Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 47: Quyển 17 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Thứ bảy - Phần Quán Âm

Thứ bảy - PHẦN QUÁN ÂM

Thuật sơ lược 20 chuyện linh nghiệm*: 1. Thượng thư Từ Nghiã đời Hậu Tần. 2. Cư sĩ Tất Lãm đời Hậu Tần. 3. Sa-môn Trúc Pháp Nghiã đời Tấn. 4. Sa-môn Trúc Pháp Thuần đời Tấn. 5. Sa-môn Thích Khai Đạt đời Tấn. 6. Cư sĩ Quách Tuyên Chi đời Tấn. 7. Cư sĩ Phan Đạo Tú đời Tấn. 8. Cư sĩ Loan Tuân đời Tấn. 9. Sa-môn Thích Pháp Trí đời Tấn. 10. Nam công Tử Ngạo đời Tấn.11. Sa-môn Đạo Thái đời Tấn. 12. Cư sĩ Tôn Đạo Đức đời Tấn. 13. Cư sĩ Lưu Độ đời Tấn. 14. Cư sĩ Đậu Truyền đời Tấn. 15. Cư sĩ Trương Hưng đời Tấn. 16.Sa-môn Thích Pháp Lực đời Ngụy.

1. Từ Nghiã đời Tần người Cao lục, thuở nhỏ phụng thờ Chánh pháp, làm thượng thư triều vua Phù Kiên. Cuối đời vua này, giặc giả nổi lên như ong. Loạn quân bắt được ông, sửa soạn hành hình, đem chôn hai chân xuống đất, kéo tóc cột lên cây. Nửa đêm, ông chuyên tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Chợp ngủ quên, mơ có người bảo: “Tình thế cấp bách, sao được ngủ yên?” Ông giật mình thức dậy, thấy bọn canh gác mê mệt ngủ say, liền thử cựa quậy. Lạ thay, tay và đầu tóc đều cởi ra, chân cũng rút lên được. Nhờ thế, ông bỏ trốn xa hơn trăm bước, ẩn mình vào lùm cây nhỏ. Vừa yên, liền nghe tiếng chân rượt theo rầm rập. Bọn giặc đổ xô lục lạo khắp chung quanh, nhưng không phát hiện. Đến sáng, khi chúng tản đi, ông trốn về ngôi chùa quen ở đất Nghiệp, thoát khỏi đại nạn.

2. Tất Lãm đời Hậu Tần ở Đông bình, phụng thờ Phật pháp từ nhỏ. Theo Mộ Dung Thùy chinh phạt giặc Hồ tại phương Bắc, rơi vào vòng vây của giặc, ông một mình một ngựa cố trốn thoát, bọn giặc quất ngựa rượt theo gần kịp. Ông thành khẩn niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nhờ thế thoát được, chạy vào núi sâu, lạc mất đường. Lại càng chuyên tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nửa đêm, gặp vị Sa-môn mặc pháp phục, cầm Thiền trượng chỉ giúp lối tắt ra đường cũ về yên ổn đến nhà.

3. Giữa niên hiệu Hưng ninh đời Tấn, Sa-môn Trúc Pháp Nghiã tu hành ở núi Thủy ninh, thấu hiểu kinh điển, nhất là kinh Pháp-hoa. Đồ chúng theo học đông hơn trăm người. Năm Hàm an thứ hai, bỗng nhiên mắc chứng đau tim, ngài cố giữ lòng niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Chợt mơ thấy người mổ bụng rửa ruột giúp cho. Tỉnh dậy liền hết bệnh. Phó Lượng thường bảo: “Cha tôi và ngài Pháp Nghiã giao du thân thiết, có nói rằng đức Quán Thế Âm linh hiển rành rành trong mọi chuyện lớn nhỏ.”

4. Sa-môn Trúc Pháp Thuần đời Tấn, trụ trì chùa Hiển Khánh ở Sơn âm. Giữa niên hiệu Nguyên Hưng, do xây dựng chùa, ngài đến bến

Thượng lan mua xác nhà cũ, lộ trình đi bằng đường hồ. Chủ nhà là phụ nữ, muốn tiện định giá, nên cùng ngài ngồi chung thuyền đến tận nơi. Khi vào hồ lớn, Trời chiều nổi gió, sóng to như hòn non. Thuyền nhỏ nước vào, cái chết kề cận. Sa-môn suy nghĩ, gặp chuyến đi bất hạnh, phải chịu tai ương, nhưng còn người phụ nữ ngồi chung thuyền, đừng quá sợ hãi. Bèn chuyên tâm tụng kinh Quán Thế Âm. Nhấp nháy có chiếc thuyền trôi đến. Bấy giờ đã về đêm, thuyền bè đều nghỉ, không thể còn thuyền qua lại. Đây chính là sức thần cứu giúp, liền cùng lên thuyền. Vừa xong, thuyền nhỏ lập tức chìm lỉm. Thuyền lớn lướt theo sóng gió, chẳng bao lâu đã vào được trong bờ.

5. Năm Long an thứ hai đời Tấn, Sa-môn Thích Khai Đạt lên gò hái cam thảo, bị rợ Khương bắt đi. Năm ấy xảy ra nạn đói lớn, bọn Khương, Hồ ăn thịt lẫn nhau, bèn đem nhốt ngài vào trong chuồng rào cùng hơn 10 người. Đến đêm làm thịt ăn hết, chỉ còn lại một mình ngài. Từ khi bị bắt, ngài chuyên tâm tụng kinh Quán Thế Âm không biết mệt mỏi. Sáng mai, đến lượt ngài sẽ bị ăn thịt. Trời mới rạng đông, bỗng nhiên có con cọp thật lớn xông thẳng vào bọn Khương, gào rống mãnh liệt, khiến cả bọn hoảng hồn bỏ chạy tán loạn rồi tiến lên cắn phá hàng rào, khuyết một chổ vừa người lách qua và từ từ bỏ đi. Khi thấy cọp phá chuồng, ngài nghĩ chắc chắn sẽ bị làm hại. Đến lúc hàng rào đã thủng nhưng cọp không vào, ngài nghi thần lực của đức Quán Thế Âm cứu độ. Ước chừng bọn Khương không thể đuổi kịp, ngài ra khỏi hàng rào, băng mình chạy trốn. Đêm đi ngày núp mới thoát được nạn.

6. Năm Nghiã hy thứ tư đời Tấn, Quách Tuyên Chi vốn người Thái Nguyên, làm tư mã phụ tá cho Dương Tư Bình tại phủ Lương châu. Họ Dương đã mưu hại bọn Phạm Nguyên Chi, liền bắt luôn Tuyên Chi đem giam chung vào ngục. Ông dốc tâm cầu nguyện đức Quán Thế Âm. Đêm sau sắp ngủ, bỗng trông thấy ánh hào quang của ngài chiếu sáng khắp ngục. Ông hành lễ cầu khấn một hồi lâu, hào quang mới biến mất. Chẳng bao lâu, chỉ một mình ông được nhà vua ban ơn tha tội. Ông vẽ lại tượng thờ theo sắc tướng đã trông thấy và cất lên Tinh xá. Về sau, ông làm phó quan ở Linh lăng và Hành dương.

7. Phan Đạo Tú đời Tấn, vốn người Ngô quận, năm hơn hai mươi tuổi cầm quân đánh giặc ở phương Bắc. Vì quân ít, phải thua trận, ông chạy trốn, bị bắt làm nô lệ mấy chổ tại đất giặc xa xôi. Ông muốn trốn về nhưng chưa có cơ hội. Từ nhỏ, ông tin thờ Phật pháp, thường thành tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, thỉnh thoảng mơ màng thấy hình tượng của ngài. Sau đó, ông bỏ trốn về Nam, lạc mất đường đi. Bơ vơ giữa chổ núi thẳm, bổng nhiên hiển hiện chân thân của ngài, giống hệt các pho tượng cung nghinh. Ông kính cẩn hành lễ, vừa xong liền biến mất. Lập tức ông biết được đường về nước. Từ đó, ông càng tinh tiến tu hành Chánh pháp, đến năm sáu mươi tuổi mới mất.

8. Loan Tuân đời Tấn, không biết người ở đâu, mộ Đạo từ nhỏ, từng làm huyện lệnh tại Phú bình thuộc Phúc châu. Trước đây, có đi đánh bọn giặc Tuần bị thua, bè phát cháy gần hết, giặc lại ép sát. Đang ở giữa sông, bốn bề sóng gió hãi hùng, ông nghĩ phen này sẽ mất mạng, nhưng vẫn niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nhấp nháy, có một người đứng vững giữa dòng, lưng ngang mặt nước. Ông biết lời cầu nguyện đã linh nghiệm, hơn nữa, thế lửa và bọn giặc quá cận kề, liền nhảy xuống, lội đến bên cạnh. Lạ thay, thân thể nổi phều, giở chân như đi trên đất. Bỗng chốc, đại quân phái thuyền đến cứu, tàn quân nhờ thế đều thoát thân.

9. Sa-môn Thích Pháp Trí đời Tấn, thuở còn làm người thế tục, từng đi một mình bằng qua vùng đầm lớn, gặp đám cháy nổi lên mãnh liệt khắp bốn bề. Ngài thành tâm hành lễ, tụng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Giây lát lửa tàn, cây cỏ trong đầm chẳng còn một cọng, trừ chổ ngài ẩn núp không bị thiêu hủy. Từ đó, ngài bắt đầu chuyên tâm phụng thờ Chánh pháp. Về sau, ngài làm tướng cho Diêu Hưng, cầm quân lên đường lùng giặc. Khi rút quân, mất ngựa, lạc giữa vòng vây, ngài trốn trong lùm gai góc bên dòng nước, vừa che kín đầu. Lại niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm rất thành kính. Bọn giặc đứng bên kia rạch kêu toán hậu quân, chỉ chổ ngài trốn, xông đến giết chết. Bọn này sục sạo tìm kiếm nhưng không phát hiện. Nhờ thế, ngài thoát nạn và phát nguyện xuất gia.

10. Nam công Tử Ngao đời Tấn, vốn người huyện Thủy bình, đóng quân ở thành Tân bình, bị con của chúa giặc Khất Phục đánh bại. Toàn thành mấy nghìn người đều phải tội xử tử. Dù biết sắp chết, ông vẫn chuyên tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Đến phiên ông, nhiều ngọn đao cao thấp cùng bổ xuống, nhưng tay chân bọn đao phủ đều rã rời, không thể chặt nổi. Bấy giờ, Trường lạc công đích thân giám sát việc hành hình, thấy vậy, giật mình hỏi qua thân thế. Ông thong thả trả lời: “Chuyên làm yên ngựa.” Trường lạc công liền sai thả ra. Ông cũng không hiểu tại sao trả lời như thế. Sau đó, bỏ trốn được. Ông tạo một pho tượng đức Quán Thế Âm nho nhỏ, đựng vào hộp trầm hương, đi đâu cũng mang theo.

11. Sa-môn Thích Đạo Thái đời Tấn là vị Tăng ở Tinh xá Hành đường thuộc Thường sơn. Giữa niên hiệu Nghiã Hy, thường mơ thấy người bảo: “Số mạng của ngài sẽ hết vào năm bốn mươi hai tuổi.” Đến năm ấy, Sa-môn quả nhiên mắc bệnh nặng. Sợ không qua khỏi, Sa-môn đem mọi thứ bố thí rộng rãi và dốc hết thành tâm trì tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm suốt bốn đêm ngày không xao lãng. Bấy giờ, nhìn qua màn che trước Thiền sàng, bỗng thấy có người thấp thoáng bước vào, gót chân màu vàng óng ánh, hào quang chiếu diệu khắp phòng. Samôn vén màn nhìn vội, người ấy lặng lẽ biến mất. Mừng sợ dập dồn, mồ hôi đổ ra như tắm, toàn thân Sa-môn trở nên nhẹ nhàng, khỏi hẳn bệnh tật.

12. Tôn Đạo Đức đời Tấn, người Ích châu, làm tế tửu bên đạo Lão. Tuổi hơn năm mươi. Vẫn chưa có con trai. Nhà ở gần Tinh xá. Giữa niên hiệu Cảnh bình, Sa-môn ở đấy bảo: “Nếu muốn sinh con trai, nên thành tâm trì tụng kinh Quán Thế Âm, ước vọng sẽ thành.” Họ Tôn liền bỏ đạo Lão, dốc tâm thành kính quy y, trì tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm. Chỉ trong mấy hôm đã ứng điềm lành, vợ có thai và sinh con trai.

13. Lưu Độ đời Tấn, người Liêu thành thuộc Bình nguyên. Toàn huyện có hơn một ngàn nhà đều phụng thờ Chánh pháp, tô tạo linh tượng, cúng dường Tăng ni. Gặp thời tướng giặc Mộc Vị cai trị, huyện ấy có kẻ thường bỏ trốn. Mộc Vị nổi cơn thịnh nộ, muốn tiêu diệt cả thành. Mọi người rất lo sợ, định bụng chắc chắn sẽ chết. Lưu độ giữ trai giới thanh tịnh, hướng dẫn mọi người quy y, tụng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Được một lúc , Mộc Vị thấy có vật từ không trung rơi xuống, lượn vòng quanh cột nhà. Giật mình nhìn kỹ, chính là kinh Quán Thế Âm. Sai người đọc cho nghe, Mộc Vị rất thích thú, liền giảm bớt hình phạt chém giết. Nhờ thế, thành này thoát khỏi tai họa.

14. Đậu Truyền đời Tấn là người Hà Nội. Giữa niên hiệu Vĩnh Hòa, Cao Xương làm thứ sử Tinh châu và Lữ Hộ, thứ sử Ký châu tranh quyền, gây mối bất hòa cùng nhau. Họ Đậu được Cao Xương cất nhắc làm cung trưởng. Lữ Hộ phái kỵ binh đánh úp, bắt làm tù binh cùng sáu, bảy đồng liêu, đem giam vào ngục, gông cùm chặt chẽ, định ngày xử trảm. Bấy giờ, Sa-môn Chi Đạo Sơn đang ở trong dinh của Lữ Hộ, trước đây có quen biết với họ Đậu, nghe tin, vào tận ngục thăm hỏi. Họ Đậu nói: “Nay tôi mắc nạn, mạng sống chỉ còn từng giờ. Có cách gì cứu vớt được chăng?” Sa-môn bảo rằng: “Nếu biết thành tâm cầu nguyện, chắc chắn sẽ linh nghiệm.”Họ Đậu từng nghe thần lực của đức Quán Thế Âm, liền dốc lòng cầu nguyện suốt ba đêm ngày. Xem lại gông cùm, như nới hơn trước. Cố gắng vận động, bỗng nhiên lỏng lẻo hẳn trên mình. Lại thành tâm cầu xin thương xót, khiến gông cùm tự nhiên mở ra, nhưng còn đồng bạn, không nỡ thoát thân một mình. Thần lực của đức Quán Thế Âm cứu độ rộng rãi, mong sao mọi người đều được thoát nạn. Nói như thế xong, ông thử kéo lay gông cùm của các đồng liêu. Mọi người lần lượt đều được cởi mở, tựa hồ có người cắt giúp. Tất cả mở cửa chạy trốn. Nhờ đã cảnh giác, nên chẳng ai hay, liền vượt tường ra ngoài. Bấy giờ, đêm đã sắp tàn. Đi được bốn năm dặm, Trời vừa hé sáng. Không dám đi tiếp, phải núp vào bụi rậm. Một hồi, trong ngục phát hiện mất tù, người ngựa rầm rập nối nhau tuôn ra bốn phía tìm bắt. Đốt cỏ, đập cây, không sót chổ nào. Trừ nơi họ Đậu An núp, hơn một mẫu đất, chẳng kẻ nào đến. Nhờ thế, mới thoát được nạn, trở về quê hương. Mọi người đều kính tin Chánh pháp. Về sau, Sa-môn Chi Đạo Sơn sang Giang nam, gặp cư sĩ Tạ Phu, đem thuật lại đầy đủ câu chuyện. (1 chuyện trên đây rút từ Minh-tường-ký)

15. Trương Hưng đời Tống, vốn người Tân Hưng, cũng tin Phật pháp, từng thọ Bát quan trai giới với các Sa-môn Tăng Dung và Đàm Dực. Vì bọn cướp khai có liên can, ông bỏ trốn. Vợ bị bắt giam vào ngục, chịu tra khảo nhiều ngày. Bấy giờ, huyện phát cháy, phải dời tù ra bên đường. Thấy các Sa-môn đi ngang, người vợ kêu van: “Xin các Hòa thượng ban ơn cứu giúp.” Sa-môn Tăng dung bảo rằng: “Bần đạo sức yếu, không thể cứu nổi. Cần phải siêng năng tụng niệm đức Quán Thế Âm mới mong thoát khỏi.” Người vợ cầu khẩn tụng niệm hơn 10 hôm. Một đêm, mơ thấy vị Sa-môn lấy chân hất vào người, bảo: “Nào, nào, dậy đi!” Người vợ giật mình thức dậy, thấy tất cả gông xiềng đều mở ra, liền chạy ra cửa, nhưng cửa vẫn còn đóng, ngục tốt canh gác rất nghiêm, không tài nào ra được. Sợ bị phát giác, bèn mang lại gông xiềng rồi ngủ quên. Lại thấy vị Sa-môn lúc trước bảo: “Cửa đã mở xong.” Người vợ thức dậy bỏ trốn. Bọn canh gác ngủ vùi, người vợ yên tâm cất bước, lúc ấy Trời rất tối. Đi được mấy dặm, bỗng gặp một người. Người vợ kinh hãi, té nhào xuống đất. Đến khi nghe tiếng, chính là Trương Hưng. Vợ chồng mừng mừng tủi tủi dắt nhau đi suốt đêm đến chùa Sa-môn Tăng Dực, được ngài che giấu nên thoát khỏi tai họa. Đương thời nhằm niên hiệu Nguyên gia năm thứ nhất. (Chuyên trên rút từ Minh-tường-ký)

16. Cuối đời Ngụy, Sa-môn Thích Pháp Lực ở Lổ quận, chưa rõ quê quán, chuyên tu khổ hạnh, có chí xây chùa dựng tháp. Ngài muốn cất ngôi Tinh xá, nhưng chưa đủ khả năng, liền cùng Sa-môn Minh Sâm lên vùng Thượng cốc khất thực hạt mè. Chở về một xe, ngang qua đầm lớn vắng vẻ, thình lình gặp nạn cháy đồng. Xe đi dưới gió, sợ khó thoát khỏi, Ngài mệt quá, ngủ quên. Đến khi thức giấc, lửa vừa lan đến. Ngài cất tiếng niệm Quán, chưa kịp phát Thế Am, gió lập tức đổi chiều, lửa cũng tắt theo. Nhờ thế, được bình an trở về chùa. Lại nữa, Sa-môn Đạo Tập vân du ở Tây sơn thuộc vùng Thọ dương, bị hai tên cướp bắt được, trói vào gốc cây, sửa soạn ra tay giết hại. Ngài quyết tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm đến chết không ngừng. Bọn cướp giương đao chặt xuống mấy lần đều không hề hấn, liền hoảng sợ bỏ chạy. Nhờ thế, ngài được thoát nạn. Lại nữa, Sa-môn Pháp Thiền lên núi gặp cướp sắp sửa giết chết. Ngài chỉ niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Bọn cướp giương cung bắn tới, tên không bay đi, liền bỏ ác tâm, liệng cung xuống đất. Cho là gặp phải thần nhân, kinh hoảng chạy trốn. (Các chuyện nhỏ trên đây rút từ Đường-cao-Tăng-truyện) Tụng rằng:

Đức Phật Năng Nhân
Tùy duyên giáng thế.
Thánh của các Thánh,
Chúa của các chúa.
Sắc tướng ôn hòa,
Kiến giải uyên áo.
Giáo hóa chúng sinh
Diệu lý Trung quán
Soi sáng đường mê
Dịu dàng đuốc tuệ.
Muôn vàn biến hóa,
Trải qua mấy thuở!
Ngày là ráng chiều,
Ngày là mây báu.
Giúp ta, hiện hình,
Thương ta, hóa phép.
Tam thừa đã mở,
Song lâm diệt độ.
Tuy nhập Niết-bàn,
Chánh pháp còn đó!

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây