Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcPHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế
THIÊN THỨ SÁU
KÍNH PHẬT
Thứ tư: NGHIỆP NHÂNNhư kinh Vị-tằng-hữu nói: “Thập thiện của kẻ thấp kém, chỉ giữ được trong khoảng một niệm. Thập thiện của kẻ trung bình, chỉ giữ được trong một chốc lát. Thập thiện của bậc thượng căn, giữ được một buổi. Trong khoảng thời gian ấy, tâm niệm thập thiện, chận đứng thập ác. Nhờ thế, cũng được vãng sinh. Bởi vậy, con chó rừng tâm niệm thập thiện, suốt bảy ngày không ăn thịt sống, được sinh lên Trời Đâu-suất.” Lại nữa, kinh Thượng-sanh nói: “Sau khi ta nhập diệt, tứ chúng bát bộ muốn sinh lên cõi Trời thứ tư, phải tâm niệm cõi Trời ấy từ một đến bảy ngày, giữ gìn giới cấm nhà Phật, tâm niệm thập thiện, thực hành thập thiện. Đem công đức ấy hồi hướng, cầu nguyện được sinh lên trước đức Phật Di-lặc. Vừa tâm niệm như thế xong, liền được vãng sinh.” Kinh ấy nói: “Nếu có chúng sinh kính lễ đức Phật Di-lặc, sẽ được trừ bỏ tội nghiệp sống chết hằng trăm ức kiếp. Thậm chí mai sau, cũng sẽ được gặp đức Phật ấy dưới cây long hoa.” Kinh ấy còn nói thêm: “Sau khi ta nhập diệt, tứ chúng bát bộ nghe danh hiệu Bồ-tát ấy và lễ bái, đến khi mệnh chung, sẽ được sinh vào trong cõi Trời Đâu-suất. Nếu kẻ nam nữ nào phạm các giới cấm, tạo mọi nghiệp ác, khi nghe danh hiệu Bồ-tát đại bi ấy, dập mình xuống đất, thành tâm sám hối, tất cả ác nghiệp sẽ mau chóng tiêu tan. Nếu người nào quy y Bồ-tát Bi-lặc, phải biết rằng người ấy sẽ chứng được quả bất thối chuyển. Khi đức Di-lặc thành Phật, người ấy sẽ thấy được hào quang của đức Phật và sẽ được thọ ký ngay.” Lại nữa, kinh Tăng-nhất nói: “Chúng sinh do 3 nghiệp tạo ác, lúc lâm chung nhớ đến công đức của chư Phật, liền xa lìa Đường ác, sinh lên cõi Trời. Ngay kẻ độc ác nhất, nhờ niệm Phật, cũng được sinh lên cõi Trời.”
Lại nữa, kinh Đại-tập nói: “Nếu người tu hành Từ bi phải hy sinh thân mạng. Bấy giờ sẽ được chư Phật mười phương đưa tay xoa lên đỉnh đầu. Nhờ đó, tâm sẽ an lạc và được sinh lên cõi Phật thanh tịnh.”
Lại nữa, kinh Phổ-Hiền-quán nói: “Nếu có người suốt đêm ngày sáu giờ, lễ chư Phật mười phương, tụng kinh điển đại thừa, suy niệm pháp không Đệ nhất nghĩa rất sâu xa. Trong khoảnh khắc búng tay, sẽ trừ bỏ được tội lổi sống chết hằng trăm vạn ức vô lượng hà sa kiếp. Người thực hành như thế đúng là phật tử, sẽ được sinh vào cõi Phật. Chư Phật mười phương và các Bồ-tát là đạo sư của họ. Họ được gọi là đầy đủ giới hạnh Bồ-tát. Không cần đến phép Yết-ma, vẫn tự nhiên thành tựu. Xứng đáng được tất cả Trời người cúng dường.” Lại nữa, kinh Pháp-hoa nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng, suy niệm, hiểu thấu nghiã lý, khi mệnh chung, được hằng nghìn đức Phật cầm tay để đừng sợ hãi, khỏi rơi vào Đường ác và lập tức vãng sinh lên cõi Trời Đâu-suất của Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát ấy có đủ ba mươi hai tướng tốt, các vị đại Bồ-tát quay quần chung quanh cùng hằng nghìn vạn ức Thiên nữ thân thuộc. Người ấy sẽ sinh vào trong cảnh giới ấy và hưởng những phước báo ấy. Thế nên, người trí thức cần chuyên tâm chép lấy hay nhờ người sao dùm, thọ trì đọc tụng, suy niệm rồi theo đó tu hành.” Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Nếu có người nam tốt, thường thực hành phép Bát-nhã-ba-la-mật cao siêu này, nên biết rằng người ấy từ Đường người sinh ra hay từ Trời Đâu-suất sinh xuống. Tại sao thế? Trong ba Đường ác, do nhiễm tội lổi, nên không thể thực hành. Chư Thiên trong dục giới, nhiễm ngũ dục tuyệt diệu, tâm say sưa mê mờ, nên không thể thực hành. Chư Thiên trong sắc giới, đắm chìm trong Thiền vị, nên không thể thực hành. Trên Trời Đâu-suất có một Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ ở giữa Chư Thiên, thường giảng phép Bát-nhã-ba-la-mật. Trên đó, ngũ dục tuy nhiều nhưng pháp lực còn hơn hẳn. Thế nên mới nói có hai chổ hơn hẳn. Nếu từ quốc độ của đức Phật khác đến sinh vào đây, lại càng hơn hẳn.” Lại nữa, kinh Xú-xứ nói: “Đức Phật bảo: “Ngài Di-lặc không xuống cõi dưới vì bốn nguyên nhân: 1/ Đôi khi phước đức hiện ra ở đấy. 2/ Người ở đấy thô thiển, không thể thọ trì kinh điển. 3/ Công đức chưa đủ. 4/ Thế gian có người biết giảng kinh nên ngài Di-lặc không xuống. Trong tương lai, nếu xuống chăng sẽ còn hơn năm mươi ức bảy nghìn sáu trăm mười vạn năm nữa. Vào thời kỳ Di-lặc ấy. Hai mắt người đều thấy xa bốn ngàn dặm, do mười nguyên nhân căn bản: 1/ Đã không che mắt sáng của người. 2/ Đã không làm hại mắt người. 3/ Đã không đậy mắt người. 4/ Đã không giấu giếm điều tốt của người. 5/ Đã không nhìn cảnh giết chóc. 6/ Đã không nhìn chuyện trộm cắp. 7/ Đã không nhìn chuyện dâm ô. 8/ Đã không nhìn âm vật và chổ xấu của người. 9/ Đã không nhìn các việc ác. 10/ Đã thắp đèn ở chùa chiền.” Lại nữa, kinh Phật-thuyết-Dilặc-lai-thì nói: “Đức Phật bảo: “Khi đức Phật Di-lặc sắp ra đời, cây cối trong rừng ở núi Diêm-phù-đề đều cháy rụi. Hiện nay chu vi đất Diêmphù-đề là sáu mươi vạn dặm. Khi đức Phật Di-lặc ra đời, Đông Tây cõi Diêm-phù-đề rộng bốn mươi vạn dặm, Nam Bắc dài ba mươi hai vạn dặm. Đất đai sinh ra ngũ quả. Mặt đất trong bốn biển không có gò đống hang hố, bằng phẳng như hòn đá mài. Cây cối sinh trưởng, người ít tham sân si, dân chúng họp thành nhiều làng xóm. Tại thành Phiếm-la-na-di có vị Bà-la-môn tên Tu-phàm sẽ làm phụ thân của đức Di-lặc. Mẹ của ngài tên là Ma-ha-việt-đề. Ngài sẽ đầu thai làm con, có đủ các tướng tốt, thân cao mười sáu trượng. Ngài sẽ sinh rơi trong thành ấy. Mắt nhìn rõ vạn dặm. Từ đầu phát hào quang chiếu xa bốn nghìn dặm. Khi ngài đắc Đạo thành Phật, sẽ ngồi dưới cây Long hoa cao bốn mươi dặm, nhằm lúc sao sáng ngày mồng tám tháng tư. Ngài sẽ giáng sinh sau sáu mươi ức kiếp sáu mươi vạn năm nữa.”
Truyện Tây-quốc-hành của Vương Huyền Sách chép: “Vào năm Hiển Khánh thứ hai đời Đường, nhà vua ban sắc sai bọn Vương Huyền Sách đưa áo cà-sa sang Ấn Độ. Đến phía Tây nam nước Nê-Bà-la, tới cạnh hố phía Đông làng Phả-la-độ. Tại đây là hồ nước có lửa. Nếu lấy lửa thường soi lên mặt nước, lập tức sẽ có tia lửa từ dưới nước lóe lên. Khi tia lửa sắp tắt, lấy nước rước lên, lửa ấy sẽ cháy phừng. Sứ giả đời Đường đã bắt nồi lên nấu chín cơm. Hỏi vua nước ấy, được trả lời rằng: “Đã từng lấy gậy chọc trúng một hòm bằng vàng, bèn sai người kéo lên. Càng kéo hòm càng chìm sâu xuống. Tương truyền đấy là hòm đựng mũ đội lúc thành Đạo của đức Phật Di-lặc tương lai được các rồng lửa giữ gìn. Lửa ở hồ này chính là của rồng lửa vậy.” Lại nữa, luận Tríđộ nói: “Khi Bồ-tát Di-lặc còn làm người thế gian, thầy của ngài tên là Bà-bạt-lê. Ngài có ba tướng tốt: 1/ Tướng lông mày bạc. 2/ Tướng lưỡi dài che mặt. 3/ Tướng âm vật sâu kín. Những tướng tốt này đã có từ khi ngài chưa trở thành Bồ-tát.” Lại nữa, luận Tân-Bà-sa nói: “Từng nghe Tôn giả Đại Ca-diếp-ba vào thành Vương-xá khất thực lần cuối cùng. Thọ trai xong, chẳng bao lâu, ngài lên núi Kê túc. Núi ấy có ba ngọn dáng như chân gà giơ lên. Ngài vào trong núi, ngồi kết già, rồi thành tâm phát nguyện: “Xin cho thân ta đây cùng áo bát và gậy thường trụ lâu dài, không hư hoại, thậm chí trải qua năm mươi bảy ức sáu mươi trăm nghìn năm, đến khi đức Phật Di-lặc thành Đạo, sẽ dùng làm phật sự.” Phát nguyện xong, liền nhập niết-bàn. Bấy giờ, ba ngọn núi hợp lại thành một, đậu kín Tôn giả và đứng cao sừng sững. Khi đức Phật Di-lặc xuất thế hóa độ, dẫn dắt vô lượng Trời người lên đỉnh núi ấy, bảo đại chúng rằng: “Các ngươi muốn gặp mặt Ca-diếp, đệ tử lớn nhất trong hàng đệ tử có nhiều công đức của đức Phật Thích-ca-mâu-ni chăng?” Đại chúng đều thưa: “Chúng tôi muốn gặp.” Đức Phật Di-lặc lấy tay vỗ vào đỉnh núi. Lập tức núi chẻ làm ba. Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp xách áo bát và gậy, từ trong lòng núi, phóng vút lên giữa hư không. Vô lượng Trời người chứng kiến phép thần thông, đều ca tụng chưa từng có. Tâm mọi người hóa ra thuần thành. Đức Phật Di-lặc nhân đó thuyết pháp. Đại chúng đều nhận thức được chân đế.”