ĐỌC SÁCH HIỂN BÀY TỰ TÁNH
Giáo viên: Kính chào Thầy! Chào mọi người!
Trong ba tập trước chúng con đã báo cáo tường tận cho các vị phụ huynh và các thầy cô về phương pháp, yêu cầu và cách lựa chọn Kinh Điển cho tiết mục đọc sách ngàn lần, mỗi ngày đọc sách 8 giờ đồng hồ.
Nói cách khác, các thầy cô và phụ huynh có thể làm theo cách này, họ đều đã hiểu rõ rồi.
Các tập tiếp theo, sẽ có rất nhiều bạn học chia sẻ với mọi người về sự thể hội từ việc đọc sách của chính mình, chính là những cảm ngộ của các bạn sau 8 giờ đọc sách mỗi ngày.
Học sinh: Con xin báo cáo với thầy, trải qua mấy ngày nay con đọc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, con có vài cảm nhận. Thứ nhất là con phát hiện thấy nội tâm của chính mình đã an định rất nhiều so với trước đây, không còn bộp chộp nữa. Con trước đây khi làm việc và nói chuyện với người khác thường thiếu suy nghĩ, có khi nói xong rồi thì chính mình đã làm tổn thương người khác, hoặc là nói những lời không nên nói trong tình huống đó.
Thầy Trần: Thường xuyên nói sai, thường tổn thương người.
Học sinh: Dạ phải. Có khi con lại phán đoán sự việc sai lầm. Đó là khi các em nhỏ tuổi muốn báo cáo với các anh chị lớn một số việc nên phải nên làm như thế nào, thì con lại phán đoán sự việc đó một cách sai lầm.
Thầy Trần: Là con phân biệt không rõ ràng, rất hồ đồ có phải không?
Học sinh: Dạ phải. Con rất là hấp tấp, căn bản là con không dụng tâm suy nghĩ. Thông qua lần đọc sách này con đã cảm nhận rõ ràng là lúc con nói chuyện và làm việc con phát hiện thấy mình đã bắt đầu có sự suy nghĩ rồi. Trước khi nói chuyện con đã biết suy nghĩ là sự việc này, câu nói này có thích hợp nói ra hay không, thân phận của con có thích hợp nói hay không? Đồng thời người khác có thể tiếp nhận câu nói này hay không? Có làm tổn thương đến họ hay không?
Thầy Trần: Trước đây con không có những điều này à?
Học sinh: Trước đây con không hề nghĩ qua những điều này.
Thầy Trần: Con đọc sách đến ngày thứ mấy thì có được cảm nhận này?
Học sinh: Dạ đọc đến ngày thứ 4, thứ 5 thì con có cảm nhận này.
Thầy Trần: Các cô chú ý, đọc sách đến ngày thứ tư thì em ấy đã có được cảm nhận này. Có phải các cô yêu cầu mỗi ngày các em đều phải viết cảm nhận ra hay không?
Giáo viên: Dạ phải thưa thầy. Mỗi buổi tối, sau khi các em đọc kinh tám giờ đồng hồ, tất cả các em học sinh không được rời khỏi lớp, mà phải an tĩnh viết ra những thể hội từ việc đọc sách của ngày hôm đó, thể hội một điều thì viết một điều, hai điều thì viết hai điều.
Thầy Trần: Mỗi ngày đều viết sao?
Giáo viên: Mỗi ngày đều phải viết.
Thầy Trần: Vậy các em đọc sách 20 ngày tức là đã viết 20 lần à?
Giáo viên: Đúng vậy ạ.
Thầy Trần: Có phải là cảm nhận của mỗi ngày đều không như nhau không?
Giáo viên: Dạ phải. Đồng thời chúng con đều nhìn thấy được những thay đổi mỗi ngày của các em.
Thầy Trần: Vậy thì phụ huynh và thầy cô sẽ hỏi rằng viết cái này có ích gì? Có ích. Để các em chính mình nhìn thấy được các em đã thay đổi thế nào. Sư phụ ngài thường giảng rằng sâu róm biến thành bươm bướm, nó không còn là sâu róm nữa mà sau cùng hóa thành bươm bướm bay đi. Nó đã biến hóa như thế nào vậy? Quá trình này phải để cho các học sinh tự mình viết ra. Lợi ích ở chỗ nào vậy? Tự mình dạy dỗ chính mình. Rốt cuộc chúng đã làm cách nào, thay đổi như thế nào từ một đứa trẻ trâu, xốc nổi bộp chộp, không biết sử dụng đầu óc? Mỗi ngày chúng phải ghi chú lại để dạy dỗ chính mình, để người khác xem, để họ sanh tín tâm.
Giáo viên: Đồng thời đây cũng là một sự kiểm tra. Có em học sinh trong một ngày không chăm chỉ đọc sách nên khi đến tối em ấy viết không được điều gì cả. Em ngồi đó rất lo lắng.
Thầy Trần: Chỉ hồ đồ cho qua ngày thôi.
Giáo viên: Nếu như em đó viết đại vài câu gì đó thì con nhìn cũng biết em ấy đã viết bừa. Còn em học sinh cả ngày dụng công đọc sách thì khi em ấy ngồi viết sẽ rất là nhẹ nhàng, có thể an tĩnh viết ra từng điều một về cảm nhận của mình.
Thầy Trần: Tôi tin rằng những câu cảm nhận này, một câu cũng được, hai câu cũng được, đều phải viết ra. Có ý thì viết dài, không có thì viết ngắn, không thể không viết. Nếu không viết thì 8 giờ đồng hồ đó bạn đã làm gì? Tôi tin rằng khi các em học sinh viết ra những lời này, các cô nhất định có thể nhìn thấy được em nào chỉ hồ đồ cho qua ngày, em nào chỉ đọc hùa theo, em nào thật sự cảm nhận. Đúng không?
Giáo viên: Dạ đúng. Bởi vì chúng con có đối chiếu nội dung các em viết với tình trạng của các em. Thầy cô rất hiểu tình trạng của các học sinh, bình thường các em có những cách suy nghĩ này hay không, các em có những cảm nhận này hay không chúng con đều biết rất rõ, nên khi nhìn những nội dung này là chúng con biết được các em có nghiêm túc đọc sách hay không.
Thầy Trần: Việc chúng copy sao chép các cô cũng có thể nhìn ra chứ. Bạn sao chép không sao cả, sau cùng sẽ có kết quả gì? Không những không có cảm nhận, mà còn thế nào? “Nếu che dấu, lỗi chồng thêm”, bạn còn đi copy người khác, tội chồng thêm tội. Nói thật ra là một giáo viên chủ nhiệm tốt thật sự phải định tâm lại, nhất tâm trong việc dạy học. Tình trạng của các em học sinh các cô dù có nhắm mắt cũng phải biết được, chỉ một việc nhỏ thôi nhưng biết được đức hạnh, học vấn, nhân phẩm và năng lực của đứa học trò này như thế nào.
Giáo viên: Trong quá trình này thầy cô hoặc là phụ huynh nhất định phải chú ý đến một điều, đó là nhất định phải để các em thật sự viết ra suy nghĩ của mình. Có một số em không đọc sách nghiêm túc, lúc em viết cảm nhận thì đã đi tìm các câu nói, danh ngôn, cách ngôn hoặc là khẩu hiệu trong sách và kinh điển. Nếu như vậy thì phải chỉ ra cho các em thấy, nhất định phải dạy dỗ chúng.
Thầy Trần: Phải trừng phạt chúng, vì sao vậy? Không để học trò từ bé đã hình thành thói quen xấu. Kêu chúng viết cảm nhận là phải viết cái của chính mình, sao có thể sao chép trong sách được chứ? Đây gọi là gì? Gọi là không chân thành, không thành thật. “Thành” tức là không tự lừa dối mình, không lừa dối người khác, không lừa dối lương tâm của chính mình, từ nhỏ phải dạy cho chúng điều này. Chúng đã uổng phí hết 8 giờ đồng hồ, chúng đã có lỗi đối với rất nhiều thầy cô, bạn học và những người có ảnh hưởng đến chúng. Phải nói cho chúng biết điều này, dạy cho chúng biết hổ thẹn.
Ngoài ra, việc viết cảm nhận này vô cùng quan trọng. Trong lúc các em học sinh viết cảm nhận thì các em cũng tỉ mỉ thể ngộ được rằng trong một ngày đọc sách thế này em đã có được những tâm đắc gì, lợi ích của việc làm này là gì? Đây là để nâng cao tín tâm của các em. Nếu không có tín tâm thì các em không thể đọc sách nổi, các em sẽ buồn ngủ, sẽ trốn khỏi lớp, sẽ cảm thấy khô khan buồn tẻ.
Phải làm sao thì mới làm được? Phải thâu nhiếp cả sáu căn, nếu không chuyên chú thì không thể viết ra được. Ngoài ra các cô còn phải nói về việc phản tỉnh, các em viết cảm nhận cũng giống như viết tổng kết về việc phản tỉnh của mình vậy. Các cô nhìn thấy những người trong xã hội ngày nay, ai còn có năng lực này chứ? Ngồi xuống và nghĩ xem bạn đã phạm những lỗi lầm gì trong ngày hôm nay, ngay cả năng lực này mà mọi người cũng không có được. Họ suy nghĩ, họ biết đây là sự dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền, rất là tốt, “mỗi ngày tôi tự xét ba việc” rất là tốt, thế là họ ngồi đó nghĩ, phản tỉnh, nhưng nghĩ không ra, không xét chính mình nổi, mất năng lực đó rồi. Vì sao vậy? Bởi vì ngày đó tâm của họ bồn chồn không yên, họ nghĩ cái gì cũng không nghĩ ra được. Những đứa trẻ này mới sáu – bảy tuổi, thậm chí mười mấy tuổi này, từ nhỏ tâm tính đã an định, nên chúng có công phu kiểm điểm nội tâm của chính mình, đây chẳng phải là công phu do mỗi ngày được dạy ra hay sao? Từ nhỏ chúng đã có công phu này, nói cách khác, chúng có thể nhìn được tâm của mình. Các cô thấy vừa rồi em học sinh này đã nói là do em có thể nhìn được tâm của mình nên mới nói ra được những lời này. Cho nên nói thành Thánh thành Hiền đều từ trên tâm địa mà hạ công phu. Các bạn đừng cho rằng đọc sách ngàn lần thì cứ ở đó mà đọc, bạn xem thấy tiết mục này của chúng tôi thì sẽ biết trong đây có rất nhiều việc. Bạn phải học như vậy, phải dạy như vậy, thiếu đi một mắt xích thì không thể thành tựu được.
Học sinh: Sau khi con đã đọc sách như vậy bốn - năm ngày thì con đã có thể an định, đồng thời phát hiện rằng sau bốn - năm ngày đó những lời nói hành động trong cuộc sống bình thường của con đã nghiêm trang cẩn thận hơn nhiều so với trước đây, con biết rằng có rất nhiều việc con lẽ ra không nên làm.
Thầy Trần: Con có thể nói cụ thể được không? Con cảm thấy lời nói hành động của con trong cuộc sống đã nghiêm trang cẩn thận như thế nào?
Học sinh: Ví dụ như khi con nói chuyện với bạn học lớn tuổi, giữa chúng con có một số việc mà các bạn học nhỏ tuổi hơn đôi khi không nên nghe thấy, không thích hợp để các em nghe, hoặc là trong lúc các em đang học chúng con nói những chuyện này sẽ quấy rầy các em, lúc đó bản thân con đã lập tức phát giác ra được.
Thầy Trần: Trước đây con không phát giác ra sao?
Học sinh: Trước đây con cảm thấy mình không thể phát hiện ra việc này ạ.
Thầy Trần: Chính là không thể nhận ra.
Học sinh: Dạ
Thầy Trần: Con xem lúc nãy chúng ta nói về Tam Cương trong sách Đại Học: “Đại học chi đạo”, làm thế nào trở thành Thánh thành Hiền? “Tại minh minh đức”. Tự tánh vốn có của con là minh đức, là sáng tỏ, điều này con đã sẵn có, có từ bản chất tự nhiên. Học tập chỉ nhằm để khai mở điều này, cho nên chữ “minh” này là động từ, để khai mở minh đức, gọi là minh minh đức. Sau đó “yêu thương người dân”, “đạt đến chỗ chí thiện”. Ba cương lĩnh. \
Phía sau là nói điều gì? Nói thứ tự của việc tu học: “Phải biết trước sau”, “làm việc có đầu đuôi”, “biết dừng rồi mới có thể được định”. Điều này mọi người chính mình đã nghe em học sinh này vừa nói, em đã an định rồi. Mất mấy ngày vậy? Bốn ngày. Đã dùng phương pháp gì? Biết “dừng”. Vậy đọc sách ngàn lần là biết dừng ở chỗ nào? Vừa rồi tôi đã nói với mọi người từ “chỉ” chính là giới luật, là giới điều, là quy củ, là cấm chỉ, điều gì có thể làm, điều gì không thể làm.
Việc gì cần đến chữ “chỉ”? Những điều trong ba tập tiết mục trước đã nói đến đều là chữ “chỉ” này, mắt phải như thế nào, tâm phải như thế nào, tai phải như thế nào, phát âm phải như thế nào, cầm sách ra sao, ngón tay thế nào, đây gọi là quy củ, dùng chữ “chỉ” này làm đại biểu. Trong sách Đại Học nói, bạn phải dạy cho học sinh biết điều này, không biết dừng thì chúng sẽ làm xằng làm bậy, thứ gì cũng làm, đó gọi là không biết “chỉ”. Nếu như chúng biết “chỉ”, giữ được chữ “chỉ” này mà làm trong bốn ngày thì sẽ được định. Lúc nãy em ấy đã nói, em nói tâm của em đã an định rồi, đây là tiểu định, so với trước đây thì em chỉ được tiểu định thôi, nhưng em đạt được rồi. Câu nói “tri chỉ nhi hậu hữu định” đã được em ấy chính mình nói ra, đây là do em chính mình cảm nhận được. Cho nên “giới” và “định” có mối quan hệ nhân quả. “Nhân giới đắc định”, “nhân định khai huệ”, đây chính là tổng cương lĩnh dạy học của ba nhà Nho - Thích - Đạo. Đại Học trong bộ Tứ Thư cũng không xa lìa điều này. Tam vô lậu học, bạn đã nghe thấy điều này rồi.
Hiện nay lòng người vì sao không an định? Vì không biết “chỉ”, không biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Đó chính là tự do, là giá trị quan của phương Tây, loạn thành nồi cám cả rồi, nên lòng người xốc nổi. Chúng ta nhất định phải biết an định từ đâu mà có.
Chương đầu tiên trong sách Đại Học nói với chúng ta “tri chỉ nhi hậu hữu định”, việc gì nên làm, việc gì không nên làm, bạn phải biết được những việc nào không nên làm. Bốn quyển sách là “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” và “Sa Di Luật Nghi” thảy đều nói với bạn những điều gì không được làm. Cầm một cái ly không có nước, cầm vật rỗng bên trong chẳng có chứa gì cả như vật đầy, giống như cầm một cái ly đựng đầy nước vậy, hết sức cẩn thận. Đây chính là quy củ, đây gọi là giới luật, là biết dừng. Lòng người cứ giữ được lâu dài như vậy thì tự nhiên sẽ được định, cả tâm và thân đều được định. Thân được định thì người đó có quy củ, đứng ra đứng, ngồi ra ngồi. “Đi thong thả, đứng thẳng ngay, chào cúi sâu, lạy cung kính”, “mũ phải ngay, nút phải cài”, hết thảy hiển hiện ra bên ngoài, còn bên trong tâm thì sao? Bạn thấy vừa rồi em ấy nói, việc này em đã biết rồi, việc kia em đã rõ rồi, trước đây em ấy không phát hiện ra được. Bạn thấy điều này chính là gì? Trí tuệ vốn có của tự tánh đã lưu xuất ra bên ngoài rồi. Bình thường con người làm việc ngu ngốc, làm việc sai lầm, rước lấy họa. Chiêu tai rước họa là gì vậy? Sao tôi lại không thể nghĩ ra được việc này? Vì bị loạn tâm, không được định. Bạn xem định có tốt hay không? Định có thể mang đến điều gì cho bạn? May mắn, hạnh phúc. Còn nếu như tâm loạn, không có định thì sẽ toàn làm những việc ngu ngốc, nói lời ngớ ngẩn, sẽ đắc tội với người, lớn lên sẽ rước lấy họa, chiêu tai rước họa, không thể được hạnh phúc. Con đã hiểu chưa?
Học sinh: Dạ hiểu. Thưa thầy, trước đây con không thích học, mỗi lần học là con bị đau đầu, con luôn muốn chạy đi chỗ khác.
Thầy Trần: Cô giáo chủ nhiệm của con nói con là học sinh cứng đầu nghịch ngợm nhất nhì lớp phải không?
Học sinh: Dạ phải.
Trải qua mấy ngày đọc sách con đã phát hiện thấy mình không còn muốn chạy ra bên ngoài nữa, bởi vì phải ở trong lớp đọc sách, không được ra bên ngoài.
Thầy Trần: 8 giờ đồng hồ phải không?
Học sinh: Dạ phải, phải ở trong lớp một ngày.
Thầy Trần: Vậy chắc con khó chịu lắm?
Học sinh: Một hai ngày đầu đọc sách con cảm thấy đọc không nổi, cảm thấy toàn thân rất là khó chịu.
Thầy Trần: Một hai ngày đầu là vậy phải không?
Học sinh: Dạ. Rảnh một chút là con muốn đi ra ngoài, không muốn ở trong lớp đọc sách. Nhưng khi đọc sách đến ngày thứ ba, thứ tư thì con dần dần cảm thấy mình không còn nghĩ như thế nữa, càng đọc thì càng cảm thấy thoải mái, lúc đọc sách cảm thấy vô cùng thoải mái, không còn cảm thấy khó chịu nữa, cũng không cảm thấy học tập khó khăn để bài trừ không muốn học nữa. Lối suy nghĩ đó dần nhạt đi rồi không còn nữa, con không nghĩ thế nữa. Mà ngược lại, lúc đọc sách lại cảm thấy rất là vui, vô cùng thoải mái.
Thầy Trần: Con vui sao?
Học sinh: Dạ
Thầy Trần: Ở trong phòng 8 giờ đồng hồ mà lại vui vẻ, các cô nghe không? Trước đây em này là kẻ nghịch ngợm phá rối đó.
Giáo viên: Nghe chính em ấy nói là đọc sách rất vui, chúng con thật sự không dám tin.
Thầy Trần: Các cô dạy em này mấy năm rồi?
Giáo viên: Dạ hơn 4 năm, gần 5 năm rồi.
Thầy Trần: Trước giờ em ấy chưa từng như thế à?
Giáo viên: Chưa từng như thế. Mỗi lần lên lớp, mỗi lần đến giờ học là em ấy toàn chạy ra ngoài. Nếu không chạy ra ngoài thì cũng ngồi đó buồn ngủ, rồi ngủ gật.
Thầy Trần: Ngủ à?
Giáo viên: Một chương kinh văn bạn học khác một ngày là có thể học thuộc, còn em ấy thì không chịu học, cũng không chịu học thuộc lòng, phải mất ba ngày đến năm ngày em ấy mới an định lại được, mới thuộc lòng được.
Thầy Trần: Học sinh như vậy chắc các cô đau đầu lắm phải không?
Giáo viên: Dạ rất đau đầu. Em ấy còn suốt ngày nói rằng không muốn học ở đây, ở đây nghiêm khắc quá, khổ quá, ở không nổi, làm loạn lên. Trước đây em ấy hay nhặng xị với cha mẹ là “con không muốn học ở đây, con muốn về nhà”, như thế đấy ạ.
Thầy Trần: Do đó mới biết việc làm hay nhất trong thiên hạ chính là đọc sách. Chúng ta đã thể hội rồi, việc này có thể khiến một kẻ xấu ác dần dần trở thành người tốt. Việc hay nhất trong thiên hạ chính là đọc sách, đây là chân lý. Các cô cứ từ từ thể hội vì sao em này có thể có kết quả tốt như vậy, có phải lúc ban đầu các cô không thể nghĩ ra đúng không?
Giáo viên: Dạ không nghĩ ra ạ, vậy mà sau bốn - năm ngày lại có được thay đổi như thế này, thật là nghĩ không ra nổi, cũng không dám tin.
Học sinh: Thưa thầy, điều thứ hai mà con cảm nhận là trong lúc đọc sách con phát hiện, đã phát giác ra được những thói quen xấu trước đây của con, con có rất nhiều tập khí và thói xấu nghiêm trọng, sau đó con phát hiện được những thói xấu này từ đâu mà đến. Chính là thông thường khi con tiếp xúc với người khác, do những duyên xấu ác từ bên ngoài tác động, khiến con dần dần bị ô nhiễm mà trở nên có rất nhiều thói tật xấu.
Thầy Trần: Các cô thấy câu nói này có ý nghĩa gì? Các cô phải nghe cho kỹ. Hiện nay có rất nhiều người làm ra những hành vi cực xấu nhưng họ đều không biết, họ không cảm nhận được. “Đây là xấu sao?”, không phải, món này một đồng nhưng tôi có thể bán ra 50 đồng, đây chẳng phải là tài giỏi sao? Sao lại là xấu được chứ?. Họ không biết đó là gạt người, lừa người, họ xem đó là tài giỏi. Do đó, Đệ Tử Quy có câu “theo ý mình, mù lẽ phải”. Câu “mù lẽ phải” chính là mê mất lương tâm. Làm sao gìn giữ lương tâm? Có câu “cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”, nếu chúng ta không muốn tánh người bị thay đổi thì nhất định phải dùng giáo dục. Đem những kinh điển hay nhất trong nhân gian phù hợp với họ mà bày ra trước mắt. Sách chúng tôi đã lựa chọn là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” giáo dục về nhân quả, đã bày ra trước mắt, bên trong sách dạy chúng ta phân biệt rõ trắng đen, cái gì là thiện, cái gì là ác. Đọc sách này rồi sẽ hiểu rõ điều gì là thiện, điều gì là ác, họ sẽ biết được chính mình sai chỗ nào. Các cô xem, chẳng phải đây là một ví dụ sao? Trước đây tôi đã sai, tôi hiểu rồi, em ấy đã hiểu rồi. Các cô thấy dạy một người từ ác trở thành thiện khó khăn đến dường nào, vậy mà sau mấy ngày đọc sách người đó đã hiểu rõ rồi. Thế mới biết được sức mạnh của kinh điển, đã được truyền đến ngàn năm vạn đời rồi. Nếu vẫn còn xem thường kinh sách thì bạn hãy dùng một thứ khác để thay thế xem có thể dạy dỗ một em học sinh hư, một kẻ xấu được không. Nếu bạn không có thứ khác mà cái này bạn cũng không cần, vậy thì bạn chẳng phải là không thành tâm hay sao, không muốn trở thành người tốt đó sao? Cho nên chúng tôi nghe em ấy nói thì biết rằng, điều cảm nhận thứ hai em ấy đã biết thói xấu ác của chính mình từ đâu mà đến, xung quanh chúng ta có những người cũng làm những việc như thế, đều do họ làm ô nhiễm chúng ta, chúng ta vốn không phải như vậy. Bạn xem câu Kinh văn: “Cang cường bất nhân, không nghe lời khuyên bảo, không phân tốt xấu, làm việc trái nghịch di hại xã hội, thọ ân không biết cảm ân, gặp oán mãi ôm trong lòng”. Các cô nghĩ xem, mỗi ngày các em đọc những điều này, những câu nói này thông tục dễ hiểu: “Thọ ân không biết cảm ân, gặp oán mãi ôm trong lòng”, tâm oán hận quá nặng, sai rồi, vì sao vậy? Vì chương mở đầu trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có nói rằng nếu bạn làm ác thì “gặp nhiều họa hoạn, người người đều chán ghét”, không có ai mà không chán ghét bạn. “Hình phạt tai họa theo thế mà đến, không thể gặp được may mắn”, điều tốt lành đều tránh xa bạn, còn tai họa thì mỗi ngày đi theo bạn. “Sao xấu mang điều rủi đến, mạng hết rồi chết”, phước báo và thọ mạng của bạn đã hưởng hết sạch rồi thì bạn bị lôi đi thôi. Các cô nghĩ xem, nếu như con người mỗi ngày đọc những câu này, họ có dám làm điều ác không? Các cô nghĩ xem, cho dù người hồ đồ đến đâu, nếu biết chữ, nghe hiểu sơ sơ họ cũng không dám làm. Đây gọi là gì? Đọc Kinh là đọc cho ai? Đọc cho mình. Người nào nghe? Mình đọc mình nghe. Đây chính là giáo dục. Cho nên nội dung đọc sách rất quan trọng.
Sư phụ nói cho chúng ta về bốn nền tảng, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là quan trọng nhất, vì sao vậy? Vì đây là giáo dục nhân quả. “Đệ Tử Quy” dạy về quy củ, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” dạy điều này còn tốt hơn. Cho nên các cô nhìn thấy các học sinh có kết quả như thế này là do nguyên nhân gì? Các em đã đọc cho chính mình nghe hiểu thấu suốt. Người này đã phá mê khai ngộ rồi. Các cô xem rất nhiều phụ huynh, thầy cô giáo nói: “Hiện giờ trẻ con rất khó dạy, bạn nói với chúng thế nào chúng cũng nghe không hiểu”. Còn chúng tôi ở đây chỉ mất bốn - năm ngày là nghe hiểu rồi. Các cô cũng đã dạy các em bốn - năm năm rồi nhưng chúng vẫn không ngoan. Các cô xem, chỉ cần nghe theo phương pháp này của sư phụ thì những tập khí xấu ác trong bốn - năm năm qua trong bốn - năm ngày chúng đã giác ngộ rồi. Chúng có thay đổi hay không hãy để qua một bên, nhưng chúng đã giác ngộ rồi. Điều này giống như một khối đá lớn đã chuyển động rồi, sẽ có thay đổi thôi. Các cô đã nhìn thấy hy vọng rồi đó, trước giờ chưa từng có.
Chúng ta phải nhớ rằng việc “Đọc sách ngàn lần” không phải là cầu học vấn, tri thức. Đó là phần sau, phần trước là gì? “Tri chỉ nhi hậu hữu định”, cái định này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Đức hạnh của các em đã hiển bày ra rồi. Kết quả này các bạn tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu học phí, học bao nhiêu đại học tên tuổi, học ở những trường học quý tộc có thể có được hay không? Không có được. Vậy mà “đọc sách ngàn lần” có được. Có cần tốn tiền hay không? Không cần tốn tiền. Bạn thấy bạn đã tốn bao nhiêu đồng tiền oan uổng, chịu bao nhiêu tội oan uổng để làm gì? Con của bạn chỉ cầm cuốn sách lên rồi làm theo phương pháp của chúng tôi, bạn không tin bạn cứ thử làm xem.
Giáo viên: Điều mấu chốt chính là những nội dung mà em ấy vừa rồi đã phản tỉnh thì trước đây giáo viên cũng nói với em mỗi ngày.
Thầy Trần: Nhưng nghe không hiểu.
Giáo viên: Nói rách cả miệng mà em vẫn không chịu nghe, cứ cảm thấy “thầy cô đã mắng oan em rồi, sao không nói các bạn học khác mà nói em?”. Hiện giờ thì em đã hiểu ra rồi.
Thầy Trần: Các cô có biết vì sao em ấy như vậy không? Vì sao được như vậy? Thứ nhất là do trì giới, 8 giờ đồng hồ không cho phép chạy nhảy lung tung. Sau khi chúng trì giới rồi, các cô xem sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý đã được kiểm soát. Kiểm soát ở đâu? Kiểm soát ở trên kinh văn, đây gọi là: “Tri chỉ nhi hậu hữu định”, tự nhiên cái “định” vốn sẵn có trong tự tánh sẽ lưu lộ ra. Mọi người nhất định phải nhớ tự tánh là vốn thiện. Sau khi đã định rồi thì cái thiện đó sẽ xuất hiện. Trước giờ chúng ta cứ làm theo phương pháp đổ nước vào, nhưng bên trong các em là một chậu nước dơ, cho dù có làm thế nào thì cũng bốc mùi hôi thối, cáu bẩn không chịu nổi. Hiện giờ thì những thứ này đã tự động bị loại trừ rồi.
Giáo viên: Dạ phải.
Thầy Trần: Tự động bị loại trừ, dần dần chúng sẽ khôi phục lại tự tánh vốn định, bản thể thanh tịnh, rồi cái thiện vốn có của các em sẽ bắt đầu phát tán ra bên ngoài. Tốt biết bao! Đây là gì vậy? Là nguyên lý và phương pháp giáo dục của dân tộc ta, toàn thế giới không có cái thứ hai, chỉ có cái duy nhất, không có chi nhánh. Bạn nói với các chuyên gia phương Tây họ sẽ nghe không hiểu, đây là cái học dựa vào tánh của tâm. Nho gia, Đạo gia và nhà Phật đều nói về điều này, đây chính là thực nghiệm, khoa học thực nghiệm, làm cái nào tốt cái đó. Bạn hỏi, con nhà chúng tôi đọc năm ngàn lần mà vẫn không thấy hiệu quả vậy? Nguyên nhân là gì? Trong ba tiết mục đầu chúng tôi đã nói với các bạn phải chú đến duyên và điều kiện của môi trường xung quanh, bạn không có được cái điểm quan trọng này thì bạn sẽ làm sai. Còn có một khả năng khác đó là con của bạn đã bị ô nhiễm quá nghiêm trọng. Sư phụ ngài nói đọc 3.000 lần không đủ thì đọc 6.000 lần, 6.000 lần không được thì đọc 10.000 lần, rồi chúng cũng sẽ tốt thôi. Khi bạn phát hiện thấy chúng càng ngày càng tốt hơn, thì bạn biết rằng chúng đang thay đổi. Thay đổi tốt hay xấu vấn đề là ở thời gian mà thôi, bạn phải có tâm nhẫn nại, bạn muốn đuổi kịp con mình mà không nhẫn nại thì làm sao được. Thế nên chúng ta phải hiểu rằng, các cô làm giáo viên chủ nhiệm có chỗ khó khăn không biết xử trí thế nào: “Sao mình có nói thế nào mà các em vẫn không hiểu vậy?”. Lần này các cô đã hiểu rồi, vấn đề là phải dựa vào tánh của tâm mà hạ công phu. Có thể đạt được hiệu quả này là do định, đây chỉ là một chút hiện tượng tốt thôi,
Nhất định phải từ tri chỉ, chính là từ trì giới mà bắt đầu. Trong quyển “Đại học” của bộ “Tứ Thư” đã chỉ dạy cho chúng ta, không có điều này không được. Vậy nên chúng ta phía trước có giảng, dùng thời lượng ba tập để giảng cho mọi người quy tắc, mọi người không được xem nhẹ. Quyển sách cầm lệch rồi, không chỉ tay, người thì xiêu vẹo là không được, đó là phá giới. Không có “chỉ” thì “định”, “tịnh”, “an”, “lự” ở phía sau đều không có, cái gì cũng không có. Hay cách nói khác, kết quả mà bạn muốn thì không đạt được. Hết thảy đều từ giới mà bắt đầu. Đây chính là lý do tại sao sư phụ bảo đồng học chúng ta, từ nhỏ học “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Sa Di Luật Nghi” và phải làm được. Làm được nghĩa là gì? Là thân thể này nhận được sự ràng buộc. Thân thể sẽ ảnh hưởng đến nội tâm. Nội tâm các em chuyển rồi, các cô cũng thấy được. Đây gọi là gì? “Lễ giáo”. Thời gian qua đã đảo ngược lại. Đảo ngược thì con người sẽ không đạt được thành tựu của việc tu học như những gì chúng ta nói.
Giáo viên: Thưa thầy, bạn nhỏ này trước kia thói xấu rất nặng, chúng con đều lo lắng là sau này sẽ vướng phải những nạn về lao tù. Nhưng khi dựa theo phương pháp đọc sách này, bốn - năm ngày em liền có thể từ nội tâm của bản thân bắt đầu giác ngộ rồi, phản tỉnh rồi. Con cho rằng các bậc phụ huynh cần có lòng tin.
Thầy Trần: Phải, sư phụ đã giảng nhân tính vốn thiện. Phàm là người làm công tác giáo dục, phụ huynh, giáo viên, thậm chí người làm quan, với những đứa trẻ không ngoan này cho đến người ác trong xã hội đều phải có lòng tin, không được ghét bỏ họ. Bổn tánh của họ vốn dĩ thiện, vấn đề là bạn phải làm cho chúng hồi phục trở lại. “Minh minh đức”, hiện nay minh đức của họ không sáng, bạn phải làm cho chúng sáng loáng trở lại, hiển lộ ra ngoài. Dùng phương pháp nào vậy? “Tri chỉ”. Trước tiên từ quy tắc, đứa trẻ phải nghe lời, không nghe lời thì cần phải được giáo huấn. Giá trị quan phương tây là theo ý trẻ, bạn xem có thể dạy cho tốt được không? Tại vì sao hiện nay trẻ nhỏ không dễ dạy? Vì đã đảo ngược rồi, công bằng mà nói, không có tôn nghiêm sư đạo. Tôi nghe nói, hiện nay đánh thầy cô, mắng thầy cô rất nhiều, thật sự đã đảo ngược hết. Bạn cứ đến đánh thầy cô, cứ đến giáo huấn thầy cô, sau cùng đứa trẻ sẽ thành đồ bỏ đi.
Giáo viên: Ngoài ra còn có rất nhiều phụ huynh đối với quy tắc này nhất định không được xem nhẹ. Phụ huynh đối với con cái thường luôn gấp gáp mong đạt kết quả, bảo các em đọc nhiều kinh điển nhưng lại không coi trọng quy củ. Chúng con phát hiện học trò về mặt quy tắc, các em có thể tuân thủ nghiêm ngặt thì tâm các em sẽ an định trở lại. Thường ngày đọc sách như vậy, người khác có thể cần năm giờ đồng hồ để học nội dung, em này chỉ cần một giờ đồng hồ là đã hiểu được, hơn nữa còn có thể học được rất tốt. Vậy nên những quy tắc này, chính là như thầy giảng việc trì giới, đây là căn bản nhất, là nền tảng. Việc này nhất định phải chú ý.
Thầy Trần: Cô nói chỉ một vấn đề đọc sách, chúng ta dùng thời lượng hết ba tập để giảng những quy tắc, quy củ và những giới điều của việc này. Như vậy bạn liền biết văn hóa truyền thống thâm sâu không gì sánh bằng, điều chúng ta không biết thực quá nhiều, chính là không có thời gian để nói. Hiện nay chúng ta có thời gian thì tập trung toàn bộ vào đây, những giáo viên dạy văn hóa truyền thống khác cũng nên giảng thêm, giảng như lý như pháp, thì bạn liền biết giới luật quan trọng đến thế nào. Các cô đã từng gặp qua rất nhiều học trò của trường học văn hóa truyền thống, kinh điển từng đọc thuộc đều quên hết, phải không?
Giáo viên: Dạ, rất nhiều. Có học trò học được 14 năm, sau khi trở về thì tất cả đều quên hết.
Thầy Trần: Đúng rồi. Hơn nữa, bạn xem những đứa trẻ này, cần đức hạnh không có đức hạnh, thậm chí cái dáng người cũng không có. Tại sao vậy? Chúng không được dạy qua “tri chỉ”, chính là không có giáo dục của quy tắc, giáo dục của giới luật. Có người sẽ nói, có khi nào làm cho trẻ trở nên khờ đi không? Không, sau khi an định sẽ khai huệ, là giới - định - huệ cả trăm ngàn năm nay, bao nhiêu Thánh nhân, Quân tử thậm chí cao tăng đại đức, những anh hùng hào kiệt, trí huệ này hầu như người thường đều không thể sánh bằng. Các ngài đều từ con đường này mà thành: Giới định huệ. Bạn không trì giới thì làm sao có trí huệ? Không phải nói dạy con trẻ khờ đi, mà tự tánh vốn định, sau khi định được rồi thì sẽ khai huệ. Không lẽ những lời này là do các cô dạy các em sao? Đây không phải do các em tự cảm nhận được sao?
Giáo viên: Dạ, hơn nữa đối với việc trì giới này thực chất chính là sự áp dụng thực tiễn đối với Kinh điển, đọc sách thực chất chính là để áp dụng. Sau khi áp dụng bạn mới khai ngộ, mới khai huệ.
Thầy Trần: Từ đâu để áp dụng thực tiễn? Đọc sách 8 giờ đồng hồ là thực tiễn, không thể nói việc đọc sách nằm ngoài thực tiễn. Khi đọc sách 8 giờ đồng hồ phải nên nhớ, chúng quy củ, khuôn phép, dựa theo những giới điều này mà dụng công, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp. Bạn nên ghi nhớ, sau 8 giờ đồng hồ rời khỏi lớp học, đứa trẻ này so với người khác nhất định khác biệt, có phải không?
Giáo viên: Thưa thầy, không chỉ là khác biệt, chúng con bước vào lớp học khi các em đang đọc sách cảm giác cũng rất khác, từ trường vô cùng an định.
Thầy Trần: Vậy nên nói, bạn nhìn thấy đứa trẻ này cũng thực sự khác biệt với những học trò khác. Khác nhau thế nào? Đọc sách rất ra dáng vẻ. Bạn không thể không tin. Đọc sách bạn phải biết đọc. Hiện nay có rất nhiều học trò đọc thì ngả nghiêng xiêu vẹo, miệng thì cứ lẩm nhẩm. Vậy là không được, đây là không biết đọc. Nhất định phải ghi nhớ giới - định - huệ, sư phụ lặp lại nhiều lần, ba điều này cùng một lúc thành tựu. Hay cách nói khác, có phải bạn đang tu huệ không? Đúng, trong huệ có định hay không? Có định. Chúng tự mình an định trở lại rồi, trong định có giới hay không? Có giới. Ba điều này luôn đi cùng với nhau, nhất định không phải nói có giới, còn đây là định, đây là huệ. Không phải vậy, đó là riêng lẻ. Nhất định phải ghi nhớ, trong giới nhất định có định, có huệ; ngược lại, người có trí huệ thì nhất định có định, có giới, họ trì giới. Điều này không thể tách rời, vậy nên chúng ta phải tinh thông. Trong lúc đọc sách không có quy tắc, quy củ, tức là họ không trì giới, cho nên sẽ không khai được trí huệ, họ cũng không thể đắc định. Điều này rất dễ hiểu. Bởi vậy ba điều này là một, trong lúc đọc sách đồng thời nhất thiết phải làm đến được. Cái huệ này không phải dụng ý, mà là tự nhiên phát sinh ra, định cũng không phải dụng ý.
Học sinh: Thông qua những ngày đọc sách vừa qua, bản thân con tự cảm thấy mình có rất nhiều tập khí xấu rất nghiêm trọng, con cảm thấy mình không muốn tiếp tục như vậy nữa. Ví dụ như thầy cô nhắc nhở con, bản thân con lại không bằng lòng, con cảm thấy làm như vậy là không đúng.
Thầy Trần: Quá khứ thường làm như vậy, hiện nay muốn thay đổi phải không?
Học sinh: Dạ, con cảm giác khi gặp những tình huống như vậy, tự mình nghĩ mình phải phản tỉnh bản thân. Trước đây con thường nổi giận với thầy cô hay tỏ vẻ không vui, thông qua mấy ngày đọc sách con cảm thấy làm như thế là sai rồi, sau này con sẽ không dám làm như vậy nữa.
Thầy Trần: Cũng có thể nói cái ý niệm ác này đã dần dần tiêu biến. Ác tiêu thiện tăng trưởng, cái gọi là tăng thiện áp chế ác, chính là đã đạt được công hiệu. Tất cả điều này đều trải qua trong quá trình đọc, họ tự thân cảm nhận, tự trong tâm của họ thay đổi. Bạn xem tâm của họ có thay đổi không? Có thay đổi. Tâm đổi thì con người này trở nên tốt, đúng không? Nhất định phải ghi nhớ, tâm chuyển thì con người liền trở thành tốt.
Giáo viên: Vậy con xin hỏi thầy, em học trò vừa nói đến, bản thân em không muốn tiếp tục hành động như thế, là bởi vì bộ Kinh điển mà chúng ta đã chọn là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói đến nhân quả, em biết lo sợ, hay là do em đọc sách đã đắc được định, tự nhiên biết làm như vậy là không đúng?
Thầy Trần: Để tôi nói cô nghe lý do em ấy không tái phạm việc làm này nữa, nguyên nhân là tại sao vậy? Là bởi vì tự tánh thiện của em đã hiển lộ ra ngoài. Có thể các cô sẽ thắc mắc, vậy cái ác ban đầu đi đâu mất? Ác đã đi về đâu? Các vị có biết ác đã về đâu không? Cũng giống như lúc trước chúng ta đã từng đi phỏng vấn các phạm nhân, họ đã từng giết người, có người phạm tội cướp bóc bị tù 7 năm, khi học được văn hóa truyền thống, đọc “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, xem tiết mục “Luận Đàm Văn Hóa Truyền Thống” thì chính họ tự mình nói ra. Cảnh sát cũng thắc mắc, một người ác đến như vậy sao lại trở thành người thiện, hơn nữa còn là một đại thiện nhân, vậy ác đã đi đâu mất? Mọi người có biết ác đã đi về đâu hay không? Chúng ta không học Phật sẽ không hiểu, học Phật mới hiểu được thông suốt sự việc này.
Những thứ ác đó vốn dĩ đều là giả, chúng không tồn tại, là hư vọng, do ô nhiễm của thời gian lớn lên sau này. Nếu như vốn dĩ chính là ác, có một cách nói sai lầm là tánh bổn ác, “nhân chi sơ tính bổn ác”, đây là hiểu lầm, lấy tập khí xem thành bổn tánh, sai rồi. Vậy phải là thế nào? “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, họ vốn dĩ chính là thiện, chính là tốt. Vậy ác thì sao? Ác là ô nhiễm trong quá trình lớn lên, cho nên chỉ cần đem những thứ này buông bỏ thì hết rồi. Vậy chúng đi đâu? Đều chuyển hóa thành thiện rồi.
Phật pháp có dạy: “Phiền não tức Bồ đề”. Phiền não chính là gì? Tham - sân - si - mạn - nghi, sát - đạo - dâm - vọng - tửu (sát sinh – trộm cướp – tà dâm – nói dối – uống rượu). Làm những việc sai trái này đều là phiền não. Phiền não vừa chuyển liền biến thành vô thượng Bồ đề. Bạn thông rõ đạo lý này thì biết được điều gì? Vốn dĩ những thứ này đều không có, bạn vừa chuyển chúng trở lại thì mê liền biến thành ngộ rồi. Giống như em học trò này, thực chất là mê hoặc, hiện nay vừa giác ngộ thì mê hoặc liền không còn. Nhất định không được hạ công phu ở nơi ác, mà phải từ tự tánh để hạ công phu. Hiện nay là ngứa đâu gãi đấy, đau đâu chữa đấy, bị nghiện ma túy thì giam họ lại không cho họ hút, cai nghiện không có tác dụng. Tại sao vậy? Tâm họ vẫn còn ác mà! Bạn xem, bắt giam những cô gái làng chơi, phạt tiền, dùng biện pháp hiện nay để xử lý, sau khi thả họ ra thì họ vẫn tiếp tục là kỹ nữ, họ không có tâm hổ thẹn. Vậy phải làm sao? Để họ đọc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, cho họ xem “diễn đàn về văn hóa truyền thống”, tâm xấu hổ trong tự tánh vốn có sẽ phát xuất ra ngoài. Sau khi phát xuất ra ngoài thì cái tâm không biết xấu hổ liền mất đi. Đây là đã chuyển ngược trở lại. Sau khi chuyển ngược lại thì đã trở nên bình thường. Sau khi họ được thả ra, họ lại làm việc sát - đạo - dâm - vọng là vì sao? Lại bị ô nhiễm. Vậy nên cô nói em học trò này có khả năng quay về tình trạng như cũ hay không? Rất có khả năng, vì sao vậy? Sau khóa đọc sách ngàn lần thì không đọc nữa, hoặc là sau khi đọc sách ngàn lần thì ra ngoài bị ô nhiễm.
Vậy nên có rất nhiều bậc phụ huynh sẽ hỏi, con cái chúng tôi cũng đọc sách ngàn lần nhưng vì sao không có được kết quả? Bạn để con mình sau khi đọc sách ngàn lần thì đi xem phim, xem ti vi, trò chuyện cùng những người xung quanh, ra ngoài ăn uống vui chơi, việc đọc sách ngàn lần, 8 giờ đồng hồ tất cả đều phó mặc buông trôi, uổng công rồi!
Em học trò này qua 20 ngày, cô xem, em nói có bốn - năm ngày thì em gặp phải tình huống này, vì sao vậy? Bởi vì trường học của các cô nghiêm trì giới luật, không để những đứa trẻ này lên mạng, xem ti vi, internet, tất cả đều không cho phép.
Giáo viên: Hết thảy ác duyên đều không có.
Thầy Trần: Không có cái nguồn để ô nhiễm. Không có nguồn ô nhiễm thì sao bị ô nhiễm được? Không có ác, thì tự tánh vốn thiện liền phát khởi ra ngoài.
Giáo viên: Thưa thầy, thầy vừa giảng đến không được từ ác mà hạ công phu, không phải là trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói nếu muốn hành thiện thì phải đoạn ác trước tiên? Vậy việc này cần lý giải như thế nào?
Thầy Trần: Cô cần ghi nhớ, cái ác này chính là gì vậy? Ác là duyên, phải xem cho thật rõ ràng, phải đoạn ác duyên này. Ví dụ như bạn thích đánh mạt chược nhưng không có mạt chược, thích xem ti vi nhưng không có ti vi, như vậy là ác duyên không có. Ác duyên không có thì làm sao họ làm ác được? Chúng không kết thành ác quả được. Hạt giống cực ác mà không có ác duyên thì không kết thành quả được. Giống như bạn đem bỏ một hạt giống vào trong ly trà, thì dù để một vạn năm sau cũng không đơm hoa kết trái, vì không có nước, đất, ánh nắng, dinh dưỡng. Không có những duyên này thì chúng làm sao kết được ác quả? Vậy nên cần phải hạ công phu ở trên ác duyên. Sau đó thì sao? Những ác duyên này chỉ phủ ở bề ngoài. Bạn nhất định phải ghi nhớ, sức mạnh của thiện gọi là tà không thể thắng chánh, sức mạnh của chánh đã phát xuất ra thì dù xấu xa đến mấy cũng đều sửa trở lại được.
Giáo viên: Thưa thầy, khi sư phụ giảng kinh đã từng nói, người học Phật quan trọng nhất là chuyển đổi cái tâm, đem tâm của chính mình chuyển thành tâm của A Di Đà Phật, đem tri kiến của chính mình chuyển thành tri kiến của A Di Đà Phật. Cả những điều thầy thường giảng cho chúng con, là cần phải đem tâm mình chuyển thành tâm của lão sư, không có bản thân. Vậy các em trong 8 giờ đồng hồ đọc kinh cũng đang chuyển tâm.
Thầy Trần: Các em chuyển thành tâm gì? Chuyển thành tâm của “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Cô xem các em đã thành người nào? Đó không phải là người tốt thông thường phải không? Nếu như các em làm hết được những điều này, thì các em chính là một bộ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” sống, thế thì còn gì bằng!
Như thế nào gọi là người mọt sách, đọc sách đến ngu muội, sau cùng thành vô dụng? Chính là đọc cứng nhắc, không có liên quan gì với tự tánh và cuộc sống sinh hoạt của chúng. Cô xem, em học trò này lúc nãy vừa nói, tất cả đều có liên hệ đối với cuộc sống của em, em không đọc một cách cứng nhắc. Nếu cuộc sống là cuộc sống, đọc sách là đọc sách, em là em, kinh điển là kinh điển, vậy thì không phải. Em có thể tùy lúc mà gắn kết lại với nhau, em đã được lợi ích. Có người nào dạy cho em không? Không ai dạy em. Tại sao thế? Đây là đạo lý gì? Tại sao em ấy lại có được sự thay đổi này?
Chúng ta nhất định phải ghi nhớ, sư phụ thường nói với chúng ta, Kinh điển của Thánh Hiền là trong tự tánh mà lưu lộ ra bên ngoài, hay cách nói khác là tự tánh vốn có. Ai mà không có tự tánh? Cậu học trò này không có tự tánh sao? Có chứ. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là do tự tánh của em vốn có. Em này vì sao cứ đọc như vậy mà khế nhập vào cảnh giới? Là do em có tự tánh, em quay về với tự tánh. Những kinh điển này em sẽ thấy sao thân thuộc thế? Thực chất là em vốn có, cho nên càng đọc càng thấy thân thuộc. Điều này dễ hiểu phải không? Tâm hoan hỉ từ đâu mà ra? Em ấy vừa nói đến tâm hoan hỉ chính là như vậy mà đến. Do đó bạn liền biết, bạn xem một phong thư do người không quen biết viết xong thì không có cảm giác gì, nhưng bạn cầm đến một phong thư do mẹ viết cho bạn, bạn chưa cần đọc thì nước mắt đã rơi rồi. Tại sao vậy? Là một thể mà!
Tại sao khi bạn thấy những việc thiện lại có cảm giác? Bạn tự tánh vốn thiện, bạn có thể không rơi nước mắt sao? Bạn có thể không có cảm giác sao? Với ác tại sao bạn có phản cảm? Em này nói không muốn làm vậy nữa, tại sao vậy? Trong tự tánh không có ác, không có ô nhiễm. Trong tự tánh vốn dĩ không có thì nhất định sẽ tiêu biến mất. Cái vốn dĩ có thì nhất định sẽ được hồi phục.
Bạn xem cái mũi của mình, khi bị ngã xuống đất thì mặt mũi đều dính bùn, vậy bạn vốn có mũi hay không? Có, vừa rửa bùn đi thì mũi đã hiện ra trở lại. Chính là đạo lý này. Nhân tánh vốn thiện. Sư phụ giảng Phật kinh: “Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật”, không phải là hiền nhân, quân tử, mà là Phật. Mạnh Phu Tử nói, ai ai cũng đều có thể thành vua Nghiêu - vua Thuấn. Nho gia cùng Phật gia nói không phải giống nhau sao? Nói cách khác những học trò do các cô dạy, mỗi mỗi đều là Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Vũ, Chu Công, đều là Thánh nhân, đều là Phật Bồ Tát. Chúng ta chỉ là dùng phương pháp này để giúp chúng hồi phục, trước sau đó giữ gìn. Trên đường đều là Thánh nhân, cả trường đều là Thánh nhân. Hiện nay bạn đi hỏi những người làm thầy cô, làm hiệu trưởng, tại sao lại để những thánh nhân này thành ma quỷ, thành kẻ sát nhân, thành nghịch tử? Chứng tỏ sự giáo dục của bạn là ô nhiễm, không phù hợp nhân tánh. Bạn phải khế hợp cùng với nhân tánh, chính là phương pháp do sư phụ dạy cho chúng ta. Các em tự nhiên sẽ hiển hiện ra được diện mạo của Thánh Hiền. Nhất định phải ghi nhớ là hồi phục, không phải từ bên ngoài tìm vị Thánh Hiền để lên trên đầu của chúng, mà các em vốn dĩ như vậy. Bạn xem, kỳ diệu đến thế nào!
Cho nên minh minh đức, nhất định phải ghi nhớ có minh đức, bạn làm cho nó sáng chứ không phải tìm minh đức, không phải đại học chi đạo là đi tìm minh đức, mà là minh cái minh đức. Chứng tỏ đây là vốn sẵn tính trời đã có. Bạn xem ba từ này chính là đem hết thảy tu học của thế gian, tông chỉ của Nho - Thích - Đạo giảng cho bạn một cách tường tận, chính là làm sáng cái minh đức của hết thảy chúng sanh, hết thảy nhân đẳng. Mục đích giáo giục cũng chính là như vậy, hồi phục diện mục bổn thiện của họ thì nhiệm vụ đã hoàn thành.
Giáo viên: Thưa thầy, hiện nay trường học văn hóa truyền thống, tư thục, không nơi nào không nhắc việc cắm rễ, bám chặt ba gốc rễ. Thưa thầy, trước kia thầy đã có giảng giải cho chúng con, bám rễ chính là đem Kinh điển chuyển thành thói quen cuộc sống. Vậy thì hiện nay các em dùng phương pháp đọc sách này, đạt đến được kết quả như vậy, có phải là đã cắm rễ rồi không?
Thầy Trần: Đây là một loại trong việc cắm rễ. Chúng không thể làm được vĩnh viễn ngày ngày 8 giờ đồng hồ “đọc sách ngàn lần’, các em còn những khóa trình phía sau. Nói cách khác, đến một ngày các em không đọc sách nữa. Cho nên nhất định phải thường xuyên nói với các em học trò, những điều này dùng để thực hành. “Đệ Tử Quy” là nói quy củ, lễ phép, cái dáng làm người. Mọi người đối với lễ phép nhất định phải hiểu, tương lai chúng ta sẽ mở khóa học “lễ giáo”. Thánh nhân chế lễ làm nhạc, những chế định về lễ của các Ngài là quy tắc. Những cái từ “nhạc” như cung, thương, giác, chủy, vũ, chúng ta nhất định ghi nhớ, chúng tương ứng cùng với tự tánh. Thánh nhân vĩ đại chính là ở chổ này.
Tại sao mở lời liền nói “đệ tử quy, thánh nhân dạy”? Thánh nhân là đã minh tâm kiến tánh, điều các ngài nói cùng quy luật của vũ trụ nhân sanh, chân lý hoàn toàn tương khớp. Bạn chứng đắc rồi thì bạn cũng sẽ như vậy. Những lời các ngài nói là chân lý muôn đời bất biến, thông qua chính miệng các ngài nói ra. Vì thế trong “Luận Ngữ” có nói: “Thiên hà ngôn tai?”. Đại đạo trong trời đất ai là người nói ra? Không thể ở trong không trung tự phát ra âm thanh, nếu vậy không phải sẽ làm bạn sợ chết khiếp sao? Như vậy sẽ không phù hợp nhân đạo, con người không tiếp nhận được, cho nên buộc phải có Thánh nhân xuất hiện. Họ đến để làm gì? Họ sẽ giáo hóa chúng sanh, chính là giáo hóa những bá tánh thông thường, những người mơ mơ hồ hồ, cứu vãn trở lại. Đây chính là sứ mạng, nhiệm vụ của Thánh nhân khi xuất hiện ở thế gian. Vì vậy các ngài đem những điều này nói ra, ghi chép lại trong kinh điển.
Bạn xem, quy tắc của “lễ”, rất nhiều điều trong “Đệ Tử Quy” đều là trích lục từ trong “Lễ Ký”, cũng có thể hiểu là từ bốn - năm ngàn năm trước rồi. Bốn - năm ngàn năm trước có thể chưa có văn tự, nhưng có ngôn ngữ (có ngôn ngữ trước sau đó mới có văn tự), ngôn ngữ có thể dạy được không? Dạy được, nhưng việc đó cũng cần thời gian tương đối dài. Vậy nên chúng ta liền biết, giáo dục của lễ nhạc của người xưa không chỉ là những gì chúng ta thấy mấy ngàn năm nay, chúng chưa từng thay đổi. Bạn tự thay đổi, bạn chịu tội, chịu khổ, tai nạn liền đến, người không thành cái dáng của người nữa. Vậy nên nói, không có lễ nhạc thì không có Nho gia.
Nho gia là gì? Nho gia là giáo dục nhân đạo căn bản mà người người phải có. Cho nên bạn chiếu theo “lễ” mà làm là dùng để tu thân. Từng hành động cử chỉ đều phải phù hợp với quy tắc của lễ. Nhất định phải ghi nhớ cái lễ này phù hợp tự tánh, hay có thể nói, cử chỉ nằm ngồi đều là xứng tánh (phù hợp với tự tánh gọi là xứng tánh). “Nhạc” là dùng để điều tâm. Con người này thân tâm đều phù hợp tự tánh thì chính là Thánh nhân. Từ nhỏ tiếp nhận sự giáo dục của lễ nhạc, cả đời không thay đổi, đây là sinh hoạt bình thường của người xưa hàng ngàn năm trước.
Giáo viên: Thưa thầy, rất nhiều đồng học đều có cùng một cảm ngộ giống nhau, đó sau 8 giờ đồng hồ đọc sách thì trong sinh hoạt, khi tiếp xúc một sự vật nào liền lập tức nghĩ đến kinh điển. Việc này dường như giống với điều người vừa nói đến, kinh điển là từ trong tự tánh nội tâm của họ tự lưu lộ ra bên ngoài, cùng với việc đọc ghi nhớ một cách cứng nhắc là không giống nhau.
Thầy Trần: Hoàn toàn không giống nhau.
Giáo viên: Cứng nhắc đọc ghi nhớ, ngay cả việc học thuộc lòng thường ngày.
Thầy Trần: Các em nhớ không ra.
Giáo viên: Dạ.
Thầy Trần: Gặp những trường hợp này, làm cách nào cũng nhớ không ra được. Vậy tại sao các em nhớ không ra? Các em bị ô nhiễm chướng ngại, chỉ có thể nhớ tới hamburger, vừa đi ra đường thì chỉ nghĩ sao ngửi thấy có mùi giống như bánh hamburger vậy? Đi đến thì lại là cái thùng rác. Các cô xem, trẻ nhỏ hiện nay là như thế, trong đầu đã bị ô nhiễm quá nặng, đều là ăn uống vui chơi, nên nhớ không ra là điều bình thường. Quay lai cuộc sống của các em, những đứa trẻ ăn đồ chay, cử chỉ nằm ngồi đều phù hợp lễ nghĩa, xưng hô, gặp thầy thì cúi lạy. Đây là cuộc sống của các em, cho nên các em lâu dần sẽ thành thói quen, những gì các em gặp trong cuộc sống đều là chánh.
Thanh thiếu niên hiện nay đều nghe những thứ vô dụng, những nhạc rock, nhạc không lành mạnh đều là đang hại chúng. Tôi xem tin tức trên mạng, những trang mạng rất chuẩn mực, thực tế mà nói, bạn tỉ mỉ mà xem, đều là bạo lực, sắc tình, sát - đạo - dâm - vọng (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ). Tôi thiết nghĩ, nếu ngày ngày xem những thứ này thì đầu óc còn nghĩ được chuyện chân chính gì nữa không? Xem kinh điển, nghĩ kinh điển thì đều là chân chính. Còn ngày ngày xem tà môn ngoại đạo, thì dù thứ tốt để trước mặt, họ cũng nghĩ đến tà môn ngoại đạo. Mọi người nhất định phải biết, con người hiện nay tại sao lại làm việc ác, làm những việc tà môn ngoại đạo? Chính là bởi vì ngày ngày tiếp nhận loại giáo dục này, họ ngày ngày 8 giờ đồng hồ tiếp nhận giáo dục của tà môn ngoại đạo. Mọi người nhất định phải biết, ác duyên đã hại chết những đứa trẻ này.
Em học trò này, các cô đều rất hiểu em này trước kia, chúng ta không nói gì khác, nói đến 20 ngày vừa qua, các cô đã cho em một hình tượng có thể thấy được. Những cái khác không nói, đôi mắt em rất sáng, mọi người cũng có thể trông thấy. Bạn xem đôi mắt sáng, biểu cảm có hơi nghiêm, nhưng thực chất bạn sẽ phát hiện, không cần biết người lớn trẻ nhỏ, đôi mắt này rất sáng. Đây đều là thần khí thịnh, thần khí đủ đầy. Ngày nay bạn xem thấy có bao nhiêu thanh thiếu niên mắt to vô thần. Hai mắt đều vô thần thì thường đều là chết yểu, rất khó trường thọ. Đây là lời thật. Vậy nên nhất định phải ghi nhớ: “Nào ngờ tự tánh vốn dĩ đầy đủ”. Những thứ tốt đẹp bao nhiêu trong tự tánh đều có, nó sẽ tự hiển lộ ra ngoài. Bạn hỏi con trai tôi, con gái tôi đôi mắt sao sáng như vậy, da dẻ rất mịn màng, sao lại đẹp như vậy? Chúng tốt như vậy mà, tự tánh tốt hiển lộ ra ngoài. Bởi vậy “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Đó chỉ là nói khái quát, chỗ lợi ích thì vô lượng vô biên. Chúng tôi đến tiết mục sau sẽ tiếp tục chia sẻ với mọi người.
Tác giả bài viết: Thầy Trần Đại Huệ
Ý kiến bạn đọc