Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 11: Quyển 5 - Thiên Thứ Bốn - Lục Đạo - Bộ thứ 2: Nhân Đạo

II. Bộ thứ 2: NHÂN ĐẠO
Gồm có tám phần: Thuật ý, Hội danh, Trụ xứ, Nghiệp nhân, Quý tiện, Bần phú, Thọ khổ, Cảm ứng duyên.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Luận trong đường người: hình hài giả dối, gây nhiều nghiệp tội , thích tạo oan khiên. Đạo đức tiêu tan, ân nghĩa đoạn tuyệt. Bởi thế, Thôi Trữ giết vua, Cao Thần hại bố. Thất hùng tranh bá, vạn quốc liên minh. Xa xỉ đua đòi, hoang dâm lộ liễu. Thuần phong mất sạch, mỹ tục chẳng còn. Tam độc hoành hành, thập triều bộc phát. Tứ lưu đầy đẫy, ngũ uẩn mịt mờ. Điên đảo vô minh, càng thêm quá quắt. Khiến cho: thân thể như cây đang ngã, tính mạng tự thành sắp nghiêng. Mật dính miệng dễ bị tiêu tan, dầy bò giếng khó được bền vững. Dưới tùng đầu mả, khóc lóc thảm thương. Ngõ rộng cửa dày, thở than sùi sụt.

Nay hết mọi người, đều xin sám hối. Cũng thân phận chân vuông đầu tròn, từ trí đến ngu, Tây tới Cù Da, Đông tận Vu Đãi, Bắc cùng Đơn Việt, Nam hết Diêm-phù, cho đến túp lá lều da, vẽ mình bới tóc, nuốt sống ăn tươi, nằm hang ở tổ, xăm mình nhuộm răng, đứng ngược đi nghiêng, nước nhẹ nổi mình, núi cao dây bám, biên cương trấn thủ, giáo cắp giáp mang, dây buộc xích ràng, khiêng cây đội sắt, cùng nguyện: sửa mình nhân nhượng, tỏ vẻ hiếu từ. Dẹp tâm phóng đãng, bỏ thói hoang dâm. Thân tựa đá vàng, thể như non lớn. Bát khổ không thể xâm lăng, cửu hoạnh đuổi xa mãi mãi!

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH

Theo trong luận Bà-sa giải thích: “Gọi người là có ý chận đứng, nên mới gọi là người. Nghĩa là trong lục đạo, thường có ý chận đứng, nên mới gọi là người. Nghĩa là trong lục đạo, thường có ý chận đứng phiền não, ác loạn, thì không có ai hơn người, nên mới gọi là có ý chận đứng. Vả lại, nhân là nhẫn, nghĩa là đối với tình thuận, nghịch ở thế gian, thường vui vẻ chịu đựng, nên gọi là nhẫn”.

Hơn nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Vì sao Nhân đạo gọi là Ma nậu sa? Chữ này có tám nghĩa: một là vì thông minh, hai là vì hơn hết, ba là vì có ý tinh vi, bốn là vì chánh giác, năm là vì trí tuệ tăng thêm, sáu là vì có thể phân biệt thật hư, bảy là vì làm pháp khí của chánh pháp, tám là vì sinh ra nghiệp thông tuệ. Do đó, mới gọi là Nhân đạo là Ma nậu sa”.

Hơn nữa, trong luận Tân Bà-sa có câu hỏi: “Vì sao đường này gọi là Mạt nô sa? Vì ngày xưa có Chuyển luân vương tên là Mạn ngân đa nói với mọi người rằng: “Các người muốn hành động, trước tiên, phải suy nghĩ, cân nhắc, quan sát”. Bấy giờ, mọi người làm theo lời Chuyển luân vương chỉ dạy. Khi muốn hành động, trước tiên đều suy nghĩ, cân nhắc, quan sát. Nhờ thế, đối với các loại nghề nghiệp thủ công đều được khéo léo. Vì thường đem ý tứ suy nghĩ, quan sát công việc như thế, nên gọi là Mạt nô sa”. Có người nói: “Vì trước đây có làm tăng trưởng các hạnh tốt về thân, ngữ, ý cấp thấp, được sinh vào đường ấy, khiến đường ấy trở thành liên tục, nên mới gọi là đường người”. Có người nói: “Vì nhiều kiêu mạn, nên gọi là người. Bởi lẽ kẻ kiêu mạn trong năm đường kia không nhiều bằng người”. Có người nói: “Vì thường có ý tịch lặng, nên gọi là người. Bởi lẽ, kẻ có ý tịch lặng trong năm đường kia không bằng người”. Thế nên, Khế kinh bảo: “Người có ba sự kiện hơn hẳn chư Thiên: một là dũng mãnh, hai là biết ghi nhớ, ba là có Phạm hạnh”.

Thứ ba: PHẦN TRỤ XỨ

Như luận Bà-sa nói: “Bốn giống người trong thiên hạ cư trú trong bốn châu lớn là Thiệm Bộ, Tỳ-đề-ha, Cù-đà-ni và Câu Lô, đồng thời cũng cư trú trong tám châu trung gian. Là tám châu nào? Ấy là châu Câu Lô có hai châu thân thích: một là châu Đoản Lạp Bà, hai là châu Kiêu Lạp Bà. Châu Tỳ-đề-ha có hai châu thân thích: Một là Châu Đềha, hai là Châu Tô ha. Châu Cù-đà-ni có hai Chân thân thích: một là châu Xá Hào, hai là châu Ốt đát La Mạn Đát Lý Noa. Châu Thiệm Bộ có hai châu thân thích: một là châu Già-mạt-la, hai là châu Phiệt La Già-mạt-la. Người trong tám châu này có hình thù thấp nhỏ, giống người lùn loắt chắt ở đây”. Có người nói: “Bảy châu đều do người cư trú, chỉ có châu Già-mạt-la thì do La sát bà cư trú”. Có người nói: “Ở đây nói tám, tức là tên khác của bốn châu lớn. Vì mỗi một châu đều có hai tên gọi. Nói như thế thì theo trên, trong tám châu này, mỗi một châu lại có năm trăm châu nhỏ làm thân thích. Trong đó hoặc có người cư trú, hoặc không có người cư trú, hoặc có người tu hành cư trú”.

Hỏi: Đường người hình dáng ra sao?.

Đáp: Hình dáng con người đứng thẳng lên. Tuy nhiên mặt người ở châu Thiệm Bộ giống hình hòm xe. Mặt người ở châu Tỳ-đề-ha giống hình bán nguyệt. Mặt người ở châu Cù-đà-ni giống vầng trăng đầy. Mặt người ở châu Câu Lô giống hình ao vuông”.

Hỏi: Tiếng nói như thế nào?

Đáp: Khi thế giới mới thành, tất cả mọi người đều nói tiếng Thánh. Về sau, do lúc ăn uống, chúng sanh không thọ dụng như nhau và do tăng thêm tợi ton hót, nói dối, bèn có nhiều loại tiếng nói khác nhau, thâm chí có người không biết nói”.

Thứ tư: PHẦN NGHIỆP THÂN

Theo trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, có đặt ra Tứ cú phân biệt: một là có nghiệp được quả báo thân vui mà tâm không vui, như kẻ phàm phu có phước, hai là có nghiệp được quả báo tâm vui mà thân không vui, như La hán ít phước, ba là có nghiệp được quả báo thân, tâm đều vui, như La hán có phước, bốn là có nghiệp chịu quả báo thân, tâm đều không vui, như kẻ phàm phu ít phước. Người có nghiệp báo như thế nào, đều được báo ứng khổ lạc như thế ấy.

Hơn nữa, kinh Bồ Tát Tạng nói: “Bấy giờ, đức Thế-tôn bảo trưởng giả Hiền Thủ rằng trưởng giả nên biết, Ta thấy tất cả chúng sinh trong thế gian đều bị mười nỗi khổ bức bách. Là mười nỗi khổ gì? Một là nỗi khổ do sinh ra bức bách, hai là nỗi khổ do già đi bức bách, ba là nỗi khổ do bệnh tật bức bách, bốn là nỗi khổ do chết chóc bức bách, năm là nỗi khổ do buồn rầu bức bách, sáu là nỗi khổ do oán hận bức bách, bảy là nỗi khổ do thọ lãnh bức bách, tám là nỗi khổ do lo âu bức bách, chín là nỗi khổ do đau đớn bức bách, mười là nỗi khổ lớn do sinh tử luân hồi bức bách. Ta thấy mười nỗi khổ như thế bức bách chúng sinh. Vì đắc đạo Vô thượng Bồ đề, có thể giải thoát mọi nỗi khổ bức bách như thế, nên ta phát tín tâm thanh tịnh, lìa bỏ gia đình họ Thích, hướng đến đạo Vô thượng. Còn nữa, trưởng giả! Ta thấy tất cả chúng sinh trong thế gian, từ vô số kiếp, đã tạo trăm ngàn ức cai tội lỗi, thường bị mười loại tên độc lớn bắn trúng. Là mười loại tên nào? Một là loại tên độc ái, hai là loại tên độc vô minh, ba là loại tên độc dâm dục, bốn là loại tên độc tham lam, năm là loại tên độc sai lầm, sáu là loại tên độc ngu si, bảy là loại tên độc kiêu mạn, tám là loại tên độc tà kiến, chín là loại tên độc chấp có, mười là loại tên độc chấp không. Trưởng giả! Ta thấy chúng sinh bị mười loại tên độc bắn trúng. Nhờ đạt đạo Vô thượng Bồ đề, có thể bẻ gãy mười loại tên độc ấy, nên Ta phát tín tâm thanh tịnh, lìa bỏ gia đình họ Thích, hướng đến đạo Vô thượng”.

Thứ năm: PHẦN QUÝ TIỆN

Nếu đem bốn phương ra nói, Bắc Uất-đơn-việt không có sự sang hèn. Ở đây không phân chia thầy tớ, nên không có sự sang hèn. Ba phương còn lại đều có sang hèn. Vì có sự phân chia ra vua tôi, dân chúng, sự cách biệt giữa chủ nhân với nô bộc, nên có sự sang hèn khác nhau. Gộp chung sang hèn, gồm có sáu hạng: một là hạng giàu nhất, ấy là các Chuyển luân vương. Hai là hạng giàu kế tiếp, ấy là các Túc tán ương. Ba là hạng giàu nhỏ, ấy là các quan lại. Bốn là hạng hèn nhất, ấy là các đầy tớ hèn hạ. Năm là hạng nghèo vừa, ấy là kẻ phục dịch. Sáu là hạng nghèo ít, ấy là các tỳ thiếp. Gộp chung thì đại khái như thế, nếu phân chia tỉ mỉ, thật khó nói cho cùng.

Thứ sáu: PHẦN GIÀU NGHÈO

Nếu đem bốn phương ra nói, Bắc Uất-đơn-việt đều rất giàu như nhau. Trong hai châu Đông Tây có sự hơn kém. Nam Diêm-phù-đề nghèo nhất. Sự giàu nghèo trong bốn châu không giống nhau, như kinh đã nói đầy đủ. Hơn nữa, người Diêm-phù-đề giàu nghèo không nhất định. Tổng cộng có ba hạng: thứ nhất là hạng giàu lớn, như Chuyển luân vương, thống lãnh bốn phương, giàu gom bốn biển. Tất cả nhu cầu đều rất đầy đủ, như kinh đã nói. Phước lực của ngài rất lớn. Mỗi khi xuất thế, cảm nhận được năm sự kiện kỳ lạ, bảy loại châu báu hiện ra.

Năm sự kiện kỳ lạ là: một là được các dòng suối và ao tắm phẳng lặng, trong trẻo, hiện ra khắp nơi trong quốc độ. Hai là được nước cam lồ tự nhiên sinh ra nơi cung đình. Khi khát uống vào, thân thể nhà vua sẽ nhẹ nhàng bớt bệnh. Ba là được nước biển rút xuống một do tuần. Khắp trong bờ biển, trào lên con đường bằng cát vàng để cho nhà vua du hành khắp bốn phương thiên hạ. Bốn là được cỏ hương trên đầu bò thần mọc lên bên bờ biển. Nhà vua hái lấy, đem về thắp, mùi hương càng nồng đượm, theo gió bay xa, thơm tho khắp bốn mươi dặm, người chết ngửi xong, sẽ được sống lại. Năm là được loại chim Ca chân liên đà sinh ra trong biển. Nhà vua bắt đem về nuôi, thân tâm đều thích thú, vì tiếng hót của loài chim này còn hay hơn cả âm nhạc trên Trời Lục dục. Dựa theo nghĩa này, luận Vãng Sinh có kệ rằng:

“Tính quý cỏ công đức,
Mềm mại nghiêng phải trái.
Chạm vào sinh núi lớn,
Hơn nghe Ca chân liên đà”.

Nhà vua có đủ bảy loại châu báu, lại có cả ngàn người con hùng mạnh, như kinh trên đã nói. Thứ hai là hạng giàu vừa, ấy là các Túc tán vương. Thứ ba là hạng giàu nhỏ, như các Thọ đề già. Nghèo cũng có ba hạng, suy ra có thể biết được.

Thứ bảy: PHẦN THỌ KHỔ

Than ôi! Luận trong đường người, chỉ khổ không vui. Ngu chấp làm vui, mất vui thành khổ. Thấy lầm làm vui, thấy rõ là khổ. Thế nên, kinh Phó Pháp Tạng nói: “Thế gian nhiều khổ, không thể cầu vui. Thân này không chắc, thối nát lụi tàn, giống như đống bọt, nhấp nháy vỡ tan. Hình dung đoan chính, đáng để đắm yêu. Già yếu ập đến, nào có còn gì! Ngoài phủ da mỏng, gọi là điểm tô. Trong đầy máu mủ, nước ối uế dơ. Các pháp vô thường, diễn biến rất chóng. Xem một hơi thở, sinh diệt bốn trăm. Ví như giữa trời, mây đùn sấm nổ. Gió lớn nổi lên, lại vụt tan biến. Ngũ dục không bền, giống y như vậy. Cùng yêu thương nhau, an hưởng hạnh phúc. Vô thường kéo đến, có chừa ai đâu? Thế gian nhiều khổ, rất khó ở lâu. Thân người, bởi thế, chỉ khổ, vô thường. Phải biết chán chường, mau cầu giải thoát. Tất cả các pháp, do khổ chất nên. Như nhọt, như phẩn, như tên trúng tim. Sinh già bệnh chết, luân chuyển vô bờ. Vô thường hủy hoại, mục nát rất nhanh. Như tù sắp chết, mạng sống chẳng dài. Như người ở tù, chẳng đáng mến yêu. Giống trái bên đường, mất công liệng bỏ. Thân đáng ghét này, sẽ bị hủy diệt. Quạ diều, chồn cáo, cắn xé giành ăn. Gió lùa nắng táp, hôi hám thối xanh, tóc lông, răng móng, tung tóe khắp nơi. Thân đã như thế, có gì thích ham? Cố tìm phương tiện, giải thoát thật nhanh. Trời kia giàu có, cuối cùng tan tành. Tươi tốt ngoài mặt, lo sợ trong lòng”. Thế nên, luận Đại Trang Nghiêm nói: “Như đeo dây quý, dù ở bên mình. Ngôi báu cũng thế, thường chất sợ lo, nơm nớp giữ gìn. Sợ mất rất khổ, phải lấy áo dậy, còn gọi là vui! Chẳng qua trong khổ, nghĩ bướng làm vui”. Thế nên, kinh Tân Đầu Lô Vị Ưu Đà Diên Vương thuyết pháp có kệ rằng:

“Ngôi báu tuy tôn quý,
Thay đổi không tạm dừng.
Nhanh chóng như tia chớp,
Phút chốc bỗng tiêu vong.
Ngôi báu rất giàu sang,
Kẻ ngu thật ham thích.
Tiêu vong chợt ập đến,
Đau khổ quá thường dân.
Nhà vua ở ngôi báu,
Danh nổi khắp mười phương.
Uy nghiêm rất đáng mến,
Trang sức lớp lớp chồng.
Ví như người hấp hối,
Mang chuỗi ngọc tràng hoa,
Đâu hay chết sắp đến!
Ngôi báu cũng như thế.
Vương giả như ngài đây,
Thường ôm nhiều lo sợ.
Lúc đi đứng và ngồi,
Thậm chí khắp mọi lúc.
Đối với người thân sơ,
Thường có lòng ngờ vực.
Thần dân và phi hậu,
Voi ngựa và châu báu,
Tài sản trong đất nước,
Tất cả thuộc về vua.
Bỏ lại chẳng mang gì!”
 
Lại nữa, trong kinh Niết Bàn, Phật nói kệ rằng:

“Tất cả các thế gian,
Chúng sinh đều bị chết.
Thọ mạng tuy vô lượng,
Cuối cùng cũng phải hết.
Hễ thịnh thì có suy,
Đoàn tụ phải biệt ly.
Tuổi trẻ không được lâu,
Trong khỏe, bệnh bắt đầu.
Tính mạng bị bệnh nuốt,
Chẳng có gì còn đâu.
Các vua dù tự tại,
Thế lực dẫu vô song,
Tất cả đều biến diệt.
Thọ mạng cũng như thế.
Bánh xe khổ bao la,
Xoay chuyển mãi không ngừng.
Tam giới đều vô thường,
Các pháp chẳng gì vui.
Thật tướng của các pháp,
Tất cả đều hư vô.
Pháp dễ hoại lưu chuyển.
Thường có kẻ yếu đuối,
Lo sợ các chuyện dữ,
Khổ não, già, bệnh, chết.
Khổ não ấy vô biên.
Oán than pháp dễ hoại.
Bị phiền não ràng buộc,
Như tằm ở trong kén.
Sao người có trí tuệ,
Lại thích ở chỗ ấy?
Thân này do khổ thành,
Hết thảy đều dơ uế.
Bó cột các ung nhọt,
Thật sự, chẳng ít gì!
Lên đến thân chư Thiên,
Xem ra cũng như thế.
Dục vọng đều vô thường,
Nên ta chẳng tham luyến.
Lìa dục, cố nghĩ suy,
Để chứng được Chân đế”.

Thế nên, tôn giả Tân Đầu Lô nói với nhà vua rằng: “Đại vương nên quan sát kỹ. Có ngũ dục nào được trường tồn? Có ngôi báu nào được bền vững? Có đất nước nào không đổi thay? Có châu báu nào không mất mát? Có dục nào kéo dài không biến tan? Có xum họp nào không ly biệt? Tất cả thể tính của ngũ dục đều thật sự khổ, đều do vọng tưởng mà sinh ra lạc. Thế nên, ngôi vua cũng khổ không yên, như chuyện trong mơ, tỉnh ra, mới biết là hư huyễn. Vì vậy, người có trí tuệ nên sinh lòng chán nản xa lìa, chính vì biết rõ tất cả những gì diễn biến trong ngoài đều vô thường cả. Tuy sắc tướng của chúng xem ra có thể khác biệt, nhưng đều giống nhau ở điểm không trụ lại ở chỗ ấy trong mỗi sát na”.

Bởi vậy, kinh nói: “Do sắc khổ nên có mười thời kỳ khác nhau:

một là thời kỳ tạo mô, hai là thời kỳ thành bong bóng, ba là thời kỳ mọng nước, bốn là thời kỳ thành khối thịt, năm là thời kỳ có tay chân, sáu là thời kỳ thành trẻ sơ sinh, bảy là thời kỳ thành trẻ con, tám là thời kỳ thành thiếu niên, chín là thời kỳ thành người lớn, mười là thời kỳ thành già yếu. Nếu không có các thời kỳ vô thường như thế, không thể từ mô đi đến già chết được. Vốn do ngọn lửa mạnh của tam độc thiêu đốt trong tâm, hừng hực không ngừng nên phải thọ khổ ấy”. (Theo kinh nói, con người cũng có nhiêu giống nhau, như trên đã nói rõ trong thiên Tam giới, phần quảng diễn về bốn đại châu).

Thứ tám: PHẦN DUYÊN CẢM ỨNG

Trích dẫn sơ lược mười tám chuyện ứng nghiệm.

1. Sách Xuân Thu Diễn Khổng Đồ nói: “Khổng Tử cao mười thước, lớn chín vi, ngồi xổm oai như rồng chầu, đứng vững như trâu buộc, bước tới hùng dũng như sao Ngang sao Đẩu”.

2. Sách Ngô Việt Xuân Thu nói: “Ngũ Tử Tư yết kiến Ngô vương Liêu. Vương Liêu thấy thần sắc Ngũ Tử Tư uy nghi rất đáng kính sợ: cao một trượng, lớn mười vi, hai mày cách nhau một thước. Vương Liêu cùng đàm luận suốt ba ngày. Sau khi từ biệt, vương không cho mời lại liền. Tử Tư biết nhà vua thích mình. Sau đó, mỗi lần vào đàm luận, cất tiếng hùng hồn rất có tráng khí”.

3. Sách Lương Ký nói: “Lữ Quang tự là Tử Minh, giao du với kẻ hiền tài, giúp đỡ các kẻ sĩ. Thân cao tám thước tư, khủy tay trái có bướu thịt gồ lên như cái ấn. Tính tình trang trọng, bẩm chất khoan dung, có độ lượng. Đương thời, không ai biết đến ông cả, chỉ có Vương Mãnh, lúc còn hàn vi, lấy làm lạ, bảo rằng: “Đây thật là kẻ phi phàm”.

4. Sách Hà Đồ Ngọc Bản nói: “Từ núi Côn Luân đi về phía Bắc chín vạn dặm thì đến nước Long Bá, người ở đấy cao mười trượng, sống đến một vạn tám ngàn năm mới chết. Từ núi Côn Luân đi về phía Đông thì đến nước Đại Tần, người ở đấy cao đến mười trượng. Từ đấy đi về phía Đông mười vạn dặm thì đến nước Điêu, người ở đấy cao ba trượng năm thước. Từ nước này đi về phía Đông mười vạn dặm thì đến nước Trung Tần, người ở đấy cao một trượng”.

5. Sách Long Ngư Hà Đồ nói: “Tận cùng bốn phương Đông Tây Nam Bắc của bầu trời đều có lính chánh ngạch đồng sắt, cao ba ngàn vạn trượng, đông đến ba ngàn ức vạn người. Tận cùng bốn phương Đông Tây Nam Bắc của bầu trời đều có lực sĩ cảm tử kim cương, cao ba ngàn vạn trượng, đông đến ba ngàn ức vạn người. Trong kinh đô Thái Bình giữa bầu trời, có lính giáp độ mặt sắt ăn quỷ sứ, cao ba ngàn vạn trượng, đông đến ba ngàn ức vạn người”.

6. Truyện Hồng Phạm Ngũ Hành nói: “Dưới thời Tần Thủy Hoàng, có người khổng lồ xuất hiện trên vùng trời Lâm Thao. Thân cao năm trượng, dấu chân sáu thước, mặc đồ mọi rợ. Nước Tần bàn tán: “Đừng quá thi hành chính sách mọi rợ, sẽ rước lấy thảm họa mà thôi!”.

7. Sách Ngụy Chí nói: “Người nước Thiên Trúc đều cao một trượng tám thước. Người nam nữ nước Xa Ly đều cao tám thước”.

8. Sách Ngụy Chí nói: “Năm Hàm Hy thứ hai, huyện Tương Vũ đồn có người khổng lồ xuất hiện, cao hơn ba trượng, dấu chân dài ba thước hai tấc, tóc bạch kim, mặc áo đơn màu vàng, đội khăn vàng, chống gậy tự xưng là vua của dân, cất tiếng nói rằng: “Từ nay được hưởng thái bình”.

9. Kinh Thần Dị nói: “Phía Đông Nam có người đi khắp thiên hạ, cao bảy thước, vòng bụng cũng như thế, đầu tóc bờm xờm, không ăn uống đồ thường. Sáng nuốt ba ngàn ác quỷ, chiều nuốt ba trăm. Nuốt ngọt không nghe tiếng. Người này lấy ác quỷ làm cơm, lấy móc sương làm nước, tên là Thiên Quách, một tên là Thực Tà, một tên nữa là Hoàng Phụ”. (Nay có quỷ Hoàng Phụ, do người đời phỏng theo người này mà gọi thế).

10. Kinh Thần Dị nói: “Ngoài biển Tây Bắc có người cao hai ngàn dặm, khoảng giữa hai chân xoạc ra cách nhau một ngàn dặm, vòng bụng lớn mười sáu ngàn dặm. Chỉ uống rượu năm thưng (tức là móc sương). Không ăn cơm gạo, cá thịt. Nếu đói, ngước lên trời hứng lấy móc sương là no. Thích ngao du sơn thủy, không làm hại dân chúng, không đụng chạm đến vạn vật. Sống lâu bằng trời đất, tên là Người không có đường đi (do quá to lớn, không thể làm đường đi cho vừa). Còn tên là Nhân (vì biết giữ lễ, nên gọi là Người nhân). Còn tên là Tín (vì biết giữ lễ, nên gọi là Người tín). Lại còn tên là Thần (sống mãi không chết như trời đất, nên gọi là Người thần).

11. Sách Thục Vương Bản Kỷ nói: “Thời Tần Tương vương, quận Đảng Cừ dâng lên Người cao, cao đến hai mươi lăm trượng sáu thước”.

12. Sách Ngoại Quốc Đồ: “Người nước Đại Tần cao một trượng năm thước. Tay dài như tay vượn, hông cũng dài, thích cưỡi lạc đà”.

13. Sách Thi Hàm Thần Vụ nói: “Cuối phía Đông Bắc có người cao chín tấc. Sách Quốc Ngữ nói là Khổng Tử bảo rằng người lùn Tiêu Nghiêu cao ba thước. Thật hết sức thấp vậy”.

14. Truyện Tây Vức trong sách Ngụy Lược nói: “Xứ người lùn ở phía Tây Bắc Khang Cư, nam nữ rất đông, đều cao ba thước, các bậc trưởng lão của Khang Cư đồn đãi rằng thỉnh thoảng có lái buôn lạc đường đến nước này. Trong đó, có nhiều loại ngọc: bối châu, dạ quang và minh châu. Họ ước lượng nước này cách Khang Cư chừng hơn vạn dặm”.

15. Sách Ngụy Lược nói: “Phía Nam xứ Oa có xứ người lùn loắt choắt. Người ở đấy cao khoảng ba, bốn thước. Cách xứ Nữ vương hơn bốn ngàn dặm”.

16. Sách Ngoại Quốc Đồ nói: “Người lùn xứ Tiêu Nghiêu cao chừng một thước sáu tấc, trước gió thì ngã ngữa, sau gió thì ngã sấp. Có đầy đủ mày mắt nhưng ngủ hoang. Một thuyết khác nói, người Tiêu Nghiêu cao ba thước. Cây cỏ ở đấy mùa Hạ rụi, mùa Đông mọc. Xứ ấy cách núi Cửu Nghi ba vạn dặm”.

17. Sách Liệt Tử nói: “Từ Trung Châu đi về Đông bốn mươi vạn dặm, gặp xứ Tiêu Nghiêu. Người ở đấy cao một thước năm tấc. Cuối phía Đông Bắc có giống người tên là Tịnh cao chín tấc. Vào năm Tần Thủy Hoàng thứ hai mươi sáu, có người khổng lồ, thân cao năm trượng, dấu chân sáu thước, các xứ mọi rợ đều thần phục. Gồm mười hai người xuất hiện ở Lâm Thao. Khổng Tử nói: “Người lùn Tiêu Nghiêu cao ba thước, thật đã thấp hết sức. Kẻ cao, chẳng qua mười thước, cũng đã quá mức. Nay lại có người cao đến năm trượng. Thế thì do vô loại sinh ra mà thôi”. Năm ấy vua Tần mới thôn tính sáu nước. Nghe tin, vui mừng, cho là điềm tốt. Sai đúc thành mười hai người bằng đồng để biểu dương. Rời phía Nam, đi tuần thú Ngũ lãnh. Phía Bắc thì xây Trường Thành. Phía Tây đến Lâm Thao. Phía Đông đến Liêu Đông. Đi hết mấy ngàn dặm. Như thế, người khổng lồ xuất hiện trước đây ở Lâm Thao là để báo hiệu loạn lạc sắp xảy ra. Mười hai năm sau, nhà Tần bị tiêu diệt”. (17 chuyện trên đây đều chép đúng theo trong các sách).

18. Vào năm Thủy Kiến Quốc thứ tư của Vương Mãng: (12 năm sau công nguyên), ở huyện Trì Dương có người bé tí tên Cảnh, cao chừng hơn 1 thước. Hoặc đi bộ, hoặc cưỡi xe, giữ gìn vạn vật, không kể lớn nhỏ, đều tự xưng là “Ba ngày thôi”. Sách Quản Tử nói: “Đầm khô cạn mấy trăm năm, suối không có nước hoài thì sinh ra Khánh Kỵ. Khánh Kỵ có hình dáng như người, cao bốn tấc, đội mũ vàng, che lọng vàng, cưỡi ngựa nhỏ, thích đi nhanh. Gọi đúng tên, có thể nhờ được việc ở ngoài ngàn dặm. Còn có tên là Phán Báo. Thế thì người bé tí tên Cảnh ở Trì Dương chính là Khánh Kỵ chăng? Sách ấy còn nói: “Cục thủy tinh nhỏ khô queo sinh ra con trì. Con ấy có một đầu, hai mình. Hình dạng giống rắn, dài tám thước. Gọi đúng tên, có thể nhờ đi bắt giúp cá, ba ba. (Hai chuyện trên đây rút ra từ Sưu Thần Ký).

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây