Đây là điều bất khả tư nghị của pháp niệm Phật. Chỉ cần trì giữ câu Phật hiệu niệm tới cùng, một lòng tin tưởng vững mạnh, tha thiết nguyện cầu hết báo thân này được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ phát sanh, cuối đời được vãng sanh, viên mãn thành tựu đạo giải thoát. Thế nhưng, thế gian này có mấy ai chịu tin. Vì lòng tin không vững, vì lý đạo chưa thông, vì tập quán mê mờ đã ăn sâu vào tiềm thức, thành ra nhiều người niệm Phật vẫn còn lo sợ đủ điều. Lo sợ nghiệp chướng sâu nặng, lo sợ không được vãng sanh, lo sợ không được Phật tiếp độ… Đâu ngờ, tiêu chuẩn vãng sanh vốn đã có thừa, nhưng chính vì sự hoài nghi này làm cho mất phần giải thoát. Vô lượng kiếp qua trầm mình trong bể khổ, mong cho được cơ hội thoát nạn, nay cơ may đã tới, đáng lý được toại nguyện, nhưng chỉ vì một chút nghi ngờ này thôi mà đành chịu hụp lặn trong bể khổ luân hoàii thêm vô lượng kiếp nữa. Thật quá đáng tiếc!
Trong pháp niệm Phật có ba điều cấm kỵ, đó là: hoài nghi, xen tạp, gián đoạn. Hoài nghi là không tin tưởng, không tin tưởng nên niệm Phật mà còn xin đầu này vay đầu nọ, tục ngữ thế gian gọi là bắt cá hai tay, tưởng rằng chắc ăn, đâu ngờ trụi lũi! Tâm xen tạp thì niệm Phật bị gián đoạn. Ba điều này liên hợp với nhau, tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nhiều người thường lo sợ rằng vì bận công chuyện làm ăn không thể niệm Phật liên tục? Không phải vậy đâu. Gián đoạn, hiểu cho cùng lý, chính là Tâm xen tạp chứ không phải là việc làm. Người bận công việc làm ăn, họ vẫn làm việc, nhưng làm xong thì niệm Phật, ngày ngày chỉ niệm Phật, không tu tạp nhạp, thì vẫn gọi là không gián đoạn, chỉ có công phu không cao mà thôi. Tâm xen tạp chính là tâm Bất-định, mất Chính-định. Lòng tin không vững, nên ý chí chao đảo, không có hướng đi rõ rệt, ý nguyện giải thoát mù mờ, thành ra gặp đâu tu đó, nay tu cách này mai tu cách kia, cầu phước, cầu lộc, cầu thọ, cầu danh, cầu tài, v.v… để ngừa khi lỡ mình không được vãng sanh thì ít ra cũng khỏi bị thua thiệt với người. Đây là dạng người thiếu thiện căn, bạc phước lắm vậy!
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: (Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.181-184)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn