Như Thế Nào Mới Trị Được Bệnh Vọng Tưởng?

Thứ năm - 05/09/2013 09:59 - Đã xem: 5330

Như Thế Nào Mới Trị Được Bệnh Vọng Tưởng?

Hỏi: Khi hành trì niệm Phật, con tưởng ngồi một mình chỗ yên vắng thì không bị vọng tưởng. Nhưng trái lại, càng thanh vắng chừng nào thì tâm con càng loạn tưởng nhiều chừng nấy. Hễ con cố đè nén, thì chỉ được một chút thôi, rồi bao nhiêu thứ nghĩ nhớ lung tung cũng đâu vào đấy. Vậy xin thầy từ bi hướng dẫn cho con phương pháp nào để tâm con được yên lúc niệm Phật?

Ðáp: Bệnh nầy là bệnh chung của người tu. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, tham thiền, niệm Phật, Tụng kinh, trì chú v.v… ít nhiều gì cũng đều có vọng tưởng dấy khởi. Nếu như bặt dứt hết vọng tưởng, thì đã thành Thánh rồi. Được thế, thì còn nói tu hay không tu làm chi nữa. Vì còn vọng tưởng, nên chúng ta mới tu. Mục đích của sự tu hành là chúng ta muốn dẹp trừ hết vọng tưởng. Vì chính nó là đầu mối dẫn chúng ta đi tạo nghiệp thọ khổ. Nhưng muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với người sơ cơ mới bước chân vào đạo. Khi ứng dụng tu, thì vọng tưởng dấy khởi lên rất mạnh. Đó là do tập khí nhiều đời cũng như hiện đời mà chúng ta đã huân tập. Nếu là người tu lâu, hành trì miên mật, thì lũ vọng tưởng sẽ giảm bớt và yếu đi nhiều. Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ, vọng tưởng dấy khởi mạnh hay yếu, tương tục hay gián đoạn, thô hay tế, tất cả còn tùy theo sức huân tu hằng ngày của mỗi người.

Trường hợp của Phật tử, Phật tử nghĩ rằng, khi ngồi chỗ thanh vắng niệm Phật thì không bị vọng tưởng dấy khởi. Nghĩ thế là lầm to. Vì càng thanh vắng, vọng tưởng càng dấy khởi mạnh bạo. Lý do, là vì khi Phật tử đối cảnh xúc duyên, tâm ý Phật tử luôn luôn duyên theo cảnh. Khi ấy, Phật tử không biết đâu là cảnh và đâu là vọng tưởng. Hai cái đang hòa quyện nhau, do đó mà Phật tử không thể phân biệt tách rời ra được. Đó là lúc Phật tử hoàn toàn sống theo cảnh động. Nhưng khi Phật tử ngồi niệm Phật chỗ thanh vắng, bấy giờ Phật tử có chút tâm yên nên mới nhận ra không biết bao nhiêu thứ vọng tưởng lăng xăng dấy khởi.

Thật ra, đó là những pháp trần. Vì khi Phật tử tiếp xúc với cảnh duyên, thì khi ấy sáu căn thu nhiếp sáu trần, nên mọi hình ảnh của sáu trần đều rơi rớt lưu vào trong tâm thức. Đến khi ngồi một mình niệm Phật nơi thanh vắng, thì lũ chúng nó có cơ hội phát khởi rất mạnh. Cho nên người tu hành khi tham thiền, quán tưởng, niệm Phật v.v… thì rất sợ lũ pháp trần nầy. Tuy nhiên, khi nó dấy khởi, Phật tử không nên đè nén hay đàn áp chúng nó, mà chỉ cần Phật tử nên sáng suốt nhìn kỹ vào bộ mặt thật của chúng, thì chúng nó sẽ tan biến ngay. Cho nên, khi hạ thủ công phu, Phật tử đừng sợ vọng tưởng khuấy rối, mà chỉ sợ Phật tử không sáng suốt tỉnh thức kịp thời để nhận diện rõ mặt thật của chúng đó thôi. Vì chúng là giả dối không có thật. Khi biết rõ chúng rồi, thì chúng không thể làm hại gì mình được.

Khi niệm Phật, Phật tử nên nhớ là phải nhiếp tâm vào câu hiệu Phật. Miệng niệm tai nghe rõ ràng. Tâm luôn theo dõi từng lời, từng chữ của câu hiệu Phật. Khi đang niệm, bỗng tạp niệm xen vào, Phật tử đừng sợ chỉ cần biết nó một cách nhẹ nhàng, thì nó sẽ lặng xuống. Bấy giờ Phật tử cứ tiếp tục niệm Phật. Điều quan yếu của pháp môn niệm Phật là phải tâm niệm. Miệng niệm tai nghe không chưa đủ mà phải chú tâm niệm. Niệm như thế lâu ngày, vọng tưởng sẽ giảm bớt dần và đến khi nào tâm được thuần thục, thì Phật tử sẽ dần đạt được nhứt tâm bất loạn. Nhưng bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn. Tôi thành thật khuyên Phật tử không nên nản chí. Cổ Đức có dạy: “niệm Phật không khó mà khó ở bền lâu. Bền lâu không khó mà khó ở nhứt tâm”. Kính chúc Phật tử có nhiều sức khỏe tinh tấn niệm Phật và sẽ có ngày đạt thành sở nguyện.

Thích Phước Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây