Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức (Tập 2)

Thứ năm - 12/09/2013 11:58 - Đã xem: 2353
Các vị trưởng bối, các vị bằng hữu nhà giáo ưu tú ngành giáo dục, chào buổi sáng tốt lành.
Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp đại học vài năm mới thi nghiệp vụ sư phạm. Một dịp khá tình cờ, tôi đến Đài Đông sống một khoảng thời gian, đây là một chỗ non xanh nước biếc, cách xa nơi ồn náo, làm tâm của tôi khá tĩnh lặng trở lại.
08 Thuong tuy phat hoc
08 Thuong tuy phat hoc
 Làm Thế Nào Để Trẻ Thơ Tiếp Nhận Giáo Dục Phẩm Đức (Tập 02)
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Thời gian: Ngày 08 tháng 05 năm 2009
Địa điểm: Nghị Viện Thành Phố Hợp Nam
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Mộ Tịnh cư sĩ
*******************
Các vị trưởng bối, các vị bằng hữu nhà giáo ưu tú ngành giáo dục, chào buổi sáng tốt lành.
Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp đại học vài năm mới thi nghiệp vụ sư phạm. Một dịp khá tình cờ, tôi đến Đài Đông sống một khoảng thời gian, đây là một chỗ non xanh nước biếc, cách xa nơi ồn náo, làm tâm của tôi khá tĩnh lặng trở lại. Vừa tịnh trở lại, đúng lúc nơi ấy có một ngôi trường, một cô giáo phải nghỉ thai sản một hai tháng, họ tìm đến tôi để nhờ tôi dạy lớp một. Xưa giờ tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ làm giáo viên, nhờ cơ hội tình cờ này, năm đó luật cũng sửa đổi, tốt nghiệp đại học mới có thể dạy thay, hồi trước là tốt nghiệp cấp ba thì có thể dạy thay, nên họ tìm không ra được sinh viên nào, họ lại đến tìm tôi. Lần đầu tiên tôi từ chối, bởi vì tôi nghĩ rằng học sinh lớp một nhỏ như vậy, tôi thật không biết dạy thế nào. Sau đó tôi cảm thấy không thể cự tuyệt người có lòng, chính cái duyên phận như vậy mà tôi đã đi dạy thay trong thời gian một hai tháng.
Trong suốt quá trình dạy học, tôi cảm thấy rằng bọn trẻ rất là ngây thơ. Tôi còn nhớ có một lần, tôi nhìn thấy bên cạnh có một số con côn trùng đã chết, tôi nghĩ đem chôn mới được, thế là tôi đem chúng đi chôn xuống. Đúng lúc đó các bạn nhỏ nhìn thấy tôi làm như thế, rất hiếu kỳ, chạy đến hỏi: “Thầy ơi, thầy đang làm gì vậy?”. Tôi nói: “Thầy đang chôn đàn kiến, đang chôn côn trùng”. Chúng nó gật gật đầu. Đến hôm sau tôi thấy hai ba đứa nhỏ ngồi chồm hổm ở đó, như có chuyện gì đó. Tôi không biết chúng đang làm gì, nên hỏi:“Các em đang làm gì vậy?”. Chúng nó quay đầu nhìn tôi, nói rất là nghiêm túc: “Thưa thầy, chúng em đang chôn kiến ạ”. Cái tâm từ bi của chúng rất là dễ khơi dậy, vì vậy tâm thiện phát khởi càng sớm càng tốt. Tôi liền cảm thấy rằng công tác giáo dục này, nhất là giáo dục từ mẫu giáo, giáo dục tiểu học, đặc biệt có thể khởi phát tâm thiện của trẻ. Sau khi dạy thế xong, tôi liền đi tham gia lớp bồi dưỡng. Hơn bốn tháng sau đó, tôi đến Học Viện Sư Phạm Đài Nam để thi. Nhờ tổ tiên phù hộ, có thể nói là tôi thi đỗ dễ dàng. Sau khi tôi đi dạy học thì tôi có tâm tình đặc biệt sâu sắc, bởi vì mẫu thân tôi là giáo viên tiểu học, hồi trước tôi cảm thấy làm giáo viên tiểu học tốt thật, được nghỉ đông, nghỉ hè. Cho nên, người không ở trong công việc đó thì không biết những cay đắng ngọt bùi trong đó, xem ra thì rất thoải mái, về sau khi chính tôi làm giáo viên tiểu học, mới biết nghỉ đông nghỉ hè chỉ là nghỉ xả hơi mà thôi.
Công việc làm giáo viên không phải là dựa vào sức, mà phải dùng tâm. Họ luôn luôn phải để ý tới vấn đề an toàn của mấy mươi đứa trẻ này, vấn đề sức khỏe và cả vấn đề nhân cách trưởng thành của chúng, cho nên rất hao tổn tinh thần. Tôi còn nhớ, mẫu thân tôi nhắc đến việc cậu của tôi lúc trước nói với bà thế này: “Chị dạy học cũng đã hơn hai mươi mấy năm rồi, sao mà cả giấy khen, bằng khen đều không có vậy?”. Mẹ tôi nói: “Con của tôi không xảy ra chuyện gì là tốt lắm rồi, còn phải bằng khen gì chứ?”. Câu nói của mẹ tôi rất có ý nghĩa. Cậu tôi hỏi xong thì thời gian sau, mẹ liên tục nhận được nào là phần thưởng, rồi bằng khen. Thế nên việc này nói với chúng ta, cái gì đáng là của bạn thì là của bạn. Nhưng mà câu trả lời này của mẹ tôi cũng đã bộc lộ ra chỗ vất vả của một người làm giáo viên tiểu học. Những áp lực này trong lòng, bản thân tôi sau khi làm rồi, cảm thấy thật là phập phồng lo sợ. Tôi còn nhớ, có một lần làm tổng vệ sinh, có một bé gái leo lên cửa sổ, cửa sổ rất cao, nó đu người thế này, tôi đứng phía dưới, nó nói: “Thầy ơi, tháo cái này xuống để rửa có được không?”. Tôi nói: “Không được!”. Tôi vừa nói “không được”  thì nó tháo rồi, sau đó cả người ngã ngửa ra phía sau, miếng thủy tinh bể nát, bản thân bé thì hết cả hồn, các bạn học xung quanh cũng bị giật cả mình, rồi liền chạy đến. Tôi nói: “Đợi một chút, những miếng thủy tinh như vậy, các em chạy đến luống cuống đụng phải, có thể sẽ bị thương”. Tôi mau mau đi lấy cây chổi quét những thứ đó dọn đi, mau mau xem đứa học trò đó thì thấy không bị gì cả. Tôi nói việc này có ông bà phù hộ. Dạy học trò thực tế cũng thật không dễ dàng gì. Trước đó không lâu, tôi đã dạy chúng học “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”, có thể là đã dạy cái này, như trong đó có thần linh phù hộ nên không bị gì. Từ việc này mà tôi đã thể hội được cái tâm tình dạy học của mẹ tôi.
Trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt ở giai đoạn nền tảng là giáo viên mẫu giáo và tiểu học, tuy lượng công việc rất lớn nhưng việc dạy phẩm đức giáo dục cho các em cùng lúc tuyệt đối không làm tăng thêm gánh nặng. Sự nhận thức này cần phải khiến cho tất cả người dạy học hiểu được. Một khi họ không hiểu, họ sẽ cảm thấy rằng ta đang tăng thêm lượng công việc cho họ, kết quả có thể sẽ hoàn toàn ngược lại. Vì vậy lòng tốt của chúng ta, nếu như không thể đồng tình với tâm tình của đối phương, lòng tốt sẽ trở thành hỏng việc. Lần này tôi đến Malaysia, ông ấy nói có một đứa trẻ, hễ học “Đệ Tử Quy” thì bật khóc. Tại sao nó lại khóc? Bởi vì nó nhìn thấy “Đệ Tử Quy” là run sợ; thầy giáo của nó bảo, em học cái này cho thầy, học không thuộc thì sẽ bị phạt, thế là bọn trẻ nhìn thấy “Đệ Tử Quy” thì sợ chết khiếp. Như vậy thì có hiệu quả hay không? Không có hiệu quả! Cho nên, nếu như chúng ta là hiệu trưởng, bỗng một hôm nói: “Nào, tất cả phải dạy “Đệ Tử Quy” cho tôi”. Tất cả các thầy cô còn chưa hiểu tác dụng của “Đệ Tử Quy”, do họ không hiểu được nên trong tâm có sự chống đối, có thể lúc dạy sẽ làm hoàn toàn ngược lại. Thế nên phải khiến cho thầy cô hiểu được việc này là để giúp đỡ họ tổ chức lại lớp học. Bọn trẻ khi đã có quy củ, hiểu chuyện, tôn trọng đối với thầy cô, thì hiệu quả học tập cũng tốt hơn. Vả lại, sau khi dạy rồi, trẻ một khi đã hiểu chuyện, trở về nhà sẽ xới cơm cho mẹ chúng, làm việc lần đầu tiên trong đời. Rất nhiều phụ huynh đều đã rơi nước mắt, thế là hỏi ra, thầy cô đã dạy bọn trẻ có hiếu. Họ đi đến trường học, nắm lấy tay thầy cô giáo, nói: “Cảm ơn, cảm ơn. Con của tôi dạo gần đây rất hiểu chuyện”. Khi thầy cô giáo chúng ta dạy dỗ đức hạnh cho trẻ, thì sẽ giành được sự tôn trọng từ trong nội tâm của các em, của phụ huynh đối với chúng ta. Sự truyền đạo thụ nghiệp chân chánh có thể giành được tôn trọng của họ. Việc này nhất thiết cần phải có một quá trình. Trước tiên thầy cô phải hiểu, “Đệ Tử Quy” không hề tăng thêm gánh nặng cho họ, mà sẽ giúp đỡ cho việc dạy học của họ. Nói thực tế là, bản thân chúng ta đều dạy học qua, khi trẻ nhỏ học hành một cách thật chăm chỉ, chúng ta rất phấn khởi, cho dù là đã tan học, mà nghe chúng nói: “Thưa thầy, em còn có câu hỏi”, chúng ta sẽ vui vẻ tiếp tục nói với chúng. Nếu như trong quá trình giảng dạy, bọn trẻ không tôn trọng thầy cô, cũng không chuyên chú, giảng giảng một hồi, có lúc chúng ta cũng không biết nói cái gì nữa. Khi bọn trẻ tôn trọng chúng ta, chúng sẽ có thể biết tự trọng mà học tập.
Tôi nhớ năm đầu tiên tôi dạy học, lần đầu tôi dạy môn tự nhiên, lúc đó có ba đứa học trò không đạt. Vừa nhìn thấy thành tích của chúng không đạt, tôi cảm thấy thành tích của mình cũng bị kéo xuống, cái tâm thái này là rất quan trọng. Đó là bị lòng yêu thích hư vinh quấy phá. Vì vậy đích thực phải lấy chính mình cảm hóa người, tâm mình đoan chính rồi mới có thể cảm hóa người. Tôi nghĩ, đề bài này cũng không khó, sao mà mấy đứa trẻ này không biết? Tôi liền cho chúng thi lại, thế là ba đứa trẻ này ngồi xuống thi lại lần nữa. Tôi phát hiện ra một việc, đó là chúng đọc chữ mà không hiểu, trình độ ngữ văn yếu quá. Vì vậy tôi liền đọc cho chúng nghe, sau đó thì đều thi đạt điểm. Chúng tôi cảm giác được ngữ văn, quốc văn là một môn học căn bản, rất nhiều đứa vì ngữ văn không tốt, sau đó toàn bộ lòng tự tin đều mất đi. Nhiều người môn toán không tốt, mà chúng đã bị mắc kẹt trong suốt quá trình học tập. Có một số thì tư tưởng chưa thông. Trong khi chưa thông, thầy lại rất dữ, hoặc là thầy giáo đã bỏ mặc chúng, thì tự chúng cũng mặc kệ luôn. Giả như giáo viên có lòng quan tâm như người mẹ, đến kỳ nghỉ hè nghỉ đông, mỗi ngày đều giảng cho chúng nghe, từ năm lớp một phải giúp chúng đả thông những bế tắc. Ví dụ như chúng học lớp ba, lớp bốn, bạn bắt đầu dạy từ năm lớp một, chúng nhất định cảm thấy rất thoải mái, và cứ như vậy mà đi lên. Phải đem những khái niệm sai lầm này mà đả thông. Tôi có biết một người là thầy Trần, thời gian nghỉ hè, anh phù đạo cho một đứa học trò. Sau hơn một tháng thì đứa vốn có môn toán xếp cuối lớp, bây giờ lại đứng đầu danh sách. Trẻ con đều là có bổn thiện, chúng có tiềm lực, nhưng mà phải dùng tâm nhẫn nại, tâm yêu thương thì mới làm cho chúng khởi phát được. Vì vậy chư vị trưởng bối, các bằng hữu, có ai muốn đăng ký làm một người có lòng yêu thương như mẹ không? Xin các bạn phối hợp một chút. Mời bỏ tay xuống. Lại có cả nam giơ tay nữa. Tôi thật cảm động! Ai nói chỉ có tình yêu thương của mẹ, còn có tình thương của người cha nữa phải không? Thậm chí còn có tình thương của các anh các chị chưa kết hôn nữa. Đầu tiên là bồi dưỡng tình thương, sau này làm cha làm mẹ thì sẽ làm rất tốt.
