Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 48: Quyển 17 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Thứ nhất: Phần Thuận Ý - Thứ Hai: Phần Thính Pháp

Thiên thứ bảy: KÍNH PHÁP

Gồm có 6 phần: Thuật ý, Thính pháp, Cầu pháp, Cảm phúc, Pháp sư, Pháp sư, Báng tội.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Từng nghe: Tịch diệt thanh tịnh vốn không tướng không lời; cảm ứng thông thần mới có ngôn từ giáo pháp. Bởi thế, bài kệ bốn câu khó tỏ, lửa độc ba cõi dễ lây. Khiến cho, đêm vắng lạnh lùng, canh khuya trăng sáng, tịch mịch phòng không, đọc tụng kinh điển. Ngâm nga trầm bổng, chữ nghĩa rõ ràng. Ý vị du dương, âm hưởng bất tận. Thích hợp mọi người, lợi ích muôn vật. Gây nên, tâm linh hớn hở, thần trí an vui. Tập luyện lâu ngày, tinh thông nghiã lý. Thành kính tụng niệm, hiệu nghiệm hiển linh. Mới hay, thọ trì được một câu kệ, hưởng thụ phước báo sâu xa; sao chép dù chỉ một lời, công đức siêu thăng mấy kiếp. Do đó, Ca-diếp cúi đầu lãnh Pháp, lột da chẳng chút tiếc thương; tát-đà mở dạ hân hoan, hiến máu không hề ngần ngại. Đây chính là cửa đầu của cam lộ ngọt ngào; đức cuối của kẻ học Đạo vậy.

Thứ hai: PHẦN THÍNH PHÁP

Như kinh Phó-pháp-tạng nói: “Đức Phật bảo, tất cả chúng sinh muốn thoát ly biển khổ lớn lao của sống chết trong Tam giới, hẳn phải nhờ đến thuyền Pháp mới vượt khỏi. Pháp là dòng nước mát tiêu trừ lửa nóng phiền não. Pháp là phương thuốc hay có thể chữa hết bệnh lâu đời. Pháp là đạo sư chân chính của chúng sinh, đem lại nhiều lợi ích, cứu vớt mọi khổ đau. Bởi vì chí hướng chúng sinh vô định, dễ lây tập nhiễm, gần thiện thành tốt, gần ác hóa xấu. Nếu gần bạn xấu, sẽ tạo nghiệp dữ, chịu luân hồi sinh tử chẳng có bến bờ. Nếu gần bạn tốt, sẽ phát sinh lòng kính tin, nghe theo Chánh pháp, chắc chắn thoát khỏi mọi phiền não ở Ba đường. Nhờ công đức này, sẽ hưởng thụ an lạc tuyệt diệu. Quốc vương Hoa Thi có con voi trắng biết tiêu diệt kẻ địch. Nếu ai phạm tội, thường sai chà chết. Về sau, chuồng voi bị cháy, dời về gần chùa. Voi nghe Tỳ-kheo tụng kệ trong kinh Pháp-cú rằng: “Làm thiện sinh lên Trời cao; làm ác đọa xuống vực sâu.” Voi trở nên hiền dịu, sinh lòng Từ bi. Mỗi lần giao cho tội nhân, chỉ lấy vòi ngửi, thè lưỡi liếm rồi bỏ đi, không giết chết nữa. Quốc vương thấy thế, lòng rất lo âu, vội triệu quần thần bàn luận. Mưu thần tâu lên: “Voi này ở gần chùa, hẳn đã nghe giáo lý, nên sinh ra như thế. Nay cần dời đến bên lò sát sinh.” Quốc vương áp dụng lời ấy. Voi thấy mổ giết, ác tâm bừng dậy, sát hại càng Tăng. Do đó, phải biết rằng tất cả chúng sinh, chí hướng đều vô định. Súc sinh còn thế, được nghe Chánh pháp, sinh dạ Từ bi; thấy cảnh giết chóc, Tăng lòng sát hại. Con người há không bị tập nhiễm? Bởi vậy, người khôn ngoan phải biết, thấy ác, nên xa; thấy thiện, cần gần, siêng năng nghe lời kinh kệ. Lạ nữa, ngày xưa, có một người Bà-la-môn mang nhiều đầu lâu, bày trò ảo thuật, rao bán khắp kinh thành Hoa Thị rất lâu, nhưng chẳng aimua, liền nổi giận, cất tiếng mắng nhiếc: “Người trong thành này đều ngu độn. Nếu chẳng ai mua, ta sẽ nguyền rủa những điều độc ác.” Bấy giờ có vị thiện nam tử trong thành sợ mắc lời nguyền, đem tiền đến mua. Vị ấy lấy chiếc đũa bằng đồng chọc vào tai, nếu xuyên thấu bên kia, sẽ trả giá cao. Nếu chỉ xuyên vào một nửa, sẽ trả giá hơi thấp. Nếu không xuyên vào, không trả giá nào. Người Bà-la-môn hỏi: “Đầu lâu của ta đều giống nhau, tại sao trả giá khác nhau?” Vị ấy đáp rằng: “Đầu lâu thứ nhất xuyên thấu bên kia, do người này khi sống, nghe được Chánh pháp, trí tuệ cao siêu. Vì quý như thế, nên trả giá cao. Đầu xuyên một nửa, tuy nghe Chánh pháp, chưa biết phân biệt, nên giá trị thấp. Đầu chẳng xuyên qua, do người ấy ngày xưa chẳng nghe Chánh pháp, nên không trả giá.”. Rồi vị ấy mang đầu lâu giá cao ra ngoài kinh thành, xây tháp thờ phụng. Sau khi mệnh chung, sinh lên cõi Trời. Từ nhân duyên này, nên biết Chánh pháp có công đức rất lớn. Vị thiện nam tử đem đầu lâu biết nghe Chánh pháp, xây tháp thờ phụng, còn được sinh lên cõi Trời, huống chi người biết chí tâm nghe lấy Chánh pháp, thành kính cúng dường, thọ trì kinh điển? Phước báo ấy thật vô cùng to lớn, tương lai chắc chắn sẽ thành Đạo Vô thượng. Vì thế, người khôn muốn đạt đến an lạc tuyệt vời, cần phải chí tâm siêng năng lắng nghe kinh điển.”

Kinh Hiền Ngu nói: “Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, Trưởng giả Tu-đạt ở nước Xá-vệ kính tin Chánh pháp, cúng dường chư Tăng đủ mọi nhu cầu. Trong nhà Trưởng giả có nuôi cặp chim anh vũ. Con thứ nhất tên Luật-đề, con thứ hai tên Xa-luật-đề. Bản tính thông minh, hiểu được tiếng người. Thấy Tỳ-kheo đến, liền cất tiếng kêu, gọi người ra nghinh đón. Về sau, A-nan đến nhà Trưởng giả, thấy chim thông minh, giảng giải cho nghe Tứ diệu đế. Trước cửa có cây cổ thụ, chim nghe xong, bay lên ngọn cây, vui mừng tụng niệm. Ban đêm ở luôn trên cây, vô tình bị chồn hoang ăn thịt. Nhờ duyên lành được nghe Chánh pháp, chim sinh lên Trời Tứ Thiên vương, hưởng trọn phước báo. Đến khi mạng chung, sinh lên Trời Đao-lợi. Tại Đao-lợi mạng chung, sinh lên Trợi Dạ-ma. Tại Dạ-ma mạng chung, sinh lên Trời Đâu-suất. Tại Đâu-suất mạng chung, sinh lên Trời Hóa lạc. Tại Hóa lạc mạng chung, sinh lên Trời thứ sáu Tha hóa tự tại. Tại Tha hoá tự tại mạng chung, lại sinh xuống Trời Hóa lạc. Cứ thế lần lượt, sinh xuống Trời Tứ Thiên vương. Trời Tứ Thiên vương mạng chung, lại lần lượt sinh lên Trời Tha hóa tự tại. Cứ thế lên xuống 7 vòng, rồi sinh xuống Trời Lục dục, tự do hưởng thụ Thiên báo. Sau đó mạng chung, sinh xuống làm người, xuất gia tu hành, chứng được quả Bích-chi. Vị thứ nhất tên là Đàm-ma, vị thứ hai tên là Tu-đàm-ma.”

Lại nữa, kinh Hiền ngu nói: “Ngày xưa đức Phật còn tại thế, có vị Tỳ-kheo tụng kinh giữa rừng, âm thanh trong trẻo. Có con chim nghe Pháp, sinh lòng kính tin. Đang đậu trên cây, bị người tợ săn bắn chết, nhờ duyên lành ấy, chim sinh lên Trời Đao-lợi, sắc tướng trang nghiêm, hào quang sáng láng, không gì sánh nổi. Nhớ lại kiếp trước, nhờ công đức của vị Tỳ-kheo, chim mang hoa Trời đến bên ngài đảnh lễ vấn an và dâng lên cúng dường. Ngài hỏi kỹ biết rõ đầu đuôi, liền bảo chim ngồi xuống, thuyết pháp giúp cho. Nhờ thế, chim chứng quả Tu-đàhoàn rồi bay về Trời. Loài chim nghe Pháp, còn được phước báo vô biên, huống chi loài người thành tâm nghe Pháp, há chẳng được phước báo tốt lành?”

Luận Thiện-kiến-luật nói: “Ngày xưa, khi còn tại thế, đức Phật đến bên hồ Ca-la tại nước Chiêm-Bà-la, thuyết pháp cho các chúng sinh. Bấy giờ, trong hồ có con hàu nghe tiếng đức Phật, bò ra khỏi hồ, lên nằm dưới rễ cây, lắng nghe thuyết pháp. Một người cầm gậy chăn bò, thấy đức Phật đang ngồi thuyết pháp, liền bước đến gần để nghe, vội cắm gậy xuống đất, vô tình trúng phải đầu, con hàu chết mất. Liền đó, được sinh lên Trời Đao-lợi, hưởng mọi phước báo, có cung điện ngang dọc lớn hai mươi do-tuần, cùng các Thiên nữ vui vầy hoan lạc. Thiên nhân hàu cưỡi cung điện đến bên đức Phật đảnh lễ. Đức Phật đã biết, nhưng vẫn hỏi rằng: “Nhà ngươi là ai, bỗng dưng đến đảnh lễ dưới chân ta, tại sao có được hào quang sáng láng, tướng hảo tuyệt trần, chiếu diệu khắp cả nơi đây?” Thiên nhân hàu nói kệ trả lời:

“Trước đây làm kiếp hàu,
Kiếm ăn chổ nước sâu.
Nghe tiếng Phật thuyết pháp,
Lên nằm dưới rễ cây.
Có kẻ chăn bò ấy,
Cắm gậy nghe Đạo mầu.
Vô tình trúng phải, chết.
Được sinh lên Trời cao.”

Đức Phật đem bài kệ ấy giảng giải cùng tứ chúng. Nhờ thế, tám vạn bốn nghìn Trời người đều chứng Đạo quả. Thiên nhân hàu chứng quả Tu-đà-hoàn, chắp tay kính cẩn lui ra.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây