Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Ý kiến bạn đọcTiếp đây, tôi sẽ giảng về nội dung bản kinh, cũng chỉ giới thiệu đại lược.
Kinh này thuộc quyển chín mươi mốt và chín mươi hai của kinh Đại Bảo Tích. Vì thế, kinh văn có hai quyển Thượng và Hạ. Trong kinh Đại Bảo Tích, quyển Thượng là quyển chín mươi mốt, quyển Hạ là quyển chín mươi hai. [Trong kinh Đại Bảo Tích ghi là] “Phát Thắng Chí Nhạo Hội đệ nhị thập ngũ, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chí phụng chiếu dịch”. Trong đó, chữ “chiếu” chỉ thánh chỉ của Võ Tắc Thiên, Sư tuân mạng lệnh của Hoàng Đế mà phiên dịch. “Sách Duyệt Tạng Tri Tân đem nội dung toàn kinh chia ra làm mười lăm đoạn”: Duyệt Tạng Tri Tân là tác phẩm của đại sư Ngẫu Ích. Ngẫu Ích đại sư đem toàn bộ kinh này chia thành 15 đoạn, nội dung mỗi đoạn được giới thiệu như dưới đây.
Đoạn thứ nhất, “Phật tại Lộc Uyển” (Phật ở tại Lộc Uyển), đây chính là Lộc Dã Uyển, “dữ thiên tỳ-kheo, ngũ bách Bồ Tát câu” (và một ngàn tỳ kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm họp). Đoạn trên đây thuộc về Tự Phần và Chánh Tông Phần. Phần này trong Duyệt Tạng Tri Tân không nhắc đến, ở đây, vì giảng bộ kinh này, để tiện theo dõi, chúng tôi thêm vào, lại chia kinh thành ba phần lớn. Đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai thuộc Tự Phần.
Đoạn thứ nhất là Thông Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Trong đoạn thứ hai: “Hữu chư Bồ Tát nghiệp chướng thâm trọng, nghi hoặc thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát úy vấn linh hỷ” (Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, nghi hoặc thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát hỏi han, an ủi khiến họ vui mừng). Vì thế, đây là đầu mối để hiểu được bộ kinh này sẽ nói những gì, đoạn này hết sức quan trọng đối với người học Phật chúng ta trong hiện tại. Chúng ta đích thực là các Bồ Tát ngu si nghiệp chướng sâu nặng đấy! Mọi người đã thọ Bồ Tát giới đều là Bồ Tát, dẫu đã thọ Bồ Tát giới nhưng vẫn rất ngu si! Đó chính là điều kinh này nhắc đến.
Đoạn thứ ba thuộc về Chánh Tông Phần. “Hữu lục thập nhân tùy khuyến nghệ Phật” (Có sáu mươi người theo lời khuyên đến chỗ Phật): Thuận theo lời khuyên bảo của Di Lặc Bồ Tát, sáu mươi người theo chân Di Lặc Bồ Tát đến gặp đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi thấy được Phật, họ rất hổ thẹn, thiện căn phát khởi, “đầu địa bi lệ” (gieo mình xuống đất buồn khóc). Phật an ủi họ, bảo họ đứng dậy, thuật ác nghiệp phỉ báng pháp sư xưa kia của họ nên họ nhiều đời nhiều kiếp chịu khổ, tương lai khi nghiệp báo đó hết rồi, họ nhất định sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đấy có thể biết là bọn họ trong nhiều đời nhiều kiếp trước đã từng học pháp môn Tịnh Độ, đều niệm A Di Đà Phật, chỉ vì nghiệp chướng quá nặng nên chẳng thể vãng sanh, ở trong lục đạo chịu hết nỗi khổ.
Đoạn thứ tư: “Thời chư Bồ Tát tùy phát thập tam hoằng thệ, Phật tán ấn chi” (Khi ấy, các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật khen ngợi, ấn khả): Sáu mươi vị Bồ Tát ấy thật là hy hữu, ít người được như vậy, bọn họ nghe Phật chỉ dạy bèn chân chánh sám hối, quay đầu sửa lỗi, đổi mới, phát mười ba hoằng thệ. Đức Phật nghe xong rất khen ngợi họ.
Đoạn thứ năm: “Di Lặc nhân vấn mạt thế Bồ Tát thành tựu kỷ pháp, an ổn đắc thoát” (Nhân đấy, Di Lặc Bồ Tát bèn hỏi trong đời mạt, Bồ Tát thành tựu mấy pháp thì được an ổn độ thoát). Câu hỏi này rất trọng yếu. Thời kỳ Mạt Pháp chính là thời đại của chúng ta. Hiện tại, chúng ta nên thành tựu bao nhiêu pháp thì mới có thể an ổn thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly biển khổ sanh tử.
Đoạn thứ sáu, “Phật đáp dĩ nhị chủng, tứ pháp” (Phật đáp dùng hai loại bốn pháp). Hai loại “bốn pháp” này nằm trong kinh văn từ đoạn thứ sáu đến đoạn thứ bảy. Trong loại thứ nhất, “chẳng tìm lỗi người khác” là điều thứ nhất; “cũng chẳng nêu ra tội của người khác” là điều thứ hai; “lìa lời thô lỗ, keo kiệt, người ấy sẽ giải thoát”. Trong thời kỳ Mạt Pháp, bốn điều này trọng yếu nhất, nhất định phải tuân thủ, phải làm cho được. Phật nói bốn pháp ấy xong, lại nói ra bốn pháp khác, đó là đoạn thứ bảy. “Hãy bỏ sự biếng nhác” là điều thứ nhất; “xa lìa các ồn náo” là điều thứ hai; ưa thích chỗ náo nhiệt là điều chướng ngại rất lớn. “Tịch tĩnh, thường tri túc”. Vâng giữ bốn pháp này “người ấy sẽ giải thoát”. Đoạn này dạy chúng ta tu hành trong thời kỳ Mạt Pháp phải có đủ hai loại “bốn pháp” này, tức là đủ tám pháp mới có thể yên ổn tu học đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu tu học.
Đoạn thứ tám, “thứ minh vô hy vọng tâm hành pháp thí thời, thành nhị thập lợi, hựu nhị thập lợi” (tiếp đó, kinh dạy lúc hành pháp thí, tâm không mong cầu sẽ thành tựu hai mươi điều lợi, lại thành tựu hai mươi điều lợi khác nữa). Hai thứ “hai mươi điều lợi” này cộng thành bốn mươi thứ lợi ích, phải dùng tâm không mong cầu để tu hành pháp bố thí mới có thể đạt được!
Đoạn thứ chín thuyết minh các lỗi lầm, ác nghiệp trong thời kỳ Mạt Pháp, hoàn toàn là nói về những hiện trạng xã hội cũng như tình trạng của bọn người tu hành chúng ta. Đọc xong đúng là rét buốt tận xương! Đức Thế Tôn cách xa chúng ta ba ngàn năm, từ ba ngàn năm trước Ngài đã thấy rõ ràng tình trạng tu hành hiện tại của chúng ta, thật có thể nói là nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may!
Đoạn thứ mười nói về “huệ hạnh Bồ Tát dữ sơ nghiệp Bồ Tát bất đồng chi tướng” (tướng trạng bất đồng giữa huệ hạnh Bồ Tát và sơ nghiệp Bồ Tát). Chữ “huệ hạnh Bồ Tát” này chúng ta phải hiểu rõ, nếu không hiểu được nhất định sẽ không thể học theo họ được! Thế nào là “huệ hạnh?”
Trí huệ đã mở mang, trong nhà Thiền gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, trong pháp Đại Thừa ta thường gọi họ là Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ mới là huệ hạnh Bồ Tát. Cũng như những bậc thường được xưng tụng là “phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân”, người như vậy mới là huệ hạnh Bồ Tát. Chưa đạt đến địa vị ấy thì chẳng phải là huệ hạnh Bồ Tát. Do những hành vi, biểu hiện của huệ hạnh Bồ Tát rất đặc biệt khác lạ, chúng ta chẳng thể học đòi nổi. Nếu học theo, họ thì sanh lên trời, còn chúng ta bị đọa địa ngục. Đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch điểm này.
Đoạn thứ mười hai thuyết minh “sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát lợi dưỡng chi quá” (sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quán sát lỗi lầm của lợi dưỡng). Sơ Nghiệp là sơ học Bồ Tát, chúng ta hiện đang thuộc giai đoạn này, nhất định phải hiểu rõ họa hại của lợi dưỡng, chỉ cần vướng chút lợi dưỡng thì chẳng những đạo nghiệp không thể thành tựu mà nhất định còn bị nó lôi vào A Tỳ địa ngục! Học Phật chẳng thành Phật, ngược lại bị đọa vào A Tỳ địa ngục, đấy chẳng phải là điều Phật, Bồ Tát mong trông thấy. Nhưng trong thời kỳ Mạt Pháp, người như vậy rất ư là nhiều! Bởi vậy, đoạn kinh văn thuyết minh họa hại của lợi dưỡng này rất dài.
Đoạn thứ mười hai là “diệc đương quán sát hội náo quá hữu nhị thập, thế ngữ quá hữu nhị thập” (cũng nên quán sát ồn náo có hai mươi lỗi, lời lẽ thế gian có hai mươi lỗi). Đến phần sau tôi sẽ giảng chi tiết. “Thùy miên quá hữu nhị thập, chúng vụ quá hữu nhị thập” (Ngủ nghê có hai mươi lỗi, các việc có hai mươi lỗi). Chữ “chúng vụ” ở đây chỉ các thứ sự việc chẳng liên quan đến việc tu hành, hiện thời rất phổ biến vậy!
Mọi người quên hết cả rồi! Bách Trượng đại sư đã từng nói: “Phật môn do vô sự mà hưng vượng”. Đạo tràng thế nào là hưng vượng? Vô sự gọi là hưng vượng. Sự việc quá nhiều, nhang đèn tưng bừng, tín đồ quá đông, đấy là tướng suy sụp của Phật môn chứ chẳng phải là tướng hưng thịnh. Vì sao vậy? Chẳng có một người nào thành tựu hết! Người tuy đông nhưng không có một người nào khai ngộ, không có ai chứng quả, thậm chí không một ai có thể vãng sanh thì thịnh vượng ở chỗ nào? Chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này!
Trong đoạn thứ mười ba, Phật dạy “bất tu chư hạnh, bất đoạn phiền não, bất tập thiền tụng, bất cầu đa văn, phi xuất gia giả” (chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập thiền tụng, chẳng cầu đa văn thì chẳng phải là người xuất gia). Đấy là xuất gia chỉ có hình thức, chứ thật sự ra chư Phật Như Lai chẳng thừa nhận kẻ ấy là đệ tử xuất gia.
Đoạn thứ mười bốn thuyết minh hý luận có hai mươi lỗi họa.
Cuối phần Chánh Tông, kinh văn thuyết minh “phát mười thứ tâm có thể sanh về thế giới Cực Lạc”. Vì thế, đến cuối cùng, bộ kinh này cũng dẫn dắt về Cực Lạc. Chúng ta mong quyết định được sanh về Tịnh Độ của đức Di Đà ngay trong một đời này nên đối với chúng ta, bộ kinh này cũng trọng yếu phi thường!
Cuối cùng, đoạn thứ mười sáu là Lưu Thông Phần. Trong sách Duyệt Tạng Tri Tân của Ngẫu Ích đại sư chỉ giảng đến đoạn thứ mười lăm, sau đấy lại có một đoạn là phần Lưu Thông của kinh này. Trên đây tôi đã nói cho quý vị biết sơ lược đại ý kinh này.
---o0o---