Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 2: Thiên Thứ Nhất - Kiếp Lượng - Phần Một - Thuyết Minh Tiểu Tam Tai

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

TỰA

 

Triều nghị Đại phu, Lan đài Thị lang: Lý nghiễm, tự Trọng Tư, người Lũng Tây biên soạn.

Từ khi Lục hào chế tác, Bát quái thành hình, mới có văn tự, chiếu diệu Thi thư. Phụng chạm rồng tô, thẻ vàng chữ ngọc, Bách gia chi phái, vạn quyển phân ngành. Dù lý đạt tinh vi, lời mòn vật loại, nhưng gom tình góp tính, chưa siêu việt khỏi nhân gian, suy trước xét sau, há bao trùm ngoài vũ trụ? Cũng có Đạo đức kinh của Lão Đam, Nam hoa kinh của Trang Tử, quý báu mà viễn vông, gấm hoa mà quái đản, đều chạm trên tuyết không ra dáng dấp, vẽ giữa không chẳng được thật hình. So với bảo kệ nhiệm mầu, bối kinh vi diệu, Nhị thừa bác học, Bát tạng uyên thâm, cạnh tranh cạn sâu, đối chọi hơn kém, khác gì tổ kiến nhỏ nhoi muốn lớn hơn núi Tung núi Thái, vũng trâu cạn cợt mong dài hơn sông Hán sông Giang? Than ôi! Nghĩa lý rốt ráo của Hiển tông, phép tắc huyền vi của Mật giáo, pháp môn giải thoát, thần chú Tổng trì, bến trước bờ sau, đều khớp lý Chân như, niệm cuối niệm đầu, cùng về nơi Chánh giác. Chỉ bảo đám u mê trong trong biển dục, khiến tình phàm tâm tục đều tiêu, chăn dắt kẻ khốn khó giữa nhà lành, ngọc búi tóc, chéo y đem cho hết. Giáo hóa đã đầy dẫy trần sa bát ngát, công ơn còn bao phủ kiếp bụi mỏng manh. Vĩ đại thay! Chu đáo quá! Lấy lời nào ca tụng cho vừa!

Kịp đến nhà Châu, sao lạ hai lần ứng hiện, sang qua triều Hán, mặt nhựt sáng tỏa điềm lành. Sái Âm qua Tây quốc, Pháp Lan đến Đông độ. Lời vàng trên pháp hội, diệu chỉ ở bảo đài, tích lũy chan chứa lụa tre, loa truyền phổ biến Hoa Hạ. Song kinh điển bao la, tông phái sâu rộng, thật tướng chân nguyên khó lòng xem khắp. Từ ngày nhà Đường ta dựng nghiệp, trải đến khi Tánh thượng lên ngôi, Phật pháp lại được xiển dương, tăng đồ càng thêm đông đảo. Truyền bá đèn pháp, ban bố sữa mầu, rực rỡ sáng tươi đất nước. Lời kinh tiếng kệ ngân nga vang dội khắp chốn quận triều. Sự nghiệp hoằng hóa xem rất hưng thịnh, phương tiện giáo hóa lại càng vô tận.

Nay có Pháp sư Đạo Thế, tự Huyền Uẩn, ở chùa Tây Minh, xứng đáng là bậc lãnh tụ nơi cửa Phật. Nhóm thiện duyên từ thời tấm bé, quyết dứt màu áo gấm giữa tuổi thanh xuân, nuôi từ tâm cứu độ sinh linh, tạo phước đức lên đàn thọ cụ túc giới. Đạo hạnh sáng ngời, giữ gìn nghiêm minh như ngan nuốt ngọc mà giữ giới, giới luật tinh thông, hoan hỷ tựa hành giả sửa mình trước kính. Hâm mộ Đại thừa, thấu triệt thật tướng. Bác học đa tài rất nổi tiếng, được triệu làm Tọa chủ Tây Minh. Thường khi tu tập thanh nhàn, để mắt xem suốt thông Tam Tạng. Suy nghĩ rằng xưa nay nhiều đời, lắm người chế tác . Tuy ý đẹp lời hay, việc trước thuật vẫn chưa viên mãn. Do đó, mới thâu tóm tinh hoa trong vườn pháp, chọn lọc tuyệt phẩm của Đại thừa, phân chia từng mục, biên soạn thành sách, nhan đề là Pháp Uyển Châu Lâm, gồm có một trăm thiên, đóng thành mười tập.

1. Duyệt trọn sách, nghĩa nhiều lời ít, nắm chặt lối toát yếu của họ Ngu, nối pháp đăng truyền bá đạo tâm, cố phò Thánh thượng phát huy minh đức. Ngôn từ hoa mỹ, nghĩa lý tinh tường. Chỗ ẩn áo nhiệm mầu, tuyên dương không thiếu sót, pháp môn vi diệu, bao quát tận ngọn nguồn. Thế nhưng, văn chương phồn tạp thì sướt mướt trữ tình, nghĩa lý đơn sơ thường hẹp hòi kiến thức. Nên Pháp sư không muốn hư cấu lời suông, giả dối khoa trương đầy trang đầy quyển. Trọng sách biên soạn, xem ra không thể chối từ, hiềm nỗi thư tịch bộn bề, sách đọc lâu ngày mới tỏ chỗ thiết yếu. Vì thế, đến niên hiệu Đại Đường Tổng chương nguyên niên, nhằm ngày ba mươi tháng ba năm Mậu Thìn, chi ứng Chấp từ, luật đúng Cô tẩy, công tác soạn thuật mới thật hoàn thành.

2. Ước mong sao kẻ sưu tập lời huyền, tìm trong sách, ngộ đạo vô thượng, người tu theo Chánh giáo, đọc văn chương, uống nước cam lồ. Nghiền ngẫm sách, hiểu thấu tinh vi, xem xét sách, thấy tới thâm diệu. Cùng thế gian, sách hằng soi sáng, với vũ trụ, sách mãi lưu truyền!
QUYỂN 1

Thiên thứ 1: KIẾP LƯỢNG

Tai kiếp có hai loại: Một là Tiểu tam tai. Hai là Đại tam tai.

I. THUYẾT MINH TIỂU TAM TAI

Tiểu tam tai có sáu phần: Thuật ý, Dịch bệnh, Đao binh, Cơ cận, Tương sinh, Đối trừ.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Xét rằng kiếp vốn là danh từ ghi chép thời gian, cũng như niên hiệu. Nhưng thời gian không có định thể, tùy cách quy ước mà thành hình. Vì thế, trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, nhiều chỗ có ghi chép kiếp.

Dù không phải là quy tắc suông không của phép Quân lý, kiếp cũng mang ý chỉ sâu kín của lối khuyến trừng. Như vượt khỏi bờ mê đối với người sớm ngộ, kiếp vi trần dứt sạch dễ dàng. Trở lại đường chánh giác đối với kẻ phát sơ tâm, kiếp Tăng kỳ khó khăn mãn hạn. Đó là sự dị biệt giữa mê ngộ. Có khi đem so trong ngục vô giám với hết thành hạt cải, để định kỳ chịu khổ báo, sánh trên Trời tPhạm chúng hành với áo phẩy mòn bàn thạch, để nói kiếp hưởng lạc hình. Đó là sự khác nhau giữa thiện ác. Còn như ở Ta bà gọi khoảnh khắc làm trăm năm, cõi giải thoát lấy vĩnh hằng làm tuần lễ. Đó là sự phân biệt giữa nhiễm tịnh vậy.

Nói tóm lại, chẳng qua có kiếp lớn nhỏ. Lớn, nhỏ mỗi thứ có ba. Lớn thì nước, lửa, gió gây nên vạ tai. Nhỏ thì binh đao, đói kém, bệnh dịch làm thành họa hại. Thế mới biết, sáu năm xây nên Đạo viện, cuối cùng thiêu hủy thành tro, nghìn Thánh ngự giữa ngọc đài, rốt cuộc đắm chìm trong mưa bão! Hơn nữa, chực chầu không ứng hiện, cầu đảo chẳng hiển linh, lần lữa dao sương cắt tới, kiếm sao đâm vào, tàn hại sinh linh, tiêu vong sắp hết. Đáng sợ cho ba cõi vẫn còn mê, thương xót đến sáu đường biết mấy!

Thứ hai: PHẦN DỊCH BỆNH

Theo luận Trí độ nói: “Sao gọi là kiếp?”. Đáp rằng: “Theo đúng Phạm âm, gọi là Kiếp bá bạt đà. Kiếp bá cũng gọi là Kiếp ba. Đời Tần dịch nghĩa là phân chia thời gian. Bạt đà, đời Tần dịch nghĩa là có nhiều, cũng dịch là hiền, vì có nhiều hiền nhân ra đời, nên cũng dịch là hiền kiếp”. Lại nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói rằng: “Phật bảo: “Một Tiểu kiếp gọi là một kiếp. Hai mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Bốn mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. sáu mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp. Vì sao một Tiểu kiếp gọi là một kiếp?”. Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Đề Bà Đạt Đa ở trong địa ngục, chịu quả báo Dị thục. Phật bảo: “Ở lâu một kiếp”. Vì sao hai mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như Trời Phạm chúng, hai mươi Tiểu kiếp là thọ lượng của mình. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao bốn mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như thọ lượng của Trời Phạm Phụ là bốn mươi Tiểu kiếp. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao sáu mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như thọ lượng của Trời Đại phạm là sáu mươi Tiểu kiếp. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp? Kinh Phật thuyết kiếp trung thế giới nói rằng: “hai mươi Tiểu kiếp hoại, sau đó trải qua hai mươi Tiểu kiếp khởi thành dĩ trụ. hai mươi Tiểu kiếp khởi thành dĩ trụ nầy, đã qua bao nhiêu? Chưa qua bao nhiêu?”. tám Tiểu kiếp đã qua, mười một Tiểu kiếp chưa qua. Kiếp hiện tại thứ chín chưa hết. Kiếp hiện tại thứ chín nầy, đã qua bao nhiêu? Chưa đến bao nhiêu? Số chưa đến chắc chắn còn lại sáu trăm chín mươi năm. (Đến năm Kỷ Mão, cuối đời Hậu Lương, khi phiên dịch kinh nầy mới hết kiếp).

Trong hai mươi Tiểu kiếp trung gian nầy, có ba Tiểu tam tai lần lượt xảy ra. Một là tai họa dịch bệnh, hai là tai họa binh đao, ba là tai họa đói kém. (Về ba Tiểu tam tai nầy, các kinh luận sắp xếp thứ tự trước sau không giống nhau. Như theo các kinh Trường A-hàm, Trung A-hàm và Khởi Thế thì đầu tiên là xếp binh đao, tiếp theo là đói kém, và sau cùng là dịch bệnh. Nếu theo các bộ luận Câu Xá, Tỳ-đàm, Bà-sa thì trước là xếp binh đao, tiếp theo là bệnh dịch, sau là đói kém. Nếu theo các bộ luận Du Già, Đối Pháp, thì trước là xếp đói kém, sau là binh đao. Nếu căn cứ năm tháng, thời gian ngắn dài, thứ tự sắp xếp trước sau, thì dựa vào các bộ luận Du Già, Đối Pháp là đúng). Nay lại theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói rằng: “Bây giờ đang ở trong kiếp thứ chín, tức là đang chịu Tam tai thứ ba. Kiếp nầy do đói kém mà hết”. Phật bảo: “Trong hai mươi Tiểu kiếp thế giới khởi thành được trụ nầy, ở vào kiếp thứ nhất, lúc Tiểu tai nổi lên, có bệnh dịch lớn, lớp lớp các loại bệnh tật đều phát ra. Tất cả nhân dân các nước trong cõi Diêm-phù-đề đều mắc phải trận đại dịch. Tất cả quỷ thần đều nổi tâm sân xấu xa, tàn hại thế nhân. Tuổi thọ rút nhắn, chỉ còn mười năm. Thân hình bé nhỏ, chừng hai nắm tay, hoặc ba nắm tay. Nếu họ tự do, chừng tám nắm tay. Lương thực có thể ăn được, cao cấp nhất là bông cỏ, y phục làm bằng tóc người là cao cấp nhất, chỉ có dao gậy làm cho uy nghiêm. Bấy giờ, mọi người không theo chính pháp, các nghiệp phi pháp, tham lam, tà kiến phát sinh suốt ngày đêm, quỷ thần xấu xa làm hại người khắp nơi. Bấy giờ, các vị quân vương lớn đều băng hà, lãnh thổ của các Ngài lần lượt hoang phế, chỉ còn sót lại các quận huyện nhỏ nằm rải rác cách xa nhau. Như thế, nhân dân bị bệnh tật khốn khổ, không có người bố thí thuốc men, cơm nước, vì thế tuổi thọ dù chưa hết, đã chết yểu vô số, trong một ngày đêm, có vô số chúng sinh chết vì bệnh dịch, do làm điều ác phải chịu quả báo nầy. Lúc ấy, sinh ra kiếp trược, sau khi mệnh chung, chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Bấy giờ, mỗi một quận huyện lần lượt hoang tàn, chỉ còn lại vài nhà thưa thớt, nằm cách nhau xa hơn, kẻ chết vì bệnh dịch, không có người chôn cất, xương trắng phủ đầy mặt đất, đến nỗi nhà cửa lần lượt trống không, đấy là kiếp mạt kéo dài trong bảy ngày. Trong bảy ngày nầy, vô số chúng sinh mắc phải bệnh dịch chết hết, nếu còn ai sống sót, đều sơ tán chỗ khác. Khi ấy, có một người đứng ra tập hợp lại nam nữ trong cõi Diêm-phù-đề, chỉ còn một vạn người sống sót để nhân giống cho tương lai, vì vạn người nầy thường giữ thiện hạnh. Các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tuyệt chủng nên ra tay hộ, đem các món ăn ngon truyền vào lỗ chân lông của họ, bởi còn nghiệp lực, nên loài người chưa dứt. Qua hết bảy ngày, trận đại dịch nầy nhất thời dứt sạch, tất cả ác quỷ đều đã bỏ đi. Tùy theo nhu cầu ẩm thực, y phục mà chúng sinh vừa máy niệm trong tâm, Trời lập tức làm mưa rơi xuống, âm dương điều hòa, mỹ vị sinh sản, thân hình khả ái, an lạc vô bệnh. Thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp nhau, bỗng được tụ hội, mọi người đều sinh lòng hoan hỷ vui mừng, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Thế là từ tiền kiếp có thọ mệnh mười tuổi, chúng sinh ra đời ở hậu kiếp có thọ mệnh rất dài, đến hai mươi ngàn tuổi. Như thế, công đức tự nhiên thành tựu, hợp theo đường thiện, thân, khẩu, ý đều thiện. Sau khi mệnh chung, sinh vào Thiên đạo, sau khi hết kiếp Trời, lại sinh vào nhân đạo, hiền thiện tự nhiên, giới phẩm đầy đủ. Sau khi mệnh chung, lại sinh vào Thiên đạo, mãi mãi như thế. Ở kiếp trung gian đệ nhất, bệnh dịch hết sạch, rồi đến kiếp thứ hai nối tiếp hai mươi ngàn năm. Trong kiếp trung gian đệ nhất thọ lượng nầy, người ở đây thọ hai mươi ngàn tuổi ở trước sinh ra, có thần lực tự tại, bẩm chất đầy đủ, thọ mệnh được bốn mươi ngàn tuổi. Khi chết, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo, lâu dài như thế, gọi là kiếp trung gian thứ hai thọ lượng thứ hai, được bốn mươi ngàn tuổi. Nhờ bẩm chất đầy đủ, thọ mệnh sáu mươi ngàn tuổi, lâu dài như thế, gọi là kiếp trung gian thứ ba thọ lượng thứ ba, được sáu mươi ngàn tuổi. Từ sáumươi ngàn tuổi lên đến tám mươi ngàn tuổi. Lúc nầy người nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Bấy giờ, mọi người chỉ có bảy loại bệnh là: bệnh đại tiểu tiện, bệnh hàn nhiệt, bệnh dâm dục, bệnh đói và bệnh già. Trong lúc nầy, tất cả nước đều giàu sang sung túc, không có oán thù, phản loạn, trộm cướp, làng xóm san sát liền kề, gà gáy cùng nghe, cày cấy tuy ít nhưng thu hoạch lại nhiều, y phục của cải, đầy đủ nhu cầu, yên hưởng hạnh phúc không cần bon chen. Khi thọ mệnh được tám mươi ngàn tuổi, hưởng vô số năm lâu dài, cho đến khi chúng sinh chưa mắc thập ác. Từ khi mắc thập ác, cứ một trăm năm lại giảm mười tuổi, tiếp tục một trăm năm lại giảm mười tuổi, lần lượt giảm xuống còn hơn mười tuổi. Cuối cùng, đến mười tuổi thì ngừng, không còn giảm nữa. Thọ mệnh dài nhất được tám vạn, ngắn nhất đến mười năm. Nếu Phật không ra đời thì lần lượt như thế. Nếu Phật ra đời thì cũng như có chính pháp trụ thế, thọ mệnh của chúng sinh tạm dừng, không còn giảm xuống. Tùy theo chính pháp giảm dần, thọ mệnh cũng giảm xuống”.

Thứ ba: PHẦN ĐAO BINH

Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Phật bảo một Tiểu kiếp là một kiếp, cũng giống như trước, cho đến tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp. Trong Đại kiếp, vào giữa hai mươi Tiểu kiếp khởi hành rồi trụ, nổi lên Tiểu tai thứ hai. Vì nạn binh đao lớn, thọ mệnh còn mười tuổi. Bấy giờ, tam độc, tà kiến phát sinh suốt ngày đêm. Cha mẹ, con cái, anh em, bà con cùng nhau tranh cãi, huống gì là người ngoài? Khi ấy, mọi người đã hết tranh cãi, bắt đầu động thủ, hoặc dùng gạch đá, gậy dao đe dọa lẫn nhau. Khắp bốn phương, các nước chinh phạt lẫn nhau, trong một đêm giết chết vô số, các tội lỗi tự nhiên phát sinh như thế do loài người làm điều bất thiện, phải chịu quả báo nầy, giữa lúc ấy, sinh ra kiếp trược. Bấy giờ, người ta đều chết hết, nếu còn sống sót, người người đều ly tán, thời mạt kiếp còn lại bảy ngày. Trong bảy ngày nầy, con người tay cầm cây cỏ, liền hóa thành gậy dao, lấy đó đâm chém lẫn nhau, khủng bố đến chết. Khi ấy mọi người cùng sợ hãi vũ khí, trốn vào rừng tậm hay vượt sông ngòi, ẩn núp vào đồi bãi, hoặc trốn vào hang hốc để tránh tai họa. Đôi lúc gặp nhau, cùng kinh hoàng chạy trốn, sợ hãi thất thần, đôi khi ngã quỵ, như hươu nai gặp phải thợ săn. Trong bảy ngày nầy, chết chóc vì nạn binh đao nhiều vô số, nếu có người sống sót, đều sơ tán đi nơi khác. Bấy giờ, có một người tập họp nam nữ lớn bé trong cõi Diêm-phù-đề, cộng lại một vạn người, tồn tại để nhân giống cho tương lai. Lúc ấy, mọi người đều làm điều phi pháp, chỉ có một vạn người nầy luôn theo thiện pháp. Các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tuyệt chủng nên đã ra tay ủng hộ, đem các món ngon truyền vào lỗ chân lông của họ, vì còn nghiệp lực, trong kiếp trung gian, nên lưu lại giống người, y nhiên không bị tiêu diệt. Qua hết bảy ngày, trận đao binh lớn nhất tề yên ổn. Tất cả các ác quỷ đều bỏ đi hết, tùy theo nhu cầu ẩm thực, y phục mà chúng sinh vừa máy miệng trong tâm, làm Trời rơi mưa xuống, âm dương điều hòa, mỹ vị sinh sản, thân hình khả ái, tướng tốt phục hồi, tất cả điều thiện tự nhiên khơi dậy, mát mẻ thanh tịnh, bình yên vô bệnh, lòng từ bi phát sinh, không có ý gây phiền não. Mọi người gặp nhau, sinh lòng hoan hỷ, thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp nhau, bỗng được tụ hội, sinh lòng hoan hỷ, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Từ mười tuổi thọ, lần lượt làm lành, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo, thọ lượng đến hai mươi ngàn tuổi, cho đến thọ lượng tám mươi ngàn tuổi, hưởng vô số năm lâu dài giống với trước đây không cần nói lại”.

Thứ tư: PHẦN ĐÓI KÉM

Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Từ một Tiểu kiếp đến tám mươi Tiểu kiếp, vào kiếp thứ ba trong Trụ kiếp, nổi lên Tiểu tai. Vì nạn đói kém lớn sắp nổi lên, trời hạn hán, tất cả nhân dân mắc phải trận đại dịch. Tất cả quỷ thần nổi tâm sân hận, làm hại loài người, thọ mệnh rút nhắn, chỉ còn sống được mười tuổi, thân hình nhỏ bé, chừng hai, ba vốc tay, ăn bằng bông cỏ, mặc bằng tóc người cho là cao cấp. Lấy binh khí làm oai nghiêm, không tôn trọng nhau. Nghèo nàn khốn khó, ngu si tà kiến, đêm ngày phát sinh. Lúa mắc, đói kém, lếch thếch lang thang, thấy được lương thực, xông vào giựt ăn, vì nguyên nhân nầy, chết đói vô số. Tất cả chúng sinh, sinh vào kiếp trược, tự dưng nổi lên tạo tác ác nghiệp, Trời không mưa xuống, trong bốn, năm năm. Bởi vì đại hạn, tìm kiếm rau cỏ còn không thể có được huống chi thóc gạo? Tất cả cầm thú đều bị bắt ăn sạch. Trong một ngày đêm, đói khát chết chóc không thể đếm được, quận huyện trống trơn, chỉ còn vài nhà, cách nhau càng xa. Không theo chính pháp, tam độc càng nhiều, bần cùng khốn khó, đêm ngày như nhau. Bấy giờ, trong sáu, bảy năm trời không đổ mưa. Bởi vì đại hạn, muốn tìm ra nước còn không thể được, huống gì đồ ăn? Kiếp trung gian nầy chỉ còn bảy ngày, trong một ngày đêm, chết đói vô số, nếu còn có người đều đi chỗ khác. Bấy giờ, có một người, tập hợp nam nữ lớn bé trong cõi Diêm-phù-đề, cộng một vạn người sống sót để nhân giống cho tương lai. Số người nầy thường làm việc thiện, các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tiêu diệt, đã ra tay ủng hộ. Lấy các món ngon truyền vào lỗ chân lông của họ. Vì còn nghiệp lực, giống người không dứt. Qua hết bảy ngày, nạn đói khát nhất tề yên ổn. Tất cả ác quỷ đều bỏ đi hết. Nhu cầu ẩm thực, y phục, trời cho mưa xuống. Âm dương điều hòa, mỹ vị sản sinh. Thân hình khả ái, tướng tốt phục hồi. Tất cả điều thiện, tự nhiên khơi dậy. Mát mẻ thanh tịnh, yên vui vô bệnh. Lòng từ bi phát sinh, không có ý gây phiền não. Thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp, bỗng được tụ hội, sinh lòng hoan hỷ, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Từ thọ mười tuổi, lần lượt hành thiện, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo. Thọ mệnh lâu dài, lên đến hai mươi ngàn tuổi, cho đến tám mươi ngàn tuổi, ra ngoài phép tắc, cũng như đã thuật ở trước”.

(Theo trong luận Lập Thế, một Tiểu tam tai trải qua bảy ngày. Nếu theo các kinh luận khác nói, đói khát bảy năm bảy tháng bảy ngày. Bệnh dịch bảy tháng bảy ngày, binh đao nhiều nhất trải qua bảy ngày). Thế nên, luận Du Già nói: “Lúc con người chỉ còn thọ ba mươi tuổi, mới bắt đầu xảy ra”. Vào lúc ấy, đồ ăn uống tinh mỹ không thể kiếm lại được, chỉ còn nấu nướng xương khô cùng nhau yến ẩm. Nếu gặp được một hạt thuộc bông cỏ, lúa gạo, quý trọng như ngọc Ma ni. Đem cất giấu vào hòm rương mà giữ gìn. Các chúng sinh ấy, phần đông không còn sức lực, nghiêng ngửa cứng đơ trên mặt đất, không ngồi dậy được. Vì nạn đói kém, chúng sinh chết chóc gần hết. Nạn đói kém như thế kéo dài bảy đêm, bảy ngày, bảy tháng, bảy năm mới qua khỏi. Các chúng sinh ấy lại bắt đầu tụ tập, phát tâm chán nản xa lìa thấp. Do nhân duyên nầy, thọ lượng không giảm xuống, nạn đói kém mới yên. Vả lại, nếu lúc con người chỉ còn thọ hai mươi tuổi, thì phải phát tâm chán nản lo âu, nay lại bỏ qua. Vì thế, bấy giờ có nhiều tai ương dịch lệ quái ác liên tiếp nổi lên. Các chúng sinh ấy mắc phải các dịch bệnh nầy, phần đông đều bị chết chóc. Bệnh dịch tai ương như thế xảy ra bảy đêm, bảy ngày, bảy tháng mới yên. Các chúng sinh lại cùng nhau tụ tập, phát tâm chán nản xa lìa lưng chừng. Do nhân duyên nầy, thọ lượng không giảm xuống, bệnh dịch tai ương mới yên. Vả lại, nếu lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, thì phải phát tâm chán nản lo âu, nay lại bỏ qua. Bấy giờ, chúng sinh lần lượt gặp nhau, mỗi người nổi tâm sát hại mãnh liệt. Do nhân duyên này, vừa cầm cây cỏ cho đến gạch đá, liền hóa thành dao kiếm hết sức bén nhọn, lại cùng tàn sát nhau đến khi chết sạch. Như thế, tai họa binh đao nhiều nhất trải qua bảy ngày mới yên.

Thứ năm: PHẦN TƯƠNG SINH

Theo kinh A-hàm nói: “Vào đời quá khứ, có Luân vương ra đời, tên là Đỉnh Sinh, giữ gìn trai giới, tu hành bố thí, đem của cải chu cấp cho người nghèo trong nước. Qua nhiều lúc sau, do trong nước có người nghèo khó, không thể hằng đem của cải chu cấp cho sự thiếu thốn của họ. Người dân hóa thành bần cùng. Nhân thế, đi ăn cắp của người khác. Chủ nhà rình bắt trói lại, giải đến triều, giao cho Thiên vương Đỉnh Sinh và tâu rằng: “Thưa Thiên vương, người nầy ăn cắp của cải của tôi, xin Thiên vương trị tội”. Thiên vương hỏi người ấy rằng:

“Nhà ngươi có thật sự ăn cắp không?”.

Thật sự có ăn cắp”.

Vì lý do gì?”.

Vì nghèo khó quá, nếu không ăn cắp thì không thể sống nổi”. Thiên vương liền đem của cải chu cấp cho người ấy và dạy rằng:

“Các người về đi, lần sau đừng tái phạm nữa!”. Vì cớ ấy, người dân có suy nghĩ nầy: Bọn ta cũng nên đi ăn cắp của người khác. Liền đó mỗi người tranh nhau đi ăn cắp. Như thế gọi là vì nghèo, không có của cải hằng đem chu cấp, nên người dân hóa thành bần cùng. Nhân trộm cắp sinh nhiều, nên tuổi thọ của người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ tám vạn tuổi, con thọ bốn vạn tuổi. Lúc người còn thọ bốn vạn tuổi, lại có người đi ăn cắp, bị đem nộp cho Thiên vương. Nghe tâu qua, Thiên vương có suy nghĩ nầy: Nếu trong nước ta có người ăn cắp của cải kẻ khác, ta lại đem của cải chu cấp hết cho họ. Như thế, kho tàng sẽ cạn kiệt, nạn ăn cắp lại càng sinh ra nhiều hơn. Thà nay ta làm dao rất bén, nếu trong nước còn kẻ ăn cắp của người khác, liền cho bắt về làm tội, treo lên chặt đứt đầu. Suy nghĩ xong xuôi, liền ban bố thi hành. Về sau, người dân ấy bắt chước làm loại dao bén ấy, cầm đi ăn cướp, bắt lấy khổ chủ đem chặt đứt đầu. Nhân nghèo khó quá, trộm cướp càng nhiều, nạn dùng dao giết người càng tăng, nên tuổi thọ người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ bốn vạn tuổi, con thọ hai vạn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ hai vạn tuổi, kẻ trộm cắp có suy nghĩ nầy: Nếu Thiên vương biết được, hoặc sẽ sai trói đánh ta, hoặc phạt tiền đuổi đi, hoặc cho đem treo lên. Ta nên nói dối lừa gạt Thiên vương thì hơn chăng? Nghĩ xong, đến tâu với Thiên vương: “Tôi không trộm cướp”. Như thế gọi là vì nghèo, không có của cải hằng đem chu cấp, nạn cướp của giết người tăng thêm, lại còn nói dối hai lưỡi nữa, nên tuổi thọ người dân đó giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ hai vạn tuổi, con thọ một vạn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ một vạn tuổi, liền sinh lòng ganh ghét, tăng thêm thói tà dâm, nên tuổi thọ của người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ một vạn tuổi, con thọ năm ngàn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ năm ngàn tuổi, ba pháp tăng thêm: phi pháp, dục ác pháp và tham tà pháp. Nên cha thọ năm ngàn tuổi, con thọ hai ngàn năm trăm tuổi. Lúc người dân ấy chỉ còn thọ hai ngàn năm trăm tuổi, ba pháp lại tăng thêm: Lời hai lưỡi, lời thô tục, lời thêu dệt, nên tuổi thọ giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ hai ngàn năm trăm tuổi, con thọ một ngàn tuổi. Lúc người dân ấy chỉ còn thọ một ngàn tuổi, lại tăng thêm một pháp nữa là tà kiến. Bởi vì tăng thêm một pháp nữa, tuổi thọ người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ một ngàn tuổi, con thọ năm trăm tuổi. Lúc người ta chỉ còn thọ năm trăm tuổi, người dân ấy bất hiếu với cha mẹ, không hằng tôn trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm điều phải, không tạo phước đức, không thấy tội lỗi ở kiếp sau, nên cha thọ năm trăm tuổi, con thọ hai trăm năm mươi tuổi hoặc hai trăm tuổi. Đến nay, nếu được trường thọ, hoặc thọ một trăm tuổi hoặc không bằng được”.

Phật lại bảo Tỳ-kheo: “Trong tương lai xa, người thọ mười tuổi, phụ nữ sinh được năm tháng là đã lấy chồng. Lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, có giống lúa tên là lúa lép là món ăn ngon nhất, như hiện nay cho lúa gạo là đồ ăn cao cấp. Tất cả các thứ sữa, dầu, muối, mật, mía ngọt đều mất hết. Chỉ kẻ nào làm theo mười ác nghiệp đạo mới được tôn trọng. Tất cả đều chưa được thiện. Mẹ hết sức rắp tâm muốn hại con. Con cũng hết sức rắp tâm muốn hại mẹ. Cha con, anh em, chị em, thân thuộc lần lượt đều có lòng mưu hại lẫn nhau, giống như người thợ săn thấy được con nai, hết sức rắp tâm sát hại. Lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, liền có tai kiếp binh đao bảy ngày nổi lên khốc liệt. Nếu chộp được cọng cỏ, lập tức hóa thành dao. Nếu chộp được cành củi, cũng lập tức hóa thành dao. Người người dùng dao ấy chém giết lẫn nhau tai kiếp bảy ngày. Qua bảy ngày, tai kiếp mới lặng yên. Bấy giờ, cũng có người sinh lòng hỗ thẹn, xấu xa, chán ghét, không thích thú. Trong kiếp binh đao bảy ngày nầy, cũng có người bỏ trốn vào núi non hoang dã, ẩn nấp vào chỗ kín đáo. Qua hết bảy ngày ấy, từ chỗ ẩn nấp kín đáo trong núi hoang dã, liền trở về gặp lại mọi người, sinh lòng từ mẫn, hết sức thương nhớ, giống như bà mẹ hiền chỉ có được một đứa con, ly biệt lâu ngày ở chỗ xa xôi, nay lại trở về gặp mặt, hết dức thương yêu mong nhớ nhau. Liền nói thế nầy: “Hỡi các bạn hiền, chúng ta hôm nay gặp nhau, khiến cho ai nấy đều được an lành! Chúng ta vì xưa sinh lòng bất thiện, khiến cho thân tộc đã chết sạch. Chúng ta nên cùng nhau làm phép thiện, xa lìa hẳn sát nghiệp”. Làm pháp thiện xong, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc hóa đẹp. Người thọ mười tuổi, sinh con thọ hai mươi tuổi. Người thọ hai mươi tuổi lại có suy nghĩ nầy: “Nếu cầu làm thiện thì tăng thọ và sắc hóa đẹp. Chúng ta càng nên làm thêm điều thiện, cùng bỏ thói trộm cắp. Làm điều thiện nầy xong, tuổi thọ liền tăng. Người ta sinh con thọ được bốn mươi tuổi. Lại xa lìa tà dâm, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ tám mươi tuổi. Lại bỏ nói dối, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ một trăm sáu mươi tuổi. Thọ được một trăm sáu mươi tuổi, lại bỏ lời hai lưỡi, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ ba trăm hai mươi tuổi. Lại bỏ lời thô tục, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp, người ta sinh con thọ sáu trăm bớn mươi tuổi. Lại bỏ lời thêu dệt, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi. Lại bỏ tham lam, ganh ghét, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ năm ngàn tuổi. Lại bỏ sân hận, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ một vạn tuổi. Lại bỏ tà kiến, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ hai vạn tuổi. Lại bỏ phi pháp, dục ác pháp và tham hành tà pháp. Chúng ta có thể xa lìa ba pháp xấu ác không thiện nầy. Làm xong điều thiện nầy, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ bốn vạn tuổi. Lúc thọ được bốn vạn tuổi, hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa-môn, Phạm chí, làm theo việc phải, tu tập phước nghiệp, thấy được tội lỗi kiếp sau, làm điều thiện nầy xong, người ta sinh con thọ tám vạn tuổi. Lúc người ta thọ được tám vạn tuổi, cõi Diêm-phù-đề nầy giàu có, an lạc tột đỉnh, có nhiều nhân dân, làng xóm liền kề, như gà bay là sang. Phụ nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Chỉ có bảy bệnh tật là hàn nhiệt, đại tiểu tiện, dâm dục, đói khát và già. Ngoài ra, không có hoạn nạn gì nữa. Lúc bấy giờ sẽ có Thiên vương tên Loa làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn quân chủng chỉnh đốn cai trị bốn phương thiên hạ. Có ngàn món thất bảo đầy đủ, đoan chính, dũng mãnh, vô úy, hàng phục kẻ khác. Thống lãnh đại địa, cho đến đại hải. Không dùng vũ lực, chỉ dùng chính pháp giáo hóa hiệu lệnh, khiến cho mọi người đều được an vui. (Riêng phần bệnh tật đói kém còn lại, xảy ra dài nhắn đều giống như ở trước).

Thứ sáu: PHẦN ĐỐI TRỪ

Theo luận Tân Bà-sa nói: “Tuy nhiên, có Thánh ngôn nói về cách đối phó Tiểu tam tai, bảo rằng: “Nếu có kẻ thường giữ gìn giới bất sát suốt một ngày đêm, trong kiếp mai sau, chắc chắn sẽ không gặp nạn binh đao nổi dậy. Nếu có kẻ thường đem một quả Ha lê đát kê, phát tâm thanh tịnh, cung kính bố thí tăng chúng, trong kiếp mai sau, chắc chắn sẽ không gặp nạn bệnh dịch hoành hành. Nếu có kẻ thường cầm một vắt cơm bố thí cho chúng sinh, trong kiếp mai sau, chắc chắn không gặp nạn đói kém hành hạ”.

Hỏi rằng: “Như ba Tiểu tam tai nầy, liệu các châu khác có xảy ra không?” Đáp: “Căn bản không giống, nhưng có vẻ tương tự”. Nghĩa là lửa sân tăng mạnh, thể lực gầy yếu, thường hay đói khát. Đó là nói về hai châu. Còn châu Câu Lô, tuy không mắc phải tội tình gì, cũng phát sinh ra nạn ấy, dù châu nầy không hề có lửa sân tăng mạnh.

Thuật rằng: “Chúng sinh bản tính cố chấp, không nghĩ cách chừa bỏ, đổi thay, cứ keo kiệt, tham lam, ganh ghét, làm cho ác nghiệp ngày mỗi chất đầy. Vì vậy, nhân tình trở thành hiểm hóc, thói độc tràn đầy, mau đưa vào đời Mạt pháp. Con người, vạn vật đều ác, khiến cho bẩm thụ y báo, chánh báo mòn mõi, tiêu hao. Thế nên kinh Phó Pháp Tạng nói rằng: “Vua A Thứ Già thân hành đem ban đồ ăn cho chư Tăng. Lúc ấy, tôn giả Tân Đầu Lô lấy sữa tưới lên cơm. Vua A Thứ Già bạch rằng: “Thưa đại Thánh, tính sữa khó tiêu, sợ sinh bệnh chăng?”. Tôn giả đáp rằng “Chẳng đáng lo đâu! Vì sao thế? Lúc Phật còn tại thế, nước và sữa hôm nay đều giống như nhau. Cho nên dùng sữa cuối cùng cũng chẳng sinh bệnh”. Bấy giờ, tôn giả muốn chứng nghiệm điều nầy, liền thò tay đút vào đất, sâu đến bốn vạn ba ngàn dặm, rút lấy chất béo bở đưa cho vua xem: “Nhà vua nên biết rằng hiện nay chúng sinh bạc phước, chất đất màu mỡ đều thấm thấu hết vào lòng đất. Do đó, phước đức của thế gian dần dần suy diệt”. Nhà vua cúng dường xong, hoan hỷ ra về. Vốn dĩ đức Thế-tôn tịch diệt chưa đầy một trăm năm mà xảy ra điềm nầy. Huống chi nay đã gần đủ hai ngàn năm, há còn mỹ vị? Thế nên, luận Du Già nói: “Lúc Tam tai nổi lên, bấy giờ có ba thứ suy giảm đến cùng cực: Tuổi thọ suy giảm, chỗ nương tựa suy giảm, vật thực suy giảm. Tuổi thọ suy giảm là nói tuổi thọ rút ngắn còn mười tuổi. Chỗ nương tựa suy giảm là nói thân hình nhỏ còn một vốc tay hoặc còn lại một nắm tay. Vật thực suy giảm là nói vào lúc ấy, chúng sinh chỉ còn lấy một hạt bông cỏ làm đầu trong các món ăn. Lấy tóc làm đầu trong các loại y phục, lấy sắt làm đầu trong các đồ trang sức. Năm loại mỹ vị cao cấp đều mất hẳn. Đó là các loại sữa, mật, dầu, muối và mía biến vị đường”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây