Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Sự Tích Đức Phật Thích Ca

(Phiên bản 2017, tu chính toàn bộ)

 

Đọc quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này quý vị sẽ biết rõ về :

1 - Cuộc đời đức Phật,

2 - Giáo lý giác ngộ và giải thoát,

3 - Các pháp môn tu để đi đến giác ngộ và giải thoát.

Chương 17: D- THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO - 1- Ra đi (năm -595)

D- THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO

          Từ năm 29 tuổi đến năm 35 tuổi (6 năm).

 

1- Ra đi (năm -595)

Năm 595 trước tây lịch, thái tử Siddhattha được 29 tuổi[84]Công chúa Yasodharā vừa hạ sanh hoàng nam duy nhất là Rāhula[85] được bảy ngày.

Sau bữa tiệc linh đình mừng cháu nội đích tôn của vua chào đời, đêm đã quá khuya, mọi người đều mỏi mệt. Vua trời Đế Thích là Sakka Indra[86] dùng thần lực làm cho tất cả quan quân và thế nữ ngủ say mê, nằm ngổn ngang khắp mọi nơi. Riêng thái tử cảm thấy băn khoăn không ngủ được, tự nghĩ nên nhân cơ hội có một không hai nầy để ra đi. Ngài im lặng đứng nhìn công chúa Yasodharā và Rāhula lần cuối cùng để từ giã. Hai mẹ con nằm bên nhau tạo nên một hình ảnh ấm cúng chan hòa tình thương thiêng liêng, cao cả, ngây thơ, nồng nàn, êm dịu làm thái tử xúc động chùn chân. Thái tử chợt nhớ đến sông mê bể khổ vô bờ bến của chúng sinh phải chịu trong vô lượng kiếp, ngài liền bước vội ra ngoài gọi Channa :

 Channa, ngươi mau dắt ngựa Kanthaka đến đây cho ta.

 Thưa thái tử, bây giờ đã quá nửa đêm, ngài dùng ngựa để làm gì ?

 Thời đã tới, ta đi xuất gia tầm đạo, ngươi chớ cản ta, không được trái ý ta.

Channa run sợ, lén dắt ngựa tới. Thái tử vừa lên mình ngựa thì trời đất rung chuyển sáu cách[87]. Channa chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa thì bốn ông Thiên vương[88] đã bay xuống cầm bốn chân ngựa bay vút qua cổng thành phía đông[89], rồi đi về hướng nam tới chỗ đạo sĩ Bhaggava (Bạt Già hay Bạt Ca Bà) tu khổ hạnh thì đáp xuống.  Rạng sáng ngày mồng 8 tháng 2[90] năm Bính Dần (-595), thái tử Siddhattha và Channa thấy mình đang ở bên kia bờ sông Anomā[91], cách thành Kapilavatthu 36 dặm (58 km) về hướng tây nam[92], thuộc làng Anupiya, xứ Mallā.

Thái tử rút gươm cắt tóc vừa phát nguyện : "Tôi cắt bỏ mớ tóc này để phát nguyện đoạn hết phiền não và tập chướng". Vua Trời Đế Thích (Đao Lợi) là Sakka Indra liền đưa vạt áo hứng tóc của ngài rồi bay về thiên cung xây tháp cúng dườngThái tử lại thầm nghĩ: "Còn tấm áo bào này ta cũng phải thay đổi mới thành tướng xuất gia". Sakka Indra biết ý liền hóa làm người đi săn, tay cầm cung tên, mình mặc áo cà-sa vàng đi tới. Thái tử nhìn thấy hỏi rằng:

 Tại sao ông mặc áo của người tu hành mà đi làm việc giết hại như vậy?

 Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho mấy con hươu nhìn thấy không bỏ chạy. Nhờ vậy tôi mới săn được nhiều.

 Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại thật không nên. Còn tôi muốn xuất gia cầu giải thoát mà chưa có áo tu sĩ. Vậy ông nên đổi áo với tôi đi.

Sakka Indra thành kính cởi áo cà-sa dâng thái tửThái tử cũng cởi áo bào đổi cho. Thái tử hoan hỉ mặc áo cà-sa xong[93], uy dung tự nhiên cải biến, thầm nghĩ: "Từ nay ta thật có hình tướng xuất gia".

Trước khi từ giã[94]thái tử ôn tồn nói với Channa:

 Này Channa, ta thấy người thế gian, thân tuy xa nhau mà khi tâm hợp nhau thì tâm họ vẫn theo nhau. Cũng có người thân tuy gần nhau mà tâm không hợp nhau thì tâm họ vẫn xa cách nhau. Ta lìa bỏ cung điện ngai vàng chỉ có một mình ngươi theo ta tới đây. Ta sẽ ở lại nơi nhàn vắng nầy tầm đạo, còn ngươi hãy mang các trang phục của ta về dâng lên Phụ vương và tâu rằng: Tâu Bệ hạ, đối với các sự tôn vinh, quyền thế và lạc thú ở đời, Thái tử không nghĩ đến, không mong muốn, cũng không cầu sinh lên các cõi trời để hưởng năm món dục lạc, và cũng không phải bất hiếu, giận hờn, mà chính vì thấy chúng sinh lầm đường lạc nẻo, không biết con đường chính, chìm nổi trong vòng sinh tử luân hồi, nên Thái tử nguyện xuất gia để tìm phương pháp giải cứu cho họ. Cúi xin Bệ hạ chớ buồn vì Thái tử. Nếu Phụ vương nói ta còn ít tuổi, chưa nên xuất gia, thì ngươi tâu rằng: "Tâu Bệ hạ, mạng người vô thường không có hạn định tuổi, có ai là người chắc đến già mới chết". Ngươi thưa với di mẫu ta rằng: Người ta sinh ra ở đời, ân ái có ngày biệt ly, ta vì muốn đoạn trừ những mối đau khổ đó nên đi xuất gia học đạo, xin bà đừng thương nhớ làm chi mà sinh sầu khổ. Ngươi cũng nên nói với các công chúa rằng ta muốn phá bỏ cái màn vô minh, nguyện thành ngôi chánh giác rồi sẽ trở về đưa dắt mọi người lên đường giải thoát.

Channa nghe xong bái chào thái tử, nước mắt đầm đìa, lên ngựa trở về thành.

Channa về đến hoàng cung; hoàng hậu Pajāpatī, công chúa Yasodharā và hai bà phi Gopikā và Migāranikā, cùng các thế nữ nhìn thấy Channa về mà không thấy thái tử đều lo lắng hỏi :

 Thái tử bây giờ ở đâu ?

 Thưa hoàng hậu, thái tử đã lìa bỏ năm món dục lạc thế gian để cầu đạo giải thoát. Hiện ngài đang ở nơi sơn lâm, mặc áo cà-sa, cắt bỏ râu tóc, thành người xuất gia. Xin hoàng hậu hoan hỉ !

 Ta có phụ gì ngươi, hoàng hậu nói, sao ngươi lại dám để thái tử ở một mình nơi sơn lâm lạnh lẽo đầy ác thú độc trùng, lấy gì bảo đảm tánh mạng cho thái tử ?

 Thưa bà, thái tử bắt con trở về trình bà những món trang phục này và xin bà cứ an tâm, đừng lo buồn gì, chẳng bao lâu thái tử đắc quả chánh giác sẽ trở về.

 Nhà ngươi vô cớ làm hại ta, công chúa Yasodharā nói, ngươi còn trở về đây làm chi nữa ?

 Thưa bà, thái tử vượt thành xuất gia là do sức thần thông của chư thiên làm cho mọi người ngủ say, rồi bốn ông Thiên vương xuống nắm bốn chân ngựa bay lên trời mà đi, con chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa bay theo mà thôi. Xin bà tha thứ. Nhưng mà hay lắm, quý lắm ! Khi thái tử bay qua cổng thành tự nhiên có hào quang sáng chói cả trời đất. Thật là kỳ lạ !

Về đến hoàng cung, ngựa Kanthaka vô cùng buồn bã, bỏ ăn mấy ngày rồi đứt ruột ngã lăn ra chết, vãng sanh lên cung trời Đao Lợi (Tāvatimsā)[95].

 

Thái tử Siddhattha, bây giờ đã trở thành sa môn Gotama, ở lại bờ sông Anomā bảy ngày, vui thú tĩnh tọa giữa cảnh u tịch của núi rừng, thuộc làng Anupiya, xứ Mallā. Nơi đây vị tân sa môn có dịp quan sát lối tu khổ hạnh của nhóm ông Bhaggava (Bạt Già). Các ông đạo sĩ khổ hạnh nầy che thân hoặc bằng lá, hoặc bằng cỏ, hoặc bằng vỏ cây kết lại; khi ăn thì dùng các thứ cây, cỏ, hoa, quả, có ông ăn mỗi ngày một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày một bữa; có ông thờ thần nước, thần lửa, có ông thờ mặt trờimặt trăng; có ông đứng một chân suốt ngày, có ông đưa hai tay lên trời suốt ngày, có ông nằm trên chông gai, hoặc nằm gần bên đống lửa, hoặc ở mé nước. Sa môn Gotama (Cồ Đàm) hỏi :

 Các ông tu khổ hạnh như vầy để cầu điều gì ?

 Chúng tôi mong sau khi chết sẽ được sanh lên các cõi trời hưởng phước báu.

 Được sanh lên các cõi trờisa môn Gotama nói, tuy vui thú thật, nhưng khi hết phước cũng lại bị đọa lạcsinh tử luân hồi trong sáu đường[96]. Tôi muốn tìm cách tu nào để trừ hết cái căn bản đau khổ đó.

Thảo luận đến tối cũng không ai tìm được phương pháp nào hay. Sa môn Gotama bèn xin từ giã để tiếp tục con đường tầm đạo. Ông Bhaggava thấy sa môn Gotama có tướng tốt và chí lớn liền bảo :

 Này đạo hữu, cách đây khoảng 120 dặm về hướng đông nam, ở gần thủ đô Vesālī của xứ Vajjī (Bạt Kỳ), có một vị đạo sư rất nổi tiếngđạo đức sâu rộng, tài học cao minh, tên là Ālāra Kālāma (A La Ca Lam)[97] có đến 300 đệ tử. Vậy đạo hữu nên đến đó đàm luận thử xem.

Sa môn Gotama cám ơn ông Bhaggava rồi lên đường tìm đến đạo sư Ālāra Kālāma.

 

Vua Suddhodana sau khi hay tin thái tử vượt thành xuất gia thì đêm ngày thương nhớlòng dạ héo hon. Ngài triệu tập quần thần đàm luận rồi sai quan Thái sư cầm đầu một nhóm văn thần đi mời thái tử trở về hoàng cung. Trong nhóm đó có năm vương tôn dòng Sākya[98] là các ông Kondañña (Kiều Trần Như), Bhaddiya (Bạt Đề), Dasabala Kassapa (Thập Lực Ca Diếp) còn gọi là Vappa (Bà Sư Ba), Mahānāma Kulika (Ma Ha Nam Câu Lỵ), Assaji (Át Bệ, A Xà Du, Mã Thắng). Phái đoàn đến khu rừng bên bờ sông Anomā, gặp đạo sĩ Bhaggava, hỏi rằng :

 Thưa đạo sĩthái tử Siddhattha rời thành đi xuất gia có tới đây không?

 Thưa quý ngài, có một đồng tử tới đây đàm đạo cùng chúng tôi, nhưng hiện giờ có lẽ đang ở nơi vị đạo sư Ālāra Kālāma gần thủ đô Vesālī của xứ Vajjī.

Phái đoàn liền từ giã đạo sĩ Bhaggava và tiếp tục đi đến Vesālī, tìm đến đạo tràng Ālāra Kālāma. Đến nơi thấy thái tử mặc áo sa môn, liền quỳ xuống thưa rằng:

 Kính thưa thái tửĐại vương tuy đã biết ý thái tử muốn xuất gia học đạo từ lâu, nhưng ngài vẫn ngày đêm mong nhớ, tinh thần dã dượithân thể hao mòn. Xin thái tử hãy mau trở về hoàng cungĐại vương sẽ dành riêng một nơi yên tĩnh để thái tử an tâm tu học, cứ gì phải ở nơi sơn lâm vắng vẻ mới được.

 Tôi sao không biết nỗi khổ tâm và thâm tình của Phụ vương. Chính vì muốn giải quyết tận gốc rễ các nỗi khổ triền miên đó của chúng sinh mà tôi phải  đi xuất gia tầm đạo. Vả lại bây giờ Phụ vương tôi đã có cháu nội là Rāhula ở bên cạnh để an ủi và nối nghiệp sau này. Xin quý vị hãy trở về tâu cùng Phụ vương, khi giải quyết xong cái khổ nói trên của chúng sinh tôi sẽ trở về.

Thấy thái tử đã có đầy đủ tướng xuất gia lại một lòng khẳng khái không lay chuyển, nhóm năm anh em ông Kondañña tình nguyện ở lại bảo vệ thái tử, để quan Thái sư trở về tâu lại với vua.

 

 

 

/18
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây