Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 8: Chú thích

Chú thích: 

1. Tối hậu thân Bồ Tát:

Còn gọi là tối hậu sanh hoặc tối hậu hữu, hoặc hậu thân Bồ Tát, tức là thân rốt sau của Bồ Tát trong đường sanh tử. Sau đó, Bồ Tát đắc quả thành Phật.

– Luận Câu Xá quyển mười tám nói: “Trụ tối hậu hữu gọi là tối hậu sanh”.

– Bộ Câu Xá Quang Ký quyển 18 giải thích: “Tối hậu sanh tức chỉ cho thân sanh trong vương cung”. – Trong Du Già Lược Soán Luận thuyết minh: “Tối hậu thân nghĩa là đã sanh ở cõi Dục Giới, thì chính ở nơi thân này thành đạo. Vì thế, nên thân này là thân tối hậu hữu, ở trong sanh tử nên gọi là tối hậu thân”.

2. Ngũ Bất Hoàn Thiên:

Còn gọi là Ngũ Tịnh Cư thiên, bậc thánh nhân đã chứng quả Bất Hoàn ở Ðệ Tứ Thiền cõi Sắc.

Chỗ của thánh nhân sanh này có năm cảnh giới sau đây:

– Vô Phiền Thiên: cảnh trời này là cảnh giới hoàn toàn không còn những phiền tạp nên gọi là Vô Phiền Thiên.

– Vô Nhiệt Thiên: cảnh trời này hoàn toàn không có sự nhiệt não.

– Thiện Hiện Thiên: cảnh trời này những thiện pháp thù thắng thường xuất hiện.

– Thiện Kiến Thiên: cảnh trời này thường thấy được những thiện pháp thù thắng.

– Sắc Cứu Cánh Thiên: cảnh trời này là tối thắng Sắc Giới thiên. Trong Thế Phẩm của bộ Câu Xá Tịnh Sớ thuyết minh: “Vì sao năm cõi trời trên gọi là Tịnh Cư thiên? Vì năm cõi ấy, chỉ có thánh nhơn cư trú, không có phàm phu xen lẫn, nên gọi là Tịnh Cư thiên”.

3. Ðốn Kiết:

Ðốn Kiết ở đây chỉ cho việc khi Thái Tử sắp đản sanh, có rất nhiều điềm lành xuất hiện. Gồm có tất cả ba mươi bốn thứ thoại ứng. Nhưng trước khi liệt kê, thiết tưởng chúng ta nên biết qua tình trạng của Bồ Tát khi còn ở trong thai.

Khi còn trong thai mẹ, Ngài không bao giờ làm cho mẫu thân có những khổ não, lo buồn và nhất thiết mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều được tự tại, không bị chướng ngại. Ðấy là đối với mẫu thân.

Riêng đối với chúng sanh, Ngài luôn thực hành sự lợi tha giáo hóa, nên vô lượng chúng sanh đều được sự lợi ích thuần thục. Ngày đêm phân ra làm sáu thời:

– Buổi mai, Ngài vì chư Thiên cõi Sắc giảng diệu pháp.

– Khi giữa trưa (đứng bóng), Ngài vì chư Thiên cõi Dục chỉ dạy, giảng nói các pháp.

– Buổi chiều, vì quỷ thần giảng pháp.

– Ban đêm cũng chia ba thời như vậy.

Khi phu nhơn mang thai ngày tháng sắp đủ, bà muốn ngự ra chốn viên lâm để ngoạn cảnh, Bạch Tịnh Ðại Vương hay tin, liền hạ lịnh quét dọn sạch sẽ khu vườn Lâm Tỳ Ni.

Chi tiết này trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh: “Khi phu nhân mang thai đã đủ mười tháng, vào ngày mùng Tám tháng Tư, khi mặt trời sắp mọc, phu nhân trông thấy trong vườn có một cây đại thọ mang tên là Vô Ưu, đang nở hoa màu sắc tươi đẹp, lại ngát hương. Cành cây tỏa ra bốn phía vô cùng xum xuê, tươi tốt. Phu nhân đưa tay phải định kéo cành hoa để hái, Bồ Tát từ nơi hông phải của mẹ thoát thai”.

“Chính lúc ấy, dưới đại thọ bỗng hiện bảy đóa hoa sen bằng thất bảo lớn như bánh xe. Bồ Tát Thích Ca rơi trên hoa sen. Không cần người dìu đỡ, Ngài tự đi bảy bước, đưa tay hữu lên, phát ra âm thanh sư tử hẩu” (tiếng rống của sư tử. Nên biết sư tử là vua trong muôn thú. Khi nó thét một tiếng, tất cả mọi loài thú đều nép phục sợ hãi. Ở đây dùng thí dụ này để chỉ cho âm thanh của Phật cũng vậy. Nghĩa là tiếng nói của Phật khiến tất cả thiên ma, ngoại đạo khi nghe đến đều phải quy hàng).

Câu nói đầu tiên của Ngài là “thiên thượng, thiên hạ, duy Ngã độc tôn” (ta ở trong tất cả nhân, thiên là bực tối tôn, tối thắng, không ai hơn được).

Ngay chính lúc ấy, 34 điềm lành cảm ứng hiện ra:

1) Mười phương thế giới chiếu sáng rực rỡ.

2) Tam thiên đại thiên thế giới có mười tám thứ chấn động. Trong kinh thường gọi sáu loại chấn động, nhưng trong đây nói có mười tám tướng vì sự chấn động của đại địa có 3 loại, mỗi loại có sáu thứ, tổng cộng thành mười tám thứ. Ba loại chấn động: động lục thời, động lục phương, động lục tướng.

+ Ðộng lục thời: sáu thời kỳ chấn động của đại địa. Kinh Trường A Hàm thuyết minh sáu thời kỳ này:

– Lúc Phật nhập thai.

– Lúc Phật xuất thai.

– Lúc Phật thành đạo.

– Lúc Phật chuyển pháp luân.

– Lúc thiên ma khuyến thỉnh và Phật sắp nhập Niết Bàn.

– Lúc Phật nhập Niết Bàn.

+ Ðộng lục phương: cả sáu phương Ðông, Tây, Nam, Bắc, Trung Ương và biên tế đều chấn động.

+ Ðộng lục tướng: Trong sáu loại này, ba thứ đầu thuộc về tướng, ba thứ sau thuộc về thanh. Nơi đây chỉ nêu tên 18 thứ, muốn hiểu rõ xin tham khảo các kinh Ðại Niết Bàn, Ðại Bát Nhã v.v…

– Ðộng (chấn động).

– Dũng (bắn vọt lên).

– Chấn (rung chuyển).

– Kích (đánh).

– Hẩu (tiếng rống).

– Bộc (tiếng nổ).

3) Trên quả đất, những gò nổng trở nên bằng phẳng, cây khô tươi lại, đâm chồi nẩy lộc, lá cành xum xuê tươi tốt, trong cõi nước mọc những cây kỳ đặc (kỳ hoa dị thảo).

4) Cây cối sanh ra những trái ngon ngọt dị thường.

5) Trên đất liền bỗng tự nhiên sanh ra những hoa sen báu lớn như bánh xe.

6) Những kho tàng ẩn trong các kho phát tia sáng rực rỡ.

7) Những trân bảo trong các kho phát tia sáng rực rỡ.

8) Những y phục thượng diệu trên cõi trời tự nhiên rơi xuống.

9) Muôn ngàn sông suối nước đều đứng lặng và trong trẻo.

10) Gió im phăng phắc, mây lành bủa giăng đầy khắp cõi hư không.

11) Gió thơm từ bốn phương thổi đến bát ngát hương thơm và những đám mưa nhẹ rưới xuống khiến mặt đất được im mát, không bị vẩn bụi.

12) Tất cả người bệnh trong nước đều được hồi phục sức khoẻ và trở lại bình thường.

13) Những cung điện, phòng ốc trong nước đều rực sáng, không cần đèn nến.

14) Mặt trời, mặt trăng, sao trên không đều đình trụ không di động.

15) Sao Tỳ Xá Khư (kiết tinh) hiện xuống nhân gian, đợi giờ đản sanh của Thái Tử.

16) Các Phạm thiên vương cầm lọng báu, đứng sắp hàng che khắp trên cung điện.

17) Chư thiên nhân sư ở tám phương đều đem bảo vật đến dâng cúng.

18) Trăm thức ăn ngon quý ở cõi trời tự nhiên hiện ra.

19) Có vô số bình báu đựng nước Cam Lồ.

20) Các thứ xe đẹp quý ở cõi trời chở báu vật đến.

21) Có vô số voi trắng đầu đội hoa sen đứng sắp hàng trước cung điện.

22) Bảo mã thiên thanh tự nhiên đi đến (ngựa tốt quý báu lông màu xanh biếc như da trời).

23) Có 500 bạch sư tử vương từ núi Tuyết Sơn đi ra, chúng rất bạo ác, nhưng lúc bấy giờ đều trở thành hiền thục, không có ác niệm, lòng chúng đều vui mừng.

24) Các kỹ nữ cõi Trời đứng sắp hàng trên hư không, trỗi các âm nhạc thanh tao, vi diệu.

25) Các ngọc nữ trên thiên giới cầm phủ phất lông khổng tước (công) hiện trên vách tường cung điện.

26) Các ngọc nữ trên thiên giới cầm bình vàng đựng đầy nước thơm, đứng sắp hàng trên hư không, rưới cúng dường.

27) Chư thiên đồng ca tụng, tán thán công đức của Thái Tử.

28) Tất cả cảnh giới địa ngục khi Phật đản sanh đều ngưng hành hạ tội nhơn.

29) Tất cả độc trùng ẩn núp dưới đất và các ác quỷ đều phát khởi thiện tâm.

30) Những người sống theo ác luật nghi (6) đều đồng một lúc khởi thiện tâm.

31) Những phụ nữ có thai trong nước, ngày ấy đều sanh con trai. Nếu người nào mắc phải trăm thứ bịnh tật liền được tiêu trừ, thân thể lành mạnh.

32) Tất cả Thọ Thần đều hóa thành hình người, đồng đến đảnh lễ Thái Tử và đứng hầu.

33) Quốc vương trong các nước đều mang bảo vật danh tiếng đến phụng hiến.

34) Tất cả trời, người không nói những tiếng phi pháp.


4. Thọ ký

Thọ Ký là tiếng Trung Hoa, tiếng Phạn gọi là Hòa-già-la, Thọ Ký còn là tên của một trong số mười hai bộ kinh.

Ðức Phật đối với những chúng sanh đã phát Bồ Ðề tâm, thọ ký cho chúng sanh ấy trong tương lai sẽ thành Phật. Thọ ký có nhiều loại: hai loại, bốn loại, sáu loại, tám loại. Ở đây chỉ đề cập đến hai loại:

– Vô dư thọ ký: Khi Ðức Phật còn tại thế, thọ ký cho Bồ Tát ở kiếp… thành Phật hiệu… Như Lai ứng cúng… ở quốc độ nào, quyến thuộc bao nhiêu… Ðức Phật nói toàn bộ một cách rõ ràng, nên gọi là Vô Dư Thọ Ký. Trong kinh Pháp Hoa, Phật từng nói rằng: “Nếu ta tại thế hoặc sau khi diệt độ, chúng sanh nào được nghe kinh Pháp Hoa này chừng một câu, một bài kệ đều được ta thọ ký Vô Thượng Bồ Ðề”. Ấy là Vô Dư Thọ Ký.

– Hữu dư thọ ký: Như trong kinh Ðức Phật bảo chúng sanh rằng: “Ông ở đời vị lai khi Ðức Phật xuất thế độ sanh sẽ hết tội này; đức Như Lai ấy sẽ vì ông thọ ký”. Ðấy là Hữu Dư Thọ Ký.

 5. Ngũ trụ phiền não:

Trong kinh thường gọi là Ngũ Trụ Ðịa. Tại sao gọi là Trụ Ðịa? Vì phiền não căn bổn có khả năng sinh ra phiền não chi mạt (chi: cành, mạt: ngọn) nên gọi là Trụ Ðịa, cũng như đất đai có thể sanh trưởng mọi vật.

Có năm loại Phiền Não Trụ Ðịa:

–  Kiến Nhứt Xứ Trụ Ðịa: Chỉ cho những Kiến Hoặc (những sự thấy biết không rõ ràng) trong tam giới, thân kiến, biên kiến… Khi chứng nhập bậc Kiến Ðạo thì đoạn trừ được kiến hoặc nhứt xứ, cho nên gọi là “kiến nhứt xứ”.

– Dục Ái Trụ Ðịa: Nghĩa là trong tất cả các loại phiền não ở Dục Giới, trừ Kiến Hoặc và Vô Minh Hoặc ra, thì tội ái trước nặng nhất, nên gọi riêng là Ái.

– Sắc Ái Trụ Ðịa: Nghĩa là trong tất cả loại phiền não ở Sắc Giới, trừ Kiến Hoặc và Vô Minh Hoặc ra, thì tội ái trước nặng nhất, nên gọi riêng tên là Ái.

– Hữu Ái Trụ Ðịa: Nghĩa là trong các loại phiền não ở Vô Sắc Giới, trừ Kiến Hoặc và Vô Minh Hoặc ra, thì tội ái trước nặng nhất, cho nên chỉ nêu riêng tên Ái. Chữ Hữu trong từ Hữu Ái là nguyên do của sanh tử, của phiền não. Nơi Vô Sắc Giới, sanh tử là quả báo cuối cùng của sự ái trước, cho nên gọi là Hữu Ái.

– Vô Minh Trụ Ðịa: vô minh là tâm thức si mê, ám độn, không có trí huệ minh đạt. Ấy là cội gốc của tất cả mọi phiền não trong tam giới, nên đặc biệt cho nó là một Trụ.

Trong bộ Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 5, thuyết minh: Thế nào gọi là Trụ Ðịa?

– Căn bổn phiền não làm cơ sở cho chi mạt phiền não nên gọi là Trụ.

– Căn bổn phiền não sanh ra chi mạt phiền não nên gọi là Ðịa.

Trong Thắng Man Kinh Bảo Quật nói: “Căn bổn phiền não sanh ra chi mạt phiền não nên gọi là Ðịa; làm cho pháp sở sanh được thành lập nên gọi là Trụ”.

(Muốn dễ nhớ, dễ hiểu thì xem biểu đồ Ngũ Trụ Phiền Não)

6. Ác Luật Nghi:

Luật Nghi là gì? Nghĩa là ấn định thời gian, công việc, rồi theo chương trình, quy chế đó mà giữ gìn và thực hành đúng theo như vậy.

Có hai loại Luật Nghi:

– Thiện luật nghi: những giới pháp của Ðức Phật chế lập cho hàng đệ tử để y theo đó mà phụng hành, không được trái phạm.

– Ác luật nghi: những người làm nghề săn bắn, chài lưới…

Là Phật tử bất luận tại gia hay xuất gia, chẳng những không được làm theo ác luật, mà lại còn phải xa lánh những người hành nghề theo Ác Luật Nghi.

Phẩm An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa đã dạy: “Người tu hành không được thân cận Chiên-đà-la, cùng những người sống theo Ác Luật Nghi như nuôi heo, gà, chó… cùng những người làm nghề săn bắn, chài lưới…”

7. Chiên Ðà La:

Còn gọi là Chiên Ðồ La, Trung Hoa dịch ra nhiều danh từ như Ðồ Giả, Nghiêm Xí, Chấp Bạo Ác Nhơn, Hạ Tánh v.v… Hạng loại Chiên Ðà La này ở ngoài tứ tánh. Những người thuộc hạng này chuyên làm việc sát hại nên gọi là Ðồ Giả. Nam thì gọi là Chiên Ðà La, nữ gọi là Chiên Ðà Lợi.

Nghiêm Xí:

– Nghiêm: Chuyên làm những ác nghiệp để tự nghiêm sức nơi thân.

– Xí: gọi đủ là “tiêu xí”, những người thuộc hạng này, lúc đi ra đường thường cầm chuông rung hay gõ mõ tre để làm cho mọi người nghe thấy (tiêu: nêu ra, nêu lên cho mọi người thấy biết; xí: nghĩa đen là nhón chân lên mà trông cho rõ, nghĩa bóng là trù tính kế hoạch để tạo lợi).

Trong bộ Tây Vực Ký nói: “Người chủng tộc Chiên Ðà La lúc đi đường phải rung chuông, hoặc gõ lên cây tre chẻ đầu, để làm tiêu xí, nếu không sẽ bị quốc vương hành tội”.

Bộ Pháp Hiển Truyện thuyết minh: “Chiên Ðà La gọi là “ác nhân”, phải sống riêng biệt không được ở chung với người khác. Nếu khi vào trong thành thị cần đánh mõ, rung chuông để mọi người nghe thấy mà tránh xa, không được đường đột xông pha vào chỗ đông người”.
/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây