Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 2: Câu hỏi 6 đến câu hỏi 10

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Câu Hỏi 6: Kính bạch Hòa thượng! Tại sao không thể đạt được kiến hòa đồng giải? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Vấn đề này Phật tử hỏi rất hay. Tại sao không thể đạt được kiến hòa đồng giải? Nguyên nhân chủ yếu là lúc nào bạn cũng thấy lỗi của người khác thì làm sao sống chung hòa mục được với mọi người được. Do vậy mà không thể áp dụng kiến hòa đồng giải vào đời sống một cách thiết thực được. Kiến hòa đồng giải, cái phạm vi nhỏ nhất của nó là dùng vào gia đình, mà gần nhất là tình vợ chồng. Vợ chồng hòa hiệp thì gia đình hạnh phúc. Có câu: "Gia hòa vạn sự hưng". Làm thế nào để cho cuộc sống hòa mục với nhau? Điều này trong các buổi giảng tôi thường nói đến: "Luôn thấy chỗ hay tốt của mọi người, đừng nên nhìn khuyết điểm của mọi người". Điều này tôi đã nói rất nhiều với quý vị rồi. Vợ chồng khi chưa kết hôn, đôi bên đều nhìn chỗ hay tốt của nhau, do đó mới sinh tâm hoan hỷ rồi kết hôn. Sau khi kết hôn thì hỏng hết, vì tối ngày chuyên nhìn thấy khuyết điểm của nhau. Điều này thì phiền phức lớn đấy! Như vậy thì làm sao có được cuộc sống an vui hạnh phúc cho đến trọn đời được. Muốn có hạnh phúc an vui với nhau, thì luôn thấy chỗ hay, chỗ tốt của mọi người, đừng có thấy ai cũng sai, cũng lỗi, sinh tâm khó chịu. Mình phải có tấm lòng rộng lượng bao dung, luôn thấy lỗi của mình nhiều hơn lỗi người. Có như thế, gia đình mới hạnh phúc, xã hội mới an vui, vợ chồng sẽ được bách niên giai lão, hòa hợp với hưng vượng. Then chốt là ở điểm này! Thường thường, ta hay nhìn lỗi của kẻ khác, đem cái lỗi của người ghim chặt vào trong lòng mình, như thế thì tạo nguyên nhân đưa đến phá sự hòa hợp rồi. Còn phá hòa hợp trong tăng đoàn, Phật nói: "Đó là tội đọa vào A tỳ địa ngục". Tuy nhiên, quý vị nên biết, chẳng phải tăng đoàn mà trong pháp thế gian tội cũng nặng. Người nào phá hoại sự hòa hợp, an định, hòa bình của xã hội, của thế giới thì đây chẳng phải là tội nhỏ. Điều này nhất định sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, quốc gia, và toàn thế giới. Cho nên, tội lỗi này rất nặng, rất nặng! Vì vậy, chúng ta nhất định phải ghi nhớ, tuyệt đối không đem lỗi lầm của kẻ khác để vào trong tâm mình thì tâm của chúng ta mới được thuần thiện. Tâm vĩnh viễn là thanh tịnh chân thành, từ bi. Đây là tự tánh. Đấy là chân tâm, là Phật tâm. Được vậy thì chúng ta mới thành tựu pháp tu.
Câu Hỏi 7: Bạch Hòa thượng! Thành phố Thẩm Quyến là một thành phố tương đối phát triển về mặt kinh tế. Ở đây, có rất nhiều Phật sống của Mật tông đến để hóa duyên. Phần nhiều các Phật tử bên Hội Tịnh Tông đến để thọ lễ quán đảnh. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Làm như thế có đúng không? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy!
Đáp: Đây là tùy nhân duyên của mỗi người, chúng ta không nên cản ngăn họ. Điều quan trọng là cần hiểu ý nghĩa đích thực của lễ quán đảnh, mà không chỉ hiểu chuyện này trên mặt hình thức. Về mặt hình thức, chỉ dùng một giọt nước nhỏ lên đầu để cho khai ngộ. Nếu thực như vậy thì cần gì chúng ta phải khổ nhọc tu tập học hỏi kinh điển! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cần gì phải bỏ công ra suốt 49 năm khổ nhọc giảng thuyết kinh giáo mỗi ngày, Ngài chỉ cần lấy nước nhỏ lên đầu mọi người thì ngộ rồi. Cho nên, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ ràng về vấn đề này.
Phật tử đến làm lễ quán đảnh, các Ngài dùng nước nhỏ lên đầu Phật tử, lúc đó Phật tử có khai ngộ không? Nếu như Phật tử có khai ngộ thì việc làm đó có hiệu quả! Vị chân sư của Mật tông là tổ Hoàng Niệm, Ngài chú giải trong Kinh Vô Lượng Thọ rất rõ ràng: "Quán" là gia trì phát triển lòng từ bi; "Đảnh" là diệu lý đệ nhất thù thắng của chư Phật. "Quán Đảnh" chính là đem tinh hoa giáo lý nhiệm mầu của chư Phật truyền cho mình. Chúng ta không hiểu đơn giản chỉ dùng một giọt nước nhỏ trên đầu là xong.
Hiểu được đạo lý này, mỗi khi chúng ta đem Kinh Vô Lượng Thọ hoặc Kinh A Di Đà tụng một thiên từ đầu đến cuối thì Phật A Di Đà làm lễ quán đảnh cho Phật tử một lần, tụng hai thiên được làm lễ quán đảnh hai lần. Đây không phải là Phật sống Đạt Lai Lạt Ma của Mật tông làm lễ quán đảnh cho Phật tử mà đức Phật A Di Đà làm lễ quán đảnh cho Phật tử. Do đó, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ ràng về đạo lý này, tu tập làm sao cho đúng pháp.
Nếu Phật tử hiểu được điều này thì tốt. Mình có gặp bạn bè, người thân cũng đem những điều như vậy trình bày cho họ hiểu. Còn họ đi hay không, cái này tùy duyên của mỗi người, không nên cản ngăn họ. Như vậy là tốt nhất.

Câu Hỏi 8: Kính thưa Hòa thượng! Ở Thẩm Châu có một vị pháp sư thường đến giảng pháp kết duyên, có rất nhiều Phật tử trong Hội Tịnh Tông đến nghe pháp. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Đi như vậy tâm có chuyên nhất không?  
Đáp: Người tu học Phật điều quan trọng là: "Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu". Điều tốt nhất là nên chọn một vị thầy để tu học. Khi nào mới rời thầy? Tiêu chuẩn này theo như người xưa học đạo là: "Khi nào khai ngộ, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, sạch các tạp nghiệp thì mới rời thầy". Nếu như mình chưa minh tâm kiến tánh thì không nên xa thầy quá sớm. Nếu xa thầy thì nhất định sẽ đi sai đường lạc lối.
Đối với người tu học pháp môn Tịnh độ, điều kiện đòi hỏi không cao lắm. Chỉ cần công phu niệm Phật cho đến thuần thục thì tin chắc rằng mình sẽ được vãng sinh về Tịnh độ. Lúc đó, người nào giảng kinh thuyết pháp quý vị cứ đến nghe. Bởi vì lúc đó không có trở ngại gì đến sự tu tập của mình cả. Còn như sự tu tập của mình chưa vững , công phu niệm Phật chưa thuần, việc vãng sinh về Tây phương Cực lạc chưa chắc, thì lo chuyên tu là điều tốt nhất, chưa đến lúc mình phải rời thầy. Ai là vị thầy của chúng ta? Đó là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà ở đâu? Ở trong Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi vì ở trong kinh mỗi ngày chúng ta tụng, mỗi ngày chúng ta tư duy, hiểu rõ được đạo lý và phương pháp tu trì như trong kinh đã nói, thì dõng mãnh tinh tấn tu hành. Phật dạy chúng ta làm, nhất định chúng ta nhận chân cho rõ ràng và nỗ lực thực hành. Đức Phật đã dạy chúng ta làm. Chỉ cần chúng ta bỏ ra thời gian hai năm hoặc ba năm tu tập nhất định sẽ được vãng sinh Tịnh độ.
Người tu pháp môn Tịnh độ thành tựu rất nhanh. Chúng ta xem bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và bộ Những Truyện Vãng Sinh thì thấy: Rất nhiều người niệm Phật trong vòng hai đến ba năm mà thành tựu vãng sinh. Có người thấy vậy đến hỏi tôi rằng: "Có phải vì họ tu pháp môn Tịnh độ mà thọ mạng của họ giảm xuống còn hai đến ba năm nên mới vãng sinh sớm như thế?". Tôi nói không đúng. Việc thù thắng là ở chỗ đó! Các vị có biết vì sao người ta niệm Phật từ hai đến ba năm lại được vãng sinh không? Vì họ đã đầy đủ điều kiện vãng sinh, không có một vọng tưởng xen vào, các việc thế gian họ không còn một chút đam mê đắm luyến, không còn nghĩ đến chuyện thọ mạng, chỉ muốn đi nhanh về cõi Phật mà thôi. Nếu chúng ta đem hai thế giới Ta bà và Cực lạc ra so sánh, thì một thế giới quá vui sướng, một thế giới quá là cực khổ. Do vậy phải nhanh đến thế giới Cực Lạc, còn luyến tiếc gì ở lại nơi đây để chịu khổ? Nhưng đôi khi có những trường hợp ngoại lệ. Có người thuận đi, có người chưa muốn đi vì họ còn có duyên ở thế gian nên muốn ở lại để giúp đỡ mọi người đến khi hết duyên rồi cũng đi, người nào không còn duyên thì họ đi trước. Khi rõ đạo lý này rồi thì tu hành phải có sự chuyên nhất, nếu không chuyên nhất thì rất khó thành tựu.

Câu Hỏi 9: Kính bạch Hòa thượng! Lâu nay, con chuyên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát và trì tụng Kinh Phổ Môn. Lúc làm việc cũng như khi đi kinh hành, con cũng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin hỏi như vậy có được không? Nếu niệm Phật thì chỉ trì tụng Kinh Vô Lượng Thọ. Như vậy, có được phép tụng Kinh Phổ Môn không? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con hiểu!
Đáp: Cư sĩ Giang Vĩ Nông một đời chỉ trì niệm Kinh Kin Cang. Khi xếp kinh lại thì Ngài niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đây chính lời Ngài nói: "Giáo tông Bát Nhã hành tại Di Đà". Phật tử trì Kinh Vô Lượng Thọ nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì đâu có trở ngại gì! Trì Kinh Phổ Môn, niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đều được cả, chẳng có gì trở ngại. Đem công đức tu học của mình mà hồi hướng cầu sinh Tịnh độ sẽ được vãng sinh. Trong Tam Bối Vãng Sinh, đoạn kinh văn sau cùng nói rõ: "Có những người, tuy họ chẳng chuyên tu Tịnh độ mà lại tu học các pháp môn Đại thừa khác nhưng tất cả phước đức, công đức, họ đều hồi hướng cầu sinh Tịnh độ, thì họ vẫn tự tại vãng sinh". Cái cửa Tây phương Tịnh độ của A Di Đà vô cùng rộng lớn, chẳng phải nhất định Ngài tiếp dẫn những người chuyên tu niệm Phật, mà còn tiếp dẫn những người hoằng pháp các pháp môn khác, nếu như họ biết hồi hướng về Tịnh độ, thì khi lâm chung tất cả đều được  vãng sinh. Quý vị phải ghi nhớ, đem công đức tu tập của mình mà hồi hướng thì sẽ thành tựu việc vãng sinh. Cái gì là công đức? Phật tử tu hành như vậy có công đức hay không? Nếu như chẳng có công đức thì lấy gì hồi hướng? Niệm bài kệ hồi hướng ấy là trống rỗng, chẳng có tác dụng gì cả. Điều quan trọng là chính mình phải có công đức chân thật. Công đức chân thật nói một cách đơn gản tức là tâm thanh tịnh. Trong kinh Phật thường nói: "Tâm tịnh thì Phật độ tịnh". Chúng ta tu hành quan trọng nhất là thanh tịnh tâm, xa lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì công đức sẽ hiện tiền. Vậy chúng ta phải nói rõ thêm một tí. Trì giới là công, được định là đức. Mình được định, là nhân nơi trì giới mà được định. Tu định là công, khai trí tuệ là đức. Phật tử nên biết, "công" là tu nhân, "đức" là kết quả của mình. Phật tử phải có "công tu" chân chánh, mới thành tựu được cái "quả đức" chân thật! Trì giới nếu như không được định thì việc trì giới đó là phước báu, là phước đức chẳng phải công đức. Chúng ta thấy nhiều người trì giới rất nghiêm, trì nghiêm như họ, đó là phước đức, chẳng phải công đức. Tại sao vậy Vì họ không được định, họ vẫn còn vọng tưởng phân biệt chấp trước, cho rằng mình tu giới luật rất hay, rất giỏi, thấy người kia phá giới, người nọ phạm giới, thì ngay đó công đức của chính mình bị hủy hoại hết. Trì giới như thế nào mới thành tựu công đức? Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói rất hay: "Nhược như chơn tu đạo nhơn, bất kiến thế gian quá" (nếu như người chân thật tu đạo thì chẳng nhìn thấy lỗi thế gian). Trì giới đó là công đức. Ngài trì giới được định. Phật tử thử nghĩ xem, dù có trì nghiêm giới luật hay đi nữa, nhưng nhìn thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ kia chẳng vừa ý, thấy mình hay giỏi hơn người. Thì trong tâm mình không an định được. Tâm không thanh tịnh thì giới này là phước đức, chẳng phải công đức. Công đức mới giúp chúng ta thể liễu thoát sinh tử, ra khỏi tam giới, còn phước đức thì không được. Công đức và phước đức chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng, muôn ngàn không thể hiểu sai! Phật nói trong kinh: "Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Lại nói: "Lửa thiêu rừng công đức". Lửa gì đây? Là nổi nóng, lửa sân hận, trong tâm không vui gặp phải chuyện không như ý, thì nổi nóng, ngay đó công đức sẽ mất hết. Công đức rất khó tu, khó tích tụ. Nếu như lúc mạng chung, chỉ khởi một niệm sân giận thì công đức mất hết, một đời tu tạo công đức, đến đó coi như hết. Quý vị thử hỏi một người nào đó: "Bạn có bao nhiêu công đức?". Thì người đó trả lời: "Từ khi niệm Phật, tụng kinh đến bây giờ chưa bao giờ nóng giận". Ngay đó biết họ tích tụ được ba nhiêu công đức, thì mình biết ngay. Chúng ta nên biết tâm nóng giận sẽ đánh mất hết công đức, Tâm tham ái cũng như vậy. Nói một cách khác, thất tình lục dục người Trung Quốc gọi là hỷ, nộ, lạc, ái, ố. dục - bảy thứ này, nếu chúng ta chẳng trừ nó sẽ phá sạch hết công đức của mình. Do đây có thể biết công đức không dễ tu, phước đức thì dễ. Phước đức sẽ không bỏ mất, công đức không dễ tu nhưng rất dễ đánh mất. Đây là công đức và phước đức cần phải phân biệt cho rõ ràng.
Câu Hỏi 10: Kính bạch Hòa thượng! Ở chùa Triều Dương có một vị cư sĩ, tu cấm khẩu đã hai năm rồi. Một lần gặp ông, con cảm nhận tâm của ông không thanh tịnh, khi nói ra, lời nói chứa đựng sự phiền não. Theo con hiểu, tu hành như vậy sẽ đoạn mất các duyên lành đối với chúng sinh. Cách tu như vậy, thấy thật thương xót. Xin hỏi Hòa thượng, phương cách tu hành như vậy có đúng không? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Phật tử nghĩ rất đúng, mục đích cấm khẩu là ở chuyên tâm, xa lìa các duyên bên ngoài để thanh tịnh tâm, miệng tuy không nói ra lời, nhưng thường dùng giấy bút để viết thay cho lời nói trao đổi với người này, người kia, dùng phương pháp này để giảng nói. Điều này thật là phiền toái, như vậy họ chỉ cấm khẩu trên hình thức, còn trong tâm các niệm tưởng lăng xăng, không dùng được. Các bậc Tổ sư dạy chúng ta: "Người tu hành phải từ nơi cội gốc mà tu, cội gốc đó là nơi tâm của mình, muốn cho tâm thanh tịnh, không nhiễm ô, thì tâm phải lìa các cảnh duyên bên ngoài". Về mặt hình thức, gặp chúng sinh có duyên cần giúp đỡ, tuy cấm khẩu cũng có thể giúp họ được. Giúp người bằng cách nào? Có người thì cần phải nói nhiều, có người thì không cần nói. Nói nhiều không bằng nói ít, ít nói chẳng bằng không nói. Điều quan trọng dạy người cần phải khế lý, khế cơ, nếu như không biết điều này, thì sự thị hiện của mình thật uổng phí, người ta không hiểu, không hiểu thì làm sao cảm hóa họ được.
Nói tóm lại, chúng ta tu hành từ suy nghĩ đến việc làm, mục địch là lợi ích cho tất cả chúng sinh, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, còn làm việc gì không có ích lợi cho chúng sinh thì nhất định chúng ta không làm. Thời gian của một đời người có hạn, chúng ta phải làm những việc hữu ích nhằm đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội, có như vậy chúng ta mới cảm hóa được vô lượng chúng sinh.

/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây