Rợn tóc gáy những chuyện thật về tái sinh

Thứ ba - 24/12/2013 09:52 - Đã xem: 7771

Rợn tóc gáy những chuyện thật về tái sinh

Rợn tóc gáy những chuyện thật về tái sinh

 

Trong các câu chuyện về luân hồi, những người chết oan hay có những sở nguyện lớn chưa được hoàn thành trong kiếp trước thường dễ tái sinh và không quên “chuyện cũ”. Bởi vậy, kiếp sống hiện tại của họ bị ảnh hưởng lớn bởi những ký ức tiền kiếp.

Người chết oan theo xe buýt đi đầu thai

Ở làng Don Kha, tỉnh Nakhon Sawan, Thái Lan có một ông Pamorn Promsin, hiệu trưởng trường trung học sinh cậu con trai tên là Bongkuch Promsin. Từ khi biết nói, Bongkuch (sinh năm 1962) luôn khẳng định mình tên là Chamrat, sống ở làng Hua  Tanon cách đó 9km. Cậu bé kể những chi tiết trong cuộc sống trước đây của mình, như bố mẹ nuôi gà, cậu có một chiếc xe đạp, một con dao…

Khi được 2 tuổi, cậu kể tỉ mỉ về cái chết của Chamrat: Cậu đã bị hai tên sát nhân đâm nhiều nhát để cướp đồng hồ và dây chuyền, sau đó vứt xác xuống ruộng. Sau khi chết, linh hồn cậu (tức Chamrat) đã nương náu trên một ngọn cây gần nơi bị sát hại trong suốt 7 năm. Vào một ngày mưa, oan hồn thấy ông Pamorn Promsin đi ngang, bèn bám theo ông về nhà bằng xe buýt, rồi đầu thai làm con ông. Ông giáo Pamorn  cũng nhớ rằng trước lúc vợ mang thai Bongkuch, ông có đi họp ở Hua Tanon vào một ngày mưa.

Các báo cáo nghiên cứu về trường hợp này xác nhận, có một vụ án mạng quả thực xảy ra trước đó gần 10 năm, nạn nhân tên là Chamrat, thủ phạm vẫn chưa tìm ra. Trong số 2 kẻ tình nghi, một đã trốn thoát, một bị bắt rồi thả vì không đủ chứng cứ. Vợ chồng ông giáo Pamorn Promsin không biết gì về vụ án mạng này cho đến khi con trai kể ra. 

Chuyện cậu bé tự nhận là chàng trang bị ám hại đã đến tai gia đình người quá cố Chamrat, họ đã đến nhà Bongkuch thăm cậu. Cậu cũng có lần theo họ về "nhà cũ” và những gì thể hiện khiến họ tin chắc đây là Chamrat tái sinh.  

 

Cậu bé Bongkuch mang rất nhiều đặc điểm về cử chỉ, hành vi, cá tính, thậm chí cả của Chamrat. Em hay nói thứ tiếng lạ lùng mà sau người ta nhận ra là tiếng Lào (gia đình Chamrat người Lào), thích ăn các món Lào, nhất là cơm nếp, thường xuyên đánh răng (trẻ con Thái thường không đánh răng). Cậu bé vẫn chưa nguôi mối căm hận với những kẻ đã giết mình, thường nói khi có cơ hội sẽ trả thù, và hay đánh vào cái cột mà cậu tưởng tượng là hai kẻ sát nhân, gọi tên chúng.

Đặc biệt, Bongkuch luôn cảm thấy cái bức bối của một người đàn ông trưởng thành bị nhốt trong hình hài đứa trẻ. Có lần quên mất tình trạng hiện tại, cậu đến tiệm cắt tóc để… cạo râu. Và vì coi mình là một chàng trai nên Bongkuch rất thích các thiếu nữ, nhất là cô nào đẹp. Có lần một cô gái đến chơi với gia đình, định ở lại ít hôm nhưng cuối cùng đã tức giận ra về vì thái độ ve vãn, sàm sỡ của Bongkuch mà cô cho là "mất dạy” ở lứa tuổi cậu. Như nhiều trường hợp tái sinh khác, ký ức tiền kiếp của Bongkuch mờ dần khi lớn lên.

Linh hồn người lính Nhật cởi trần mặc quần cộc

Trong khi mang thai Ma Tin Aung Myo mẹ cô 3 lần nằm mơ thấy một người lính Nhật cởi trần mặc quần cộc đi theo và nói sẽ đến ở với vợ chồng bà.

Myo ra đời ngày 26.12.1953 tại ngôi làng Nathul ỏ Myanmar. Từ khi lên 3 tuổi, cô bé luôn khóc vì kinh hãi mỗi khi máy bay bay qua, và năm 4 tuổi, được hỏi tại sao lại như vậy, Myo nói cô vốn là lính Nhật đóng quân ở làng này hồi Thế chiến thứ 2, bị máy bay quân đồng minh bắn chết trong một trận oanh tạc, khi quân Nhật bắt đầu rút khỏi Myanmar và cô bị kẹt ngoài bờ đê.

Myo cũng kể hồi còn ở Nhật, cô, tức anh lính Nhật, đã có vợ và một đứa con, và một cửa hàng nhỏ. Cô bé luôn nói rằng, cô khao khát được trở lại cố quốc với gia đình mình. Myo hay úp mặt khóc vì "nhớ nhà” và tỏ ra giận dữ khi có ai nhắc tới người Anh hoặc người Mỹ.

Như một người Nhật, Myo thấy khổ sở vì khí hậu nóng bức tại Myanmar và ghét các món ăn địa phương, chỉ thích ăn cá sống và đồ có đường. Cô bé cũng tự coi mình là đàn ông, luôn  mặc đồ nam, cắt tóc kiểu con trai, chính vì vậy mà luôn gặp rắc rối khi đi học. Do bị nhà trường bắt ép mặc theo kiểu nữ, năm 11 tuổi cô bé đã bỏ học. Myo thích chơi trò đóng vai người lính, đồ chơi cô đòi mua luôn là súng ống. Các môn thể thao con trai như bóng đá, khúc côn cầu… cũng là sở thích của cô.

Vì tự coi mình là đàn ông nên lớn lên, Myo cự tuyệt việc lấy chồng, và ghét bị đối xử như một phụ nữ. Cô nói cô muốn có một người vợ. Khi chuyên gia nghiên cứu về luân hồi, tiến sĩ Ian Stevenson, cùng đồng sự, đến gặp Myo phỏng vấn, cô nói sẵn sàng để các chuyên gia giết mình nếu họ có cách nào đó để khi tái sinh, cô được trở lại là nam nhi. Dĩ nhiên, không ai có thể giúp Myo thực hiện khao khát đó.

Nỗi hận tình của Sinhazinha

Ông C.J. De Oliveiro, một chủ trại ở Rio Grand Do Sul (Brazil) có con gái tên là Maria, thường gọi là Sinha hoặc Sinhazinha. Lớn lên, cô thiếu nữ biết yêu nhưng cả hai lần đều bị bố ngăn cấm một cách cương quyết, đến nỗi một trong hai chàng trai đã phải tự tử vì thất tình.

Vì chuyện này mà cô gái ngày một sầu héo. Sinhazinha tự hủy hoại bản thân bằng cách phơi mình trong giá lạnh, đến nỗi bị viêm phổi, ho lao rồi chết sau vài tháng. Trước lúc qua đời, Sinhazinha tâm sự với người bạn thân Ida Lorenz rằng, cô sẽ tái sinh làm con của Ida, và khi đứa trẻ biết nói sẽ kể lại chuyện của kiếp trước nhằm giúp Ida nhận ra. Sinhazinha qua đời vài tháng thì Ida sinh một con gái đặt tên là Marta.

 

Một hôm, ông Oliveiro, bố của Sinha, đến chơi nhà Ida cùng một người quen khác. Người quen kia rất chiều chuộng Marta nhưng cô bé 1 tuổi chỉ bám lấy ông Oliveiro dù ông không thích trẻ con. Marta vuốt râu ông và nói: "Chào bố”. Ông lão không để ý đến lời chào ấy.

Lúc Marta 2 tuổi rưỡi, có lần cô bé đòi chị gái là Lola cõng mà không được, bèn nói: "Hồi trước lúc em lớn, còn chị bé, em thường cõng chị cơ mà”. Cô chị buồn cười hỏi; "Em lớn lúc nào?”. "Lúc mà em ở xa đây, nơi có nhiều bò, nhiều cây cam…” (cô bé tả nông trại của nhà Sinha).

Về đến nhà, người cha nghe con lớn kể lại thì hỏi vặn Marta: "Cái nơi mà con nói, bố chưa từng ở đó, sao con ở đó được?”. Cô bé trả lời: "Đúng thế, vì lúc ấy con có cha mẹ khác”. Marta cũng kể rằng, hồi đó gia đình cô cũng có các nô lệ da đen, có một em bé nô lệ có lần vì quên múc nước nên bị bố cô đánh: "Em bé khóc và bảo con là Sinhazinha cứu tôi với, con bèn xin bố đừng đánh nó nữa”, Marta kể.

Người cha hỏi Sinhazinha là ai, cô bé đáp: "Là con mà. Con còn một cái tên nữa là Maria”. Lúc này, Ida mới thử con gái: "Những lúc mẹ đến nông trại thăm Sinha, Sinha thường làm gì để đón tiếp mẹ?". Marta nói, cô thường pha sẵn cà phê, vừa đứng chờ trước nhà vừa nghe máy hát để trên thềm đá. Sự thật quả đúng như thế.

Ida hỏi Sinha đã nói gì khi bà đến thăm lần cuối, Marta diễn tả điều chỉ Ida và người quá cố biết: "Sinha thều thào vào tai mẹ, chỉ vào cuống họng mình ý nói vì đau họng nên không nói được”. Ngoài ra, Marta còn kể nhiều điều về Sinha mà vợ chồng Ida không biết, nhưng khi đi xác minh qua người khác thì thấy là sự thực.

Dù rất muốn về chốn cũ nhưng đến năm 12 tuổi, Marta mới được thỏa nguyện. Vừa bước vào nhà, cô đã chỉ cái đồng hồ treo tường và nói đó là của Sinha mua, phía sau có khắc tên cô bằng chữ vàng. Bố của Sinha không biết chi tiết này, bèn tháo xuống và quả nhiên thấy dòng chữ vàng: "Maria Januaria De Oliveiro". Những người quen cũ của Sinha cũng đến gặp Marta – người chưa từng gặp họ - để thử, và cô bé đều nhận ra, nhắc những kỷ niệm với họ.

Mặc dù gia đình không ai có bệnh về hô hấp nhưng Marta rất dễ bị cảm lạnh và viêm phổi, có lẽ đây là dấu vết của việc cô cố tình làm mình mắc bệnh và chết bằng giá rét ở kiếp trước. Marta cũng thừa nhận ở kiếp này, cô vẫn có xu hướng tự hủy hoại mình nếu gặp hoàn cảnh éo le.

 

Trung Thành (Xzone/Tri Thức Thời Đại)

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây