Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 3: Câu hỏi 11 đến câu hỏi 15

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Câu Hỏi 11: Kính bạch Hòa Thượng! Một đời gây tạo đủ các nghiệp ác, nhưng lúc lâm chung thật lòng sám hối, niệm Phật có thể đới nghiệp vãng sinh về Tây phương Tịnh độ, thoát khỏi mọi đau khổ, hiện tượng này phải chăng nó mâu thuẫn và trái với luật nhân quả? Xin Hòa thượng giải thích rõ vấn đề này cho chúng con hiểu!
Đáp: Xin thưa với quý vị, chẳng có mâu thuẫn. Những nghi hoặc của bạn là vì bạn chưa có nghiên cứu và đọc kỹ, trong kinh Phật và các bậc Tổ sư đã nói. Bởi vì cõi Tây Phương Cực Lạc là môt thế giới do công đức và lòng từ bi của chư Phật mà thành tựu một thế giới thanh tịnh, với bi nguyện của chư Phật, muốn cứu vớt hết tất cả những khổ nghiệp chúng sinh về nơi quốc độ của Ngài. Đây là một thế giới thuần thiện, nơi đó, toàn là những bậc Thánh tăng, Bồ Tát, La Hán, cho nên bất cứ ai sinh về cõi này, thì sống trong môi trường tốt đẹp với các bậc Thánh như vậy, không một ác duyên nào, nói khác đi, chung quanh đều là thiện tri thức, chẳng có bạn ác đến dụ dỗ hoặc đến quấy nhiễu bạn. Với môi trường tốt đẹp như thế, giúp cho chúng ta nhanh dứt trừ các việc ác, tu tập nhanh thành tựu quả vị. Dù người tạo nghiệp ác, nhưng biết thức tỉnh, ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật, họ vẫn được Phật tiếp dẫn về Tây Phương và mang theo nghiệp cũ đó về cõi Phật. Ta gọi là "Đới nghiệp" là mang theo cái ác nhơn cũ đó về Tây Phương, ở đó chẳng có ác duyên bên ngoài, thì các chủng tử xấu ác bên trong không thể hiện hành được. Bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc là thuần thiện. Do gặp môi trường tốt, nên các nhân thiện và duyên thiện huân tập vào trong tạng thức của chúng ta, nên việc tu hành rất nhanh thành tựu đạo quả. Đạo lý là ở chỗ này. Nó vẫn là nhân quả, nói về lý luận nhân quả, nhất định chẳng có trái nghịch và mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, người thật lòng sám hối là hi hữu và tốt đẹp vô cùng. Được như vậy thì mười phương chư Phật đều khen ngợi, tán thán. Chúng ta hiện nay biết được đạo lý này thì bây giờ phải thật lòng sám hối, không những trong tương lai mình vãng sinh, mà ngay trong đời sống hiện tại càng tăng thêm nhân cách của mình. Người có chí khí phải nỗ lực cố gắng vươn lên!
Câu Hỏi 12: Bạch Hòa thượng! Sau khi con thực hành pháp môn quán tâm, những tạp niệm vọng tưởng bớt dần, có thể giữ được trạng thái vô niệm và không niệm. Nhưng con có nghe bậc cổ đức nói trong kinh luận rằng: "Khởi tâm động niệm là thiên ma, không khởi tâm động niệm là ấm ma". Hữu niệm cùng với vô niệm giống như trái ngược nhau, vậy con kính hỏi Hòa thượng, như thế nào là đúng? Sao gọi là thiên ma, ấm ma, phiền não ma? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con hiểu!
Đáp: Ý nghĩa của chữ "Ma" trong Kinh Lăng Nghiêm nói: "Không luận cảnh giới gì xuất hiện, nhất định không dính mắc và chấp vào đó, như thế mới tốt". Còn Kinh Kim Cang nói rằng: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (Phàm những gì có hình tượng đều là hư vọng).
Lìa vọng tưởng chấp trước thật không dễ dàng. Pháp môn Tịnh độ dạy chúng ta chấp trì danh hiệu, chuyên chấp trước vào danh hiệu Phật A Di Đà. Ngoài ra, các vật khác không được chấp trước vào, đây là một phương pháp tu hành hay nhất. Chỉ chấp vào một câu A Di Đà Phật, ngoài ra không chấp các vật khác, đây thật quá dễ dàng. Cho nên, pháp môn niệm Phật gọi là "Dị hành đạo" (pháp môn dễ tu) Phật dạy chúng ta muốn chấp trì chỉ chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật đến khi lâm chung, nhất định Phật A Di Đà đến đưa về Tây phương. Khi về đến Cực Lạc rồi thì lìa hết các chấp trước. Chúng ta nên áp dụng cách tu này để cầu vãng sinh Tịnh độ, đây là cách tu yên ổn nhất và nhanh chóng nhất. Khi vãng sinh về thế giới Cực Lạc, thành tựu được quả vị, môi trường nhân duyên thù thắng giúp chúng ta đoạn trừ những vọng tưởng, sự thành tựu này, siêu việt hơn các pháp môn khác. Chánh nhân là như thế, các đức Phật Như Lai ở khắp mười phương thế giới đồng ca ngợi tán thán đức Phật A Di Đà là vậy.

Câu Hỏi 13: Kính bạch Hòa thượng, con cảm thấy câu nói "Tín, Hành, Giải" thực hành rất khó! Nếu như không thể chứng đắc thì về Tịnh độ phải chăng chẳng phải chuyện dễ dàng? Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Vãng sinh Tịnh độ quyết chẳng đòi hỏi chúng ta phải chứng quả. Đây là chỗ thù thắng của pháp môn Tịnh độ. Ngoài Tịnh độ Tông ra, các pháp môn khác đều phải chứng quả. Theo Đại thừa, Bồ Tát từ sơ tín tâm dần dần tu tập và trải qua nhiều quả vị mới chứng quả vị rốt ráo. Còn Tiểu thừa, từ quả Tu Đà Hoàn cũng phải trải qua các quả vị để dần dần tiến lên quả vị giác ngộ. Việc này thật khó! Còn pháp môn Tịnh tông, đề xướng "Đới nghiệp vãng sinh", tức là mang theo nghiệp cũ mà vãng sinh, về cõi Phật. Tuy chẳng cầu chứng quả, nhưng hằng ngày Phật tử cũng phải cố gắng tu tập để chuyển hóa tập khí phiền não của mình. Tại sao mình chuyển hóa không nổi? Là trong cuộc sống thường ngày có những lỗi nhỏ mà mình thường hay vi phạm, dần dần thành thói quen, do đó không thể chuyển nổi. Chỉ cần Phật tử tỉnh thức quyết tâm sám hối, gặp các cảnh duyên thuận hay nghịch, tự mình có bản lãnh nhẫn nhục, nhẫn nại, không phát ra sự nóng giận, rèn luyện được công phu như vậy thì vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có trở ngại nữa. Công phu này rèn luyện bằng cách nào đây? Nhất định phải nhìn thấu, buông xuống, thường thường nghĩ đến Phật. Kinh Kim Cang dạy chúng ta: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh". Đừng quá để ý, so đo người này, người kia bằng tâm đố kỵ, ganh tỵ thì tự nhiên tâm chúng ta sẽ bình lặng. Nhìn người khác có liên quan gì, chỉ cần chính ta không động tâm thì ta có thể vãng sinh. Một số người tu hành không thành tựu. Cái rắc rối lớn nhất là gì? Là đem lỗi lầm của kẻ khác để vào trong lòng của mình, không chịu buông xuống thì rắc rối lớn đấy. Nhìn thấy người này lỗi, kẻ kia sai, cứ mãi ghim chặt vào lòng thì chính mình làm khổ mình trước và mất đi cơ duyên vãng sinh. Người thông minh nhìn thấy tất cả chúng sinh tạo tội nghiệp cực trọng chỉ khởi lòng thương xót, cầu nguyện họ tránh những nghiệp ác. Khi đó, họ càng tinh tấn niệm Phật mong ngày thành tựu để cứu vớt tất cả chúng sinh. Nếu bạn đồng tu có sai phạm thì bằng lòng thành, chúng ta góp ý, khuyên nhủ họ. Tuy nhiên, người xưa nói với chúng ta: "Khuyên người nhiều nhất là ba lần, không thể bốn lần". Bốn lần thì biến thành oan gia đối đầu. Ba lần khuyên họ chẳng chịu sửa lỗi thì nên nhớ: "Vĩnh viễn chớ nên khuyên họ nữa". Khi gặp mặt nhau vẫn cung kính hoan hỷ làm bằng hữu, chớ làm oan gia, làm oan gia là không tốt rồi! Đây là cổ Thánh tiên hiền dạy chúng ta nguyên tắc xử thế đối với người tại thế gian này là vậy.
Câu Hỏi 14: Kính bạch Hòa thượng! Tiểu thừa tu tập theo pháp Thiền tứ niệm xứ, còn Đại thừa tu pháp Thiền; Mật giáo thì tu Trì chú và pháp môn Quán tâm. Vậy con kính hỏi Hòa thượng các tông phái nhiều như vậy thì cách tu có giống nhau không? Có phải cách nào cũng bổ sung cho nhau mới thành tựu được? Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Mỗi tông phái dùng danh từ thuật ngữ và cách thức không giống nhau nhưng tinh thần, mục đích và ý hướng giống nhau. Tứ niệm xứ thuộc về thiền. Sao gọi là thiền? Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, đức Lục Tổ nói rằng: "Không dính mắc các duyên bên ngoài gọi là thiền. Bên trong tâm không dấy động gọi là định". Kinh Kim Cang nói: "Không dính mắc hình tướng, như như bất động".Không dính mắc nơi hình tướng gọi là "Thiền"; như như bất động gọi là "Định". Không bị các duyên bên ngoài làm mê hoặc, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, không luận là cảnh thuận hay cảnh nghịch mà không bị khuấy nhiễu dao động gọi là "Thiền". Luôn giữ tâm cho được thanh tịnh, không vọng tưởng, phân biệt chấp trước đây gọi là "Định".
Pháp môn tu nào, mục đích cũng giúp mọi người được giác ngộ giải thoát nhưng điều thiết yếu của việc tu hành là: "Thâm nhập một pháp môn". Thực tế, khi thông một pháp môn thì thông tất cả các pháp môn. Chúng ta tu hành không thể tu một lần hay ba pháp môn. Cho nên, người tu học nhất định phải chọn lựa pháp môn nào hợp với mình, thích hợp với công việc sinh hoạt của mình trong hiện tại, cũng như trinh độ và khả năng của mình. Như vậy, mới dễ dàng thành tựu được.

Câu Hỏi 15: Kính bạch Hòa thượng! Con đọc rất nhiều kinh sách Phật nhưng con không biết làm cách nào khi áp dụng tu hành mà không bị chướng ngại. Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Việc tu hành hoàn toàn là do mình. Trong sinh hoạt hằng ngày, khi bạn quan hệ giao tiếp với bạn bè mà trong tâm mình vẫn y nhiên thanh tịnh, không có phân biệt, chấp trước, đó là không bị chướng ngại. Còn ngược lại, khi quan hệ tiếp xúc mà tâm không thanh tịnh thì cần phải buông xả hết tất cả. Đó là phương pháp tu hành.

/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây