Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 6: 02. Chánh Kinh dẫn nhập

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
 

Chương II: CHÁNH THÍCH KINH VĂN

DẪN NHẬP:

Trước khi đi vào phần giải thích kinh văn quyển Hạ, chúng tôi xin trình bày sơ lược về sự sai biệt trong vấn đề phân chia ranh giới giữa quyển Thượng và quyển Hạ của bộ kinh Phạm Võng.

Căn cứ vào các bộ chú sớ của chư thượng đức còn lưu trữ trong các bộ kinh tạng để nghiên cứu thì có những điểm bất đồng quan trọng trong sự phân chia này:

– Theo bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Thuật Ký của Thắng Trang Pháp Sư triều nhà Ðường soạn.

– Bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Chú của Pháp Sư Huệ Nhân triều nhà Tống soạn.

– Bộ Phạm Võng Kinh Trực Giải của Tịnh Quang Pháp Sư triều Minh soạn.

– Bộ Phật Thuyết Phạm Võng Kinh Thuận Thù của Ðức Ngọc Pháp Sư triều nhà Thanh soạn.

Quyển Hạ bộ Phạm Võng Kinh bắt đầu từ câu: “Nhĩ thời, Lô Xá Na Phật vị thử đại chúng lược khai bá thiên hằng hà sa bất khả thuyết pháp môn” (lúc bấy giờ, Ðức Phật Lô Xá Na vì đại chúng trong pháp hội, lược giảng vô số pháp môn không thể tính kể như số cát của trăm ngàn muôn ức sông Hằng).

– Theo bộ Phật thuyết Phạm Võng Kinh Hợp Chú do Trí Húc Ðại Sư triều Minh soạn.

– Bộ Phật Thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Phẩm Hạ Lược Sớ do Hoằng Tán Ðại Sư triều Minh thuật.

Quyển Hạ bộ kinh Phạm Võng bắt đầu từ câu: “Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật tùng sơ hiện Liên Hoa Ðài Tạng thế giới, Ðông phương lai nhập thiên vương cung trung…” (Lúc bấy giờ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ lúc sơ khởi, hiện thân nơi thế giới Liên Hoa Ðài Tạng, qua phương Ðông đến tại cung của thiên vương…)

– Theo bộ Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh Nghĩa Sớ của Quán Ðảnh Ðại Sư ký lục, do tổ Trí Giả triều nhà Tùy giảng.

– Bộ Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh Sớ San Bổ của Minh Khoán Pháp Sư triều nhà Ðường soạn.

– Bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Sớ của Pháp Tạng Pháp Sư triều nhà Ðường soạn.

– Bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Sớ của Nghĩa Tịnh Pháp Sư triều nhà Ðường thuật v.v…

Quyển Hạ của bộ kinh Phạm Võng bắt đầu ở phần Văn Tụng: “Ngã kim Lô Xá Na, phương tọa Liên Ðài Tạng..” (Nay ta là Lô Xá Na, đang ngồi trên đài Liên Hoa…)

Vì có nhiều bộ chú sớ hiện còn lưu giữ trong các Ðại Tạng Kinh không thống nhất nhau về vấn đề phân ranh giới giữa quyển Thượng và quyển Hạ trong kinh Phạm Võng nên chúng ta hiện nay không thể lấy giả thuyết nào làm căn cứ chính xác. Ðây là một vấn đề khó phán đoán và quyết định.

Theo các bổn kinh Phạm Võng hiện đang lưu hành thì quyển Hạ bắt đầu từ đoạn kinh văn: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật…” Và người giảng cũng xin bắt đầu từ đoạn này. Xin chư Phật tử lưu ý, từ phần này trở đi, là phần chính thức giải thích kinh văn.

Kinh điển gồm ba phần:

Tự phần.
Chánh Tông phần.
Lưu Thông phần.
Nhưng vì phần giảng kinh này thuộc về quyển Hạ nên về mặt hình thức không hội đủ ba phần, nên tôi (pháp sư giảng kinh) vẫn phân làm ba đoạn:

– Tự thuyết giới duyên (nhơn duyên Ðức Phật thuyết pháp).

– Chánh thuyết giới tướng (chánh thức tuyên nói giới tướng).

– Kết khuyến lưu thông (kết thúc và khuyên lưu hành kinh).

A. TỰ THUYẾT GIỚI DUYÊN (nhân duyên thuyết giới) 
A.1. THẬP XỨ THUYẾT PHÁP (thuyết pháp mười nơi) 

Kinh văn: 

Bấy giờ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật từ lúc sơ khởi, hiện thân nơi thế giới Liên Hoa Ðài Tạng, sau đó qua phương Ðông, đến tại cung của Thiên Vương, diễn nói kinh Ma Thọ Hóa. Sau rốt, Ngài giáng sanh nơi cõi Nam Diêm Phù Ðề tại nước Ca Di La. Vua Tịnh Phạn là thân phụ và hoàng hậu Ma Gia là sanh mẫu. Nhũ danh của Ngài là Tất Ðạt Ða, Ngài xuất gia bảy năm, ba mươi tuổi thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Từ bửu tòa Kim Cương Hoa Quang, nơi đạo tràng Tịch Diệt, nhẫn đến nơi cung của Ðại Tự Tại Thiên Vương, trong mười nơi ấy, Ðức Phật tuần tự ngự đến thuyết pháp. 

Lời giảng: 

Quyển Thượng kinh Phạm Võng chủ yếu thuyết minh việc có từ ngàn Ðức Phật Thích Ca đến trăm ngàn ức Ðức Phật Thích Ca tuyên thuyết pháp môn Tâm Ðịa của Bồ Tát ở ngàn trăm ức thế giới trong mười phương.

Quyển Hạ kinh Phạm Võng thuyết minh về việc Ðức Phật Thích Ca ngự nơi thế giới Ta Bà này, vì các đại chúng giảng nói pháp môn Tâm Ðịa của Bồ Tát.

Vì thế, chữ “nhĩ thời” (bấy giờ) trong kinh có nghĩa chỉ thời gian lúc ngàn trăm ức Ðức Phật Thích Ca ở trong trăm ngàn ức thế giới giảng nói pháp môn Tâm Ðịa đã hoàn tất.

Chư cổ đức cũng có vị đem hai chữ “nhĩ thời” giải thích là thời gian từ nơi Thể mà khởi Dụng. Nghĩa là: Ngàn trăm ức Phật Thích Ca từ nơi chỗ Phật Lô Xá Na sau khi nghe pháp môn Tâm Ðịa của Bồ Tát, trở lại thị hiện nơi thế giới Ta Bà, vì tất cả chúng sanh ở cõi này tuyên thuyết pháp môn Tâm Ðịa của Bồ Tát. Ðây tức là sự diệu dụng từ bản thể mà phát khởi ra.

Năm chữ “Thích Ca Mâu Ni Phật” như mọi người đều biết là đức Giáo Chủ thế giới Ta Bà mà cũng là đức Bổn Sư của chúng ta.

Thích Ca Mâu Ni Phật là đức hiệu cỉa Phật. Phật vốn có nhiều thứ công đức bất đồng, thế nên đức hiệu cũng có nhiều tên khác nhau. Nhưng hiện tại gọi là Thích Ca Mâu Ni thể hiện ý nghĩa Ðức Phật xuất hiện ở thế giới Ta Bà này, đản sanh vào giòng họ một vị vua trong một quốc độ (chỉ cho xứ Ấn Ðộ). Danh hiệu của Ngài do phụ hoàng và mẫu hậu đặt. Thích Ca là họ, Mâu Ni là tên của Ðức Phật.

Thích Ca là họ của hoàng tộc, Trung Quốc dịch là Năng Nhân hoặc Năng Nhu, lại có chỗ dịch là Trực Lâm.

Chữ Nhân có nghĩa là Nhẫn. Hai chữ Năng Nhân có nghĩa là Năng Nhẫn.

Ví như có người tán thán công đức thiện hạnh của Ðức Phật, Ðức Phật quyết không bao giờ vì sự tán thán ấy mà thể hiện thái độ kiêu căng, tự đắc, hoan hỷ. Trái lại, giả sử có người phê bình những điểm không đúng của Phật, Phật cũng tuyệt đối không bao giờ cảm thấy không vui. Thế nên, đối với những điều vui mừng, buồn giận, trong tâm hoàn toàn không xao động, không ảnh hưởng, nên gọi là Năng Nhân.

Mâu Ni là đức hiệu của Thánh Giả, Trung Quốc dịch là Tịch Mặc. Ðây là danh từ phụ hoàng đặt cho Ngài. Sự việc này, trong kinh đề cập như vầy: “Chính lúc Bổn Sư Thích Ca còn làm vị Thái Tử. Lần nọ, Ngài tham dự đại hội của triều đình do hoàng tộc Thích Ca tổ chức. Khi đại hội sắp khai mạc, vì số người tham dự quá đông, nên không khí đại hội ồn ào, huyên náo một cách dị thường. Nhưng khi Thái Tử vừa đến thì tất cả những người tham dự đại hội đều đột nhiên im lặng. Cả đại hội đông người như thế mà không một tiếng nói phát ra, tất cả đều im bặt. Phụ hoàng của Ngài trông thấy cảnh tượng ấy, nội tâm dâng lên niềm cảm khái phi thường, liền đặt cho Thái Tử đức hiệu Mâu Ni”.

Họ của hoàng tộc hợp với đức hiệu của Ngài thành danh từ Thích Ca Mâu Ni. Bốn chữ này thông thường giải thích như vậy.

Nhưng cũng có người đứng trên lập trường tôn giáo mà giải thích: Thích Ca gọi là Năng Nhân, là tiêu biểu cho tâm đại bi của Phật. Dù Phật đã chứng đắc Niết Bàn một cách rốt ráo, nhưng vì tâm đại bi từ mẫn, Ngài không thể đành lòng để cho tất cả chúng sanh trầm luân trong sanh tử, không tìm được phương pháp nào để được an trụ trong cảnh Niết Bàn. Cho nên, Ðức Phật dù đã an trụ trong cảnh Niết Bàn, lại phải từ Niết Bàn tịch tịnh, đi vào cõi sanh tử luân hồi cứu độ chúng sanh.

Mâu Ni là Tịch Mặc, biểu thị cho đại trí của Phật, tượng trưng tâm tịch nhiên, mặc nhiên của Phật. Mặc dù Ngài đi vào cõi sanh tử để cứu độ chúng sanh, nhưng do nơi đại trí huệ rộng sâu của Ngài, Ngài đã thấu rõ sanh tử là bể khổ mênh mông, hoàn toàn hư giả, không gì chân thật, dường như mộng huyễn. Cho nên, Ngài dù ở trong cảnh sanh tử, mà vẫn không trụ trong sanh tử, không bị sanh tử làm loạn động, vẫn an trụ trong cảnh giới tịch nhiên, mặc nhiên.

Căn cứ vào đây thì thấy rằng bốn chữ Thích Ca Mâu Ni là hình ảnh của một vị Phật, biểu thị đầy đủ tính chất Bi, Trí song vận của một bậc Ðại Giác. Ngài được tôn xưng là Thích Ca Mâu Ni chính vì như vậy.

Tiếp theo đây, xin giải thích ba câu: “Tùng sơ hiện Liên Hoa Ðài Tạng thế giới, Ðông phương lai nhập Thiên Vương cung trung, thuyết Ma Thọ Hóa kinh dĩ” – (từ lúc sơ khởi, hiện thân nơi thế giới Liên Hoa Ðài Tạng, rồi qua phương Ðông đến tại cung của Thiên Vương, diễn nói kinh Ma Thọ Hóa).

Liên Hoa Ðài Tạng thế giới chỉ cho Hoa Tạng thế giới trong kinh Hoa Nghiêm thường nói đến, cũng có chỗ gọi là Hoa Nghiêm Hải Tạng thế giới. Căn cứ theo kinh Hoa Nghiêm thuyết minh: “Hoa Tạng thế giới ở trong Ðại Hương Thủy Hải. Trong Ðại Hương Thủy Hải này có một thế giới mà hình tượng giống như một đài hoa sen, cho nên gọi là Liên Hoa Ðài Tạng thế giới”.

Nếu chỉ là ý nghĩa như vậy thì cũng đủ, tại sao lại phải gọi là Liên Hoa Ðài Tạng thế giới?

Chúng ta nên biết rằng, chữ Tạng nghĩa là ẩn chứa, bao dung, biểu thị cho mười phương pháp giới được bao dung, hàm tàng trong Liên Hoa Ðài Tạng thế giới. Cho nên thêm chữ Tạng vào danh từ Liên Hoa Ðài và gọi đầy đủ là Liên Hoa Ðài Tạng thế giới.

Trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh: “Hoa Tạng thế giới có nhiều lớp, hết lớp này đến lớp khác. Trong mỗi lớp có hai mươi lớp nữa, đều thuộc Hoa Tạng thế giới. Cõi Ta Bà của chúng ta hiện đang cư trú thuộc về lớp thứ 13 của 20 lớp trong Hoa Tạng Hải thế giới; đồng thời, thế giới Ta Bà nằm ở mạn Ðông của thế giới Liên Hoa Ðài Tạng nên gọi là phương Ðông”.

Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vốn ở nơi Liên Hoa Ðài Tạng thế giới, nghe đức Lô Xá Na giảng pháp môn Tâm Ðịa của Bồ Tát. Sau khi nghe xong, Ngài từ biệt Ðức Phật Lô Xá Na, trở về phương Ðông, đến cung của Thiên Vương. Như vậy, thế giới Liên Hoa Ðài Tạng là nơi đức Bổn Sư Thích Ca đến, và cung của Thiên Vương là nơi Ðức Bổn Sư trở về.

Trước tiên, Ðức Bổn Sư cáo biệt đức Lô Xá Na nên kinh nói là “sơ” (trong bản Việt văn gọi là “sơ khởi”). Sau đó, Ngài xuất hiện nơi thế giới Ta Bà, cho nên nói là “hiện” (bản Việt văn gọi là “hiện thân”).

Ba chữ Thiên Vương Cung trong câu: “Lai nhập thiên vương cung trung”, có chỗ nói là Ma Hê Thủ La thiên cung, nhưng đa số nói là Ðâu Suất Thiên Cung (cung của thiên vương cõi trời Ðâu Suất) vì căn cứ vào trong kinh nói, mỗi Ðức Phật trước khi hạ sanh xuống nhân gian thành Phật đều cư trú ở cung trời Ðâu Suất.

Ðâu Suất là tầng trời thứ tư của cõi Dục, chia ra làm hai phần:

– Ngoại viện: là nơi cư trú của phàm phu thiên, cùng tất cả thiên nhơn thông thường của cõi trời Ðâu Suất. Tất cả chư vị cõi này còn thọ hưởng dục lạc.

– Nội viện: nơi cư trú của vị Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát và tất cả Bồ Tát khác.

Như đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, khi chưa hạ sanh trong nhân gian, tất nhiên là cư trú nơi Ðâu Suất nội viện. Ðức Di Lặc Bồ Tát đương lai hạ sanh thành Phật, hiện nay Ngài cũng vẫn cư trú nơi Ðâu Suất nội viện.

Căn cứ theo sự giới thiệu trong kinh Phật, chẳng những Bồ Tát Thích Ca cùng Bồ Tát Di Lặc thường ngự ở Ðâu Suất nội viện để sau đó hạ sanh xuống nhân gian thành Phật, mà đại phàm, tối hậu thân của chư vị Bồ Tát sắp hạ sanh xuống thế gian, đều an trú Ðâu Suất nội viện.

Trong Phật pháp thường đề cập ba cõi, 28 từng trời, chư Thiên ở cõi Sắc giới và Vô Sắc giới. Những phần này hãy tạm gác qua, riêng cõi Dục Giới có 6 tầng trời:

Trời Tứ Thiên Vương.
Trời Ðao Lợi.
Trời Dạ Ma.
Trời Ðâu Suất.
Trời Hóa Lạc.
Trời Tha Hóa Tự Tại.
Tối hậu thân của Bổ Xứ Bồ Tát do nguyên nhân nào mà không an trú ở năm cõi Trời kia, lại riêng ngự nơi cõi trời Ðâu Suất Ðà?

Ðối với vấn đề này, trong kinh từng nói rõ:

– Chư Thiên ở ba cõi trời Tứ Thiên Vương, Ðao Lợi Thiên và Dạ Ma Thiên, suốt ngày chỉ đam mê say đắm trong việc hưởng thọ khoái lạc cảnh ngũ dục, không bao giờ hay biết, hay nghĩ tưởng đến sự việc phải làm thế nào để thoát ly sanh tử. Cả đến chư Thiên ở cõi trời Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại cũng để hết tâm chí buông lung theo cảnh ngũ dục, không biết, không hay, cũng không từng nghĩ đến phải làm cách nào mong cầu thoát ly sanh tử.

Vì lý do ấy, tối hậu thân Bồ Tát quyết không cư trú nơi các cõi ấy. Từ ngữ Ðâu Suất Ðà là âm Phạn, Trung Quốc dịch là Tri Túc Thiên, nghĩa là:

– Chư thiên ở cõi trời này đều có ý niệm tri túc, tiết chế đối với sự hưởng thọ cảnh ngũ dục. Chư vị đối với cảnh ngũ dục không chìm đắm, say mê, cũng không buông lung theo chúng.

– Chư thiên phàm phu ở cõi này còn được như thế, nói chi đến nội viện là nơi cư trú của Thánh Nhân, đương nhiên không bao giờ bị cảnh ngũ dục làm mê hoặc. Vì lẽ đó, tối hậu thân Bồ Tát đều cư trú nơi Ðâu Suất thiên cung.  Lại có một thuyết nữa:

– Ba cõi bên dưới của Dục Giới thì cực kỳ buông lung theo ngũ dục, trong khi hai cõi Trời bên trên thì căn cơ lại quá ám độn. Chư Thiên cõi Trời Ðâu Suất ly khai được cả hai thứ đại hoạn nói trên. Vì thế, Bồ Tát đã sợ nơi buông lung, chán nhàm nơi độn căn, cho nên chỉ cư trú ở Ðâu Suất nội viện, mà không cư trú nơi các cõi Trời khác.

Tối hậu thân Bồ Tát an trú trong cung thiên vương Ðâu Suất nội viện, không phải ở yên trong ấy, đợi đến ngày hạ sanh xuống nhân gian thành Phật, mà là ngự trong ấy, chủ yếu vì chư Bồ Tát và tất cả chúng sanh được vãng sanh lên Nội Viện, giảng nói Phật Pháp.

Cho nên chúng ta thấy trong Phật Pháp từ trước đến nay vẫn đều thường đề cập đến thuyết Ðâu Suất Tịnh Ðộ, khuyên mọi người phát nguyện vãng sanh Ðâu Suất Tịnh Ðộ, để được thân cận với đức Di Lặc Bồ Tát đương lai hạ sanh. Vì thế, chư cổ đức Trung Quốc vãng sanh lên Ðâu Suất nội viện cũng rất nhiều.

Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi từ biệt Ðức Phật Lô Xá Na, trước tiên Ngài đến cung của thiên vương ở thế giới Ta Bà, nơi phương Ðông của Hoa Tạng thế giới, thuyết pháp hóa độ chúng ma, khiến cho chúng tiếp thọ được sự giáo hóa.

Ma tiếng Ấn Ðộ gọi là Ma La, Trung Quốc dịch là Sát Giả; nghĩa là nó có khả năng sát hại huệ mạng của chúng sanh, khiến cho thân tâm của chúng sanh không thể được tự tại.

Phật pháp không đề cập đến Ma thì thôi, nếu đề cập đến thì đều nhắm vào ý nghĩa không tốt. Vì các thứ này hay nhiễu loạn sự tu hành của hành giả. Nếu căn cứ vào bản ý của Thiên Ma mà nói thì yêu cầu tối đại của chúng là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành quyến thuộc của chúng.

Nếu chúng sanh nào cứ mải lặn ngụp trong tam giới, không có ý niệm nghĩ đến pháp xuất ly thì chúng ma đối với chúng sanh ấy rất là khách khí (tử tế, cung kính, khiêm nhường, vị nể…). Nếu người đó có yêu cầu việc chi thì Ma có khả năng cung cấp cho đầy đủ. Nếu muốn hưởng thọ sự khoái lạc, nó cũng đem sự khoái lạc cấp cho.

Nhưng nếu chúng sanh nào có tâm niệm mong cầu thoát ly tam giới, ly khai khỏi quyền hạn của Ma, không chịu làm quyến thuộc của chúng; lúc đó, chúng sẽ bắt đầu lộ ra bộ mặt dữ tợn, cực lực ngăn trở và phá hoại, không chút vị nể, làm cho chúng sanh ấy không còn cách nào có thể thoát ly tam giới, vĩnh viễn ở trong quyền quản chưởng của chúng.

Phật giáo nói đến Ma đương nhiên là rất nhiều. Nhưng khi Ðức Phật ở trong cung của Thiên Vương giảng kinh Ma Thọ Hóa, chủ ý của Ðức Phật là khắc phục chúng Ma. Nghĩa là: Dùng các thứ ngôn giáo để chỉ dạy chúng Ma và cảm hóa Ma chúng, khiến cho chúng tiếp thọ được sự giáo hóa của Phật, không còn làm những việc nhiễu loạn các hành giả trong Phật pháp.

Ðức Phật ở trong cung của thiên vương nói kinh Ma Thọ Hóa xong, khiến các Ma chúng tiếp thọ được sự giáo hóa của Ngài rồi, sau đó, Ðức Phật mới hạ sanh xuống Nhân gian và ở nơi thế gian này thành Phật.

Nơi đây, có một vấn đề cần phải giải thích rõ: Thông thường nói khi Ðức Phật ở dưới cội Bồ Ðề hàng phục được chúng Ma rồi thành đạo. Tại sao hiện tại, kinh này nói Ðức Phật ngự trong cung của thiên vương nói kinh Ma Thọ Hóa? Nếu Ma ở trong cung của thiên vương đã tiếp thọ sự giáo hóa của Phật rồi thì khi đức Thích Tôn thành Phật ở nhân gian, sao lại còn phải hàng phục Ma nữa? Lại còn có Ma gì để hàng phục?

Ðể giải đáp nghi vấn này, chúng ta nên biết:

– Ma có rất nhiều, không phải là một hay hai con Ma mà thôi, nên biết rằng: phía trước, phía sau, hai bên của hành giả, không lúc nào là không có ma.

– Ma luôn ở sát bên để dòm ngó. Cho nên, trong cung của Thiên Vương dù đã hàng phục Ma vương, nhưng đến khi xuất hiện ở thế gian, trước khi thành Phật, Ðức Phật vẫn còn phải hàng phục chúng Ma.

Tuyệt đối không nên nói rằng Ðức Phật ở trong cung của Thiên Vương đã khiến cho Ma Vương tiếp thọ được sự giáo hóa thì lúc ở nhân gian thành Phật, Phật không cần hàng phục chúng Ma nữa! Phật biết rằng ở nhân gian cũng có chúng ma cần phải khắc phục. Ngay khi Ðức Phật ở dưới cội Bồ Ðề đã hàng phục ma rồi, nhưng không thể nói là ở nhân gian do vậy mà không còn Ma.

Sự thật vẫn còn rất nhiều Ma, bằng chứng là sau khi Phật diệt độ, lúc quý đệ tử kiết tập Pháp Tạng, vẫn từng bị Ma xuất hiện quấy rối. Nếu như tất cả các chúng ma bị hàng phục rồi, thì lúc kiết tập Pháp Tạng, chư đệ tử Phật đâu còn bị Ma đến quấy phá nữa. Tuy rằng, các ma ở cung thiên vương cũng như dưới cội Bồ Ðề đã được Ðức Phật vận dụng sức đại từ bi, đại trí huệ, đại tinh tiến mà hàng phục chúng. Cho nên dù có đến đời vị lai, Ma vẫn còn xuất hiện để phá rối. Ðó là những chúng Ma chưa được Phật giáo hóa.

Riêng về kinh Ma Thọ Hóa, Phật giảng ở trong cung thiên vương; về mặt nội dung, Phật giảng những gì chúng ta không biết được vì chưa được truyền sang Trung Quốc.

Nói đến Ma thì có nhiều thứ Ma, không phải chỉ Ma ở bên ngoài. Y cứ theo trong Du Già Bồ Tát Giới giảng rõ rằng: “Bao nhiêu những thứ lợi dưỡng, danh dự, cung kính, phóng dật, keo kiết, bỏn xẻn, ham muốn, tức giận, giả dối, kiêu ngạo v.v… đều là Ma”.

Ngoài ra trong Pháp Tướng Duy Thức Học cũng nói rõ có nhiều thứ Ma như:

– Tham, sân, si: Ba thứ này trong kinh thường gọi là Tam Ðộc, vì nó làm hại tất cả thiện căn của chúng sanh. Nó là ba thứ tương phản với ba thứ thiện căn: vô tham, vô sân, vô si.

– Mạn (ngã mạn).

– Nghi (không quyết định được chân giả, phải trái).

– Ác kiến (chủng loại này chia làm năm thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ).

Sáu thứ ma vừa kể trên thuộc về Ma căn bản, còn hai mươi thứ sau đây thuộc về ma chi mạt (chi mạt: cành, ngọn cây), bao gồm:

Phẫn (giận).
Hận (tâm ấp ủ sự tức giận không quên).
Phú (có tội lỗi mà che giấu, không chịu phát lồ sám hối).
Não (đối với nghịch cảnh, tâm phát sinh sự nóng nảy, bực tức).
Tật (thấy người hơn mình sanh lòng ganh ghét).
Xan (có của cải, tiền tài sanh tâm keo kiết, cất giấu, không bố thí).
Cuống (đối với mọi người giả dối, không chân thật).
Siểm (dua nịnh mọi người).
Hại (có ác ý làm tổn hoại loài hữu tình).
Kiêu (kiêu căng, ngạo mạn).
Vô tàm (tự mình có lỗi mà không biết hổ thẹn).
Vô quý (bản thân có lỗi mà đối với người khác không biết hổ thẹn).
Trạo cử (nội tâm loạn động, lăng xăng).
Hôn trầm (tâm hồn không sáng suốt, tỉnh táo).
Bất tín (không có niềm tin chánh đáng).
Giải đãi (lười biếng, không siêng năng).
Phóng dật (buông lung theo bản năng).
Thất niệm (không giữ được chánh niệm).
Tán loạn (tâm không ổn định).
Bất chánh tri (hiểu biết sai lầm).
Sáu thứ ma căn bản và 20 thứ ma chi mạt trong Duy Thức Học vừa kể trên hằng ngày chúng ta cần phải kiểm điểm, mỗi khi chúng vừa xuất hiện trong tâm đều phải lập tức khắc phục.

Ở đây lại còn một vấn đề cần giải thích nữa:

Hàng thiên nhơn ở cung trời Ðâu Suất thường tu tập Thiền Ðịnh, hỷ túc, vốn không bị ma nhiễu loạn, nên đương nhiên không có ma để hàng phục. Thế nhưng tại sao trong kinh văn lại nói Ðức Phật ngự trong cung Thiên vương, nơi cõi trời Ðâu Suất, giảng nói kinh Ma Thọ Hóa? Hơn nữa, thông thường khi nói đến Thiên Ma, không phải chỉ cho Thiên Ma ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại mà chính là chỉ cho Thiên Ma ở cõi trời Ma Hê Thủ La. Như vậy, về điểm này không có sự thống nhất, làm sao có thể hội thông được?

Nên biết cung trời Ðâu Suất trong kinh văn là nơi ở giữa cõi trời Lục Dục và Phạm Thế, nhưng vì Ðức Phật thường chủ trương theo Lý Trung Ðạo nên dù Ngài ngự ở cung Thiên Vương nơi cõi trời Ðâu Suất thì thật ra cung của Ma vương cũng ở trong đó. Vì vậy, khi nói Phật ngự trong cung của Thiên Vương giảng nói kinh Ma Thọ Hóa thì không có gì nghịch lý.

Ngay đến như cung điện của Thiên Vương cõi trời Ma Hê Thủ La từ trước đến nay cho là thuộc phạm vi cõi trời Tứ Thiền, nhưng trời Tứ Thiền là tột đỉnh của Sắc Giới, tổng cộng có chín tầng, phía trên là cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên, nơi cư trú của Ðệ Tam Quả Thánh Nhân. Lẽ tất nhiên là không bao giờ có Ma ở cõi ấy, đến như trên đảnh của Sắc Giới lại có cung điện của đức Tỳ Lô Xá Na. Chư đại Bồ Tát thường tụ hợp trong ấy và cũng không bao giờ có Ma. Cho nên có người cho rằng Ðức Phật ngự trong cung của Ma Vương, trên cõi trời Tha Hóa Tự Tại giảng nói kinh Ma Thọ Hóa này, rồi sau mới vào Ðâu Suất nội viện.

Nhưng cũng có người cho rằng Ðức Thích Tôn sau khi từ biệt đức Lô Xá Na, đích xác là Ngài vào trong cung của Thiên Vương cõi trời Ðâu Suất. Lúc ấy, những Ma vương có đầy đủ nhân duyên được độ thoát đã thuần thục, tự động đi vào cung của Thiên Vương cõi trời Ðâu Suất để tiếp thọ sự giáo hóa của Phật. Thuyết này được đa số thừa nhận nên hiện tại tôi cũng chấp nhận lối giải thích này.

Khi Ðức Phật ở trong cung của Thiên Vương giảng kinh Ma Thọ Hóa xong, Ngài chuẩn bị giáng sanh xuống cõi nhân gian của chúng ta đang cư trú. Nhưng trước khi hạ sanh, thoạt tiên, Ngài dùng Thiên Nhãn quan sát cảnh nhân gian, thấy tất cả chúng sanh đều là những kẻ tạo ác nghiệp thì nhiều, mà tu theo thiện pháp thì ít. Do đó, bị các thứ khổ não vây quanh và đánh phá.

Nội tâm của Ngài cảm thấy xúc động tột cùng, Ngài tự nghĩ nên hạ sanh xuống thế gian để cứu độ chúng sanh sớm được ngày nào càng tốt, để giúp chúng sanh tất cả đều được hưởng hạnh phúc an lạc. Vẫn biết rằng trong pháp giới chúng sanh, có người căn cơ nghiệp chướng nặng nề, không dễ gì giáo hóa. Nhưng cũng có những kẻ căn cơ đã thuần thục, có thể hóa độ được. Cho nên, Ngài quyết định: Trước tiên phải hạ sanh ở nhân gian để giáo hóa những chúng sanh có thể tiếp thọ được sự giáo hóa, khiến cho chúng sanh đó được giải thoát.

Ngài lại vì những chúng sanh khó hóa độ, làm nhơn duyên được độ, để mong cho chúng gieo trồng thiện căn giải thoát ở cõi đời vị lai. Ðồng thời, Ngài lại vì muốn cho sự độ sanh được thuận lợi, nên quán sát kỹ năm việc:

1. Quán sát căn cơ tất cả chúng sanh trong nhân gian, xem tất cả đã rốt ráo thuần thục hay không.

2. Quán sát thời cơ Ngài hạ sanh ở nhân gian và thành Phật đã thật đúng lúc hay chưa đúng lúc.

3. Quán sát tất cả quốc độ trong nhân gian một cách tường tận, xem Ngài nên sanh vào quốc độ nào. Vấn đề lựa chọn quốc độ để hạ sanh, không phải căn cứ vào tiêu chuẩn giàu có, cường thịnh, mà căn cứ vào tiêu chuẩn quốc độ nào nằm ở vị trí trung tâm để thuận tiện cho việc khai hóa.

4. Quán sát chủng tánh trong nhân gian một cách rốt ráo, xem chủng tánh nào cao quý, thù thắng để thọ sanh. Vì chúng sanh ở thế gian đều có quan niệm những người thuộc dòng dõi cao quý, nói chuyện hay giảng đạo dễ được mọi người tiếp thọ. Vì thế, nếu hạ sanh vào trong chủng tộc tầm thường, khi giảng đạo hoặc nói chuyện, người khác không tiếp thọ, thì mất ý nghĩa hạ sanh ở nhân gian để giáo hóa chúng sanh.

5. Quán sát tất cả nam nữ trên thế gian, rốt ráo xem người nào có đủ tư cách làm cha mẹ mình.

Sự quán sát của Phật đã kết thúc, Ngài thấy rõ căn cơ của chúng sanh đã thuần thục, thời cơ hạ sanh đã đúng lúc, nước Ca Di La là trung tâm điểm của thế giới, dòng họ Sát Ðế Lợi là thuộc về chủng tộc cao quý, Tịnh Phạn đại vương và Ma Gia hoàng hậu có thể kham nhận làm cha mẹ của mình.

Sự quán sát đã kết thúc, Ðức Phật quyết định hạ sanh nơi nước Ca Di La của châu Nam Diêm Phù Ðề, thọ sanh nơi mẫu thân là Ma Gia, phụ thân tự là Bạch Tịnh, danh hiệu của Ngài gọi là Tất Ðạt (câu này bổn Việt Văn dịch: “Nhũ danh của Ngài là Tất Ðạt Ða”).  Thế giới của chúng ta hiện đang cư trú, trong kinh chia làm 4 đại bộ châu:

– Phía Ðông là Ðông Thắng Thần Châu.

– Phía Tây là Tây Ngưu Hóa Châu.

– Phía Bắc là Bắc Câu Lô Châu.

– Phía Nam là Nam Thiệm Bộ Châu.

Nam Thiệm Bộ Châu cũng là địa phương hiện tại chúng ta đang cư trú, có chỗ dịch là Nam Diêm Phù Ðề. Theo trong kinh điển thuyết minh, chẳng những đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giáng sanh ở châu Nam Diêm Phù Ðề trong nhân gian này, mà tất cả chư Phật trên thế giới này đều giáng sanh và thành Phật ở cõi Nam Diêm Phù Ðề này.   Nam Diêm Phù Ðề là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa dịch là Thắng Kim. Theo tương truyền, phía Bắc châu Diêm Phù Ðề có một đại thọ thật cao lớn, gọi là Diêm Phù Ðề thọ. Dưới đại thọ ấy có một con sông lớn, cát trong sông ấy toàn là màu tử kim, là thứ kim trấp (nước vàng), từ trên đại thọ chảy ra mà thành cát tử kim. Như thế, chúng ta biết đại thọ này là do nơi con sông lớn mà có tên, và châu Diêm Phù Ðề là do đại thọ mà đặt tên.

Tại vì sao chư Phật đều xuất hiện ở châu Diêm Phù Ðề mà thành Phật?

Việc này trong kinh A Hàm, Ðức Thế Tôn từng dạy rõ: Châu Nam Diêm Phù Ðề trong nhân gian có ba đặc điểm, mà ba châu khác không sánh kịp. Ba đặc điểm ấy như sau:

– Phạm hạnh thù thắng: Phạm hạnh là tu tập hạnh thanh tịnh. Do nơi tu tập hạnh thanh tịnh này mà khiến cho thân tâm của mỗi cá nhân được tập hợp với lý thanh tịnh, thậm chí còn làm những việc hữu ích cho nhân quần xã hội. Tinh thần đạo đức của nhân loại chính do nơi đây mà được phát triển và điểm đặc sắc của con người, gọi là bản chất Người, cũng từ nơi đây mà được biểu lộ đầy đủ.

– Ức niệm thù thắng: “Ức niệm” nghĩa là đối với những việc đã kinh nghiệm có công năng lưu giữ trong tâm, bỗng nhiên một lúc nào đó có thể ghi nhớ lại rõ ràng. Chính vì chúng ta có khả năng ghi nhớ những việc dĩ vãng, nên đối với lịch sử, văn hóa, chúng ta có thể bảo tồn, và từ trong ký ức tích lũy kinh nghiệm, chúng ta có thể khai phát trí huệ để giải quyết mọi vấn đề.

– Tinh tấn thù thắng: Người ở châu Nam Diêm Phù Ðề có tinh thần nhẫn nại đặc biệt trước những khó khăn, khổ nhọc. Trong bất cứ hoàn cảnh dù khắc nghiệt thế nào, hay tình trạng sinh sống cơ cực cỡ nào, họ đều có thể vận dụng tất cả nghị lực khắc phục và vô cùng tinh tấn, hướng về mục tiêu của mình đã nhắm đến. Nếu chưa đạt đến mục đích, họ quyết không dừng nghỉ. Có thể nói, đây chính là điểm ưu thắng tối đại của loài người ở Nam Thiệm Bộ Châu.

Ngoài ba đặc điểm nói trên, cõi Nam Diêm Phù Ðề còn có một thắng duyên cực tốt mà cả ba châu kia không hề có. Ðó là chư Phật xuất thế, thành Phật trong nhân gian, đều ở Nam Thiệm Bộ Châu.

Phẩm Ðẳng Kiến trong kinh Tăng Nhứt A Hàm thuyết minh: “Chư Phật Thế Tôn giai xuất nhân gian, chung bất tại thiên thượng thành Phật giả” (chư Phật Thế Tôn đều xuất hiện và thành Phật tại thế gian, không bao giờ ở thiên giới mà thành Phật vậy).

Căn cứ theo Phật pháp Tiểu Thừa, thì không có một Ðức Phật nào thành Phật ở trên cõi trời. Chư vị luôn xuất thế nơi cõi Diêm Phù Ðề và thành Phật cũng tại cõi nhân gian này.

Vì thế chúng sanh ở Nam Thiệm Bộ Châu đặc biệt có rất nhiều cơ hội gặp Phật cũng như nhân duyên nghe pháp cũng rất thù thắng. Cho nên làm người trên thế gian được sanh ở châu Nam Diêm Phù Ðề, nói theo lãnh vực Phật pháp, người ấy rất có phước báo và đầy đủ thiện căn thù thắng vậy.

Châu Nam Diêm Phù Ðề là một châu rất rộng lớn và có rất nhiều quốc gia. Khi một vị Phật giáng sanh, không phải tùy tiện bất cứ nơi nào Ngài cũng giáng sanh được, mà cần phải xuất hiện nơi trung tâm điểm của Nam Châu để biểu thị Ðức Phật thường an trú trong lý Trung Ðạo. Trung tâm điểm của Nam Diêm Phù Ðề này dưới sự quan sát của Phật nhãn, chính là nước Ca Tỳ La Vệ (Ca Di La), Trung Quốc dịch là Hoàng Phát (tóc vàng). Có hai lối giải thích từ ngữ này:

– Tương truyền rằng vào thuở xa xưa, nơi nước Ca Di La này có một vị tiên nhơn tóc vàng tu hành. Từ đó về sau, con cháu nhiều đời sau này của Hoàng Phát tiên nhơn tiếp tục cư trú nơi đấy, nên gọi nước này là Hoàng Phát.

– Thông thường mọi người cho rằng trong năm màu (đen, trắng, xanh, đỏ, vàng) thì hoàng sắc (màu vàng) là biểu thị cho lý Trung Ðạo. Và quốc hiệu Ca Di La, người Trung Quốc dịch là Hoàng Phát, là nhắm vào nguyên lý Trung Ðạo này vậy.

Về lãnh vực lịch sử, xưa kia người Ấn Ðộ thuộc chủng tộc Nhã Lụy An. Suy cứu về nguồn gốc phát tích của chủng tộc này từ phương Ðông hay phương Tây đến, các nhà sử học tranh luận nhiều, nhưng chưa đi đến kết luận. Nhưng theo ý nghĩa phiên dịch danh từ Hoàng Phát thì chủng tộc của nước Ca Di La chúng ta nên đồng ý rằng đó là người Hoàng chủng ở Ðông phương, không phải là người bạch chủng Nhã Lụy An từ phương Tây đến. Trong giống người Hoàng chủng đã xuất sanh một bậc Ðại Giác Thánh Giả vĩ đại như thế, đấy là một điều chúng ta phải hết sức vui mừng và hân hạnh!

Chính khi đức Bổn Sư Thích Tôn ở cung của Thiên Vương sắp hạ sanh nơi Diêm Phù Ðề, Ngài đã từng quán sát xem người nào xứng đáng làm cha mẹ mình, thì thấy chỉ có Ma Gia phu nhân kham làm sanh mẫu, Bạch Tịnh Phạn Vương kham làm nghiêm phụ.

Hai chữ “Ma Gia” nói cho đủ phải là Ma-ha Ma Gia, Trung Quốc dịch là Ðại Huyễn Thuật, có chỗ gọi là Ðại Trí Mẫu. Tương truyền, đức Ma Gia chẳng những làm Phật mẫu của đức Thích Ca mà còn có thể làm mẹ của chư Phật do vì Ngài có thể thành tựu pháp môn Ðại Nguyện Trí Giải Thoát của Bồ Tát, dùng Ðại Trí Huyễn Thuật thường làm mẹ chư Phật.

Ðến như vấn đề nhập thai của Bồ Tát, theo chỗ kiến giải của Ðại và Tiểu thừa không thống nhất nhau.

– Theo kiến giải của Tiểu thừa thì Bồ Tát ngự trên đại bạch tượng vương, từ hông phía bên mặt của mẹ mà nhập thai, và cũng an trụ ở hông phía hữu.

– Theo kiến giải của Ðại Thừa thì Bồ Tát ngự trên một lâu các bằng gỗ chiên đàn mà nhập thai.

Hai lối giải thích trên hoàn toàn khác nhau. Tên của phụ thân Ðức Phật, Trung Quốc dịch là Bạch Tịnh Phạn Vương, Ấn Ðộ gọi là Duyệt Ðầu Ðàn, là quốc vương nước Ca Di La đương thời. Ðức Thế Tôn xuất hiện ở nhân gian không phải sanh vào trong gia đình của người tầm thường, mà là sanh vào cung vua làm Thái Tử. Sau khi Thái Tử đản sanh, phụ hoàng và mẫu hậu đặt tên cho Ngài là Tất Ðạt Ða.

Danh từ Tất Ðạt Ða, Trung Quốc dịch theo hai nghĩa:

– Ðốn Kiết: biểu thị ý nghĩa khi Ðức Phật đản sanh, bỗng nhiên tất cả những điềm tốt lành đều cùng trong một lúc hiện ra.

– Nhứt Thiết Nghĩa Thành: biểu thị ý nghĩa Ðức Phật xuất hiện ở thế gian này, ở nơi thế tục làm Chuyển Luân Thánh Vương muốn thành tựu thì không điều gì chẳng thành tựu. Nếu xuất gia làm bậc Pháp Vương muốn thành tựu thì không pháp nào chẳng thành tựu. Vì thế nên gọi là Tất Ðạt Ða.

(Xin Phật tử lưu ý: Từ đoạn này về sau, những phần chúng tôi để trong ngoặc đơn chính là phần dịch nghĩa theo Giới Bổn Việt văn, chúng tôi sẽ không lập những chữ “theo Giới Bổn Việt văn” mỗi khi dịch nghĩa nữa).

Như trên đã giải thích nguyên văn trong kinh, từ câu “nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật…” cho đến “nhũ danh Tất Ðạt Ða”. Giờ đây, xin giải thích tiếp:

Kinh văn: 

Bảy năm xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, hiệu Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lời giảng: 

Từ trước đến nay một vấn đề quan hệ đến tuổi tác của Ðức Phật khi Ngài xuất gia. Từ trước đến nay, trong kinh thường có hai thuyết:

– Một số kinh cho rằng Ðức Phật xuất gia lúc mười chín tuổi.

– Một số khác cho rằng Ðức Phật xuất gia lúc hai mươi chín tuổi.

Hai thuyết này đều căn cứ vào Thánh Giáo hẳn hoi. Ngay trong Giới Bổn hiện tại khẳng định rằng Ðức Phật xuất gia vào lúc bảy tuổi. Ðiều này khó tránh khỏi sự hoài nghi của mọi người.

Căn cứ vào tiểu sử Ðức Phật: Sau khi Ðức Thế Tôn đản sanh, lúc Ngài bảy tuổi mới bắt đầu đọc sách thì làm sao có thể nói là đi xuất gia. Hơn nữa, sau khi Ngài kết hôn, Ngài mới thể ngộ sự vô thường, thống khổ của nhân loại. Do đó, Ngài động mối từ tâm, quyết bỏ hẳn ngai vàng, điện ngọc đi xuất gia để tầm đạo, cứu độ chúng sanh.

Y cứ theo sử liệu thì Tất Ðạt Ða thái tử, năm mười bảy tuổi kết hôn với công chúa Gia Du Ðà La. Dù cũng có nơi nói là mười chín hoặc hai mươi tuổi. Thậm chí có chỗ nói là Thái Tử kết hôn trước năm mười sáu tuổi. Dù Ấn Ðộ là một nước nhiệt đới, con người ở đấy phát dục sớm, nhưng có sớm thế nào thì cũng không thể có chuyện kết hôn lúc bảy tuổi. Vì bảy tuổi thì lúc bấy giờ thái tử còn là một tiểu hài, làm sao nói đến chuyện kết hôn?

Hơn nữa, vấn đề cho rằng Ðức Phật thành đạo vào lúc ba mươi hay ba mươi lăm tuổi, trong kinh cũng có nhiều thuyết bất đồng. Dù là thuyết nào, nhưng nếu cho rằng Ðức Phật bảy tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, có nghĩa là Ðức Phật xuất gia hơn hai mươi năm, sau mới thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trong khi đó, các kinh thông thường đều nói rằng, sau khi Phật xuất gia, Ngài tu khổ hạnh sáu năm thì thành Phật. So lại với những điều các thuyết bên trên đã nói thì hoàn toàn không hợp lý và hợp nhất. Do vậy, giả thuyết bảy tuổi xuất gia, lẽ tự nhiên đã khiến cho mọi người hoài nghi. Cũng từ đó, chư cổ đức có vị cho rằng “bảy tuổi xuất gia” nên nói ngược lại là “xuất gia bảy năm”; tức là: ý nói Thái Tử sau khi xuất gia bảy năm mới thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Thuyết vừa nêu trên, chúng ta thấy rằng hợp lý hơn cả. Vì nếu căn cứ vào thuyết cho rằng Ðức Phật hai mươi chín tuổi xuất gia, ba mươi lăm tuổi thành Ðạo, trước sau cách nhau bảy năm, thì vấn đề nói “bảy tuổi xuất gia” nên đảo lại là “xuất gia bảy năm”, chúng ta nên hoàn toàn chấp nhận.

* Riêng đối với thuyết cho rằng: Ðức Phật hai mươi chín tuổi xuất gia, hiện tại xin trích dẫn trong một số kinh điển để chứng minh:

– Trong kinh Niết Bàn viết bằng tiếng Pali, phái Nam Tông thuyết minh: “Tu Bạt! Ngã nhị thập cửu tuế xuất gia cầu thiện” (Này Tu Bạt! Ta lúc hai mươi chín tuổi xuất gia để cầu thiện pháp).

– Kinh Trường Hàm Du Hành của Bắc Tông thuyết minh: “Ngã niên nhị thập cửu xuất gia cầu thiện đạo” (Ta lúc hai mươi chín tuổi xuất gia để cầu thiện đạo).

– Trong kinh Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn thuyết minh: “Tu Bạt Ðà! Ngã niên nhị thập hữu cửu xuất gia học đạo” (Này Tu Bạt Ðà! Lúc ta hai mươi lẻ chín tuổi xuất gia học đạo).

Trong Luật Ðiển bộ Tạp Sự Luật của Nhứt Thiết Hữu Bộ, quyển 38 thuyết minh: “Ngã niên nhị thập cửu xuất gia cầu thiện pháp” (lúc Ta hai mươi chín tuổi xuất gia cầu thiện pháp).

Ngoài ra, còn các kinh như Tăng Nhứt A Hàm, Trường A Hàm, Trung A Hàm đều nói: Ðức Thích Tôn xuất gia lúc hai mươi chín tuổi.

* Về giả thuyết nói Ðức Phật xuất gia lúc mười chín tuổi thì có kinh, luận: Kinh Tu Hành Bổn Khởi, kinh Thái Tử Thoại Ứng, kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, Ðại Trí Ðộ Luận v.v…

Trong bộ Tây Vực Ký của Huyền Trang Pháp Sư cũng thuyết minh: “Du thành xuất gia, thời diệc bất định, hoặc vân Bồ Tát niên thập cửu, hoặc vân nhị thập cửu” (Thời điểm vượt thành xuất gia của Bồ Tát không thống nhất, có chỗ nói là mười chín tuổi, có nơi nói là hai mươi chín tuổi).

Dù có đến 2 thuyết như vậy, nhưng Phật giáo đồ trên thế giới hiện nay đều thừa nhận sự kiện Ðức Phật xuất gia lúc hai mươi chín tuổi.

Ðối với thuyết này, kinh Vị Tằng Hữu Nhân Duyên cũng có một đoạn ghi như vầy:

“Một hôm, Ðức Phật sai tôn giả Mục Kiền Liên đi về hoàng cung để độ La Hầu La xuất gia, tôn giả vâng lời Phật dạy, trở về hoàng cung để thăm dò ý kiến của công chúa Gia Du Ðà La.

Biết được sự kiện ấy, thâm tâm công chúa đau khổ vô cùng. Nàng đến trước tôn giả Mục Kiền Liên bạch rằng:

– Kính bạch Tôn Giả! Lúc Như Lai còn làm Thái Tử, Ngài kết hôn với tôi, thời gian chưa đầy chín năm, Ngài ly khai tôi đi xuất gia, vào chốn thâm sơn cùng cốc tu tập khổ hạnh, trải qua thời gian sáu năm, đắc thành Phật. Việc Ngài vất bỏ tôi đi xuất gia đã là một việc nhẫn tâm, thế nhưng tôi không tìm đến Ngài để gây chuyện phá rối, phiền phức. Như thế cũng là sự hết sức tử tế, khiêm nhượng, cung kính Ngài. Nay Ngài lại còn bảo tôn giả về bắt đứa bé này là con của tôi xuất gia, tại sao Ngài nhẫn tâm đến như thế?”

Căn cứ vào đoạn kinh văn trên, có thể nhận thực rằng Ðức Phật xuất gia lúc hai mươi chín tuổi, xuất gia tu học khổ hạnh sáu năm, đến năm ba mươi lăm tuổi thành đạo quả. So ra thì thuyết này hợp nhất. Cho nên trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn này nói “ba mươi tuổi thành đạo”, tôi thiết nghĩ, nên nói là “ba mươi lăm tuổi thành đạo” mới đúng.

 

Phụ chú: 

Sở dĩ phải giải thích, biện luận, dẫn chứng câu kinh văn “thất tuế xuất gia” qua các kinh, luật, luận một cách cụ thể và chi tiết, vì nếu chỉ y theo câu kinh ấy thì không phù hợp với tiểu sử Ðức Phật.

Nguyên bổn Hán Văn Bồ Tát Giới lưu truyền từ lâu nói: “Thất tuế xuất gia” (xuất gia lúc bảy tuổi), với thuyết này, những vị đọc bổn Hán Văn hoàn toàn không hiểu được tại sao có sự không hợp nhất. Vì trong bổn Việt văn, Hòa Thượng Trí Tịnh dịch: “Xuất gia bảy năm”, nên ít nhiều cũng gây ra hoang mang cho độc giả. Có vị cho rằng tôi giải thích như thế là thừa, vì trong Giới Bổn không nói Ðức Phật xuất gia lúc bảy tuổi, cần chi biện luận lung tung?

Nên biết Thượng Tọa Trí Tịnh, trước khi dịch Giới Bổn Hán văn, Ngài đã khảo cứu các bộ chú sớ về Bồ Tát Giới trong Ðại Tạng. Khi đã khảo cứu tường tận, Ngài thấy nếu y theo giới bổn Hán văn mà dịch là “bảy tuổi xuất gia” sẽ làm cho quý Phật tử đã thọ giới Bồ Tát rất hoang mang khi tụng giới, nhất là sẽ hoài nghi về lịch sử Ðức Phật.

Hầu hết Phật tử Việt Nam đều biết rõ Ðức Phật xuất gia lúc hai mươi chín tuổi, nên Ngài dịch là “xuất gia bảy năm”.

Căn cứ theo bộ Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm Hạ Lược Sớ của tổ Hoằng Tán triều Minh, thì Ngài cho rằng câu “thất tuế xuất gia” do người đời sao chép lúc bấy giờ đã nhầm lẫn. Nghĩa là: Thay vì viết “xuất gia thất tuế” lại viết lộn “thất tuế xuất gia”, và người đời sau xem thấy nhưng không dám tự ý sửa đổi.

Kinh văn: 

Hiệu Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lời giảng:       

Ðây là thuộc về thánh hiệu thọ ký không phải tên do cha mẹ đặt. Trong kinh Phật thường nói; Ðức Bổn Sư Thích Tôn, vào thời quá khứ, lúc Ngài còn thực hành Bồ Tát Ðạo, đến a-tăng-kỳ kiếp thứ hai đã mãn, được gặp Ðức Phật Nhiên Ðăng ở tại nước Liên Hoa. Bồ Tát phát tâm muốn đến thân cận với Ðức Phật để học hỏi kinh pháp.

Trong khi đi đến, Bồ Tát mua năm đóa hoa sen để cúng dường lên Ðức Phật, do nơi nhân duyên và nguyện lực của Bồ Tát, những đóa hoa ấy kết thành tàn lọng báu. Bất kỳ Ðức Phật đi, đứng chỗ nào, tàn lọng báu ấy đều theo Ðức Phật để che cho Ngài. Ðồng thời Bồ Tát Thiện Huệ lại phát thiện nguyện xin dùng tóc của mình trải lên bùn, cầu xin Ðức Phật đạp lên thân mình đi qua, để cầu xin được Ðức Phật thọ ký cho Bồ Tát thành Phật. Nếu như không được Ðức Phật thọ ký thì Bồ Tát nguyện nằm mãi dưới đất, quyết không đức dậy.

Ðức Nhiên Ðăng Thế Tôn trông thấy sự chí thành khẩn thiết của Bồ Tát Thiện Huệ như vậy, Ngài liền đi qua tóc của Bồ Tát và vì Bồ Tát thọ ký rằng: “Thử Thiện Huệ Bồ Tát! Ư vị lai thế đương đắc tác Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, thập hiệu cụ túc như ngã vô dị!” (Này Bồ Tát Thiện Huệ! Nơi đời vị lai, Người sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, đầy đủ mười danh hiệu như Ta đây không khác). Sau khi Ðức Phật vì Bồ Tát Thiện Huệ thọ ký như thế, ngay lúc ấy, Bồ Tát lên ngôi Bát Ðịa, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Kinh văn: 

Nơi đạo tràng Tịch Diệt. 

Lời giảng:

Hai chữ “đạo tràng” thông thường trong kinh có 2 lối giải thích:

– Chỉ các nơi hành đạo như: tu viện, điện đường, am thất… đều gọi là “đạo tràng”. Do vì đại chúng nơi đó dụng công hành đạo.

– Chỗ thành đạo rốt ráo, chỉ nơi Ðức Phật thành đạo.

Nói chung, bốn chữ “tịch diệt đạo tràng” ở đây ý chỉ nơi thành đạo của chư Phật vậy.

Ðại phàm, những địa phương chư Phật thành đạo, nghĩa là đã đạt thành ngôi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác và tất nhiên, đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả phiền não, giải quyết mọi sanh tử.

Do ý nghĩa này, chư cổ đức giải thích hai chữ “tịch diệt”: “Tịch ngũ trụ phiền não, diệt nhị chủng sanh tử” (năm điều phiền não cốt yếu đều vắng lặng, hai mầm mống sanh tử đã diệt trừ).

Phiền não tuy có rất nhiều thứ, nhưng chung quy gồm năm thứ chính yếu:

Kiến nhứt thiết xứ trụ địa.
Dục ái trụ địa
Sắc ái trụ địa
Vô sắc ái trụ địa
Vô minh trụ địa
Bậc Thánh Nhân trong Nhị Thừa chỉ có thể đoạn trừ bốn thứ phiền não trên, nhưng đối với Vô Minh Trụ Ðịa là loại phiền não rốt sau thì không thể đoạn trừ, chỉ có chư Phật mới có thể đoạn trừ hết ngũ trụ phiền não mà thôi.

Hai chữ “sanh tử” trong kinh chia làm hai loại:

– Phần đoạn sanh tử.

– Biến dịch sanh tử.

– Phần đoạn sanh tử: Ví như con người thọ sanh thân mạng ở nhân gian, không luận thọ hay yểu, lâu hay mau. Có người vừa sanh đã chết, có người thọ mạng được mười hay hai mươi tuổi, cho đến bảy mươi, tám mươi, một trăm tuổi. Khi sanh mạng kết thúc, tức là cáo chung một giai đoạn. Chính vì tính cách phân ra từng giai đoạn một trong sự thọ sanh của sanh chúng phàm phu, nên gọi là “phần đoạn sanh tử”. Thánh nhân trong Nhị Thừa chứng đến cực quả mới có thể đoạn hẳn chủng loại phần đoạn sanh tử này.

– Biến dịch sanh tử: Loại này chẳng những phàm phu không thể đoạn mà đến bậc thánh nhân Nhị Thừa cũng không thể đoạn trừ. Thứ biến dịch sanh tử này không thể cho là ra ngoài phạm vi của phần đoạn sanh tử. Thực ra, đó chỉ là những khổ tướng hoặc nghiệp khổ vi tế ẩn trong tâm thức rất khó nhận biết. Thứ khổ tướng hoặc nghiệp khổ vi tế này lên đến quả vị Phật mới đoạn trừ hẳn được. Cho nên Ðức Phật ở nơi đạo tràng Tịch Diệt thành Phật, tất nhiên là đã đoạn hẳn hai thứ sanh tử này.

Ðối với bốn chữ “đạo tràng Tịch Diệt” này, chư cổ đức còn giải thích như sau:

Căn cứ về Lý mà nói, “đạo tràng Tịch Diệt” là chỉ cho sự sở chứng lý tịch diệt thanh tịnh, vô vi, vô tướng của Bồ Ðề Niết Bàn. Có chỗ gọi là viên mãn Bồ Ðề, tức là trở về với chỗ Vô Sở Ðắc.

Chư Phật ở trong lý Tịch Diệt Vô Sở Ðắc thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác; ở trong lý tịch diệt Vô Sở Ðắc mà ngồi đại đạo tràng, chuyển đại pháp luân. Hoặc còn có nơi nói Bồ Ðề là Trí, Tịch Diệt là Lý. Nghĩa là dùng trí Bồ Ðề để chứng lý Tịch Diệt, cho nên gọi là Tịch Diệt Ðạo Tràng.


 

/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây