Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện đệ nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ấn Quang Đại Sư hết sức tán thán. Ấn Quang Đại Sư một đời cung kính ấn tống “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa Lý Bỉnh Nam cư sĩ, Tịnh Không Lão Pháp Sư cũng đều khích lệ thế nhân “Khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”. Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho-Thích-Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cọi rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.
Ý kiến bạn đọc
“Thường xuyên niệm Phật thì quốc gia sẽ có khí kiết tường,
không niệm Phật thì quốc gia sẽ bị vây phủ bởi ma khí.”
Quý vị Thiện Tri Thức!
Những lời khen tặng vừa rồi của cư sĩ họ Du (You ju shi), Tuyên Hóa tôi nghe qua thật lấy làm hổ thẹn, chẳng dám nhận lãnh.
Tôi ra hải ngoại là đến Mỹ Quốc. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, tôi từ Đông Bắc bôn ba vào đến nội địa, và rời Đông Bắc rồi thì không thể trở về được nữa. (Mỗi lần tôi rời khỏi một nơi nào thì sau đó đều không thể về lại được nữa!) Và từng bước từng bước, đến năm 1949 thì tôi tới Hương Cảng; rồi sau đó sang sống ở Thái Lan ngót nửa năm.
Ban đầu, tôi lưu lại Hương Cảng có hơn mười năm. Lúc ấy, Hương Cảng thường gặp phải nạn cuồng phong gió bão. Bấy giờ, những tùng, trúc, đu đủ cùng các loại cỏ hoa cây cối khác mà tôi trồng ở thôn Mã Sơn không phải là ít, nhưng chỉ một trận cuồng phong thổi qua là bao nhiêu cây cối cỏ hoa của tôi đều chết rạp cả.
Khi đó, trong lòng tôi cảm thấy không vui; không vui đối với ai? Không vui đối với ông Trời! Cũng chỉ vì không vui mà tôi đã có một hành vi ngu xuẩn—tôi bước ra sân và chỉ tay lên trời mà nói rằng: “Hỡi Ngọc Hoàng Đại Đế! Nếu Ngài biết là sẽ có nạn cuồng phong, tôi hy vọng rằng trong lúc tôi còn ở Hương Cảng, thì nơi này sẽ không gặp cuồng phong nữa; nếu lại có cuồng phong kéo tới, thì tôi thật không khách sáo với Ngài đâu!” Chảng rõ là ông Trời có sợ tôi hay không, song từ đó về sau, trong suốt hơn mười mấy năm tôi sống ở Hương Cảng, mỗi lần đài khí tượng thông báo có cuồng phong kéo tới, thì cứ còn cách cảng chừng mười lăm hoặc hai mươi dặm là gió chuyển hướng, thổi chếch sang một bên. Trong hơn mười mấy năm tôi ở Hương Cảng đều như thế cả—không có cuồng phong xảy ra, có chăng là mưa dầm, có gió nhè nhẹ hoặc là mưa rào mà thôi.
Mãi cho tới khoảng năm 1960, tôi sang Úc châu một tháng, thì Hương Cảng lại bị cuồng phong tàn phá—gió bão thổi tung bảng hiệu của các tiệm ăn, cuốn bay tứ tán khắp đường phố, tổn thất không biết bao nhiêu mà kể. Đó là những việc đã thật sự xảy ra.
Đến năm 1962, tôi sang Mỹ Quốc, và suốt mười mấy năm chưa về lại Hương Cảng. Do đó, trong giới Phật tử có tin đồn rằng tôi lường gạt tiền bạc của người ta rồi trốn qua Mỹ, không dám trở về!
Vào khoảng năm 1973, tôi về lại Hương Cảng; và nguyên do Hương Cảng không bị nạn cuồng phong trong suốt mười mấy năm tôi lưu lại đó, tôi không hề kể với ai cả, bởi vì “thiên cơ bất khả lậu,” nói ra chỉ e rằng không còn linh ứng nữa! Đợi đến lúc từ Mỹ Quốc về lại Hương Cảng, tôi mới thật thà nói ra. Lúc bấy giờ, suốt năm ngày, tôi thuyết pháp ở Giác Uyển, Đông Bắc Hương Cảng, và luôn tiện kể rõ sự việc Hương Cảng không bị nạn cuồng phong trước đây.
Có vài người ở Hương Cảng nghe thế thì dằn không được, bèn viết thư và gởi bài đăng báo hoặc tạp chí để thóa mạ tôi. Mấy người Mã Lai Á đọc được bèn cho tôi hay, và ngỏ ý muốn khai mào một cuộc “bút chiến.” Họ hỏi tôi xem có nên mở một trận “bút chiến” hay chăng! Thật ra, đem vấn đề này ra hỏi tôi thì cũng rất ngớ ngẩn, mà tôi cũng không muốn để tâm đến những chuyện như thế! Họ hỏi tôi có được hay không thì tôi cũng chẳng nói là được hay không được; nhưng tôi có trả lời thư cho họ, trong thư viết rằng:
“Thị phi cần gì cãi,
Chân ngụy lâu tự rõ,
Người trí thấy chân thật,
Kẻ ngu làm hư ngụy,
Người thiện học Bồ Tát,
Kẻ ác dám mắng Phật,
Bình đẳng đại từ bi,
Phổ nhiếp chư hàm thức.”
“Thị phi cần gì cãi.” Những chuyện thị phi phải trái ở thế gian này thì lúc nào cũng có, chẳng cần phải biện luận tranh cãi làm gì.
“Chân ngụy lâu tự rõ.” Thế nào là thật, thế nào là giả, thì lâu dần sẽ lộ rõ chân tướng, phơi bày sự thật.
“Người trí thấy chân thật.” Người có trí huệ nhìn sự việc gì cũng đều thấy được thực chất của nó.
“Kẻ ngu làm hư ngụy.” Người ngu si thì toàn làm những việc giả dối, đeo mặt nạ mà ngỡ rằng người khác không nhận ra được.
“Người thiện học Bồ Tát.” Người lương thiện thì học theo hạnh Bồ Tát, thực hành đạo Bồ Tát, làm lợi ích cho tha nhân, rộng lòng bố thí cho kẻ khác, dùng Tứ Vô Lượng Tâm—từ, bi, hỷ, xả—để giáo hóa chúng sanh.
“Kẻ ác dám mắng Phật.” Những kẻ ác thì đừng nói là con người, mà ngay cả Đức Phật, họ cũng dám thóa mạ như thường!
“Bình đẳng đại từ bi.” Người học Phật thì đối với ai cũng giữ lòng bình đẳng như nhau, đều dùng tâm từ bi mà đối đãi với mọi người.
“Phổ nhiếp chư hàm thức.” Chúng ta cần phải rộng lòng nhiếp thọ tất cả chúng sanh, tất cả chúng hữu tình, và chớ nên khởi lòng đối đãi hoặc có tâm phân biệt.
Những người từ Mã Lai Á này sau khi xem xong mấy câu kệ của tôi bèn quyết định không khai mào cuộc “bút chiến” nữa. Những cuộc “bút chiến” kiểu này thường xảy ra rất nhiều.
Tôi đến Mỹ Quốc giáo hóa người Mỹ là dùng cái gì để giáo hóa? Tôi dùng câu “Everything’s ok. No problem!” Tất cả mọi việc đều ok, sao cũng được cả:
Thuận nghịch đều tinh tấn,
Khen chê chẳng động tâm!
Ban đầu, tôi có viết bài kệ như sau:
Tất cả là thử thách,
Xem ta làm thế nào,
Đối cảnh như chẳng biết,
Phải luyện lại từ đầu!
Tất cả là thử thách,
Xem bạn làm thế nào,
Đối cảnh như chẳng biết,
Phải luyện lại từ đầu!
Tất cả là thử thách,
Xem họ làm thế nào,
Đối cảnh như chẳng biết,
Phải luyện lại từ đầu!
Khi vừa mới chân ướt chân ráo đến nước Mỹ, tôi đã dùng những câu kệ này làm phương châm để giải quyết mọi vấn đề, và cũng để giáo hóa người Tây phương. Lần thứ nhì tôi lại viết một bài kệ, bài ấy như sau:
Thành thật nhận lỗi mình,
Chớ bàn luận lỗi người,
Lỗi người tức lỗi mình,
Cùng thể ấy Đại Bi!
“Thành thật nhận lỗi mình.” Khi người ta nêu ra những sai sót, lầm lẫn của mình, thì mình phải thật tâm nhìn nhận, chớ nên không chịu nhận lỗi của mình.
“Chớ bàn luận lỗi người.” Đừng bao giờ bàn bạc, thảo luận về cái đúng cái sai của người khác.
“Lỗi người tức lỗi mình.” Nếu quý vị có thể xem cái sai của người khác như là cái sai của chính mình, thì đó gọi là “cùng thể”; và đó cũng chính là “Đại Bi” vậy.
Như thế, nếu quý vị có thể “thương người như thể thương thân,” xem mình với chúng sanh là một, thì có gì để cho ta phải sanh lòng oán hận thù hằn?
Bài kệ thứ ba chính là bài kệ tôi đã đề cập tới khi nãy:
Thị phi cần gì cãi,
Chân ngụy lâu tự rõ,
Người trí thấy chân thật,
Kẻ ngu làm hư ngụy.
Người thiện học Bồ Tát,
Kẻ ác dám mắng Phật,
Bình đẳng đại từ bi,
Phổ nhiếp chư hàm thức.
Bất luận tu theo pháp môn nào—Tịnh Độ, Thiền Tông, Mật Tông, Luật Tông, hoặc Giáo Tông—nếu quý vị đặt nền tảng trên “không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối” để tu hành, thì cũng đều được tương ưng cả. Trái lại, nếu quý vị còn tranh, còn tham, còn mong cầu, còn ích kỷ, còn tự lợi, còn nói dối, thì tu pháp môn nào cũng sẽ chẳng bao giờ được tương ưng; thậm chí có khi còn bị “tẩu hỏa nhập ma,” hoặc tinh khí bị phân tán cũng không chừng.
Vậy, bất luận học tông nào thì quý vị cũng đều nên “không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.” Quý vị không nên tranh với người khác, cũng đừng tranh với chính mình. Người với người đừng gây gỗ, nhà với nhà đừng tranh chấp, nước này đừng gây chiến với nước khác; tất cả nên “cái gì mình không muốn thì chớ đem cho người khác,” và cái gì thuộc sở hữu của người khác thì mình chớ nên tham lam cưỡng đoạt. Đừng tham của bất nghĩa, chớ uống rượu quá chén. Đừng hướng ngoại truy cầu, đừng ích kỷ quá đáng. Con người thời nay cứ hủy báng lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau, vì sao? Đó là do ích kỷ; nếu không có lòng ích kỷ thì cái gì cũng chẳng sợ cả, cũng chẳng cần tranh chấp với người khác. Cho nên, “không ích kỷ” là một phương pháp rất hữu dụng.
Đạo (đường) là để đi, không đi thì Đạo (đường) để làm gì?
Đức là do làm, không làm thì sao có Đức?
Vì vậy, nói đi nói lại thì chỉ cần thật sự lắng nghe được một câu, rồi chân chánh áp dụng, theo đó mà thực hành, không hề xao lãng, thì sẽ được ích lợi vô cùng. Chúng ta không nên ôm đồm, tham nhiều, “nhiều thì nhai không nhuyễn” được! Người đang tu pháp môn niệm Phật đừng vì nghe người ta trầm trồ Mật Tông hay mà chạy theo Mật Tông; kẻ tu Mật Tông cũng chớ vì nghe khen niệm Phật tốt bèn chạy theo niệm Phật. Đừng chạy khắp nơi như đánh “du kích,” tu tới tu lui suốt cả một đời mà cũng không thành gì cả.
Chúng ta tổ chức Pháp Hội Niệm Phật là để “tiêu tai”; nếu mọi người nhất tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật,” trong lòng không gợn tham tâm, chẳng khởi sân hận, cũng chẳng có si tâm, thì đó chính là “tiêu tai” vậy. Trong lòng quý vị cần phải luôn luôn có một danh hiệu Phật ngự trị, thường xuyên nhớ nghĩ đến nhất tâm bất loạn, và cứ thế mà niệm trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày. Trong suốt bảy ngày phải nhất tâm bất loạn, niệm niệm liên tục, miên man như nước chảy, không hề gián đoạn, đi đứng nằm ngồi đều không ngừng niệm Phật, đừng vọng tưởng nghĩ ngợi chuyện khác. Có câu:
Miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn,
Cổ khô tiếng khản chỉ uổng công.
Tuy quý vị lớn tiếng niệm Phật đến khô cổ rát họng, song thâm tâm lại vọng tưởng lăng xăng, vẩn vơ nghĩ đông nghĩ tây, nghĩ nam nghĩ bắc, thì có niệm đến bao lâu đi chăng nữa cũng chẳng thể tương ưng. Niệm Phật. Quý vị cần phải “không niệm mà niệm,” chớ sanh vọng tưởng viễn vông.
Hôm nay, Pháp Hội thịnh đại này cho thấy đây là điềm may mắn cho đất nước của chúng ta, toàn thể dân chúng sẽ được hưởng hạnh phúc mà họ đáng được hưởng. Hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ không quên buổi thịnh hội ngày hôm nay.
Quý vị cần phải thường xuyên niệm Phật—nếu có thể niệm Phật thật nhiều thì quốc gia sẽ có khí kiết tường; nếu không niệm Phật thì quốc gia sẽ bị vây phủ bởi ma khí. Vì thế, chúng ta phải giúp cho quốc gia được tràn ngập thứ khí kiết tường, khiến cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, không còn cuồng phong bão tố, không còn thiên tai nhân họa. Đây là điều tôi thiết tha muốn nói với quý vị. Chúc quý vị thân thể an khang, tinh thần an lạc!