Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Chương 7: Phẩm thứ Sáu - Đức Như Lai Tán Thán Công Đức Của Bồ Tát Địa Tạng.

KINH BẢN NGUYỆN CỦA
BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

PHẨM THỨ SÁU
Đức Như Lai Tán Thán Công Đức
Của Bồ Tát Địa Tạng.
   Lúc bấy giờ, toàn thân Đức Như Lai, phóng vô lượng hào quang, chiếu khắp nghìn muôn ức, hằng hà sa thế giới, trong các thế giới đó, đều có các Đức Phật, và hội chúng cõi kia, đông vui không kể xiết. Rồi Đức Phật Thích Ca, lớn tiếng bảo chúng rằng: “Các vị Đại Bồ Tát, và Thiên, Long, Quỷ, Thần... Như Lai ngày hôm nay, khen ngợi và tán thán, công đức thật lớn lao, của Bồ Tát Địa Tạng, phân thân khắp mười phương, hằng hà sa thế giới, dùng nguyện lực rộng sâu, lòng từ bi thương xót, dẫn dắt cho chúng sinh, đều được thoát tội khổ. Sau khi Đức Như Lai, diệt độ vào Niết Bàn, các ông Đại Bồ Tát, cùng Thiên, Long, Quỷ, Thần, nên dùng sức thần thông, và các phương tiện khéo, để hộ trì Kinh này, chẳng để cho đoạn dứt, khiến cho các chúng sinh, ở đời sau được gặp, tụng đọc và thụ trì, thoát khổ chứng Niết Bàn”.
Đức Phật vừa nói xong, trong Pháp hội lúc ấy, có một vị Bồ Tát, pháp hiệu là Phổ Quảng, từ tòa ngồi đứng dậy, cung kính và chắp tay, đỉnh lễ bạch Phật rằng: “Con thấy Đức Thế Tôn, tán thán và khen ngợi, Bồ Tát Địa Tạng đây, có sức thần rộng lớn, lại lập thệ nguyện sâu, thề độ thoát hết thảy. Kính xin Đức Thế Tôn, vì chúng đời mai sau, nói rõ những nhân quả, của Bồ Tát Địa Tạng, đã làm được lợi ích, cho các chúng Trời-Người; khiến cho tám bộ chúng, và mọi loài đời sau, được nghe Kinh yếu này, vâng theo lời Phật dạy”.
Lúc bấy giờ, Đức Phật liền bảo với Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Nay ông hãy lắng nghe, và suy nghĩ cho khéo, Ta sẽ vì các ông và chúng đời mai sau, lược nói qua nhân duyên, công đức siêu thù thắng, của Bồ Tát Địa Tạng, đã làm cho Trời Người”.
Ngay khi ấy, Bồ Tát Phổ Quảng liền bạch với Đức Phật rằng: “Kính lạy Đức Thế Tôn, chúng con muốn được nghe”.
   Đức Phật liền bảo rằng: “Ở về đời sau này, nếu có thiện nam tử, hoặc là thiện nữ nhân, đủ duyên lành được nghe, tên Bồ Tát Địa Tạng, mà cung kính chắp tay, hoặc tán dương khen ngợi, được vô lượng công đức, đem những công đức đó, hồi hướng cầu thoát khổ, ác nghiệp ba mươi đời, nhờ đó mà dứt sạch”.
Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có thiện nam tử, và thiện nữ nhân nào, tô vẽ đắp hình tượng, của Bồ Tát Địa Tạng; hoặc lấy đất, đá, keo, gỗ, sắt, đồng, bạc, vàng... tùy loại đem xây nên, hình tượng của Bồ Tát, rồi dốc lòng chiêm ngưỡng, cung kính và lễ lạy, người ấy khi mất đi, sinh cung Trời Đao Lợi, một trăm lần như thế, lìa xa các đường ác. Nếu như hưởng hết phúc, trên cõi trời Đao Lợi, thời sinh xuống nhân gian, thường làm bậc Vua Chúa, lại thường gần Tam Bảo, gieo trồng công đức lớn. Hoặc có người nữ nào, chán ghét thân đàn bà, một lòng đối trước tượng, Bồ Tát mà cúng dàng, trải ngày đêm như thế, không phút giây biếng lười, thường lấy hương, hoa, đăng, đồ ăn cùng thức uống, các vật báu, lụa là, phan, lọng... đem cúng dàng, thì thiện nữ nhân ấy, sau khi thọ mạng hết, trải qua muôn ức kiếp, được sinh về thế giới, đầy đủ trượng phu tướng, trang nghiêm và đẹp đẽ, tên đàn bà còn không, huống chi phải thọ nhận. Trừ người có bản nguyện, muốn sinh làm thân nữ, để độ thoát chúng sinh, chứ chẳng phải do nghiệp. Nhờ cúng dàng Địa Tạng, mà được phúc như thế.
   Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có người đàn bà, chán ghét thân xấu xí, tật bệnh cùng nhiệt não, thì chí tâm chiêm lễ, tượng Bồ Tát Địa Tạng, lâu khoảng bằng bữa ăn, người ấy thời sẽ được, trăm nghìn kiếp về sau, đầy đủ trượng phu tướng, khỏe mạnh không tật bệnh. Nếu người đàn bà ấy, không chán ghét thân nữ, thì sẽ được trăm nghìn, muôn ức kiếp tốt đẹp, thường được làm Công chúa, Hoàng hậu hoặc Vương phi, cùng dòng dõi quý tộc, tướng mạo thời đoan nghiêm, tính tình thì hiền thục, cầm kì cùng thi họa, trí tuệ thường hơn người, ít người sánh bằng được, đó đều do công đức, lễ Bồ Tát Địa Tạng, những phúc báo như thế, thật chẳng thể nghĩ bàn.
   Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có thiện nam tử, cùng thiện nữ nhân nào, đối trước tranh hay tượng, của Bồ Tát Địa Tạng, tán thán bằng âm nhạc, hát ca dâng cúng dàng, hoặc là khuyên một người, nhiều người làm như thế, thì phúc của người ấy, đời này và đời sau, được trăm nghìn thiện thần, ngày đêm hộ vệ cho, không cho các sự ác, tránh nghe lọt vào tai, lẽ nào còn phải chịu, những tai vạ bất kì?
Lại nữa Phổ Quảng ơi, ở trong đời sau này, nếu có các kẻ ác, thấy thiện nam tín nữ, quy y và lễ tán, cung kính và chiêm lễ, tượng Bồ Tát Địa Tạng, mà chê bai nhạo báng, nói không có công đức, hoặc nhe răng cười khểnh, hoặc quay mặt bỏ đi, rồi khinh khi nhạo báng, xúi người cùng chê bai, dù chỉ một niệm nhỏ, gièm chê người trì Kinh, kẻ đó ở đời sau, dù trăm nghìn Đức Phật, xuất hiện rồi diệt độ, trải qua nhiều Hiền kiếp, vì tội gièm pha ấy, vẫn ở trong địa ngục, chịu muôn hình tội khổ, đớn đau chẳng thể nói. Trải qua thời kì đó, lại đọa làm quỷ đói, hết kiếp quỷ đói rồi, thời đọa vào súc sinh, hết kiếp súc sinh rồi, mới được sinh làm người, bần cùng và hèn hạ, thân tâm nhiều cực khổ, chẳng bao lâu lại bị, đọa vào ba đường ác. Tất cả những khổ đó, đều do nhân gièm chê, người thụ trì đọc tụng, lễ Bồ Tát Địa Tạng, huống chi là tự mình, khởi ác tâm tàn phá, kinh sách cùng hình tượng, của Bồ Tát Địa Tạng, tội đó nhiều hơn trên, thọ khổ báo vô lượng.
   Lại nữa này Phổ Quảng, nếu ở đời sau này, có thiện nam tín nữ, bị ốm đau lâu ngày, nằm liệt giường liệt chiếu, cầu sống thời không được, cầu chết cũng chẳng xong, đêm nằm thường hay mộng, thấy ác quỷ hiện hình, hoặc là thấy quyến thuộc, cùng đi trong đường hiểm, hoặc hay bị bóng đè, hoặc đi chơi với quỷ... những sự khổ như thế, trải qua thời gian dài, lâu dần sẽ thành bệnh, điên cuồng và loạn tâm, kêu gào trong mê sảng, chẳng giây phút an vui. Tất cả những điềm đó, đang trong thời định nghiệp, vậy nên cầu sống yên, cầu chết đều không được, người trần dùng mắt tục, không thể hiểu việc ấy. Nếu muốn thoát khổ kia, mau ăn năn sám hối, đối trước hình tượng Phật, hoặc hình tượng Bồ Tát, mà đọc tụng Kinh này, một biến hoặc nhiều biến, rồi lấy vật người ốm, thích thú thường cất giữ, đem đối trước người đó, mà nói to lên rằng: “Chúng con đây tên là ... xin vì người bệnh kia...  đối trước Kinh, Tượng Phật, đem các đồ vật này, để cúng dàng Tam Bảo, làm các việc phúc thiện. Hoặc tô vẽ hình tượng, hoặc là xây chùa tháp, hoặc ấn tống kinh sách, hoặc mua đồ cúng dàng...”. Ba lần nói như thế, khiến người bệnh kia nghe, nếu như là thần thức, của người bệnh phân tán, hay là đã tắt nghỉ, trong vòng khoảng một ngày, hoặc hai, ba, bốn ngày, nhẫn đến trong bảy ngày, vẫn thường bảo như thế, và đọc tụng Kinh này. Khi người ấy chết rồi, các mầm tội nặng trước, dù cho năm trọng tội, đọa địa ngục A Tỳ, thảy đều được tiêu trừ, xa lìa thoát li hẳn, rồi thần thức người đó, dù đầu thai chỗ nào, thường nhớ được kiếp trước, sợ khổ mà hành thiện. Huống chi thiện nam tử, và các thiện nữ nhân, tự mình chép Kinh này, hoặc là bảo người chép; cùng tô vẽ hình tượng, của Bồ Tát Địa Tạng, công đức đó rất lớn, thật chẳng thể nghĩ bàn.
   Vậy nên này Phổ Quảng, nếu thấy có người nào, đọc tụng trì Kinh này, dùng một niệm tán thán, cung kính mà cúng dàng, Ông nên dùng trăm nghìn, các phương tiện thiện xảo, khuyên dạy cho người ấy, một lòng thụ trì Kinh, thì đời này đời sau, được trăm nghìn muôn ức, công đức lớn vô cùng, thật chẳng thể nghĩ bàn.
   Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có chúng sinh nào, ở trong đời sau này, thường chiêm bao cảnh ác, mơ màng thấy quỷ dữ, cùng các hình tướng lạ, gào thét hay kêu van, thảm thương nghe bi ai, tỉnh rồi còn thấy sợ, thì những cảnh lạ kia, đều có duyên với mình, hoặc cha mẹ anh em, vợ con cùng quyến thuộc, ở những kiếp về trước, một đời hoặc nhiều đời, nhẫn đến muôn ức đời, đang đọa trong đường ác, những người tội ác kia, nay đã biết ăn năn, nhưng không chỗ nương tựa, nên nay mới quay về, cầu quyến thuộc kiếp xưa, làm phúc hồi hướng cho, mong sớm được thoát khổ, xa lìa các nẻo ác.
   Này Phổ Quảng Bồ Tát, Ông nên dùng sức thần, khiến cho các chúng sinh, tội khổ trong ngả ác, quyến thuộc của người đó, đến đối trước Chư Phật, và Chư Đại Bồ Tát, dốc lòng tụng Kinh này, hoặc nhờ người tụng cho, đầy đủ số ba biến, hoặc bảy biến càng tốt, như vậy những quyến thuộc, của người nằm mộng kia, nghe được tiếng Kinh này, tất sẽ được giải thoát. Người ấy trong chiêm bao, không bao giờ thấy nữa.
Lại nữa này Phổ Quảng, ở về đời sau này, có những kẻ hèn hạ, tôi trai hay tớ gái, nhẫn người thiếu tự do, biết đó là nghiệp cảm, của mình tạo từ xưa, nên chỉ dốc một lòng, thành tâm mà sám hối, cung kính và đỉnh lễ, tượng Bồ Tát Địa Tạng, trong vòng khoảng bảy ngày, tinh tiến chẳng biếng lười; rồi lại niệm danh hiệu, của Bồ Tát Địa Tạng, một vạn lần trở lên, một lòng không tạp loạn, thì những hạng người ấy, hết nghiệp báo đời này, sang trăm nghìn kiếp sau, thường làm người tôn quý, không bần cùng khốn khổ, trong ba đường ác nữa.
   Lại nữa này Phổ Quảng, ở trong đời sau này, cõi Nam Diêm Phù Đề, từ dòng tộc cao sang, Vua chúa hay Quan lại, Bà La Môn, Cư sĩ, Trưởng giả hoặc thường dân, nếu có người sinh nở, được con trai con gái, trong khoảng bảy ngày đầu, mà biết đọc Kinh này, lại biết niệm danh hiệu, của Bồ Tát Địa Tạng, một vạn lần trở lên, thời những đứa trẻ ấy, kiếp trước có nghiệp ác, liền tiêu diệt hết ngay, được bình an mạnh khỏe, và tăng thêm tuổi thọ. Nếu trẻ mới sinh kia, sẵn có phúc đời trước, thì càng được tăng thêm, phúc báo trong nhiều đời.
   Lại nữa này Phổ Quảng, ở trong đời sau này, hàng tháng những ngày trai, ngày mồng một, mồng tám, mười bốn và ngày rằm, mười tám cùng hai ba, hai bốn và hai tám, hai chín và ba mươi, trong mười ngày trai đó, là những ngày kết tập, cân định tội nặng nhẹ, bởi thế nên chúng sinh, phải dứt ác làm lành. Vì các loại chúng sinh, cõi Nam Diêm Phù Đề, mống khởi tâm suy nghĩ, nói năng hay hành động, thảy đều là nghiệp nhân, phần lớn mắc tội cả, huống hồ lại buông lung, sát, đạo, dâm, vọng ngữ... gây ra trăm nghìn thứ, kết thành bao tội lớn. Trong mười ngày trai ấy, nên đối trước tượng Phật, Bồ Tát và Hiền Thánh, tụng một biến Kinh này, thì bốn phương xung quanh, trong vòng trăm do tuần, không có các tai nạn, do ác quỷ gây ra. Và ngay trong nhà ấy, lớn bé gái cùng trai, từ đó trở về sau, lâu dài trăm nghìn năm, xa lìa các đường ác, thường được hưởng an vui. Nếu mười ngày trai ấy, mỗi ngày tụng một biến, hiện đời được phúc báo, bình an không bệnh tật, đủ cơm ăn áo mặc, không nghèo cùng khốn khổ.
   Này Phổ Quảng Bồ Tát, bởi vì thế cho nên, các Ông hãy lắng nghe, Bồ Tát Địa Tạng đây, sức uy thần rộng lớn, hàng trăm nghìn muôn ức, sự lợi ích như thế, dù trải qua nhiều kiếp, kể ra chẳng hết được. Những chúng sinh nơi đây, cõi Nam Diêm Phù Đề, có nhân duyên rất lớn, với Bồ Tát Địa Tạng, khi nghe danh hiệu Ngài, hoặc là thấy hình tượng, nhẫn đến trong Kinh văn, nghe được vài ba câu, hoặc là một bài kệ, một đoạn trong Kinh ấy, thì ngay trong đời này, được vui vẻ lạ thường, trăm nghìn vạn kiếp sau, thân đoan nghiêm đẹp đẽ, dù sinh ở nơi đâu, đều vào nhà tôn quý”.
   Khi bấy giờ, Bồ Tát Phổ Quảng vừa nghe Đức Như Lai, khen ngợi về công đức chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Ngài liền vội quỳ xuống, chắp tay bạch Phật rằng: “Kính lạy Đức Thế Tôn, con đã biết từ lâu, sức uy thần rộng lớn, của bậc Đại Sĩ ấy, thật chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể diễn tả hết, con đã biết từ lâu, nhưng vì muốn lợi ích, khiến cho các chúng sinh, ở đời mạt về sau, được nghe Đức Thế Tôn, diễn nói các công đức, về Địa Tạng Đại Sĩ, thì liền khởi lòng tin. Kính lạy Đức Thế Tôn, nay con xin lĩnh thụ. Xin Như Lai bảo cho, Kinh này tên là gì? Xin Như Lai bảo cho, con biết cách lưu hành. Xin Như Lai bảo cho, cách thủ hộ Kinh này”.
   Ngay bấy giờ, Đức Phật liền bảo với Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Kinh này có ba tên, thường gọi ở đời sau:
     Một là: Kinh Bản Nguyện
     Của Bồ Tát Địa Tạng.
     Hai là: Kinh Bản Hạnh
     Của Bồ Tát Địa Tạng.
     Ba: Kinh Bản Thệ Lực
     Của Bồ Tát Địa Tạng.
Nguyên vì Bồ Tát ấy, từ bao kiếp đến nay, phát đại nguyện rộng lớn, làm lợi ích chúng sinh, nên các Ông hôm nay, có mặt trong hội này, phải phát đại nguyện sâu, để truyền bá Kinh này, vì sức của Kinh này, hay cứu đời thoát khổ".
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây