Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 59: Quyển 20 - Thiên thứ 9: Trí Kính - Thứ hai: Phần Công Năng

Thứ hai: PHẦN CÔNG NĂNG

Kính nghĩ: từ tâm của đấng Đại giác, Thánh trí của bậc Chí nhân âm thầm hộ trì thế giới, linh ứng kịp thời, nghe danh hiệu sinh lòng cung kính, nghiệp thiện sẽ hình thành trong nháy mắt, dựa tâm ở trông chờ hóa độ, quả báu chỉ chứng được sau muôn đời. Thế nên, uy danh của năm mươi ba vị Phật đầy dẫy khắp pháp giới vi trần hào quang của ba nghỉn vị Phật chiếu diệu suốt cả cõi hà sa. Quyền năng cứu độ khổ ách của hai mươi lăm vị Phật vô cùng nhanh chóng, công đức cúng dường cả thất bảo của thế giới Ta-bà không bằng một lần đảnh lễ. Nhân lành chắp tay có vẻ còn xa, phước báo giác ngộ đã dần dần đến. Mới biết công phu lễ bái tán thán không phải là điều vô bổ. Chí tâm thành kính đã ngấm ngầm tích lũy biết bao công đức. Do đó, luận trí độ nói rằng: “Nếu Bồ-tát chưa đủ địa vị, xa lìa Phật pháp, hủy hoại thiên căn, dây dưa phiền não, không thể tự độ, làm sao độ tha? Vì thế, không thể xa lìa chư Phật, giống như trẻ con không thể xa lìa mẫu thân, đi đường không thể xa lìa lương thực, Trời nắng không thể xa lìa gió mát, Trời lạnh không thể xa lìa lửa ấm, qua sông không thể xa lìa ghe thuyền, đau ốm không thể xa lìa thuốc men. Cho nên Bồ-tát không thể xa lìa chư Phật. Bạn bè, mọi người, chư Thiên, vua chúa đều không thể giúp ta vượt qua biển khổ. Chỉ có đức Phật mới có khả năng giúp ta vượt qua, nên phải luôn luôn tâm niệm không xa lìa chư Phật”.

Lại nữa, kinh Dược-Vương-Thượng nói rằng: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đại chúng, vào vô lượng kiếp trước, nhằm thời mạt pháp của đức Phật Diệu Quang, ta xuất gia học đạo, nghe danh hiệu của năm mươi ba vị Phật, liền cung kính chắp tay, sinh lòng hớn hở, rồi dạy người khác hành trì. Cứ thế lần lượt dạy nhau đến ba ngàn người. Tất cả ba ngàn người này cùng niệm danh hiệu, cung kính hành lễ, nhờ công đức ấy, tất cả đều vượt qua mọi tội lổi từ vô số kiếp. một ngàn người đầu tiên, trước theo đức Phật Hoa Quang, sau theo thứ Phật Tỳ-xá và đều thành Phật trong kiếp Trang Nghiêm, tức là một ngàn vị Phật của thời quá khứ, một ngàn người ở giữa, trước theo đức Phật Câu-lâu-tôn, sau theo đức Phật Lâu-chí và đều thành Phật trong hiền kiếp. một ngàn người sau cùng, trước theo đức Phật Nhật Quang, sau theo đức Phật Tudi Tướng và sẽ thành Phật trong kiếp tinh tú. Hiện tại, chư Phật mười phương Thuận Đức Như-lai cũng được nghe danh hiệu năm mươi ba vị Phật này, nên đều được thành Phật khắp mười phương. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân và mọi chúng-sinh khác nghe được danh hiệu của năm mươi ba vị Phật này, trong vô lượng vô biên kiếp, sẽ không bị đọa vào đường ác. Lại nữa, nếu có các chúng-sinh nào nghe được danh hiệu của năm mươi ba vị Phật này, dù sinh ra ở đâu, cũng đều gặp được chư Phật mười phương. Lại nữa, nếu có người biết chí tâm đảnh lễ danh hiệu năm mươi ba vị Phật này, sẽ tiêu trừ các tội tứ trọng, ngũ nghịch và phỉ báng kinh điển đại thừa. Tất cả mọi tội lổi khác đều được giải thoát. Nhờ ở nguyện lực vô biên của chư Phật ấy, nên trong mỗi niệm, tất cả mọi tội lổi nói trên đều được tiêu trừ”.

Lại nữa, kinh Quyết-định-Tỳ-ni nói rằng: “Nếu ai biết chí tâm đảnh lễ 3năm vị Phật, người ấy được vô lượng vô biên công đức”.

Lại nữa, kinh Phật danh nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật này, thành tâm đọc tụng, cung kính lễ bái, sẽ xa lìa ba đường ác, trừ bỏ hờn giận, ngu si, giải thoát hết mọi trọng tội từ trăm kiếp, thường được sinh vào nước Phật thanh tịnh khắp mười phương. Lại nữa, nếu có chúng-sinh nào cúng dường thất bảo chất đầy tam thiên đại thiên thế giới suốt hàng trăm năm, cũng không bằng một phần nghìn công đức trì tụng, lễ bái danh hiệu hai mươi lăm vị Phật ấy. Công đức này thật nhiều, không thể tính toán, so sánh nổi. Tại sao? Bởi vì thiện căn của chúng-sinh quá mỏng manh, không thể nghe được các danh hiệu ấy. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật ấy, không phải nhờ đã gieo thiện căn ở một hay mười đức Phật, mà đã gieo trồng thiện căn ở trăm nghìn vạn đức Phật, mới có thể nghe được danh hiệu của các vị Phật ấy. Thiên nam tử, thiện nữ nhân ấy sẽ vượt qua bốn mươi tám kiếp và thành Phật trước tiên. Lại nữa, nếu có người không tin vào danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật ấy, không tin vào công đức trì tụng ấy, người này sẽ bị đọa vào địa ngục A-Tỳ đúng một trăm kiếp. Xá-lợi-phất! Nếu Tỳ kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-di nào muốn sám hối các tội lổi, nên tắm gội, mặc áo mới sạch sẽ, ngồi ngay ngắn, tôn trí các tượng, treo hai mươi lăm tràng phan, cúng dường các loại hoa đẹp, trì tụng danh hiệu hai mươi lăm vị Phật này suốt sáu thời mỗi ngày, sám hối đủ hai mươi lăm ngày, sẽ tiêu trừ được bốn và tám loại trọng tội. Các thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni cũng đều như thế.

Lại nữa, kinh Văn-Thù-Vấn có kệ tán Phật rằng:

“Con lạy hết thảy Phật,
Điều ngự chẳng ai bằng
Pháp thân cao trượng sáu
Và lạy pháp của ngài,
Nơi sinh, nơi đắc đạo,
Nơi dạy, nhập Niết-bàn,
Nơi đi, đứng, ngồi, nằm.
Mọi nơi, con đều lạy.
Chư Phật không nghĩ bàn,
Chánh pháp cũng như thế.
Tin ngài và quả báo
Cũng không thể nghĩ bàn.
Thường đem lời kệ này
Tán thán đức Như-lai,
Trong nghìn vạn ức kiếp,
Chẳng đọa vào đường ác”.

Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Ngay như hóa độ vô lượng chúng-sinh thành Bích-chi Phật và cúng dường chư Tăng đầy đủ bốn thứ suốt hàng trăm năm, công đức tuy nhiều, nhưng không thể tránh được với người đem lòng hoan hỷ tán thán đức Phật bằng bài kệ bốn câu. Công đức này mới thật là vô lượng”.

Lại nữa, kinh Thiện-sinh nói rằng: “Đem tất cả thất bảo của bốn châu cúng dường đức Phật và đem tất cả lòng cung kính tán thán đức Phật, hai công đức này so ra bằng nhau không khác”.

Lại nữa, kinh Đại-bi nói rằng: “Nhờ thiện căn một lần niệm danh hiệu Nam-mô Phật, có thể nhập vào cõi Niết-bàn không cùng tận”.

– Thuật rằng: Khi đã biết công đức lễ Phật, theo kinh điển nói, thật lớn lao không thể nghĩ bàn, các hành giả phải nên chú tâm, không để sa ngã. Sợ mai kia, vô thường chợt đến, không còn cơ hội hành lễ nữa giống như chuột bị ví vào góc cùng, không lối thoát thân. Thế nên ở trong kinh, đức Phật có nói kệ rằng:

“Mạng như đèn trước gió,
Chẳng biết lúc nào tàn
Hôm nay hoặc ngày mai
Cái chết đến không hay.
Mê man theo nghiệp duyên,
Chẳng biết sinh về đâu”.

Lại nữa, kinh Thượng-sinh nói rằng: “Nếu có người kính lễ đức Phật Di-lặc, sẽ tiêu trừ tội lổi phải sống chết hàng trăm ức kiếp. Thậm chí, sau này sẽ gặp được đức Phật ấy dưới cây Long hoa”. Kinh ấy còn nói: Sau khi chết, sẽ được sinh về cõi Trời Đâu-suất. Nếu có kẻ nam người nữ nào tạo các nghiệp ác, phạm các giới cấm, nghe danh hiệu Bồ-tát đại bi của ta, liền nằm mọp thành tâm sám hối, mọi nghiệp ác sẽ mau được giải thoát sạch sẽ. Nếu có chúng-sinh nào quy y Bồ-tát Di-lặc, nên nhớ rằng chúng-sinh ấy sẽ không bị thối thất đạo tâm. Khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật, thấy được hào quang của ngài, chúng-sinh ấy sẽ được thọ ký liền”.

Lại nữa, kinh Tăng-nhất-A-hàm nói rằng: “Lễ Phật có công đức:

  1. Đoan chính,

  2. Có tiếng nói hay

  3. Có nhiều tiền của,

  4. Được sinh vào nơi cao quý,

  5. Được sinh lên cõi Trời”.

Lại nữa, kinh Kim-cương-Tam-muội nói rằng: “Nếu có chúng sinh mới nghe đến trí tuệ siêu việt của chư Phật, liền phát tâm tin tưởng, không phỉ báng, chúng-sinh ấy sẽ không đọa vào đường ác hàng trăm nghìn kiếp, sẽ sanh vào nước có đức Phật thậm chí, kẻ nào tưởng niệm pháp thân của đức Phật, cũng sẽ có công đức vô biên”.

Lại nữa, kinh Phổ-Hiền-Quán nói rằng: “Nếu có kẻ nào hành lễ chư Phật mười phương suốt sáu thời đêm ngày, trì tụng kinh điển đại thừa, suy niệm đệ nhất nghĩa, cứu cánh chân không rất sâu xa, trong thời gian một búng tay, sẽ tiêu trừ được tội lổi sống chết suốt vô lượng vô biên vô số kiếp. Kẻ thực hành phép ấy chính là Phật tử, sẽ được sinh ra theo chư Phật. Chư Phật mười phương và các Bồ-tát là Hòa thượng của họ. Họ là kẻ giữ giới Bồ-tát cụ túc. Không cần phép yết ma vẫn thành tựu và xứng đáng được tất cả Trời người cúng dường”.

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói rằng: “Nếu cúng dường cho Tam bảo một cây nhang, một ngọn đèn, thậm chí một bông hoa, thì sẽ được vãng sinh về quốc độ yên bình. Nếu khéo giữ gìn tài sản của Tam bảo, quét rửa chùa chiền, tượng, tháp, dù nhỏ bằng ngón tay cái, sẽ sinh ra lòng hớn hở và được vãnh sinh về quốc độ an bình. Nơi ấy thanh tịnh trang nghiêm, không bị tam tai gây ảnh hưởng”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây