Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Ý kiến bạn đọcChánh kinh:
Quảng doanh chúng vụ.
廣營眾務。
(Rộng lo liệu các việc).
Trong xã hội hiện tại, hiện tượng này rất nhiều. “Doanh” (營) là kinh doanh, “vụ” (務) là sự vụ. “Quảng” (廣) là nhiều. Tôi vừa mới nhắc qua, Bách Trượng thiền sư từng nói: “Phật môn lấy vô sự làm hưng vượng”; há nên đa sự? Thế nào là đa sự? Nêu một thí dụ phổ biến để nói thì pháp hội là đa sự, huống gì những chuyện khác! Điều này trong phần sau đức Phật sẽ giảng rộng, quý vị nhất định phải hiểu sâu xa ý Phật.
Tu học Phật pháp là gì? Đề mục kinh Vô Lượng Thọ đã cho chúng ta biết: “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Làm nhiều việc quá thì tâm làm sao thanh tịnh cho được? Thù tạc quá nhiều, chẳng thể thanh tịnh được! Sự vụ quá nhiều, chẳng thể bình đẳng được! Mỗi ngày từ sáng đến tối mê hoặc điên đảo, làm sao có thể giác ngộ cho được? Đấy chính là lỗi hại của việc “quảng doanh chúng vụ”. Câu thứ bảy là...
Chánh kinh:
Chủng chủng tham trước.
種種貪著。
(Tham chấp các thứ)
Câu này có phạm vi rất lớn. Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, buông xuống chẳng được! Câu thứ tám là...
Chánh kinh:
Vi sở bất ưng.
爲所不應。
(Làm điều chẳng nên làm)
Những điều họ làm đều là điều chẳng nên làm, đều là điều Phật chẳng cho phép, họ cứ khăng khăng tạo tác. Câu thứ chín là...
Chánh kinh:
Vọng thất chánh niệm.
妄失正念。
(Hư vọng mất chánh niệm)
“Vọng” (妄) là hư vọng. Suốt ngày hư vọng nên chánh niệm bị mất. Câu thứ mười là...
Chánh kinh:
Tu tập tà huệ.
修習邪慧。
Trong nhà Phật thường gọi “tà huệ” là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là chân trí huệ. Câu thứ mười một là...
Chánh kinh:
Hạ liệt tinh cần.
下劣精勤。
(Siêng gắng hèn kém)
Bọn họ cũng rất nỗ lực, một ngày từ sáng đến tối chẳng nghỉ ngơi, dù bận bịu vẫn vui sướng. Bận bịu những gì? Bận bịu với sự nghiệp tam đồ. Chữ “hạ” chỉ ba ác đạo, chẳng phải ba thiện đạo! “Hạ liệt” nghĩa là gì? Vướng trong tham, sân, si, tranh danh đoạt lợi, bọn họ dũng mãnh tinh tấn làm những việc như thế. Câu cuối cùng là:
Chánh kinh:
Hành mê hoặc hạnh.
行迷惑行。
(Làm hạnh mê hoặc)
Đây là hiện tượng chung cho cả tại gia lẫn xuất gia trong cửa Phật vào thời Mạt Pháp này. Nếu như chúng ta thật sự chăm chú phản tỉnh, [sẽ thấy là] nếu mắc căn bệnh này thì bất luận đang tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh. Điều kiện để vãng sanh là tâm phải thanh tịnh - “tâm tịnh thì cõi nước tịnh”. Tây Phương thế giới là Tịnh Độ, chẳng phải là uế độ! Vì thế, tâm chẳng thanh tịnh, làm sao vãng sanh được? Mê hoặc là chẳng thanh tịnh, chẳng ứng hợp Tịnh Độ. Tụng kinh cho nhiều, niệm Phật cho lắm thì cũng như lời cổ nhân nói: “Rách toạc cuống họng vẫn uổng công!”, chỉ có thể kết duyên lành với Tịnh Độ, chứ chẳng thể vãng sanh ngay trong một đời!
Sự việc như vậy có gì là lạ, chẳng biết là trong đời quá khứ chúng ta đã làm như thế bao nhiêu lần rồi! Chúng ta có nhân duyên rất sâu xa với Tây Phương Tịnh Độ, vì sao chẳng thành tựu? Nói chung là vì phạm phải những lầm lỗi ấy. Đời đời kiếp kiếp quá khứ phạm phải những lầm lỗi ấy nên niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Đời này gặp được bản kinh này, đấy là nhân duyên hy hữu. Thử nghĩ: Nếu vẫn phạm những lỗi ấy thì một đời này ắt phải luống uổng. Nếu quả thật có thể thường tích cực phản tỉnh, sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ thì trong một đời này chúng ta quyết định sẽ thành tựu. Lại xem tiếp kinh văn:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát tại ư hội trung, kiến chư Bồ Tát cụ túc như thị bất thiện chư hạnh.
爾時。彌勒菩薩摩訶薩。在於會中。見諸菩薩。具足如是不善諸行。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong hội, thấy các Bồ Tát đầy đủ các hạnh bất thiện như thế).
“Cụ túc”: Mười hai điều vừa nhắc đến trong phần trên họ đều phạm đủ cả, phạm toàn bộ. Ngài Di Lặc thấy các Bồ Tát ấy có nhiều lầm lỗi như thế.
Chánh kinh:
Tác thị niệm ngôn.
作是念言。
(Nghĩ như thế này)
Trong tâm Ngài suy nghĩ.
Chánh kinh:
Thử chư Bồ Tát ư vô thượng Bồ Đề, viên mãn đạo phần, giai dĩ thoái chuyển.
此諸菩薩。於無上菩提。圓滿道分。皆已退轉。
(Các vị Bồ Tát này đối với viên mãn đạo phần nơi vô thượng Bồ Đề đều đã lui sụt)
Cổ nhân thường nói: “Người sơ phát tâm thành Phật có thừa”. Sơ Phát Tâm đều là những người phát thiện tâm, có tâm tốt lành, nhưng do nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn nên rất dễ bị thoái chuyển, rất dễ bị mê hoặc, đặc biệt là [mê hoặc] bởi danh tiếng, lợi dưỡng! Người sơ phát tâm xuất gia không có ai cúng dường họ, cuộc sống rất thanh bần, khổ sở, đạo tâm rất kiên định. Tu hành được mấy năm, có chút ít thành tựu, danh tiếng, lợi dưỡng đưa tới, kẻ ấy lại bị đọa lạc. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao không đọa lạc cho được? Vì thế đối với Vô Thượng Bồ Đề bèn thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát thấy vậy bèn khởi tâm từ bi.
Chánh kinh:
Ngã kim đương linh thị chư Bồ Tát giác ngộ khai hiểu, sanh hoan hỷ tâm.
我今當令。是諸菩薩。覺悟開曉。生歡喜心。
(Nay ta nên làm cho các Bồ Tát này giác ngộ, hiểu biết, sanh lòng hoan hỷ)
Di Lặc Bồ Tát đến giúp đỡ các Bồ Tát ngu si ấy. Ở đây, chúng ta phải chú ý: Thế nào là đại từ đại bi? Thế nào gọi là cứu tế bần khổ? Người tu hành không có đạo, ấy là “bần”. Người tu hành vẫn phạm những lầm lỗi y như cũ, thật là “khổ”! Ở đây, Di Lặc Bồ Tát hành từ bi cứu tế. Ngài cứu tế các Bồ Tát điên đảo mê hoặc đó, làm cho họ “giác ngộ khai hiểu”, nghĩa là khiến cho họ phá mê khai ngộ. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ là đại từ đại bi, là cứu tế chân chánh.
/14