09:19 17/05/2015
Người có phước báo mới có thể tu học pháp môn Tịnh Độ này. Nhưng lúc chúng ta tu học lại có rất nhiều nghiệp chướng, tại sao vậy? Vì không có phước. Vì sao không có phước? Vì cứ lo chuyện bao đồng của thiên hạ, không chịu buông xuống vạn duyên, cho nên người như vậy không có phước.
11:57 20/04/2015
Liên tông bát tổ Liên Trì Đại Sư dạy: Niệm Phật có mặc trì (niệm thầm), cao thanh trì (niệm lớn tiếng), kim cang trì (se sẽ động môi). Nhưng niệm thầm (mặc trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (cao thanh trì), thì mau phí sức, duy dùng pháp kim cang trì, se sẽ động môi lưỡi mà niệm, là có thể bền lâu. Nhưng cũng không nên chắp chặt khư khư một cách, hoặc khi niệm theo lối kim cang trì, nếu thấy mệt thì đổi sang mặc trì, nếu hôn trầm thì lại đổi sang cao thanh trì để xua tan sự buồn ngủ mệt mỏi. Hành nhân tu niệm Phật cần phải biết tùy duyên mà ứng đối khéo diệu dụng. Tâm ta hỗn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định được. Cho nên, người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh cũng đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ, mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bền lâu, tự có hiệu quả.
04:32 31/03/2014
Phật ở trong Kinh Đại Tập nói được rất rõ ràng “trì danh niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền”: Chỉ dùng câu Phật hiệu này để dập tắt hết tất cả vọng niệm. Thật biết dụng công thì phải dùng như thế nào? Khi ý niệm vừa khởi lên, cho dù cái ý niệm này là niệm thiện hay là niệm ác, chỉ cần một ý niệm vừa khởi lên thì A Di Đà Phật, liền quay lại với A Di Đà Phật, đó gọi là biết niệm, không để cho ý niệm của bạn tiếp nối, cho nên người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.