Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 4: 01c. Kinh Phạm Võng chính thức truyền đến nước Tàu

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
 

C. Kinh Phạm Võng chính thức truyền đến nước Tàu:

Trong phạm vi những khu vực Ðại Thừa Phật giáo lưu hành, tất cả Phật tử đều phải thọ Luật Nghi giới. Riêng hai chúng xuất gia tỳ kheo và tỳ kheo ni tuyệt đối phải thọ giới Bồ Tát. Những hành giả khác trong ngũ chúng, nếu ai phát Bồ Ðề tâm thọ giới Bồ Tát, đều có thể thọ Tâm Ðịa đại giới này. Hơn nữa, từ trước đến nay, các Phật tử đều y theo kinh Phạm Võng này để thọ giới Bồ Tát. Cho đến gần đây, Thái Hư đại sư đề xướng giảng giải kinh Ưu Bà Tắc Giới, mới có sự phân biệt trong việc truyền trao giới Bồ Tát:

– Hàng Phật tử tại gia thọ giới Bồ Tát thì y theo kinh Ưu Bà Tắc, thọ sáu giới trọng, hai mươi giới khinh.

– Chúng Phật tử xuất gia, thọ giới Bồ Tát thì y theo kinh Phạm Võng thọ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh.

Phạm Võng Giới Kinh nhờ đó lưu hành rất rộng ở Trung Quốc, và được chư đại đức nhiều thời đại rất mực tôn trọng. Nhưng vì vấn đề văn tự truyền dịch cũng như lịch sử truyền dịch thiếu sự minh bạch, kỹ lưỡng nên về sau không ít học giả nghi kinh Phạm Võng là ngụy tạo. Do đó sự hoằng thông kinh Phạm Võng bị ảnh hưởng rất lớn. Vì lý do ấy, bây giờ nên giải thích thế nào về vấn đề truyền nhập kinh Phạm Võng sang Trung Quốc?

Trước khi nói về vấn đề truyền dịch kinh này, tôi thiết nghĩ trước tiên, nên thuyết minh về:

– Sự truyền dịch Bồ Tát Luật tạng 

Theo tương truyền của chư thượng đức cổ đại: Vào triều nhà Lương, ngài Chơn Ðế tam tạng Pháp Sư lúc sắp đến Trung Hoa hoằng truyền Phật pháp, ngài từng suy nghĩ phải mang Bồ Tát Luật Tạng theo.

Nhưng lúc ngài vừa đem bộ Luật Tạng lên thuyền thì thuyền sắp bị đắm xuống biển. Mọi người trong thuyền lúc bấy giờ đều kinh sợ, cho rằng vì đồ vật quá nhiều, nên vội vã lấy bớt ra. Nhưng dù bớt ra bao nhiêu, thuyền vẫn cứ như sắp đắm.

Ðến cuối cùng khi lấy Bồ Tát Luật tạng đem ra thì thuyền nhẹ tênh lướt sóng, không còn hiện tượng sắp chìm đắm nữa. Chơn Ðế tam tạng mục kích sự kiện này, lòng ngài buồn vô hạn, không thể dằn được, Ngài than rằng: “Giới Luật Bồ Tát vô duyên với đất Hán như thế ư!”

Nếu như truyền thuyết trên là sự thật, thì chẳng những Chơn Ðế tam tạng có cảm tưởng đáng buồn, mà chính chúng ta hiện tại cũng có cảm giác bi thống vô hạn. Do đó nên biết sự lưu truyền Bồ Tát Giới không phải là dễ!

Lại có một truyền thuyết nữa như sau:

Ngài Ðàm Vô Sấm tam tạng Pháp Sư đến Trung Hoa. Lúc ngài ở tại châu Tây Lương, hoằng truyền Phật pháp, có quý sa môn Pháp Tấn v.v… từng hết lòng thỉnh cầu Ðàm Vô Sấm tam tạng truyền trao giới pháp Bồ Tát và khao khát được ngài phiên dịch Bồ Tát Giới Bổn để nương theo đó mà trì tụng, phụng hành. Nhưng Ðàm Vô Sấm tam tạng chẳng những không tiếp nhận lời thỉnh cầu của chư sa môn Pháp Tấn, lại còn thốt ra những lời hàm chứa nhiều ý khinh miệt: “Thử quốc nhơn đẳng tánh đa giảo hoạt, hựu vô cương tiết, khởi hữu kham vi Bồ Tát lợi khí” (Nghĩa là: Những người trong nước này đa số là hạng người tâm tánh giả dối, quỷ quyệt, không có tánh cương trực khí tiết, làm sao có thể kham nhẫn thực hành pháp khí của Bồ Tát đạo!)

Thế nên mặc cho quý sa môn Pháp Tấn khổ lụy cầu khẩn thế nào, trước sau Ðàm Vô Sấm tam tạng vẫn quyết không bằng lòng truyền trao Bồ Tát giới cho các vị này. Chư sa môn Pháp Tấn không còn cách nào hơn, chỉ đem tâm tối cực thành kính, khẩn thiết ở trước tượng Phật ai khẩn, lập thệ thỉnh cầu pháp giới.

Do nơi tinh thần thành khẩn của quý ngài đã đến mức cùng tột, nên vừa đúng một tuần, các Ngài mộng thấy đức Di Lặc Bồ Tát đích thân vì các ngài truyền trao giới pháp. Sau khi truyền giới Bồ Tát xong, đức Di Lặc lại đem bộ Bồ Tát Giới Bổn trao cho quý sa-môn. Các ngài ghi nhớ đọc tụng rất rõ ràng.

Sau khi tỉnh mộng, các ngài đặc biệt đến ra mắt Ðàm Vô Sấm tam tạng. Khi Ðàm Vô Sấm vừa trông thấy tướng mạo khác hẳn với trước đây của các ngài, Pháp Sư biết đó là những bậc pháp khí Ðại Thừa nên vô cùng hân hoan bảo rằng: “Hán độ diệc hữu nhơn hĩ!” (Ðất Hán cũng có người đủ pháp khí Ðại Thừa). Ngài không đợi sự cầu thỉnh của quý sa môn, tự động dịch quyển giới bổn ra Hán tự.

Thật là một sự trùng hợp không thể nghĩ bàn, vì quyển giới bổn của Ngài Ðàm Vô Sấm phiên dịch so với văn nghĩa của quyển Giới Bổn mà đức Di Lặc trao cho quý sa môn trong giấc mộng rốt ráo giống hệt nhau.

Bộ Ðịa Trì Giới Bổn hiện đang lưu hành trong kinh tạng gọi là Bồ Tát Ðịa Trì Kinh. Thật ra, Bồ Tát Ðịa Trì Kinh là tên phiên dịch khác của Du Già Luận Bồ Tát Tâm Ðịa. Nhưng chỉ có điều là giới bổn của Huyền Trang Pháp Sư phiên dịch, sự tường lược có chút sai khác mà thôi.

Trên đây là nói về sự liên quan giữa các Ðại Thừa Giới Bổn. Ở Ấn Ðộ vẫn sẵn có Bồ Tát Quảng Luật, nhưng vì chưa truyền đến Trung Quốc, nên Ðại Thừa Bồ Tát Luật Nghi ở Trung Quốc không hoàn bị bằng luật nghi của Thanh Văn thừa.

Năm bộ luật của Thanh Văn Thừa:

Ðàm Vô Ðức.
Tát Bà Ða.
Ca Diếp Di.
Sa Di Tắc.
Bà Ta Phú Ða.
Muốn biết rõ phải tham khảo trong Ðại Luật Tỳ Kheo sớm đã truyền đến Trung Quốc từ trước. Những mối quan hệ này, thiết tưởng không cần nói nhiều. Phần chủ yếu cần đề cập chi tiết và rõ ràng là sự phiên dịch của kinh Phạm Võng khi được truyền đến Ðông Ðộ.

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn từ trước đến nay đều nói Huyền Trang Pháp Sư phiên dịch. Sự việc này được các nhà chép kinh đồng ghi nhận, dường như không có điều gì nghi hoặc, nếu không muốn nói là rất thâm tín.

Nhưng căn cứ vào Pháp Kinh Sở Biên Soạn Chi Chúng Kinh Mục Lục (bộ sách ghi chép mục lục các kinh), thì vào triều đại nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng thứ 14 (Tây lịch 594), kinh Phạm Võng bị liệt vào hạng các luật đáng nghi hoặc, lại có nơi cho: “Chư gia cụ lục, đa nhập nghi phẩm”, nghĩa là: Các nhà ký lục ngày xưa phần nhiều liệt kinh Phạm Võng vào loại kinh luật đáng nghi ngờ.

Chính vì lẽ đó nên về sau, một số học giả nghi kinh Phạm Võng không phải do đức La Thập Pháp Sư chính tay phiên dịch. Từ mối nghi ngờ về dịch giả, tiến đến sự nghi kinh Phạm Võng là ngụy tạo. Những vấn đề quan hệ đến quyển kinh, thiết tưởng không nên nói nhiều để tránh cho vấn đề càng thêm phức tạp. Vì sự việc ấy rốt ráo như thế nào, xin đợi hàng học giả khảo chứng.

Căn cứ vào chư thượng đức trong nhiều thời đại đã y cứ theo kinh Phạm Võng truyền giới Bồ Tát, cho nên chúng tôi hiện nay cũng công nhận kinh Phạm Võng này chính từ đức La Thập Pháp Sư phiên dịch.

* Việc La Thập Pháp Sư phiên dịch kinh Phạm Võng như sau:

Tương truyền kinh Phạm Võng ở Ấn Ðộ có mười vạn bài tụng, nếu y theo kinh văn dịch hết ra thì có tất cả một trăm hai mươi quyển, sáu mươi mốt phẩm. Khi đức La Thập Pháp Sư dịch kinh này, chỉ dịch một phẩm thứ mười, thuyết minh về Bồ Tát Tâm Ðịa Giới Phẩm.

Phiên dịch xong, Ngài lại cho chép ra tám mươi mốt bộ để lưu thông nơi đời. Việc này trong bài tựa kinh Phạm Võng lại ghi: “Triều Hậu Tần tại Trường An, Thích Tăng Triệu thuật”. Nhưng sự thật không phải Thích Tăng Triệu thuật, mà chỉ nói rằng:

“Cho nên niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ ba, gió thuần hòa thổi đến Ðông Ðộ” (Câu này ám chỉ chánh pháp Như Lai truyền đến Ðông Ðộ).

Bấy giờ, Thiên Tử hạ chiếu, kính thỉnh Pháp Sư Cưu Ma La Thập nước Thiên Trúc, đến ở chùa Thảo Ðường, nơi Trường An, để cùng các sa môn Nghĩa Học, hơn ba ngàn vị Pháp Sư, tay cầm bản Phạn văn, miệng thì phiên dịch, giải thích tất cả hơn năm mươi bộ. Trong đó, có kinh Phạm Võng gồm một trăm hai mươi quyển, sáu mươi mốt phẩm, và Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm, là phẩm thứ mười trong kinh này, chuyên thuyết minh những công hạnh của Bồ Tát.

Lúc bấy giờ, các sa môn Ðạo Dung, Ðạo Ảnh v.v… tất cả gồm ba trăm vị, đều thọ giới Bồ Tát. Mỗi người đều có tụng phẩm Tâm Ðịa này để làm chỗ thù hướng cho tâm mình. Cho nên thầy trò tâm ý khế hợp, đồng nhau kính cẩn, tả phẩm Tâm Ðịa này, tất cả tám mươi mốt bộ để lưu truyền trong nhân gian”.

Căn cứ vào đoạn văn tự thuật trong kinh Phạm Võng vừa dẫn trên thì thấy đó là một bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ chính Pháp Sư La Thập phiên dịch bộ kinh này, không một luận thuyết nào có thể bác bỏ được. Có thể nói đó là một bằng chứng vững vàng như núi, không một thế lực nào có thể xô ngã được. Thế mà hàng học giả không xem kỹ lời tựa trong kinh đã nói, lại cho rằng do ngài Tăng Triệu thuật, đến nỗi khiến cho mọi người hoài nghi, cho rằng kinh Phạm Võng không phải chính tay đức La Thập dịch.

Kinh Phạm Võng hiện nay có hai quyển: Thượng và Hạ.

Có người cho rằng: “Quyển thượng không phải do La Thập Pháp Sư dịch, việc ấy miễn tranh luận. Quyển Hạ mới chính là Pháp Sư La Thập dịch và cần phải hết lòng tin chắc”. Ðây chẳng qua là một cách nói dung hòa, cũng là một dụng tâm duy trì giới pháp. Nhưng nếu khảo sát thật sự trên lịch sử thì thuyết dung hòa này đúng hay không? Chúng ta nên có thái độ dè dặt, và hãy đợi khi nào có tài liệu khả dĩ tin tưởng được, sẽ xét lại sau.

Lại còn có sự tương truyền rằng kinh Phạm Võng là do đức La Thập phiên dịch từ trước đến nay gọi: “Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Ðịa Giới Phẩm”, cũng có nơi bỏ bớt chữ Giới mà gọi: “Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Ðịa phẩm”.

Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm này lại chia làm hai phẩm: Thượng và Hạ.

– Theo kinh văn, phẩm Thượng do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ở cung trời Ðệ Tứ Thiền kình tiếp (4) tất cả đại chúng, đồng đi về cung Tử Kim Cương Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Tạng. Nơi đó, đức Phật Lô Xá Na ở trên đài Liên Hoa, đối trước ngàn trăm ức Phật, Phật Thích Ca và Hoa Quang Vương Ðại Trí Minh Bồ Tát, rộng giảng ba mươi tâm, pháp Thập Trụ v.v… cùng với pháp môn Thập Ðịa. Do nơi thuyết giả và thọ giả đều là Thánh Nhơn, nên đối với căn cơ của phàm phu, đương nhiên là khó khế hợp được phần giảng pháp này.

– Phẩm Hạ là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, sau khi thọ trì pháp môn Tâm Ðịa do đức Lô Xá Na giảng (đã nói ở bên trên), từ thế giới Liên Hoa Tạng ẩn thân, rồi ở nơi 10 chỗ khác thị hiện thành Phật thuyết pháp. Ðức Phật ngồi ở dưới cội Bồ Ðề nơi cõi Diêm Phù Ðề, tại thế giới Ta Bà này, tụng lại giới pháp Bồ Tát, gồm mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, mà đức Phật Lô Xá Na đã kiết giới và giảng giới. Hiện nay, chúng tôi đang giảng kinh văn phẩm Hạ. Xưa gọi là “Phạm Võng Kinh Lô Xá Na Phật Sở Thuyết Thập Trọng, Tứ Thập Bát Khinh Giới”; ý ấy cũng chính là do sự tích này.

Kinh này do chính đức La Thập Pháp Sư phiên dịch, từ trước đến nay đã lưu truyền như vậy. Phần lịch sử của dịch giả, thiết tưởng cũng nên giới thiệu sơ lược nơi đây.

Căn cứ theo bộ Trung Quốc Phật Giáo Sử, đức La Thập Pháp Sư đến Trung Quốc nhằm lúc mùa Ðông, triều Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ ba (Tây lịch 401). Ngài ở tại Trường An đến niên hiệu Hoằng Thỉ thứ mười lăm (Tây lịch 413), tháng Tư năm ấy, Pháp Sư viên tịch. Pháp sư đã ở tại Trung Quốc hoằng truyền chánh pháp, giáo hóa chúng sanh chỉ trong thời gian hơn 10 năm. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, công trình phu dương (5) thánh giáo và phiên dịch rộng rãi các diệu điển của Pháp Sư thực là một ảnh hưởng hết sức vĩ đại đối với Phật giáo Trung Quốc.

Công đức này được thể hiện rõ trong hai câu điếu văn của Tăng Triệu Pháp Sư, khi đến phúng điếu đức La Thập, như sau:

Pháp cổ trùng chấn ư Diêm Phù, 
Phạm luân tái chuyển ư Thiên Bắc. 

Dịch:

Trống chánh pháp rung chuyển cõi Diêm Phù, 
Xe phạm hạnh trở lại vận chuyển miền trời Bắc. 

Sự hưng thạnh pháp duyên của đức La Thập đương thời có thể nói rằng xưa nay ít có pháp tịch nào có thể sánh kịp. Vì thế, khi đức La Thập vừa đến Quan Trung, tất cả tăng tài tuấn tú của Phật giáo quốc nội đương thời, đều vân tập đến dưới pháp tòa của Ngài để học hỏi và tùng sự phiên dịch kinh luận, đồng thời cộng tác việc hoằng hóa chánh pháp.

Kinh luận của La Thập Pháp Sư phiên dịch lấy “tánh không, Bát Nhã học” làm chủ yếu:

– Các kinh phiên dịch gồm có Ðại Phẩm Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã, Pháp Hoa, Duy Ma, Tư Ích…

– Các luận phiên dịch gồm có Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, Ðại Trí Ðộ Luận…

Pháp Sư La Thập cùng tất cả môn nhân của ngài, những vị đã thấm nhuần giáo lý và được huân đào từ lâu, đều lấy Ðề Bà Luận của Long Thọ Bồ Tát để xiển dương Trung Ðạo Diệu Nghĩa, Bát Nhã Tánh Không. Chân nghĩa của Ðại Thừa Phật pháp nhờ đó mới được tỏ rạng ở Trung Quốc.

Nên trong bộ Trung Quán Luận Giảng Ký giải rõ: “Sự dịch thuật của đức La Thập ảnh hưởng cho Ðại Thừa Phật giáo ở Trung Quốc vô cùng sâu rộng, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều được thọ nhận ảnh hưởng của Ngài, nếu không có sự truyền dịch của đức La Thập thì Phật Giáo Trung Quốc hiện tại, quyết không được như thế…”

Chúng ta đối với thành tích dịch thuật của Ngài, cần phải từng giờ, từng phút tri ân không quên! Phụ thân của La Thập Pháp Sư tên Cưu Ma La Viêm, người nước Thiên Trúc. Mẫu thân ngài là Kỳ Bà công chúa, em gái quốc vương nước Quy Tư. Khi phụ thân của Pháp Sư đến Quy Tư, quốc vương nước này đem em gái gả cho. Sau khi kết hôn, bà đản sanh ra Pháp Sư. Ngài xuất gia lúc bảy tuổi, sau đó du học các địa phương ở Ấn Ðộ, việc này các kinh thường nói, ở đây miễn thuật lại.
/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây