1. Dây rốn - Dây rốn nằm cạnh thai nhi, quấn quanh vai, tựa trên đùi hoặc bị bàn tay nhỏ nhắn của thai nhi nắm lấy. Dây rốn nối bánh nhau với thai nhi, có nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng và ôxy từ cơ thể mẹ cho thai nhi, đây là một
hệ thống mạch máu hai chiều: từ mẹ sang con và ngược lại.
- Dây rốn chứa hai động mạch rốn và mạch nối cùng một tĩnh mạch rốn. Hai động mạch rốn đi song song, đem máu chứa khí cacbonic và các chất thải khác của thai nhi về nhau theo mỗi nhịp đập của tim thai. Khi máy, thai nhi chuyển đến bánh nhau sẽ giải phóng các chất thải này để được cơ thể mẹ loại bỏ ra ngoài, đồng thời nhận lấy chất dinh dưỡng và ôxy từ máu mẹ, sau đó theo tĩnh mạch rốn trở về thai nhi. Như vậy, thời kì ở trong bụng mẹ, thai nhi được cơ thể mẹ bảo vệ và nuôi dưỡng thông qua bánh nhau, dây rốn.
- Dây rốn của thai nhi đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kì, là “con đường liên lạc sự sống” của thai nhi với người mẹ, nhưng sau khi sinh ra nó chỉ là một núm nhỏ trước bụng. Dây rốn bao gồm lớp màng dai, lớp thạch dày, cũng như cấu trúc dẻo và xoắn của mạch máu bảo vệ chúng khỏi bất cứ sự dứt hoặc xoắn nào có thể cản trở dòng máu. Đây là cơ chế bảo vệ tuyệt vời của dây rốn, điều này cho phép dây rốn có thể uốn, quấn, thậm chí bóp bởi thành tử cung mà không ảnh hưởng nào đến sự thông xuất của dòng máu bên trong.
2. Nhau thai
- Nhau thai bao gồm mô của mẹ và thai nhi: Màng rụng của mẹ và màng đệm của thai nhi. Giai đoạn sớm của thai kì, hai lớp màng này tạo thành một dải đồng nhất bao quanh túi thai. Vào khoảng từ tuần thứ 7 của thai kì, một phần dải này trở nên dày và dai, phần còn lại mỏng đi. Vào đầu ba tháng giữa của thai kì, những vùng dày và mỏng này được phân biệt rõ ràng: vùng dày, chứa tế bào của cả mẹ và con được gọi là bánh nhau.
- Bánh nhau có thể nằm ở bất kì vị trí nào trong buồng tử cung: trên, dưới, trước, sau, bên trái, bên phải. Trong mỗi thai kì thì bánh này lại ở một vị trí khác nhau, thậm chí cùng một thai kì nó cũng di động khi tử cung phát triển. Tuy nhiên, vị trí của bánh nhau không ảnh hưởng đến vai trò của bánh nhau. Do đó, trong hầu hết trường hợp, vị trí của bánh nhau là không quan trọng, ngoại trừ trường hợp bánh nhau đóng thấp trong tử cung, che lấp một phần hay toàn bộ lỗ tử cung, nó sẽ cản trở đường ra của thai nhi. Trường hợp này gọi là nhau tiền đạo.
3. Nước ối
Nước ối là gì? Nước ối (dịch ối) là một chất lỏng không màu, bao quanh thai nhi trong tử cung. Nó bảo vệ và giống như một cái đệm dành cho thai nhi chống lại việc nhiễm khuẩn của cả thai nhi và tử cung. Nước ối cần thiết cho sự sống và sự phát triển của thai nhi ,đặc biệt là các bộ phận chức năng như phổi và thận.
Nước ối có từ đâu? Trong 3 tháng đầu của thai kì, màng ối và sự tuần hoàn của cơ thể bạn sản xuất ra nước ối theo sự phát triển của bào thai. Từng bước, thai nhi nuốt dịch ối, lọc nó qua thận của bé và thải ra như nước tiểu. Thai nhi cũng bài tiết dịch ối từ phổi. Bất cứ sự hấp thu nào cũng được thực hiện thông qua màng ối và dây rốn để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Bạn có bao nhiêu dịch ối thì đủ? Vào tuần thứ 10 của thai kì, túi thai chứa khoảng 30ml dịch ối, đến tuần thứ 20 của thai kì tăng lên 500ml và thể tích dịch ối đạt cao nhất vào khoảng tuần 37 thai kì, vào khoảng 750 – 1000ml dịch ối. Sau thời điểm này, dịch ối giảm nhẹ và còn khoảng 800ml ở tuần thứ 40 thai kì. Trường hợp quá nhiều nước ối, hay ít nước ối có thể do thai phụ hoặc thai nhi mắc các bệnh tiểu đường, sinh đôi, sinh ba, thai nhi dị thường, thủng màng ối… Vì vậy, trong thai kì thai phụ cần thường xuyên kiểm tra dịch ối và xin lời khuyên của bác sĩ với những trường hợp bất thường dịch ối.