Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 39: Quyển 14 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Nhân Duyên Cảm Ứng - Phần 27- 37

27. Lý Đại An, người Lũng tây đời Đường, là anh của thượng thư bộ công Đại Lượng. Giữa niên hiệu Vũ Đức, Đại Lượng làm tổng quản Việt châu. Từ kinh đô, Đại An đến thăm em. Đại Lượng sai mấy nô tỳ theo hầu. Về đến cầu Lộc ở Cốc châu, vào nghỉ tại nhà trọ. Trong đám nô tì có kẻ muốn giết Đại An, chờ đêm khuya ngủ say, lấy kiếm ngắn đâm xuyên cổ Đại An, cắm ngập xuống giường rồi bỏ trốn. Đại An hoảng hồn thức giấc kêu cứu. Mấy nô tì còn lại muốn rút kiếm lên. Đại An bảo: “Nếu rút ra, ta sẽ chết mất! Trước tiên, hãy đưa giấy bút đến đây.” Vừa viết thư xong, quan huyện chạy đến, rút kiếm ra và băng bó vết thương. Đại An bèn tắt thở. Bỗng đâu như mộng, thấy một vật dài hơn thước, dày bốn, năm tấc, giống cục thịt heo, cách mặt đất chừng hai thước, xông đến trước giường bảo: “Mau trả thịt heo cho ta!”Đại An đáp: “Ta không ăn thịt heo, làm sao mắc nợ nhà ngươi?” Liền nghe ngoài cửa có tiếng nói: “Lầm rồi!” Vật ấy lập tức bỏ đi. Đại An lại thấy trước sân có hồ nước trong trẻo đáng thích, bên bpờ có tượng Phật cao chừng năm tấc. Giây lát lớn dần, biến thành vị Tăng mặc áo cà-sa rất trang nghiêm, bảo Đại An: “Bị thương chăng? Ta sẽ lấy ra dùm mọi đau đớn. Nhà ngươi sẽ được bình phục trở về nhà tu hiền niệm Phật.”Rồi đưa tay xoa lên vết thương trên cổ của Đại An và bỏ đi. Đại An nhớ được hình dung, thấy rõ ràng sau lưng của vị Tăng có vuông lụa hồng chừng 1 tấc đắp lên cà-sa. Liền đó, Đại An hồi tỉnh và sống lại. Vết thương cũng hết đau, có thể ngồi dậy ăn uống. Mười mấy hôm sau, con cháu đến rước về. Thân thích bạn bè kéo đến thăm hỏi. Đại An kể lại mọi chuyện. Có một nô tì đứng bên cạnh nghe xong, bèn nói: “Ngày ngài mới lên đường, phu nhân nhờ thợ tạo một pho tượng Phật. Xong xuôi, lấy thuốc màu vẽ áo. Có một chấm son giọt ố vai tương.Phu nhân sai thợ tẩy đi, nhưng hắn chẳng chịu làm. Nay vẫn còn in trên tượng, đúng như lời ngài vừa kể. Đại An liền cùng phu nhân, thân thích đi chiêm bái tượng. Thật giống hệt trong mộng chẳng sai. Vết son đỏ rành rành là chổ vá. Bèn vô cùng lấy làm lạ, biết rằng Chánh pháp có thật, nên càng Tăng thêm lòng tín mộ, thành kính phụng thờ và sống được trường thọ.

Từ khi Phật pháp truyền bá sang Trung Quốc, chuyện tượng Phật hiển linh cảm ứng rất nhiều, không thể đem ra kể hết. Nay chỉ lược thuật một số như trên (Chuyện này rút từ sách Minh-báo-ký).

28. Đời Đường, trong thành Vô chung ở huyện Ngư dương thuộc U châu có chừng một trăm nóc nhà dân. Tháng tư mùa Hạ năm Long sóc thứ hai, thành phát cháy. Gác canh và nhà dân đều bị thiêu rụi. Chỉ có hai Tinh xá, tháp Phật, trần màn bằng giấy bồi phía trên khám thờ và tượng Phật không bị bắt lửa, sừng sững vươn lên. Người đương thời xem thấy đều lấy làm lạ, cho rằng nhờ có Phật lực hộ trì. Trung sơn lang Dư Lịnh đến đó trấn nhậm, được lang tướng Tề Quận vốn là thân hữu của anh mình là Dư Khánh, nhân đi sứ Doanh châu, đã tận mắt chứng kiến chuyện này, đem ra kể lại cho nghe.

29. Đời Đường, chùa Đồng tử ở phía Tây thành Kinh châu có pho tượng Phật ngồi to lớn, cao hơn một trăm bảy mươi thước. Nhà vua vốn sùng Đạo, cuối niên hiệu Hiển Khánh, ngự giá đến Tinh châu, cùng hoàng hậu lên chùa rồi đến tham quan pho tượng lớn hai trăm thước tại cùa Khai hóa ở hang Bắc. Nhà vua thành kính hành lễ, tán thán linh tích hy hữu, cúng dường châu báu, tiền của, pháp phục. Các phi tần tháp tùng cũng đều quyên góp. Lại ban sắc cho trưởng quan ở đó là Đậu Qũy gấp rút trang hoàng các Thánh tượng và mở rộng mặt trước khám thờ. Tháng bảy mùa thu năm Long sóc thứ hai, thị thần giao cho trung sứ hai bộ cà-sa mang lên cúng dường hai Thánh tượng. Ngày chùa Đồng tử làm lễ mặc áo cà-sa, tượng phóng hào quang ngũ sắc từ sáng đến chiều, chiếu diệu cả núi non, soi sáng khắp đất nước, chan hòa các tượng Phật nhỏ ở khám thờ phía Nam và làm rạng rỡ mọi điện đường. Đại chúng đi xem, đông đảo đến nghìn vạn. Dân chúng trong thành chứng kiến chuyện ấy, phát thành tâm hướng thiện, mười nhà hết bảy, tám nhà. Tất cả đều hay, chẳng cần phải nói rõ.

30. Đời Đường, chùa Thanh Thiền tại Trường An trước đây có một pho tượng phật bằng vàng ròng cao một thước bốn tấc, nặng tám mươi lượng, do Tùy Văn đế đúc nên. Năm Tring quan thứ mười bốn, tên cướp Tôn Đức Tín làm tờ sắc giả, giao cho một tên thái giám mang đến chùa tuyên đọc, gạt lấy tượng. Tăng chúng nghe có mệnh vua, không dám trái lệnh, đành phải giao ra. Hôm sau, sự việc đổ bể, thân tượng đã bị nấu chảy, chỉ còn lại phần đầu. Vua Đường Thái tông giận dữ, xử bằng cực hình. Khi Đức Tín chưa bị hành hình, thân thể đã bị thối nát, mình đầy nhọt độc vỡ loét. Nhà chùa bỏ thêm vàng đúc lại tượng theo kiểu như xưa. (Ba chuyện trên đây rút từ sách Minh-báo và Thập-dị)

31. Niên hiệu Hiển Khánh thứ tư đời Đường Cao tông (69), vì bị hạn hán, thứ sử họ Tổ ở Phủ châu đã làm lễ cầu mưa nhưng không linh nghiệm. Có người thấy một pho tượng đi trên núi phía Đông. Không biết nguyên nhân, cùng rũ nhau kéo lên dời tượng. Tượng vẫn ù ù đứng yên không nhúc nhích. Tiếng đồn như gió, xa gần đều đổ lên xem. Có người ở Đàm châu bảo rằng: “Chùa ở đấy mất tượng, ai ngờ lại đến đây!” Xem lại hành trình, thấy có hai vết tích đều dài ba thước, cách nhau khoảng năm trăm dặm. Thứ sử thấy hạn hán đã lâu, liền đến khấn cầu. Quan dân toàn châu đi bộ, mang hương hoa cúng dường dài suốt hai mươi dặm, khóc lóc kể lể sự tình rất chân thành rồi cử ba người đến bưng tượng. Tượng nhẹ nhàng theo tay về chùa. Dọc đường, mây giăng mờ mịt, đến chiều liền đổ mưa ào ào. Nhờ thế, mùa màng được sung túc. Tượng hiện tôn trí tại Phủ châu.

32. Niên hiệu Vĩnh huy đời Đường Cao tông (60-6), ở phía Đông Lam điền thuộc ung châu là chùa Ngộ chân dựng trên sườn Lam cốc. Cảnh trí núi non tuyệt đẹp, đền điện trang nghiêm. Có một pho tượng đứng sừng sững tại phía Bắc chùa. Khi trùng tu tự viện, gặp tảng đá lớn nằm vắt ngang, gây nên trở ngại. Người ta lấy lửa đốt lên rồi tưới nước vào để vỡ ra, nhưng cũng không xong. Phải lấy dùi thép đục bể tảng đá, bất ngờ gặp một tượng Phật hoàn hảo tự nhiên, đủ cả vòng hào quang và tòa sen, cao chừng năm tấc. Không ai biết gốc gác từ đâu và thuộc loại bảo vật nào nữa. Cùng năm ấy, một đức Phật và hai vị Bồ-tát hiện ra trên đầu cột trên đầu cột ở điện Quang minh tại Ích châu. Dẫu gọt bỏ những hình ảnh vẫn lộ rõ. Mớ đầu, cột này vẫn năm ở Phật đường Cửu lủng, trưởng sử Trương Tự tập hộp nhiều người di chuyển về điện Quang minh. Hiện tại, cột ấy vẫn còn.

33. Đời Đường, tại khúc eo của sông Lễ ở huyện Hộ thuộc Ung châu có một pho tượng Phật bằng kim khí cao ba thước sáu tấc, kể luôn vòng hào quang cao đến bốn thước, để lộ tay phải, nghi dung hết sức uy nghiêm và thường phóng hào quang. Bần Tăng nghe tiếng, thường đến chiêm bái. Trên tòa sen có khắc rằng: “Đúc tại chùa trong thành Trường An ngày mồng tám tháng tám năm Kiến nguyên thứ hai mươi đời Tần (38 vua Tần Phù Kiên). Nữ tín chủ Tuệ Thiều khấn rằng: “May mắn gặp được Thánh tượng còn sót lại, bèn xuất tiền của đúc nên. Như tấm lòng thành được cảm ứng, nguyện cầu mười phương đều hưởng phước lành.” Trước đây, khi hai Đạo bị tiêu diệt, tượng được chôn giấu trong vực nước xoáy La nhân tại sông Lễ. Có người đi ngang trên bờ nghe tiếng nói vọng lên từ vực xoáy va thấy hào quang phóng lên, liền bảo cho các bô lão trong làng cho người xuống sông đào lớp cát dưới vực, ngay chổ phát hào quang, liền gặp tượng. Bấy giờ đang thời nhà Châu phá Đạo, phải đem giấu kỷ trong nhà, cùng nhau thờ phụng tại phòng riêng. Tượng thường phóng hào quang soi sáng. Hiện vẫn còn tại làng ấy.

34. Tháng hai mùa Xuân năm Long sóc thứ ba đời Đường, có tượng Phật bằng đá trên núi tại Thấm châu phóng hào quang. Trên lưng chừng sườn hang Trường cốc thuộc địa phận huyện Miên thượng nằm cách Thấm châu sáu mươi dặm về phía Bắc có khám thờ chư Phật đời quá khứ. Trong đó có ba pho tượng bằng đá: pho ở giữa thường phóng hào quang chiếu sáng khắp hang và núi rừng. Dân chúng lấy làm lạ, đem trình báo lên châu. Châu bèn tâu lên. Nhà vua sai Sa-môn chùa Từ Ân là Huyền Trí cùng sứ giả đến thẳm tra, thấy hào quang như lửa chớp không ngừng. Bấy giờ có đám mây bay đến hang, hào quang tạm thời vụt tắt. Khi đám mây bay đi, hào quang lại xuất hiện. Chứng kiến xong, liền phi báo về triều, nhà vua ra lệnh vẽ lại cảnh tượng ấy rồi tiếp tục kiểm tra. Hào quang lại chiếu diệu như trước suốt ba đêm. Tương truyền đến nay, hào quang vẫn còn. Cảnh sắc núi rừng ở đây thật xanh tươi. Phật tích trong các khám đá rất nhiều. Chẳng ai biết được gốc gác, chỉ thấy điềm linh xuất hiện dập dồn.

35. Chuyện chùa Pháp tụ ở huyện Quách hạ thuộc Ích châu đời Đường vẽ tượng Bồ-tát Địa Tạng. Tượng gốc do Trương Tăng Diêu vẽ Bồ-tát ngồi buông chân trên Thiền sàng, cao chừng 8, chín tấc. Tháng bảy năm Lân đức thứ hai, Tăng đồ trong chùa vẽ lại một bức, liền phóng hào quang, khi ẩn khi hiện, giống như vòng vàng nhưng lớn bằng hào quang của tượng gốc. Lần lượt sao lại ba bức nữa, cũng đều phóng hào quang. Tháng tám năm ấy, nhà vua ban sắc tìm một bức đưa về cung thờ phụng. Hiện nay, khắp trong triều ngoài nội, những bức vẽ lại đem thờ cũng đều phóng hào quang như thế. Mới hay, Phật lực huyền diệu vô biên, không thể ngờ nổi (Tại nhà của bần Tăng cũng có một bức, không kể ra trên đây).

36. Năm Lân đức thứ hai đời Đường Cao tông (66) Sa-môn Tuệ Dục ở núi Tam học thuộc huyện Kim thủy tại Giản châu, nay được tạm thời trụ trì chùa Không tuệ thuộc huyện Quách hạ tại Ích châu. Năm trước, Sa-môn sang chùa Trường sa ở Kinh châu, thành tâm khấn nguyện trước kim tượng thép vàng, xin vẽ lại đem về thờ phụng. Tìm được họa sư tài hoa Trương Tịnh Nhãn, yêu cầu trai giới thanh tịnh xong, nhờ vẽ luôn 6 bức vẫn chưa thấy linh hiển. Đến bức thứ bảy, liền phóng hào quang ngũ sắc chiếu diệu khắp trong ngoài suốt 7 hôm mới tắt. Xa gần đều chứng kiến. Đại chúng kinh ngạc hoan hỷ không thể tả nổi. Sa-môn vội vàng mang các họa phẩm chưa kịp trau chuốt này đến Trường an, ý muốn nhờ vẽ thêm các Thánh Tăng đệ tử hầu cận và các phẩm vật cúng dường. Bấy giờ, tuân theo sắc lệnh của nhà vua, các họa sư tuyệt giỏi ở kinh thành đều tụ họp ở tòa trung thư, dưới sự giám sát của các quan học sĩ, cùng vẽ bốn mươi quyển tranh minh họa trong bộ Tây-quốc-chí gồm có sáu mươi quyển. Sa-môn Tuệ Dục cho rằng ở ngoài không có họa sư tài giỏi, nên vào đó nhờ họa sư Phạm Trường Thọ trang trí thêm tại nhà Đô đường. Đến canh ba đêm mồng bảy tháng sáu, họa phẩm đầu tiên phóng hào quang ngũ sắc chiếu sáng tận phía ngoài nhà Đô đường. Người bảo vệ nhân đi ra ngoài, thấy trên nhà sáng rực, cho là lửa cháy, hốt hoảng la vang. Trong nhà, mười vị quan trực và hơn ba mươi binh sĩ đang ở trần nằm ngủ vì Trời quá nóng. Ánh hào quang chiếu sáng, ai nấy nhìn nhau, đều thấy rõ thân thể đỏ hồng, phải vội vàng mặc lấy y phục. Có một vị quan tên Thạch Hoài Tàng, vốn không tin Phật, chẳng thấy được hào quang, chỉ thấy thân thể toàn một màu đen đúa. Cứ thế, hào quang chiếu rực đến sáng mai mới tắt. Sau khi hiểu rõ, Hoài Tàng ăn năn sám hối, nhưng cũng không thấy được hào quang chiếu sáng thân thể. Những quan viên binh sĩ thấy được hào quang đều phát nguyện trai giới. Riêng các quan viên, mỗi người đều vẽ một bức đem về nhà thờ phụng.

37. Năm Long sóc nguyên niên đời Đường (661), nhà vua ban sắc sai Sa-môn Hội Trách ở chùa Hội Xương lên tu bổ chùa chiền bảo tháp trên núi Ngũ đài tại huyện Ngũ đài thuộc Đại châu. Núi ấy gồm ngọn, trong đó ngọn Trung đài cao nhất. Từ đỉnh của ngọn núi này, có thể nhìn xa nghìn dặm, nước non trong nhỏ bé như bàn tay. Đó đây la liệt mấy nghìn bảo tháp có tường lũy bằng gạch đá, do vua Cao tổ nhà Bắc Ngụy là Hiến Văn đế (71-7) dựng nên. Trên đá của ngọn Bắc đài, dấu chân người ngựa như núi mới in lên. Đỉnh núi là hồ lớn Thái hoa tuyền. Lại có thêm một dòng suối nhỏ uốn éo ngoằn ngoèo, hai bên bờ có hai ngôi chùa thờ tượng đức Bồ-tát Văn-thù. Xưa nói rằng ngài Văn-thù đến núi Thanh lương thuyết pháp cùng năm trăm vị tiên nhân. Kinh Hoa-nghiêm cũng nói ngài Văn-thù thuyết pháp trên núi Thanh lương. Thế nên núi này khí hậu rất lạnh, không có các loài cây tạp, chỉ có rừng thông chót vót phủ đầy khe núi. Phía Nam gọi là ngọn thanh lương, dấu tích xưa nay chưa mất. Từ ngọn này đi lần xuống ba mươi dặm về phía Đông nam chùa Linh thứu. Hai bên có hai Đạo trường hoạt động Phật sự đầy đủ. Các vị bô lão bảo do vua Hán Minh đế xây dựng. Phía Nam có hoa viên rộng chừng hai trăm mẫu, nở loài hoa lạ chiếu sáng một vùng, được cây cối bao quanh bốn phía. Từ đầu Xuân đến cuối Thu, hoa lạ này đua nhau nở rộ. Xưa nay nhiều người rất thích giống hoa này, đã bứng đem về trồng, nhưng không sống nổi. Thậm chí, tròng ở phía ngoài hoa viên cũng không sống nổi. Riêng trong hoa viên, hoa ấy tự nhiên sinh sôi. Phải chăng do thần uy của ngài Văn-thù thị hiện riêng một cảnh trí thần tiên như thế? Người có thành tâm đến đây sẽ gặp nhiều chùa chiền có các Thánh Tăng cư trụ. Hoặc giữa lừng không, hoặc bên bờ suối, hoặc ở chốn núi non hiểm trở, hoặc trong hang động thâm u. Hoặc bậc xuất trần, hoặc người thế tục. Vừa mới đi qua, nhưng tìm đến không thấy. Chùa chiền và các vị Thánh Tăng ấy biến hiện vô thường, không thể lường được.

Đầu năm Long sóc thứ hai, nhà vua lại sai Sa-môn Hội Trách sang Tinh châu tập họp quan viên tiền của đem tu bổ cổ tự. Sa-môn cùng phủ thừa Ngũ đài kéo theo hơn hai mươi người lên thẳng ngọn Trung đài. Xa xa, nhìn thấy pho tượng đá đứng cheo leo bên bờ vực, múa máy chân tay. Vừa đến nơi nhìn lại, chỉ là một tảng đá vuông vắn. Mọi người đâm ra buồn rầu, ân hận không có cơ duyên gặp gở chân thân. Khi sai thợ tu bổ hai tòa tháp và tượng đức Phổ Hiền, mọi người đang quay quần bên tháp, bỗng nghe đâu có tiếng chuông đổ liên hồi và mùi hương kỳ diệu xong lên ngào ngạt. Toàn thể đều cảm thấy hy hữu lạ lùng. Phái bộ lại lên ngọn Tây đài, thấy từ xa một vị Tăng cỡi ngựa đi tới. Tăng Trách và mọi người dừng lại đứng đợi bên đường rất lâu, nhưng chẳng thấy đến, bèn kéo nhau đến đón thì đã biến thành chồi cây, khiến lòng mọi người cứ ấm ức mãi. Thế thì, linh tượng cảm thông, thỉnh thoảng ẩn hiện; tiếng chuông hưởng ứng, liên tục thường nghe. Núi ấy vuông vức khoảng ba trăm dặm. Chân núi Đông nam liền với núi Bắc nhạc, chân núi Tây bắc là hồ Thiên Trì, chính giữa có núi Phật quang, núi Tiên hoa, tháp Vương tử, 6 ngôi cổ tự, động tôn trí chân thân của các Thiền sư Giải Thoát và Tăng Minh. Nhờ định lực hộ trì, trải qua mười năm vẫn không hủy hoại. Thật khó ước lượng uy lực của các thần Tăng!

Tháng 2 mùa Xuân năm Càn phong thứ hai (667) triều Đường Cao tông, luật sư Đạo Tuyên đang tu hành thanh tịnh ở chùa Tịnh nghiệp, bỗng có các vị Thiên nhân Vương Đương, Lục Huyền Sướng, họ Lai và họ Phí giáng hạ hành lễ và đàm đạo cùng luật sư. Kiếp trước, Vương Đương là văn thần của Đông Ngô, kể lại luật sư nghe khi Thiền sư Khang Tăng Hội mới đến Kiến nghiệp, Ngô chúa chưa tin tưởng. Thiền sư bèn thị hiện điềm lành, Ngô chúa mới lập điện đường to lớn. Bấy giờ, thiên thần thổ địa đều thi triển uy linh. Trong hai mươi mốt ngày, thu được xá-lợi. Ngô chúa thân hành bưng bình đồng rót xuống mâm đồng. Xá-lợi vừa đụng, mâm đồng đã bị xé toang. Thậm chí, lửa thiêu chùy nện cũng không hề hấn. Các đại thần như Hám Trạch, Trương Dục được chư Thiên hổ trợ, phát ra biện tài lưu loát. Thiên nhân họ Phí, giới hạnh thanh tịnh, chuyên trì Luật tạng. Vâng lời di giáo của đức Phật, gặp kẽ phá giới, thương xót cứu giúp. Gặp ai làm được một việc thiện, dù lỡ phạm vạn tội, cũng rộng lượng thứ tha. Thiên nhân kính tín giới luật, nghiên cứu sâu xa. Vì thế, những chổ nghĩa lý uẩn súc, luật sư đem ra vấn nạn, đều được giải đáp tinh tường. Hơn nữa, những linh tích của Tam bảo ở Trung Quốc còn lại khá nhiều và đều được tôn thờ thành kính, nhưng đôi khi gốc gác lại bị thất lạc. Về điểm này, luật sư đã dò hỏi các Thiên nhân và đều được trả lời tỉ mỉ. Sách Tam-bảo-cảm-thônglục còn ghi lại những vấn nạn chính như sau:

– Luật sư hỏi Thiên nhân: “Tương truyền từ xưa Bồ-tát Văn-thù thống lãnh năm trăm tiên nhân đến thuyết pháp tại núi Thanh lương. Trong kinh có nói rõ Văn-thù là vị Bồ-tát từ lâu đã ở thế giới Ta-bà. Tabà lại là tên gọi chung của Đại thiên thế giới. Như vậy, tại sao ngài chỉ trụ tại chổ này? Đáp: “Văn-thù là vị thống tướng của chư Phật, thị hiện tùy duyên, biến hóa vô lượng. Thần uy thật ra, không thể nghĩ bàn. Chỉ nên đem lòng kính ngưỡng. Phần nhiều ngài đã giáng hạ ở núi Thanh lương tại Ngũ đài, hiện thuộc phía Bắc Đại châu.

– Từ ngày đời Đường dựng nước đến nay, cao Tăng Giải Thoát viên tịch đã hơn ba mươi năm, nhục thân trở thành kim cương bất hoại, tựa hồ đang nhập Định tận diệt. Lại có vị tiên nhân cũng nhập Định bất động đã lâu năm. Các cổ tự linh thiêng, Thánh Tăng Bồ-tát, tiên nhân, tiên hoa xuất hiện rất nhiều.

– Hỏi: “Về linh tượng ở Long quang thuộc vùng Giang nam, có người bảo do ngài La Thập mang sang, có người nói được lấy từ xứ Phù Nam. Sự thật như thế nào? Đáp: “Tượng ấy không phải do ngài La Thập mang sang. Chính là do Hiếu Vũ đế nhà Tông chinh phạt Phù Nam lấy được. Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng ba trăm năm, Đại A-la-hán Ưu-bà-chất-na người Bắc Thiên-trúc vận dụng thần lực hổ trợ cho thợ đá suốt ba trăm năm, tạc núi đá lớn trở thành Phật động. Từ trên xuống dưới gồm có năm tầng, cao hơn ba trăm thước. Mắt phàm chỉ thấy được tầng dưới, bốn tầng trên đóng kín. Đến năm thứ sáu trăm, A-la-hán Phật-nại-già vừa sinh ra thì mẹ mất, đầu thai vào nước Phù Nam. Nhớ ơn mẹ, ngài lên tầng cao lấy pho tượng bằng gỗ chiên-đàn để mẹ thờ phụng. Khi mẹ qua đời, thác sinh vào Dương châu, xuất gia ở chùa Tân hưng, chứng được Tam quả. Vua Hiếu đế chinh phạt Phù Nam, lấy được tượng này mang về. Trước đây, ngài Đàm-vô-kiệt trở về Ấn Độ, có chép sơ lược tượng này thành sách gồm năm quyển. Đã thế, tại sao bỗng dưng lại bảo rằng tượng này do ngài La Thập mang sang?”

– Nhân đó, luật sư hỏi rằng: “Tại sao kinh điển do ngài La Thập suốt đời phiên dịch được mọi người hâm mộ thọ trì?” Đáp: “Ngài ấy thông minh, hiểu rõ Đại thừa. Các dịch giả đương thời đều là những bậc anh tài lổi lạc, hiếm có xưa nay, nhưng cũng chẳng sánh nổi cùng ngài. Những dịch phẩm của ngài lấy hiểu rõ làm hàng đầu và tỏ rõ Đại Ý gửi gấm lại của đức Phật.”

Lại hỏi thêm: “Thế tục thường bảo rằng ngài bị vua Diêu Hưng đời Hậu Tần ép buộc phá đại giới, sao xứng đáng gọi là lãnh hội di ý của đức Phật?” Đáp: “Đây là điều kẻ phàm phu mê muội không thể ước đoán nổi, khỏi cần bàn đến. Đức hạnh của ngài La Thập ở vào bậc Tam hiền, vị Thông hóa. Cắt gọn đa đoan, vá đầy thiếu sót, tùy cơ sáng tạo. Thế nên, toàn bộ luận Đại-trí-độ, mười phần tóm lược đến chín. Phật lý hiểu sâu, xưa nay ít có. Lại nhờ Bồ-tát Văn-thù chỉ giáo, nên cách san định của ngài siêu việt lề lối thông thường. Lẽ nào vì lời đàm tiếu về chuyện lập phòng riêng, đến nổi mất sạch công phu tuyệt thế?”

Lại hỏi: “Pho tượng bằng chiên-đàn ở chùa đại Minh tại Kinh châu vốn do vua Ưu-điền sai chế tạo. Theo truyện nói, được sao chép lại và mang về vào đời Lương. Hiện tại ở kinh thành cũng có tượng này. Vậy đâu tượng gốc?” Đáp: “Ở chùa Đại minh là tượng gốc. Khi vua Cao tổ băng hà, tượng được đưa về Kinh châu. Nhà Châu tiêu diệt nhà Lương, thâu tóm các đồ quốc bảo. Có vị Tăng tên Trân Sư đem giấu tượng trong phòng, rồi lấy nhiều tiền của đút lót sứ giả. Nhờ thế, tượng mới được yên. Năm Khai hoàng thứ 9, Tùy Văn đế sai Liễu Cố Ngôn đến thỉnh tượng. Nhà chùa năn nỉ xin để tượng ở lại trấn giữ Kinh châu. Cố Ngôn là người đồng hương, nên cảm thông nghe lời, bày kế khắc lại pho tượng khác đem về dâng nạp. Người khắc là tu sĩ Bà-la-môn tên Chân Đạt. Tượng này hiện ở chùa Hưng Thiện tại Trường an, cũng rất linh hiển. Tượng gốc vẫn ở Kinh châu, nhà chùa lấy vải tẩm sơn đắp lên để lại ngụy trang, nên tướng mạo không còn giống như trước. Tượng vốn là kim thân của đức Phật mới giáng sinh bảy ngày, nay đắp thêm lớp vải tẩm sơn, thành ra tướng mạo người lớn, khác hẳn nguyên bản. Chùa Đại Minh Nguyên là chổ đức Phật đời quá khứ an trụ, do đó tượng không chịu di dời về phương Bắc. Gần đây, có pháp sư Nghĩa, người Trường sa, nhờ Thiên nhân Mặc khải, biết được cách bốc lớp vải tẩm sơn. Do đó, chân thân mới được tái hiện, lộ rõ Thánh nhan, vốn do nguyên khối chiên đàn chế tạo, không chút chắp nối. Hào quang và tòa sen lại khác, do ngà voi chạm thành, tài tình tuyệt diệu chẳng giống tay phàm. Pho tượng ở chùa hưng thiện, sánh với tượng này, khác hẳn mười mươi!”

Lại hỏi: “Các hình tượng được phát hiện ở Trung Quốc, tương truyền phần nhiều do công chúa thứ tư của vua A-dục đúc nên. Chuyện ấy đầy vẽ huyền hoặc khó tin. Sự thật như thế nào?” Đáp: “Đây là sự thật, chẳng có gì đáng nghi ngờ cả. Từ lâu, công chúa ấy buồn bực vì dung nhan xấu xí, chưa từng xuất hiện trước thần dân, bèn vẽ sắc tướng của đức Phật giống với chính mình và phát nguyện rằng: “Tướng hảo của đức Phật khác hẳn người trần, làm sao giống với dung nhan của ta được?” Nhân đó, thành khẩn cầu nguyện suốt nhiều năm. Về sau, đức Phật hiện ra, giúp cho thay đổi dung nhan. Vua cha lấy làm lạ, hỏi rõ đầu đuôi. Công chúa mới tấu bày lại lời nguyện ước. Hiện nay, các pho tượng tại chùa Ngọc hoa ở Bắc Sơn, chùa trường sa ở Kinh châu, chùa Cao Khôi ở Dương đô và chùa Sùng kính ở kinh thành đều do công chúa đúc nên. Đôi khi có khắc, Phạm văn trên vòng hào quang hay tòa sen, người Trung Quốc ít kẻ đọc được. Đương thời, vua A-dục sai bọn quỷ thần đem các tượng ấy lưu hành để tùy duyên hóa độ. Xem lại, nét mặt các tượng ấy đều là người nữ. Địa điểm chùa Sùng kính xưa kia vốn là bãi chiến trường. Khi nhà Đông Tấn sắp mất, giặc Ngũ Hồ nổi lên, binh đao cùng tàn sát lẫn nhau. Chổ này là nơi giao tranh ác liệt nhất. Hiện đào đất còn gặp xương người. Những kẻ bị giết oan nhiều vô số. Thế nên, bọn quỷ thần mới đem tượng đến đó trấn, yếm, khiên các oan hồn sinh ra thiện niệm. Nhà Châu phá Đạo, thần Thánh cũng bị đọa đày. Tùy Văn đế lên ngôi, Phật giáo lại được cơ hội hưng thịnh.”

Lại hỏi: “Chuyện u minh cảm ứng, trên đời thường gặp. Tuy nhiên, khi hồn đã thoát đi, thân xác sẽ thành thối nát. Làm sao có thể hoàn hồn trở lại, dù đã chết quá bảy ngày hay nhiều hơn nữa, nhưng thân xác vẫn y nguyên như lúc còn sống, không khác chút nào?” Đáp: “Người có bảy thức, mỗi thức đều có thần, do tâm thức làm chủ. Chủ tuy đi mất, nhưng các thần thức che chở vẫn còn. Chẳng có gì đáng lấy làm lạ. Như trong năm giới, mỗi giới có bảy thần, năm giới có tất cả hai mươi lăm thần. Phá một giới, năm thần thoát đi, các thần khác vẫn còn ở lại. Như đại Tăng thọ giới, mỗi giới có hai trăm năm mươi thần che chở. Nếu phá một đại giới, chỉ mất hai trăm năm mươi thần, những thần khác vẫn luôn luôn theo sát che chở đại Tăng.

Chú thích quyển 14:

– Nguyên văn nhan đề của chuyện mười tám này là “hành tượng”, tượng biết đi, nhưng nội dung nói chuyện tượng đổ nước mũi báo điềm chẳng lành. Nay theo đó, sửa lại tiêu đề cho phù hợp nội dung.

– Chuyện hai mươi bốn này chỉ có nhan đề, phần trình bày chuyện không thấy. Vì thế, trong phần ghi tiêu đề có ba mươi tám chuyện, nhưng phần thuật chỉ có ba mươi bảy chuyện

– Trong phần cuối quyển, đoạn nói về nhân duyên vấn đáp của luật sư Đạo Tuyên cùng các Thiên nhân, có tóm lược vài chổ, vì thấy có thể không còn phù hợp với hiện đại.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây