Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện đệ nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ấn Quang Đại Sư hết sức tán thán. Ấn Quang Đại Sư một đời cung kính ấn tống “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa Lý Bỉnh Nam cư sĩ, Tịnh Không Lão Pháp Sư cũng đều khích lệ thế nhân “Khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”. Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho-Thích-Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cọi rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.

Chương 12: “Cảm Ứng Thiên” Cùng “Âm Chất Văn” Là Giáo Trình Tốt Nhất

“Cảm Ứng Thiên” Cùng “Âm Chất Văn” Là Giáo Trình Tốt NhấtGần đây, có một số đồng tu yêu cầu tôi giảng lại Thái Thượng Cảm Ứng Thiên lần nữa và mong muốn đưa đến đài truyền hình phát sóng. Đây là một việc tốt, thế nhưng thời gian giảng lại cũng tương đối dài. Chúng ta ở đây đã khai giảng đồng thời kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa Tạng. Ba bộ kinh này đã là nhiều rồi, nay lại thêm một loại nữa, tôi cảm giác phân lượng quá nặng, cho nên nghĩ tới nghĩ lui, tôi tranh thủ thời gian nửa giờ vào buổi sáng sớm, chúng ta dự định từ hai đến ba tháng sẽ giảng viên mãn giáo trình này.

Giáo trình này thực tế mà nói là rất trọng yếu. Cuối đời Thanh, đầu đời Minh, Ấn Quang đại sư đặc biệt đề xướng pháp môn này. Cuối đời nhà Thanh, Ấn Quang đại sư đang ở núi Phổ Đà, lúc đó tri huyện Định Hải (trào nhà Thanh gọi là tri huyện) lên núi lễ thỉnh Ấn Quang đại sư đến huyện Định Hải giảng kinh hoằng pháp. Đại sư là người Sơn Tây, khẩu âm địa phương rất nặng nên có trở ngại về mặt ngôn ngữ, Ngài liền phái một vị pháp sư khác đến huyện Định Hải để giảng kinh. Pháp sư giảng kinh gì vậy? Dường như là giảng “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn”. Ở trên Văn Hiến, chúng ta xem được những tư liệu này thì rất kinh ngạc. Trưởng quan địa phương thỉnh pháp sư giảng kinh, nhưng pháp sư không giảng Phật kinh mà giảng kinh điển của Đạo giáo. Ngài một đời cực lực đề xướng những loại thư tịch như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, cho nên người đời sau phê bình đối với Ấn Tổ rất nhiều. Đây đều là tri kiến của phàm phu.

Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều vị đồng tu đều biết được có câu nói như thế này: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, và có lẽ cũng có người đã nghe qua một câu nói khác: “Pháp nào không phải là Phật pháp?”. Chúng ta thử nghĩ, hai câu nói này là ý gì? Thực tế cái gọi là thế pháp cùng Phật pháp, từ chỗ nào mà phân biệt vậy? Từ ở nơi tâm của bạn mà phân biệt. Ở nơi pháp, không có cái gì là thế gian pháp và xuất thế gian pháp, không có phân ra. Nếu như tâm của bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó gọi là thế gian pháp, cho dù bạn học Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thì đó cũng là thế gian pháp. Tại sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới. Nếu như rời khỏi phân biệt chấp trước thì hết thảy tất cả pháp đều có thể liễu sanh tử, xuất tam giới. Cho nên, pháp nào mà không phải là Phật pháp? Chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này.

Hôm qua, chúng tôi đi thăm viếng Thiên Chúa giáo, có một vị tiên sinh hỏi tôi một vấn đề: “Trong Thiên Chúa giáo gọi là linh hồn, nếu so cùng pháp tánh mà Phật giáo nói thì sự khác biệt ở chỗ nào?”. Tôi nói với ông ấy một cách đơn giản là có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi linh hồn; không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi là pháp tánh. Ông ấy liền hiểu được, có thể thể hội được. Có phải đó là một sự việc hay không? Chỉ là một. Một cái có phân biệt chấp trước, còn cái kia là rời khỏi phân biệt chấp trước. Có phân biệt chấp trước thì pháp pháp đều có chướng ngại, rời phân biệt chấp trước thì vạn pháp viên dung. Cho nên chúng ta phải biết, hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một pháp tánh, kinh Hoa Nghiêm nói là một pháp thân, “mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một pháp thân”. Câu nói này các vị nghe cũng đã thuộc lòng. Đã cùng đồng một pháp thân, bạn thử nghĩ xem, pháp nào không phải là Phật pháp? Cảm Ứng Thiên làm sao có thể là ngoại lệ? Cũng là phật pháp, huống hồ là Cảm Ứng Thiên và Âm Trắc Văn, từ đầu đến cuối, mỗi câu mỗi chữ đều là phát triển của ngũ giới, thập thiện.

Ngũ giới, thập thiện trong nhà Phật là pháp căn bản. Rời khỏi ngũ giới, thập thiện thì người này đang hành tà đạo. Không luận bạn tu học pháp môn nào, không luận là sơ học, A La Hán hay là đẳng giác Bồ Tát, nếu như bạn rời khỏi ngũ giới, thập thiện thì bạn đang hành tà đạo, vậy thì làm gì gọi là Phật pháp? Ngũ giới, thập thiện muốn giảng được viên mãn, giảng được thực tế thì Cảm Ứng Thiên cùng Âm Trắc Văn là giáo trình tốt, nhất là ở giai đoạn hiện tại này của chúng ta. Ấn Quang đại sư nói rất rõ ràng, thế gian này có động loạn, có tai nạn, nếu muốn cứu vãn tai nạn này chỉ có một phương pháp là hoán tỉnh tất cả chúng sanh chân thật giác ngộ, đoạn ác, tu thiện, cho dù tai nạn này không thể hoàn toàn hóa giải nhưng cũng làm cho tai nạn giảm nhẹ, thời gian của tai nạn được rút ngắn. Việc này chúng ta khẳng định có thể làm được.

Các vị đồng tu ở Đài Loan đến hỏi tôi, ở ngay trong đại kiếp nạn, Đài Loan có thể tránh được không? Tôi khẳng định là được. Người Đài Loan tạo tội nghiệp rất nặng, thế nhưng bạn nghĩ xem, họ bắt đầu tạo tội nghiệp từ lúc nào? Chẳng qua là hai mươi năm gần đây. Chúng ta nhớ lại hai mươi năm trước, người Đài Loan rất quy củ, rất giữ gìn phép tắc. Nếu nói đến ba mươi năm trước, phong khí của Đài Loan có thể nói là tốt nhất Đông Nam Á, nhân tâm thuần hậu hiền lương. Người Đài Loan tạo tội nghiệp là trong vòng hai mươi năm gần đây, phong khí xã hội này hoàn toàn thay đổi. Cho dù có tạo tội nghiệp, nhưng người tạo tội nghiệp không nhiều lắm, thời gian cũng không xem là quá dài, huống hồ người Đài Loan niệm Phật rất nhiều, người thiện tâm cũng rất nhiều, cho nên dù có kiếp nạn cũng sẽ không lớn lắm. Người Nhật Bản tạo tội nghiệp rất nặng, có thể nói là vô cùng nặng. Ở ngay trong đại nạn, quả báo mà họ nhận lấy phải nặng hơn Đài Loan gấp mười lần. Chúng ta từ trong đạo lý Cảm Ứng này mà nói, trồng nhân thiện được quả thiện; tạo nhân ác nhất định được ác báo, đây là chân lý của Cảm Ứng. Cho nên, Ấn Tổ cực lực đề xướng ba quyển sách này, đây là trí huệ chân thật, cứu vãn kiếp nạn của thế giới. Đại sư Ngài cả đời cực lực đề xướng, người thật sự hiểu được lại không nhiều. Ấn Tổ vãng sanh rồi, người có thể kế tục Ngài phát dương quãng đại việc này càng ít.

Năm 1977, lần đầu tiên tôi tiếp nhận lời mời của các đồng tu Hồng Kông, đến bên ấy giảng kinh Lăng Nghiêm. Lần đó thời gian tôi ở lại Hồng Kông tương đối dài, ở hết bốn tháng. Hai tháng đầu, tôi ở thư viện Trung Hoa Phật Giáo của Đàm Hư Pháp Sư, khu vực Cửu Long; hai tháng sau, ở đạo tràng của Thọ Dã lão Hòa Thượng, Quang Minh giảng đường của Lam Đường đạo. Ở thư viện, tôi thấy được những thư tịch của Ấn Quang Đại Sư do Hoằng Hóa Xã xuất bản, nơi đó họ thâu tập được rất nhiều. Tôi cùng Ấn Tổ có quan hệ rất mật thiết, chúng tôi có quan hệ sư thừa. Thầy tôi, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học sinh của Ấn Tổ. Do đó, tôi đối với giáo huấn của Ấn Tổ cũng như sách của Hoằng Hóa Xã xuất bản liền tự nhiên có cảm tình rất sâu sắc. Trong thư viện nhỏ này đã cất giữ sách của Hoằng Hóa Xã, tôi toàn bộ thảy đều xem qua nên phát hiện ba quyển sách Cảm Ứng Thiên Hội Biên, An Sĩ Toàn Thư và Liễu Phàm Tứ Huấn được Hoằng Hoá Xã in rất nhiều, sách in rất tốt. Thư viện Trung Hoa Phật Giáo cất giữ số lượng sách này cũng không ít. Tôi liền lấy một phần, mỗi thứ lấy một quyển mang trở về Đài Loan. Tôi xem mặt sau tờ bản quyền của ba quyển sách này, mỗi bản số lượng in ít nhất là mười ngàn quyển, nhiều nhất là năm mươi ngàn quyển và đã in [tái bản] mấy mươi lần. Tôi thống kê khái quát, số lượng của ba quyển sách này vượt hơn ba triệu bản. Việc này khiến cho tôi vô cùng kinh ngạc. Hoằng Hóa Xã in các thư tịch khác, mỗi một bản chỉ có một ngàn bản, hai ngàn bản, vì sao ba loại sách này in nhiều đến như vậy? Điều này dẫn khởi sự chú ý của tôi. Tôi bình tĩnh suy nghĩ tỉ mỉ, Ấn Tổ khổ tâm muốn cứu tai nạn này, cứu kiếp nạn này, ba loại sách này là rất tốt.

Tại rất nhiều nhà sách, các vị đồng tu đều có thể xem thấy lời dự ngôn cổ lão của phương Tây. Có rất nhiều chủng loại, tôi đã xem qua mười mấy loại, đều nói năm 1999 là ngày tàn của thế giới. Đại kiếp nạn này có tính hủy diệt, hơn nữa thời gian kiếp nạn này rất dài, đại khái phải kéo dài hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm này chính là bắt đầu từ năm 1990, đại khái phải đến năm hai ngàn mười mấy, tai nạn này mới xem là có thể qua được. Những sách này của phương Tây chỉ nói rõ có những tai nạn này là do chúng sanh tạo ác nghiệp, thượng đế tức giận nên trừng phạt thế nhân, muốn đem thế giới này sửa đổi lại từ đầu. Đây là một “Túc Mạn Luận”, còn xa mới bằng Liễu Phàm Tứ Huấn cùng Cảm Ứng Thiên, vì những thư tịch này có phương pháp cứu vãn, còn họ chỉ đề xuất kiếp nạn mà không có biện pháp cứu vãn. Trong dự ngôn phương Tây có một loại gọi là Thánh Kinh Mật Mã, cái này so với dự ngôn còn cao minh hơn. Bên trong kết luận cuối cùng nói là do lòng người, nếu như nhân tâm có thể hồi đầu, nhân tâm có thể hướng thiện, thì kiếp nạn này có thể hóa giải. Thế nhưng chỉ nói một câu chung chung như vậy, còn làm thế nào để hồi đầu, làm thế nào để đoạn ác tu thiện thì không nói rõ một cách cụ thể, vẫn còn kém xa ba loại sách này. Ba loại này, không luận là nói lý, không luận là nói về sự, đều nói được rất thấu đáo.

Thực tế mà nói chúng ta giác ngộ quá chậm, cũng là vì chúng sanh thế giới này phước báo kém một chút. Vì sao nói chúng ta giác ngộ quá chậm vậy? Vì chúng ta không có đem mấy loại sách này phiên dịch sang chữ nước ngoài, để lưu thông trên toàn thế giới. Chúng ta không hiểu được tính trọng yếu này. Nếu ba loại sách này có thể dịch thành nhiều thứ tiếng với số lượng lớn, được lưu thông trên toàn thế giới thì sẽ có sự giúp đỡ rất lớn. Chúng ta không hiểu rõ, bây giờ biết được, chân thật đã không còn kịp nữa. Thế nhưng “mất bò mới lo làm chuồng”, chúng ta vẫn phải làm. Hy vọng mọi người phát tâm. Chúng tôi dẫn đầu để đi làm, tận khả năng đem nó dịch thành văn tự nước ngoài để có thể lưu thông đến toàn thế giới. Ai có duyên đọc được quyển sách này là người có phước. Hơn nữa, chúng ta có trách nhiệm, có sứ mạng khuyên bảo mọi người đọc tụng thọ trì, y giáo phụng hành, không những có thể chuyển biến nghiệp báo của chính họ mà còn có thể an định xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh thế gian này tiêu tai giải nạn.

Từ Hồng Kông trở về Đài Loan, tôi đề xướng quyển Cảm Ứng Thiên Hội Biên. Tôi in lần đầu tiên, đến nay tổng cộng đã in qua rất nhiều lần, đại khái số lượng cũng sắp gần một triệu bản. Năng lực của chúng ta rất có hạn, đã in Cảm Ứng Thiên hội biên, An Sĩ Toàn Thư và Liễu Phàm Tứ Huấn. Ở Đài Loan tôi đề xướng phiên dịch lưu thông, hơn nữa ba loại sách này cũng đều đã giảng qua mấy lần, bao nhiêu lần tôi không nhớ rõ. Lúc đó tôi giảng Cảm Ứng Thiên là dùng quyển này, cho nên bên trong sách có viết ghi chú, chỗ quan trọng đều đã đánh dấu. Mấy ngày trước, khi các vị đồng tu yêu cầu tôi giảng, tôi liền tìm cho ra quyển này. Tìm được thì ít tốn công, bởi vì khi giảng giải tôi không cần phải chuẩn bị nữa. Hy vọng các vị đồng tu nên xem trọng vấn đề này, chân chính đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Ấn Tổ dùng ba loại này để bù đắp giới hạnh thiếu sót của chúng ta.

Trích từ Cảm Ứng Thiên – Giảng Ký

/16
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây