Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcPHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 2
Thiên thứ 2: TAM GIỚI
Tam giới có hai loại: Một là Tứ châu. Hai là chư Thiên.
I. THUYẾT MINH TỨ CHÂU
Tứ châu có mười phần: Thuật ý, Hội danh, Địa lượng, Sơn lượng, Giới lượng, Phương thổ, Thân lượng, Thọ lượng, Y lượng, Ưu liệt.
Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý
Xét rằng: Tam giới yên vị, lục đạo phân chia. Tinh thô khác vẻ, khổ lạc không đồng. Xem tận ngọn nguồn, không lìa hai chữ sắc tâm. Kiển nghiệm cứu cách, chẳng có gì ngoài sinh diệt. Sinh diệt luân hồi, chính thị vô thường. Sắc tâm ảnh huyễn, ấy là gốc khổ. Thế nên, kinh Niết Bàn thí dụ với Đại hà, kinh Pháp Hoa so sánh với Đại trạch. Thánh nhân mở đường giác ngộ, dừng bước lại để quay về. Mau mau vượt khỏi Tam giới, dần dần bước sang Thập địa. Tìm tòi bản thể của thế gian, gặp đúng thời tiết mới sinh ra. Vùi dập qua bao tai kiếp, cuối cùng trở lại hư không. Cái gọi là thọ ngắn, nghĩa là có thọ dài. Có dài mới hiện rõ nghĩa của ngắn.
Than ôi! Hư không chẳng thấy, nên giới hạn thật vô cùng. Thế giới bao la, nên có thiên hình vạn trạng. Ở đấy, Đại thiên do Pháp vương thống lãnh, Tiểu thiên được Phạm vương điều hành. Tu-di là chỗ Đế-thích cư trú. Thiết vi là thành trì của chư Thiên. Đại hải là vực lớn của tám phương, nhật nguyệt là đèn đuốc của bốn hướng. Đông đảo quần sanh, hân hoan xem đấy là nhà. Nhung nhúc vạn vật, chẳng nghĩ đến chỗ đày đọa! Đắm giữa tục mà xem, chỉ là lời viễn vông vu khoát. Lấy đại đạo để xét, chính là việc gần gũi tấc gang.
Thế gian sùng thượng Châu công, Khổng Tử có công san định điển phần, nhưng hai vị Thánh ấy luận bàn về vũ trụ, ức đoán không nổi! Dịch gọi Huyền thiên, vốn đặt tên cho cõi thâm u. Trang nói Thương thiên, chỉ gần màu nhìn từ xa vậy. Do đó, kẻ dốt cả tin, bảo: “Trời xanh như ngọc”. Nho sĩ dựa sách, nói: “Trời đen như sơn”. Xanh, đen thật khác biệt, hiểu sai lạc cũng giống như nhau. Nho dốt dẫu chẳng đồng, không biết gì, đều chỉ là một! Mới hay, đời tôn kính tên Trời mà không rành chân tướng. Há biết được vẻ tráng lệ của cõi Lục dục, sự quang minh của chốn Thập phạm đến mức nào? Than ôi! Hiện trạng vủa Tam giới còn chẳng ai hay. Không nghĩ đến diệu lý, đương nhiên gác bỏ.
Thiết tưởng các kinh điển Đại thừa đã nói nhiều về “không” sâu xa: Tìm tòi các kinh Trường A-hàm, Lâu Thán, nói về thế giới, mà văn chương uyên bác, kệ tán rất nhiều, rốt lại, cũng khó nghiên cứu. Nay chỉ chọn lọc những điều thiết yếu, đại lược, cốt nêu cao chỗ thâm viễn mà thôi.
Thứ hai: PHẦN HỘI DANH
Theo các kinh Trường A-hàm và Khởi Thế nói: “Giữa trung tâm bốn châu là núi Tu-di, phía ngoài núi nầy có tám ngọn núi khác bao bọc chung quanh. Dưới chân núi Tu-di là biển lớn, sâu tám vạn bốn ngàn do tuần. Bên cạnh tám ngọn núi là biển lớn, phần trước rộng tám ngàn do tuần, trong có nước tám công đức. (Theo luận Thuận Chánh Lý nói: một là ngọt, hai là mát, ba là diệu, bốn là nhẹ, năm là trong, sáu là không hôi, bảy là không rát họng, tám là uống rồi không đau bụng). Cứ thế, biển hẹp dần. Đến dưới chân ngọn núi thứ bảy, biển còn rộng một ngàn hai trăm năm mươi do tuần. Phía ngoài rộng vô bờ bến. Ngoài biển này còn có ngọn núi khác, tức là núi Đại Thiết Vi bao bọc chung quanh và mặt trời mặt trăng ngày đêm luân phiên nhau soi sáng thiên hạ bốn phương, gọi là một quốc độ. Lấy một quốc độ nầy làm đơn vị, đủ một ngàn núi Thiết Vi bao quanh xong, gọi là một Tiểu thiên thế giới. Lại đủ một ngàn núi Thiết Vi bao quanh xong, gọi là một Trung thiên thế giới. Từ số Trung thiên này, lại đủ một ngàn núi Thiết Vi bao quanh xong, gọi là một đại thiên thế giới. Trong đó, trên núi Chúa của bốn châu đều có gắn mặt trời mặt trăng soi chiếu. Thậm chí số đỉnh núi của Đại thiên thế giới nhiều đến vạn ức”. (Xưa nói trăm ức là tính sai).
Thành thì cùng hành, hoại thì cùng hoại, đều là cõi do một đức hóa Phật thống lãnh, gọi là Tam thiên đại thiên thế giới, hiệu là Ta Bà thế giới. Chính gốc tiếng Phạm gọi là Tát Ha thế giới. Theo kinh Tự Thệ Tam Muội nói: “Ta Ha thế giới (Tiếng Hán là Nhẫn giới, là do người ở đây bản tính cương cường, gặp chuyện khó nhẫn nhục nên gọi là nhẫn) có đức Phật tên Năng Nhân thống lãnh một cõi bao la gọi là Tam giới gồm có: một là Dục giới, hai là Sắc giới, ba là Vô sắc giới. Trước tiên là Dục giới. Có bốn loại dục: một là tình dục, hai là sắc dục, ba là thực dục, bốn là dâm dục. Thứ hai là Sắc giới. Có hai loại Sắc giới: một là tình dục, hai là sắc dục. Thứ ba là Vô sắc giới thì chỉ có tình dục. Trong Dục giới có bốn loại vừa nói trên, vì dục mạnh, sắc yếu, nên gọi là Dục giới. Trong Sắc giới thứ hai, vì sắc mạnh, dục yếu, nên gọi là Sắc giới. Trong Vô sắc giới thứ ba, sắc hết, dục yếu, nên gọi là Vô sắc giới”. (Theo kinh Hoa Nghiêm, biện luận về Tam thiên đại thiên thế giới vốn có nhiều loại. Ở đây không cần phải thuật lại rườm ra).
Thứ ba: PHẦN ĐỊA LƯỢNG
Theo kinh Hoa Nghiêm nói: “Tam thiên đại thiên thế giới, vì vô lượng nhân duyên mà thành. Hơn nữa, như thế giới nương tựa vào thủy luân, thủy luân dựa vào phong luân, phong luân lại nương tựa vào không luân. Không luân không nương tựa vào đâu. Còn chúng sinh chịu nghiệp lực nên thế giới an trụ”. Bởi thế, luận Trí Độ nói: “Tam thiên đại thiên thế giới đều nương tựa vào phong luân để làm nền tảng”. Hơn nữa, kinh Tân Phiên Bồ Tát Tạng nói: “Vì chư Phật thành tựu được trí tuệ bất khả tư nghị nên biết được các tướng của mưa gió. Biết được thế gian có cơn gió lớn tên Ô-lô-bác-ca, biết đến chúng sinh vì có giác quan nên đều bị cơn gió lớn nầy lay độn, cơn gió nầy ước lượng cao đến ba câu lô xá. Ở trên cơn gió nầy, trong không trung lại có cơn gió gọi là Vân phong luân, nổi lên, cơn gió nầy ước lượng cao đến năm câu lô xá. Ở trên cơn gió nầy, trong không trung lại có cơn gió gọi là Chiêm bạc ca, nổi lên, cơn gió nầy ước lượng cao đến mười du thiện na. Ở trên cơn gió nầy, trong không trung lại có cơn gió nổi lên, gọi là Khuyển tác phược ca, cơn gió này ước lượng cao đến ba mươi du thiện na. Lại trên cơn gió này, giữa không trung còn có cơn gió nổi lên, gọi là Khứ lai, cơn gió này ước lượng cao đến bốn mươi du thiện na. Như thế, này Xálợi-tử, lần lượt xoay lên đến sáu vạn tám ngàn câu đê tướng của phong luân, Như Lai giác ngộ đạo vô thượng, dựa vào đại trí tuệ đều biết hết tất cả. Này, Xá-lợi-tử! Phong luân ở trên cùng tên là Châu biến. Trên đó là chỗ thủy luân nương tựa. Nước này ước lượng cao đến sáu mươi tám ức du thiện na, là chỗ thế giới ấy nương tựa. Đất của thế giới ấy cao đến sáu mươi tám ngàn du thiện na. Này, Xá-lợi-tử, trên đất ấy ước lượng có một Tam thiên đại thiên thế giới”. Vả lại, kinh Lâu Thán nói: “Đất nầy sâu hai mươi ức vạn dặm. Dưới có kim túc cũng sâu hai mươi ức vạn dặm. Dưới có kim cương cũng sâu hai mươi ức vạn dặm. Dưới có nước giới hạn sâu tám mươi ức vạn dặm. Dưới nước có gió lớn vô cùng, sâu đến năm trăm hai mươi ức vạn dặm. Trên đây có sáu tầng. Bốn tầng trước là địa luân, tầng thứ năm là thủy luân, tầng thứ sáu là phong luân”. Kinh Kim Quang Minh nói: “Đất nây sâu một ngàn sáu vạn tám ngàn do tuần. Dưới có kim sa. Kim sa chính là kim túc. Dưới có kim cương địa. Giải thích rằng: “Phong luân trước kiên cố không thể hủy hoại. Có lực sĩ Đại lạc na dùng chày kim cương đánh vào làm cho chày vỡ mà phong luân không hề hư hao. Lực sĩ Đại lạc na ấy là đệ tứ Phạm vương có sức na la diên. Đấy cũng là sức của Phật thân, cũng gọi là phong luân na la diên. Trên phong luân nầy có thủy luân. Theo kinh Lập Thế thì thủy luân nầy sâu đến một trăm mười ba vạn do tuần, kém hơn phong luân ba mươi tám vạn do tuần. Vì nghiệp lực của chúng sinh nên nước nầy không chảy đi được. Giống như ăn không tiêu, không vào ruột được vậy. Lại giống như bồ chứa gạo bên trong, ngoài đem buột chặt. Thủy luân cũng thế, vì ngoài có gió giữ lại, không cho chảy đi. Như thế gian quậy bơ làm sữa, sức gió nầy thổi thuận chiều. Nước nầy biến thành kim thủy, sâu đến một trăm mười ba vạn do tuần. Khi đã êm thắm thành kim thủy chỉ còn sâu được tám mươi vạn do tuần. Số ba mươi ba vạn do tuần giảm bớt thuộc về kim địa. Kim địa nầy từ ít hóa thành nhiều, nên dày đến mười hai lạc na. Mỗi lạc na có mười vạn do tuần. Kim địa nầy có hai chiều ngang dọc đều bằng nhau”.
Thứ tư: PHẦN SƠN LƯỢNG
Nay dựa vào trong một cõi Tam thiên đại thiên thế giới, đều có chư Phật hiện thân giáo hóa, hiện thân giáng sinh, hiện thân sinh diệt, chỉ đường tứ Thánh, mở lối lục phàm. Ước chừng trong một quốc độ bốn phương thiên hạ, tức là cõi được một vầng nhật nguyệt luân phiên soi chiếu, ở giữa có núi Tô Mê Lô ngự trị. (Đời Đường hiện nay dịch là núi Diệu cao xưa gọi là núi Tu-di, còn gọi là Mê lưu, cũng gọi là núi Di lâu. Đều hơi lầm cả). Núi nầy cao ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, do bốn loại bảo vật tạo thành. Mặt Đông bằng vàng, mặt Nam bằng lưu ly, mặt Tây bằng bạc trắng, mặt Bắc bằng pha lê. Giữa rốn biển cũng sâu ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, nương tựa trên kim luân, như kinh Khởi Thế nói: “Dưới chân núi Tu-di, có tám lớp núi khác. Lớp núi đầu tiên tên là Khư Đề La, cao bốn vạn hai ngàn do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Giữa hai ngọn núi Tu-di và Khư Đề La là khoảng cách rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Khư Đề La, còn có núi khác là Y Sa Đà La, cao hai vạn một ngàn do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là bốn vạn hai ngàn do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Y Sa Đà La, còn có núi khác là Du Càn Đà La, cao một vạn hai ngàn do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là hai vạn một ngàn do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Du Càn Đà La, còn có núi khác là Thiện Kiến, cao sáu ngàn do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là một vạn hai ngàn do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Thiện Kiến, còn có núi khác là Mã Ngưu Đầu, cao ba ngàn do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai ngọn núi nầy là sáu ngàn do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Mã Ngưu Đầu, còn có núi khác là Ni Dân Đà La, cao một hai trăm do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là hai ngàn bốn trăm do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Ni Dân Đà La, còn có núi khác là Tỳ Na Da Ca, cao sáu trăm do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là một ngàn hai trăm do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Ngoài núi Tỳ Na Da Ca, còn có núi khác là Chước Ca La (đời Tùy gọi là núi Luân Vi, tức là núi Thiết Vi), cao ba trăm do tuần, trên mặt cũng rộng như thế, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khoảng cách giữa hai núi nầy là sáu trăm do tuần, có chu vi rộng vô lượng. Phía trên bày bố các núi khác, ở giữa là biển nước. Trên mặt biển có các loại hoa Ưu bát la, Bát đầu ma, Câu mâu đà, Bôn trà lợi ca và các loại hương thơm phủ đầy. Cách núi Chước Ca La một khoảng không xa, có một khoảng đất trống, phủ đầy cỏ xanh tức là biển nước. Phía Bắc biển nước này, có cây chúa tên Diêm-phù. Chu vi thân cây đến bảy mươi do tuần, rễ cây ăn sâu vào đất đến hai mươi mốt do tuần. Thân cây cao đến một trăm do tuần, đến nỗi cành là phủ kín bốn phía rộng đến năm mươi do tuần”. Kinh Trường A-hàm nói: “Giữa chỗ đất trống của núi nầy có biển lớn tên là Uất Thiền Na. Dưới biển nầy là đường của Chuyển luân vương, rộng mười hai do tuần. Hai bên đường có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây bao bọc trang hoàng, do bảy loại bảo vật tạo thành. Khi Chuyển luân vương xuất hiện ở cõi Diêmphù-đề, nước tự nhiên rút mất, con đường bằng phẳng hiện ra. Cách biển không xa, có núi tên Uất Thiền Na. Cách núi nầy không xa, lại có núi khác tên là Kim Bích. Qua khỏi núi nầy, lại có núi khác tên Tuyết Sơn, ngang dọc rộng năm trăm do tuần, cũng sâu năm trăm do tuần.
Giữa núi Tuyết Sơn là núi Bảo Sơn, cao hai mươi do tuần. Chóp núi Tuyết Sơn mọc cao một trăm do tuần, trên đỉnh có ao A nậu đạt, ngang dọc rộng năm mươi do tuần. Nước ao mát mẻ, trong trẻo, không dơ bẩn. Bờ ao do bảy loại bảo vật tạo thành. Dưới đáy ao đọng đầy cát vàng. Ao có loài hoa lớn như bánh xe, cuống hoa lớn như ổ xe, cuống hoa tiết nhựa trắng như sữa, ngọt như mật. Phía Đông của ao có sông Căng Già, từ miệng Trâu phát nguồn, theo năm trăm sông nhỏ đổ vào biển Đông. Phía Nam của ao có sông Tân Đầu, từ miệng sư tử phát nguồn, theo năm trăm sông nhỏ đổ vào biển Nam. Phía Tây của ao có sông Bác Xoa, từ miệng Ngựa phát nguồn, theo năm trăm sông nhỏ đổ vào biển Tây. Phía Bắc của ao có sông Tư Đà, từ miệng Voi phát nguồn, theo năm trăm sông nhỏ đổ vào biển Bắc”. Theo sách Tây Quốc truyện của Pháp sư Huyền Trang nói: “Nằm giữa trung tâm của châu Thiệm Bộ là ao A na bà đáp đa (đời Đường ngày nay dịch là Vô nhiệt, xưa gọi là ao A nậu đạt là sai, nằm tại phía Nam Hương Sơn, phía Bắc Đại Tuyết Sơn, chu vi tám trăm dặm. Bờ sông được trang hoàng bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê. Có cát vàng trải đầy, sóng xanh lấp lanh như gương soi. Do có nguyện lực vô biên, Bồ tát Thập Địa hóa thân làm Long vương, đến cư ngụ ở nơi nầy, đem dòng nước trong lành mát mẻ cung cấp cho châu Thiệm Bộ. Bởi thế, ở phía Đông của ao, từ miệng Trâu bạc phát nguyên sông Căng Già (xưa gọi là sông Hằng hà, còn gọi Hằng Già là sai), chảy một vòng quanh ao, rồi đổ vào biển Đông Nam. Ở phía Nam của ao, từ miệng Voi vàng phát nguyên sông Tín Độ (xưa gọi sông Tân Đầu là sai), chảy một vòng quanh ao, rồi đổ vào biển Tây Nam. Ở phía Tây của ao, từ miệng Ngựa lưu ly phát nguyên sông Phược Sô (xưa gọi sông Bác Xoa là sai), chảy một vòng quanh ao, rồi đổ vào biển Tây Bắc. Ở phía Bắc của ao , từ miệng Sư tử pha lê phát nguyên sông Tỷ Đa (xưa gọi sông Tư Đà là sai), chảy một vòng quanh ao, rồi đổ vào biển Đông Bắc. Có người bảo: “Chảy ngầm từ dưới mặt đất rồi đổ ra núi Tích Thạch, tức là sông Tỷ Đa. Đó là nguồn sông của Trung Quốc vậy”. Bấy giờ chưa có Chuyển luân vương xuất thế, châu Thiệm Bộ chỉ có bốn cái chủ tể. Phương Nam lấy voi làm chủ, nên nắng ấm thích hợp cho loài voi. Phương Tây lấy bảo vật làm chủ, nên bờ biển đầy bảo vật. Phương Bắc lấy ngựa làm chủ, nên giá lạnh hợp với loài ngựa. Phương Đông lấy người làm chủ nên hòa hợp đông đúc. Thế nên nước lấy voi làm chủ thì nôn nóng, hiếu học, rành rẽ thuật lạ. Nơi ấy bảo vật làm chủ thì không có lễ nghĩa, coi trọng của cải. Cõi lấy ngựa làm chủ thì bản tính hung bạo, tàn nhẫn hiếu sát. Đất lấy người làm chủ thì phong tục thuần hậu, nhân nghĩa sáng tỏ. Xét tập quán của bốn cái chủ tế, thì phương Đông cao hơn hết: Nhà ở mở cửa về hướng Đông. Ban ngày nhìn về hướng Đông cúng bái. Đất lấy người làm chủ thì tôn kính nhà vua. Thuần phong mỹ tục, đại khái như thế. Về mặt lễ nghĩa quân thần trên dưới, nghi thức pháp độ, văn chương, ở đất lấy người làm chủ, chẳng nước nào hơn. Về mặt giáo hóa cách tẩy tâm giải nghiệp, thoát ly sinh diệt luân hồi, ở nước lấy voi làm chủ, xem ra có chủ trương hơn. Tất cả điều nầy được viết thành kinh điển, ban bố khắp người thông kẻ dốt, tập tành học rộng chuyện xưa nay, khảo cứu tinh tường chuyện kiến thức. Thế thì, đức Phật xuất hiện ở phương Tây, chánh pháp truyền bá sang Đông độ. Phiên dịch sai âm, nói năng lầm tiếng. Sai âm thì mất nghĩa, lầm tiếng thì trái lý. Cho nên mới bảo rằng: “Cần nhất phải minh định danh từ. Chủ yếu tránh khỏi sai lầm vậy”.
Hơn nữa, kinh Khởi Thế nói: “Trong cung A Nậu Đạt có ngôi đền năm cột. Long vương A Nậu Đạt thường xuyên cư trú ở đây. Phật bảo: “Vì sao lại gọi là A Nậu Đạt? Có nghĩa là gì?”. Tất cả Long vương của cõi Diêm-phù-đề nầy đều có ba điều hoạn nạn. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị ba điều hoạn nạn nầy. Ba điều hoạn nạn gì?
+ Một là hết thảy các Long vương đều bị gió nóng, cát nóng thổi chạm vào mình, thiêu đốt da thịt, thiêu đốt đến tận xương tủy, gây nên khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
+ Hai là hết thảy Long cung đều bị gió dữ nổi lên, thổi mạnh vào cung, làm bay mất áo quý có gắn bảo vật, lộ ra mình rồng, gây nên khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
+ Ba là hết thảy Long vương, mỗi vị đều ở trong cung cùng vui thích. Bỗng chim Kim sí lớn bay vào mổ cắn, hoặc nảy cách muốn ăn thịt Long vương, khiến cho Long vương khiếp sợ, thường ôm khổ não. Chỉ có Long vương A Nậu Đạt không bị hoạn nạn như thế.
Nếu chim Kim sí chúa nào nảy ý muốn bay vào Long cung làm hại, sẽ bị chết liền. Vì thế, mới gọi là A Nậu Đạt. A Nậu Đạt nghĩa là không phiền não (đời Tần dịch). Phật bảo Tỳ-kheo: “Bên mặt Tuyết Sơn có thành tên là Kim Tỳ Ly. Phía Bắc thành có bảy ngọn núi Đen. Phía Bắc núi Đen có Hương Sơn. Trong núi thường có tiếng âm nhạc ca múa, hát xướng. Núi có hai hang động. Động thứ nhất tên là Hết, động thứ hai tên là Khéo Hết, do bảy loại bảo vật làm thành, mềm mại thơm tho tựa áo trời. Chúa thần âm nhạc Càn Thát Bà có năm trăm nhạc công tùy tùng, thường ở tại đây”. Vả lại, luận Thuận Chánh Lý nói: “Trong bốn châu, chỉ riêng châu Thiệm Bộ có chiếc ghế kim cương, trên cao đến đất, dưới tựa vào kim luân. Các vị Bồ tát chứng được tối hậu pháp thân, sắp bước lên quả vị Vô thượng Bồ đề, đều ngồi lên nó. Phát khởi kim cương định, dùng vô dư y và hữu dư y cũng như tất cả lực kiên cố khác để giữ chặt chiếc ghế nầy”. Lại nữa, kinh A Trường Hàm nói: “Phật bảo Tỳ-kheo: “Có bốn vị thiên thần của Tứ đại. Là bốn vị nào? Một là Địa thần, hai là Thủy thần, ba là Phong thần, bốn là Hỏa thần. Trong Tứ đại nầy, mỗi đại đều có đầy đủ cả Tứ đại”. Thế nên, Địa thần nảy ra ác kiến, nói: “Trong Địa không có Thủy, Hỏa, Phong!” Bấy giờ Ta biết được vong niệm của Địa thần nầy, liền đến bảo rằng: “Ông thường nảy sinh vọng niệm, bảo rằng trong Địa không có Thủy, Hỏa, Phong chăng?” Địa thần trả lời: “Thật sự trong Địa không có Thủy, Hỏa, Phong!” Bấy giờ, Ta liền bảo rằng: “Ông đừng nảy sinh vọng niệm mà nói thế này: Trong Địa không có Thủy, Hỏa, Phong! Tại sao như thế? Trong Địa vốn có Thủy, Hỏa, Phong. Chẳng qua, vì Địa nhiều hơn, nên được mang tên Đại Địa đấy thôi”. Phật bảo Tỳ-kheo: “Ta giúp cho Địa thần ấy trừ bỏ ác kiến, chỉ giáo lợi lạc để chứng được pháp nhãn thanh tịnh. Trong Thủy có Địa, Hỏa, Phong. Trong Hỏa có Địa, Thủy, Phong. Trong Phong có Địa, Thủy, Hỏa. Song Đại đầu tiên nói trên có thành phần nhiều hơn, nên được mang tên đấy thôi!”.
Thứ năm: PHẦN GIỚI LƯỢNG
Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Ngoài biển rất mặn, có núi tên là Thiết Vi, ngập trong nước sâu ba trăm mười hai do tuần rưỡi, nổi lên khỏi mặt nước cũng cao như thế, bề mặt cũng rộng như thế, chu vi ba mươi sáu ức một vạn 3năm mươi do tuần. Từ ranh giới phía Nam Diêm-phù-đề đến núi Thiết Vi xa ba ức sáu vạn sáu trăm sáu mươi ba do tuần. Từ trung tâm Diêm-phù-đề đến trung tâm Đông Phất-vu-đãi xa ba ức sáu vạn sáu trăm do tuần. Từ trung tâm Diêm-phù-đề đến trung tâm Tây Cù-da-ni xa ba ức sáu vạn sáu trăm do tuần. Từ ranh giới phía Bắc Diêm-phù-đề đến Bắc Uất-đơn-việt xa bốn ức bảy vạn bảy ngàn năm trăm do tuần. Từ bờ biển ở chân núi Thiết Vi đên tận cùng hải phận phía Tây của núi Thiết Vi ước lượng xa khoảng hai mươi ức hai ngàn tám trăm hai mươi lăm do tuần. Chu vi hải phận của núi Thiết Vi là mười sáu ức tám ngàn bốn trăm bảy mươi lăm do tuần. Từ đỉnh núi Tu-di nầy đến đỉnh núi Tu-di kia xa mười hai ức ba ngàn bốn trăm năm mươi do tuần. Từ trung tâm núi Tu-di nầy đến trung tâm núi Tu-di kia xa mười hai ức tám vạn ba ngàn bốn trăm năm mươi do tuần. Từ chân núi Tu-di nầy đến chân núi Tu-di kia xa mười hai ức ba ngàn mười lăm do tuần. Tất cả điều nầy là do đức Phật bảo. (Theo kinh Trường A-hàm nói: “Diêm-phù-đề có lãnh thổ ngang dọc rộng bảy ngàn do tuần. Tây Cù-da-ni có lãnh thổ ngang dọc rộng tám ngàn do tuần. Đông Phất-vuđãi có lãnh thổ ngang dọc rộng chín ngàn do tuần. Bắc Uất-đơn-việt có lãnh thổ ngang dọc rộng mười ngàn do tuần).
Thứ sáu: PHẦN PHƯƠNG THỔ
Tìm tòi ở các sách Địa lý, con người vốn khác biệt, không giống nhau. Tổng quát có hai loại người: Một là phàm, hai là Thánh. Nếu theo địa phương mà nói, thì có bốn giống người, gọi là người của bốn cõi thế giới. Nếu theo chỗ ở mà nói, trong bốn cõi thế giới gồm có bốn ngàn lẻ tám chỗ, thì có bốn ngàn lẻ tám giống người. Nếu chỉ xét một cõi Diêm-phù-đề mà nói, thì như kinh Lâu Tán bảo: “Có ba mươi sáu nước lớn, giống người cũng cùng số nầy”. Nếu xem các luận khác, thì có hai ngàn năm trăm nước nhỏ, giống người cũng như vậy. Hơn nữa, trong từng nước một, có ngần này giống người: Hồ, Hán, Khương, Lỗ, Man, Di, Sở, Việt. Mỗi giống người, tùy theo môi trường địa lý dị biết mà có hình dạng khác nhau, không thể nói hết ra đây. Do đó, kinh Lâu Thán có nói: “Chủng tộc của cõi Nam Diêm-phù-đề nầy sai biệt, gồm có sáu ngàn bốn trăm giống người”. Nhưng chỉ nói gom tổng số, không kể riêng tên của mỗi giống người. Kinh Trường A-hàm nói: “Phật bảo Tỳ-kheo: “Bốn cõi thế giới nầy có tám ngàn thế giới bao quanh bên ngoài. Lại có biển lớn bao quanh tám ngàn thế giới ấy. Lại có núi Đại Kim Cương bao quanh biển lớn ấy. Ngoài núi Đại Kim Cương này, còn có núi Đại Kim Cương thứ hai. Khoảng cách giữa hai núi nầy sâu xa thâm thẳm. Dù thiên thần nhật nguyệt có uy lực vĩ đại, cũng không thể đem ánh sáng soi chiếu tận tám cõi địa ngục lớn ấy được!”
Thứ nhất là nói về nước Bắc Uất-đơn-việt. Theo kinh Trường Ahàm nói: “Thế giới phía Bắc núi Tu-di là nước Uất-đơn-việt, có lãnh thổ rất vuông, ngang dọc rộng một vạn do tuần. Mặt người cũng vuông vức giống như địa hình ở đấy. Có cây chúa lớn tên là Am Bà La, chu vi bảy do tuần, cao 1 trăm do tuần, cành lá che kín bốn phía năm mươi do tuần. Nước ấy có nhiều núi non, ao tắm, hoa quả tốt tươi, vô số chim chóc ca hót. Đất sinh cỏ mượt, ngả về phía hữu, màu xanh lục biếc như lông chim khổng tước, thơm tho ngào ngạt như mùi Bà sư, dịu dàng như tấm áo trời. Đất ở đấy mềm mại, co dãn được. Lấy chân dẫm xuống, lún sâu bốn tấc, giở chân lên, đất lại trồi lên như cũ. Mặt đất lại bằng phẳng, như lòng bàn tay, không còn chỗ cao thấp. Bốn phía của nước có bốn ao A Nậu Đạt, ngang dọc rộng một trăm do tuần, bờ ao do bảy loại bảo vật tạo thành. Có bốn dòng sông xuất phát từ bốn ao nầy, rộng đến mười do tuần. Trên mặt sông chim chóc hòa ca. Đất ấy không có hang sâu khe hiểm, cây cối gai góc khổ sở, cũng không có muỗi mòng độc hại, trong đất thuần đầy các loại bảo vật. Âm dương điều hòa, bốn mùa thuận tiện, thảo mộc sinh sôi. Không có mùa đông rét buốc, mùa hạ oi nồng. Đất ấy luôn sinh ra giống lúa cho gạo có cám tự nhiên. Không trồng mà mọc, không có vỏ trấu, như chùm hoa trắng muốt. Trông giống như thức ăn trên Trời Đao lợi, có đủ hương vị ngon lành. Đất ấy cũng luôn có loại nồi tự nhiên. Có loại châu quý báu tên là Diệm quang. Đem châu đặt dưới nồi, khi cơm chín thì ánh sáng của châu tự tắt, không cần củi lửa, không phí sức người. Đất ấy có cây tên là Khúc cung, cành lá sắp lớp, trời mưa không thấm nước. Trai gái ở đấy thường nghỉ ngơi dưới tán cây này. Lại có cây Hương cao bảy mươi dặm, hoa quả tốt tươi. Đến khi quả chín, vỏ tự nhiên nứt, mùi hương bay ra. Hoặc có cây lớn cao sáu mươi dặm, hoặc có cây cao năm mươi dặm, cây nhỏ chỉ cao năm dặm. Đến khi quả chín, vỏ tự nhiên nứt, tuôn ra các loại áo quần, hoặc tuôn ra các loại trang sức, hoặc tuôn ra các loại đồ dùng, hoặc tuôn ra các loại thức ăn. Đôi khi đùa giỡn trên sông, có các loại thuyền bằng bảo vật. Khi người dân ở đấy muốn vào trong nước tắm rửa nô đùa, liền cởi y phục bỏ lại trên bờ. Chèo thuyền ra giữa dòng sông, rong chơi thỏa thích. Xong xuôi, rẽ nước lên bờ, gặp được áo quần, mặc lấy tự nhiên. Người lên trước mặt trước, kẻ lên sau mặt sau, không cần tìm đúng áo quần của mình. Sau đó, đến bên cây Hương, cây liền cong xuống, người ấy lấy tay chọn lựa nhạc khí, lên dây và cất tiếng hát du dương, hòa theo tiếng đàn mà đi vào vườn thưởng thúc vui thú. Đất ấy vào nữa đêm, Long vương A Nậu Đạt thường hay cho nổi lên các đám mây thanh tịnh bao quanh thế gian, rồi đổ xuống cơn mưa ngọt ngào, bằng khoảng thời gian vắt xong bầu sữa bò mẹ, đem nước tám công đức tưới thấm chan hòa. Nữa đêm về sáng, bầu trời trong suốt, không có mây che. Mặt biển nổi lên làn gió mát mẻ, thổi nhẹ vào người, khiến toàn thân khoan khoái. Đất ấy được mùa, nhân dân thịnh vượng. Nếu cần ăn uống, lấy gạo thiên nhiên cho vào nồi, đem châu Diệm quang đặt vào phía dưới. Khi cơm vừa chín, ánh sáng của châu tự tắt. Có người tìm thấy, tự nhiên lấy ăn. Chủ nhân nằm yên, cơm không bao giờ hết. Nếu chủ nhân ngồi dậy, cơm sẽ hết liền. Cơm ấy tinh khiết ngon lành, như chùm hoa trắng muốt, mùi vị thơm tho tựa thức ăn trên các cõi Trời, không sinh ra bệnh tật. Sức lực đầy đủ, nhan sắc vui tươi, không chút héo mòn. Con người đất ấy, thân hình dung mạo giống nhau, không thể phân biệt. Nét mặt của người lớn, trông chừng như người Diêm-phù-đề vào tuổi hai mươi. Người ở đấy, răng mọc đều đặn, trắng tinh, không hở. Tóc xanh hoe đỏ, không dính bụi bặm, rủ xuống tám lóng tay, xòa ngang chân mày, không ngắn không dài. Người ở đấy, khi nổi lòng dục, nhìn say đắm người nữ, rồi lặng lẽ bỏ đi. Người nữ biết ý, đi theo đến chỗ vườn cây. Nếu người nữ thuộc hàng bà con ruột thịt với cha mẹ của người nam thì không thể hành dâm được, cây không uống cong đậy tàn lá lại. Mỗi người lặng lẽ bỏ đi. Nếu không thuộc hàng thân thích bà con, cây Khúc cung liền cong mình đậy tàn lá lại. Hai bên tự do hoan lạc trong một hai ngày, có khi lên đến bảy ngày, rồi hờ hững bỏ nhau ra đi. (Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Người châu Bắc không hỏi vợ, không rước dâu, không mua bán. Khi người nam muốn lấy vợ, nhìn say người nữ. Khi người nữ muốn người nam, cũng phải nhìn say người nam. Nếu không thấy được người nam nhìn mình, các người nữ khác bảo giúp: “Người nầy nhìn bạn đấy!”, thế là trở thành vợ chồng. Người nam không thấy được người nữ nhìn mình thì các người nam khác bảo giúp: “Người nữ này nhìn bạn đấy!”, thế là trở thành vợ chồng. Nếu hai người cùng nhìn nhau, liền đi theo nhau đến chỗ vắng vẻ. Như người có nhiều dục vọng, trong một đời, lên đến năm lần. Hạng trung bình, hoặc bốn hoặc ba bận. Cũng có người tu hành, đến già không hề hành dục. Người nữ ở đấy, khi mang thai, chỉ dùng thức ăn dở). Người nữ ở đây mang thai chỉ có bảy, tám ngày thì sinh. Dù trai hay gái, đều đem bỏ ở ngã tư đường lớn rồi đi. Gặp các người bộ hành qua lại chỗ ấy, chìa ngón tay cho đứa trẻ bú. Sữa theo ngón tay trào ra, no nê đầy mình đứa trẻ. Bảy ngày sau, đứa trẻ trưởng thành, cao bằng người lớn ở đấy. Nam sống theo đám người nam, nữ sống theo đám người nữ. Người ở đấy khi chết không khóc thương nhau. Tẩm liệm thi thể xong, đem đặt ở ngã tư đường lớn rồi bỏ đi. Có loài chim tên là Ưu úy Thiền già mang thi thể ấy đi nơi khác. (Theo luận Lập Thế nói: “Chim ấy ngoạm lấy mạng thi thể ra ngoài chỗ núi non để ăn thịt). Vả lại, người ở đấy, khi đi đại tiểu tiện, đất liền nứt ra. Đi xong, đất tự khép mặt trở lại. Người ở đấy không có tình thương yêu lưu luyến, cũng không để dành của cải. Có tuổi thọ nhất định. Khi chết sinh lên cõi Trời. Tại sao người ở đây có tuổi thọ nhất định? Vì người ở đấy, kiếp trước tu hạnh Thập thiện. Khi mệnh chung được sinh vào nước Uất-đơn-việt, hưởng thọ một ngàn tuổi, không tăng không giảm. Thế nên người ở đấy có tuổi thọ bằng nhau. Nếu có người hay úng dường cho các Sa-môn, Bà-la-môn và bố thí cho các trẻ em nghèo khổ đi ăn xin , các người bị bệnh tật hành hạ khổ sở, bằng cách giúp cho áo quần, thức ăn, xe cộ, tràng hoa, sáp thơm, giường sập, phòng ốc hay xây dựng tháp, chùa, cúng dường đèn đuốc. Khi mệnh chung, người ấy sinh vào nước Uất-đơn-việt, hưởng thọ một ngàn tuổi, không tăng không giảm. Đất ấy không thọ trì Thập thiện, nhưng cư xử tự nhiên, phù hợp với Thập thiện. Khi mệnh chung sinh lên các cõi Trời tốt lành. Thế nên người ở đấy được gọi là Thắng. So với ba cõi kia, nước Uất-đơn-việt này cao nhất, nên đời Tần dịch nghĩa Uất-đơn-việt là Tối thượng. Luận Lập Thế nói: “Người dân nước ấy, hết thảy đều có nước da trắng trẻo, trang sức bằng cách để búi tóc xanh đen mướt trên đầu. Chung quanh thường gọt sạch theo kiểu Châu La. Năm ngày sau, tóc tự nhiên mọc lại, rũ ngang xuống bảy lóng tay. Không mọc thêm hay giảm bớt nữa”. Luận Thuận Chánh Lý nói: “Châu Bắc Câu Lô, hình dáng như tòa vuông, ước lượng bốn phía đều bằnh nhau, mỗi mặt hai ngàn”. Đã nói cõi đất ấy vuông, mỗi mặt hai ngàn, thì cũng đủ nghĩa. Bên cõi ấy có hai châu trung gian: một là châu Đoản Bà, hai là châu Kiêu Để Bà. Cả hai châu này đều có người ở”.
Thứ hai là Đông Phất-vu-đãi. Theo kinh Trường A-hàm nói: “Phía Đông núi Tu-di có cõi đất tên là Phất-vu-đãi, có lãnh thổ thật tròn, ngang dọc chín ngàn do tuần. Mặt người cũng tròn trịa giống như địa hình ở đấy. Có cây chúa tên là Già Lam Phù, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do uần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần”. Kinh Tạo Thiên Địa nói: “Người ở phương Đông ấy hơn người ở Diêm-phùđề. Người ở đấy dùng vải lụa mua bán với nhau”. Theo kinh Trường Ahàm nói: “Người ở đấy thọ hai trăm tuổi, ít kẻ có tuổi tho tăng thêm, trái lại, nhiều người có tuổi thọ giảm xuống”. (Kinh Lâu Thán nói: “Người ở đấy thọ ba trăm tuổi”). Họ sống bằng cá thịt. (Kinh Lập Thế nói: “Họ không sát sinh, không nhờ người khác sát sinh. Nếu có sinh vật chết thì đem ăn thịt”). Họ đem lúa gạo, tơ lụa, châu ngọc mua bán với nhau. Có lễ nghi cưới vợ gả chồng. (Kinh Lập Thế nói: “Người Đông Phấtbà-đề, có kẻ nhiều dục, suốt đời hành dâm bảy lần. Kẻ trung bình tới năm, sáu lần. Cũng có kẻ tu hành, đến chết không hành dâm. Duy ở hai châu Đông Tây, không có người da đen. Ở các châu khác, cũng giống ở Diêm-phù-đề, thân người có nhiều màu da khác nhau. Người ở đấy trang sức đầu tóc theo lối cắt bớt phía trước, để dài phía sau. Áo trên, áo dưới đều thả xuống. Riêng áo trên may quấn quanh thân mình”). Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Châu Đông Thắng Thân, phía Đông hẹp, phía Tây rộng, ba bên bằng nhau. Hình dáng như nữa vầng trăng.
Phía Đông đo được 33, ba bên còn lại, mỗi bên đo được hai ngàn. Phía Đông của châu ấy, vì rộng ở cực Nam của châu, nên có hình như nữa vầng trăng. Bên châu ấy có hai châu trung gian: một là châu Đề-ha, hai là châu Tỳ-đề-ha. Cà hai châu này đều có người ở”.
Thứ ba là Câu-da-ni. Theo kinh Trường A-hàm nói: “Cõi đất phía Tây núi Tu-di tên là Câu-da-ni. Lãnh thổ ấy có hình dáng tròn như vầng trăng đầy, ngang dọc tám ngàn do tuần. Mặt người cũng tròn đầy giống địa hình ở đấy. Có cây chúa tên là Cân Đề, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do tuần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần”. (Kinh Khởi Thế nói: “Dưới gốc cây chúa ấy, có con trâu đá lớn một do tuần. Vì nguyên nhân này nên gọi là Cù-đà-ni, nghĩa là dùng trâu làm hàng hóa trao đổi”). Người ở đấy thọ ba trăm tuổi, đem trâu ngựa, châu ngọc ra mua bán với nhau. Người ở đấy cũng hơn người ở Diêm-phù-đề. Luận Lập Thế nói: “Ở đấy, hoặc tự tay sát sinh, hoặc nhờ người khác sát sinh. Sống bằng thịt như người Diêm-phù-đề. Nếu có thân nhân chết, đưa xác vào núi thiêu, xong rồi bỏ về. Hoặc đổ tro vào sông, hoặc chôn dưới đất, hoặc để giữa đất trống. Sinh hoạt ở hai châu Đông Tây ấy đại khái cũng giống ở Diêm-phù-đề, hôn lễ cũng giống. Kẻ có nhiều dục, suốt đời hành dâm đến mười hai lần. Kẻ trung bình tới mười lần. Cũng có kẻ tu hành đến chết, không hành dâm. Người ở đấy trang sức theo lối búi tóc, trên dưới mặc áo”. Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Châu Tây Ngưu hóa có hình tròn núc như vầng trăng đầy, đường kính hai ngàn năm trăm, chu vi bảy trăm năm trăm. Bên cạnh có hai châu trung gian: một là châu Hào, hai là châu Ốt Đát La Mạn Lý Noa. Cả hai châu này đều có người ở”.
Thứ tư là Diêm-phù-đề. Theo kinh Trường A-hàm nói: “Cõi đất phía Nam núi Tu-di là Diêm-phù-đề. Lãnh thổ hẹp ở phía Nam, rộng ở phía Bắc, ngang dọc bảy ngàn do tuần. Mặt người cũng giống địa hình ở đấy. Có cây chúa tên là Diêm-phù-đề, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do tuần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần. (Kinh Khởi Thế nói: “Dưới gốc cây chúa này, có đống vàng Diêm-phù-na Đàn cao hai mươi do tuần. Vì có đống vàng tốt nổi lên dưới gốc cây, nên gọi là vàng của cây Diêm-phù-na). Lại có cây của chim chúa Kim Sí tên là Câu Lợi Thiểm Bà La, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do tuần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần. Chúa A-tu-la có cây tên là Thiện Tận, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do tuần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần. Trời Đao lợi có cây tên là Trú Độ, chu vi bảy do tuần, cao một trăm do tuần, cành lá che khắp bốn phía năm mươi do tuần. Người Diêm-phù-đề thọ một trăm tuổi. Có nhiều người chết yểu nữa chừng. Lên mười tuổi chưa biết gì, lên hai mươi tuổi thì hơi biết một chút nhưng chưa sáng lắm. Lên ba mươi tuổi thì có nhiều dục vọng. Lên bốn mươi tuổi thì hành động tùy tiện. Lên năm mươi tuổi thì làm việc có nhiều kinh nghiệm. Lên sáu mươi tuổi thì sống hay nuối tiếc. Lên 70 tuổi thì tinh thần và thể chất chậm chạp. Lên tám mươi tuổi thì không chú trọng bề ngoài. Lên chín mươi tuổi thì đau ốm khổ sở. Lên một trăm tuổi thì nguyên khí suy tổn. Cũng có người không sống đủ ba trăm mùa Đông, Hạ, Thu. Không hưởng đủ ba vạn sáu ngàn ngày ăn uống no nê”. Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Người Diêm-phù-đề có nhiều loại y phục, trang sức không giống nhau. Có người để tóc dài, chia thành hai búi. Có người cạo sạch tóc râu. Có người chừa lại một búi trên đỉnh đầu, chung quanh cạo sạch, gọi là kiểu tóc Châu La. Có người nhổ trụi tóc râu. Có người cắt bớt tóc râu. Có người bện tóc đuôi sam. Có người hớt tóc ngăn gọn. Có người tỉa trước cắt sau cho tròn. Có người không mặc quần áo. Có người mặc quần áo, che trên lộ dưới, hoặc là che dưới lộ trên, hoặc trên dưới đều che, hoặc chỉ che phía trước, phía sau. Người ở châu này, ăn uống nhiều thứ, không thể kể hết. Về chuyện hôn nhân, mua bán, xem qua hiện trạng, có thể biết rõ”. Nhưng luận ấy bảo rằng: “Người Diêm-phù-đề, chuyện dục suốt đời, nhiều đến vô lượng, không giống như người ở ba châu còn lại, chuyện dục ít oi. Cũng có người tu hành, suốt đời vô dục”. Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Châu Nam Thiệm Bộ có hai châu trung gian: một là châu Già-mạt-la, hai là châu Phiệt-la-già-la. Cả hai châu nầy đều có người ở”.
Thứ bảy: PHẦN THÂN LƯỢNG
Theo kinh Lập Thế nói: “Người Diêm-phù-đề có thân hình ngắn ngủn. Khi lên mười tuổi, thân hình thấp bé, hoặc cao từ hai đến ba vốc tay. Nếu đo thân trưởng thành của họ, thì cũng chỉ cao khoảng tám vốc tay”. Luận Tỳ-đàm nói: “Khi người Diêm-phù-đề sống đến một trăm tuổi, thân mình cao ba tấc rưỡi hoặc bốn tấc”. (Kinh Trường A-hàm nói: “Cao ba tấc hoặc không chắc chắn như thế, chỉ nói đại khái mà thôi”). Người Phất-bà-đề cao tám tấc. Người Cù-da-ni cao mười sáu tấc. Người Uất-đơn-việt cao ba mươi hai tấc.
Thứ tám: PHẦN THỌ MỆNH
Như luận Tỳ-đàm nói: “Người Diêm-phù-đề có tuổi thọ không ổn định, chia làm ba hạng: hạng thượng thọ sống một trăm hai mươi lăm
tuổi, hạng trung thọ sống một trăm tuổi, hạng hạ thọ sống sáu mươi tuổi. Trong đó, hạng chết yểu nữa chừng nhiều không kể xiết. Vả lại, dựa theo thời kiếp giảm, mới nói có ba hạng này. Nếu căn cứ theo thời Sơ kiếp thì tuổi thọ nhiều vô lượng, có khi lên đến tám vạn bốn ngàn tuổi”. Theo kinh Trường A-hàm nói: “Người Diêm-phù-đề thọ một hai mươi tuổi, kẻ chết yểu nữa chừng cũng nhiều. Người Đông Phất-vu-đãi thọ hai trăm tuổi. (Kinh Lâu Thán nói thọ ba trăm tuổi). Người Tây Câu-dani thọ ba trăm tuổi. Người Bắc Uất-đơn-việt thọ một ngàn tuổi. (Người ba châu còn lại đều có kẻ chết yểu nữa chừng. Chỉ có người Bắc Uấtđơn-việt sống ổn định một ngàn tuổi mà thôi).
Thứ chín: PHẦN Y LƯỢNG
Theo kinh Khởi Thế nói: “Thân hình người Diêm-phù-đề cao ba tấc rưỡi, mặc áo dài bảy tấc, rộng ba tấc rưỡi. Người Cù-đà-ni, người Phất-bà-đề có thân mình và quần áo giống hệt của người Diêm-phù-đề. Người Uất-đơn-việt có thân hình cao bảy tấc, mặc áo dài mười bốn tấc, trên bảy tấc, dưới bảy tấc. A-tu-la có thân hình cao một do tuần, mặc áo dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng nữa khởi lợi sa”. (Đời Tùy dịch là nữa lượng. Các kinh khác nói A-tu-la có thể trạng lớn nhỏ không nhất định, như A-tu-la Tỳ-bà-chất-đa cao gấp bốn núi Tu-di).
Thứ mười: PHẦN ƯU LIỆT
Kinh Trường A-hàm nói: “Phật bảo Tỳ-kheo: “Người Diêm-phùđề có ba sự kiện hơn người Câu-da-ni. Là ba sự kiện nào? Một là dũng mãnh nhớ kỹ, thường tạo hạnh nghiệp. Hai là dũng mãnh nhớ kỹ, siêng tu phạm hạnh. Ba là dũng mãnh nhớ kỹ, Phật sinh ở đấy.
Người Câu-da-ni có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là nhiều trâu, hai là nhiều dê, ba là nhiều châu ngọc.
Người Diêm-phù-đề có ba sự kiện hơn người Phất-vu-đãi. Là ba sự kiện nào? Một là dũng mãnh nhớ kỹ, thường tạo hạnh nghiệp. Hai là dũng mãnh nhớ kỹ, siêng tu phạm hạnh. Ba là dũng mãnh nhớ kỹ, Phật sinh ở đấy.
Người Phất-vu-đãi có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là đất ấy rất rộng, hai là đất ấy rất lớn, ba là đất ấy rất đẹp. Người Diêm-phù-đề có ba sự kiện hơn người Uất-đơn-việt. Là ba sự kiện nào? Một là dũng mãnh nhớ kỹ, thường tạo hạnh nghiệp. Hai là dũnh mãnh nhớ kỹ, thường tu phạm hạnh. Ba là dũng mãnh nhớ kỹ, Phật sinh ở đấy. Người Uất-đơn-việt lại có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là không bị lệ thuộc, hai là không có tư hữu, ba là có tuổi thọ nhất định một ngàn tuổi. Người Diêm-phù-đề cũng lấy ba sự kiện nói trên để hơn loài ngạ quỷ. Loài ngạ quỷ cũng có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là trường thọ, hai là thân lớn, ba là người làm mình chịu. Người Diêm-phù-đề cũng lấy ba sự kiện nói trên để hơn loài chim Kim sí. Loài chim Kim sí lại có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là trường thọ, hai là mình lớn, ba là có cung điện.
Người Diêm-phù-đề lấy ba sự kiện nói trên để hơn loài A-tu-la. Loài A-tu-la lại có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là cung điện cao rộng, hai là cung điện trang nghiêm, ba là cung điện thanh tĩnh.
Người Diêm-phù-đề lấy ba sự kiện nói trên để hơn Trời Tứ thiên vương. Trời Tứ thiên vương lại lấy ba sự kiện nói trên để hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là trường thọ, hai là đoan chánh, ba là nhiều an vui.
Người Diêm-phù-đề cũng lấy ba sự kiện nói trên để hơn các Trời Đao lợi, Trời Diệm ma, Trời Đâu suất, Trời Hóa lạc, Trời Tha hóa tự tại. Chư Thiên này lại có ba sự kiện hơn người Diêm-phù-đề. Là ba sự kiện nào? Một là trường thọ, hai là đoan chánh, ba là nhiều an vui”.