Niệm Phật Nếu Nghi Bốn Trí Sẽ Sanh Biên Địa

Thứ năm - 05/09/2013 08:10 - Đã xem: 3187

Niệm Phật Nếu Nghi Bốn Trí Sẽ Sanh Biên Địa

Chánh kinh: Phật bảo ngài Từ Thị: Nếu có chúng sanh dùng tâm nghi hoặc tu các công đức, nguyện sanh cõi ấy, chẳng hiểu rõ Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, đại thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Ðối với các trí ấy nghi hoặc chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước, tu tập cội lành nguyện sanh cõi ấy.

Giải: Phẩm này giảng về cái nhân của thai sanh, khuyên nên sanh lòng tin sâu xa hầu khỏi đọa vào nghi thành biên địa: trong năm trăm kiếp chẳng được thấy Phật và Tăng, chẳng được nghe kinh pháp.

Ngài Tịnh Ảnh viết: ‘Trước hết nói “chẳng hiểu rõ Phật trí”, câu này là tổng, [những câu như] “bất tư nghị trí” v.v… là biệt. Phật trí uyên thâm, những trí khác không suy lường nổi nên bảo là “bất tư nghị”. Phật trí thật nhiều, chẳng thể kể hết nên bảo là “bất khả xưng”. Phật trí biết rõ cùng tột các pháp môn nên gọi là “quảng trí”. Phật trí ở địa vị cao trỗi nên gọi là “vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”.

Sách Hội Sớ lại nói:

“Chẳng hiểu rõ Phật trí” là nghi tánh đức bất tư nghì của Phật trí, chẳng ngộ được vì sao đức Như Lai là vĩ đại. Niệm Phật vãng sanh được kiến lập bởi Phật trí mà [chúng sanh] lại nghi ngờ trí ấy nên chẳng thể hiểu rõ Phật trí.

Bất tư nghị trí: vì trí huệ của Phật sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là “bất tư nghị trí”. Niệm Phật vãng sanh được kiến lập bởi bất tư nghị trí mà [chúng sanh] lại nghi trí ấy nên bảo là “chẳng hiểu rõ bất tư nghị trí”.

Bất khả xưng trí là trí huệ của Phật nhiều đến vô lượng chẳng thể nói kể cho hết được nên gọi là bất khả xưng trí. Niệm Phật vãng sanh là do bất khả xưng trí thành tựu mà lại nghi trí ấy thì gọi là “chẳng hiểu rõ bất khả xưng trí”.

Ðại Thừa quảng trí là trí biết đến cùng tột các pháp môn nên gọi là đại thừa quảng trí. Niệm Phật vãng sanh là do đại thừa quảng trí cảm thành mà lại nghi trí ấy nên gọi là “chẳng hiểu rõ đại thừa quảng trí”.

Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí là trí ấy địa vị cao trỗi nên gọi là vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Nay niệm Phật vãng sanh đây do vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí phát khởi mà lại nghi trí ấy nên bảo là “chẳng hiểu rõ vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí”.

Kinh nói: ‘Dùng tâm nghi hoặc’ nghĩa là do chẳng tin hiểu nổi Phật trí nên sanh tâm ngờ vực. Chữ “nghi” có bốn ý, dưới đây tôi sẽ tổng hợp những ý chính của các vị Ðàm Loan, Nguyên Hiểu, Tuấn Ðế và Cảnh Hưng để giảng.

* Một là chẳng tin vào bất tư nghị trí nên nghi nếu chỉ niệm A Di Ðà Phật chưa chắc đã được vãng sanh Cực Lạc, chẳng biết rằng bất tư nghị trí có đại oai lực chẳng thể suy lường được nổi. Hết thảy muôn pháp không pháp nào chẳng phải là tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp, thiên biến vạn hóa vô lượng vô biên. Há nên dùng cái tình thức còn ngăn ngại của phàm phu ngờ vực diệu pháp vô ngại của đức Như Lai; đâu biết rằng một tấm gương có thể hiện bóng muôn vàn cảnh tượng, củi chất ngàn năm một mồi lửa cháy sạch.

Vì vậy, chí tâm nhất niệm xưng danh tiêu diệt được trọng tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp. Mười niệm ắt được vãng sanh có chi là lạ!

* Hai là chẳng tin vào bất khả xưng trí, chẳng hiểu được rằng thể tánh của Phật trí là tuyệt dứt mọi đối đãi, lìa mọi lỗi lầm, tuyệt mọi sai trái.

* Ba là chẳng hiểu rõ đại thừa quảng trí, nghi Phật chẳng thể thật sự độ hết thảy chúng sanh, lại ngờ hết thảy chúng sanh niệm Phật chẳng phải đều được vãng sanh Tịnh Ðộ. Bởi thế, đối với A Di Ðà Phật bèn sanh ý tưởng suy lường.

* Bốn là chẳng hiểu rõ vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí, ngờ Phật chẳng đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Do bởi nghi như thế nên đối với pháp môn niệm Phật chẳng thể chánh tín; do đó phải bị thai sanh.

Trong tác phẩm Tông Yếu, ngài Nguyên Hiểu lại viết:

‘Nếu người chẳng đoạn nổi bốn mối nghi đó thì dẫu sanh vào nước kia vẫn ở biên địa.

Nếu như có kẻ dẫu chẳng thể hiểu nổi cảnh giới của bốn trí vừa nói trên đây nhưng tự khiêm, tâm nhãn chưa mở nhưng ngưỡng mộ Như Lai, một bề tin phục thì những người như vậy sẽ tùy theo hạnh phẩm vãng sanh về cõi ấy, chẳng lạc vào biên địa.

Sanh vào biên địa là một loại riêng chẳng thuộc vào chín phẩm. Vì thế chẳng nên vọng sanh nghi hoặc’.

Lời luận này rất tinh xác, rất khẩn yếu. Nếu như tin hiểu được các trí của Như Lai thì là bậc thượng căn lợi trí; còn nếu chẳng tin hiểu nổi thì cứ giữ lòng rỗng rang, tự khiêm, tin kính, ngưỡng mộ các trí ấy thì cũng được vãng sanh, chẳng bị đọa vào nghi thành. Hành nhân Tịnh nghiệp nên đọc lại vài ba lần lời luận trên để thể hội sâu xa yếu chỉ ‘hư tâm ngưỡng tín’ ấy.

‘Nếu có chúng sanh đối với các trí ấy ngờ vực chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sanh cõi ấy’ là nói về hạnh cảnh của kẻ bị sanh vào biên địa.

‘Tội phước’: ngũ nghịch, thập ác v.v… là “tội”; ngũ giới, thập thiện v.v… là “phước”. Chẳng kính tin nổi Phật trí, nhưng vẫn tin vào tội phước, nhân quả, thường tu lễ Phật, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Do niệm Phật thật sự là căn bản của các điều thiện nên bảo là ‘tu các cội lành’. Hạng người như vậy tin phước chẳng tin trí, tin Sự nhưng lại mê nơi Lý nên bị đọa vào nghi thành.

Trích đoạn từ
Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập – Hoàng Niệm Tổ chú giải
Quyển Thứ Tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây