Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 29: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Hai: Thành Đạo

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI BA

BỘ THỨ MƯỜI HAI

 THÀNH ĐẠO

 

Gồm có mười phần: Thuật Ý, Khất Thực, Học Định, Khổ Hạnh, Thực Mi, Thảo Tọa, Hàng Ma, Thành Đạo, Thiên Tán, Thần Biến.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Bậc Đại Thánh xuất hiện rất đúng thời cơ, mọi chúng sinh thành tâm đều được chiếu giám. Che chở khắp mười phương, giáo hóa suốt Ba Cõi. Là đạo Sư tiếp dẫn tứ sinh, làm bè cứu vớt Lục đạo. Đến như, Đâu Suất giáng sinh, Diêm Phù nhập diệt. Hoài thai chầy tháng, hấp hối sao rơi.

Vườn Lâm vi ni phô mười hai tướng tốt, cây Tất lợi xoa phóng hào quang. Xem gương khổ ở bốn cửa thành, đẹp hẳn mọi ác thú ngũ dục. Bỏ Kinh Đô nghiêm mật ra đi, nương cội đạo siêu nhiên chứng giác. Gộp bốn bát đá ở Liên hà, độ năm Tỳ Kheo ở Lộc uyển.

Dẹp sạch ái trước triền miên ràng buộc, tẩy rửa bụi trần tiền kiếp chất chồng. Tuệ nhật khai thông, quang đảng trong lành tám ngục, thần uy xiển hoá, hiền hoà chiếu diệu bốn loài. Pháp Âm diễn thuyết một lời, mỗi loài tùy cơ giải thoát. Tượng giáo do đó càng được chấn hưng, lưu truyền đến nay cũng đã lâu lắm.

Thứ hai: Phần Khất Thực.

Như Luật Tứ Phần nói: Bấy giờ, Bồ Tát dần dần đi xa, từ biên giới nước Ma Kiệt đến thành Ba La Duyệt và nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, vào thành khất thực. Tướng mạo đoan trang, thần sắc phơi phới. Cất chân thanh thản, nhìn thẳng bước tới, không liếc hai bên.

Mặc áo mang bình, vào thành La Duyệt. Khi ấy, Vua Ma Kiệt ngự trên lầu cao, quần thần hầu cận bao bọc xung quanh.

Trông thấy Bồ Tát vào thành khất thực, thanh thản bước chân, liền hướng về quần thần nói kệ ca tụng Bồ Tát, rồi Nhà Vua sai hỏi rằng: Tỳ Kheo sẽ đi đến đâu?

Bồ Tát trả lời: Có núi tên Bàn Trước Bà, sẽ đến đó ở lại. Sứ giả cấp tốc trở lại bẩm báo với Nhà Vua. Nghe xong, Nhà Vua liền sửa soạn bành voi cùng quần thần tìm đến.

Hành lễ xong, Nhà Vua hỏi Bồ Tát rằng: Nay Ngài có thể ở tại đây. Tôi xin dâng tất cả của cải trong nước và cởi mũ xáo này đem dâng tặng. Xin Ngài hãy lên ngôi cai trị. Còn tôi, sẽ xin làm bầy tôi của Ngài.

Bấy giờ, Bồ Tát đáp lời rằng: Ta đã từ bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương để Xuất Gia cầu đạo, lẽ nào lại vì ngôi Vua ở biên phương này mà hoàn tục?

Nhà Vua nên biết cho rằng, giống như người từng thấy nước đại hải, sau lại thấy nước ở vết chân trâu, há lại bận lòng tham luyến?

Chuyện này cũng thế, há đã bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, lại còn tập nhiễm ngôi vị Túc tán vương nhỏ bé?

Điều này không thể có được!

Lúc ấy, Vua Ma Kiệt bước lên trước Bồ Tát thưa rằng: Nếu Ngài chứng được đạo Vô Thượng, trước tiên, xin đến thành La duyệt cho tôi được gặp.

Bồ Tát đáp rằng: Điều này có thể được. Nhà Vua bèn đảnh lễ dưới chân Bồ Tát, đi vòng quanh ba lượt rồi ra về.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: 

Bồ Tát nói với Quốc Vương Ma Già Đà rằng: Đại Vương!

Thật tình hôm nay chúng ta không sợ loài rắn độc ấy, cũng không sợ sấm sét lôi đình, cũng không sợ lửa dữ bị cơn gió lớn thổi lên thiêu hủy đồng ruộng ao đầm, mà chỉ sợ cảnh tượng ngũ dục cuốn hút.

Tại sao?

Vì ngũ dục vô thường giống như giặc cướp vơ vét hết mọi công đức.

Bồ Tát bèn nói kệ rằng:

Ngũ dục vô thường hại công đức,

Lục trần hư huyễn phá chúng sinh,

Quả báo nhân gian vốn lừa người,

Khôn ngoan mấy kẻ biết dừng lại?

Kẻ ngu trên Trời, chưa thỏa ý,

Huống chi dưới thế, há vừa lòng?

Uế dục nhiễm trước chẳng hay biết,

Giống như lửa dữ cháy rơm khô.

Thuở xưa giáng sinh Bậc Thánh Chúa,

Hàng phục bốn cõi, tung kim luân,

Còn được Đế Thích ngồi bên cạnh,

Vì nổi lòng tham, chịu đọa đày.

Giả sử làm Chúa hết cõi này,

Lòng còn muốn chiếm lấy phương khác,

Thị dục thế gian không biết chán,

Giống như biển cả nuốt nhiều sông!

Đại Vương nên biết, dưới núi Tu Di ấy có Gia Đình A Tu La, hai anh em vì tham dục, cùng yêu một cô gái đẹp. Hai người tranh giành, đánh nhau bị thương, đến nỗi cùng chết.

Bồ Tát bèn nói kệ rằng:

Ngày xưa, anh em A Tu La,

Vì một cô gái cùng giết hại,

Cốt nhục thương yêu thành oán ghét,

Người khôn xem thấy, chừa tham dục.

Bồ Tát lại bảo rằng:

Đôi khi vì ngũ dục, sinh làm Trời làm người. Khi đã được sinh rồi, vì nhiễm ngũ dục, nên phải gieo mình xuống nước hay nhảy vào lửa. Vì ngủ dục nên chuốc lấy oán thù.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Kẻ si vì dục hóa bần cùng,

Mang tội giết hại chịu đau thương,

Nghĩ rằng ham hố nên công chuyện,

Đâu biết sức kiệt lại tai ương!

Lại nữa, trong Kinh Phật Bản Hạnh, Bồ Tát có nói kệ rằng:

Già sử thương yêu cùng tụ họp,

Đến thời rồi cũng phải chia ly,

Thấy rõ vô thường, ngắn ngủi ấy,

Tìm phương giải thoát, quyết ra đi!

Thứ ba: Phần Học Định.

Như Luật Tứ Phần nói: Bấy giờ, Bồ Tát liền đến chỗ của A La Ca lam học định bất dụng xứ. Tinh tiến chẳng bao lâu, chứng được phép định này. Rồi Bồ Tát bỏ vị này ra đi. Sau đó, đến chỗ của vị Uất Đầu Lam học định hữu tưởng vô tưởng. Tinh tiến chẳng bao lâu chứng được phép định này.

Bồ Tát suy nghĩ, hai cõi định này không phải là Niết Bàn, không phải là chỗ nghỉ ngơi tịch lặng vĩnh cửu. Không thích hai phép định này, Bồ Tát bèn bỏ hai vị ấy ra đi, tìm phép khác cao siêu hơn nữa, chính là phép nghỉ ngơi vô thượng.

Bấy giờ có năm người đi theo Bồ Tát, suy nghĩ rằng, một mai Bồ Tát thành đạo, sẽ Thuyết Pháp dùm cho bọn ta.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Tiên Nhân A La La Bảo Bồ Tát, bọn phàm phu đắm đuối tham dục, bị ràng buộc đủ mọi thứ khổ sở. Tất cả đều do cảnh giới gây nên.

Bèn nói kệ rằng:

Sơn dương bị giết do tiếng gọi,

Phù du vào đèn tại lửa lòe,

Cá mắc dây câu bởi mồi béo,

Thế nhân đến chết vì cảnh giới.

Lại nữa, Luận Tân Bà Sa nói: Khi Đức Phật còn làm Bồ Tát, chán nản cảnh già bệnh chết, đã ra khỏi thành Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ, đi tìm vô thượng trí. Bấy giờ, Vua Tịnh phạn sai năm người thuộc dòng họ Thích đi theo hầu hạ.

Hai người là bà con bên mẫu hậu, ba người là bà con bên phụ hoàng. Hai người bà con bên mẫu hậu giữ gìn lạc hạnh thanh tịnh. Ba người bà con bên phụ hoàng giữ gìn khổ hạnh thanh tịnh.

Lúc Bồ Tát đang tu pháp khổ hạnh, hai người bà con bên mẫu hậu thấy thế, lòng không chịu đựng nổi, liền bỏ ra đi. Về sau, Bồ Tát thấy khổ hạnh không phải là Chánh Đạo, bèn từ bỏ, thọ thí cơm canh, sữa tươi và xức dầu lên mình, thực hành theo lối trung hạnh.

Ba người bà con bên phụ hoàng cùng bảo: Bồ Tát cuồng loạn, mất trí cả rồi!

Và cùng bỏ ra đi.

Sau này, khi Bồ Tát thành đạo, liền suy nghĩ: Bọn họ đều là bà con của mẫu hậu và phụ hoàng. Trước đây đã từng đến cung kính hầu hạ ta.

Nay muốn đền ơn, nhưng không biết họ ở chốn nào?

Có vị Trời bạch rằng: Hiện nay họ đang ở tại Vườn Nai của Chư Tiên trong nước Bà La Niệt Tư.

Hỏi, Vì sao gọi là Bà La Niệt Tư?

Đáp: Là tên sông. Cách đây không xa, xây dựng vương thành cũng gọi tên là Bà La Niệt Tư.

Hỏi, Vì sao gọi là chỗ Tiên Nhân Giảng luận?

Đáp: Nếu chủ trương rằng Chư Phật nhất định Chuyển Pháp Luân ở chỗ này, thuyết ấy bảo, Chư Phật là bậc Tiên Nhân tối thượng, đã Chuyển Pháp Luân đầu tiên ở chỗ này, nên mới gọi là chỗ Tiên Nhân Giảng luận.

Nếu chủ trương rằng Chư Phật chắc chắn không Chuyển Pháp Luân ở chỗ này, thuyết ấy bảo, thì nên gọi là chỗ Tiên Nhân cư trú. Nghĩa là khi Đức Phật xuất thế, có Ngài là bậc Đại Tiên Nhân và các Tiên Nhân đệ tử cùng cư trú.

Nếu Đức Phật không xuất thế, sẽ có các Tiên Nhân Độc giác cư trú. Nếu không có các Tiên Nhân Độc giác, sẽ có các Tiên Nhân thế tục chứng được ngũ thông cư trú.

Vì chỗ này thường có các Tiên Nhân đã, đang và sẽ cư trú, nên mới gọi là chỗ Tiên Nhân cư trú. Có thuyết bảo, nên gọi là chỗ Tiên Nhân đọa lạc. Vì ngày xưa có năm trăm Tiên Nhân phi hành tự tại giữa không trung, đến đây, gặp phải nhân duyên thối thất đều bị đọa lạc.

Hỏi: Vì sao gọi là Rừng Ban cho nai?

Đáp: Vì thường có bầy nai rong chơi, nghỉ ngơi ở rừng này, nên gọi là Rừng Nai. Xưa có vị Quốc Vương tên Phạm đạt đa đem rừng này ban cho bầy nai ấy, nên mới gọi là Rừng Ban cho nai.

Giống như trong vườn Trúc lâm tại thành Vương Xá, Trưởng Giả Yết lan đạc ca đã đào một cái ao cho loài chim Yết lan đạc ca vui chơi, nên gọi là ao ban cho Yết lan đạc ca. Chuyện này cũng thế, nên mới gọi là Rừng Ban cho nai đời Tần phiên âm là chim Ca Lan Đà.

Theo luận Thiện Kiến, chim này có hình dáng như chim cưu.

Thứ tư: Phần Khổ Hạnh.

Bấy giờ, Bồ Tát ở chỗ năm vị Tỳ Kheo trong Rừng Nai ấy để học phép khổ hạnh. Trải qua sáu năm cực kỳ gian khổ, hơn cả vị thầy.

Do nhịn đói chẳng thành đạo, chỉ làm gầy guộc thân xác, nên Kinh Niết Bàn có nói: Bồ Tát phải lấy khổ hạnh để tự răn lòng. Thường ăn một hạt mè chịu đựng suốt bảy hôm.

Dù hạt tấm, hạt đậu xanh, hạt mè, hạt gạo, cho đến đậu trắng, cũng đều như thế, mỗi hạt chịu đựng suốt bảy hôm. Khi tu khổ hạnh như thế, tất cả da thịt tiêu tán ốm gầy, nhăn nheo suy tổn, như quả bầu khô treo lúc đứng trưa. Mắt của Bồ Tát thụt sâu như sao dưới đấy giếng. Thịt hết, xương sườn nhô ra như nhà nát mái.

Các đốt sống lưng gồ lên như hàng gạch xếp chồng. Chỗ ngồi lồi lõm như vết móng ngựa. Muốn ngồi thì sụm xuống, muốn đứng thì ngã bật ra. Tuy chịu đựng khổ sở vô ích nhiều đến như thế, nhưng Bồ Tát chẳng hề thối thất đạo tâm.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói rằng: Đức Phật bảo Bồ Tát khổ hạnh, ngày xưa, ta còn chịu đựng khổ sở nhiều vô số. Suốt sáu năm bên bờ sông Ni Liên, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè hay một hạt gạo. Do tiền kiếp đã phạm bốn tội về khẩu nghiệp và cắt đứt bửa cúng dường cho một vị Duyên Giác nên phải thọ nhiều quả báo nhẹ như thế.

Lại nữa, Kinh Đại Tập nói:

Bấy giờ, Bồ Tát Quang Vị nói kệ với Đại Chúng rằng:

Quá khứ vô lượng vô số kiếp,

Đủ loại Bố Thí đã tu tập,

Trì Giới thanh tịnh và nhẫn nhục,

Tinh tiến, Tọa Thiền, học Bát Nhã.

Cốt để an lạc các chúng sinh,

Nhẫn Nhục đủ mọi thứ khổ sở,

Trong cung sáu vạn hậu, phi tần,

 Dứt bỏ Xuất Gia như cởi dép!

Đơn độc sáu năm tu khổ hạnh,

Ngày ăn hạt mè hoặc hạt gạo,

Tinh tiến đêm ngày chẳng ngủ nghỉ,

Thân thể chỉ còn da bọc xương.

Dưới cội Bồ Đề ngồi tĩnh tọa,

Thiên Ma kéo đến tám chục vạn,

Tứ phương Trên dưới, đất và Trời,

Bốn chục do tuần đều đứng chật.

Bè đảng ma quân đông đến thế,

Đều bị đả phá bắt quy hàng,

Thành tựu vô thượng diệu Bồ Đề,

Chứng được quả Đệ nhất nghĩa đế.

Thứ năm: Phần Thực Mi.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, sáu năm đã trôi qua, đến ngày mười sáu tháng hai mùa Xuân, trong lòng Bồ Tát tự suy nghĩ, nay ta không nên ăn thế này, phả ăn uống đầy đủ xong, mới chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nay ta biết nhờ ai tìm giúp thức ăn bổ dưỡng ngon lành?

Ai có thể cúng dường thức ăn ngon lành ấy, khiến ta ăn xong, liền chứng được A Nậu Bồ Đề?

Khi trong lòng Bồ Tát nhen nhúm suy nghĩ như thế, có một Thiên Tử hiểu thấu nỗi niềm, liền cấp tốc đi đến bên hai cô gái của thôn trưởng Thiện Sinh, bảo với họ rằng, hởi các cô gái của thôn trưởng Thiện Sinh!

Nếu các cô biết được cơ duyên, Bồ Tát nay đang cầu mong được thức ăn vô cùng ngon lành, ăn xong, sau đó sẽ chứng được A Nậu Bồ Đề. Nay các cô hãy giúp Ngài lo liệu nấu món cháo sữa đầy đủ mười sáu vị đặc biệt.

Hai cô gái của thôn trưởng Thiện Sinh nghe lời chỉ bảo của Thiên Tử ấy, liền vui mừng phấn khởi khắp cả thân mình, không thể dằn được, bèn mau mau tụ họp một ngàn con bò nái, vắt lấy sữa rồi đem cho năm trăm con bò nái khác uống. Qua hôm sau, vắt sữa của năm trăm con bò nái này rồi lại đem cho hai trăm năm mươi con bò nái khác uống.

Hôm sau nữa, vắt lấy sữa của hai trăm năm mươi con bò nái này rồi đem cho một trăm hai mươi lăm con bò nái khác uống. Hôm sau nữa, vắt sữa của sáu mươi con bò nái này rồi đem cho ba mươi con bò nái khác uống.

Hôm sau nữa, vắt sữa của ba mươi con bò nái này đem cho mười năm con bò nái khác uống. Hôm sau nữa, vắt sữa của mười năm con bò nái này, pha thêm một phần cám tốt rồi đem nấu cháo sữa cho Bồ Tát.

Khi hai cô gái đang nấu cháo nhiều hình tượng hiện ra: Hoặc hiện hình bình đầy hoa, hoặc hiện hình nước sông công đức sâu thẳm, hoặc hiện hình chữ Vạn, hoặc hiện hình bánh xe công đức nghìn nạn, hoặc hiện hình yếm bò Chúa, hoặc hiện hình voi chúa rồng Chúa, hoặc hiện hình cá, hoặc hiện hình đại lực sĩ, hoặc hiện hình Đế Thích.

Có khi lại hiện hình Phạm Vương. Hoặc lại hiện hình cháo sữa sôi vọt lên, cao đến nửa cây Đa La trong giây lát, rồi rơi xuống.

Hoặc hiện hình cháo sữa sôi vọt lên, cao đến một ngọn cây Đa La, giây lát lại rơi xuống. Hoặc hiện hình cháo sữa cao bằng một trượng, rồi lại rơi trọn xuống nồi, không một giọt nào rớt ra chỗ khác.

Khi đang nấu cháo, còn có một vị Bốc Sư chuyên giải số mạng tướng thuật đi đến chỗ ấy, thấy cháo sữa hiện ra các hình tướng như thế, bèn xem xét rất kỹ rồi nói rằng:

Hy hữu, hy hữu!

Người nào được thọ lãnh cháo sữa này, ăn xong, chẳng bao lâu sẽ chứng được thuốc hay cam lộ!

Bấy giờ, vào giờ sáng sớm theo cổ lịch Ấn Độ, một ngày hai mươi bốn giờ thời xưa được chia ra sáu giờ: Thần triêu, nhật trung, nhật một, sơ dạ, bán dạ và hậu dạ. Mỗi giờ ấy tương đương với bốn giờ hiện nay. Vậy giờ thần triêu này có thể coi là giờ khuya hay giờ sớm. Ngày hai mươi ba tháng hai, Bồ Tát đến ngoài cổng lớn nhà thôn trưởng ấy, đứng lặng yên, tỏ ý khất thực. Cô con gái trông thấy, liền lấy một bát bằng vàng, múc đầy cháo sữa pha mật.

Tự tay bưng lên, mang đến trước Bồ Tát rồi dừng lại, nhìn Bồ Tát và thưa rằng: Xin Tôn Giả mở lòng từ bi thương xót đến tôi mà nhận lấy bát cháo sữa pha mật này. Bồ Tát nhận lấy bát cháo sữa ấy, mang đến bờ sông Ni Liên thiền. Có một Long nữ tên là Ni Liên trà da, từ mặt đất nhảy lên, tay cầm tọa cụ trang sức đẹp đẽ của Trời dâng lên Bồ Tát. Bồ Tát nhận xong, liền ngồi lên.

Ngồi xong, đem bát cháo sữa do cô gái của thôn trưởng Thiện Sinh cúng dường ra ăn thỏa thích no nê đến hết. Ăn xong, nhờ nghiệp lực phước báo của công đức Bố Thí từ thời tiền kiếp, thân thể tướng tốt bình phục như cũ. Đoan trang đáng quý, viên mãn hoàn toàn, không chút suy giảm. Xong xuôi, Bồ Tát lấy bát vàng liệng xuống giữa dòng sông.

Bấy giờ, Hải Long Vương sinh lòng vô cùng kỳ lạ, lại muốn tán thán công đức giáng thế của Bồ Tát, liền nhặt lấy bát vàng đem về Long Cung để phụng thờ.

Ngày khi ấy, Thiên Chúa Thích Đề Hoàn Nhân biến thành chim Kim Sí có mỏ bằng kim cương quý, ngoạm lấy bát vàng từ Hải Long Vương, bay về Thiên Cung Đao Lợi ở Cõi Trời Tam Thập Tam để thường xuyên phụng thờ.

Cõi Trời ấy lập ra cái tết gọi là Tết phụng thờ bát vàng, từ đó đến nay không dứt. Bấy giờ Bồ Tát ăn cháo sữa xong, đứng lên khỏi chỗ, thong thả bước dần đến cây Bồ Đề.

Còn tọa cụ ấy, Long Nữ lấy lại, đem về cung điện của mình để phụng thờ và nói bài kệ rằng:

Bồ Tát theo pháp ăn cháo sữa,

Của con gái Thiện Sinh dâng,

Ăn xong, vui vẻ về cây đạo,

Chắc chắn sắp chứng được Bồ Đề.

Theo Cảm ứng ký gọi đúng và đủ phải là Tam Bảo cảm thông lục của Luật Sư Trụ Trì đạo Tuyên chép: Luận rõ nhân duyên, đều ở quyển mười, trong phần Quán đỉnh thuật lại.

Bấy giờ, có Hoàng Tử của Tứ Thiên Vương bảo Luật Sư rằng: Khi thành đạo được mười một năm, tại vườn của Trưởng Giả Tu Ma trong thành vương xá, Đức Phật bảo các Đại Bồ Tát và đại đệ tử, khi ta mới vượt ra khỏi thành, đến nước Khiên sa. Giữa đường, gặp cô gái chăn bò.

Ta bảo: Tôi có phần đói khát, đến xin cô giúp cho ăn uống.

Cô gái ấy hỏi: Ngài đi đâu?

Ta đáp: Đi đến Bồ Đề.

Lại hỏi: Ngài tên gì?

Ta đáp: Tất Đạt.

Cô gái ấy bèn bảo ta rằng: Tôi đọc Kinh Điển Vi Đà có nói rằng, chẳng bao lâu nữa, có bậc đại trí sẽ thành Chánh Giác. Tôi xem tướng mạo và tiếng nói của Ngài, đúng là tướng hảo Chư Phật.

Tôi làm thần núi ở đây đã trải qua mười sáu đại kiếp. Chư Phật đời quá khứ, tôi đều thân cận. Ngài nên theo tôi về Miếu, tôi sẽ xin cúng dường thức ăn cho Ngài.

Xưa kia, khi Đức Phật Ca Diếp nhập Niết Bàn, có phó thác cho tôi một bình sữa. Phía trên có hai con rồng quấn quanh, phía dưới có con Sư Tử ngồi xổm, do Đức Phật Câu Lưu Tôn chế ra lần lượt giao phó từ tôi đến đời Đức Phật Lâu Chí. Trong bình rồng này đựng đầy nước tám công đức.

Khi khát, Ngài nên uống nước này để tiêu tan phiền não, tăng trưởng Bồ Đề. Xin Ngài đừng coi thường bình nhỏ này. Giả sử múc hết nước của bốn biển lớn vào cũng chẳng đầy.

Trong đó có bốn Long Vương. Vào đầu hiền kiếp này, khi ba vị Phật xuất thế, các di pháp đều được cất giữ trong bình. Sánh với Long Cung Ta kiệt, cũng giống như một chẳng khác chút nào. Đức Phật Ca Diếp còn giao phó cho tôi một lò hương và một hộp bằng vàng ròng. Tôi sẽ giao phó lại cho Ngài.

Phía trước lò hương có mười sáu đầu, một nửa là Sư Tử, một nửa là voi trắng. Trên hai đầu thú ấy dựng lên một đài hoa sen có hình lò hương. Bốn phía lò hương lại dựng riêng sáu lầu bằng bạc.

Mỗi lầu ló ra các Thiên đồng cao chừng hai tấc. Tổng cộng có chín mươi sáu Thiên đồng. Mỗi khi đốt hương, các Thiên đồng này thay phiên nhau đem hương đến giao cho. Phía sau lò hương có hành Sư Tử ngồi chồm ra ngoài.

Trên đầu Sư Tử có chín con rồng bò quanh. Trên đầu rồng đội hoa sen vàng. Trong hoa sen có đài vàng. Trong đài vàng là Tháp báu. Trong Tháp báu có mười ba vạn ức lầu quán lớn bằng trân châu, đều đựng các loại hương quý.

Lại có mười ba vạn tạng Luật bằng vàng lá, trong đó có các Tỳ Kheo đang nhập Định diệt tận. Như đến kỳ đốt hương, các Thiên đồng ở đầu lò hương đi đến đài báu, miệng mỗi Thiên đồng đều ca hát các khúc đốt hương. Cửa đài tự mở ra, các Tỳ Kheo liền xuất Định, lấy hương quý ở quán trân châu giao cho các Thiên đồng.

Xong xuôi, cửa đài tự đóng lại. Từ trong miệng của chín con rồng lại còn ngậm quán bạc rồng làm thân thích cho đài báu và trong quán bạc này đều có các Thiên đồng thường cử hành các Thiên nhạc lúc đốt hương. Âm thanh trong trẻo tao nhã không thể lấy gì sánh nổi. chúng sinh nghe đến, sinh lòng tin tưởng, ngộ đạo.

Mỗi khi được Thuyết Pháp, thường cầm lò hương đứng trước đại chúng. Thiền đồng mang hương đến dâng cho Đức Phật để Ngài đốt lên cúng dường. Lại còn có hộp bằng vàng ròng, trong đựng bộ Đại Bát Nhã gồm có ba mươi ức bài kệ. Lấy vàng ròng làm giấy, bạch ngọc làm hàng ranh, bạc trắng làm chữ.

Hộp ấy dài ba tấc, trong đó có hai Tỳ Kheo cũng đang nhập Định diệt tận. Hộp và lò hương này đều do Đức Phật Câu Lưu Tôn chế ra, lần lượt được giao phó từ tôi cho đến Đức Phật Lâu Chí. Chư Phật sắp xuất thế đều mở hòm này đọc các Kinh Điển. Nhờ thần lực Bát Nhã, Thiên Ma không thể quấy phá, mau thành được Chánh Giác.

Nay tôi đem giao phó, xin Ngài nỗ lực giữ gìn, đừng để tổn thất. Ta nhận lãnh xong ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, suốt sáu năm tu tập khổ hạnh, thường uống nước trong bình này, nên mới trừ được đói khát và phiền não củng đều tiêu tan.

Lại nữa, khi ta sắp thành đạo, xuống sông tắm rửa, thọ nhận cháo sữa của hai chị em cô gái, đi đến dưới cây Bồ Đề, sửa soạn bước lên đàn Kim cương thì sơn thần tìm đến chỗ ta, bảo rằng: Hôm nay Ngài thành đạo, nên theo phép của Chư Phật thời xưa. Khi vừa thành đạo, sắp bước lên đàn Kim cương, trước tiên, cầm lò hương đi quang đàn bảy lượt. Chư Phật mười phương đều cầm hương cắm trong lò ấy. Nay Ngài đã thành đạo, nên theo phép này.

Đức Phật bèn theo lời, đi vòng quanh đàn Kim cương và cây Bồ Đề ba mươi hai vòng. Chư Phật mười phương cũng bước lên dâng hương. Sau đó, truyền mệnh cho các nhân vương, Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương Long Vương, Bồ Tát Thập Địa đều đến dâng hương.

Đức Phật vận dụng thần uy, khiến hương thơm khắp mười phương, xông lên đến Đỉnh tướng. Các căn đầy đủ, trí tuệ tăng trưởng. Nhiều loại thần kỳ, không thể tả nổi.

Chư Phật lại bảo Phạm Vương: Hãy lấy nước trong bình rỗng ấy tưới vào chân của Đức Phật. Các nhân vương, Thiên Vương, Đế Thích, Ma phạm đều lần lượt rửa chân cho Đức Phật. Mặt đất chấn động đủ sáu cách. Từ chân Đức Phật phóng ra hào quang óng ánh sắc vàng và ngồi lên đài sen sắc vàng. Chư Phật mười phương đều đến đưa hương.

Trong ánh hào quang sáng láng, Đức Phật Lô Xá Na đưa bàn tay sắc vàng xoa lên đỉnh đầu Đức Phật Thích Ca và nói pháp ngôn vi diệu: Hôm nay, Chư Phật mười phương cáo bạch Yết Ma để thọ phong cho Đức Phật Thích Ca Văn thành ngôi vị Pháp Vương Vô Thượng. Chư Phật cầm Yết Ma ấy trên kim đàn. Vô lượng hà sa Thiên Nhân Đại Chúng nghe Chư Phật cáo bạch Yết Ma. Tất cả đồng thời yên lặng như các Tỳ Kheo nhập cảnh giới Tứ thiền.

Chư Phật cầm Yết Ma trao ngôi vị Pháp Vương xong, mặt đất lại chấn động đủ sáu cách. Đức Phật phóng hào quang chiếu diệu khắp mười phương, Hoằng Dương Phật Pháp, làm lợi ích cho hết thảy Thánh phàm. công đức vô lượng, không thể nói hết.

Thứ sáu: Phần Thảo Tọa.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Bồ Tát tắm trong sông, ăn cháo sữa, gội rửa thân thể xong, hình dung bình phục như trước. Uy nghi tự tại, thanh thản ngồi đối diện cây Bồ Đề, suy nghĩ sẽ tạo chỗ ngồi thế nào cho đạo trường Bồ Đề này và biết rằng nên ngồi trên cỏ.

Bấy giờ, Trời Tĩnh cư bạch rằng: Chư Phật đời quá khứ sắp chứng đạo Bồ Đề, đều ngồi trên cỏ này để thành Chánh Giác. Bồ Tát suy nghĩ không biết ai sẽ cho ta cỏ ấy, rồi nhìn quanh bốn phía.

Khi ấy, Từ Thiên Cung Đao Lợi, Thiên Vương Đế Thích, nhờ thần lực, biết được mối bận tâm của Bồ Tát, liền biến thành người cắt cỏ, cách Bồ Tát không gần không xa. Cỏ ấy xanh lục, có dáng mượt mà như cổ chim Khổng Tước Chúa, mềm mại trơn tru. Nếu chạm tay vào như áo Ca thi mỏng mảnh.

Màu sắc đẹp đẽ, lại thơm tho, uyển chuyển ngã về phía phải, Bồ Tát hỏi người cắt cỏ ấy rằng: Này Hiền Giả, tên Ngài là gì?

Người ấy đáp: Tôi tên là Cát Lợi. Bồ Tát suy nghĩ, nay ta mong muốn tìm cát lợi cho bản thân và cũng mong muốn tìm cát lợi cho tha nhân. Người này tên Cát Lợi đang đứng trước mặt ta!

Nay ta quyết định phải chứng được quả A Nậu Bồ Đề.

Hiền giả có thể ban cho ta cỏ không?

Người ấy đáp: Tôi có thể tặng cỏ cho Ngài. Bấy giờ, người ấy bèn cắt cỏ dâng cho Bồ Tát. Bồ Tát nhận lấy một bó, tự tay ôm vào. Ngay lúc ấy, mặt đất chấn động đủ sáu cách. Bồ Tát mang bó cỏ ấy đến dưới gốc cây Bồ Đề. Được nửa chừng, bỗng nhiên có năm trăm con chim sẻ từ mười phương bay đến, từ phía phải, lượn ba vòng quanh Bồ Tát rồi bay theo Ngài.

Lại có năm trăm con chim Câu Sí La.

Lại có năm trăm con Khổng Tước.

Lại có năm trăm con Thiên Nga Trắng.

Lại có năm trăm con Hồng Hạc.

Lại có năm trăm con Hải Âu Trắng.

Lại có năm trăm con Ca Lăng Tần Già.

Lại có năm trăm con Mệnh Mệnh.

Lại có năm trăm con voi trắng đều mang sáu ngà. Lại có năm trăm con ngựa trắng, đầu và tai đen mun. Đuôi và bờm đều đỏ rực, có dáng dài phất phới.

Lại có năm trăm con bò Chúa buông yếm thòng xuống như đám mây đen. Bấy giờ, lại có năm trăm Đồng Tử, năm trăm đồng nữ. Trên mình mỗi người đều trang sức đủ loại chuỗi anh lạc đẹp đẽ.

Lại có năm trăm Thiên Tử, năm trăm Thiên Nữ, năm trăm bình quý đựng đầy các loại hoa thơm, chứa đầy các loại nước hoa ngào ngạt. Không có người mang. Tự nhiên bay đi giữa không trung.

Lại nữa, trên thế gian có bao nhiêu điều tốt đẹp đều từ khắp bốn phương kéo đến dồn dập như mây mưa bên mình Bồ Tát, theo phía phải vòng quanh ba lượt rồi cùng đi theo Ngài. Giữa Hư Không, tất cả âm nhạc của Chư Thiên cử lên, hoan hỷ ca tụng Bồ Tát, long trọng không thể tả nổi.

Lại nữa, Kinh Thụy Ứng bản khởi nói: Thích Đề Hoàn Nhân biến thành người phàm, tay cầm cỏ óng mềm.

Bồ Tát hỏi rằng: Ông tên gì?

Đáp: Tên Cát Lợi. Bồ Tát nghe qua, lòng rất vui mừng. Báo hiệu trừ bỏ điềm xấu để thành tựu điềm lành.

Lại nữa, Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Vừa xếp xong chỗ ngồi bằng cỏ, mặt đất liền chấn động mạnh. Chư Phật biến thành tám vạn cây Phật có sư tự tọa. Hoặc có cây Phật cao tám nghìn dặm, bốn nghìn dặm hoặc cao hằng trăm nghìn do tuần. Tất cả cây Phật gộp đủ số tám vạn, lớn nhỏ không đều, khiến cho cây của Đức Phật Thích Ca trở thành nhỏ nhất. Tuy nhiên, lại có đủ chừng ấy số thiên y phủ bên trên.

Lại nữa, Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Đức Phật bảo phụ hoàng, khi con vượt ra khỏi cung thành, cách thành Già Da không xa, đi đến bên cây A Du Đà. Hằng trăm nghìn Thiên Tử Cát Bình đều suy nghĩ, nếu Bồ Tát ngồi ở chỗ này, chắc hẳn cần đến tọa cụ. Nay chúng ta phải dâng tặng cỏ Trời. Liền đem dâng tặng cỏ Trời trong sạch, mềm mại tên là Cát Tường.

Bồ Tát nhận xong, trải trên mặt đất để ngồi. Khi ấy, Chư Thiên lại thấy sợi mày bạc vấn cong chỉ chừng ba tấc, uốn về bên phải. Có trăm nghìn sắc hòa nhập vào các tướng tốt.

Các Thiên Tử ấy suy nghĩ: Bồ Tát chỉ nhận cỏ của ta, không nhận cỏ của ông. Bấy giờ, trong sợi mày bạc có hằng vạn ức vị Bồ Tát ngồi kiết già, mỗi vị đều nhận lấy cỏ của Chư Thiên, trải ngồi dưới gốc cây ấy. Mỗi vị Thiên Tử đều chứng kiến sự việc này xảy ra trong sợi mày bạc.

Có vị Thiên Tử tên Duyệt Ý thấy mặt đất cỏ mọc xuyên qua thịt của Bồ Tát, ló lên đến cả gang tay, liền bảo các Thiên Tử rằng: Bậc Nam Tử này thật lạ kỳ, khổ hạnh đến thế! Lâu ngày không ăn, kêu gọi không nghe, cỏ mọc xuyên thịt không biết!

Rồi lấy tay phải vuốt sợi mày bạc của Bồ Tát. Sợi mày ấy dài đến một trượng bốn thước năm tấc. Giống như bạch ngọc quý giá trên Trời, trong ngoài đều rỗng không.

Chư Thiên thấy ở trong có hằng trăm nghìn ánh hào quang rất vi diệu, không thể tả nổi. Chứng kiến xong, Chư Thiên đều ca tụng thật lạ lùng, chưa từng có, rồi buông ra cho sợi mày bạc ấy xoay về bên phải, trở lại vị trí cũ.

Bấy giờ, Bồ Tát hàng phục Ma Vương, Ma Vương phải trở về cung điện của mình. Sợi mày bạc vươn theo, thẳng đến Cõi Trời Lục dục. Vô số Thiên Tử Thiên Nữ chứng kiến trong sợi mày bạc đều rỗng không, tròn trịa, khả ái, giống tràng phan của Phạm Vương.

Đức Phật có vô lượng tướng tốt. Mỗi tướng tốt đều có tám vạn bốn nghìn tướng phụ, nhưng tất cả các tướng tốt này gộp lại, đều không bằng được một phần nhỏ công đức của tướng mày bạc.

Thứ bảy: Phần Hàng Ma.

Như Kinh Nhân Quả nói: Ngày mồng bảy tháng bốn, Đức Thế Tôn hàng phục Ma chúng. Bấy giờ, hoàng hôn lịm bóng, Trăng sáng chiếu soi.

Vườn cây hoa quả tươi tốt, chẳng đợi Xuân về.

Luận Trí Độ nói: Bấy giờ, Ma Vương kéo tám vạn ma quân đến quấy phá Đức Phật. Ngài vận dụng hào quang vi diệu trong mày chiếu xạ, khiến chúng đều bị ngã nhào.

Lại nữa, Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Ma Vương sinh lòng giận dữ, muốn xông thẳng lên trước.

Ma con can rằng: Phụ Vương vô cớ, tự chuốc lấy tai ương. Bồ Tát tĩnh lặng, khó lay như mặt đất.

Làm sao có thể phá hoại được Ngài?

Lại nữa, Kinh Tạp Bảo Tạng nói: Ngày xưa, dưới gốc cây Phật, ác ma Ba Tuần kéo tới tám mươi ức ma quân xông đến, muốn phá hoại Đức Phật.

Bảo rằng: Ông chỉ có một mình, làm sao có thể ngồi ở đây?

Phải mau mau đứng lên, đi khỏi chỗ này.

Nếu không, ta sẽ tóm lấy chân ông liệng ra ngoài biển!

Đức Phật đáp rằng: Ta xem khắp cả thế gian, chẳng ai có thể liệng nổi ta. Vào thời tiền kiếp, nhà ngươi đã từng một ngày thọ giới Bát Quan Trai và cúng dường một bát cơm cho Phật Bích Chi, nên mới được sinh lên Cõi Trời lục dục làm Ma Vương.

Còn ta, đã từng sắm sửa cúng dường cho các Thanh Văn Duyên Giác suốt ba đại kiếp vô biên vô số lượng, không thể nào tính nổi.

Ma Vương bảo: Ông nói ngày xưa ta có giữ giới một ngày và cúng dường một bửa ăn cho Phật Bích Chi.

Chuyện ấy có thật, ta cũng tự biết.

Còn ông, chỉ do tự nói, lấy ai làm chứng?

Đức Phật bèn lấy tay chỉ xuống đất, nói rằng: Đất này làm chứng cho ta.

Khi Đức Phật nói xong lời này, tất cả mặt đất chấn động mạnh đủ sáu cách.

Thổ thần từ tầng kim cương nhảy lên, chắp tay bạch Đức Phật rằng: Tôi xin làm chứng. Từ khi có mặt đất đến nay, tôi luôn luôn có mặt ở trong.

Lời Đức Thế Tôn vừa noi đều đúng không sai.

Đức Phật bèn bảo Ba Tuần: Trước tiên, nhà ngươi có khả năng lay nổi bình đựng nước rửa này, sau đó mới có thể liệng ta ra ngoài biển. Bấy giờ, Ba Tuần cùng tám mươi ức ma quân không thể nào lay chuyển nổi bình. Tất cả bọn chúng đều nghiêng ngửa té nhào. Mọi phá hại đều tiêu tan như sao lặn.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, trưởng tử của Ma Vương Ba Tuần tên là Thương Chủ dập đầu đảnh lễ dưới chân Bồ Tát, cầu xin sám hối, miệng nói lời này:

Thưa Thánh Nhân chí thiện, cầu xin Ngài cho cha tôi được mở lời xin lỗi. Cha tôi ngu si nông cạn giống hệt trẻ con không có trí tuệ. Hôm nay bỗng dưng đến đây quấy phá, kéo bọn ma quan biến hiện đủ mọi trò khủng bố Thánh Nhân. Trước đây, tôi đã đem lòng trong nghĩa chính trực khuyên nhủ cha tôi.

Dù kẻ cơ trí, rành phép thuật còn chưa thể hàng phục nổi Thái Tử Tất Đạt, huống hồ bọn ta!

Cầu xin Thánh Nhân tha thứ cho cha tôi.

Cha tôi bất trí, không biết đạo lý, đã khủng bố bậc Thái Tử Đại Thánh, làm sao có thể sống còn?

Thưa Thái Tử Đại Thánh, cầu mong lời thệ nguyện nhân từ của Ngài sớm được thành tựu, mau chứng A Nậu Bồ Đề!

Thứ tám: Phần Thành đạo.

Như Kinh Phổ Diệu nói: Bồ Tát ngồi dưới gốc cây, khi sao sáng mọc lên, hoát nhiên đại ngộ.

Lên mười chín tuổi Xuất Gia, ba mươi thành đạo.

Lại nữa, thuận theo Bát Nhã vấn bảo: Thành đạo trong rừng  Lâu Tần Loa.

Lại nữa, Kinh Tự thệ Tam Muội nói: Khi mới vừa thành Phật, Chư Phật mười phương đều tặng Cà Sa. Đức Phật gom thành một chiếc. Đến nay, áo ấy còn được thờ phụng tại Phạm Thiên.

Lại nữa, kinh Không hành Tam Muội nói: Đức Phật Di đà đắc đạo trước ta bốn kiếp. Đức Phật Duy Vệ đắc đạo trước ta ba kiếp.

Có Đức Phật tên Năng Nho nhập diệt năm tuổi.

Đức Phật Ca Diếp đắc đạo năm mười tám tuổi.

Ta đắc đạo năm lên hai mươi bảy tuổi.

Nay theo số đông để xác định: Mười chín tuổi Xuất Gia, ba mươi tuổi thành đạo.

Đoạn văn này có thể chấp nhận được và thích ứng với ý nghĩa các Kinh Điển khác.

Luật Thiện Kiến nói: Trăng mọc được ba ngày, chứng quả Nhất Thiết chủng trí.

Kinh Nê Hoàn nói: Đức Phật ra đời và thành đạo đều vào ngày mồng tám tháng tư. Nay lấy làm chính thức.

Thứ chín: Phần Thiên Tán.

Như Kinh Hoa Nghiêm nói: Bấy giờ, Đức Như Lai vận dụng thần lực tự tại, tuy không rời khỏi chỗ ngồi dưới cây Bồ Đề và bảo điện Diệu thắng trên đỉnh núi Tu Di, vẫn thăng lên bảo điện trang nghiêm trên Thiên Cung Dạ Ma, đi đến tất cả các bảo điện trang nghiêm tại Thiên Cung Đâu Suất.

Bấy giờ, Thiên Vương Đâu Suất, nương vào thần lực của Đức Phật, dùng kệ ca tụng rằng:

Như Lai vô ngại tự Trăng đầy,

Trong các tướng lành, Ngài đứng nhất,

Mọi điện trang nghiêm đều ngự đến,  

Chốn này nhờ thế tốt lành thay!

Kinh Hoa Nghiêm nói: Bấy giờ, Đức Như Lai vận dụng thần lực uy hùng, nên tất cả các Thế Giới của Chư Phật mười phương, mỗi một cõi Diêm Phù Đề của các Đại châu đều có Đức Như Lai ngồi dưới cây Bồ Đề, hiển hiện khắp mọi nơi.

Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng thần lực uy hùng, không cần đứng lên khỏi chỗ này, vẫn thăng lên đỉnh núi Tu Di, đi đến Thiên Cung của Đế Thích.

Đế Thích bèn nói kệ ca tụng rằng:

Bảy Phật xa xưa từ Định Quang,

Trong các tướng lành, Ngài đứng nhất,

Phật ấy đã từng đến chốn này,

Chốn này nhờ thế tốt lành thay!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng thần lực uy hùng, tuy không rời khỏi cây đạo và Thiên Cung của Đế Thích, vẫn thăng lên bảo điện trang nghiêm ở Thiên Cung Dạ Ma.

Khi ấy, Thiên Vương dùng bài kệ ca tụng rằng:

Như Lai danh hiệu dậy mười phương,

Ngài đứng hàng đầu mọi tướng lành,

Bảo điện Ma ni nay ngự đến,

Chốn này nhờ thế được vang danh.

Thứ mười: Phần Biến Hóa.

Theo Kinh Hoa Nghiêm nói:

Phật Tử!

Tất cả Chư Phật, trong mỗi một niệm, đều phát sinh mười trí vô tận.

Thế nào là mười Trí vô tận ở trong một niệm đều hiện ra tất cả mọi Thế Giới?

Ấy là:

1. Từ Trời Đâu Suất mạng chung, ở trong một niệm, đều hiện ra khắp tất cả mọi Thế Giới.

2. Bồ Tát giáng sinh, ở trong một niệm, đều hiện ra khắp tất cả Thế Giới.

3. Bồ Tát Xuất Gia, ở trong một niệm, đều hiện ra khắp tất cả mọi Thế Giới.

4. Đi đến đạo trường dưới cây Bồ Đề, thành Đẳng Chánh Giác, ở trong một niệm, đều hiện ra khắp tất cả Thế Giới.

5. Chuyển hóa Pháp Luân, thanh tịnh chúng sinh, ở trong một niệm, đều hiện ra khắp tất cả mọi Thế Giới.

6. Tùy duyên hóa đạo, tất cả chúng sinh đều được giải thoát, ở trong một niệm, hiện thân trang nghiêm khắp tất cả mọi Thế Giới.

7. Đáp ứng chúng sinh, ở trong một niệm, đều hiện tất cả mọi Thế Giới, đủ thứ trang nghiêm.

8. Tất cả trí sáng của vô số Đức Như Lai trang nghiêm tự tại, ở trong một niệm, đều hiện khắp tất cả mọi Thế Giới.

9. Thanh tịnh chúng sinh, ở trong một niệm, tất cả Chư Phật ba đời đều hiển hiện khắp mọi Thế Giới.

10. Ở trong một niệm, do các căn có ước vọng tinh tiến, nên hiển hiện chủng tính của Chư Phật ba đời, thành Đẳng Chánh Giác, giáo hóa chúng sinh.

Phật Tử!

Như thế gọi là tất cả Chư Phật, trong mỗi một niệm, đều phát sinh mười trí vô tận.

Lại nữa, Luận Trí Độ nói: Như A Tỳ Đàm bảo, cùng một lúc không có hai tâm. Nghĩa là, nếu khi hóa Phật nói thì Đức Phật im lặng. Nếu khi Đức Phật nói thì hóa Phật cũng lặng im.

Nếu thế, cùng một lúc, Đức Phật làm sao nói được sáu pháp Ba La Mật?

Đáp: Chuyện này cũng như hàng ngũ Thanh Văn bên ngoại đạo biến hóa mà thôi. Còn Đức Phật biến hóa bằng vô lượng sức Tam Muội không thể nghĩ bàn. Thế nên, khi Đức Phật nói thì vô lượng nghìn vạn ức hóa Phật đều đồng thời nói. Hơn nữa, các Thanh Văn ngoại đạo biết biến hóa, lại còn tạo được hóa thân.

Do đó, các Thanh Văn ngoại đạo sau khi tịch diệt, không thể lưu lại hóa thân. Trái lại, Đức Phật sau khi tịch diệt, có thể lưu lại hóa thân như chính Đức Phật, không khác chút nào.

Như trng Tỳ Đàm nói, cùng một lúc không có hai tâm, thì nay Đức Phật cũng thế: Đang khi hóa Phật nói, cũng chẳng có tâm. Nếu Đức Phật có tâm nghĩ đến hóa Phật, muốn hóa Phật nói, thì cũng đều nói tất cả.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây