Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 8: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - B. CHÁNH TÔNG PHẦN

---o0o---

B. CHÁNH TÔNG PHẦN

1. Có sáu mươi vị Bồ Tát nghe theo lời khuyên đến chỗ Phật, gieo mình xuống đất buồn khóc, Phật an ủi bảo họ đứng dậy, lại nói lỗi xưa: ác nghiệp phỉ báng pháp sư, thọ nhiều nỗi khổ, về sau cũng sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc 

Chánh kinh:
Thị thời, ngũ bách chúng trung, hữu lục thập Bồ Tát dữ Di Lặc Bồ Tát vãng nghệ Phật sở, ngũ thể đầu địa, đảnh lễ Phật túc, bi cảm lưu lệ, bất năng tự khởi. Di Lặc Bồ Tát tu kính dĩ tất, thoái tọa nhất diện.
是時。五百眾中。有六十菩薩。與彌勒菩薩。往詣佛所。五體投地。頂禮佛足。悲感流淚。不能自起。彌勒菩薩。修敬已畢。退坐一面。
(Lúc ấy, trong số năm trăm người có sáu mươi vị Bồ Tát cùng Di Lặc Bồ Tát đi đến chỗ Phật, năm vóc gieo xuống đất, đảnh lễ dưới chân Phật, bi cảm ứa lệ, chẳng thể tự đứng lên. Di Lặc Bồ Tát kính lễ xong xuôi, lui ra ngồi một phía).
 Đương thời, trong hội có năm trăm vị Bồ Tát, trong năm trăm người chỉ có sáu mươi vị nghe lời Di Lặc Bồ Tát, theo Di Lặc Bồ Tát đi gặp Thích Ca Mâu Ni Phật. Những vị Bồ Tát vừa thuật lỗi mình ấy đều là đại quyền thị hiện. Di Lặc Bồ Tát đem những vị ấy đến trước đức Thế Tôn, sau khi hành lễ hoàn tất, bèn lui ra ngồi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
- Chư thiện nam tử! Nhữ đẳng ưng khởi, vật phục bi hiều, sanh đại nhiệt não.
爾時。佛告諸菩薩言。善男子。汝等應起。勿復悲號。生大熱惱。
(Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng:
- Các thiện nam tử! Các ông hãy đứng lên, đừng có buồn khóc, sanh nhiệt não lớn)
Sau khi chí tâm lễ kính, Di Lặc Bồ Tát ngồi lui qua một bên, sáu mươi  Bồ Tát ấy quỳ mọp dưới đất chẳng đứng lên, sám hối như vậy rất khó ai hơn! Vì thế, đức Phật thấy tình trạng họ như thế bèn an ủi họ, bảo bọn họ chớ nên bi thương, cũng đừng nên buồn khổ.
Ở đây, có một điểm thường thức (kiến thức thông thường), nhân tiện tôi nói cho quý vị biết luôn. Nếu như trong phần Chánh Tông bắt đầu bằng câu “Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát...” thì trong tựa kinh có thể thêm chữ “Phật thuyết” thành ra [tựa đề kinh này là] “Phật thuyết Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”; cũng như nếu câu thứ nhất của phần Chánh Tông là ‘Phật nói’ thì thông thường trên tựa đề kinh sẽ để thêm từ ngữ “Phật thuyết”. Nếu câu thứ nhất chẳng phải là “Phật thuyết” thì tựa đề chẳng thêm chữ “Phật thuyết”. Do vậy, quả thật ở đây phần Chánh Tông bắt đầu bằng “Nhĩ thời, ngũ bách chúng trung hữu thập lục Bồ Tát” nên [tựa đề kinh] không ghi thêm chữ “Phật thuyết”. Đây là một điểm thường thức, từ rày các vị xem kinh điển, sẽ thấy có kinh thì đề Phật thuyết, có kinh chẳng đề. [Do thấy] tựa kinh không thêm chữ “Phật Thuyết” bèn cật vấn [kinh này] không phải là do Phật nói hay sao? Vẫn là do Phật nói, [nhưng tựa đề một bản kinh] có thêm chữ “Phật thuyết” hay không là do câu thứ nhất của phần Chánh Tông có hay không có chữ “Phật thuyết”.
Phần khai thị của Phật trong đoạn sau đây hết sức trọng yếu, chúng ta phải nên cảnh tỉnh, kinh sợ.
Chánh kinh:
Nhữ ư vãng tích, tạo tác ác nghiệp.
汝於往昔。造作惡業。
(Ông trong xưa kia, gây tạo nghiệp ác)
Câu này là lời nói chung: Trong đời quá khứ, các vị tạo ác nghiệp rất nặng. Ác nghiệp gì vậy?
Chánh kinh:
Ư chư chúng sanh, dĩ sướng duyệt tâm.
於諸眾生。以暢悅心。
(Đối với các chúng sanh, dùng lòng vui sướng).
“Sướng duyệt tâm” là rất thống khoái, rất sung sướng. Làm chuyện gì vậy?
           Chánh kinh:
          Sân mạ hủy nhục, chướng não tổn hại.
          瞋罵毀辱。障惱損害。
          (Giận chửi, hủy nhục, gây chướng ngại, phiền não, tổn hại).
          Làm đến tám việc. Đối với chúng sanh, bọn họ chửi người, chửi bới người khác thật khoái trá, gây tạo ác nghiệp như thế đó!
          Chánh kinh:
          Tùy tự phân biệt.
          随自分别。
          (Theo ý mình phân biệt).
          Chấp theo tri kiến phân biệt của chính mình, nói theo cách bây giờ là “làm việc theo cảm tình, làm chuyện càn bướng, chẳng đếm xỉa đạo lý!”

          Chánh kinh:
          Bất năng liễu tri nghiệp báo sai biệt.
          不能了知。業報差別。
          (Chẳng thể biết rõ nghiệp báo sai khác)
          Lúc tạo những ác nghiệp ấy, bọn họ chẳng biết những nghiệp ấy ắt có quả báo.
          Chánh kinh:
          Thị cố nhữ đẳng kim vị nghiệp chướng chi sở triền phú.
          是故汝等。今為業障之所纏覆。
          (Vì thế, các ông nay bị nghiệp chướng ràng buộc, che ngăn)
          Hiện tại dù bọn họ nghe Phật giảng kinh thuyết pháp nhưng chẳng hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Đó là vì bị nghiệp chướng buộc ràng, che lấp.
          Chánh kinh:
          Ư chư thiện pháp, bất năng tu hành.
          於諸善法。不能修行。
          (Đối với các thiện pháp, chẳng thể tu hành).
          Rất dễ tạo tác ác pháp, rất khó tu hành thiện pháp, những điều này đều là tình cảnh nghiệp chướng sâu nặng vậy!
          Chánh kinh:
          Thời chư Bồ Tát văn thị ngữ dĩ, tùng địa nhi khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn: “Thiện tai Thế Tôn! Nguyện vị ngã đẳng thuyết thử nghiệp chướng. Ngã đẳng tri tội, đương tự điều phục, ngã tùng kim nhật, cánh bất cảm tác”.
          時諸菩薩。聞是語已。從地而起。偏袒右肩。右膝著地。合掌恭敬。而白佛言。善哉世尊。願為我等。說此業障。我等知罪。當自調伏。我從今日。更不敢作。
          (Khi ấy, các Bồ Tát nghe lời ấy xong, từ dưới đất đứng lên, trật áo vai phải, gối phải đặt sát đất, chắp tay cung kính, bèn bạch Phật rằng: “Lành thay, thưa Thế Tôn! Xin vì chúng con nói nghiệp chướng ấy. Chúng con biết tội sẽ tự điều phục, con từ hôm nay chẳng dám làm nữa!”)
          Những điều nói trong đoạn này thật là hết sức khó có, hy hữu! Chịu sửa lỗi, chịu đổi mới, người như vậy sẽ có thể cứu được. Có xấu hổ, có thẹn thùng, cầu Phật chỉ dạy rành rẽ những ác nghiệp do chính mình đã tạo trong quá khứ khiến ngày nay gặp phải những chướng nạn như thế. Biết tội lỗi ấy, bọn họ còn có thể sửa lỗi đổi mới, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ nói “tẩy tâm dịch hạnh” (rửa lòng đổi hạnh), từ nay trở đi chẳng dám tái phạm.
          Chánh kinh:
          Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
          爾時。佛告諸菩薩言。
          (Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng)
          Phật giảng cho sáu mươi vị Bồ Tát nghe.
          Chánh kinh:
          Thiện nam tử! Nhữ tằng vãng tích, ư Câu Lưu Tôn Phật Như Lai pháp trung, xuất gia vi đạo.
          善男子。汝曾往昔。於俱留孫佛。如來法中。出家為道。
          (Thiện nam tử! Các ông từng trong xưa kia, ở trong pháp của đức Câu Lưu Tôn Phật Như Lai, xuất gia tu đạo)
          Thời gian ấy rất lâu. Câu Lưu Tôn Phật là vị Phật thứ nhất của Hiền kiếp; Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư. Thời gian ấy rất dài lâu. Trong thời Câu Lưu Tôn Phật, bọn họ xuất gia, tu hành. Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc là Sở Ưng Đoạn (cái đáng nên đoạn). Phiền não là cái đáng nên đoạn, vô minh là cái đáng nên đoạn, những gì đáng nên đoạn Ngài đều đoạn sạch, ý nghĩa của danh hiệu Ngài là vậy.
          Chánh kinh:
          Tự thị đa văn, tu trì tịnh giới.
          自恃多聞。修持淨戒。
          (Tự cậy đa văn, tu trì tịnh giới)
          Có thể thấy là hạng người này rất thông minh và rất có trí huệ, nghe kinh rất nhiều. Bọn họ cậy mình đã nghe nhiều kinh, lại tự cho là mình giới luật rất thanh tịnh. Như vậy là cũng khá, tu hành cũng tốt đẹp, nghiệp chướng là do đâu? Phần kế tiếp nói:
          Chánh kinh:
          Thường hoài kiêu mạn, ngạo dật chi tâm.
          常懷憍慢。傲逸之心。
          (Thường ôm lòng kiêu mạn, ngạo nghễ, phóng dật).
Bệnh phát từ đây. Đối với người tỏ vẻ kiêu ngạo, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “đáng nên kiêu ngạo!”. Bệnh của những vị Bồ Tát ấy là ở chỗ này. Các vị xem: Họ đa văn, đa văn vốn là rất tốt, đáng nên kiêu ngạo. Giới luật thanh tịnh cũng rất hay, đáng nên kiêu ngạo! Đáng nên kiêu ngạo là xong rồi! Bây giờ quý vị có một chút sở trường nào, người khác chẳng bằng được mình, quý vị có thấy đáng nên kiêu ngạo hay không? Nếu như quý vị cũng thấy đáng nên kiêu ngạo thì hãy nhớ kỹ đoạn kinh văn này để coi quý vị có còn nên kiêu ngạo hay là không? “Mạn” là ngạo mạn, “dật” là phóng dật (buông lung), tức là rất tùy tiện.
Chánh kinh:
Hựu hành đầu-đà, thiểu dục tri túc.
又行頭陀。少欲知足。
(Lại hành đầu đà, ít muốn, biết đủ).
Điều này lại càng khó được! Đầu-đà là khổ hạnh, lúc bọn họ tu hành đã từng tu khổ hạnh. “Thiểu dục tri túc” hết sức khó được!
 
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây