Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 26: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Chín: Nạp Phi

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI

BỘ THỨ CHÍN

 NẠP PHI

 

Gồm có sáu phần: Thuật Ý, Quán Đỉnh, Cầu Hôn, Nghi Báng, Thai Nạn, Thần Dị.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Than ôi!

Pháp Thân vô tướng, tùy cảm ứng để thị hiện, cơ duyên muôn đường, nên hóa tích cũng rất nhiều. Hoặc lìa dục để học đạo, hoặc chịu nhẫn để tỏ quyền. Nếu chẳng cho thấy chuyện nạp phi, bọn phàm phu sẽ chê bai không phải là người trần thế. Dù cho thấy hưởng thụ ngũ dục, nhưng không vì thế dễ dàng thay đổi tâm niệm sắt son.

Do đó, khi dạo qua bốn cửa thành của Vương Quốc, thấy tám cảnh khổ sinh già bệnh chết, đã than rằng: Đời người như thế, lây lất sao đành?

Bỏ khổ tìm chân, bắt đầu từ đấy.

Vì vậy, Kinh Duy Ma nói: Trước bị dục lạc trói buộc nên sau mới Xuất Gia.

Thứ hai: Phần Quán Đỉnh.

Theo Kinh Nhân Quả nói: Khi Thái Tử đã lớn tuổi, Phụ Vương ban sắc cho các nước rằng, sau ngày mồng tám tháng hai, sẽ làm lễ quán đỉnh cho Thái Tử. Tất cả hãy đến tập họp dự lễ lập ngôi Thái Tử. Sắc đã ban hành, Quốc Vương và quần thần các nước đều tề tựu đúng ngày để tham dự lễ lập Thái Tử và ban ơn đại xá.

Luật Sư đạo Tuyên ở Chùa Tây Minh tại Trường An, lấy đạo Đức soi sáng Tăng Già, có tuệ nghiệp siêu việt đại chúng. Tinh thành khổ hạnh đến phút lâm chung.

Xưa sớm theo Thầy, hơn năm mươi năm đi khắp xa xôi hỏi đạo. Nuôi chí hộ trì, gặp được điều hay, chăm chút dựng xây Tam Bảo. Ghi chép phép tắc, được hơn một trăm quyển. Kết tập quy củ, rất có ý chỉ.

Đến tháng hai năm Càn Phong thứ hai Triều Đại Đường ta, Luật Sư tinh tiến tĩnh tu trong Chùa cũ Tĩnh Nghiệp ở Nam Thạnh cung tại kinh thành. Tuổi tác xế chiều, sức lực suy giảm. Hằng nhớ Tứ sinh, thường mơ Tam Hội.

May có duyên xưa, gặp gỡ linh cảm, bệnh liền bớt dần. Luật Sư dốc chí kiền thành, thọ được ứng nghiệm. Bấy giờ, có các tướng tá của Bốn vị Thiên Vương xuống đến cửa phòng. Đi đứng giống người, dẫm Chân Thành tiếng.

Luật Sư hỏi ra: Ai đó?

Đáp lại: Đệ tử Trương Quỳnh.

Luật Sư lại hỏi: Là thí chủ phương nào?

Đáp rằng: Đệ tử là con thứ mười năm của Nam Thiên Vương ở cõi Dục Giới thứ nhất. Phụ Vương có chín mươi mốt người con anh hùng dũng mãnh, cùng cai quản kinh thành.

Thống lãnh các hàng Ngũ đạo, đời trên bộ dưới nước, giữ gìn những kẻ xâm phạm biên cương. Tất cả đều thọ trì Phật Pháp, coi sóc thiện ác, khiến cho Chánh Pháp hưng long, cốt để vun trồng cội đức mai hậu.

Theo Kinh, đệ tử là con của Thiên Vương Tỳ Lưu Ly ở phương Nam, trong hàng ngũ bốn Thiên Vương hộ thế, thương lo toan bảo vệ, không nhận chức ngồi suống.

Luật Sư lại hỏi: Thí chủ không chê ta đức bạc, nên mới đến thăm.

Tại sao lại đứng ngoài cửa, không vào?

Đáp rằng: Đệ tử chưa được Sư Phụ cho phép, nên chẳng dám tuỳ tiện bước vào.

Luật Sư bảo: Xin mời vào ngồi. Vào xong, hành lễ và khép nép ngồi xuống.

Luật Sư lại hỏi: Thí chủ đã dốc lòng tin tưởng Tam Bảo và vâng lời Phật dạy, ra sức hộ trì.

Hãy đến đây cho ta thấy mặt.

Tại sao lại không chịu hiện hình?

Đáp rằng: Báo thân của đệ tử khác với mọi người. Hào quang cũng khác. Sợ gây kinh hãi.

Cùng Sư Phụ đàm đạo thế này cũng đủ.

Cần gì phải hiện hình?

Luật Sư lại hỏi: Từ vào Xuân đến nay, sức lực của bần đạo yếu dần, thuốc thang không công hiệu.

Chẳng hay tuổi thọ thế nào?

Đáp rằng: Tuổi thọ của Sư Phụ sắp hết, không cần lo liệu thuốc thang.

Luật Sư lại hỏi: Mạng chung ngày nào?

Đáp rằng: Không thể nói được ngày nào. Chỉ biết tuổi thọ của Sư Phụ chẳng còn bao lâu. Sẽ sinh vào Cõi Trời thứ tư trong Quốc Độ của Đức Phật Di Lặc.

Luật Sư lại hỏi: Lấy ai làm bạn?

Đáp rằng: Người anh thứ ba của đệ tử tên là Trương Dư. Thông minh lanh lợi, hâm mộ Phật Pháp. Có soạn Kinh Kỳ Hoàn Đồ hơn một trăm quyển. Nổi tiếng trên Trời cho tới dưới Địa Ngục. Luật Sư nhân đó, bộc bạch nhiệt tâm, xin được chép lại để khai hóa cho Tăng tục.

Lại có Thiên Nhân Vi Côn là một trong tám hàng đại tướng của Nam Thiên Vương. Vị này đứng đầu trong ba mươi hai vị đại tướng của Bốn Thiên Vương. Bẩm chất thông tuệ Thánh sinh, sớm lìa ngũ dục.

Phạm Hạnh thanh tịnh, tu nghiệp trinh thành. Được Phật phó chúc, nuôi chí hộ trì, xiển dương Chánh Pháp vào bậc thứ nhất trong cả ba Châu. Vô ngã vô cấu, lo lắng cho tứ chúng, đạt vật đạt pháp, siêu việt khắp Năm thừa.

Thế nên, Tứ hữu lần lượt thoát khỏi suy đồi, tăng tượng hư hao đều được bảo hộ. Luật Sư thường nhờ mở lòng giải đáp, các vị góp nhiều ý kiến tinh tường. Tán thán Luật Sư biên tập Thánh tích, san địng gọn gàng thanh sách để giữ gìn.

Nhờ thế, Luật Sư vâng theo thần ngữ, gượng bệnh cầm bút. Nghe xong liền chép, gom thành mười quyển. Luật Sư lo âu tuổi thọ gần hết, lại sợ Thiên Nhân sắp về, chữ nghĩa còn vời vợi bao la, nên không màng tâm đến mọi chuyện.

Vì vậy, văn tự có chỗ sơ suất, nhưng chỉ cốt đạt được Thánh ý, không cần câu chấp văn vẻ. Những chỗ thiết yếu chưa hiểu chắc chắn, đều được đem hỏi để xóa bỏ hoài nghi, giải tỏa lầm lẫn.

Toàn sách gồm ba ngàn tám trăm điều, chia thành mười Thiên:

1. Nói về nghi thức kết tập.

2. Nói về kệ tụng của Thiên Nữ.

3. Nói về phó chúc Xá Lợi.

4. Nói về phó chúc Y Bát.

5. Nói về phó chúc Kinh Tượng.

6. Nói về phó chúc Phật khí.

7. Nói về kết tập trước sau.

8 và 9. Chưa xong, khuyết mất tên gọi.

10. Nói về giữ gìn Thánh tích.

Luật Sư đã chính mình thọ nhận linh âm. Vừa phát ra, liền thấy hân hoan. Tai mắt tuy mõi mệt, nhưng tâm thần không hề khổ sở. Chỉ ân hận không biết được sớm, nên văn vẻ chưa được chu toàn.

Nay hãy theo lời Thiên Nhân diễn giảng, phù hợp với diệu chỉ của Tam Tạng thì biên chép vào. Tuy nghe từ miệng Chư Thiên, nhưng cũng giống như lời Phật dạy.

Bắt đầu từ tháng hai tới tháng sáu, ngày nghỉ đêm truyền, không hề gián đọan. Đến ngày mồng ba tháng mười đầu mùa Đông, sức lực của Luật Sư suy kiệt. Tràng phan phất phới, hương tỏa đầy Trời.

Chư Thiên và Thánh Chúng cùng nói: Từ Trời Đâu Suất xuống mời Luật Sư. Luật Sư ngồi trang nghiêm, chắp tay nhập định, nhắm mắt thâu thần. Khi ấy, có hơn trăm nghìn người đều thấy hương tỏa hoa rơi nghinh đón Luật Sư bay về Trời. Luật Sư vốn là pháp lữ của bần đạo, cùng đến pháp đàn tham học. Tuy hạnh giải có chỗ khác nhau, nhưng vẫn cùng chí hướng trước thuật.

Thâu thái kiến thức đều đúng lý đúng sự, trích dẫn Kinh Sách cốt tóm tắt cương yếu. Lại đem phân thành chương mục rõ ràng, cốt nhầm bảo tồn Chánh Pháp, duy trì mục đích lợi tha.

Bấy giờ, bốn Thiên Vương bạch Luật Sư đạo Tuyên rằng: Khi sắp nhập Niết Bàn, Đức Như Lai ở cùng Trời người và đại chúng tại Tịnh Xá Ngưu đầu phía Nam Ao A Nậu Đạt trên đỉnh núi Hương.

Ngài bảo Đại Ca Diếp rằng: Ông hãy cùng Tu Bồ Đề lên đỉnh núi Tu Di thổi kèn pháp lớn triệu tập các Bồ Tát Thập Địa, Thanh Văn, Phạm Thiên, Đế thích, bốn Thiên Vương và Chư Phật Mười Phương cùng về tụ họp tại núi Hương này. Ca Diếp vâng lời, triệu tập đầy đủ đại chúng. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngồi kiết già phu tọa, nhập định Kim cương Ta muội.

Mặt đất chấn động mạnh đủ sáu cách. Từ mi bạc phóng hào quang chiếu diệu khắp Đại Thiên Thế Giới suốt bảy ngày. Toàn thể đại chúng đều thắc mắc, không hiểu nhân duyên.

Đức Thế Tôn xuất định Tam Muội, thanh thản mỉm cười bảo đại chúng: Trước đây, khi ta mới vượt thành ra khỏi cửa cung, Càn Thát Bà Chúa thống lãnh thuộc hạ cử hành hằng nghìn bản Thiên Nhạc, đến đó hỏi ta rằng:

Ngài muốn đi đâu?

Ta đáp: Ta muốn đi tìm đạo Bồ Đề.

Càn Thát Bà Chúa ấy nói: Ngài nhất định sẽ thành Chánh Giác. Ngày xưa, khi Đức Phật Câu Lưu Tôn sắp nhập Niết Bàn, đã giao cho tôi một bình vàng. Trong đó có Tháp quý đựng bảy ấn báu. Hai ấn vàng và năm ấn bạc. Dặn tôi luôn luôn cất giữ. Khi Thái Tử Tất Đạt thành Chánh Giác, tôi sẽ tìm đến tận nơi trao lại cho Ngài. Chẳng bao lâu nữa, Thái Tử Tất Đạt sẽ thành đạo.

Bấy giờ, Thiên Vương Đại Phạm và thổ thần Kiên Lao dùng vàng ròng và bạch ngọc xây đàn kim cương lớn, trang hoàng bằng các loại châu báu, ở phía Nam cây Bồ Đề.

Càn Thát Bà Chúa bạch Chư Phật Mười Phương rằng: Tôi thấy các Đức Phật thời quá khứ, khi mới thành đạo, đều lên đàn kim cương. Lấy nước đựng đầy bình vàng, tưới lên đỉnh đầu của Đức Phật để hoàn thành ngôi vị Pháp Vương. Nay thấy đức Thích Ca mới vừa thành đạo, cũng nên bước lên đàn kim cương như các Đức Phật ngày trước.

Tôi nghe dưới bảy lớp biển trong của núi Tu Di có nước tám công đức. Ngày xưa, khi Chư Phật sắp bước lên ngôi vị Pháp Vương, đều bước lên đàn kim cương, lấy nước ấy tưới lên đỉnh đầu. Tôi thân hành đi lấy đem về tưới cho đức Thích Ca. Càn Thát Bà Chúa mở bình lấy Tháp đựng ấn ra, rồi đem bình đi lấy nước. Bấy giờ, Chư Phật Mười Phương bảo ta bước lên đàn.

Ta liền đi vòng quanh đàn ba lượt. Từ phía Nam bước lên đàn, di chuyển về phía Tây, đến đứng giữa đàn, quay về phía Bắc, trải tọa cụ và lễ Chư Phật Mười Phương.

Chư Phật bảo ta ngồi nhập định kim cương Tam Muội.

Chư Phật lại bảo Long Vương Bà kiệt rằng: Ông hãy xuống đáy biển lớn, trên đỉnh núi Tân Già La ở bãi nhỏ của Bảo Mã Vương có động lớn tên là Kim Cương Tạng. Trong đó có chứa chén Luân Vương và chén Pháp Vương làm bằng vàng ròng, phía trên gắn thất bảo và bạch ngọc.

Khi Chư Phật xuất thế, đều lấy một ngàn chén tưới lên đỉnh đầu. Ông hãy đi lấy về đây, không cần lấy chén Luân Vương, để đựng nước tám công đức tưới cho đức Thích Ca. Long Vương vâng lời chỉ dạy, đi lấy chén vàng về giao cho Chư Phật.

Xong xuôi, Chư Phật bảo Càn Thát Bà Chúa: Hãy đem nước rót vào chén vàng. Chư Phật nhận xong, mặt đất chấn động đủ sáu cách. Chư Phật Mười Phương đều phóng hào quang mây bạc. Trong đó, ca tụng công đức quý báu của Chư Phật. Ta xuất khỏi định Tam Muội và cũng phóng hào quang mây bạc, hợp với hào quang của Chư Phật, tạo thành một tán quý phủ khắp Đại Thiên Thế Giới.

Mặt Trời, Mặt Trăng, tinh tú, biển lớn, núi lớn và các nghiệp báo của chúng sinh đều hiện ra trong tán ấy. Trong đó còn có hằng trăm ức Quốc Độ của Chư Phật. Chư Phật bảo ta đứng trên kim đàn. Ta lại lễ Chư Phật Mười Phương.

Chư Phật lại bảo Long Vương Hòa tu lên đỉnh núi Tần già. Ở đó có động chứa các bảo tọa của Chư Phật và của Chuyển Luân Vương đều bằng vàng ròng, giống như Phật tọa ở núi Tu Di có chín rồng quấn quanh, Chuyển Luân Vương tọa có năm rồng quấn quanh, dành cho Pháp Vương khi lên ngôi ngồi vào.

Bấy giờ, Chư Phật lại sai Đại Ma Vương và Đại Phạm Vương cùng khiêng Phật tọa lên kim đàn. Chư Phật bảo ta ngồi lên. Ta liền nghe lời, ngồi lên.

Bấy giờ, Chư Phật lấy chén vàng đụng đầy nước tưới lên đỉnh đầu ta. Chư Phật tưới xong, kế đến, bốn Thiên Vương, Đế Thích, Ma Vương, Đại Phạm lần lượt tưới lên. Khi ta được tưới xong, liền chứng quả Tĩnh Tam Muội. Vô lượng Phật Pháp đồng thời hiện ra. Mặt đất lại chấn động mạnh. Hằng trăm nghìn ma quân đều đến quy hàng.

Các Phạm Vương Mười Phương đều cầm nhạc khí Trời tấu bài Phật thành đạo và trong các nhạc khí ấy phát hào quang và nói pháp Ba La Mật. Bấy giờ, Càn Thát Bà Chúa đem bảy ấn báu nói trên giao cho Chư Phật.

Chư Phật nhận xong, ấn vào thất khiếu trên mặt ta và bảo rằng: Nay ấn vào thất khiếu trên mặt Ngài, khiến có đủ thất giác phần. Trước tiên, ấn vào diện môn để biết chọn lựa phiền não và trí tuệ. Cứ thế, tai, mắt, mũi, đều được lần lượt ấn lên.

Càn Thát Bà Chúa lại lấy ấn vàng giao cho Chư Phật. Nhận xong, Chư Phật lại ấn ba chỗ lên bụng ta. Nhờ phép ấn này, ta chứng được quả Tam không trí, hiểu trọn mọi Phật Pháp. Kế tiếp, Càn Thát Bà Chúa lại giao ấn bạc cho Chư Phật.

Nhận xong, Chư Phật lại ấn lên trán và tay chân ta. Khi được ấn xong, ta đã chứng được quả vô lậu trí, đầy đủ ngũ phần Pháp Thân. Chư Phật ấn xong, lại xòe bàn tay óng ánh sắc vàng xoa lên đỉnh đầu ta.

Được xoa xong, ta chúng được trăm nghìn phép Tam Muội và quả thiên pháp minh môn. Những quả này, ta đã chứng được từ lâu, nhưng vì các chúng sinh, nên phải thị hiện tướng Đồng Luân Vương và tướng Hy thụy.

Đỉnh đầu và tay chân ta đều phóng hào quang ngũ sắc. Trong mỗi một hào quang có đủ trăm nghìn lầu đài. Các hóa Phật của ta đều ngự trong lầu đài ấy, đều thọ ấn và chứng được quả vị lớn lao như ta.

Từ khi thành đạo đến nay, ta thường giữ bình vàng này, nhưng chưa từng đưa ra cho các ông xem. Hôm nay ta mới đưa ra. Đức Phật lại bảo Đại Sĩ Phổ Hiền mở bình, bưng bảo Tháp ra. Phổ Hiền vâng lời làm xong, liền đến đứng trước Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn đứng lên lễ Tháp xong, cửa Tháp tự mở ra. Trong đó có mười ba vạn đài bằng trân châu. Mỗi đài có riêng một ấn và kim điệp Tỳ Ni. Còn có mười ba vạn đài, trong đó có năm vị Tỳ Kheo đang nhập định diệt tận.

Đức Phật bảo Văn Thù: Ông hãy lấy kèn pháp bịt vàng của ta đến chỗ các Tỳ Kheo ấy thổi lên bài ta xuất thế và bài xuất định sâu.

Tỳ Kheo nghe tiếng nhạc, liền xuất khỏi định, hỏi Văn Thù: Hiện nay, Đức Phật nào xuất thế?

Đáp rằng: Chính là Đức Phật thứ tư Thích Ca trong thời hiền kiếp.

Tỳ Kheo lại nói: Ta là đại đệ tử thuộc hàng Thanh Văn của Đức Phật Câu Lưu Tôn. Khi nhập, Đức Phật ấy bảo ta ở trong Tháp này giữ gìn các ấn cho đến khi Đức Phật Lâu Chí bắt đầu nhập Niết Bàn.

Bấy giờ, Tỳ Kheo đứng lên khỏi chỗ, từ xa đảnh lễ và thỉnh an Đức Thế Tôn xong, lại bảo Văn Thù: Đức Phật ấy dạy ta, khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, hãy lấy hai mươi ba cái ấn trong số ấn của ta, giao cho Đức Phật Thích Ca. Vì sau đó, chúng sinh do nghiệp nặng, tà kiến, không giữ gìn Giới Luật, nên Chư Thiên, Long Thần không ủng hộ nữa. Khiến cho tứ chúng chẳng còn uy đức.

Ta giữ các ấn này rồi đem giao cho Đức Phật Thích Ca Văn để ấn khắp các giáo pháp còn lại. Ấn vào tứ chúng để đừng phạm giới. Nếu kẻ nào ham Tụng Kinh Điển, ấn vào miệng cho đừng quên.

Nếu kẻ nào tu Thiền, làm việc ngay thẳng, đều đem ấn vào. Khiến cho mai sau, khi họ mệnh chung, thân xác không bị hủy hoại, đôi khi còn phóng hào quang. Các chúng sinh xấu thấy được điềm lành ấy, đều phát sinh lòng hân hoan tôn kính. Nói xong lời này, cửa Tháp liền tự đóng lại.

Thứ ba: Phần Cầu Hôn.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ Thái Tử dần sắp trưởng thành.

Khi lên mười chín tuổi, Vua Tịnh Phạn lập cho Thái Tử Cung Điện ba mùa: Thứ nhất là biệt điện ấm để nghỉ mùa Đông lạnh. Thứ hai là biệt điện mát để nghỉ mùa Hạ nóng. Thứ ba là biệt điện trung hòa để nghỉ mùa Xuân và mùa Thu. Lại xây nhiều hồ đình, trồng hoa quả bốn mùa sau hậu viên. Có nhiều ca kỹ theo giờ hầu hã. Tiện nghi đầy đủ không thể tả hết.

Nhà Vua còn nhớ khi Thái Tử mới sinh, tướng Sư A Tư Đà tiên đoán sẽ làm Chuyển Luân Vương, lại đoán sẽ làm uy vương, lại đoán sẽ Xuất Gia thành đạo.

Làm sao khiến Thái Tử không Xuất Gia để nối ngôi Vua?

Dòng họ Thích trả lời, nay nên xây gấp biệt điện cho Thái Tử, sai các thể nữ giúp vui.

Nếu thế, Thái Tử sẽ không lìa bỏ để Xuất Gia và nói kệ rằng:

Lời đoán của Tư Đà,

Chắc chắn sẽ không sai.

Họ Thích khuyên lập điện,

Mong sẽ chẳng Xuất Gia.

Nhà Vua lại nói với dòng họ Thích: Các khanh nên xem xét con nhà ai có thể làm phi cho Thái Tử?

Bấy giờ, năm trăm người họ Thích ai nấy đều nói: Con tôi có thể làm phi cho Thái Tử. Nhà Vua trù liệu, nếu thình lình cưới con của họ, lỡ không xứng đôi, sẽ thành ra phụ bạc. Nhà Vua lại suy nghĩ thêm, nếu cho rằng có thể thuyết phục được Thái Tử, chi bằng dùng các loại châu báu làm đồ trang sức rồi giao cho Thái Tử ban cho các cô gái được tuyển chọn. Dặn dò quan sát, xem Thái Tử chú ý đến ai thì sẽ cưới làm phi.

Suy nghĩ xong xuôi, Nhà Vua cho gõ mõ rao khắp thành Ca Tỳ rằng: Từ nay đến ngày mồng bảy, Thái Tử muốn gặp các cô gái thuộc dòng họ Thích để ban tặng các đồ trang sức làm bằng đủ loại châu báu. Bấy giờ, tất cả các cô gái trang điểm thân hình lộng lẫy, đến tụ họp ở cửa cung để ra mắt Thái Tử. Do có uy đức lớn lao, tất cả đều không dám nhìn thẳng Thái Tử, chỉ nhận bảo vật, cúi đầu bước nhanh qua trước mặt Ngài.

Cuối cùng, khi đồ trang sức đã hết, có một cô gái thuộc bộ tộc Ba Tư Tra, tên Da Thâu Đà La, là con gái của Đại Thần họ Thích Ma Ha Na Ma, cùng tỳ nữ trước sau đi tới. Trông thấy Thái Tử từ xa, nàng ngước cao đôi mắt, uyển chuyển bước chân.

Trang nghiêm nhìn thẳng, không liếc hai bên, tiến đến nghinh đón Thái Tử, tự nhiên như đã quen thân, không hề bỡ ngỡ, thưa Thái Tử rằng: Xin Thái Tử ban cho đồ trang sức.

Thái Tử đáp: Nàng đến không kịp. Ta đã đem tặng hết rồi.

Cô gái lại thưa: Thiếp có lỗi gì, đến nỗi Thái Tử khinh thường, không ban cho đồ trang sức?

Thái Tử đáp lại: Ta không hề khinh thường nàng. Chỉ vì nàng đến không kịp.

Bấy giờ, chiếc nhẫn đáng gía trăm nghìn đang đeo trên ngón tay cái của Thái Tử bỗng nhiên rơi ra cho nàng.

Da Thâu thưa rằng: Thiếp đến bên Thái Tử, chỉ đáng được chiếc nhẫn này chăng?

Thái Tử đáp rằng: Những vật ta đang đeo, từ chuỗi anh lạc tự nhiên, nàng được tùy ý lấy đi.

Cô gái lại thưa rằng: Hôm nay, thiếp nào dám tước đoạt châu báu của Thái Tử. Thiếp chỉ nên trang điểm thêm cho Thái Tử mà thôi.

Nói xong, cô gái liền bỏ ra về, lòng không vui mấy.

Bấy giờ, sau khi Đức Thế Tôn đã thành Phật xong, Tôn Giả Ưu Đà Di bạch Đức Phật rằng: Tại sao Đức Như Lai toan cởi hết chuỗi anh lạc vô giá tặng cho Da Du Đà La, vẫn không làm cho nàng ấy vui lòng?

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Hãy chú tâm nghe kỹ, ta sẽ nói rõ.

Ưu Đà Di thưa rằng: Xin Đức Thế Tôn nói giúp.

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Ta nhớ lại vào vô lượng kiếp xa xưa, tại thành Ba La Nại trong nước Ca Thi La có một vị Quốc Vương tin vào tà kiến, dùng đảo kiến cai trị nhân dân. Nhà Vua ấy có Hoàng Tử mắc tội nhỏ, bị Ngài đuổi ra khỏi nước, đến gần một đền thờ Phạm Thiên, cùng Phu Nhân dừng lại nghỉ ngơi.

Lương thực hết nhẵn, Hoàng Tử đi săn bắt thú rừng để nuôi thân. Gặp con kỳ đà, liền rượt theo giết được, lập tức lột da, bỏ vào nước luộc. Khi sắp chín, lại cạn nước.

Hoàng Tử bảo Phu Nhân: Thịt chưa thật chín, nàng hãy đi lấy nước. Sau khi Phu Nhân đi xong, Hoàng Tử đói quá, không chịu đựng nổi, liền ăn thịt kỳ đà. Ăn hết tất cả, không chừa lại miếng nào.

Phu Nhân đi lấy nước về, thấy vậy, hỏi Hoàng Tử:

Thịt kỳ đà đâu rồi?

Hoàng Tử trả lời: Bỗng nhiên kỳ đà sống lại, bỏ chạy mất.

Phu Nhân không tin, suy nghĩ thịt đã chín, làm sao có thể chạy được?

Chắc chắn chồng ta vì đói quá, đã ăn hết và nói dối đã chạy đi mất. Từ đó, Phu Nhân nuôi lòng sân hận, không được vui vẻ. Vài năm sau, Phụ Vương mệnh chung. Quần thần liền nghinh đón Hoàng Tử về làm lễ quán đỉnh và tôn lên ngôi. Khi đã làm Vua, có bao nhiêu châu báu đều đem tặng cho Vương Phi.

Thấy Vương Phi không vui, Nhà Vua phán rằng:

Tại sao thần sắc không vui?

Vương Phi nói kệ trả lời:

Xin Đại Vương nghe cho,

Ngày xưa khi đi săn,

Cầm cung dao gì đó,

Bắn chết được Kỳ Đà.

Lột da, nấu sắp chín.

Sai thiếp lấy nước thêm.

Lén ăn không chừa lại,

Nói gạt đã chạy mất.

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Ông nên biết rằng, Nhà Vua bấy giờ chính là ta. Vương Phi ấy chính là Da Du Đà La. Vì ta đã nói dối, xúc phạm đôi chút, nên bây giờ nàng mới không vui.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói:Bấy giờ, Đại Thần Ma Ha Na Ma thấy tất cả tuyệt nghệ siêu phàm, kiến thức uyên bác của Thái Tử đều đứng đầu, liền thưa Thái Tử rằng:

Trước đây, thần đã bảo Thái Tử không biết nhiều tuyệt nghệ như thế, nên sinh lòng hoài nghi, không chịu gả con gái. Nay thần đã biết rõ, xin Thái Tử thâu nhận con gái thần về làm Phu Nhân. Thái Tử bèn chọn ngày lành, có sao tốt, tuyển lựa báu vật làm đồ sính lễ, trần thiết nghi vệ của Phụ Vương đem đi rước dâu.

Da Thâu Đà La trang điểm nhiều chuỗi anh lạc, lại cùng năm trăm thể nữ theo hầu lên đường. Thái Tử nghinh đón về cung, cùng nhau hưởng thụ hoan lạc ngũ dục.

Nên có bài kệ rằng:

Da Thâu Đà La con Đại Thần,

Tên vang khắp nước, xa gần nghe.

Thái Tử chọn ngày lập làm phi,

Long trọng đón rước về đại nội.

Thái Tử cùng nàng hưởng hạnh phúc,

Hoan lạc phóng túng không biết chán.

Giống trên Thiên Cung, Kiều Thi Ca

Và nàng Xá Chi cùng vui chơi.

Bấy giờ, sau khi Đức Thế Tôn mới vừa thành đạo, Ưu Đà Di liền bạch Đức Phật rằng:  Tôi chưa hiểu ngày xưa, Đức Thế Tôn cùng nàng Thích Nữ Cù Đà Di có nhân duyên gì, khiến nàng ấy từ chối các chàng trai khác, chỉ chọn Đức Như Lai làm chồng và tại sao đem lòng vui thích thật tình?

Đức Phật bèn bảo Ưu Đà Di rằng: Ưu Đà Di.

Ông hãy chú tâm nghe kỹ. Nàng Thích Nữ Cù Đà Di ấy, không phải chỉ đời này mới chê những chàng trai dòng họ Thích, và hâm mộ ta đâu.

Thật ra, vào đời quá khứ xa xưa, cũng đã như thế. Nàng đã không cần các chàng trai ấy mà chỉ chọn ta làm chồng. Ta nhớ lại ngày xưa, dưới núi Tuyết, có vô lượng vô biên loại thú chạy nhảy, cùng theo đuổi nhau, tha hồ ăn thịt.

Trong số đó có một con hổ cái vô cùng đoan trang, không con nào sánh kịp. Con hổ ấy có bộ lông láng mướt, được vô biên con thú khác lựa chọn sánh đôi.

Mỗi con đều nói: Nàng thuộc về ta.

Nàng thuộc về ta.

Lại có các con thú khác bảo nhau: Các người hãy chờ đợi, xin đừng giành nhau, xem nàng hổ cái ấy chọn lựa ai để sánh đôi.

Chàng thú ấy sẽ là Vua của chúng ta.

Bấy giờ, trong đó có một con bò Chúa hướng về hổ cái nói kệ rằng:

Thế gian đều lấy phân của ta

Đem bôi lên đất, cho là sạch.

Vì thế hổ cái rất đoan trang,

Nên chọn ta làm chồng của nàng.

Khi ấy, hổ cái hướng về bò Chúa đáp kệ rằng:

Cổ ngươi có yếm rất to lớn,

Chỉ dùng kéo xe và kéo cày.

Làm sao đem thân hôi hám ấy,

Mơ tưởng làm chồng của ta được?

Bấy giờ, lại có một con voi trắng hướng về hổ cái nói kệ rằng:

Ta là voi chúa ở núi Tuyết.

Chiến đấu dùng ta, đều đắc thắng.

Ta vốn có sức oai như thế,

Nàng nay sao chẳng làm vợ ta?

Khi ấy, hổ cái bèn dùng kệ đáp lại voi chúa rằng:

Nếu ngươi nghe thấy Sư Tử Chúa,

Vỡ mật, ù tai, hoảng chạy trốn.

Phân giải vung vãi són khắp nơi.

Làm sao đáng mặt chồng ta được?

Bấy giờ, trong số đó có một con Sư Tử, vốn là Chúa tể của loài thú, hướng về hổ cái nói kệ rằng:

Nàng hãy nhìn ngắm thân hình ta,

Phía trước cao lớn, sau thon thả.

Tự do sinh sống ở giữa núi,

Lại biết bảo vệ các loài khác.

Ta chính là Vua các loài thú.

Không ai có thể thắng được ta.

Nếu thấy mặt ta, hoặc nghe tên,

Tất cả muôn thú đều bỏ chạy.

Nay ta dũng mãnh đến như thế,

Uy thần vĩ đại không thể bàn.

Vì vậy hổ lành nên biết cho,

Xứng đáng về làm vợ ta đó.

Khi ấy, hổ cái hướng về Sư Tử Chúa nói kệ rằng:

Sức lực dũng mãnh và oai hùng,

Thân thể hình dung đều đoan chính.

Như thế, tôi nay đã có chồng.

Sẳn sàng kính cẩn về hầu hạ.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Ưu Đà Di rằng:

Ưu Đà Di.

Ông nên hiểu rằng Sư Tử Chúa thời bấy giờ chính là ta. Hổ cái ấy chính là Thích Nữ Cù Đà Di hiện nay. Các loài thú ấy nay là năm trăm chàng trai dòng họ Thích.

Đương thời, nàng Cù Đà Di đã chê các loài thú khác, không có ý ưa thích. Nghe bài kệ của ta, liền bằng lòng về làm vợ. Hiện tại cũng thế, nàng lìa bỏ năm trăm chàng trai dòng họ Thích, chê bai xem thường và chọn lựa ta làm chồng.

Lại nữa, Kinh Nhân Quả nói rằng: Khi Thái Tử lên mười bảy tuổi, Nhà Vua triệu tập quần thần để cùng bàn luận tìm nơi cưới hỏi cho Thái Tử. Có vị Bà La Môn họ Thích tên Ma Ha Na Ma sinh được một cô gái tên Da Du Đà La. Dung nhan đoan chính, thông minh sáng láng, hiền đức hơn người.

Do đó, lập làm Phu Nhân cho Thái Tử. Thái Tử cưới Phu Nhân xong, tuy thường cùng đi đứng nằm ngồi, nhưng không nhuốm mùi thế tục, chỉ chuyên tu Thiền Định.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: 

Khi ấy, các Trưởng Giả lực sĩ thuộc họ Thích bẩm Nhà Vua rằng: Nếu để Thái Tử làm Phật, sẽ đứt mất dòng dõi Thánh Vương.

Nhà Vua phán: Nhà ai có con gái quý xứng đáng lập làm phi cho Thái Tử thì hãy châm chước lập thử.

Sai thợ giỏi chế tượng vàng có khắc chữ: Cô gái nào hội đủ tiêu chuẩn đạo đức, lễ nghĩa như lời trẫm bố cáo mới được ứng tuyển. Nhà Vua lại sai hai Phạm Chí thân cận đi xem xét khắp nước Ca Di Vệ, gặp một cô gái đẹp, trong trắng như hoa sen, cao quý như tiên nữ.

Ấy là con gái của Trưởng Lão họ Thích, tên là Câu Di. Thấy Thái Tử có đủ tài năng tuyệt diệu, Trưởng Lão gả cô gái ấy cho Thái Tử làm phi.

Năm Thái Tử lên mười bảy tuổi, Nhà Vua lại lập phi cho Thái Tử. Tuyển chọn trong số mấy nghìn người, cuối cùng lựa được một cô gái tên là Cừu Di. Đoan trang đứng đầu, thông minh lễ nghĩa nổi tiếng.

Ấy là cô gái bán hoa từ thời tiền kiếp. Tuy nạp phi đã lâu, nhưng Thái Tử không hề chung đụng. Cô gái ham muốn, có ý cận kề.

Thái Tử bảo: Nàng là phụ nữ, nếu có ô uế, sẽ vấy bẩn áo lót của ta. Vì thế, cô gái không dám lại gần.

Các cô gái đều nghi ngờ Thái Tử không phải là người nam.

Thái Tử lấy tay chỉ vào bụng phi, bảo: Sáu năm sau, nàng sẽ sinh con trai. Từ đó, phi bèn có thai.

Lại nữa, Kinh Ngũ Mộng nói: Thái Tử có ba Phu Nhân. Phu Nhân thứ nhất họ Cù Đàm, là con gái của Trưởng Giả họ Thích tên là Thủy Quang.

Phu Nhân của Trưởng Giả là Dư Minh, nhà ở gần thành. Khi sinh con gái, Trời sắp xế chiều, ánh nắng chiếu sáng khắp nhà, nên đặt tên con là Cù Di cô gái sáng. Đấy là Phu Nhân thứ nhất của Thái Tử.

Phu Nhân thứ hai sinh ra La Vân La Hầu La, tên là Da Đàn, còn gọi là Da Du. Phụ thân là Trưởng Giả Di thí. Phu Nhân thứ ba tên là Lộc Dã, phụ thân là Thích Trưởng Giả.

Vì Thái Tử có ba Phu Nhân, nên Phụ Vương cho lập ra Cung Điện ba mùa. Mỗi biệt điện có hai vạn thể nữ để làm vui Thái Tử.

Khi Thái Tử chưa Xuất Gia thì làm Chuyển Luân Vương, gọi tên là Già Ca Việt Vương Hoàng Đế Phi Hành. 

Xét các Kinh Thụy Ứng, Bản Khởi, Thiện Quyền và Luận Trí Độ, đều nói rằng La Hầu La do Phu Nhân thứ hai Da Du Đà La sinh ra.

Theo các Kinh Ngũ mộng và Thập Nhị Du, lại nói do Phu Nhân thứ nhất sinh ra. Phần đầu Kinh Thập Nhị Du vốn không nói như thế và Kinh lại thiếu lưu hành. Sợ rằng các vị La Hán ở Ấn Độ khi biên tập, Chú Giải phần đầu, đã tạo thành chuyện này.

Thứ bốn: Phần Nghi Báng.

Như Luận Trí Độ nói: Bồ Tát có hai Phu Nhân. Thứ nhất tên là Cù Tỳ Da, không sinh con. Thứ hai tên Da Du Đà La.

Khi Bồ Tát Xuất Gia, ban đêm có người nói: Thái Tử đã Xuất Gia, tại sao lại có thai, làm nhục dòng họ Thích?

Vì vậy, muốn dùng hầm lửa nóng thiêu sống hai mẹ con.

Da Du uất hận không có chuyện ấy, lập lời thề lớn: Nếu ta làm bậy, có con trong bụng, xin cho mẹ con ta đều cháy tiêu trong lửa. Thề xong, lập tức nhảy vào hầm lửa. Liền đó, lửa tắt, mẹ con đều sống.

Lửa biến thành hồ sen, mẹ ngồi trên tòa sen. Nhân thế mới biết là thành thật, không gian dối. Về sau sinh con, giống hệt Bồ Tát. Vua cha rất mừng, làm viên trăm vị hoan hỷ cúng dường Đức Phật. Đức Phật biến thành năm trăm Tỳ Kheo giống Ngài. La Hầu cầm viên ấy bỏ đúng vào bát của Đức Phật. Mới biết là con thật của Ngài.

Lại nữa, Kinh Đại Thiện Quyền nói: Vì nghi ngờ Bồ Tát không phải là người nam, nên mới cưới Thích Nữ Cù Di cho Ngài. La Vân từ Trời biến hóa sinh vào.

Không phải do Cha Mẹ hợp lại mà có.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng Thích Nữ Da Du dắt La Hầu La, sắm nhiều đồ cúng và mang các vật dụng đến đền thờ thần Lô Đề La Ca. Từ tên thần, khu vườn ấy cũng gọi là Lô Đề La Ca.

Đương thời, khi Bồ Tát chưa Xuất Gia, thường đến đây xoa bóp vui chơi. Trong vườn có tảng đá lớn, Bồ Tát thường hay ngồi lên. Bấy giờ, Da Du Đà La đưa La Hầu La ngồi nghỉ trên tảng đá ấy.

Sau đó, nàng xô tảng đá xuống nước và lập lời thề rằng: Nay ta lập lời thề thành thật không gian dối rằng, trừ Thái Tử, ta sẽ không bao giờ cùng người đàn ông khác rong chơi đây đó. Nếu con ta đích xác là huyết thống của Thái Tử, không chút gian dối, xin cho tảng đá nổi lên trên mặt nước, không chìm.

Bấy giờ, tảng đá ấy theo đúng lời thề của nàng, lập tức nổi lên khỏi mặt nước, giống như tàu lá chuối trôi trên dòng nước, không chìm. Mọi người chúng kiến cảnh tượng ấy xong, cảm thấy lạ lùng hy hữu.

Bàn tán reo hò, hớn hở không dứt. Nhảy nhót hát ca, múa ống tay, xoay vạt áo. Cử hành đủ mọi thứ âm nhạc. Lại tổ chức mừng sinh nhật của La Hầu La. Khi Da Du Đà La sinh con, nhằm lúc A Tu La La Hầu La giơ tay bắt lấy Mặt Trăng trong giây lát rồi lại buông ra.

Vì thế, mới đặt tên là La Hầu La. La Hầu La đoan trang khả ái. Ai thấy cũng đem lòng thương yêu. Da dẻ trắng muốt, óng ánh sắc vàng. Đầu tròn như cái tán. Mũi cao như chim anh vũ. Hai tay dài buông xuống quá gối. Cơ thể toàn vẹn, không khuyết tật. Các căn có đủ và rất hoàn hảo.

Thứ năm: Phần Thai Nạn.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Sau khi Đức Như Lai Xuất Gia đã sáu năm, La Hầu La mới sinh ra. Ngày Đức Như Lai về thăm Phụ Vương, La Hầu La vừa lên sáu tuổi.

Hỏi: Tại sao La Hầu La ở trong thai mẹ sáu năm không sinh ra?

Đáp: Vì ngày xưa, La Hầu La làm Vua, đem Tiên Nhân bỏ vào vườn sáu ngày, không thả ra, nên phải ở trong thai mẹ sáu năm.

Hỏi: Tại sao Da Du mẹ Ngài mang thai đến sáu năm?

Đáp: Theo Kinh Phật Bản Hạnh nói rằng: Đức Phật bảo, này các Tỳ Kheo, ta nhớ lại vào vô lượng kiếp quá khứ, có một bầy bò ở ngoài đồng cỏ. Bà chủ dắt con gái ra đó vắt sữa đầy hai bình đã mang theo. Bình lớn giao cho con gái đội, bình nhỏ thì tự mình xách về.

Được nửa đường, bảo con gái: Cố đi nhanh lên.

Đường ở đây nguy hiểm. Rất đáng ghê sợ.

Bấy giờ, cô gái thưa mẹ rằng: Bình này nặng quá.

Con làm sao đi nhanh được?

Người mẹ ba lần nhắc nhở con phải đi nhanh, đường ở đây thật đáng ghê sợ. Cô gái suy nghĩ, tại sao mẹ đã bắt đội bình nặng nhất, lại còn thôi thúc đi nhanh.

Do đó, đâm ra tức giận, liền thưa mẹ rằng: Mẹ hãy mang luôn hai bình. Con mắc đi đại tiểu tiện trong giây lát. Thế là người mẹ phải lấy bình lớn đội lên và xách bình nhỏ bước đi. Cô gái ấy từ từ đi phía sau. Lúc đó, người mẹ phải tay xách đầu đội nặng nề đi suốt sáu Câu Lô Xá.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo, nếu các ông có lòng thắc mắc về cô gái đã nuôi lòng tức giận, bắt mẹ phải đội nặng suốt sáu Câu Lô Xá ấy, chẳng cần suy nghĩ gì hơn, đấy chính là Thích Nữ Da Du Đà La. Đương thời, nàng đã bắt mẹ đội nặng suốt sáu Câu Lô Xá, vì nghiệp chướng ấy, nên đã gánh chịu vô lượng khổ sở trong cõi phiền não sinh tử.

Do còn dư nghiệp, kiếp này phải chịu mang thai sáu năm. Cũng có Kinh nói, vào thời quá khứ, La Vân đã bít miệng hang chuột sáu ngày, không mở ra, nên kiếp này phải chịu ở trong thai sáu năm.

Thứ sáu: Phần Thần Dị.

Như luận Quán Phật Tam Muội nói: Bấy giờ, Da Du Đà La và năm trăm thị nữ đôi lúc suy nghĩ, Thái Tử ra đời, có nhiều điều kỳ lạ. Còn có một chuyện đáng nghi ngờ.

Trong đám thể nữ có một cô tên Tu Man Na thưa Phu Nhân rằng: Thái Tử thật là thần nhân.

Dù đã hầu hạ nhiều năm, vẫn không thấy được dương căn của Ngài, huống là xảy ra những chuyện phàm tục?

Lại có một thể nữ khác tên là Tịnh Ý thưa rằng: Thưa Phu Nhân, tỳ nữ hầu hạ Thái Tử suốt mười tám năm nay, chưa từng thấy Thái Tử bận tâm về chuyện đại tiểu tiện.

Huống chi là những chuyện khác?

Khi ấy, các thể nữ mỗi người tuy nói khác nhau, nhưng đều cho rằng Thái Tử không thể làm chuyện đàn ông. Bấy giờ, Thái Tử đang ngủ trưa, bỗng nghe được các thể nữ đều muốn thấy tướng dương căn giấu kín của Ngài, liền cho phát ra hoa sen trắng ngay chỗ dương căn. Màu hoa trắng hồng. Hai ba đóa liên tiếp chồng lên nhau, từ dưới lên trên.

Các thể nữ trông thấy, cùng bảo nhau, thần nhân có tướng hoa sen như thế, làm sao tâm của Ngài ô nhiễm được?

Nói xong, tất cả đều nghẹn ngào không nói gì được nữa. Lúc đó, trong hoa sen bỗng lộ dương căn, dáng như Đồng Tử. Các thể nữ trông thấy, cùng bảo, hôm nay Thái Tử thị hiện điều kỳ lạ. Bỗng nhiên hiện ra dương căn, dáng như lực sĩ. Các thể nữ thấy xong, vô cùng vui thích. Khi Thái Tử thị hiện tướng này, Phu Nhân thấy được dương căn.

Ấy là từng đóa hoa sen chồng lên nhau, như vỏ ốc Trời. Trên mỗi đóa hoa có vô số Bồ Tát to lớn, tay cầm hoa trắng, vây quanh dương căn. Hiện ra xong, lại biến mất, như Mặt Trời lặn. Đấy gọi là tướng dương căn giấu kín của Bồ Tát.

Bấy giờ, lại có các dâm nữ cùng bảo Đức Cù Đàm là người không có dương căn. Đức Phật nghe xong, liền theo cách ngựa chúa, cho dương căn xuất hiện dần dần. Thọat đầu, dáng như Đồng Tử lên tám. Dương căn dần dần to lớn, dáng như thiếu niên. Các dâm nữ thấy xong, đều rất vui thích.

Khi ấy, dương căn lớn dần, giống tràng phan bằng hoa sen. Trong mỗi tầng có hằng trăm ức đóa hoa sen. Trong mỗi một đóa hoa sen có hằng trăm ức màu quý báu. Trong mỗi một màu có hằng trăm ức vị hóa Phật. Mỗi một vị hóa Phật có hằng trăm ức Bồ Tát và vô lượng đại chúng theo hầu.

Bấy giờ, các vị hóa Phật đều cùng cất tiếng chế giễu tội lỗi dâm dục của các cô gái bằng bài kệ:

Nếu có các Nam Tử,

Tuổi mười năm mười sáu.

Trai tráng nhiều sức lực,

Hơn hẳn cả hà sa.

Đem cung cấp bọn gái,

Chẳng thỏa mãn phút giây.

Khi các cô gái nghe xong bài kệ này, lòng đầy xấu hỗ, buồn bã té nhào xuống đất, giơ tay vỗ lên đầu nói rằng: Hỡi ôi!

Chỉ vì lòng dâm dục xấu xa, khiến Chư Phật phải nhắc nhở đến thế. Bọn ta nuôi lòng đen tối, tâm nhiểm uế dục, không biết tội lỗi, khiến Chư Phật nghe được, phải la rầy chán ghét thói dục xấu xa.

Do đó, mỗi người đều chán ghét thân phận làm người nữ. Bốn nghìn cô đều phát tâm Bồ Đề. Hai nghìn cô xa lìa uế trọc, chứng được quả pháp nhãn tĩnh. Hai nghìn cô chứng được quả Bích Chi vào kiếp mai sau.

Đức Phật bảo A Nan: Khi ta mới vừa thành đạo ở bên bờ sông Hy Liên hà, có năm vị Bà La Môn cùng thống lãnh bảy trăm năm mươi đệ tử, tự xưng đã đắc đạo, đi đến bên ta.

Bọn họ lấy dương căn quấn quanh mình bảy vòng, rồi ngồi trên cỏ và nói: Bọn ta vì vô dục nên có dương căn như thế này, tự tại như Chư Thiên.

Nay ta có thần lực vượt xa Sa Môn gấp trăm vạn ức lần.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Bà La Môn rằng: Các ngươi không biết được chân thân của Như Lai. Nếu muốn thấy, cứ tự nhiên quan sát. Như Lai đã nhiều kiếp tu hành Phạm Hạnh. Khi còn Tại Gia, không có dục vọng. Tâm không ô nhiễm, nên mới được phước báo này, giống như ngựa quý ẩn hiện vô thường. Nay ta sẽ thị hiện chút ít chân thân cho các ông xem.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ không trung giáng hạ. Ngay trên mặt đất biến thành bốn dòng sông giống như bốn biển lớn. Trong bốn biển lớn có núi Tu Di, phóng ra hào quang óng ánh sắc vàng. Ánh hào quang ấy lấp lánh chiếu sáng thân thể Chư Thiên. Dương căn từ từ xuất hiện, quấn bảy vòng quanh núi Tu Di, giống hệt đóa sen vàng.

Từng đóa cùng chồng lên đến Phạm thế. Từ thân Đức Phật xuất hiện một ức vô lượng đóa sen quý đủ loại, giống như tràng phan hoa sen, che đậy dương căn. Đóa sen vàng ấy có một đến mười ức tầng.

Mỗi tầng có trăm ngàn vô lượng vị hóa Phật. Mỗi một vị hóa Phật có trăm ức vị Bồ Tát và vô số Tỳ Kheo theo hầu. Các vị hóa Phật phóng hào quang chiếu diệu khắp các Thế Giới Mười Phương. Các vị Bà La Môn chứng kiến xong, vô cùng kinh hoàng thán phục.

Không ngờ tướng Phạm Hạnh của Đức Phật lại diệu kỳ đến thế. Thật là không thể nghĩ bàn. Chân thân không ô nhiễm giống như hoa sen. Nay nếu ta đảnh lễ công đức bao la như biển của Đức Phật và Xuất Gia cầu đạo, đều sẽ được thành Chánh quả.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây