Vì Sao Tà Niệm Khởi Lên Mạnh Mẽ Lúc Mới Phát Tâm Tu Hành Và Cách Khắc Phục Ra Sao?

Thứ sáu - 16/10/2015 04:57 - Đã xem: 3754

Vì Sao Tà Niệm Khởi Lên Mạnh Mẽ Lúc Mới Phát Tâm Tu Hành Và Cách Khắc Phục Ra Sao?

Hết thảy chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong lục đạo, chẳng có nghiệp gì chưa tạo. Nếu không có tâm tu hành, đâm ra chẳng cảm thấy có ác niệm kỳ lạ khác thường; nhưng nếu phát tâm tu hành thì ý niệm đó càng nhiều hơn (sẽ cảm thấy có nhiều ác niệm hơn).
    Đó là do chân vọng giao xen hiện ra, chứ không phải là lúc trước không có nên chẳng hiện ra! Lúc đó, hãy nên tưởng A Di Đà Phật hiện ra trước mặt mình, chẳng dám móng lên một tạp niệm hay vọng tưởng nào, chí thành khẩn thiết niệm danh hiệu Phật. Hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm. Phải từng chữ từng câu, trong tâm niệm khởi lên rõ ràng rành rẽ, miệng niệm ra tiếng rõ ràng rành rẽ, tai mình nghe tiếng mình niệm rõ ràng rành rẽ. Nếu có thể thường niệm như vậy thì hết thảy tạp niệm liền có thể tiêu mất. Khi tạp niệm khởi lên, cứ dốc hết toàn bộ tinh thần niệm Phật, chẳng để cho tạp niệm tung hoành trong tâm mình. Nếu có thể thường niệm như vậy thì ý niệm tự nhiên thanh tịnh. Khi tạp niệm vừa phát khởi giống như một người chống chọi vạn người, chẳng thể dụng tâm lơ là. Nếu không, sẽ bị nó làm chủ, mình sẽ bị hại. Nếu cố hết sức để chống chọi, nó sẽ bị ta chuyển, tức là chuyển phiền não thành Bồ Đề. Nếu quý vị có thể dùng vạn đức hồng danh của Như Lai để đối trị [vọng niệm], lâu dần tâm sẽ được thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì vẫn niệm như vậy, không thể buông lỏng, ắt nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ mở mang. Tâm trọn chớ nên hấp tấp vội vàng. Bất luận là ở nhà hay ở chùa, nhất định phải là kính trên, nhường dưới, nhẫn điều người khác không thể nhẫn, làm điều người khác không thể làm; giúp đỡ người ta, thành toàn cho kẻ khác.        Khi tịnh tọa thường nghĩ tới lỗi của mình, khi trò chuyện đừng nói tới thị phi của người khác. Đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, từ sáng tới tối, từ tối tới sáng niệm câu Phật hiệu đừng cho gián đoạn, hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm. Trừ việc niệm Phật ra, chẳng khởi ý niệm khác. Nếu vọng niệm vừa khởi, liền diệt trừ nó. Thường khởi tâm xấu hổ, thường khởi tâm sám hối. Dù có tu trì, cứ cảm thấy công phu của mình còn rất kém, chẳng tự khoa trương. Chỉ bận tâm chuyện của mình, không lo chuyện của người khác. Chỉ nhìn vào mặt tốt, chẳng xét tới mặt xấu. Coi hết thảy mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có mình là phàm phu. Nếu quý vị có thể y theo lời tôi nói mà làm theo, chắc chắn sẽ vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nếu khi niệm Phật, tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm sẽ có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không gì chẳng bắt đầu từ chí thành khẩn thiết. Nếu tâm không chí thành, muốn nhiếp rất khó. Đã chí thành rồi mà còn chưa thuần nhất, hãy nên nhiếp nhĩ căn và lắng nghe. Bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải niệm từ tâm khởi, âm thanh niệm từ miệng phát ra rồi trở vào tai. Niệm thầm tuy không nhép miệng ra tiếng, nhưng trong ý niệm cũng có tướng miệng niệm. Tâm và miệng niệm cho thật rõ ràng, tai nghe thật rõ ràng, nhiếp tâm như vậy, vọng niệm tự dứt. Nếu vọng niệm vẫn trào dâng chẳng dứt, nên dùng pháp thập niệm ghi số, dùng toàn thể tâm lực dồn sức vào một câu Phật hiệu này, tuy muốn khởi vọng, nhưng sức của nó cũng sẽ yếu bớt. Đó là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm niệm Phật. Chư vị hoằng dương Tịnh Độ thời xưa chưa đề ra là vì người đời xưa căn tánh bén nhạy, chưa cần đến pháp này cũng có thể nhiếp tâm quy nhất. Do vì Quang (“Quang” là lời đại sư Ấn Quang tự xưng) khó chế phục tâm, nên mới biết sự mầu nhiệm của pháp này. Quý vị nên sử dụng lâu ngày sẽ biết lợi ích của nó, xin chia sẻ cùng những người độn căn đời sau, để cho vạn người tu vạn người vãng sinh vậy.
   Pháp thập niệm ký số là khi niệm Phật, niệm từ câu thứ nhất tới câu thứ mười phải niệm cho thật rõ ràng, phải ghi nhớ từng câu cho rõ ràng. Niệm tới câu thứ mười xong, bắt đầu đếm trở lại từ câu thứ nhất, chứ đừng niệm tiếp tới hai mươi, ba mươi. Vừa niệm vừa ghi nhớ số, đừng lần chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ số câu mình niệm. Nếu nhớ mười câu khó quá, có thể chia thành hai đoạn: từ một đến năm và từ sáu đến mười. Nếu vẫn thấy khó thì nên chia thành ba đoạn: từ một đến ba, từ bốn đến sáu, từ bảy đến mười. Niệm cho rõ ràng, ghi nhớ số rõ ràng, nghe tiếng mình niệm rõ ràng, vọng niệm sẽ chẳng xen vào được, niệm lâu dần sẽ được nhất tâm bất loạn.
   Nên biết pháp thập niệm này so với pháp niệm mười hơi buổi sáng và mười hơi buổi tối giống nhau ở chỗ cả hai đều nhiếp tâm dứt vọng niệm, nhưng cách dụng công hoàn toàn khác nhau. Pháp niệm mười hơi sáng tối là niệm hết một hơi kể là một niệm, bất luận trong một hơi đó niệm được bao nhiêu Phật hiệu. Còn pháp thập niệm ký số này tính một câu Phật hiệu là một niệm. Pháp niệm mười hơi là chỉ niệm mười hơi mà thôi, đừng niệm tới hai chục, ba chục hơi sẽ tổn khí và thành bịnh. Còn trong pháp thập niệm ký số này, niệm một câu Phật hiệu, tâm ghi nhớ một câu; niệm mười câu Phật hiệu, tâm mình biết đã niệm mười câu. Từ một tới mười, dù cho một ngày niệm tới cả vạn câu cũng phải đếm số, đếm số từ một tới mười như vậy. Không chỉ có thể dứt trừ vọng niệm, lại còn có thể dưỡng thần. Niệm nhanh hay chậm đều được, từ sáng tới tối khi nào niệm cũng được. So ra, lợi ích hơn cách niệm lần chuỗi rất nhiều. Niệm lần chuỗi mệt thân, động trí, còn niệm ghi số này thân khỏe, tâm an. Khi làm việc khó ghi nhớ số thì nên khẩn thiết niệm và không đếm số. Khi làm việc xong, tiếp tục niệm theo cách ký số. Cứ tiếp tục niệm theo cách ký số, chuyên chú vào câu Phật hiệu. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, được Tam-ma-địa, đó là đệ nhất”. Căn tánh bén nhạy thì không bàn tới, còn những người độn căn như tôi nếu không dùng pháp niệm Phật ký số này rất khó đạt đến mức “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, quá khó, quá khó! Lại nên biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này là pháp chẳng thể nghĩ bàn, vừa cạn, vừa sâu, vừa nhỏ, vừa lớn. Hãy nên tin lời Phật dạy, đừng vì mình nghĩ khác mà sinh nghi ngờ, đến nỗi thiện căn nhiều đời bị tổn hại, chẳng thể gặt hái được lợi ích rốt ráo của sự niệm Phật, rất đáng tiếc thay! Niệm Phật lần chuỗi chỉ thích hợp khi đứng hoặc đi kinh hành. Còn lúc tịnh tọa dưỡng thần nếu lẫn chuỗi thì tay phải động, thần trí khó an định, lâu ngày sẽ sinh bịnh. Pháp thập niệm ký số này đi, đứng, nằm, ngồi đều dùng được.
 

Tác giả bài viết: sưu tầm

Nguồn tin: (Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.181-184)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây