Ăn Quá Nhiều Thịt Thọ Báo Bị Té Gãy Chân

Thứ năm - 05/09/2013 07:58 - Đã xem: 4617

Ăn Quá Nhiều Thịt Thọ Báo Bị Té Gãy Chân

Ăn chay đối với nhân loại mà nói, không kể là giữ được thân thể khỏe mạnh, hay tránh được nhân quả nghiệp báo, những lợi ích khác không thể nói cùng. Lại từ một người khuếch đại đến quốc gia xã hội, khiến cho xã hội an lành, thế giới hòa bình, có thể thấy lợi ích của ăn chay thật không thể tính đếm.

Trong vô lượng lợi ích, tôi cho rằng lợi ích lớn nhất của ăn chay, phải là tăng trưởng lòng từ bi. Nghĩa là sao? Đại Trí Độ Luận nói: từ bi là gốc của Phật đạo. Nói rõ hơn một chút, người có lòng từ bi khả vọng thành Phật, làm pháp vương vô thượng cho tam thiên đại thiên thế giới, cho nên nói lợi ích lớn nhất của ăn chay là tăng trưởng lòng từ bi.

Nghĩa của từ bi là cho vui cứu khổ. Từ bi đến cực điểm. Đại từ đại bi tức đồng Như lai. Kinh Phạm Võng nói: “Người ăn thịt, đoạn dứt hạt giống Phật tính đại từ bi, hết thảy chúng sinh thấy đều tránh xa”.

Người ăn thịt sát sinh tự phì, đây chính là hành vi tàn nhẫn. Khuếch đại tâm tàn nhẫn này, có thể lợi kỷ hại tha [lợi mình, hại người], không việc ác nào mà không làm. Người ăn thịt, súc sinh thấy dáng, nghe mùi đều trốn chạy xa. Ví như kẻ đồ tể vào trong xóm, chó sủa giật hồi. Người ăn chay lòng nhân từ ngày một tăng trưởng, khuếch đại lòng từ, hết thảy chúng sinh tất đều yêu mến, đều muốn cho vui cứu khổ. Đây chính là nguyên lý từ bi căn bản của Phật đạo.

Sát sinh ăn thịt thật là ác nghiệp, tất phải thọ báo không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều là thọ báo tùy theo tâm giết và cách giết tàn nhẫn hay không mà có nhanh chậm, nặng nhẹ, không thể nói một cách khái quát. Nếu sau khi sát sinh, sám hối tu thiện cũng có thể chuyển hậu báo thành hiện báo, trọng báo thành khinh báo. Tôi vì muốn để cho mọi người hiểu một cách thiết thực việc ác báo sát sinh ăn thịt, không ngại hiện thân thuyết pháp. Sơ lược cho mọi người nghe tôi trải qua việc thọ báo ăn thịt như thế nào.

Năm 18 tuổi, vì chống Nhật cứu nước, tôi đã rời ghế nhà trường, không hề do dự gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Nhờ phước đức ông bà, chỉ làm thượng sĩ văn thư nửa năm đã được thăng quan. Từ đó, xa xỉ trong lương bổng. Trước khi tôi thoái hưu xuất gia, lương của tôi thuộc lương nghiệp vụ. Tục ngữ có câu: “Ở núi thì sống vào núi, ở nước thì sống vào nước”. Tôi tuy không đáng được một chữ, nhưng “làm quan được ăn lộc vua”, rốt cuộc tôi tiêu tiền như nước. Có tiền, tôi bèn ăn thịt uống rượu, tạo biết bao sát nghiệp, để rồi cả đêm trằn trọc bất an, do đó cảm thấy chán ớn tiền bạc. Sau xuất gia, không muốn thấy tiền, không muốn giữ tiền, quả thật chính do nguyên nhân này.

Nhắc đến bản lĩnh ăn thịt uống rượu của tôi, tuy không nhiều lắm nhưng thật không vừa. Nói đến tửu lượng, đế trắng uống lần một hai chai chẳng ăn nhằm gì, ăn cá ăn thịt càng kinh người hơn. Hễ ngồi xuống là làm liền hai tiếng đồng hồ, ăn một hai cân thịt mỡ không thấy ớn. Tôi thích ăn thịt gà, thịt vịt nhất. Bữa ăn nào cũng có, nhưng ăn thế nào cũng không thấy ngán. Một năm ăn hết bao nhiêu sinh mạng chúng sinh, tôi không hề tính thử.

Nhưng có một lần, chúng tôi đóng quân ở Khê Khẩu Áo, Định Hải, Chiết Giang. Lúc mới đến, các nơi phụ cận thôn trang này, đâu đâu cũng thấy gà vịt từng đàn. Mỗi ngày tôi đều nhờ cô chủ đi mua gà vịt giúp, bảo lính cần vụ giết thịt. Nhiều thì năm ba con, ít thì một hai con. Đóng quân ba tháng, mà gà vịt chu vi 5 dặm vuông bị chúng tôi ăn sạch.

Có một chiều gió Đông Bắc lớn, tôi lại nhờ cô chủ đi mua gà giúp. Cô ta nói: “Ông còn muốn ăn nữa à! Gà vịt trong vòng 5 dặm vuông gần đây đều bị các ông ăn hết rồi, ông còn muốn ăn sao?”. Tôi nghĩ cô ta chắc vì sợ lạnh nên không muốn đi mua, do đó mới nói như vậy để trách tôi. Thế là tôi đích thân dẫn theo tên lính cần vụ, đảo một vòng qua các làng xung quanh, quả thật chẳng còn thấy con gà con vịt nào, tôi mới biết rằng mình đã ăn gà vịt nhiều như thế, bất giác giật mình, tôi đã tạo nghiệp sát quá lớn.

Năm 1953, tôi quy y Phật. Sau khi đọc kinh hiểu rõ nhân quả, tôi cấp tốc ăn chay muốn chuộc tội trước. Theo tôi biết, tin Phật, ăn chay công khai ngay trong quân đội thì chỉ có mình tôi, nhưng trong lòng lại có cảm giác “hối hận không còn kịp”. Vì cầu một lòng sám hối và hoằng pháp lợi sinh, lấy công chuộc tội nên tôi quyết chí xuất gia. Có lẽ cũng nhờ niệm thiện ấy, mà sát nghiệp tôi tạo đời nay, may ra trọng báo trở thành khinh báo, hậu báo trở thành hiện báo.

Hai ngày trước lễ Đoan Ngọ năm 1974, trong thất Vô Lượng Thọ ở chùa Liên Quang, Nam Đầu. 8 giờ sáng điểm chuông bắt đầu lạy Tịnh độ sám. Lúc đó tôi đã bế quan hơn ba năm rồi, lạy Tịnh độ sám cũng đã hơn 9 tháng. Lạy xuống lạy thứ nhất, tôi cảm thấy thân bỗng nhẹ hững. Đi về hướng Tây, đi chưa được mấy bước thì nghe sau lưng có rất nhiều tiếng gà vịt kêu, ngoái đầu lại nhìn chợt thấy gà vịt hàng ngàn con xếp thành ba hàng đuổi theo tôi. Nhìn theo hàng của chúng, ước phải hơn hai dặm mới thấy được điểm tụ tập của chúng. Trên quảng trường trạm Cổ Xa ở Nam Đầu, ở đó còn có cả heo, bò… sắp ngay hàng thẳng lối lên đường, nhìn ngược lại vào mình, trước ngực đang ôm một con vịt đang cạp cạp inh ỏi, những chúng sinh ấy một kêu một đáp. Thấy tình hình này, tôi nghĩ chúng đến tìm mình tính sổ rồi đây, bất giác thất kinh như tỉnh cơn mê.

Sau khi tiếp tục lạy xong Tịnh độ sám, sợ quá tôi lâm trọng bệnh, bèn gõ chuông gọi cư sĩ hộ thất Lưu Văn Vũ kể hết tự sự, nhờ ông ta chu đáo cho tôi hơn, trong thời gian gần đây không đi đâu xa. Đâu ngờ ngay tối hôm đó, trượt té gãy chân trái ngay trong thất. Tuy mời Đông tây y trị liệu, tốn biết bao tiền của tín chúng, bản thân vẫn đau đớn nói không nên lời, chữa trị thế nào cũng không công hiệu, đến nỗi trở thành “pháp sư một cẳng”. Đây chính là nghiệp báo của tôi sát sinh ăn thịt. Tôi nay nói hết sự thật cho mọi người nghe. Tôi tuy hối hận đã quá muộn, nhưng mong mọi người lấy việc này của tôi làm gương. Mỗi người tự cảnh giác, những ai chưa ăn chay, hãy nhanh chóng giới sát ăn chay để tránh giẫm lên vết xe cũ của tôi.

Cuối cùng, ngoài khuyến cáo các vị phát tâm giới sát ăn chay, các vị còn nên tu tập pháp môn Tịnh độ nữa, niệm Phật cầu sinh Tây phương, mới được rốt ráo lìa khổ được vui. Trì trai và niệm Phật, cả hai song hành thì lưỡng phần trọn vẹn, nếu chỉ hành một phía cả hai đều thất. Vì sao?

Bởi nếu ăn chay không niệm Phật, đời sau nhờ nhân trì trai quá khứ, được giàu sang vinh hiển. Tục ngữ nói: “Một ngày ăn chay, thiên hạ sát sinh không có ta”, huống hồ cả đời trường chay, phước báo ấy làm sao tính đếm? Có phước báo đương nhiên là điều tốt. Nhưng những kẻ giàu sang, hết 9 phần 10 không muốn tu hành, gọi là “giàu sang học đạo khó”. Người phú quý không biết tu tập, tất nhiên cuộc sống của họ chỉ hướng đến hưởng thụ sắc dục, ăn uống, vui chơi. Ăn thì một bữa ngàn mạng chúng sinh, sắc thì gian dâm nữ tú, vui chơi thì nhảy múa ca hò. Những ai sống cuộc sống này, chắc chắn đời sau đọa lạc trong ba đường dữ, sang đời thứ ba tất phải chịu khổ. Lại nếu những người niệm Phật không ăn chay, thì lúc lâm chung bị nghiệp lực chướng tế không được vãng sinh, lưu nhập vào trong bát bộ quỷ thần. Đây chính là sự tổn hại giữa ăn chay và niệm Phật chỉ hành một phía.

Nếu đã ăn chay lại niệm Phật, tức hiện tiền thân tâm được kiện khang an lạc, lâm chung vãng sinh Tây phương, thấy Phật nghe pháp chứng tam bất thoái, cuối cùng viên chứng Vô thượng Bồ đề. Lợi ích của công đức ấy rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không, vô lượng vô biên không thể nghĩ nghì.

“Máu thịt tràn trề khen hợp miệng,
Đâu hay oán tắng sánh bằng non!
Thân ta chốn đó đang tâm nghĩ,
Ai dám cầm dao cắt thịt mình.
Xưa nay trong một bát canh,
Oán sâu như bể hận thành non cao,
Muốn hay nguồn gốc binh đao,
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.

Trích Ăn Chay – Sát sinh và Quả báo
Nguyên tác: Quảng Hóa – Lý Bỉnh Nam
Việt dịch: Thích Tâm Anh
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gò

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây