Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 7: Thiên Thứ Hai - Tam Giới - Tập Hai - Chư Thiên – Thứ chín - Phần Trụ Xứ

Thứ chín: PHẦN TRỤ XỨ
Hỏi: Chỗ ở của chư Thiên có ý nghĩa như thế nào?”.

– Đáp: Theo như luận Bà-sa nói: “Trời tuy có ba mươi hai, nhưng chỗ ở chỉ có hai mươi tám tầng. Vì bốn cõi Không xứ tuyệt đối xa lìa hình sắc, nên không có chỗ ở riêng mà ở khắp trong hai cõi Dục giới và Sắc giới. Chỉ tùy thuộc chúng sinh trong hai cõi Dục giới và Sắc giới thành tựu được quả Tứ không ở Vô sắc giới, theo chỗ mệnh chung mà thọ phước báo ở cõi Vô sắc ấy, nên không có chỗ ở riêng. Điều này không giống với quan điểm hữu sắc của Đại thừa.

Hai mươi tám tầng Trời ấy là kể từ mặt đất ở chân núi Tu-di đi lên, cách bốn ngàn do tuần, vòng quanh núi ngang dọc rộng một vạn do tuần, trong đó là chỗ cư trú của Trời Kiên thủ. Lại đi lên một lần như thế, vòng quanh núi rộng tám ngàn do tuần, trong đó là chỗ cư trú của Trời Trì hoa man ấy. Lại đi lên một lần như thế, vòng quanh núi rộng bốn ngàn do tuần, trong đó là chỗ cứ trú của Trời Thường phóng dật. Lại đi lên một lần như thế, vòng quanh núi rộng bốn ngàn do tuần, trong đó là chỗ cư trú của Trời Nhật nguyệt tinh tú. Lại đi lên một lần như thế, vòng quanh núi rộng bốn ngàn do tuần, trong đó là chỗ cư trú của Trời Tứ thiên vương (trong này, do có bảy loại núi vàng, có thành trì, làng mạc của Tứ thiên vương đều tọa lạc ở đó). Lại đi lên bốn vạn do tuần là đến đỉnh núi Tu-di, ngang dọc rộng bốn vạn do tuần, trong đó có thành Thiện kiến, ngang dọc rộng một vạn do tuần, đặc biệt có một ngàn cửa, trong đó là chỗ cư trú của Trời Tam thập tam. Từ đỉnh núi Tu-di, lại bay lên giữ không trung bốn vạn do tuần, có chỗ như mây, do bảy loại bảo vật tạo thành, nhưng lại giống đất bằng, trong đó là chỗ cư trú của Trời Diệm ma. Lại bay lên một lần như thế, có chỗ như mây, do bảy loại bảo vật tạo thành, là Trời Đâu suất đà. Lại bay lên một lần như thế, có chỗ như mây, do bảy loại bảo vật tạo thành, là Trời Hóa lạc. Lại bay lên một lần như thế, có chỗ như mây, do bảy loại bảo vật tạo thành, là Trời Tha hóa tự tại. Cứ thế, bay lên đến Trời Sắc cứu cánh của sắc giới, đều có chỗ như mây, do bảy loại bảo vật tạo thành, cùng cách nhau một lần như thế, nên chẳng cần thuật đủ”. Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Trời Tam thập tam ở đỉnh núi Tô Mê Lô. Bốn mặt trên đỉnh núi, mỗi mặt rộng chừng hai mươi ngàn do tuần, nếu đo chu vi thì lên đến tám vạn do tuần. Thuyết của các Luận sư khác nói mỗi mặt rộng tám mươi ngàn do tuần, so với bốn mặt ở dưới, số lượng không khác. Ở bốn góc trên mặt đỉnh núi, mỗi góc đều có một ngọn núi, mỗi ngọn cao rộng chừng năm trăm do tuần. Có thần Dạ-xoa gọi là Kim cương thủ ở trong núi này hộ vệ chư Thiên. Giữa đỉnh núi Tu-di có cung điện gọi là Thiện kiến, bề mặt rộng hai ngàn năm trăm du thiện na, chu vi một vạn du thiện na. Kim thành cao một du thiện na rưởi. Mặt đất trong kim thành bằng phẳng, do vàng thật đúc nên, đều được trang trí bằng một trăm lẻ một loại bảo vật khác nhau. Chạm vào mặt đất, êm mềm như nệm bông Đố la. Mỗi lần dẫm lên, theo chân lún xuống rồi nhô lên. Đây là kinh thành của Trời Đế-thích, thành có một ngàn cửa, trang sức tráng lệ, mỗi cửa có năm mươi Dạ-xoa mặc áo xanh, dũng mãnh uy nghiêm, cao một du thiện na, trang bị đầy đủ áo giáp binh khí, lo việc phòng thủ cửa thành. Trong thành có điện Thù thắng, trang hoàng đầy đủ các loại bảo vật, ánh sáng chói lòa Thiên cung, nên mới gọi là Thù thắng. Điện rộng hai trăm năm mươi du thiện na, chu vi một ngàn du thiện na. Đây gọi là những sự kiện khả ái trong thành. Ngoài thành, có bốn vườn trang hoàng khắp bốn mặt, là chỗ chư Thiên ở đấy cùng đến du hí. Thứ nhất là vườn chúng xa (các xe), nghĩa là ở trong vườn này, tùy thọ phước lực của mình, có các loại xe hiện ra. Thứ hai là vườn Thô xấu, nghĩa là mỗi khi chư Thiên muốn chiến đấu, tùy theo nhu cầu của mình mà có các loại khí giới hiện ra. Thứ ba là vườn Tạp lâm (rừng tạp), có nghĩa là mỗi khi chư Thiên vào đó, các loại thưởng ngoạn đều có như nhau, sinh nhiều vui thích. Thứ tư là vườn Hỷ lâm (rừng vui), rất đẹp, phô bày đủ loại dục trần, xem hoài không chán. Cảnh tượng của bốn vườn này đều khác lạ. Mỗi một vườn có chu vi một ngàn du thiện na, trong mỗi vườn có một ao Như ý, diện tích rộng năm mươi du thiện na, chứa đầy nước tám công đức. Chiều theo ý muốn, các loài chim chóc, hương thơm trong bốn vườn hiện ra trang trí, khác nhau tùy theo nghiệp quả. Thật khó nghĩ bàn phước báo của chư Thiên. Ở góc Đông Nam ngoài thành, có đại Thiện pháp đường, là nơi chư Thiên Trời Tam thập tam hội họp bàn kỹ các việc chế phục A tố lạc hợp pháp và không hợp pháp Trời”.

Kinh Khởi Thế nói rằng Phật bảo Tỳ-kheo: “Vì nhân duyên nào, chỗ chư Thiên hội họp gọi là Thiện pháp đường?”. “Vì khi chư Thiên Trời Tam thập tam cùng ngồi hội họp trong đó, chỉ bàn luận nghĩa lý sâu xa, cân nhắc xét xem những lời vi diệu tốt lành, vốn là chính lý chân thật của các pháp trọng yếu ở thế gian, nên chư Thiên mới gọi đây là Thiện pháp đường”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là vườn Ba lâu sa ca?” (đời Tùy dịch là Thô nhám). “Vì chư Thiên Trời Tam thập tam vào trong đó xong, cùng ngồi trên hai phiến đá hiền và thiện hiền, chỉ bàn luận những lời đùa bỡn thô thiển nhám nhúa, không tốt lành ở thế gian, nên gọi là vườn Ba lâu sa ca”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là vườn Xe tạp sắc?”. “Vì chư Thiên Trời Tam thập tam vào trong đó xong, cùng ngồi trên hai phiến đá tạp sắc và thiện tạp sắc, chỉ bàn luận những lời nói đủ mọi sắc tướng hỗn tạp của thế gian, nên gọi là vườn Xe tạp sắc”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là vườn Tạp loạn?”. “Vì chư Thiên Trời Tam thập tam thường chọn ngày mồng tám, ngày rằm hàng tháng, thả tất cả thể nữ trong cung vào vườn này, để cùng chư Thiên Trời Tam thập tam cùng nhau trà trộn chơi đùa, không sinh lòng ngăn cách, mặc sức hoan lạc, rong chơi mua vui, hưởng thụ đầy đủ phước báo ngũ dục của Thiên giới, nên chư Thiên cùng gọi vườn này là vườn Tạp loạn”. “Lại vì nhân duyên nào, Trời ấy có vườn gọi là Hoan hỷ?”. “Vì chư Thiên Trời Tam thập tam vào trong đó xong, cùng ngồi trên hai phiến đá hoan hỷ và thiên hoan hỷ, lòng được vui vẻ và rất an lạc, nên cùng gọi vườn này là vườn Hoan hỷ”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là cây Ba lợi dạ đát la câu tỳ đà la?”. “Vì dưới cây ấy có vị Thiên tử đến ở, ngày đêm thường đem các loại phước báo ngũ dục đầy đủ, hòa hợp của cõi Trời ấy để đùa giỡn mua vui, nên chư Thiên bèn gọi cây ấy là cây Ba lợi dạ đát la câu tỳ đà la”.

Thứ mười: PHẦN QUẢNG HIỆP
Hỏi: Hạn lượng rộng hẹp của các cõi Trời là như thế nào?.

Đáp: “Như luận Bà-sa nói: “Riêng trên mặt núi Tu-di, ngang dọc rộng tám do tuần, trong đó chỗ bằng phẳng có thể ở được chỉ rộng bốn vạn do tuần. Trời Viêm ma rộng hơn mặt núi Tu-di nói trên bốn vạn do tuần, có lãnh thổ ngang dọc rộng tám vạn do tuần. Cứ thế, lần lượt đến Trời Tha hóa tự tại, rộng gấp đôi Trời trước, có lãnh thổ ngang dọc rộng sáu trăm bớn vạn do tuần. Lãnh thổ của cõi Tứ thiên rộng hẹp không cố định”.

Có hai thuyết nói về điều này:

Thuyết thứ nhất cho rằng cõi Sơ Thiền rộng bằng một quốc độ. Cõi Nhị Thiền rộng bằng một Tiểu thiên thế giới. Cõi Tam Thiền rộng bằng một Trung thiên thế giới. Cõi Tứ Thiền rộng bằng một đại thiên thế giới.

Thuyết thứ hai cho là cõi Sơ Thiền rộng bằng một Tiểu thiên thế giới. Cõi Nhị Thiền rộng bằng một Trung thiên thế giới. Cõi Tam Thiền rộng bằng một đại thiên thế giới. Cõi Tứ Thiền rộng lớn vô biên, không thể nói được giới hạn (các Luận sư bình luận điều này cho rằng thuyết thứ hai là đúng).

Hỏi: “Từ cõi Sơ Thiền rộng bằng một Tiểu thiên thế giới cho đến cõi Tứ Thiền rộng lớn vô biên, chưa rõ trên Đại thiên thế giới của cõi Tứ Thiền ấy, phải có chung Trời Phạm Thiên của cõi Sơ Thiền, thậm chí phải có chung Trời Sắc cứu cánh. Hay là trên từng mỗi một quốc độ, phải có riêng Trời Phạm Thiên của cõi Sơ Thiền, thậm chí phải có riêng Trời Sắc cứu cánh? Trả lời rằng là theo kinh Lâu Thán nói: “Trên từng mỗi một quốc độ, phải có riêng, hết thảy đều không có chung”. Bởi thế, kinh ấy nói: “Trong Tam thiên thế giới, có hằng trăm ức quốc độ, núi Tu-di, biển lớn, núi Thiết vi, Trời Tứ thiên vương. Thậm chí trên từng mỗi một quốc độ, còn nói có hằng trăm ức Trời Sắc cứu cánh”. Kinh văn ấy đã hiển nhiên, khỏi nhọc công ngờ vực. Hơn nữa, như luận Thuận Chánh Lý có nói: “Nhỏ, nghĩa là dưới thấp, vì để đối lại với trên cao, cũng như trâu đất gãy sừng, do gom góp từ cục đất nhỏ bé mà thành lớn, nhưng cũng không ép đất vậy”. Hỏi: “Đã hay trên mỗi một quốc độ, thậm chí mỗi một quốc độ đều có Trời Sắc cứu cánh. Như thế, các Trời Sắc cứu cánh ấy đều ở riêng, há không gây trở ngại với nhau?”. Đáp: “Tuy mỗi một quốc độ đều có hàng trăm ức Trời Sắc cứu cánh, dù cùng ở chung một chỗ, cũng không hề gây trở ngại nhau. Điều ấy giống như ánh sáng cùng thấu nhập, cùng phổ biến khắp nhau, nên cũng không gây trở ngại với nhau. Các Trời Sắc cứu cánh ấy cũng như thế, vì nhờ vào sắc tướng vi diệu của mình. Thế nên, trong kinh mới nói: “Chư Thiên ở sắc giới hạ trần nghe thuyết pháp. Sáu chục vị Trời cùng ngồi trên đầu một mũi nhọn, không hề bị chật chội hay bị trở ngại đụng chạm gì”. Đem kinh văn ấy ra suy nghiệm, thì còn nghi ngờ vào đâu nữa!” (Thế nên, luận Nghĩa Thí nói: “Cõi Sơ Thiền giống như làng. Cõi Nhị Thiền giống như huyện. Cõi Tam Thiền giống như nước”).

Thứ mười một: PHẦN TRANG SỨC
Như luận Trí Độ nói: “Núi Tu-di cao ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, do bốn loại bảo vật tạo thành. Mặt Đông bằng vàng, mặt Tây bằng bạc trắng, mặt Nam bằng lưu ly, mặt Bắc bằng pha lê. Vòng quanh nữa chừng núi, bốn phía có bốn ngọn núi Du Càn Đà, mỗi ngọn cao bốn vạn hai ngàn do tuần. Bốn Thiên vương, mỗi vị ở một ngọn núi này”. Kinh Trường A-hàm nói: “Mặt Bắc làm bằng vàng thật, soi sáng phương Bắc. Mặt Tây làm bằng thủy tinh, soi sáng phương Tây. Mặt Đông làm bằng bạc trời, soi sáng phương Đông. Mặt Nam làm bằng lưu ly, soi sáng phương Nam”. Luận Trí Độ nói: “Bốn Thiên vương, mỗi vị ở trong thành của mình. Thành phương Đông gọi là Thượng hiền. Thành phương Nam gọi là Thiện kiến. Thành phương Tây gọi là Châu la. Thành phương Bắc có ba tên: một là Khả úy, hai là Thiên kính, ba là Chúng quy”.

Lại nữa, kinh Trường A-hàm nói: “Bát già dực bạch đức Thế-tôn: “Một thưở nọ, chư Thiên Trời Đao lợi tụ họp ở Thiện pháp đường, có việc bàn luận. Bấy giờ, bốn Thiên vương, tùy theo địa vị của mình, mỗi vị đều an tọa. Thiên vương Đề Đầu Lại Tra ngồi tại phía Đông, mặt hướng về phương Tây, Đế-thích ngự phía trước. Thiên vương Tỳ Lâu Lặc Xoa ngồi tại phía Nam, mặt hướng về phương Bắc, Đế-thích ngự phía trước. Thiên vương Tỳ Lâu Ba Xoa ngồi tại phía Tây, mặt hướng về phương Đông, Đế-thích ngự phía trước. Thiên vương Tỳ-sa-môn ngồi tại phía Bắc, mặt hướng về phương Nam, Đế-thích ngự phía trước. Khi bốn Thiên vương đã an tọa xong, con mới ngồi vào chỗ của mình”.

Hơn nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Như Đại thành Thiện kiến ở Trời Đao lợi có chu vi bốn vạn mười ngàn do tuần, thành được bao bọc bằng vàng ròng, cao mười do tuần, có tường ẩn nấp cao nữa do tuần, cửa thành cao hai do tuần, cửa đôi phía ngoài cao một do tuần rưỡi, cách chừng mười do tuần lại có một cửa. Ở bốn mặt thành là lầu Thiên môn. Các cửa thành này làm bằng nhiều loại bảo vật, được trang trí bằng các loại châu ngọc quý hiếm. Phần Kim thành ở trung tâm có diện tích bằng một phần tư của Đại thành, là chỗ cư trú của Đế-thích, cách mười hai do tuần thì có hai cửa, khắp bốn mặt Kim thành có bốn trăm chín mươi chín cửa, lại có thêm một cửa nhỏ, cả thảy là năm trăm cửa. Việc canh phòng thành này được giao phó cho bốn cánh quân. Mọi thứ hào lũy, ao hồ cây cảnh, tạp lâm, cung điện ca kỹ hát xướng, các trò vui xa lạ, các loại hình trang trí quý giá, nhiều không thể nói hết. Tòa Bảo lầu Bảo các nhiều tầng ở trung tâm của Kim thành này tên là lầu Bì Thiền Diên Đa, dài năm trăm do tuần, rộng hai trăm năm mươi do tuần. Bốn phía tòa Bảo các của thành này đều có Bảo lầu lùi địch. Phía Đông có hai mươi sáu sở, ba phía còn lại mỗi phía có hai mươi lăm sở, tổng cộng có một trăm lẻ một sở. Mỗi một Bảo lầu lùi địch rộng vuông vức hai do tuần, chu vi tám do tuần. Trên Bảo lầu lùi địch lại có một Bảo lầu nhỏ, cao nữa do tuần để làm nơi quan sát. Mỗi một Bảo lầu lùi địch có bảy Thiên nữ, mỗi một Thiên nữ này có bảy thể nữ theo hầu. Trong tòa Bảo lầu nhiều tầng này, có một vạn bảy trăm gian phòng, trong mỗi một gian phòng lại có bảy Thiên nữ, mỗi một Thiên nữ lại có bảy thể nữ theo hầu. Tất cả các Thiên nữ này đều là Chánh phi của Đế-thích. Trong các Bảo lầu lùi địch phía ngoài và trong các gian phòng, có tất cả bốn ức chín vạn bốn ngàn chín trăm Chánh phi, ba mươi bốn ức sáu vạn bốn ngàn ba trăm thể nữ. Chánh phi và thể nữ gộp thì lại lên đến ba mươi chín ức năm vạn chín ngàn hai trăm vị. Trên tận cùng tòa Bảo lầu Bì Thiền Diên Đa, có Viên thất nằm chính giữa, rộng ba mươi do tuần, chu vi chín mươi do tuần, cao bốn mươi lăm do tuần, là chỗ cư trú của Đế-thích, tất cả đều làm bằng pha lê, có nhiều loại bảo vật trang trí xen đầy”.

Lại nữa, kinh Tạp A-hàm nói: “Trong cung điện của Đế-thích, có nhà Tỳ xà diên, có hằng trăm lầu quán, có bảy lớp tầng lầu, có bảy lớp gian phòng, có bảy Thiên hậu. Mỗi vị có bảy thị nữ theo hầu. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên du hành khắp Tiểu thiên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có lầu quán trang nghiêm như nhà Tỳ xà diên này vậy”.

Theo kinh Khởi Thế nói: “Vẻ chạm trổ trang trí, lối hưởng thụ hoan lạc ở Thiên cung trong Kim thành của Đế-thích, không thể nào nói hết. Mô tả như thế, cảnh trí như thế là nơi Thích-đề-hoàn Nhân và Nữ A-tu-la Xá-chi cùng ở, còn hóa thân của Đế-thích lại ở cùng với các Chánh phi khác. Tất cả các Chánh phi đều suy nghĩ như thế này: “Hóa thân của Đế-thích ở cùng chúng ta, còn chân thân ở cùng Xá-chi”. Nhà cửa bốn phía trong thành này, đường xá chợ búa tất cả đều xây đắp ngay hàng thẳng lối. Thiên chúng trong thành này, tùy theo phước báo, có nhà cửa nhiều ít, đều làm bằng các loại bảo vật bằng phẳng, sắp xếp ngay ngắn chỉnh tề. Đường sá trong thành này lên đến năm trăm, bốn ngã thông nhau, hàng lối phân minh, rộng bằng đường chính, đổ ra bốn cửa, Đông Tây quang đãng, cùng nhìn thấy nhau, phố sá chợ búa chất đầy hàng hóa quý hiếm. Trên nữa tầng không có bảy khu chợ. Thứ nhất là chợ lúa gạo. Thứ hai là chợ y phục. Thứ ba là chợ hương phẩm. Thứ tư là chợ ăn uống. Thứ năm là chợ tràng hoa. Thứ sáu là chợ thủ công. Thứ bảy là chợ kỹ nữ. Các chợ đều có quan chợ trông coi. Trong các chợ này, thiên nam, thiên nữ cùng tới lui mua bán, thương lượng mắc rẻ, trả giá thêm bớt, cân lường đo đạc, đủ các phép chợ, tuy rằng làm thế, cốt để vui đùa. Thật tâm Thiên chúng, không lấy không cho, không giành phần riêng. Thấy có nhu cầu, có thể cầm lấy mang về. Nếu thấy ưng ý, tùy thích lựa chọn mà lấy. Nếu không ưng ý, liền nói thế này: “Vật này quý hiếm không thuộc về nhu cầu của ta”. Đường sá trong chợ, êm ái dễ đi, trang hoàng đầy bảo vật, treo đầy áo trời, dựng đầy cờ xí, đủ loại âm nhạc, ca hát không lúc nào ngừng. Lại có tiếng nói: “Đến đây, đến đây! Mọi thứ ăn uống, xin đem cúng dường!” Kinh thành Thiện kiến do Đế-thích cư trú này, còn có châu Trời, quận Trời, huyện Trời, thôn Trời bao bọc khắp chung quanh (ngoài ra, chỗ ở của chư Thiên này được trang hoàng bằng hương thơm, âm nhạc đầy đủ khắp nơi. Hưởng thụ phước báo hoan lạc đến mức không thể sách nào chép hết). Từ phía ngoài cửa Bắc của thành Thiện kiến, đi hết 20 dặm, có một vườn lớn tên là Hoan hỷ, chu vi một ngàn do tuần, trong đó có ao cũng tên là Hoan hỷ, vuông vức một trăm do tuần, sâu cũng một trăm do tuần, chứa đầy nước Trời. Các thứ gạch đá xây cất bờ ao và đáy ao làm bằng bốn loại bảo vật. Phía ngoài cửa Đông của thành này có vườn tên là Chúng xa, trong đó có ao tên là Chất đa la. Phía ngoài cửa Nam của thành có vườn tên là Tạp viên, trong đó có ao cùng tên. Các vườn và ao này lớn nhỏ cũng giống như đã nói ở trên. Trong bốn khu vườn này, có đủ loại hoa quả thơm tho, chim rừng bay lượn ca hót, điểm tô cảnh sắc thêm đẹp đẽ, không thể nào nói hết được”.

Thứ mười hai: PHẦN TẤU THỈNH
Như luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Bấy giờ, Đế-thích dẫn các Thiên chúng vào dục viên chơi rồi đến Thiện pháp đường. Chư Thiên đứng chung quanh, cung nghinh Đế-thích vào vườn. Bên cạnh cột trong cùng của Thiện pháp đường có sư tử tọa. Đế-thích đến ngự trên bảo tọa ấy. Hai bên tả hữu, mỗi bên mười sáu Thiên vương xếp hàng ngồi xuống. Chư Thiên khác tùy theo địa vị cao thấp, xếp hàng cùng ngồi. Bấy giờ, Đế-thích có hai vị thái tử: vị thứ nhất tên là Chiên Đàn, vị thứ hai tên là Tu-tỳ-la, là hai đại tướng của Trời Đao lợi, cùng ngồi xuống hai bên tả hữu của Trời Tam thập tam. Bấy giờ, Thiên vương Đề Đầu Lại Tra đang ngồi theo cửa Đông, cùng các đại thần và quân lính, cung kính xin chư Thiên được vào ngồi phía trong. Bấy giờ, Thiên vương Tỳ Lưu Lặc Xoa đang ngồi theo cửa Nam, cùng các đại thần và quân lính, cung kính xin chư Thiên được vào ngồi phía trong. Bấy giờ, Thiên vương Tỳ Lưu Bác Xoa đang ngồi theo cửa Tây, Thiên vương Tỳ-sa-môn đang ngồi theo cửa Bắc (đều hành lễ như thế, xin được ngồi phía trong).

Tại Thiện pháp đường, bốn Thiên vương này đem tâu lên các việc thiện ác của thế gian với Đế-thích và Trời Đao lợi. Khi ấy, đức Thếtôn bảo thế này: “Vào ngày mồng tám hằng tháng bốn Thiên vương du hành khắp thế gian, lần lượt quan sát vào đúng ngày này, nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ giữ gìn tám giới. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ làm bố thí. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ tu hạnh phước đức. Nhiều ngần nào, ít ngần nào, kẻ kính trọng cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, các vị tôn trưởng trong nhà. Vào ngày mười bốn và rằm hằng tháng, cũng làm như thế. Nếu không có kẻ gìn giữ tám giới, bố thí, tôn trọng, bấy giờ, bốn Thiên vương Thiện pháp đường, đem mọi việc ấy tâu lên cùng Đế-thích. Bấy giờ, Đế-thích và chư Thiên nghe xong, sinh lòng áo não, phán thế này: “Việc này không tốt, trong nhà lỗi đạo, các tôn trưởng của chư Thiên ắt phải hao tổn, bè bạn A-tu-la ắt ngày càng nhiều hơn”. Nếu có kẻ giữ gìn tám giới, bố thí tu phước, kính lễ các vị Sa-môn, tôn trưởng. Bốn Thiên vương đem tâu lên xong, Đế-thích và chư Thiên nghe xong sẽ sinh lòng hoan hỷ, nói thế này: “Việc này rất tốt, quyến thuộc của chư Thiên theo chánh pháp ngày càng đông đảo, bạn bè Atu-la dần dần giảm bớt”. Thế nên, trùng tụng dẫn chứng lời kệ của Phật như sau:

“Bốn đại thần Thiên vương,
Mồng tám xét thiên hạ.
Thái tử của Thiên vương,
Mười bốn xem thế gian.
Ngày rằm là tốt nhất,
Nghe đồn danh Thiên vương,
Du hành khắp thế gian,
Xem xét việc thiện ác.
Cho hay ý thế gian,
Cùng hợp với Thiên đạo.
Tôn trưởng có nhiều vị,
Bố thí thành Bồ tát.
Trừ sân, thường tu đạo,
Nam nữ phước đức tăng.
Bấy giờ Trời Đao lợi,
Hay tin, rất hoan hỷ,
Thường đem lòng tán thán.
Thiên vương tâu việc tốt,
Quyến thuộc của chư Thiên,
Dần dần đông đúc hơn.
Cầu xin bạn tu la,
Ngày càng giảm bớt dần.
Thường tâm niệm chánh giác,
Phật bảo cùng Thánh chúng,
Được an lạc trên Trời.
Tâm thường sinh hoan hỷ,
Chứng thế, xuất thế quả,
Được sinh vào Nhân đạo.
Tốt với Phật, Pháp, Tăng,
Được ở cùng Tam bảo.
Ta nay vì các người,
Nói ba điều hiền thiện.
Nếu ai tìm chân thật,
Bỏ ác, tu hạnh thiện.
Có được của báu này,
Từ ít sẽ thành nhiều.
Các Trời Đao lợi kia,
Nhờ thiện nhỏ, sinh Thiên.
Các vị Trời Đế-thích,
Nhờ phước đức nổi danh,
Họp ở Thiện pháp đường,
Và ở các nơi khác.
Nam nữ nào làm thiện,
Được Thiên vương tâu lên,
Trời đem lòng yêu mến,
Huân tập khắp chư Thiên”.

Thứ mười ba: PHẦN THÔNG LỰC
Theo kinh Lâu Thán nói: “Trong khoảng giữa hai cõi Dục giới và Sắc giới, có riêng Ma cung. Ma ấy chất chứa lòng ganh tỵ như đá mài, mài tan công đức. Ma cung ngang dọc rộng sáu ngàn do tuần, có bảy lớp tường thành, đều rất nghiêm trang, như ở cõi Trời phía dưới. Bảy cõi Trời phía trên có đủ mười phép: Một là bay đi không hạn chế số lần. Hai là bay đến không hạn chế số lần. Ba là đi không trở ngại. Bốn là đến không trở ngại. Năm là thân Trời không có da dẻ, xương tủy, gân cốt, huyết thịt. Sáu là thân không có đại tiện, tiểu tiện dơ uế. Bảy là thân không gầy gò quá mức. Tám là Thiên nữ không sinh sản. Chín là mắt Trời không biết nháy. Mười là thân tùy theo ý muốn, thích xanh thì hóa xanh, thích vàng thì hóa vàng. Thích các màu sắc khác, cũng đều được như thế. Lại có thêm mười sự kiện: Một là phi hành không cùng. Hai là đi về không cùng. Ba là Trời không trộm cắp. Bốn là không kể cho nhau chuyện tốt xấu của bản thân. Năm là không lấn chiếm nhau. Sáu là răng cửa chư Thiên đều đặn và suôn. Bảy là tóc màu hoe xanh, óng ả, dài tám thước. Tám là người Trời màu xanh, tóc cũng màu xanh. Chín là nếu muốn thành trắng, thân liền thành trắng. Mười là nếu muốn thành đen, thân liền thành đen”.

Kinh Khởi Thế cũng nói: “Tất cả chư Thiên đều có mười phép riêng. Là mười phép gì? Một là khi chư Thiên đi, thì đi lại không cùng. Hai là khi chư Thiên đi, thì đi lại vô ngại. Ba là khi chư Thiên đi, thì không nhanh chậm. Bốn là khi chư Thiên đi, thì chân không có dấu. Năm là thể lực của chư Thiên không sợ mệt nhọc. Sáu là thân của chư Thiên có hình không có bóng. Bảy là chư Thiên không có đại tiện, tiểu tiện. Tám là tất cả chư Thiên không hỉ mũi, nhổ nước bọt. Chín là thân của chư Thiên thanh tịnh tốt đẹp, không có da thịt, gân mạch, khí huyết, cốt tủy. Mười là thân của chư Thiên muốn hiện thành cao thấp, xanh vàng, đỏ trắng, lớn nhỏ, tinh thô, tùy theo ý muốn liền được. Tất cả đều tuyệt đẹp, trang nghiêm lạ lùng, khiến người yêu thích. Tất cả chư Thiên đều có đủ mười loại phép riêng không thể nghĩ bàn này. Hơn nữa thân của chư Thiên sung mãn, đầy đặn. Răng trắng, vuông vức khít khao. Tóc xanh ngay ngắn, mềm mại, óng ả. Thân có hào quang và có thần lực. Cưỡi hư không ngao du. Mắt nhìn không chớp. Có chuỗi ngọc tự nhiên, y phục không cáu bẩn.

Như luận Thuận Chánh Lý nói: “Bốn Thiên vương bay lên Trời Tam thập tam, không thấy được Trời Tam thập tam ấy. Bay lên gặp chư Thiên Dạ ma, cũng thế. Nếu bốn Thiên vương ấy có được thần thông phát huy từ định lực, thì đã có thể bay lên gặp được tất cả chư Thiên trên các cõi ấy. Hoặc nhờ Tha lực, thì đã có thể bay lên gặp chư Thiên trên các cõi ấy. Nghĩa là có được thần thông và sự tiếp dẫn của Thiên chúng trên ấy, thì có thể bay lên được các cõi ấy, tùy theo ý muốn. Hoặc chư Thiên trên ấy giáng hạ, thì có thể thấy được. Nếu khi chư Thiên trên ấy giáng hạ, không có hóa thân của cõi dưới, thì mắt của kẻ dưới không thể thấy được, vì khác cảnh giới, nên không biết được xúc trần của cõi trên ấy. Khi cõi trên giáng hạ xuống cõi dưới, cần phải hóa thành thân cõi dưới, khiến chúng sinh cõi dưới có thể thấy được Trời của cõi trên”.

Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Người Diêm-phù-đề, nếu lìa thần thông và tha lực, thì không thể thấy được các sắc trần cản trở bên ngoài. Người ba châu còn lại, nếu lìa tha lực, thì không thể thấy được các sắc trần cản trở bên ngoài. Chư Thiên cõi Lục dục, nếu rời thần thông và tha lực, dù ngay ở cõi mình, không thể thấy rõ được các sắc trần cản trở bên ngoài. Nếu khi nhìn ra xa, chỉ thấy được phía trong núi Thiết Vi, không thể thấy được các sắc tướng phía ngoài núi ấy. Thiên vương Đại phạm, ở trong cung điện của mình, nếu lìa thần thông và tha lực, thì không thể thấy được các sắc trần cản trở bên ngoài. Nếu nhìn ra xa, chỉ thấy được trong phạm vi một ngàn thế giới”.

Thứ mười bốn: PHẦN THÂN QUANG
Theo luận Trí Độ nói: “Phước báo của chư Thiên làm thân sinh ra hào quang, nghĩa là thân của chư Thiên ở Dục giới thường phát hào quang, sánh kịp các loại đèn đuốc, minh châu. Nhờ các phép giữ giới, Thiền định được thanh tịnh, nên thân có hào quang, không cần mặt trời mặt trăng soi sáng. Chư Thiên ở Sắc giới hành Thiền lìa dục, tu tập được lửa Tam muội, nên thân thường phát hào quang vi diệu, hơn cả mặt trời mặt trăng và hơn cả chư Thiên lìa dục ở dục giới, được phước báo thân có hào quang. Nói tóm lại, chủ yếu, các hào quang này đều do tâm thanh tịnh mà có. Như các luận giải thích, trên mặt Phật thường có hào quang chiếu sáng, mỗi đạo dài hằng trượng. Hào quang ở thân chư Thiên rất lớn lao, dù đến vô lượng do tuần, nhưng để bên hào quang hằng trượng trên mặt Phật thì lại bị che mất, không thấy hiện ra”. Lại nữa, kinh Ưu-bà-di Tịnh hạnh nói rằng Phật bảo Tỳ-kheo: “Như Lai có sáu loại hào quang. Là sáu loại nào? Một là hào quang xanh. Hai là hào quang vàng. Ba là hào quang đỏ. Bốn là hào quang trắng. Năm là hào quang hồng. Sáu là hào quang tím. Tất cả đều chiếu sáng. Đấy gọi là hào quang của Như Lai”. Lại nữa, kinh Trường A-hàm nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ánh sáng của đom đóm không bằng ánh sáng của đèn đuốc. Ánh sáng của đèn đuốc không bằng ánh sáng của đuốc lớn. Ánh sáng của đuốc lớn không bằng ánh sáng của đống lửa. Ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của bốn Thiên vương. Ánh sáng của cung điện, y phục, hào quang trên thân của bốn Thiên vương gộp lại không bằng ánh sáng của Trời Tam thập tam. Lần lượt cho đến ánh sáng của Trời Sắc cứu cánh không bằng ánh sáng của Trời Tha hóa tự tại. Ánh sáng của Trời Tha hóa tự tại không bằng ánh sáng của Phật.

Nếu đem gộp lại tất cả mọi chỗ ánh sáng ấy, từ ánh sáng của đom đóm đến ánh sáng của Phật, cũng không bằng được ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Thế nên, các Tỳ-kheo muốn tìm ánh sáng, thì phải tìm ánh sáng của Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Vả lại, con người có bảy sắc. Là bảy sắc nào? Có người có sắc vàng của vàng, có người có sắc lửa, có người có sắc xanh, có người có sắc đỏ, có người có sắc đen. Đôi lúc chư Thiên và A-tu-la cũng có bảy sắc như thế”. Hơn nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Màu sắc trên thân chúng sinh ở Nam Diêm-phù-đề có nhiều loại, không giống chúng sinh ở Đông Phất-bà-đề. Người Tây Cù-da-ni, trừ màu đen ra, các màu khác đều giống người Nam Diêmphù-đề. Tất cả người Bắc Uất-đơn-việt chỉ có thuần một màu trắng. Bốn Thiên vương có bốn loại màu: Có xanh hoe, có đỏ, có vàng, có trắng. Tất cả chư Thiên ở dục giới cũng đều như thế”. Tại sao bảo màu sắc của chư Thiên này có bốn loại? Bởi vì khi mới thọ sinh, nếu thấy màu xanh hoe rực rỡ thì có màu xanh hoe. Các màu còn lại cũng đều như thế”.

Thứ mười lăm: PHẦN THỊ DỊCH
Theo kinh Khởi Thế nói: “Người Diêm-phù-đề có việc mua bán, hoặc dùng tiền bạc, bảo vật, hoặc dùng lúa gạo, vải lụa, hoặc dùng chúng sinh. Người Cù-da-ni có việc mua bán, hoặc dùng trâu dê, hoặc dùng châu ngọc quý hiếm. Người Phất-bà-đề có việc mua bán, hoặc dùng hàng hóa vải lụa, hoặc dùng ngũ cốc, hoặc dùng châu ngọc quý hiếm. Người Uất-đơn-việt không dùng đến việc mua bán, vì nhu cầu tự nhiên có sẵn”.

Như kinh Khởi Thế nói: “Chư Thiên ở cõi Dục giới, như Trời Tứ thiên vương, Trời Tam thập tam đều có việc mua bán, đi tham quan, song chỉ cốt cho vui vẻ tinh thần. Thật sự khác hẳn với người thế gian, như trước đây đã nói”.

Thứ mười sáu: PHẦN HÔN LỄ
Như kinh Khởi Thế nói: “Ba châu còn lại đều có phép tắc hôn lễ giữa nam nữ. Người Uất-đơn-việt không có chỗ riêng. Nếu cây cong xuống che kín, nam nữ liền giao hợp, không dùng đến hôn lễ. Các loại Rồng, chim Kim sí, A-tu-la đều có phép tắc hôn lễ giữa nam nữ, hơi giống người thế gian. Chư Thiên cõi Lục dục và Thiên ma đều có hôn lễ, như trên đã nói qua. Từ đây trở lên các Trời còn lại, đều không có chuyện hôn lễ, vì không có sự khác biệt về nam nữ. Người ở bốn châu,

nếu mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, chất dơ tiết ra. Tất cả các loại Rồng, chim Kim sí, nếu mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, chỉ có làn khí tỏa ra, liền được khoái lạc, không có chất dơ. Trời Tam thập tam, mỗi lần muốn hành dục, thì hai vật âm dương cùng đến, liền được khoái lạc, cũng tỏa ra làn khí, như các loài Rồng, chim Kim sí ở trước, không khác chút nào. Trời Dạ ma cùng nắm tay nhau thành ra hành dục. Trời Đâu suất đà cùng tưởng nhớ đến nhau thành ra hành dục. Trời Hóa lạc cùng nhìn nhau say đắm thành ra hành dục. Trời Tha hóa tự tại cùng tâm sự với nhau thành ra hành dục. Các Trời Ma thân cùng trông nhau thành ra hành dục. Tất cả đều được khoái lạc, thỏa nguyện chuyện dục”.

Hơn nữa, luận Lập Thế nói: “Trời Tứ thiên vương nếu đi hỏi Thiên nữ, khi nhà Thiên nữ hứa gã xong xuôi, mới được rước dâu, hoặc bán chác, hoặc trao đổi. Chư Thiên cõi Dục giới cũng đều như thế. Người Diêm-phù-đề và ba châu còn lại, các Trời Tứ thiên vương, Trời Đao lợi đều phải cùng nhau hòa hợp mới thành dục. Trời Dạ ma cùng ôm ấp nhau thành ra hành dục. Trời Đâu suất cùng nắm tay nhau thành ra hành dục. Trời Hóa lạc cùng cười với nhau thành ra hành dục. Trời Tha hóa tự tại cùng nhìn nhau thành ra hành dục. Người Tây Cù-da-ni hưởng thụ khoái lạc nhiều gấp đôi người Diêm-phù-đề. Cứ thế, lần lượt lên đến Trời Tha hóa tự tại hưởng thụ khoái lạc nhiều gấp đôi Trời Hóa lạc. Người bốn châu còn lại đều có kẻ kén ăn, đều có kẻ mang thai, các Thiên nữ ở cõi Trời Tứ thiên vương không ăn rỡ, không mang thai, không sinh con, không ẳm con. Khi nam nữ sinh con, hoặc trên đầu gối, hoặc ở chỗ ngủ, đều có thể sinh được. Nếu sinh ở chỗ người nữ, Thiên nữ nghĩ rằng: “Đây là con ta”. Thiên nam cũng nói là: “Đây là con ta”. Thế là con của một cha một mẹ. Nếu sinh trên đầu gối, ở chỗ ngủ của người cha thì con chỉ có một cha, nhưng các thê thiếp khác đều được làm mẹ. Cũng có người tu hành đến chết, không hành dục. Chuyện sinh con, hành dục của Trời Tứ thiên vương nhiều vô số lượng, nhưng cũng có người tu hành đến chết, không hành dục. Tất cả chư Thiên ở cõi Dục giới cũng đều như thế. Hết thảy người nữ đều lấy sự đụng chạm làm khoái lạc. Tất cả người nam, khi tiết ra chất dơ, đều lấy làm khoái lạc. Chư Thiên ở dục giới lấy việc tỏa ra chất khí làm khoái lạc”.

Lại nữa, luận Tân Bà-sa nói: “Dẫn chứng lời Khế kinh bảo: “Lúc kiếp mới bắt đầu, người không có vật âm dương, hình tướng không khác nhau. Sau khi ăn vị đất, liền sinh ra vật âm dương, do đó mới có hình tướng nam nữ khác nhau. Vì cõi Sắc giới xa lìa Đoạn thực, nên không có hai vật âm dương”. Có người bảo: “Hai vật âm dương, cõi Dục giới dùng đến, cõi Sắc giới không dùng. Thế nên, cõi Sắc giới ấy không có hai vật này. Hai căn mũi lưỡi, cõi Dục giới dùng đến, cõi Sắc giới không dùng. Thế nên, cõi Sắc giới ấy không có hai căn này”. Hỏi: “Thiên chúng ở sắc giới là nữ hay nam?”. Đáp: “Nên nói thế này: “Cõi ấy đều là nam. Tuy không có nam căn, nhưng tướng còn lại đều tướng trượng phu, lại thường xa lìa dục nhiễm, nên mới nói đều là nam”.

Thứ mười bảy: PHẦN ẨM THỰC
Như kinh Khởi Thế nói: “Tất cả chúng sinh có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng các đại dược duy trì. Là bốn loại nào? Thứ nhất là Thô đoạn và vi tế thực, thứ hai là Xúc thực, thứ ba là Ý tứ thực, thứ tư là Thức thực. Loại chúng sinh nào cần ăn Thô đoạn vi tế thực? Như các người Diêm-phù-đề ăn các thứ bột ngũ cốc, đậu, thịt, gọi là Thô đoạn thực. Xoa bóp, tắm rửa, chùi sáp thơm gọi là Vi tế thực. Ngoài ra, người ba châu và chư Thiên cõi Lục dục đều dùng đến Thô đoạn và Vi tế thực. Từ đây trở lên các Trời Sắc giới, Vô sắc giới đều lấy Thiền duyệt, Pháp hỷ làm thức ăn, không dùng đến Thô đoạn và vi tế thực”.

Hỏi: “Loại chúng sinh nào lấy Xúc làm thức ăn?”.

Đáp: “Tất cả các loài noãn sinh, vì có thân nên đều lấy Xúc làm thức ăn”.

Loại chúng sinh nào lấy Ý tứ làm thức ăn?. “Nếu có chúng sinh nào lấy ý tứ nuôi dưỡng các ăn tăng trưởng như các loài cá, ba ba, rắn, ểnh ương, Già la cù đà và các chúng sinh khác đều lấy ý tứ nuôi dưỡng mạng sống các căn, thì các chúng ấy đều dùng ý tứ làm thức ăn”.

Loại chúng sinh nào lấy Thức làm thức ăn?. “Nghĩa là các loại chúng sinh ở địa ngục và các Trời Vô biên thức xứ đều lấy ý thức làm thức ăn. Trời Tứ thiên vương đều ăn vị Tu đà. Sáng ăn một nắm, chiều ăn một nắm. Ăn vào cơ thể xong liền biến đổi thành thân mạng. Vị Tu đà nầy ở vườn tược, ao hồ, vườn cảnh đều có mọc tự nhiên. Vị Tu đà nầy cũng có thể biến thành tám món ăn uống như Khư đà ni. Tất cả chư Thiên ở Dục giới cũng đều ăn như thế. Chư Thiên ở Sắc giới, từ cõi Sơ Thiền đến cõi Biến tịnh, đều lấy niềm vui làm thức ăn. Chư Thiên từ cõi Vô sắc giới trở lên, đều lấy ý thức làm thức ăn”.

Hỏi: Chư Thiên ăn uống như thế nào?.

Đáp: Như kinh nói: “Chư Thiên ở Dục giới, tùy theo phẩm bậc sang hèn, có thức ăn tốt xấu không giống nhau. Kẻ phước dày, tùy theo ý nghĩ, đều được cung ứng đầy đủ, uống thì nước cam lồ đầy ly, ăn thì trăm món cùng hiện đến. Kẻ phước mỏng, tuy có ăn uống nhưng thường không vừa ý lắm, vì không được no đủ, nên còn xuống các cõi dưới kiếm ăn”. Bởi thế, kinh có nói: “Thí dụ như chư Thiên cùng thức ăn đựng trong đồ quý giá, tùy theo phước đức, thức ăn có màu sắc khác nhau, bậc thượng phẩm thì thấy màu trắng, bậc trung phẩm thì thấy màu vàng, bậc hạ phẩm thì thấy màu đỏ. Chư Thiên ở Sắc giới lấy Thiền duyệt làm thức ăn. Nếu luận theo Tứ thực chỉ có lối Xúc thực”.

Thứ mười tám: PHẦN BỘC THỪA
Hỏi: “Chuyện tùy tùng xe ngựa của chư Thiên thì thế nào?”. Đáp rằng như kinh nói: “Sáu Trời Dục giới đều có tùy tùng xe ngựa. Bộc là tùy tùng, thừa là cưỡi đi. Vì sáu Trời Dục giới đều có phép tắc tôn ti, thượng hạ của vua tôi, thê thiếp, nên kẻ hèn mọn phải phục tùng bậc tôn nghiêm, kẻ phận dưới phải phục tùng đấng bề trên. Cưỡi đi là vì sáu Trời Dục giới đều có nhiều loại súc vật. Chư Thiên muốn du hành, tùy ý cưỡi đi. Hoặc cưỡi voi ngựa, hoặc cưỡi khổng tước, hoặc cưỡi loài Rồng.

Nếu theo luận Bà-sa nói thì từ Trời Đao lợi trở xuống, có đủ các loài voi ngựa, le nhạn, uyên ương, khổng tước, rồng. Từ Trời Diệm ma trở lên, đều không còn các chúng sinh voi ngựa bốn chân, mà chỉ có loài chim Giáo phóng dật, Thật ngữ, Xích thủy trách mắng chư Thiên, dạy đừng phóng túng”. Hỏi: “Nếu không có loài chúng sinh voi ngựa bốn chân, chư Thiên ở đấy muốn đi đâu, thì cưỡi cái gì?”.

Đáp: “Theo như luận tự nói rồi tự giải thích, thì tuy không có voi ngựa, nhưng chư Thiên muốn đi đâu, nhờ vào phước lực, liền có voi ngựa, theo tâm hóa thành, tùy ý cỡi đi. Cưỡi xong liền hóa mất. Loài chim Giáo phóng dật này, khắp sáu Trời Dục giới đều có, thường làm thấy cho chư Thiên để trách mắng lỗi phóng túng, không riêng gì Trời Diệm ma trở lên mới có”.

Hỏi: “Chim này vốn là loài vật, tại sao lại có thể làm thầy cho Chư Thiên?”.

Đáp: Theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Khi chim nầy còn làm người, vốn là thầy dạy ở ba châu. Chư Thiên vốn là chúng sinh được giáo hóa. Do tín thọ giáo hóa, nên đã bố thí, giữ giới, nay được sinh lên Trời. Khi chim này còn làm thầy, vì danh lợi, đã phá giới, lòng lại không chân thật, nay được làm chim trên Trời, nhưng nhờ có chút thiện lực của giáo hóa nên nay được sinh lên Trời. Do gốc là thầy giáo hóa, nên được làm thầy cho chư Thiên. Nếu thấy chư Thiên phóng túng, lập tức đến trách mắng. Chư Thiên nghe thấy xong đều sinh lòng hỗ thẹn, bèn đổi thay, không phóng túng nữa”.

Thứ mười chín: PHẦN QUYẾN THUỘC
Hỏi: “Quyến thuộc của chư Thiên nhiều ít thế nào?”.

Đáp: Theo luận nói: “Chư Thiên ở Sắc giới, không thể nói quyến thuộc, có số lượng rất đông đúc. Nghĩa là chư Thiên ở đấy không phải nam, cũng chẳng phải nữ, không phối hợp với nhau. Sinh thì hóa sinh ra, tử lại hóa diệt mất đi. Nhờ hai loại y báo, chánh báo, cung điện tự nhiên hiện ra theo. Lấy Thiền định làm nguồn vui, nên không thể nói quyến thuộc của chư Thiên ở đây có số lượng nhiều ít như thế nào được.

Chư Thiên ở Dục giới có nam nữ cùng phối hợp với nhau, nên kinh Đại Cát Nghĩa Chú nói: “Bốn Thiên vương hộ thế thống lãnh bốn phương. Thiên vương Đề Đầu Lại Tra thống lãnh đám Càn thát bà. Thiên vương Tỳ Lưu Bác Xoa thống lãnh đám Cứu bàn trà. Thiên vương Tỳ Lưu Lặc Xoa thống lãnh loài Rồng. Thiên vương Tỳ-sa-môn thống lãnh đám Dạ-xoa. Bốn Thiên vương này, mỗi vị có chín mươi mốt người con trai, dung mạo đoan trang, có uy lực lớn, đều gọi là Đế. Bốn Thiên vương này gồm có ba trăm sáu mươi bốn người con trai, thường hộ vệ khắp cả mười phương. Có Thích-đề-hoàn Nhân thống lãnh tất cả thế giới bốn phương. Thiên vương Đại phạm thống lãnh trên cõi Trời”. Lại nữa, luận Trí Độ nói: “Tất cả sơn hà, thảo mộc, đất đai, thành quách, tất cả quỷ thần đều lệ thuộc vào sự thống lãnh của bốn Thiên vương. Thế nên, tất cả đều cùng nhau tháp tùng bốn Thiên vương mà đến. Trong đám quỷ thần này, có kẻ không có được quyển kinh Bát Nhã Ba la mật, nên kẻ ấy đi đến chỗ Bát nhã ba la mật, hành lễ, cúng dường, thì cũng được lợi ích”. Từ Trời Đao lợi của Dục giới trở lên, quyến thuộc của chư Thiên trở thành đông đúc không thể xác định số lượng. Như Đế-thích có đủ chín mươi ức Na-do-tha Thiên nữ và có hàng ngàn người con cùng vô số quần thần họp thành quyến thuộc”.

Thế nên, kinh ấy có kệ rằng:

“Đế-thích hiện khắp chư Thiên nữ,
Chín mươi hai ức Na-do-tha.
Thiên nữ người người đều tự bảo
Thiên vương chỉ cùng ta vui chơi!”

Thứ hai mươi: PHẦN QUÝ TIỆN
Hỏi: Sự sang hèn của chư Thiên thì thế nào?.

Đáp: Trước tiên, sáu Trời ở Dục giới có sự sang hèn khác nhau, vì có sự phân biệt giữa vua tôi, dân chúng và thê thiếp. Như trong Trời Đế-thích thì Đế-thích là vua, ba mươi hai Trời là quần thần. Các Thiên chúng còn lại là dân chúng. Phu nhân làm đẹp lòng trong hàng Thiên nữ là Thiên hậu. Các Thiên nữ còn lại là thứ thiếp. Năm Trời kia đều giống như thế. Trong Sắc giới, chỉ riêng ba cõi Sơ Thiền là có sang hèn, Đại phạm là vua, Phạm phụ là quần thần, Phạm chúng là dân chúng. Từ đây trở lên, chư Thiên hưởng phước báo như nhau, nên lại không còn phân biệt sang hèn nữa”.

Thứ hai mươi mốt: PHẦN BẦN PHÚ
Hỏi: Sự giàu nghèo của chư Thiên là thế nào?.

Đáp: Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Từ Trời Diệm ma trở lên cho đến hết tất cả chư Thiên ở sắc giới, sự giàu nghèo đều giống nhau. Từ Trời Đao lợi trở xuống, tùy theo phước báo dày mỏng mà có sự phân biệt giàu nghèo. Vị có phước dày, tất cả đều đầy đủ, hưởng thụ dư thừa. Vị có phước mỏng, tuy có y phục, cung điện làm bằng bảy loại bảo vật, nhưng ăn uống thường không no đủ”. Thế nên, kinh ấy có nói: “Đã từng có chư Thiên mỏng bề phước đức, vì bị nạn đói, phải hành hạ xuống cõi người Diêm-phù-đề, hái táo chua để ăn. Người ở đây thấy hình thù dị thường, sợ sệt xúm đến hỏi han. Vị ấy đáp rằng: “Ta thật không phải là người mà chính là Trời bạc phước. Tuy có cung điện, y phục tuyệt đẹp, nhưng ăn uống thường không no đủ, nên phải xuống đây hái táo để ăn. Các người chớ nên sợ sệt!”. Kinh điển hay phổ biến chuyện này”, (do kiếp trước tu hành giữ giới, nhẫn nhục, nhưng không làm bố thí).

Thứ hai mươi hai: PHẦN TỐNG CHUNG
Như từ Trời Tứ thiên vương đến Trời A-ca-ni-tra, nếu trong gia quyến có người chết thì không đưa tiễn, không hỏa thiêu, không vứt thây, không chôn cất. Vừa khi thân quang vụt tắt thì sẽ không còn hình hài, vì được hóa sinh ra. Trời Tứ thiên vương hoặc tự mình sát sinh, hoặc khiến vị khác sát sinh. Sinh vật đã chết không ăn thịt. Chư Thiên Trời Đao lợi cũng như thế. Từ Trời Dạ ma trở lên Trời A-ca-ni-tra, đều không tự mình sát sinh, cũng không khiến người khác sát sinh. Sinh vật đã chết không ăn thịt. Vì do hóa sinh ra, nên khi chết đi, không còn thi hài.

Tụng rằng:

“Tam giới rối loạn,
Lục đạo mênh mông.
Đi về không dứt,
Chịu khổ vô cùng.
Quả báo siết chặt,
Đau đớn giăng hàng.
Thật do nghiệp ác,
Đành phải nguy vong.
Đâu hay chết đuối!
Nào biết bè sang!
Chồng chất gánh nặng,
Chưa bay nhẹ nhàng.
Nguyện thoát cõi tục,
Về nghỉ tịnh bang.
Một niềm quy chánh,
Vạn thọ vô cương!”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây