Phật giáo giữ gìn nét văn hóa truyền thống - Tết Trung thu

Chủ nhật - 27/09/2020 23:22 - Đã xem: 1782
Đối với văn hóa truyền thống dân tộc, dịp này còn được gọi là Tết trông trăng hay Tết đoàn viên. Đối với văn hóa Phật giáo, Tết Trung thu tổ chức trong chùa là dịp lành để thanh thiếu niên vui chơi trong không khí đậm đà bản sắc dân tộc của lễ hội cổ truyền quê hương.
Phật giáo Việt Nam đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa phong tục trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc, bên cạnh một xã hội đang hiện đại hóa đô thị hóa, mà ở đó thanh niên thường tranh thủ những dịp lễ Tết như vậy để đi du lịch, đi xem phim, đi ăn uống..v..v... Thật đáng quý, nếu giữa chốn đô thị phồn hoa, vẫn còn có những gia đình tận hưởng ngày Tết Hạ Nguyên theo đúng ý nghĩa truyền thống của nó. 


Theo phong tục cổ truyền của người Việt, mọi nhà sắm sanh bánh Trung thu chay, hoa quả, trà để dâng cúng Phật, cúng tổ tiên vào buổi tối khi trăng Rằm mới lên cao. Trung thu là Tết đoàn viên, đó là khoảng thời gian đại gia đình mọi người dân cũng như phật tử Việt Nam ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tách trà xanh ấm áp với miếng bánh Trung thu ngọt ngào, nhân đó mọi người bày tỏ lời tri ân sâu sắc đến người nhận, giúp mối quan hệ gắn bó ngày càng ấm áp bền lâu.


Đối với nhà chùa trong tiết Trung thu, khoảng khắc sum họp đầm ấm nhất là những buổi pháp đàm như thường lệ, nhưng có thêm chén trà an lạc, chiếc bánh nhân chay, mà ở đó thầy trò lắng nghe những chia sẻ về cảm nhận cuộc sống, trải nghiệm Phật pháp, để từ đó thầy trò và huynh đệ tiếp tục rèn luyện hiểu và thương.


Sư Ông Thích Giác Nghĩa cùng CLB TTNPT Hương Từ Bi thăm và tặng quà cho các bạn nhỏ tại TT phục hồi chức năng Việt - Hàn

Ngoài ra, tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ làng xóm láng giếng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, dân làng thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn ông sao, đèn lồng đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu, ánh trăng trong sáng trên cao hòa quyện cùng ánh đèn nến ngũ sắc, tạo nên đêm trung thu lung linh, huyền diệu, kỉ niệm những đêm rước đèn  dưới trăng thu đã đi vào miền hoài niệm của nhiều người Việt. Ở thành thị nhà cao tầng san sát, xe cộ đông đúc và đèn điện sáng trưng, hoạt động này đã mất đi phần nào nét thi vị.


Hiện nay, hoạt động rước đèn Trung thu thời xưa hoàn toàn có thể được tái hiện lại ngay giữa thành thị, thông qua nghi thức truyền đăng và thiền hành trong chùa vào các dịp lễ lớn và khóa tu nay được áp dụng vào hoạt động rước đèn Trung thu trong chùa chiền, đặc biệt là tại các chùa ở ngoại thành, nơi khuất bóng những tòa nhà cao tầng. Để ánh trăng Rằm vằng vặc trên cao sẽ thắp sáng cho tâm hồn thiếu nhi bằng ánh sáng dịu hiền của sự hiểu biết, ánh nến hoa đăng được truyền từ Ban thờ Phật đến hoa đăng trên tay các em, để sưởi ấm trái tim tuổi thơ bằng hơi ấm của tình thương.





Sư Cô Thích Phúc Nghiêm cùng CLB TTNPT Hương Từ Bi tổ chức Trung Thu cho các bạn nhỏ tại Quèn Thị, Lương Sơn, Hòa Bình.


Đặc biệt, trong đêm trăng Rằm, các em được rước đèn Trung thu bằng những bước chân thiền hành dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, điều này mang lại sự tĩnh tại, điềm đạm, thư thái cho mỗi bước đi của tuổi trẻ, không chỉ trong một lần chơi Trung thu ở chùa, mà còn tạo duyên cho những bước chân đi đến những chân trời sáng lạn và quay về nương tựa Tam Bảo, để sống một cuộc đời an vui, lành mạnh hơn. 


Bởi Phật pháp như trăng Rằm mùa thu rạng ngời, dịu dàng tỏa sáng đến muôn nơi, thắp sáng mọi tâm hồn không phân biệt một ai. Phật pháp là ánh sáng thương yêu vô giá, giúp cho con người biết suy nghiệm lối sống cao đẹp giữa con người và con người, trước những biến động vô thường. Như câu chuyện con Thỏ ngọc trên cung Trăng vì tình thương đồng loại của mình đang chịu cảnh đói rét, đã tự nhảy vào đống lửa quay chín, để cho những con khác có miếng ăn đỡ đói.


Vậy nên Tết Trung Thu là dịp để cộng đồng dành trọn sự ưu ái, khích lệ đối với những cảnh đời khó khăn, đặc biệt là cho trẻ thơ. Vì Tết Trung thu là Tết thiếu nhi. Đèn ông sao, đèn lồng, bánh trung thu là món quà vô giá của tuổi thơ. Rất nhiều em nhỏ ở Tây Nguyên, miền Trung, ở mũi Cà Mau, ở địa đầu Tổ quốc gần như không biết tới niềm vui ngày Tết trung thu, vì hoàn cảnh gia đình và bệnh tật. Cha mẹ, anh chị các em phải chạy ngược chạy xuôi để lo từng bữa ăn thiếu thốn nhiều mặt, vậy nên Tết Trung thu với các em càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Trong nhiều năm gần đây, hoạt động chăm sóc các em nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.


Nhiều chương trình từ thiện vì cộng đồng nhân dịp Trung thu đã khởi động từ giữa tháng 8, như Đêm hội Thu heo đất vì cộng đồng gây quỹ cho chương trình Trung thu giữa đại ngàn 2014, chương trình tặng quà Trung thu cho trẻ em trung tâm phục hồi tỉnh Quảng Trị do Chư tăng ni phật tử Tiểu ban Tiếp tế Xã hội phát động, Chư tăng ni phật tử chùa Từ Nguyên (quận Tân Phú, Tp.HCM) làm bánh Trung thu đem phát từ thiện cho người vô gia cư trên đường phố. 


Những điều tốt lành ấy làm cầu nối giữa cộng đồng xã hội và các em nhỏ, để các em vơi đi nỗi buồn thiệt thòi :


“Chị Hằng bước xuống trần gian
Tới thăm những trẻ còn mang theo quà”


Đó là giấc mơ đẹp làm nên từ dư âm của những nụ cười giòn tan vì hạnh phúc của trẻ thơ trong đêm trăng rằm, khi các em được vui chơi trong đủ đầy, một cách vô ưu.


Niềm vui và nụ cười là những thứ lan tỏa nhanh nhất, không chỉ có người nhận vui mừng, mà người cho cũng hoan hỷ và biết ơn người nhận, vì nhờ có những người đón nhận những chia sẻ từ mình thì mình mới được tăng trưởng phúc đức và tình thương yêu với đồng bào. Cuộc đời con người dường như chỉ có thể hạnh phúc khi họ biết mở lòng yêu thương, bao dung, buông xả, và chia sẻ với đồng loại, bởi vậy Đức Phật có dạy rằng “an ủi lớn nhất đời người là bố thí”.


Thấu hiểu và yêu thương dường như là hai nửa vầng trăng hợp nhất làm nên đêm Trung thu rạng ngời hạnh phúc cho trẻ em nói riêng, và cho mỗi người nói chung, để mỗi đêm trăng rằm hạ nguyên trở thành kỉ niệm đẹp đẽ của thời thơ ấu cho mỗi người. Rồi mai này trưởng thành, người bước vào cuộc sống để kiếm kế sinh nhai, dù cuộc đời có những lúc khiến người mệt mỏi, thì mỗi độ trăng tròn, những kí ức tuổi thơ vẫn là vòng tay bao dung êm ả cho họ trở về an trú trong bình yên nội tại.

Nguồn tin: (theo Phatgiao.org)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây