Ăn Ngũ Vị Tân (Hành, Tỏi) Chiêu Cảm Loài Ngạ Quỷ - cố HT. Thích Trí Tịnh

Thứ tư - 26/10/2016 22:29 - Đã xem: 4551
1. Ăn chay. Phải thiết thực. Vì mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì điều ác nào chẳng dám làm, việc thiện nào có thể sanh khởi được? Bởi vì loài vật bị giết bị nấu bị nướng thì con người mới có thịt ăn. Vả lại, đạo Phật lấy Từ Bi làm chánh, nhưng ăn thịt chúng sanh thì đâu còn Từ Bi nữa. Ăn chay có những lợi ích gì:
Ăn Ngũ Vị Tân (Hành, Tỏi) Chiêu Cảm Loài Ngạ Quỷ - cố HT. Thích Trí Tịnh

    Tôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.
hoa thuong thich tri tinh 95 tuoi khai thi video

   Trong việc tu hành, Quả Vị cao của các bậc Thánh chính yếu là nương nơi Lý Tánh (Tánh Không). Nhưng chúng ta đều là người sơ cơ, trong Sáu Nẻo Luân Hồi dù rằng may mắn được thân người nhưng vẫn còn lẩn quẩn trong vòng sanh tử, nói thẳng đều là phàm phu tục tử. Cho nên mình phải biết căn cơ và vị trí của mình trong hiện tại để bước đi cho vững chắc. Vì sao như vậy? Vì ngày, tháng, năm, tuổi không chờ đợi. Trong Kinh nói, những cõi nước khác thọ mạng người dân tính bằng số kiếp, tính theo thời gian ở cõi này không biết bao nhiêu triệu năm. Còn thọ mạng của loài người ở cõi này chỉ mấy mươi năm, rất ngắn ngủi. Một ngày ở cõi Trời Tứ Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người, còn ở cõi Trời Đao Lợi thì một ngày bằng trăm năm ở cõi người. Thế nên đời sống con người ngắn ngủi không bền lâu. Chỉ vì chúng ta là phàm phu mê tối được một ngày thì cho là dài lâu, được một tháng hay một năm lại lầm tưởng là lâu hơn. Kỳ thật, thời gian qua rất mau do đó mình phải tranh thủ thời gian ngắn ngủi này đừng để lãng phí.

…Tôi nói chân thành với các huynh đệ rằng, sự tướng không thể bỏ được. Lấy sự tướng của việc tụng kinh, niệm Phật để chống lại sự tướng của ba độc tham, sân, si, phiền não, già, bệnh, chết. Ngày tháng không thể bỏ qua, nó thúc đẩy mình tiến đến chỗ chết mà thôi. Như tôi năm nay 95 tuổi, qua sang năm là 96 tuổi, không thể trở lại 94 tuổi được. Thân này, mầm bệnh tật bao vây từ trong đến ngoài, nó luôn chờ dịp để sanh khởi lên. Còn trước mặt là tấm bảng già yếu, bệnh tật, chết chóc, chui đầu vào đó mà thôi. Ai cũng phải đến chỗ đó hết, chỉ sớm hay muộn. Thân này là như vậy, kết cuộc của thân là như vậy. Mọi người phải nhận hiểu rõ ràng, chớ nên mê lầm. Tôi cũng có 3 điều để dìu dắt mọi người, xuất gia cũng như tại gia. Vì người tin được thì sẽ thực hành theo:

1. Ăn chay. Phải thiết thực. Vì mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì điều ác nào chẳng dám làm, việc thiện nào có thể sanh khởi được? Bởi vì loài vật bị giết bị nấu bị nướng thì con người mới có thịt ăn. Vả lại, đạo Phật lấy Từ Bi làm chánh, nhưng ăn thịt chúng sanh thì đâu còn Từ Bi nữa. Ăn chay có những lợi ích gì:

• Không vướng mắc vào nhân quả của nghiệp giết hại. Nghiệp sát sanh ở thế gian rất nặng, vì chúng sanh bị bắt giết thì chúng ta mới có thịt ăn.

• Ăn chay vì tình thương không nỡ ăn thịt loài vật. Tình thương phát sanh thì mong muốn mọi loài đều được an vui, do đó làm các việc lành. Như thế, tâm từ đã sanh ra. Ví như mình thương người em, người cháu thì đâu muốn nó khổ, đã không muốn nó khổ thì không làm những việc bất thiện. Do vậy, tâm bi cũng sanh khởi mà làm các việc lành.

Tâm từ bi có được, cội gốc do ăn chay mà thành. Thuở nhỏ, những người bạn trong xóm sắm giàn thun để bắn chim, tôi cũng làm theo. Bạn bè sắm cần câu để câu cá, tôi cũng sắm cần câu đi câu theo. Từ lúc biết ăn chay, tôi thấy con gà, con chim, các con vật khác thì thương nó lắm. Nếu người ăn thịt thì tình thương không thể phát sanh. Ví như, chúng ta có con em, mỗi ngày mình ăn thịt nó mà cho rằng thương nó thì không được.

Tình thương phát sanh ảnh hưởng nơi “Từ” thì làm lành, nơi “Bi” thì không làm ác. Điều thiện lành thì tăng thêm, việc xấu ác ắt giảm dần và dứt sạch. Như vậy, chúng ta ăn chay tự nhiên làm được hai việc mà đức Phật từng dạy: “ Từ bỏ các việc ác, Luôn làm các việc lành”. Do đó, tâm từ bi là cội gốc để đi lên con đường Hiền Thánh.

2. Trong kinh Lăng Nghiêm, đoạn đức Phật nói ba món tiệm thứ. Trước tiên, không được ăn ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hung cừ). Vì tính chất của ngũ tân làm tăng tham dục và sân hận, ảnh hưởng của nó là quyến rũ Ngạ quỷ, chư thiên cùng thiện thần đều tránh xa. Nó hay trợ giúp phát sanh nghiệp phiền não.

Cách đây ít hôm, có người xưng là Quỷ vương nói : “ Tôi lên đây để đấu với Hòa thượng, nếu Hòa thượng thua thì tất cả binh tướng của tôi sẽ chiếm chỗ này”.

Sáng hôm đó, tôi đang ngồi uống thuốc Tam tài thấy có một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông thì đứng chắp tay, còn người đàn bà thì uốn mình như con rắn (có thể thuộc loài Ma hầu la già) rồi quỳ xuống lạy, lạy xong rồi đi xuống. Tâm tôi cũng không để ý chỉ nhìn thấy vậy thôi. Sau đó, tôi nghe mấy thầy nói, họ lên chánh điện ngồi niệm Phật một ngày một đêm. Các thầy kể lại đã hỏi họ rằng: “Sao không thấy đấu với Hòa thượng mà quỳ lạy rồi đi xuống?”. Người kia nói: “Tôi nhìn thấy Hòa thượng sợ quá nên quỳ xuống lạy chứ không dám làm gì hết”. Các thầy hỏi, lúc đó sư ông có bắt ấn hay niệm chú gì không? Thật ra, tâm tôi không để ý tới.

Tôi nói việc này để các huynh đệ biết, mình sống ở đây các loài Ngạ quỷ hạng cao đầy dẫy. Cho nên Phật nói, nếu ăn ngũ tân sẽ ảnh hưởng đến các loài đó. Bây giờ, nhiều chùa ngập tràn mùi vị ngũ tân. Cho đến các chùa xung quanh, tỏi, hành (ba rô) treo đầy trong nhà bếp. Các huynh đệ muốn giữ điều này cũng khó lắm, vì mỗi ngày phải đi đám, người ta nấu thức ăn bỏ hành bỏ tỏi, nếu không dùng thì nhịn đói. Do vậy, tôi không đi dự các đám cúng. Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ dùng năm thứ rau cay này. Có khi xuống chùa Huệ Nghiêm (Bình Chánh), tôi phải dặn không được bỏ ngũ tân vào thức ăn. Lúc đến các chùa, dùng cơm chay mà có mùi vị này thì tôi chỉ ăn chút cơm và bánh ngọt rồi về.

3. Từ trên nền tảng đó tu hành chánh niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là trì niệm danh hiệu Nam Mô A Mi Đà Phật. Niệm Pháp là tụng Kinh. Niệm Tăng là niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Địa Tạng…Trong đó lấy niệm Phật làm chánh, mỗi ngày đều thực hành như thế thì chánh niệm dần dần tăng lên, thiện căn cũng từ đó thêm lớn, công đức và phước đức cũng từ đó tăng trưởng.

dai lao ht thich tri tinh    Trong sinh hoạt hàng ngày, có những điều giúp mình tăng phước và giảm phước mà chúng ta không để tâm lưu ý. Trong Mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền, điều nguyện thứ năm là “ tùy hỷ công đức” dễ thực hành lắm, lấy công đức của người làm công đức của mình. Đây là pháp tu thong thả nhẹ nhàng. Đối với các việc lành của người, chúng ta không vui mừng lại còn ngăn cản chê trách thì tổn phước. Còn tùy hỷ (vui mừng theo) thì phước đức tăng thêm. Chẳng hạn, có người xây một ngôi nhà lớn, khách bước vào khen ngợi khang trang mát mẻ thì người chủ liền vui. Một người khác lại cho rằng, nhà rộng quá dọn dẹp mệt thêm. Người chủ nghe được cũng hơi buồn. Như lúc xây chánh điện chùa Vạn Đức, có người khen ngợi cây Bồ đề cao đẹp quá. Nhưng có người lại nói nhìn lên cây Bồ đề quá cao thật mỏi cổ. Chỉ một việc nhỏ này, một bên tăng phước, một bên tổn phước. Các huynh đệ lưu ý để ứng dụng trong đời sống thường ngày, những điều tăng phước thì nên làm. Những điều tổn phước thì nên tránh. Mỗi ngày tích lũy một ít thì phước đức từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn.

Ngày tháng qua mau, các huynh đệ lấy ăn chay làm nền tảng, luôn lấy việc niệm Phật tụng kinh làm công đức xuất thế. Từ những điểm này gắng sức giữ gìn, rồi tu thêm các việc lành khác. Mong các huynh đệ ai nấy đều nhất tâm tinh tấn, vững bền ở trong giáo pháp của Phật. Phải khắc ghi hai chữ: “Vững bền” này.

Ngày Khánh Tuế 17/7 Tân Mão (2011)
HT. Thích Trí Tịnh khai thị tu hành
Tỳ Kheo Thích Pháp Đăng kính ghi

Nguồn tin: duongvecoitinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây