Phật tử nhớ Phật, trước hết phải tôn thờ song thân, tận tâm hiếu thảo, không lãng quên ý niệm báo hiếu dù trong khoảnh khắc, luôn thuận theo tính tình của cha mẹ, xem xét sắc diện song thân trong khi phụng dưỡng, vừa thấy trái ý cha mẹ thì liền cố gắng điều hòa.
Lại nên nghĩ mạng sống của cha mẹ như đèn treo trước gió, phải đề phòng đến lúc vãng sanh. Đem tất cả duyên lành, việc tốt của cha mẹ tu hành cả đời và công đức trợ tu của mọi người tập hợp lại thành một lá sớ, thường thường đọc cho cha mẹ nghe để làm cho lòng hoan hỷ. Lại nên khuyên song thân khi ngồi, lúc nằm thường hướng về phương Tây, không quên Tịnh Độ. An trí tượng Phật A Di Đà ở phía Đông, khuyên bảo nhất tâm niệm Phật. Dâng hương, đánh khánh dẫn dắt mọi người đồng thanh hòa niệm, thường khiến cho câu niệm Phật tiếp nối không dứt, chớ để tình đời bi luyến làm mất chánh niệm. Đến lúc xả bỏ báo thân cũng cần phải chú ý. Nếu như vậy, tự nhiên được các bậc Thánh đến đón rước vãng sanh Tịnh Độ, trong hoa sen báu quyết định thành Phật.
Con hiếu thảo, hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ chính là lúc này, không nên lười biếng. Đây là việc lớn của người con hiếu phụng sự song thân lúc sắp mạng chung. Lấy việc này làm hiếu thảo mới thật là chí hiếu.
Vả lại, từ xưa đến nay, người niệm Phật vãng sanh Tây phương rất nhiều, lược nêu vài điều để làm gương cho người niệm Phật: Quốc vương Ô Trường thấy Phật đến đón rước, hoàng hậu Tùy Văn nương hương lạ về Tây, bà Diệu Hạnh xin Phật đợi chờ, Tống thái tử hầu mẹ cũng vãng sanh.
Như thế, thật đáng gọi: “Một nhảy vào thẳng đất Như Lai”.
Niệm Phật là chỗ cốt yếu của các pháp, hiếu dưỡng là hạnh đứng đầu trong trăm hạnh. Tâm hiếu tức là tâm Phật, hạnh hiếu tức là hạnh Phật. Muốn được đạo đồng với chư Phật, trước phải hiếu dưỡng song thân. Thế nên, Thiền sư Sách nói: “Một chữ hiếu là cánh cửa của mọi sự huyền diệu. Những lời Phật dạy lấy hiếu làm tông chỉ, kinh Phật nói lấy hiếu làm giới. Trong lời nói không mờ tối thì miệng phát ra ánh sáng giới, ngay đó rõ ràng nhanh chóng khai mở tâm địa”.
Nói về hiếu, có hiếu của tại gia, có hiếu của xuất gia.
Hiếu tại gia là được cha mẹ thương yêu, vui mừng mà không lãng quên bổn phận làm con; bị cha mẹ ghét bỏ, phải sống lao nhọc mà không hề oán hận. Luôn thuận theo sắc diện của song thân để làm tròn việc phụng dưỡng.
Đạo hiếu của người xuất gia là cắt đứt ân ái, từ giã song thân để cứu xét đạo huyền vi phù hợp bản tánh, thâm nhập lý vô vi, trên đền đáp ân cùng cực, tiến bước trên con đường giải thoát. Đây là lối tắt báo đáp ân đức của mẹ cha, chẳng những đời vị lai được lợi ích mà ngay trong hiện tại cũng được thành công.
Thế nên, đức Như Lai nửa đêm vượt thành, đạo quả viên mãn trên non Tuyết. Ngài Huệ Năng dùng bạch kim gởi gắm mẹ mà nối pháp ở Huỳnh Mai. Nhưng vì pháp mà đoạn dứt thâm ân, ắt cần phải nghĩ suy báo đức. Do đó, đức Thế Tôn về thăm Phụ vương ở thành Ca Tỳ La Vệ, lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân.
Còn như cha mẹ nghèo thiếu không nơi nương tựa, theo lý phải nên tự mình hầu hạ. Vì thế, ngài Tất Lăng Già Bà Ta hàng ngày đi khất thực để phụng dưỡng mẹ già. Đại sư Hoằng Nhẫn dựng lập Dưỡng Mẫu Đường. Ngài Trần Mục Châu đan hài nuôi mẹ. Pháp sư Lãng gánh cha mẹ mà đi du học khắp nơi.
Vậy thì, người xuất gia lấy pháp vị làm thức ăn ngon ngọt, nhưng cũng không quên đem dâng hiến cho song thân; lấy Phật sự làm việc chuyên cần, nhưng không bỏ sót lễ nghi của nhân thế. Không chỉ cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời đều báo đáp được. Không chỉ cha mẹ một thân này, mà cha mẹ khắp trong pháp giới đều được độ thoát, đồng lên bờ giác. Đạo hiếu người xuất gia lợi ích rộng lớn thay!
Nếu như nhân duyên chưa đủ, cha mẹ không cho phép thì nên ở tại nhà làm tròn đạo hiếu, siêng năng tu tập nhân xuất thế. Nếu có thể ở ngay nơi thế tục mà thực hành đạo chân thật thì vẫn có con đường để thành Phật. Chỉ mong được trở lại như lúc trẻ thơ, để khi cha mẹ nghiêm khắc, được quỳ dưới gối nhằm báo đáp sự nhọc nhằn chăm sóc của song thân.
Do đạo hiếu mà dẫn đến chỗ Nhất thừa viên mãn, liền khiến cho Bồ tát tại gia đạt được sự hiểu biết và tu hành không nghi ngờ. Hàng Cao nhân xuất tục, nhân ở đây có thể soi xét.
Nếu có người chỉ hạn cuộc ở việc phụng sự Phật pháp, không thể làm tròn việc phụng sự song thân, xem nơi đây ắt sẽ cảm xúc trong lòng, có thể khắc phục để vẹn toàn đạo hiếu.
Than ôi! Thời gian dễ trôi qua, cha mẹ khó quên lãng. Còn song thân ở nhà cũng như chư Phật tại thế; dùng hạnh hiếu để báo đáp ân đức của song thân, hoàn thành trọn vẹn công phu niệm Phật. Thế nên biết, cha mẹ vui vẻ thì chư Phật vui vẻ, tâm này thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.
Như thế, thật đáng gọi là:
Vẻ quê không núi non cách trở
Ánh trăng xuyên nước đẹp vô ngần.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: (Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.181-184)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn