng toàn là văn nhân pháp tăng “dư sức” với tài bút điêu luyện, thế nên mới dịch soạn ra được một bộ Kinh mà lời lẽ tinh vi, bóng bẩy, trau chuốt thanh điệu và ngôn từ đến cực thiện tận mỹ, đỉnh cao của tinh hoa ngôn ngữ được trình bày vào đây. Đọc lướt qua văn Kinh, từng chữ từng chữ như toát vẻ “linh thiêng”, từ ngữ nghiêm trang, gieo vần niêm luật rất cẩn thận, thanh điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tựa như khúc nhạc thần tiên vừa uốn lượn bay bổng mà không mất nhuệ khí nghiêm mật, đạo lí thì sắc lịm như dao, chất văn thì lai láng ngọt ngào như sữa. Có thể nói, ít có bộ Kinh đồ sộ nào được trau dồi kỳ công đến thế. Nếu không nhờ sự tài trợ thủ hộ của triều đình phong kiến thì một thân Bồ-đề-lưu-chí sao làm nổi thế chứ.

     Nói về giá trị nghệ thuật, văn phong, thật hết chỗ để chê mà cũng không còn lời để khen. Song về nội dung thì bản Kinh này cũng như bản trước, thậm chí dung lượng còn ít hơn. Đành là vậy, mải mê vào trau chuốt lời văn thì nội dung tất nhiên không truyền tải hay hơn được so với bản thời Hán và bản thời Ngô. Tựu trung, những tinh hoa hay những thứ cần phân tích về nội dung đều đã trình bày hết cả ở phần trên rồi, đến bản Kinh này cũng không có gì đặc sắc hơn để diễn đạt.

     Về bố cục, Kinh này cũng chia làm ba phần với các ý sau:

     * Phần tựa:

     - 1: Mở màn Pháp hội thính chúng: liệt kê đại biểu Thanh Văn và Bồ-tát.

     - 2: Mô tả công hạnh Bồ-tát theo cái đức của Phổ Hiền.

     * Phần chính tông:

     - 3: Duyên khởi của Đại Giáo, do A-nan bạch hỏi.

     - 4: Nhân địa của Pháp Xứ Bồ-tát.

     - 5: Pháp Xứ Bồ-tát chí tâm cầu đạo tinh tiến.

     - 6: Pháp Xứ Bồ-tát phát 48 thệ nguyện rộng lớn.

     - 7: Pháp Xứ Bồ-tát nói lời kệ quyết tâm thành Phật.

     - 8: Kể về cuộc tu hành tích công lũy đức của Pháp Xứ.

     - 9: Pháp Xứ Bồ-tát thành tựu viên mãn, hiệu Vô Lượng Thọ Phật, ở thế giới Cực Lạc giáo hóa thù thắng.

     - 10: Quang minh soi khắp vô lượng của đức Vô Lượng Thọ Phật.

     - 11: Đại chúng Thanh Văn và Bồ-tát đông vô số.

     - 12: Khen ngợi Cực Lạc rồi mô tả cây báu khắp nước.

     - 13: Đạo tràng cây Bồ-đề trang nghiêm của Vô Lượng Thọ Phật.    

/5
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây