Giới là hợp tình hợp lý

Thứ hai - 31/03/2014 04:02 - Đã xem: 3476

Giới là hợp tình hợp lý

Chư Phật Như Lai vô lượng vô biên, pháp thân Đại sĩ vô lượng vô biên. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm trí tuệ, tâm từ bi của các Ngài chiếu khắp tất cả chúng sanh. Tôi tiếp nhận rồi, cho nên tôi rất an vui. Bạn không muốn tiếp nhận thì đời sống của bạn rất khổ não.
Vì sao bạn không chịu tiếp nhận? Tiếp nhận cũng có sự tiếp nhận nhiều ít khác nhau. Người nghiệp chướng sâu nặng thì tiếp nhận được ít, người nghiệp chướng nhẹ thì tiếp nhận được nhiều, cho nên Bồ Tát có năm mươi mốt giai đoạn.
Tiếp nhận ánh sáng trí tuệ rộng lớn của Như Lai sâu, cạn, rộng, hẹp không giống nhau, chỉ cần bạn có thể tiếp nhận được thì bạn đã ở vị trí Bồ Tát Sơ Tín Viên Giáo. Bạn thật sự muốn tiếp nhận, thật muốn tiếp nhận thì tuy hiện tại bạn đang ở trong lục đạo, nhưng dứt khoát bạn không đọa vào ba đường ác. Ở trong lục đạo mà không rơi vào ba đường ác, vì sao vậy? Bạn đã khai mở trí tuệ rồi. Bạn có thể đoạn tất cả việc ác, tu tất cả việc thiện thì làm sao bạn có thể đọa vào ba đường ác. Nếu như bạn muốn thăng tiến lên thêm thì bạn phải tiếp nhận nhiều hơn. Tiếp nhận được càng nhiều thì sẽ thoát khỏi lục đạo, sẽ đến pháp giới bốn thánh, tâm lượng rộng lớn, có cái tâm nguyện này ta vẫn phải tiếp nhận nhiều hơn một chút, mười pháp giới cũng vượt qua luôn. Cho nên nhất định phải hiểu rõ, Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ đối với tất cả chúng sanh chân thành, từ bi; bao nhiêu sự quan tâm, giúp đỡ rất tỉ mỉ, chu đáo. Then chốt là chúng ta có muốn tiếp nhận hay không.
Tại sao Bồ Tát đặc biệt yêu thích họ, đặc biệt giúp đỡ họ, mà chẳng hề quan tâm đến mình? Không phải như vậy. Tâm Phật Bồ Tát bình đẳng, chỉ vì họ bằng lòng tiếp nhận. Tại vì sao không quan tâm ta? Vì ta không bằng lòng tiếp nhận.
Bằng lòng tiếp nhận hay không bằng lòng tiếp nhận khác nhau ở chỗ nào? Người không muốn tiếp nhận thì cái nào cũng muốn tự mình làm chủ, tự mình gánh vác, tôi không nghe lời ông. Đây là không bằng lòng tiếp nhận. Người bằng lòng tiếp nhận thì họ buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, tuân theo lời chỉ dạy của Phật, đây là bằng lòng tiếp nhận. Phật dạy ta làm thì ta chăm chỉ nỗ lực làm, Phật dạy ta dùng chân tâm đối xử với người thì ta dùng chân tâm đối xử với người, Phật dạy ta dùng tâm thương yêu đối xử với người thì ta dùng tâm thương yêu đối xử với người, đó chính là tiếp nhận. Còn muốn gánh vác phiền não, phân biệt, chấp trước của chính mình đó là bạn hoàn toàn không tiếp nhận. Phật dạy chúng ta dứt tham – sân – si thì chúng ta xa lìa tham – sân – si, đó là chúng ta đã tiếp nhận giới – định – huệ của Phật.
Giới quang trùm khắp pháp giới, định quang trùm khắp pháp giới, tuệ quang trùm khắp pháp giới. Nếu khi bạn không muốn tiếp nhận thì tâm tham của bạn trùm khắp pháp giới, sân hận của bạn trùm khắp pháp giới, sự ngu si của bạn trùm khắp pháp giới, vậy thì còn cách gì nữa chứ?
Chúng ta học Phật, hàng ngày đọc kinh, mỗi ngày ở đây nghiên cứu thảo luận, có bao giờ suy nghĩ vấn đề này thật nghiêm túc chưa? Có bao giờ suy nghĩ nghiêm túc lời giáo huấn trong kinh điển của Phật chưa? Không phải nói chỉ đọc qua là xong, giảng qua là xong rồi, vậy thì không được, không dùng được. Phải tư duy thật nghiêm túc, thật tỉ mỉ mà tham cứu, sau đó có được kết luận và đem kết luận này áp dụng vào trong đời sống.
Phật ở trong kinh luận hết lời khuyên bảo chúng ta cần tu giới – định – tuệ, dứt trừ tham – sân – si. Chúng ta đều biết cả mà như gió thoảng qua tai. Sao gọi là giới – định – tuệ thì không hề biết tường tận, lờ mờ, chung chung. Nói đến Giới thì nghĩ đến ngũ giới, mười giới, tỳ kheo giới, Bồ Tát giới; bạn đều bế tắc, đều đi vào tử lộ.
Vì sao gọi là Giới? Giới là như lý, như pháp. Người thế gian chúng ta nói hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đó gọi là Giới. Những điều bạn làm không hợp tình, không hợp lý, không hợp pháp là bạn phạm giới. Năm giới, mười giới nêu ra ví dụ, không sát sanh đây là như lý như pháp, không trộm cắp là như lý như pháp. Nêu một ví dụ ở đây, bạn dính chặt vào ví dụ này thì bạn khô cứng trong ví dụ đó, bạn làm sao có thể quán thông. Khi nào có thể thông suốt được thì bạn mới có được thọ dụng. Đặt một cái bàn, cái ghế cũng phải hợp lý, hợp pháp, như lý, như pháp để người ta vừa nhìn thấy là sinh tâm hoan hỷ. Bàn ghế xếp đặt lộn xộn, đặt không chỉnh tề, người ta nhìn vào trong lòng liền chán ghét. Một ví dụ đơn giản nhất, xếp đặt chỉnh tề, gọn gàng sạch sẽ, mát mẻ, trong lành, thì người nào mà chẳng thích. Ngày nay người ta gọi là từ trường. Từ trường chính là sắp xếp. Cho nên sắp xếp có thứ tự, sắp xếp thật đẹp thì từ trường này mạnh, vô cùng lộn xộn thì từ trường đó sẽ yếu. Người Trung Quốc chúng ta gọi là cảm giác. Gọn gàng sạch sẽ thì chúng ta có cảm giác rất tốt, vô cùng lộn xộn thì chúng ta có cảm giác thật không thoải mái. Đây là nói giữ giới, giới học, ý nghĩa sâu rộng vô cùng, cũng là khắp hư không pháp giới. Ngay cả ý nghĩa căn bản của chữ này mà chúng ta cũng không hiểu, chúng ta không lý giải được thì làm sao chúng ta có thể làm tốt được, làm sao có thể làm cho tốt?
Cái gì gọi là định học? Định học là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng.  Chúng ta ở trong cảnh thuận thì khởi tham ái, trong cảnh nghịch thì khởi sân hận là không thanh tịnh rồi, tâm thanh tịnh mất hết rồi, tâm địa bị ô nhiễm rồi. Tâm không bình đẳng, tâm cao thấp, tự cho mình đúng, cứ thấy người khác không bằng ta, tâm này của bạn không bình. Trong kinh Phật thường nói, tai nạn của thế gian là do đâu mà ra? Từ tâm người chiêu cảm. Đúng như cái gọi là “tất cả Pháp từ tâm tưởng sinh”.
Tai nạn tự nhiên cũng từ tâm tưởng sinh. Quả đất, các vị đều biết, bề mặt chứa rất nhiều nước. Diện tích của toàn địa cầu, đất liền chiếm bao nhiêu, biển chiếm bao nhiêu? Diện tích đất liền chiếm chưa đến một phần tư địa cầu, biển chiếm đến ba phần tư. Nước có từ đâu? Từ tâm tham biến hiện. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, trung tâm của Địa Cầu, lòng đất là lửa, độ nóng đến bảy – tám ngàn độ. Bảy – tám ngàn độ C trong lòng đất, cho nên thường hay có núi lửa bùng phát. Lửa từ đâu mà có? Từ sân hận. Khí quyển lưu động, phong tai, gió là do ngu si. Môi trường cư ngụ của địa cầu là do cảnh giới tham – sân – si biến hiện ra.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc vì sao đẹp đến như vậy? Đất ở đó là bằng Lưu ly (Lưu ly chính là Ngọc Tỉ Thúy mà chúng ta thường nói, là ngọc màu xanh, trong suốt, mát mẻ), từ bề mặt cho đến trong lòng. Trên thế giới đó không hề có tai nạn. Nguyên nhân do đâu? Do tâm thanh tịnh biến thành.
Như vậy bạn mới hiểu được, thế giới mười phương không giống nhau. Vì sao không giống nhau? Do sự tu dưỡng của chúng sanh cư ngụ trên địa cầu đó khác nhau. Cõi nước của Chư Phật Bồ Tát, Pháp thân Đại sĩ là pháp giới nhất chân. Pháp giới nhất chân là do giới – định – huệ biến hiện ra vậy. Thế giới này của chúng ta là do tham – sân – si biến hiện ra. Nếu như bản thân chúng ta không có tham – sân – si thì ở trên thế giới này có bị tai nạn hay không? Không bị nạn.
Mấy hôm trước, ông chủ Thuế Quan của Đài Loan đến Singapore thăm tôi, kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông nói hai năm trước chỗ của họ có nạn lửa, những căn nhà gần đó đều bị cháy tiêu hết, nhưng kho của họ để kinh sách thì không bị cháy. Vô cùng kỳ lạ, không thể nghĩ bàn! Bốn phía xung quanh đều cháy sạch, chỉ có cái kho này của ông là không cháy. Ở trong kho này là in kinh Phật. Rất nhiều người tu hành cảm ứng không thể nghĩ bàn. Chư Phật Bồ Tát từ bi vô kể, chúng ta có một chút xíu thiện tâm, thực sự có một mảy may ý nghĩ muốn quay đầu thì chư Phật Bồ Tát đều hết lòng hết sức giúp đỡ chúng ta, tiêu trừ tai nạn giúp chúng ta. Đây là sự thật, không hề giả dối.
Người niệm Phật tâm tham dứt rồi thì nước không nhấn chìm, bạn có rơi xuống nước cũng không bị chết đuối. Tâm sân hận của bạn dứt rồi thì tâm từ bi hiện tiền, lửa lớn cũng đốt bạn không nổi. Bạn giác ngộ rồi, không còn ngu si nữa thì gió thổi bạn cũng không bay. Chúng ta ngày nay nếu muốn tránh khỏi ba nạn lớn này của tự nhiên, Phật dạy cho chúng ta phương pháp là dứt tham – sân – si, tu giác – chánh – tịnh. Tai nạn tự nhiên còn có thể tránh thì tai nạn do con người làm khỏi cần nói nữa.
Chúng ta lấy tâm chân thành, thanh tịnh đối xử với người thì người ta cũng sẽ dùng tâm chân thành đáp lại. Nếu chúng ta dùng tâm giả dối, thái độ hoài nghi đối với người, thì người ta đương nhiên sẽ lấy giả dối, hoài nghi đáp lại, đây là lý tất nhiên, cho nên Phật dạy chúng ta phải một mực chân thành.
Chúng ta đem bốn mươi chín năm chỉ dạy của Phật tổng kết thành hai mươi chữ, mọi người rất dễ dàng ghi nhớ. Hai mươi chữ này chính là: “Như Lai quảng đại trí tuệ quang – Phổ chiếu thập phương chư quốc thổ”. Chúng ta phải áp dụng, phải làm thật. Bất kể là đối với ai, chúng ta chỉ một mảng chân thành. Họ hoài nghi với mình cũng được, hiểu lầm cũng được, lạm dụng cũng được, hãm hại cũng được, ta chỉ có một tâm chân thành đối với họ. Ở ngay trong tâm trí của ta nhìn họ, họ là Phật, họ là Bồ Tát. Tại sao họ lại đối xử với ta như vậy? Vì họ nhất thời bị mê hoặc. Hoặc giả là nói, ngay trong đời quá khứ của ta, ta mê hoặc điên đảo đã từng dùng thái độ này đối xử với họ. Nghiệp nhân quả báo chắc chắn như thế. Chúng ta vô cùng hoan hỷ cười xòa là xong, sau đó thì tự nhiên họ cũng sẽ quay đầu, hồi tâm chuyển ý thôi.
Chúng ta muốn giáo hóa chúng sanh, thì phải làm tấm gương tốt cho chúng sanh, phải làm mô phạm cho chúng sanh. Phải thường giữ tâm này, cái tâm này đầy ắp hư không, trùm khắp pháp giới, chúng ta cùng với trí tuệ quang rộng lớn của chư Phật hòa thành một thể rồi. Cũng giống như rất nhiều ánh đèn trong phòng này vậy, cùng chiếu sáng lẫn nhau. Bạn nói thử xem, vậy thì tự tại biết bao, mỹ mãn biết bao. Đây là hạnh phúc đích thực.
Tâm thanh tịnh không mảy may nhiễm trước, thọ dụng tất cả, ở trong thọ dụng dứt khoát không khởi tác dụng phụ. Chúng ta thấy sự thọ dụng trong thế giới Hoa Tạng, sự thọ dụng của thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới này của chúng ta sự giàu sang của nhân gian không thể sánh. Thế gian ngày nay làm gì có nhà giàu sang của người thế gian có thể đem vàng ra lót đường, chưa hề nghe nói. Người giàu sang nào xây dựng nhà bằng bảy báu? Không thể sánh với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên Chư Phật Như Lai, Pháp thân Đại sĩ, ngày nay chúng ta thấy, hưởng vinh hoa phú quý tuyệt đỉnh. Vinh hoa phú quý đó của các Ngài không phải do kinh doanh mà có, mà vốn có đầy đủ trong tự tánh, cho nên các Ngài không có tâm tham.
Phật Bồ Tát từ bi cũng có thể buông xả sự hưởng thụ của các Ngài để vào trong lục đạo độ chúng sanh, thị hiện các dạng khổ hạnh là vì độ chúng sanh. Thị hiện các sự khổ hạnh nhưng các Ngài có bị khổ không? Không hề có. Tâm địa các Ngài mãi mãi mát mẻ tự tại. Tất cả việc làm của Phật Bồ Tát đều là giúp cho chúng sanh giác ngộ, đều là giúp cho chúng sanh quay đầu. Thiện hạnh, ác hạnh, không cái nào là không giáo hóa chúng sanh, chẳng cái nào mà không viên mãn công đức. Điều này ở trong Pháp Đại thừa là mật nghĩa của Như Lai. Mật ở đây không phải bí mật, mà là thâm mật, người thông thường chúng ta quá nông cạn, không nhìn thấy. Chẳng cái nào mà không sáng tỏ chiếu khắp.
Lúc nào thì chúng ta mới có thể thể hội được, mới có thể giác ngộ được, mới có thể thật sự quay đầu?
Nhìn thấu. Sao gọi là nhìn thấu? Nhìn thấu là ý nghĩa của sự thông suốt. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian hiểu rõ đạo lý rồi, hiểu rõ sự thật hiện tượng rồi, hiểu rõ nhân quả rồi, đây gọi là nhìn thấu.
Buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, buông bỏ kiến tư phiền não, buông bỏ trần xa phiền não, buông bỏ vô minh phiền não, không phải bảo bạn buông bỏ tất cả mọi việc, không được hiểu sai. Nếu như sự cũng buông bỏ, được thôi, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không giảng kinh, không nói pháp, vì sao vậy? Ngài buông bỏ rồi. Sự thì vô cùng tích cực, vô cùng nghiêm túc, không hề nghỉ ngơi.
Ngày nay người thế gian, những quốc gia phát triển, bây giờ mỗi tuần lễ nghỉ hai ngày, còn Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh không hề nghỉ ngơi. Buông bỏ không phải buông bỏ sự nghiệp (Sự nghiệp của Phật Bồ Tát là giáo hóa chúng sanh), mà là bảo chúng ta buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, buông bỏ nhân ngã thị phi, buông bỏ tham, sân, si, mạn, niệm niệm vì tất cả chúng sanh, niệm niệm vì hư không pháp giới không mệt, không chán. Phổ Hiền Bồ Tát mười đại nguyện vương, câu sau cùng của mỗi nguyện là “không hề mệt chán”, chưa hề nghỉ ngơi bao giờ. Đây là Phật, đây là Bồ Tát. Nếu chúng ta muốn làm Phật, muốn làm Bồ Tát, nếu như một tuần lễ còn muốn nghỉ hai ngày thì bạn không thể làm Phật Bồ Tát được, vì sao vậy? Các Ngài không nghỉ ngơi. Cho nên phải hiểu được ý nghĩa đích thực.
Hai câu sau cùng:
Nhất thiết chúng sanh, hàm kiến phật.
Chủng chủng điều phục đa phương tiện.
Chú giải của Đại Sư Thanh Lương nửa phần sau thường vì lợi ích. Thường chính là không nghỉ ngơi. Lợi ích gì vậy? Diệt ác sanh thiện, phá ngu thành trí. Hai câu này cũng chính là Phật giáo hóa chúng sanh, hiệu quả thực tế cũng hoàn toàn bao quát trong đó, giúp chúng sanh diệt ác.
Cái gì là ác? Phàm điều gì chỉ lợi ích cho mình đó là ác. Phàm những gì lợi ích cho chúng sanh đó là thiện. Làm việc tốt chỉ vì tự lợi là ác.
Trung Quốc chúng ta, người xưa trong Đạo giáo cũng nói như vậy:
Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng.
Vô tâm tạo ác, tuy ác bất phạt.
Đạo Gia nói “có tâm làm thiện”, ở thời đại ngày nay vẫn phải khen thưởng họ. Không thưởng thì sao? Không thưởng thì họ sẽ không làm thiện nữa. Cho nên khuyến thiện vẫn cần phải khen thưởng. Nhưng họ hữu tâm, có tâm làm thiện, chúng ta biết họ không thoát khỏi lục đạo. Họ được quả báo gì vậy? Là phước báu trong lục đạo, phước báu trời người. Như vậy cũng khá rồi. Họ không thể thành Phật, thành Bồ Tát, họ hưởng phước báu trời người.
Nhưng “vô tâm làm ác”, xem cái ác đó của họ lớn hay nhỏ. Tuy là vô tâm làm nhưng không phải không có tội, mà tội của họ nhẹ. Có tâm tạo ác thì tội nặng. Bạn thấy súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều có quả báo nặng nhẹ khác biệt, đều phải chịu quả báo, vì sao vậy? Họ chưa đích thực đến được hữu tâm, vô tâm, chưa đích thực đến cảnh giới này.
Phàm hễ có niệm là hữu tâm. Vô niệm chính là tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không còn. Đến lúc đó, làm ác, làm thiện đều không có quả báo. Đây là cảnh giới của Pháp thân Đại sĩ rồi. Tuy không có quả báo nữa, các Ngài rất từ bi, các Ngài vẫn thị hiện quả báo, đều là vì giáo hóa chúng sanh. Thị hiện làm ác chịu ác báo, giống như Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta ba tháng chịu quả báo mã mạch. Phật của chúng ta, Phật là phước huệ nhị túc tôn, trí tuệ phước đức đều viên mãn thì đâu có chuyện mang bát đi mà không có gì để ăn, vậy thì Phật chẳng phải không có phước báu đó sao? Cho nên, Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn có ba tháng khất thực mà không có gì để ăn. Đó là năm mất mùa. Ăn cái gì? Ăn lúa mạch của ngựa, vẫn phải ăn thức ăn thô nhất, tệ nhất của ngựa, Phật ăn những thức ăn này. Khổng Lão Phu Tử là đại thánh nhân, là Phật Bồ Tát tái sanh, thiếu lương thực suốt ba tháng cũng là phải chịu đói. Chúng ta hiểu rõ rồi, đây là gì vậy? Đây là thị hiện. Thị hiện nghiệp nhân quả báo cho chúng ta thấy, Chư Phật Bồ Tát còn không tránh khỏi thì tâm chúng ta liền an, chúng ta chịu khổ chút thì có đáng gì. Cho nên, từ những chỗ này chúng ta phải thể hội cho thật kỹ.
Làm thiện mà hữu tâm thì phước báu này rất nhỏ, hữu tâm tạo ác thì ác báo đó rất nặng. Đây là chân lý. Hiểu rõ đạo lý này rồi, tổ sư đại đức trong tông môn giáo hạ dạy bảo chúng ta tu từ căn bản. Căn bản là gì vậy? Căn bản là tâm. Hữu tâm - vô tâm, tâm đó là tâm gì vậy? Là tâm tự tư tự lợi sẽ cảm quả báo như vậy. Nếu như một người hoàn toàn không có tâm tự tư tự lợi nữa thì bạn tạo thiện, tạo ác đều là lợi ích chúng sanh. Thiện - ác đó là gì? Là phương tiện. Đó chính là tâm Bồ Tát, đó chính là đạo của Như Lai, không phải vì mình.
Cha mẹ dạy con cái, có khi dùng pháp thiện, cũng có khi dùng pháp ác. Khen thưởng chúng, yêu thương chúng là pháp thiện; có lúc mắng chúng, đánh đập chúng là pháp ác. Bất kể dùng pháp gì cũng là để thành tựu chúng, giúp đỡ chúng, không hề có mảy may ác ý. Tâm của Phật Bồ Tát còn thuần khiết hơn, một chút vì bản thân cũng không có, hoàn toàn là giúp đỡ chúng sanh, đây mới là tự tại đích thực, mới là tùy duyên thực sự.
Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức là phải có trí tuệ cứu cánh viên mãn, cần phương tiện khéo léo cao độ. Pháp môn phương tiện dù nhiều, gốc của nó chính là chân thành, từ bi. Nhà Phật nói, tám mươi bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, gốc chính là chân thành, từ bi. Cho nên nhà Phật nói từ bi là gốc, phương tiện là cửa. Phương tiện là vô lượng vô biên, gốc chỉ có một. Tâm từ bi chân thành, dứt khoát không có mảy may vì bản thân. Còn có một tâm niệm vì bản thân, tâm đó là tâm luân hồi, đó là tâm phàm phu. Tu từ căn bản chính là phải bắt đầu ngay từ chỗ này, phải nhổ trừ sạch sẽ tự tư tự lợi.
Pháp tu thế nào? Pháp Đại thừa Phật đã dạy cho chúng ta niệm niệm vì chúng sanh, không nên nghĩ đến mình. Thời gian như vậy lâu rồi thì sẽ dần dần tự nhiên thành công thôi. Phương pháp này rất hay. Có huân tu trong khoảng thời gian dài thì càng không nghĩ đến mình nữa, khởi tâm động niệm là chúng sanh, khởi tâm động niệm là pháp giới, thật sự đã chuyển được rồi. Đây là công phu thật, thọ dụng thật, trong kinh giáo gọi là thật học Phật, thật là đệ tử Phật. Ở trong tịnh ngữ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư dạy chúng ta làm thật, tất cả đều phải làm thật, không được giả. Vì tất cả chúng sanh chính là thật, vì bản thân là giả. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Khởi tâm động niệm, nói năng tạo tác phải thật, tất cả phải chân thật. Sự chân thật này trùm hư không pháp giới, khắp tất cả chúng sanh.
Nhất thiết chúng sanh hàm kiến Phật. Có thể thấy Phật pháp là bình đẳng, thế nhưng hiện tại tất cả chúng sanh có thấy Phật không? Không thấy Phật, chính là vừa rồi tôi đã nói, do chính mình làm chướng ngại. Chỉ cần tùy thuận theo ý của mình, tùy thuận theo tập khí phiền não, vọng tưởng của mình thì bạn không thấy Phật. Tuân theo lời dạy bảo của Phật thì bạn sẽ thấy Phật khắp mọi nơi, thấy Phật mọi lúc, chưa bao giờ rời khỏi Phật.
“Chủng chủng điều phục”, “chủng chủng” này chính là vô lượng pháp môn. Nhà Phật nói tám mươi bốn ngàn pháp môn là đơn cử. Tám mươi bốn ngàn pháp môn, con số này hoàn toàn không nhiều, là đơn cử, là quy nạp, triển khai thì vô lượng vô biên. Không có một pháp nào mà không giác ngộ chúng sanh, không có một pháp nào mà không giúp chúng sanh diệt ác sanh thiện, cho nên bạn phải nắm giữ được nguyên tắc như trong Hoa Nghiêm nói: “Một là tất cả, tất cả là một”. Đây là khéo học biết tu, nắm vững được nguyên tắc. Nguyên tắc này chính là vô ngã. Trong kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Phật đã nói rất nhiều lần, ngã tướng chính là chấp trước; nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng là phân biệt. Xa lìa tất cả chấp trước thì vô ngã rồi, không chấp trước gì cả, tất cả tùy thuận chúng sanh. Chúng ta bắt đầu từ chỗ này, bắt đầu học từ đây. Ta muốn như thế nào đó thì là hỏng rồi, đó là quyết định đi vào trong ba cõi sáu đường. Phải chuyển, phải học chư Phật Bồ Tát không có ta. Cái gì là ta? Tận hư không khắp pháp giới là ta.
Cho nên tôi lần này về thăm Bắc Kinh, nhìn thấy những tượng Phật ở chùa Long Hưng, Thanh Châu. Tôi thấy Phật Tỳ Nô Giá Na ở đó mặc cà sa, những hình vẽ màu trên áo cà sa, tôi vừa thấy liền giác ngộ ngay. Các bạn không giác ngộ, các bạn cùng xem với tôi nhưng các bạn không giác ngộ. Tôi thấy áo cà sa đó là gì, tôi mới bừng tỉnh ra. Tôi xuất gia mấy mươi năm, mỗi ngày mặc áo cà sa mà chẳng biết áo cà sa có ý nghĩa gì, tôi xem màu vẽ đó tôi mới hiểu. Từng ô từng ô trên áo cà sa này đại biểu điều gì? Đại biểu hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Mỗi ô biểu thị cho một dân tộc khác nhau, chủng tộc khác nhau. Một ô này là pháp giới Phật, pháp giới Bồ Tát, Pháp giới Thanh Văn, pháp giới Duyên Giác,… đến dưới cùng là pháp giới địa ngục. Đại biểu điều này. Mười pháp giới mặc trên mình, mười pháp giới là một thân. Tôi mới bừng tỉnh ra: “Ồ! Đây là Pháp thân thanh tịnh”. Cái gì là ta? Toàn thể pháp giới là ta. Hôm đó giám viện của họ giảng giải cho tôi, sau khi tôi xem xong tôi cũng giảng cho họ nghe, họ rất kinh ngạc, hóa ra Phật pháp ở trong đó có ý nghĩa sâu như vậy. Tận hư không khắp pháp giới là ta.
Trong Phật pháp có ngã, “như thị ngã văn”, có ngã, không phải không có ngã, nhưng cái thân này không phải là ta, vọng tưởng không phải ta, mà hư không pháp giới tất cả chúng sanh mới là ta. Cho nên chúng ta phải thực sự buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì mới tìm lại được cái ta đích thực. Tâm yêu thương chân thành trùm khắp nơi ta, trùm khắp hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Khi chúng ta nhìn được cái tướng này là giác ngộ rồi.
Cho nên Phật pháp tạo một cái tượng là để dạy học, đều vì lợi ích chúng sanh. Sau khi bạn xem xong đều có thể lãnh hội được, đều là giúp chúng ta diệt ác sinh thiện, chính là diệt tự tư tự lợi, diệt sạch ý nghĩa này.
Sinh Thiện chính là lợi ích tất cả chúng sanh. Lợi ích tất cả chúng sanh, lợi ích lớn nhất, lợi ích thù thắng nhất, lợi ích viên mãn nhất là gì vậy? Giúp chúng sanh giác ngộ. Sau đó chúng ta sẽ hiểu được, nguồn gốc của ác là mê, gốc của thiện là ngộ. Cho nên Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian để làm gì? Dạy học. Dạy học là diệt ác tận gốc, sinh thiện là sinh đến gốc. Không làm thiện nhỏ, ác nhỏ. Thiện nhỏ ác nhỏ là ngọn, cái đó quá phiền phức, làm không rõ ràng. Phải làm gốc. Một niệm ngộ là đại thiện, thiện cứu cánh viên mãn; một niệm mê là đại ác.
Cho nên hôm qua tôi xuống máy bay, vào khu thành phố, nghe nói Hồng Kong cũng muốn hướng đến Công – Thương Nghiệp, khoa học kỹ thuật cao. Nước Mỹ muốn xây dựng khu vui chơi Disney ở đây. Tôi ở Singapore cũng nghe nói Thành Tống muốn hồi phục, đại khái xây lân cận khu vui chơi Disney nhằm thuận tiện thăm quan du lịch. Sức người, sức của ở đây vô cùng hùng hậu, phú ông vạn ức, mà phước báu rất nhỏ. Những gì đã làm là thiện nhỏ, là cái thiện ở cành lá, không phải cái thiện ở gốc. Họ không có phước báu. Trên thực tế họ phải hiểu được đây chính là họ mê, họ không ngộ. Họ phải ngộ là thiện gốc. Gốc là gì? Xây một giảng đường, mời pháp sư đại đức về đây giảng kinh thuyết pháp. Đây là đại thiện. Tiền của vạn ức đó bạn đem cứu giúp nhân dân khổ nạn trên thế gian này thì phước báu bạn có được hoàn toàn không bằng mời vị pháp sư giảng kinh một ngày.
Lời này không phải tôi nói, là Phật nói trong kinh: “Bố thí bảy báu bằng đại thiên thế giới, không bằng nói bốn câu kệ cho người nghe”. Kinh văn này các bạn đã đọc rất nhiều rồi. Vì tất cả chúng sanh giảng kinh nói pháp thời gian nhiều ít, mấy phút giảng một câu kệ, công đức đó hơn hẳn bố thí bảy báu khắp đại thiên thế giới. Huống chi hiện nay, những người giàu có này kém xa việc bố thí bảy báu khắp đại thiên thế giới, càng thấy rõ sự thua kém của họ. Của cải của họ so với người ta chỉ như một sợi lông nhỏ trong bầy trâu thôi, chính là không biết cách tu. Các vị, những đồng tu ở đây, thuê một giảng đường ở Hồng Kong, tốn một chút tiền mời tôi đến đây giảng kinh ba ngày cho các vị, các vị phải hiểu rằng phước báu các vị có được, của cải của cả Hồng Kong này cũng không bằng các vị. Phước báu này các bạn có nhận được không? Đời sau, đời sau nữa bạn chắc chắn nhận được.
Sau đó chúng ta nghĩ đến những người có của cải này trên thế gian, chẳng phải là ở đời quá khứ họ mời pháp sư giảng mấy câu kinh, giảng một giờ, giảng nửa giờ mà được của cải hôm nay đó sao? Nếu họ làm mỗi ngày thì không thể tưởng tượng, thật không thể tưởng tượng được. Nhưng những lời này họ nghe không lọt lỗ tai, mấy ông làm hòa thượng lừa người ta, mấy ông muốn lừa tiền của tôi. Đó là gì vậy? Đó chính là ngu si. Họ hoàn toàn không tin, nghe không vào được. Do đó ông trời rất công bằng, do nước thay phiên chuyển, người bần cùng đời sau phát tài, người giàu sang đời sau nghèo cùng. Người giàu sang hưởng phước không tu phước thì đời sau sẽ nghèo, thành bần cùng thôi. Người bần cùng muốn nghe kinh, muốn mời pháp sư, vất vả, khó nhọc thuê giảng đường, đời sau họ có phước. Do nước thay phiên chuyển, là chuyển như vậy đó. Chúng ta phải hiểu rõ những đạo lý này, phải quý tiếc cơ duyên, phải hiểu được đạo lý này.
Cho nên, chỉ có trí tuệ mới có thể nắm bắt cơ hội, chỉ có trí tuệ đem tiền của bố thí mới biết dùng tiền vào chỗ thích hợp. Thực tình chúng ta không biết làm, Ấn Quang Đại Sư làm một tấm gương cho chúng ta thấy. Tôi thực sự đã nhìn ra rồi, cả đời học theo Lão Hòa Thượng. Tất cả của cải cúng dường cả đời Lão Hòa Thượng đều dùng vào việc bố thí pháp. Lão Hòa Thượng không hề cất chùa, cũng không hề độ chúng xuất gia. Sự cúng dường của thập phương cúng đến ngài, Ngài đem toàn bộ đi in kinh, bố thí. Chúng ta hiểu rằng đây là công đức chân thật. Vì sao vậy? Kinh sách giúp người ta phá mê, khai ngộ. Đây là việc làm diệt ác, sinh thiện từ gốc, làm từ gốc.
Lần này có rất nhiều bạn đồng tu hỏi tôi, ở Long Hưng Thanh Châu có pho tượng Phật bị chôn vùi dưới đất 1.700 năm, tại sao bị hư hoại nhiều như vậy? Thời đại đó là thời đại Bắc Ngụy. Ngụy Vũ diệt pháp. Phật giáo Trung Quốc chúng ta bị ba lần pháp nạn, Ngụy Vũ diệt pháp là lần đầu tiên. Cho nên những người xuất gia và cư sĩ có thiện tâm này đem tượng Phật chôn xuống đất, sợ bị phá hoại, sợ kinh sách bị đốt hết cho nên khắc vào trong đá. Thạch kinh ở Phong Sơn là bắt đầu từ khi đó, thời Bắc Ngụy, cất vào động núi sợ kinh sách bị phá hủy hết. Dụng tâm các Ngài rất khổ. Vào thời đó chỉ có phương pháp này, ngoài phương pháp này ra chẳng còn cách nào khác.
Ngày nay chúng ta kế thừa lòng từ bi thương yêu của tổ sư đại đức, chúng ta in nó ra, sau khi in ra đem lưu thông trên toàn thế giới, bảo tồn trong các thư viện quốc gia và thư viện đại học trên toàn thế giới để mãi mãi không bị mất, vĩnh viễn không bị gặp nạn. Ở chỗ này bị nạn, còn chỗ kia không bị. Đây là gốc diệt ác sinh thiện, làm công đức này là lợi ích khắp hư không pháp giới, Chư Phật mười phương đều không ngớt lời tán thán. Chúng ta có nhận thức này mới làm được, người không có nhận thức này họ sẽ không làm.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Giảng tại Hồng Kong
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Minh

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây