Chùa Khai Nguyên - Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt NamChùa Khai Nguyên, Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt Nam, Chùa Khai Nguyên, ChuaKhaiNguyen.Com, địa chỉ xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội I Địa chỉ 2; Chùa Tản Viên, chùa tản viên, tản viên sơn quốc tự, tan vien pagoda, pháp âm, chùa tản viên, tản viên sơn
CHÙA KHAI NGUYÊN
Xã Sơn Đông - TX. Sơn Tây - TP. Hà Nội
NGUỒN GỐC VÀ CHIÊM BÁI XÁ-LỢI PHẬT TỪ ẤN ĐỘ VỀ VIỆT NAM
Chủ nhật - 18/05/2025 04:42 - Đã xem: 82
TỪ NGÀY 02-21/5/2025 I. Ý NGHĨA CỦA CHIÊM BÁI XÁ-LỢI PHẬT Trong niềm tôn kính vô biên đối với Đức Phật – bậc Đạo sư toàn giác, biểu tượng tối thượng của trí tuệ và từ bi – việc chiêm bái xá-lợi Đức Phật không chỉ là nghi lễ linh thiêng mà còn là cơ hội sâu sắc để kết nối với chân lý và lòng thành tín.
Xá Lợi Đức Phật Tại Chùa Quán Sư
TỪ NGÀY 02-21/5/2025
I. Ý NGHĨA CỦA CHIÊM BÁI XÁ-LỢI PHẬT
Trong niềm tôn kính vô biên đối với Đức Phật – bậc Đạo sư toàn giác, biểu tượng tối thượng của trí tuệ và từ bi – việc chiêm bái xá-lợi Đức Phật không chỉ là nghi lễ linh thiêng mà còn là cơ hội sâu sắc để kết nối với chân lý và lòng thành tín.
Từ những di tích khảo cổ tại Nagarjunakonda đến tôn trí nơi chùa Hương Tích ở Sarnath, xá-lợi Phật mang theo dòng chảy lịch sử, văn hóa và đức tin của hàng triệu người con Phật trên toàn thế giới. Lần đầu tiên được cung thỉnh sang Việt Nam, từ ngày 2 đến 21/5/2025, xá-lợi Đức Phật trở thành biểu tượng thiêng liêng trong mùa Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 – sự kiện lịch sử đánh dấu sự kết nối tâm linh giữa hai nền Phật giáo Việt – Ấn và lan tỏa thông điệp hòa bình, tỉnh thức và đoàn kết nhân loại.
— Trong Kinh Ưu-bà-tắc giới (Upāsakaśīla Sūtra), thuộc Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (Taishō Tripiṭaka, số hiệu T24, No.1488, quyển 1, trang 1043b27–29), đức Phật dạy rằng: “Nếu có người có lòng tin, được thấy hình tượng Phật hay xá-lợi Phật, chí tâm lễ bái, cúng dường, nhiễu quanh ba vòng, nên biết người ấy chẳng bao lâu sẽ chứng được Vô thượng Chính đẳng Chính giác.” (若有信心人,見佛形像、佛舍利,禮拜供養,繞佛三匝,當知此人,不久當得無上正等正覺).
II. NGUỒN GỐC VÀ KHAI QUẬT XÁ-LỢI TẠI NAGARJUNAKONDA
2.1. Địa điểm khai quật:
Nagarjunakonda, một địa điểm khảo cổ quan trọng tại bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, nơi từng là trung tâm Phật giáo lớn từ thế kỷ 1 đến 3 sau Công nguyên.
2.2. Người khai quật:
Năm 1926, nhà khảo cổ người Pháp Gabriel Jouveau-Dubreuil đã phát hiện những di tích đầu tiên tại Nagarjunakonda. Từ năm 1927 đến 1931, nhà khảo cổ người Anh A.H. Longhurst đã tiến hành khai quật có hệ thống, phát hiện nhiều di tích Phật giáo quan trọng, bao gồm các bảo tháp chứa xá-lợi.
2.3. Chi tiết khai quật:
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tráp chứa xá-lợi bằng vàng, bạc, đồng và đất sét, cùng với các vật phẩm quý giá như hoa vàng, ngọc trai và các hiện vật khác.
III. HÀNH TRÌNH ĐẾN SARNATH VÀ VIỆN BẢO TÀNG QUỐC GIA ẤN ĐỘ
3.1. Tôn trí tại Sarnath:
Sau khi được khai quật, một phần xá-lợi đã được đưa đến chùa Hương Tích (Mulagandha Kuti Vihara) tại Sarnath vào năm 1931. Ngôi chùa này được Anagarika Dharmapala xây dựng, người sáng lập Hội Đại Giác Ngộ (Mahabodhi).
3.2. Hành trình đến Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ
- Chuyển giao đến New Delhi: Trước khi được đưa đến Việt Nam, Xá-lợi Phật đã được chuyển từ Chùa Hương Tích, Sarnath, đến Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ (National Museum of India) vào ngày 30/4/2025 tại New Delhi để chuẩn bị cho lễ cung thỉnh của GHPGVN.
- Lưu giữ tại Bảo tàng: Tại đây, Xá-lợi Phật được lưu giữ trong một ngày một đêm. Đoàn GHPGVN gồm 45 thành viên từ Việt Nam và 120 Tăng Ni Việt Nam đang du học tại các Đại học Delhi, Đại học Gautam Buddha, Đại học Subharti, Ấn Độ đã làm Lễ cung rước rất trang nghiêm vào lúc 16:00 ngày 01/5/2025 trước khi được đưa lên chuyên cơ Quân sự Ấn Độ để vận chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất.
IV. LỄ CUNG THỈNH XÁ-LỢI PHẬT VỀ VIỆT NAM
4.1. Xá-lợi Phật đến phi trường Tân Sơn Nhất
- Đêm 1/5/2025, Xá-lợi Đức Phật được phái đoàn GHPGVN rước từ Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ, thủ đô New Delhi, đến sân bay Indra Gandhi, đi trên chuyên cơ quân sự của Chính phủ Ấn Độ đưa đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào lúc 07:45 ngày 02/5/2025.
- Cùng đi trên chuyên cơ có ngài Kiren Rijiju – Bộ trưởng Liên bang Các vấn đề Nghị viện và Dân tộc Thiểu số của Ấn Độ; ngài Kandula Durgesh – Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa của bang Andhra Pradesh, Ấn Độ; Thượng tọa Siwalee, Tổng thư ký Hội Đại Giác Ngộ, một số nhà sư, đại diện Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC) và đại diện Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ.
4.2. Lễ cung rước Xá-lợi Phật tại sân bay Tân Sơn Nhất
Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam thỉnh rước Xá-lợi Phật tại sân đỗ máy bay có Đức Pháp chủ GHPGVN Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Phó Pháp chủ - Chủ tịch HĐTS Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn; 2 vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu; các vị Phó chủ tịch GHPGVN gồm HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Thích Thiện Thống, HT. Thích Huệ Thông, HT. Thích Lệ Trang, TT. Thích Đức Thiện, TT. Thích Thanh Phong. Ngoài ra còn có, Phó Tổng thư ký – Chánh Văn phòng 2, TT. Thích Phước Nguyên; các vị Phó Văn phòng gồm TT. Thích Minh Nhẫn, TT. Thích Phước Nguyên, TT. Thích Nhật Từ, TT. Thích Quảng Tiến, Đại đức Châu Hoài Thái v.v…
Về phía chính quyền có Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP.HCM và nhiều vị thuộc các Bộ, Ban ngành trung ương và UBND TP.HCM.
V. HÀNH TRÌNH CHIÊM BÁI XÁ LỢI TẠI VIỆT NAM (2/5–21/5/2025)
Sau khi đến Việt Nam, xá-lợi Đức Phật được tôn trí và chiêm bái tại các địa điểm sau:
1. Chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP.HCM): Từ ngày 2/5 đến 8/5/2025.
2. Núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, tỉnh Tây Ninh): Từ lúc 12:00 ngày 08/5 đến 13/5/2025.
3. Chùa Quán Sứ (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Từ lúc 14:00 ngày 13/5 đến 17/5/2025.
4. Chùa Tam Chúc (Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam): Từ ngày 18/5 đến 21/5/2025.
VI. KẾT LUẬN
Chiêm bái xá-lợi Đức Phật là pháp hành mang lại phước báu vô lượng, nuôi dưỡng tín tâm và gieo trồng hạt giống giác ngộ trong tâm thức người hữu duyên.
Xá-lợi Phật, quốc bảo của Ấn Độ, không chỉ là chứng tích thân kim cang bất hoại của Đức Thế Tôn, mà còn là nguồn năng lượng thanh tịnh, kết nối hiện tại với di sản thiêng liêng của 2.600 năm Phật giáo.
Việc cung thỉnh và chiêm bái xá-lợi Đức Phật tại Việt Nam lần này không chỉ làm sống dậy niềm tự hào của cộng đồng Phật tử Việt, mà còn góp phần lan tỏa ánh sáng từ bi, trí tuệ và hòa bình đến muôn phương trong tinh thần Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.