Kết quả là sau khi giúp đỡ cho ba đứa trẻ này như vậy, đọc cho chúng nó nghe, chúng nó thi xong thì khoảng cách giữa tôi và chúng lập tức được rút ngắn lại. Kỳ thực, bọn trẻ rất đơn thuần, bạn dụng tâm thì chúng hoàn toàn cảm thấy được, thế là không lâu sau đó, trong số đó có một đứa trẻ mập mập trắng trắng, cũng không cao lắm, dái tai thì rất là lớn, tại sao đứa trẻ này tôi lại có ấn tượng rất sâu? Tôi nhớ là khi tôi vừa mới đến trường, làm hộ tống cho học sinh, tôi làm ở trường tiểu học Long Đỗ, huyện Cao Hùng, là một nơi phong cảnh rất đẹp. Cha mẹ của chúng đều là sử dụng tiếng của người Hẹ, còn tôi là người Mân Nam, cho nên về cơ bản, tiếng họ nói, tôi nghe không hiểu lắm, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì tự nhiên khoảng cách càng ngày càng gần. Tôi là người hộ tống học sinh cho đồng nghiệp nên tôi đi giúp họ, bởi vì người đồng nghiệp đang lúc có con nhỏ mới một hai tuổi, còn phải chăm sóc rất vất vả. Tôi nói, dù gì tôi cũng ở tại trường, tuần này cứ để tôi đứng giúp cho chị. Tôi đứng ở đấy, khi nhìn thấy phụ huynh đến, tôi chào hỏi họ trước tiên, tôi nói: “Xin chào”. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai không có biểu lộ gì, vì vậy con người cần phải có một quá trình với nhau. Ví dụ, bạn nói với phụ huynh: “Chào buổi sáng, xin chào”. Họ không để ý, vậy phải làm sao? Bạn có cảm thấy bị tổn thương không? Chúng ta cúi đầu với người ta không phải là muốn người ta cung kính mình, cúi chào là vì nghĩ rằng chúng ta làm người thì phải nên làm như vậy, không cần phải suy tính hơn thiệt nữa. Vả lại thực sự mà nói, bạn thay đổi vị trí của họ mà suy nghĩ, bạn cúi đầu chào hỏi với một người, họ không cười được, họ có khổ hay không? Bạn chỉ cần thay vị trí mà suy nghĩ thì vấn đề sẽ không còn nữa. Vì lẽ đó mà khi tôi ở Đại Lục, chúng tôi triển khai giáo dục luân lý đạo đức “Đệ Tử Quy” ở một cái trấn nọ, đến lúc qua năm mới, tôi đi chúc tết cho một số người cao tuổi, trên đường thì thấy một số người đi đường đi đến, tôi nói: “Chào năm mới”. Có rất nhiều tình huống tưởng rằng là nói với người ở bên cạnh, bạn nói với họ: “Chào năm mới”. Họ cũng đáp lại: “À! Chào năm mới”. Tôi tiếp tục bước đi thì nhìn thấy họ chạy thẳng vào trong nhà, cũng không biết để làm gì nữa, đột nhiên chừng mấy giây sau, họ đem kẹo mứt trong nhà họ chạy ra mời “ăn kẹo, ăn kẹo”. Bạn xem, con người vừa khởi thiện ý, cảm trở lại chính là “người yêu người, người hằng yêu lại”. Xã hội này cát tường vui vẻ là bắt đầu làm từ ai? Từ chính mình. Tôi cũng từng gặp qua việc cúi chào họ ba lần, “chào năm mới”, nhưng họ đều như như bất động. Đột nhiên tôi cảm thấy dường như là họ rất buồn khổ, chắc có thể hôm qua bị mất tiền rồi, họ buồn như vậy. Thế thì ta kiên trì thêm lần tới nữa, họ sẽ cảm thấy quả thực cái thế gian này vẫn có nhiều người tốt, lại nữa họ cũng là đang kiểm tra chúng ta, chúng ta có tâm được mất hay không? Chúng ta có thích sĩ diện hay không? Cái này chúng ta đều có thể buông xuống thì đức hạnh chúng ta sẽ nâng lên. Họ cũng là đang giúp chúng ta đề cao sự tu dưỡng của mình. Vì vậy hết thảy người đều là có sự giúp đỡ đối với chúng ta, chỉ cần tâm thái chúng ta thật tốt. Tôi còn nhớ, người mẹ của đứa trẻ này thật là một chút vẻ tươi cười cũng không có. Cô ngồi trên chiếc xe gắn máy, tôi đã chào hỏi với cô ấy, cô ấy không có phản ứng gì. Thế là tôi nhìn lại phía sau, biểu cảm của người bạn nhỏ này cùng với của người mẹ dường như là cùng một cái khuôn in ra, cho nên ảnh hưởng của gia đình rất lớn. Lần thứ nhất, không phản ứng. Ngày thứ hai cũng không phản ứng, nhưng mà tôi mỗi một ngày khi đi đến, tôi đều chủ động lấy cặp sách của đứa học trò xuống, giúp nó đeo lên trên lưng. Ngày thứ ba, tôi còn chưa kịp cười thì mẹ của nó đã cười với tôi trước. Còn có một người bạn học khác nói: “Thầy ơi, em nói với thầy chuyện này nè, thầy đừng có giận nha”. Tôi nói: “Không sao đâu, cứ nói”. Nó nói: “Mẹ em bảo, thầy lúc tiếp đón học sinh mà cười như thế, giống như là đang tranh cử nghị viên hay là nhà lập pháp vậy”. Chẳng lẽ nhất định là muốn được phiếu bầu thì mới cười sao? Quả thật các vị thấy, người với người lúc nào cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Đứa trẻ này ngày hôm đó sau khi thi xong, cho nó thi lại thì nó đạt rồi. Qua mấy hôm sau, vừa lúc giờ ra chơi, nó chạy đến đứng trước bàn làm việc của tôi, bất thình lình nhìn tôi và nói: “Tham kiến sư phụ”. Lúc đó thì tôi không có cười, bởi vì tôi cảm thấy nó rất là nghiêm túc, quả thực tôi cũng không cười nỗi, vì bị nó làm cảm động. Tôi cũng rất nghiêm túc, liền đỡ nó đứng dậy. Tôi nói: “Bái sư đúng là một việc rất nghiêm túc, em phải suy nghĩ kỹ càng”. Đôi mắt nó cũng suy xét một chút, mấy giây sau tiếp tục nói: “Tham kiến sư phụ”. Kết quả, đứa học trò này lần thi thứ nhất không đạt, lần thi thứ hai được chín mươi mấy điểm, tiến bộ đến ba mươi mấy điểm. Học trò tiến bộ thì thầy cô chúng tôi phải cho ít tiền để khích lệ, thế là tôi trao thưởng cho nó, nhưng mà trao thưởng không thể thiên vị, vừa nói qua phải có tâm bình đẳng, tâm có hiếu, tâm bình đẳng những cái tốt khác cũng phải phát, nhưng mà nó thì phát sau cùng. Tại vì sao sau cùng? Tôi nói: “Các em đoán thử xem, lần thi kỳ này, người tiến bộ nhiều nhất là bao nhiêu?”. Các em học sinh nói: “10 điểm, 20 điểm”. Tôi nói: “Không đúng, ba mươi mấy điểm”. Các bạn học liền vang tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Thế là tôi nhìn qua phía ấy, thấy cậu học trò hùng dũng oai vệ bước ra, lòng tự tin đã khôi phục mạnh mẽ, các bạn học bất giác không tự chủ đã khích lệ cho nó.
Khi chúng ta có thể khiến trẻ tôn trọng, có thể khiến bọn trẻ yêu quý và tín nhiệm chúng ta, động lực của chúng sẽ ùn ùn liên tục trỗi dậy từ tận đáy gốc. Chúng ta phải kéo cái tâm học tập, tâm thiện của bọn trẻ từ căn bản thì mới tiết kiệm sức. Bây giờ các vị không từ tâm hiếu, từ tâm cung kính, tâm cảm ân của chúng mà nắm, lại nắm điểm số thì chỉ làm chúng mệt, cha mẹ thầy cô cũng mệt, thậm chí còn phải theo dõi cái thành tích này cho đến khi chúng lên đại học, vậy thì phiền rồi. Việc học của nó đều phải có người theo dõi, nếu không có ai theo dõi nữa thì sẽ như thế nào? Chúng ta cảm thấy một việc là sinh viên bây giờ giống như là con ngựa hoang bị đứt dây cương, có quản cũng không quản nổi. Vậy xin hỏi, chúng ta để mắt tới chúng trong suốt mười mấy năm trời thì có ý nghĩa bao nhiêu chứ? Vì vậy chúng ta phải nhìn cho xa. Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ xem, cái thời của cha tôi sinh ra năm - sáu đứa con là bình thường, bảy - tám đứa thì cũng là thường thấy, sinh mười hai đứa cũng là bản lĩnh. Thế nhưng các vị xem, con cái đông như vậy, cha mẹ mỗi ngày làm vất vả, thời gian chăm sóc cho con cái có hạn. Bây giờ sinh một đứa hay hai đứa con thì mệt sắp chết, cái khoản tiêu tốn tinh thần và tiền bạc cho chúng mãi mãi lớn hơn nhiều so với thời trước, mà hiệu quả thì sao? Hiệu quả thì mãi mãi không bằng được thời trước. Người thời trước họ có cái tâm hiếu, học bài không cần ai nhắc. Tôi nhớ chú ba của tôi là người tốt nghiệp tiến sĩ, chú kể với chúng tôi về chuyện hồi còn nhỏ, các anh chị em đang ngồi học bài, ông nội nói “đi ngủ thôi, trễ lắm rồi, đừng có học nữa”. Nghe theo lời cha, leo lên giường nằm xuống, đợi ông nội của tôi đi ngủ thì anh chị em lại leo xuống tiếp tục học bài, trong lòng nghĩ rằng cha mẹ vất vả quá, mình phải thành tựu để sau này mà hiếu dưỡng họ. Vì vậy cái động lực, cái mô tơ của họ, nhãn hiệu là tâm hiếu. Chúng ta bây giờ thì phải xem cho rõ mô tơ hiệu gì. Bây giờ bọn trẻ học hành, cái mô tơ gắn cho nó là nhãn hiệu gì vậy? Nhãn hiệu là Đài Tệ. Thi môn gì đó mấy điểm cho con một trăm. Được! Nhưng mà qua một hai năm, chúng sẽ kháng nghị là tiền ít quá, đòi tăng thêm, thế là các vị ở đó bàn điều kiện với chúng. Chúng làm bất cứ việc gì đều phải dụ dỗ chứ không phải đạo nghĩa, mà người bị dụ dỗ phải cần có dục vọng dẫn dụ chúng, chúng sẽ mất hết tính người. Các bạn phải cẩn thận, xem ra thì chúng rất có động lực, nhưng đó là lợi, là dục. Cho nên nhìn việc phải nhìn vào trong tâm địa, chúng ta mới có thể chân thật dẫn dắt con trẻ đi được phương hướng chính xác.
Tôi còn nhớ có một câu chuyện có thật thế này, một người cha nọ có hai đứa con, một đứa con trai lớn và một đứa con gái nhỏ. Đứa con trai thành tích tương đối tốt, đọc được sách. Đứa con gái tư chất tương đối không được lanh lẹ cho lắm. Xin hỏi các bạn rằng, mình nên thương đứa con gái hơn hay đứa con trai hơn? “Con gái”. Đáp án chính xác. Thế nhưng trên thực tế, đa số cha mẹ thương ai hơn? Cái thời đại này của chúng ta có học hành thì việc trả lời chính xác rất là giỏi. Phải dụng tâm, không thể chỉ có dùng đầu để trả lời mà thôi. Chúng ta hãy xem xét cho kỹ, chúng ta hiện giờ dụng tâm thiện quá ít, đều là thi cử mục đích để kiếm tiền, đều vì lợi, năng lực cảm nhận của tâm cứ thế mà giảm xuống. Mỗi một câu mà chúng ta nói ra đều có ảnh hưởng tới tâm của mình, cũng ảnh hưởng đến tâm người xung quanh. Hôm nay đứa trẻ này có thành tích tốt thì tôi đối đãi với nó tương đối tốt, còn đứa em gái thành tích không tốt thì việc nhà em đều phải làm, anh thì không cần làm, thương đứa anh hơn, vậy xin hỏi đứa anh sẽ sinh ra cái tâm gì? Tâm ngạo mạn sẽ khởi lên. Các bạn cứ nghĩ thử xem, người có thành tích tốt thì có mấy người không ngạo mạn? Các bạn  phải suy nghĩ, một đứa trẻ bởi vì thành tích tốt mà tăng trưởng ngạo mạn, thành tích tốt và ngạo mạn là lợi bất cập hại, thành tích tốt chỉ là một lần thi, còn tâm ngạo mạn sẽ chướng ngại cả một đời nó. Tôi từng gặp qua người hai mươi tuổi mà mấy lần được học vượt lớp ở trường Đại Học Đài Loan, vào trường đại học giảng dạy, về sau bình xét lên giáo sư thì lại không được, mười mấy năm trời vẫn không được xét. Tại sao vậy? Bởi vì luận văn anh ta viết rất tốt, chỉ cần viết luận văn là mắng một vị giáo sư nào đó, mắng rất gay gắt, sau này anh tự viết luận văn thì phải qua các giáo sư, những giáo sư ấy chỉ cần nhìn thấy bài của anh ta thì không thèm xem, liền bỏ sang một bên. Hết thảy các bạn anh ta đều đã đắc tội hết. Sau đó anh đi thỉnh giáo một vị bằng hữu, vị bằng hữu ấy nói: “Anh có thể đem luận văn sửa lại một chút không? Anh đem việc phê bình người khác không tốt, sửa thành tán thán, thưởng thức người khác, viết cho tốt chỗ đó vào”. Anh ta nghe đến đoạn này thì chau mày lại nói: “Để tôi thử xem”. Kết quả sau đó, anh thật sự viết luận văn, người bạn này vừa xem thấy thì nổi hết da gà, vì anh ta vốn chỉ biết phê bình người khác, nhưng bỗng chốc lại tán thán người, những lời lẽ đó thật chẳng tự nhiên lắm.
Vì vậy chúng tôi vừa mới nói, giáo dục là trưởng dưỡng tâm thiện, vả lại tâm như bơi thuyền ngược nước. Cái thiện bạn không dạy chúng thì chúng sẽ học cái ác. Hôm nay ăn cơm, bạn không dạy chúng mời ông nội bà nội ngồi trước, chúng liền nghĩ rằng chúng nên ngồi trước. Bạn không dạy chúng cái đúng thì chúng học cái sai, cho nên điều này chúng ta phải cảnh giác. Không thể nói bọn trẻ hôm nay không tiến bộ cũng không lui sụt. Con người mỗi ngày không thể không có sự tiến thoái, lúc nào cũng đang tiến thoái. Hồi trước tôi có nghe được một tin tức, có một vị Lâm tiên sinh đã viết một bức thư cho ông Lý hiệu trưởng trường Đại Học Đài Loan. Trong bức thư nói rằng, vị Lâm tiên sinh này nhìn thấy rất nhiều sinh viên trường đại học nổi tiếng, sau khi ra xã hội thì không mấy tôn trọng những vị tiền bối, những vị công chức cao tuổi này, thái độ cũng khá là không tốt, vì thế viết thư cho vị hiệu trưởng này. Ông Lý hiệu trưởng đại học cũng rất thú vị, ông đem bức thư này để cho tất cả giáo viên công chức được xem, ông nói: “Bọn trẻ tốt nghiệp trường đại học chúng ta, doanh nghiệp không tán đồng, đáng để cho ngành giáo dục từ tiểu học đến đại học của chúng ta phải suy nghĩ lại”. Những con người mà chúng ta bồi dưỡng ra lại bị đẩy trả lại, vậy phải điều chỉnh thôi. Trong đó có nhắc đến chúng thiếu sự khiêm tốn, thân thể cứng quá, lưng cúi xuống không nỗi. Các vị bằng hữu, người mà lưng không cúi xuống được thì quả thận có vấn đề, cúi đầu nhiều thì rất có ích cho quả thận, kế đến là không có quan niệm về thời gian, ích kỷ, mượn cớ thì rất nhiều, luôn sống dưới cái hào quang của sự học cao. Vậy chúng ta suy nghĩ kỹ xem, đối với chúng, học vấn cao là điều lợi hay là hại? Có thể là một điều hại, chúng không thể cúi đầu để mà đi thỉnh giáo người khác. Thế nhưng thực tế mà nói, nếu như những đứa trẻ này có học “Đệ Tử Quy” thì những vấn đề này đều sẽ được giải quyết. Khi chúng mà mượn cớ, trong “Đệ Tử Quy” nói “sai chịu sửa, dần liền hết, cố giấu che, càng thêm nặng”.  Còn như chúng ích kỷ, thì dùng câu“cha mẹ thích, dốc lòng làm, đông giữ ấm, hạ quạt mát”. Chúng luôn phải để ý đến sự ấm mát cho cha mẹ, sự cần thiết cho cuộc sống thì chúng sao có thể ích kỷ? Quan niệm thời gian, giả như chúng tôn trọng người thì chúng sẽ không thể không nắm quy tắc về thời gian. Vì thế đằng sau hành vi, quan trọng nhất vẫn là cái tâm cung kính còn chưa được đề khởi lên.
Hôm nay chúng học “Đệ Tử Quy” rồi, trong“Đệ Tử Quy” có câu: “Người có tài, không chỉ trích”, người ta có năng lực, khiêm nhường mà thỉnh giáo họ, không nên đố kỵ. Những tâm thái này, từ hồi tiểu học, kinh điển này chúng đã học hiểu rồi, thậm chí người làm giáo viên như chúng ta có thể hiểu được lúc nào là cơ hội để giáo dục cho chúng. Lúc mà sắp phát bài thi ra, chính là cơ hội tốt nhất để dạy bọn trẻ. “Này các em, kỳ thi sắp kết thúc”, nhưng thực tế, phát trả bài thi thì kỳ thi mới là bắt đầu, các bài thi này phát trả ra, các em vừa thấy thì “oh! Mình thi được 100 điểm, mình thật là giỏi quá!”, vậy thì các em thi không đạt rồi. Các em không nghĩ đến công lao cha mẹ dưỡng dục, công thầy cô dạy dỗ vất vả, thậm chí là các bạn học vào những lúc mà em không biết, cũng vô tư mà nói cho em biết, vì thế em thi điểm tốt, em phải nghĩ là nhờ có rất nhiều người đã giúp đỡ cho em. Các vị thấy, những người có thành tích tốt thì sẽ khởi lên là cái tâm gì? Tâm cảm ân. Điều này chúng ta không có dạy, trẻ sẽ bất tri bất giác tâm tính đi về hướng nào chúng ta không biết được, còn nếu nó mà thi không tốt thì sao? Tôi còn nhớ, có lần tôi thi môn tiếng Anh được 98 điểm, tôi đã khóc hơn một tiếng đồng hồ. Các vị thấy, thi không tốt thì biến thành so đo tính toán, thân tâm không thoải mái. Tôi cũng còn nhớ rất rõ ràng, hồi tôi học ba năm phổ thông cho đến lúc tốt nghiệp, trong quyển sổ lưu niệm tốt nghiệp ba năm học đó, các bạn học còn vẽ một đứa con trai rất là đẹp trai, đang khóc. Một đứa trẻ mà bài thi chỉ thiếu hai điểm mà đã khóc đến như vậy, các vị nghĩ xem, nó sẽ hạnh phúc hay không? Các vị nghĩ, sau này nó có bị chứng trầm cảm hay không? Rất có thể. Vì thế tôi học đại học, thi rất là căng thẳng, suy hơn tính thiệt, uống đến hai viên thuốc an thần mà cũng không ngủ được. Lúc thi môn đầu tiên là ngữ văn, vừa bắt đầu thi thì cảm thấy thuốc an thần quả là rất có hiệu quả, thế là môn ngữ văn của tôi thi không đạt. Con người không bỏ cái bệnh tính toán so đo này, thì cả đời dù có thành công cũng là ở trong sự đau khổ, trong sự phiền não. Vì thế khi bọn trẻ thi không đạt, đó chính là cơ hội tốt nhất để dạy chúng. “Các em, lúc này các em phải hiểu được tại sao các em thi lại không đạt, vấn đề nằm ở đâu?” khiến cho chúng sau này trong cuộc sống, gặp chuyện gì cũng đều phản tỉnh kiểm điểm thì mỗi một sự việc chúng đều sẽ có tiến bộ. Dạy cho chúng cái thái độ này, chứ không phải cứ chấp chặt ở trên điểm số thôi. Các em xem vấn đề của mình ở đâu? Lơ là, cẩu thả, sau này viết cái gì phải cẩn thận, không nên hấp tấp, gặp lại thì các em thấy nước tới chân mới nhảy. Phải giúp bọn trẻ tìm cho ra vấn đề. Tiếp đến là dẫn dắt cho các em, thấy người khác có thành tích tốt hơn mình, thì “thấy người tốt, nên sửa mình”, chứ không thể đố kỵ với người, đem tâm đố kỵ người khác của chúng chuyển thành cái tâm học hỏi người khác, cái tâm thưởng thức người khác. Hỏi chúng là, các em có biết vì sao mà người khác thi lại tốt hay không? Chúng có thể nói rằng, bởi vì bạn học này bình thường rất chăm chỉ, vả lại bạn khác có gì không hiểu bạn ấy đều chủ động nói với họ. Càng đem cho đi, trí tuệ của bản thân càng cao. Càng đi giúp người càng giành được tình hữu nghị. Những điều này đều là cơ hội để giáo dục. Ví dụ như có hai đứa ngồi gần nhau, một đứa thì thi đạt, một đứa thi không đạt, đó cũng là một cơ hội để giáo dục, cày ruộng phước trong tâm. Từ những cơ hội này mà khởi phát thiện tâm của trẻ.
Tôi học “Đệ Tử Quy” quá trễ, cho nên tôi còn nhớ lúc tôi làm bài thi, bạn học thi cao điểm hơn tôi, trong lòng tôi cảm thấy không vui, “có gì hay đâu chứ, chẳng qua là may thôi mà”. Tuy trong lòng nghĩ như vậy, nhưng trên mặt thì vẫn mang vẻ tươi cười nói: “Chúc mừng bạn, bạn làm bài giỏi quá!”. Đó cũng chỉ là lời nói không như việc làm, giả dối. Giả dối sẽ tổn âm đức! Nhìn thấy bạn học mà thi không bằng tôi, tôi rất là thích thú, sau đó còn cầm bài thi đưa qua đưa lại vài lần và nói: “Hôm qua tôi chẳng có ôn gì hết, vô tình mà lại thi còn cao điểm hơn bạn”. Cho nên các bạn thấy, người mà chua ngoa, gian thần thì rồi sẽ như thế nào? Đều thấy gầy còm, có phải không? Bởi vì cái ý niệm không tốt sẽ làm tổn thương họ trước, chưa kịp hại người khác thì đã hại mình rồi. Một ý niệm xấu khởi lên thì 80 ngàn tỉ tế bào bị đầu độc cả. Các bạn hãy xem Tần Cối hoặc là Nghiêm Tung, những người này có dáng người đều là dáng của kẻ gian thần. Các bạn đều chưa thấy qua gian thần à? Các bạn cứ nhìn lên trên này thì sẽ biết, đây là mười mấy năm trước, tâm thái tôi không đúng mà bây giờ thành ra như vầy. Vì vậy các bạn cũng nên tín nhiệm tôi để động viên cho tôi. Mười lăm năm nữa, tôi sẽ nỗ lực cố gắng cho giống với dáng của đức Phật Di Lặc, khỏe mạnh, tâm rộng lớn. Điều này xác thực tâm thái đã quyết định sự thành bại của việc mà chúng ta làm. Tuyệt đối không phải nói, hôm nay tôi nhất định phải lập tức đem toàn bộ “Đệ Tử Quy” mà đọc lại. Ngược lại, không cần nhất định phải áp đặt như thế, chúng ta có phải thật cảm thấy là đức hạnh quan trọng, có phải cảm thấy là đã đến lúc không còn có thể chậm trễ, giống như bác sĩ trị bệnh, giả như bệnh nhân đã nguy kịch thì có dễ trị không? Không dễ trị! Bác sĩ chỉ trị cái bệnh của thân thể. Chúng ta trong ngành giáo dục là trị cái tâm của học trò, trị cái trí huệ của chúng, trị cái tư tưởng sai của người, vì thế mà xã hội đều nói, thầy cô giáo là kỹ sư tâm hồn của nhân loại. Nghề nghiệp này là vô cùng thiêng liêng.
Chúng ta hiện giờ cứ suy nghĩ kỹ lại, xã hội chúng ta hiện nay đã bị bệnh đến mức độ nào rồi, đã đến mức nguy kịch chưa? Sắp sửa rồi. Chúng ta vẫn còn chút thời gian, nếu không trị, sau này đến lúc tiêu tùng rồi, các vị chỉ có thể ngồi bên cạnh mà than vắn thở dài, không làm gì được. Vì vậy chúng ta có sự nhận thức chung này, các bạn cùng nhau gánh vác sứ mệnh dân tộc xã hội thời đại này lên, kế tục tuyệt học của thánh nhân, vì vạn đời khai mở thái bình. Thật sự mà nói, không chỉ khai mở thái bình cho xã hội Đài Loan của chúng ta, hiện nay cả thế giới động loạn là đều xuất phát từ vấn đề tư tưởng, nói cho thấu, con người bây giờ đều tự tư tự lợi nhiều, trọng lợi, khinh nghĩa. Chúng ta bây giờ có thể từ xã hội Đài Loan đem đạo nghĩa phục hưng trở lại, làm Đài Loan trở thành căn cứ để phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa, cả thế giới đều đi đến Đài Loan. Vì vậy phát triển nền kinh tế gì thì sẽ không có tác dụng phụ nhất? Tham quan du lịch văn hóa. Vả lại còn giành được sự tôn trọng của thế giới. Thành phố Đài Nam chúng ta là thủ phủ của Đài Loan, là nơi có văn hóa lâu đời nhất, từ thành phố Đài Nam dẫn đầu mà làm, không thể thoái thác cho ai, không ai ngoài ta, các bạn cũng hãy phối hợp một chút. Thế nhưng trong quá trình làm, quả thực sự tu dưỡng của một người rất quan trọng. Đầu tiên phải đem sự nóng vội điều phục trở lại. Vội thì sẽ hỏng việc, cho nên Khổng Lão Phu Tử nói: “Dục tốc tắc bất đạt”. Vì vậy bây giờ không phải bảo ai đó mau chóng làm, mà phải bắt đầu làm từ chính mình. Không phải bà chủ gia đình sau khi nghe xong, trở về đập bàn một cái và nói: “Tôi nói cho các bạn biết nha, tôi đến hội đồng thành phố nghe giảng tọa về giáo dục ba tiếng đồng hồ, sau này dạy dỗ bọn trẻ thì phải nghe tôi”. Vậy thì hỏng rồi, sau này tôi không dám đến thành phố Đài Nam nữa, bởi vì nếu như tôi đến thì chắc sẽ có một anh cao to nào đó chạy đến hỏi: “Ông có phải là Thái Lễ Húc không?”. Tôi vừa thấy người khôn không chịu thiệt rõ ràng, bởi vì bà nhà anh sau khi mà nghe buổi giảng xong, trở về với thái độ này, khiến anh không thể chịu nỗi. Tôi sẽ nói tôi là em trai của ảnh. “Anh ta chỉ có chị gái chứ đâu có em trai?”. Anh ta đem hộ khẩu của tôi điều tra thật rõ ràng. Tôi nói tôi là em họ anh ấy, vậy sẽ hoàn toàn ngược lại. Tại vì sao thường thường việc tốt đều làm không thành? Nguyên nhân chủ yếu nhất chính là quá vội vàng, không tiến dần từng bước. Không được để nó nước chảy thành sông, ngược lại lòng tốt thành làm hỏng việc, còn dẫn đến bị rất nhiều người oán trách.
Trong “Trung Dung”, Khổng Lão Phu Tử nói với chúng ta: “Chính kỷ nhi bất cầu vu nhân tắc vô oán”, rất nhiều sự oán trách đều là bản thân chúng ta làm không tới mà yêu cầu người khác, cho nên người ta không phục. Bạn là người lãnh đạo của một doanh nghiệp, bạn muốn công nhân có đạo đức, bản thân không làm thì hiệu quả có hạn. Trong một ngôi trường, hiệu trưởng chủ nhiệm không dẫn đầu mà làm, bạn bảo giáo viên làm thì họ cũng không phục. Lớn đến xã hội, nhỏ đến gia đình. Hôm nay các bạn trở về, bảo bọn trẻ làm mà mình lại không làm trước thì hiệu quả vẫn là không đạt, trái lại kết quả là người trong nhà, đồng nghiệp với nhau đều cảm thấy đạo đức “Đệ Tử Quy” vô dụng, vậy thì phiền phức rồi, có thể sẽ đoạn huệ mạng của họ, sẽ đoạn pháp duyên của họ. Vì vậy mà phải “lấy mình hóa người”, mà tiến dần từng bước, thật sự là từ bản thân mình mà làm.
Tại Đông Quản của tỉnh Quảng Đông, có một vị làm chủ nhiệm giáo vụ, ông tham gia khóa trình “Đệ Tử Quy” trong năm ngày, ông nói ông ghi vào sổ tay nhiều hơn việc ghi chép của bốn năm ông học đại học. Quả thực chúng tôi cảm thấy vị chủ nhiệm này làm công tác giáo dục, rất muốn dạy cho bọn trẻ được tốt. Thế nhưng những gì học được, ông không biết nó đúng là có ích cho học trò hay không. Khi ông tiếp xúc được sự giáo dục này của tổ tông, ông cảm thấy cái này rất có thể giải quyết vấn đề. Sau khi ông học xong, việc đầu tiên mà ông làm là cai thuốc lá, không hút thuốc nữa. Sau khi trở về bắt đầu làm từ chính mình. Ông tìm hai, ba người đồng nghiệp tán đồng với mình, tự mình làm trước. Ông không dùng cái vị thế chủ nhiệm giáo vụ của mình trong chốc lát yêu cầu thật nhiều người, không hề. Họ gồm có bốn người, mỗi một tuần đều gặp nhau để cùng học tập. Quả thật chỉ cần các thầy cô giáo trong cùng một khối lớp, các bạn cùng nhau mà dạy học, kinh nghiệm của mười mấy con người, hễ mà hội tụ trở lại thì rất nhiều. Mỗi một ngày lại giao lưu một chút với nhau, khoảng chừng mười đến mười lăm phút, có một số phương pháp dạy học mới hay ví dụ mới thì đem chia sẻ, như vậy thì chúng ta cảm thấy việc dạy học, đằng sau mình có cả một lực lượng to lớn giúp đỡ, chính là tất cả đồng nghiệp, và việc dạy học không bị áp lực quá lớn, thậm chí rất nhiều kinh nghiệm của những người đã từng dạy “Đệ Tử Quy” lúc trước, đều có thể làm thành tài liệu cho mình tham khảo. Họ là bắt đầu từ ba người mà làm, ông cùng với ba người là giáo viên chủ nhiệm, từ ba lớp ấy bắt đầu. Kết quả không bao lâu sau, vài tháng sau đó, học sinh trong ba lớp này ngoan ngoãn vô cùng. Có một điểm là ba người giáo viên này thường thường cho họp phụ huynh, để phụ huynh cũng đến học tập, bởi vì giáo dục là sự hợp lực, nó không phải là nỗ lực của một người, cho nên đạt được hiệu quả thật tốt. Cha mẹ đang ảnh hưởng đến con trẻ, thầy cô cũng đang ảnh hưởng tới chúng, môi trường trong trường học cũng ảnh hưởng tới chúng, nếp sống xã hội cũng đang ảnh hưởng đến trẻ, vì vậy phải cứu thế hệ sau của chúng ta, toàn dân được tổng động viên. Các bạn có thấy là “ôi chao! Không thể nào” hay không? Có thể hay không là từ chính mình mà bắt đầu.
Chúng ta là phải thật tâm thì từ từ sẽ kéo theo nữa. Vả lại, chỉ cần chúng ta làm trước, con cái của chúng ta, học sinh của chúng ta, hễ có sự phát triển tốt, ai mà không mong muốn cho con cái hiểu chuyện, ai mà không muốn bọn trẻ học những đạo đức này thì tôn trọng họ. Cho nên xã hội bây giờ thiếu nhiều nhất là gương tốt. Một khi mà có gương tốt, không có người nào mà không sẵn lòng để cố gắng, có điều bây giờ là khủng hoảng lòng tin, đều cảm thấy không thể nào. Kỳ thực chúng tôi hơn ba năm nay, tại Thang Trì Lô Giang tổ chức khóa trình văn hóa truyền thống, có khoảng hơn 30 nghìn người đã tham gia khóa trình, không có ai phản đối, đều tiếp nhận hết, đều có thể về làm. Chúng tôi có thể cảm nhận được xác thực lời tổ tiên nói, nhân chi sơ quả thực là tánh bổn thiện. Cho nên cũng phải vận động luôn cả phụ huynh đối với việc nhận thức luân lý đạo đức, trên thực tế “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, nhưng phải có ảnh hưởng của phụ huynh. Đầu tiên phải nhờ nhà trường, thầy cô, bởi vì họ có chuyên môn. Tiếp đến là phải nhờ đoàn thể xã hội. Đoàn thể xã hội cũng hoằng dương luân lý đạo đức, họ nói cho phụ huynh nghe, có thể thông qua người thứ ba để cho phụ huynh hiểu được, thầy cô cũng không dễ gì, thầy cô chịu dạy đứa trẻ này, nghĩa là có sự yêu mến nó rất lớn, thông qua người thứ ba để phụ huynh cũng có thể hiểu được sự dụng tâm của thầy cô. Thời đại này phải dùng mọi phương cách để mà làm. Sau khi ba lớp này học xong rồi thì hiệu trưởng của họ biết được, mà khí chất của ba cái lớp học này rất khác nhau, thành tích đều tốt lên, bởi vì chỉ cần tôn trọng thầy cô, hiếu thảo cha mẹ, thành tích sẽ tăng lên với tốc độ rất nhanh. Đây chính là khơi dậy từ cái gốc. Sau khi tìm hiểu thì ra ba cái lớp này chúng đều học “Đệ Tử Quy”, thế là vị hiệu trưởng này liền phổ biến ra toàn trường, tất cả các lớp đều học “Đệ Tử Quy”. Vị chủ nhiệm giáo vụ này, từ việc cá nhân ông ta tìm được phương hướng thì đã đến đích. Thế là vị hiệu trưởng này là một nữ hiệu trưởng, cô vừa triển khai như vậy, chồng của cô ấy liền đọc thấy trên báo nói “Đệ Tử Quy” là hiếu một cách ngu dốt, liền nói cô ấy là phải suy nghĩ kỹ lại việc này, đã có người phê bình rồi. Kỳ thực “Đệ Tử Quy” có hiếu một cách ngu dốt hay không? “Đệ Tử Quy” nói với chúng ta, “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi”, cha mẹ có chỗ nào không đúng thì phải khuyên can, không phải hiếu một cách ngu ngốc. Vì vậy rất nhiều chuyên gia phê bình, có thể kinh sách này họ cũng chưa hề xem qua, như vậy là không được thỏa đáng. Bởi vì người chồng sợ cô ấy làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức hiệu trưởng của cô ấy, thế là cô ấy nói với chồng mình: “Họ thì có cái cách nhìn của họ, em có cái trách nhiệm của em. Em thấy được học sinh của mình, chúng hiện giờ đều đang trưởng thành, mà trường trung học cơ sở bên cạnh chúng ta sau mỗi kỳ nghỉ hè đều có một lượng lớn học sinh đi phá thai. Em không muốn học sinh của em sau này lại đi vào con đường đó”. Thế là sau khi người chồng nghe cô ấy nói xong, bèn rất trang trọng nhìn cô ấy mà nói: “Anh cảm thấy em rất thích hợp để làm người lãnh đạo đất nước. Muốn có trách nhiệm với thế hệ sau, không dạy tốt thế hệ sau thì xã hội đất nước này sẽ không có tương lai”. Kết quả là vị hiệu trưởng này triển khai, hiệu quả toàn trường rất tốt. Đoàn giáo dục Hồng Kông muốn đến tỉnh Quảng Đông để tham quan, tỉnh Quảng Đông liền giới thiệu ngôi trường này. Sau này học sinh của cô ra trường và đi dạy học, đối với bác tài xế cũng rất lễ phép, ở những nơi công cộng đều có thể đi nhặt rác. Một công ty du lịch nọ còn đăng lên báo, từ trước tới giờ chưa thấy qua ngôi trường nào dạy phẩm đức tốt đến vậy, còn giúp ngôi trường của họ làm quảng cáo.
Chúng ta thấy được sự tu thân của một người có thể sinh ra sức mạnh cỡ nào. Tu thân, họ tề gia cái lớp của mình, cả trường mở rộng sức ảnh hưởng sinh ra hiệu ứng trị quốc bình thiên hạ. Chỉ cần có đức thì có thể có được sự hiệu ứng như vậy sinh ra. Đích thực đây không phải là một ví dụ mà thôi, rất nhiều trường học đều đã dần dần triển khai như vậy rồi, cho nên chúng ta có được lòng tin này, từ bản thân chúng ta mà bắt đầu làm.
Tốt rồi, hôm nay xin tạm giao lưu với các bạn đến đây thôi. Xin cảm ơn.
(Hết tập 02)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây