Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcThứ bảy: PHẦN NGHIỆP NHÂN
Như kinh Thập Luận nói: “Có năm tội nghịch được xem là ác
nhất. Là năm tội nghịch gì? Ấy là cố tâm giết cha mẹ, A-la-hán, phá hoại Thanh văn, phá hoại sự hòa thuận của tăng già, cho đến có ác tâm làm thân Phật đổ máu. Những tội này gọi là năm tội nghịch. Nếu có người nào làm một trong năm loại tội nói trên thì không được phép xuất gia, thọ giới cụ túc. Nếu cho phép xuất gia thì phạm tội nặng, cần phải đuổi đi. Nếu đã xuất gia, có đầy đủ các uy nghi pháp phục, thì không được đánh đập, trói giam. Lại có bốn tội lớn, ngang hàng với bốn tội nghịch căn bản. Là bốn tội gì? Ấy là giết Bích Chi Phật, gọi là tội sát sinh căn bản. Dâm dục với A-la-hán, Tỳ-kheo-ni, gọi là tội tà dâm căn bản. Nếu có người đem tiền của cúng dường Phật pháp tăng, quản lý tiền của ấy rồi tiêu xài riêng, gọi là tội ăn cắp căn bản. Nếu có người nào kiến chấp đảo điên, phá hoại các Tỳ-kheo, ấy là tội phá tăng căn bản. Nếu có người phạm một trong bốn tội căn bản ấy, đều không được cho phép xuất gia theo Phật pháp. Nếu đã xuất gia, thì không được thọ giới cụ túc. Nếu đã lỡ thọ giới cụ túc, phải đuổi đi. Vì đã có đủ uy nghi pháp phục, không nên đánh đập, trói giam, giết chết. Như thế đều gọi là tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch. Có trường hợp tội căn bản cũng là tội nghịch. Có trường hợp là tội nghịch, chứ không phải là tội căn bản. Có trường hợp không phải là tội nghịch, cũng không phải là tội căn bản.
Sao gọi là tội nghịch, đồng thời cũng là tội căn bản? Như có người nào xuất gia, đã thọ giới cụ túc, đã thấy được Chân đế, lại đem giết mất. Như thế gọi là tội nghịch, đồng thời cũng là tội căn bản. Đối với hạng người này, xét theo giới luật của ta, cần phải đuổi đi.
Sao gọi là tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch? Nếu có người xuất gia theo Chánh pháp của ta, lại cố ý giết hại các chúng sinh vô tội, hoặc dùng thuốc độc, làm cho họ sẩy thai. Như thế, gọi là phạm tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch. Nếu có đồ ăn uống, tọa cụ của chư tăng ở bốn phương, đều không đem san sẻ cùng cho hưởng dụng. Nếu có chúng sinh nào đem lòng nghi ngờ Phật pháp tăng, thấy có người xuất gia, thậm chí thấy kẻ khác đọc tụng, lại cản trở làm khó, dù chỉ một câu kệ. Đấy không phải là tội căn bản, cũng không phải là tội nghịch, chính là tội rất ác, gần với tội nghịch. Như hạng chúng sinh này, nếu không chịu sám hối, chừa bỏ tội căn, thì cuối cùng cũng không thể cho phép xuất gia theo Phật pháp. Nếu đã xuất gia, thọ giới cụ túc, lại không chịu sám hối tội lỗi thì cũng phải đuổi đi. Tại sao thế? Vì không tin chánh pháp, phỉ báng Tam thừa, phá hoại mắt chánh pháp, muốn tắt đèn pháp, cắt đứt hạt giống tam bảo, tổn hại nhân thiên, đã không được lợi ích gì, sẽ còn bị đọa vào đường ác. Hai loại người này, gọi là hủy hoại chánh pháp, phỉ báng Thánh hiền, sẽ chịu đọa đày thêm nhiều kiếp ở địa ngục. Những loại nghiệp ác như thế gọi là đại trọng tội căn bản. Sao gọi là tội không uy nghi căn bản? Nếu có Tỳ-kheo nào cố ý dâm dục, cố ý sát sinh, trộm cắp, cố ý nói dối, nếu phạm bất kỳ mộ tội nào trong bốn tội căn bản này, thì không được phép tham dự vào mọi tăng sự của các Tỳ-kheo, không được san sẻ thọ dụng đồ ăn uống, chăn đệm của chư tăng bốn phương. Tuy nhiên, nhà vua, các vị đại thần và tất cả quan lại không nên đánh đập, trói giam, dùng hình phạt, thậm chí giết chết. Như thế, gọi là thể tính tướng của tội căn bản . Sao gọi là tội trọng căn bản? Nếu có người làm nên hành vi như thế, hành vi này là căn bản ác đạo. Do đó, gọi là tội trọng căn bản. Giống như viên đạn sắt, tuy ném giữa không trung, không hề tạm dừng, lại mau mau rơi xuống đất. Cũng thế, đối với năm tội nghịch, bốn tội trọng cấm và hai loại tội chúng sinh hủy hoại chánh pháp, phỉ báng Thánh hiền, trong mười mộtloại tội này, nếu người nào phạm bất cứ một tội, khi chết đi, sẽ bị đọa vào địa ngục A tỳ”.
Lại như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Khổ sở ở địa ngục A tỳ nhiều hơn nghìn lần so với bảy địa ngục lớn ở trước. Sống qua một kiếp ở đấy, thân hình lớn năm trăm do tuần. Người nào tạo bốn tội nghịch, lớn bốn trăm do tuần. Người nào tạo hai tội nghịch, lớn hai trăm do tuần. Người nào tạo một tội nghịch, lớn một trăm do tuần. Người tạo năm tội nghịch ấy, khi sắp lâm chung, kêu gào hoảng loạn, cổ họng kéo đàm. Cứ thế chết đi, trung hữu sắc sinh ra, không thấy nghiệp báo của mình. Thân thể lớn bằng đưa trẻ lên tám. Vua Diêm La đốt cháy dây sắt, siết chặt cổ họng, rồi trói hai tay, dốc ngược đầu xuống, kéo ngược chân lên. Trải qua hai ngàn năm phải đi dốc ngược đầu xuống. Tóc tai bị đốt cháy nhiều. Trước hết, đốt cháy đầu, sau đó đốt cháy mình. Chư Thiên ở cõi lục dục ngửi phải mùi hôi trong địa ngục A tỳ ấy xông lên, lập tức tiêu tan. Tại sao thế? Vì tội nhân ở địa ngục A tỳ cực kỳ hôi hám”.
Lại nữa, kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói: “Phật bảo A Nan, nếu có chúng sinh nào giết cha hại mẹ, nhục mạ người thân, làm những tội ấy, đến lúc mệnh chung, trong khoảng nhấp nháy, nhanh như lực sĩ duỗi tay, sẽ bị rơi tuốt xuống địa ngục A tỳ, vua Diêm La hóa thân, cất cao tiếng dạy bảo: “Hỡi các tội nhân ngu si trong địa ngục! Khi bọn ngươi còn sống trên thế gian, đã bất hiếu với cha mẹ, sai trái, kiêu căng vô đạo, nên ngày nay bọn các ngươi phải sinh vào chỗ gọi là địa ngục A tỳ”. Nói xong lời này, liền biến mất không thấy nữa. Bấy giờ, ngục tốt lại xô đẩy tội nhân đi từ ngăn dưới lên đến ngăn trên, trải qua khắp tám vạn bốn nghìn ngăn, chen chúc nhau đi, đến mép lưới sắt. Trong một ngày đêm, thì đã đi trọn một vòng địa ngục A tỳ. Một ngày một đêm ở đấy, nếu đem so sánh với thời lượng ở châu Diêm-phù-đề này, đã trải qua sáu mươi Tiểu kiếp. Cứ thế, thọ mệnh ở đây hết một đại kiếp. Người nào làm đủ năm tội nghịch, sẽ chịu tội đủ năm kiếp. Lại có chúng sinh phạm bốn tội trọng cấm, ăn không của cải do tín chủ cúng dường, phỉ báng, tà kiến, không biết nhân quả, bỏ ngang học tập Bát nhã, hủy báng chư Phật mười phương, ăn cắp tiền của của tăng già, dâm dật vô đạo, cưỡng hiếp chị em, bà con của các Tỳ-kheo-ni đã giữ giới thanh tịnh, không biết xấu hổ xâm phạm tình dục người thân, gây chuyện xấu xa ấy. Quả báo của loài người này, đến khi mệnh chung, sẽ bị gió dao xẻ xác, trong một giây lát, thân như hoa sắt, bay đầy khắp mười tám ngăn. Mỗi một hoa sắt có tám vạn bốn ngàn ngọn lá. Đầu mỗi ngọn lá có thân thể chân tay, bay vào trong mỗi một ngăn. Địa ngục không lớn, thân cũng không nhỏ. Cứ thế, thân xác rơi đầy trong địa ngục lớn. Trải qua tám vạn nghìn đại kiếp, khi địa ngục này hủy diệt, tội nhân lại bị di chuyển vào trong mười tám ngăn ở phương Đông, tiếp tục chịu khổ như trước. Rồi lại trải qua mười tám ngăn ở các phương Tây Nam Bắc của địa ngục A tỳ này. Phỉ báng kinh điển Đại thừa, tạo đủ năm tội nghịch, phá hoại Tăng kỳ, cưỡng hiếp Tỳ-kheo-ni, cắt đứt thiện căn. Như loại tội phạm này, tạo đủ các tội ác ấy, thân thể sẽ vung vãi khắp địa ngục A tỳ, chân tay rải rác đầy cả mười tám ngăn. Địa ngục A tỳ này chỉ thiêu đốt các tội nhân ở trong địa ngục này mà thôi. Khi sắp hết kiếp, cửa Đông lập tức mở ra. Thấy ngoài cửa suối chảy róc rách, hoa quả rừng cây đều có đủ, các tội nhân trong này liền kéo nhau từ ngăn dưới chạy lên đến ngăn trên, tay giương bánh xe dao. Bấy giờ, giữa hư không bỗng đổ xuống cơn mưa đạn sắt nóng hổi. Tội nhân lũ lượt chạy đến cửa Đông, vừa chạm ngạch cửa, bọn ngục tốt cầm chĩa sắt đâm bừa vào mắt. Chó sắt xé xác móc tim, bọn tội nhân đau đớn, đứt hơi mà chết. Chết xong, sống lại. Lại thấy cửa Nam mở ra, quang cảnh cũng y như trước, không khác chút nào. Lần lượt, các cửa Tây, cửa Bắc cũng đều xảy ra như thế. Trong khoảng thời gian ấy, đã trải qua nữa kiếp. Tội nhân chết ở địa ngục A tỳ xong, sinh vào địa ngục Giá lạnh. Ở địa ngục Giá lạnh chết xong, lại sinh vào địa ngục Tối tăm. Suốt 8 nghìn vạn năm, hai mắt chẳng thấy được gì, chịu làm thân trăn lớn, uốn éo bụng bò đi. Các Tình đều tối tăm bế tắc, chẳng hiểu được gì, bị trăm ngàn sói chồn lôi kéo ăn thịt. Sau khi chết xong, sinh vào đường súc sinh. Trải qua năm ngàn vạn kiếp phải mang thân chim chóc thú vật, rồi mới được làm người. Điếc mù ấm ớ, cùi hủi ung thư, nghèo nàn đê tiện. Tất cả những hình tướng suy yếu hao gầy đều mang đủ trên thân như đồ trang sức. Chịu thân thế nghèo hèn như thế suốt năm trăm kiếp, sau đó lại còn sinh vào trong đường ngạ quỷ. Trong đường ngạ quỷ, may gặp được các bậc đại Bồ tát thiện tri thức trách cứ giúp rằng: “Vào vô lượng kiếp trước, tiền thân của nhà ngươi đã từng gây nên vô hạn tội lỗi, phỉ báng không tin Phật pháp, bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu đủ mọi điều khổ sở. Hôm nay, nhà ngươi nên mở lòng từ bi. Lúc ấy, bọn ngạ quỷ nghe lời này xong, liền niệm nam mô Phật, ca tụng uy lực vô biên của Phật. Liền đó mệnh chung, sinh vào Trời Tứ thiên vương. Sau khi đã được sinh vào cõi Trời ấy, ăn năn hối lỗi, phát tâm Bồ đề. Chư Phật quang minh, không nỡ bỏ chúng, liền nhiếp thọ giùm cho, như đối với La hầu la, dạy cho tránh xa địa ngục. Khéo tự giữ gìn, như yêu chính tai mắt”. Thế nên, trong kinh Khởi Thế, đức Thế-tôn có nói bài kệ rằng:
“Nếu người, thân khẩu ý tạo nghiệp,
Tạo xong, đi vào trong đường ác.
Như thế, phải sinh vào ngục Sống lại,
Kinh hãi đến nỗi lông dựng đứng.
Trải qua vô số muôn ngàn kiếp,
Chết xong, giây lát vụt sống dậy,
Oán thù nhất nhất đều báo đủ.
Do đó, chúng sinh lại giết nhau.
Nếu nổi ác tâm với cha mẹ,
Hoặc Phật, Bồ tát và Thanh văn,
Loại này đều đọa ngục Dây đen,
Ở đó, chịu khổ hết sức nóng.
Dạy người làm phải, nên làm trái,
Thấy người hướng thiện, quyết phá hoại.
Loại này cũng đọa ngục Dây đen.
Hai lưỡi, chửi mắng, nói dối nhiều,
Thích làm ba loại ngiệp ác nặng,
Không tu ba loại mầm thiện căn,
Bọn ngu si này sẽ bị đọa,
Vào trong địa ngục lớn Cùng ép.
Hoặc giết dê ngựa và trâu bò,
Các loại gia súc như gà heo,
Và giết các loại kiến mối khác,
Bọn ấy phải vào ngục Đè ép.
Thế gian có nhiều cách khủng bố,
Đem ra hành hạ các chúng sinh.
Phải đọa vào trong ngục Đá mài,
Chịa đựng xay giã, đè mài đau.
Vì tật tham dâm ngu giận nặng,
Quay về chân lý lại cản ngăn.
Làm sai, phán đúng, bẻ pháp luật.
Kẻ ấy sẽ bị do kiếm đâm.
Ỷ thị cường quyền cướp kẻ khác,
Già trẻ lớn bé đều bóc lột.
Nếu làm những chuyện bức xúc này,
Sẽ bị voi sắt giày xéo nát!
Nếu thích giết hại các chúng sinh,
Chân tay vấy máu, lòng đanh ác.
Thường gây những nghiệp dữ như thế,
Loại ấy phải đọa ngục Kêu gào.
Hành hạ chúng sinh đủ mọi cách,
Nên bị đốt ở ngục Kêu gào.
Trong đó còn ngục Kêu gào lớn,
Ấy bởi nịnh nọt và giảo hoạt.
Do nhiều thứ Kiến che lấp kín,
Do lưới Yêu dày nhận đắm chìm,
Gây nên các nghiệp quá hạ cấp,
Bọn ấy đọa ngục Kêu gào lớn.
Nếu đến ngục Kêu gào lớn ấy,
Thành sắt cháy phừng sợ dựng lông!
Trong đó, nhà sắt và phòng sắt,
Người nào vào đó đều bị đốt.
Nếu làm những chuyện ở thế gian,
Thường gây phiền não đến chúng sinh.
Bọn ấy đọa vào địa ngục Nóng,
Chịu khổ vì nóng đến vô cùng.
Thế gian Sa-môn, Bà-la-môn,
Cha mẹ, ông bà, các kỳ lão,
Nếu thường gây khổ, khiến không vui,
Bọn ấy đều đọa địa ngục Nóng.
Làm Trời thanh tịnh, không chịu tu,
Thường hay xa lánh các người thân.
Kẻ thích gây nên những chuyện ấy,
Cũng phải đọa vào địa ngục Nóng.
Ác với Sa-môn, Bà-la-môn,
Và những người tốt như cha mẹ,
Hoặc hại đến các bậc tôn trưởng,
Kẻ ấy bị đốt ở ngục Nóng.
Thường tạo các nghiệp ác rất nhiều,
Chưa từng nảy lên chút lòng thiện.
Kẻ này lọt tuốt xuống A tỳ,
Phải chịu vô lượng nỗi khổ não.
Nếu nói chánh pháp là phi pháp,
Nói bậy phi pháp là chánh pháp,
Lại không làm thêm các việc thiện,
Kẻ ấy phải vào ngục A tỳ.
Sống lại, Dây đen là hai ngục,
Cùng ép, hai Kêu gào thành năm.
Thiêu đốt, Thiêu đốt lớn thành bảy.
Với ngục A tỳ thành ra tám.
Tám này gọi là tám ngục lớn,
Cháy rực, rất khổ, khó chịu nổi.
Do người tạo ra các nghiệp ác,
Trong đó, ngục nhỏ có mười sáu”.
Thứ tám: PHẦN GIỚI ÚC
Như kinh Khởi Thế nói rằng: “Phật bảo các Tỳ-kheo, có ba vị Thiên sứ tại thế gian. Là ba vị nào? Một là Thiên sứ già, hai là Thiên sứ bệnh, ba là Thiên sứ chết. Có người phóng túng, làm ba nghiệp ác. Khi thân nát mệnh chung, sinh vào địa ngục. Các ngục tốt đúng lúc tiến tới, áp giải chúng sinh ấy đến trước vua Diêm La, bạch rằng: “Thưa đại vương, chúng sinh này trước đây ở trên thế gian, phóng túng hung hăng, không làm tốt ba nghiệp. Hôm nay sinh xuống nơi đây, chỉ xin đại vương khéo léo dạy bảo giùm cho”. Nhà vua hỏi tội nhân: “Trước đây, khi nhà ngươi còn ở trên thế gian, có vị Thiên sứ thứ nhất đã từng khéo léo chỉ bảo, trách cứ nhà ngươi. Há nhà ngươi đã không thấy xuất hiện chăng?”. Tội nhân đáp: “Thưa đại Thiên, thật tình tôi đã không thấy. Nhà vua lại bảo rằng: “Nhà ngươi há lại không thấy, phàm được làm người, hoặc đàn bà, hoặc đàn ông, khi tướng già xuất hiện thì răng long tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, đồi mồi trổ khắp, nhìn giống rắc mè. Vai xệ lưng còng, bước đi khập khiểng. Chân không tự chủ, xiêu vẹo ngã nghiêng. Cổ họng da thòng, hai bên xệ xuống, chẳng khác yếm bò. Môi miệng khô queo, họng lưỡi nóng rát. Thân thể ốm o, sức lực suy nhược. Thở ra hổn hển, giống như kéo cưa. Bước tới muốn ngã, nhờ gậy chống đi. Sức trẻ tiêu tan, khí huyết cạn kiệt. Gầy gò lê lết, bước trên đường đời. Cử chỉ nặng nề, không còn dáng trẻ. Thậm chí thân tâm, thường xuyên run sợ. Nhà ngươi có thấy chăng? Tội nhân đáp rằng: “Thưa đại thiên, tôi thấy thật rồi”. Bấy giờ, nhà vua mới bảo rằng: “Nhà ngươi ngu si, không có trí tuệ. Trước đây đã thấy được tướng mạo của Thiên sứ già, tại sao không chịu suy nghĩ rằng, nay ta có đủ tướng già như thế, nhưng chưa lìa bỏ được. Ta nên làm việc thiện khiến cho ta mãi mãi được lợi ích, an lạc?”. Tội nhân ấy lại trả lời rằng: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế, nên đã đem tâm phóng túng để làm điều càn rỡ”. Nhà vua lại bảo rằng: “Nhà ngươi là kẻ ngu si, không tu tập nghiệp thiện, phải chịu đủ tội phóng túng. Quả báo khổ sở này chẳng do ai tạo ra, chính là do tự nghiệp của nhà ngươi, nên hôm nay phải tụ họp lại để gánh chịu lấy quả báo”.
Bấy giờ, vua Diêm La lại đưa ra lời trách cứ thứ hai rằng: “Các người há không thấy Thiên sứ thứ hai xuất hiện trên thế gian chăng? Tội nhân đáp: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình không thấy”. Nhà vua lại bảo rằng: “Há nhà ngươi chẳng thấy, khi còn làm người trên thế gian, như làm thân đàn bà, như làm thân đàn ông, tứ đại đang hòa hợp, bỗng nhiên lệch sai. Bệnh dữ chiếm xâm, triền miên khốn đốn. Hoặc nằm trên chõng con giường lớn, phóng uế dơ dáy. Lăn lóc trong đó, không được yên ổn. Nằm ngồi ngủ nghỉ, cậy người đỡ nâng. Lau rửa giữ gìn, cho ăn cho uống, đều phải nhờ người. Nhà ngươi thấy chăng? Người ấy đáp rằng: “Thưa đại Thiên, tôi đã thấy thật”. Nhà vua lại bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, nếu nhà ngươi thấy thật như thế, tại sao không chịu suy nghĩ rằng, hôm nay chính ta cũng có tướng bệnh như thế, nhưng chưa lìa bỏ được. Ta nên làm việc thiện, khiến cho mai sau mãi mãi được lợi ích lớn, an vui lớn?”. Người ấy đáp rằng: “Không! Tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế. Do lòng lười biếng, nên đã làm chuyện phóng túng càn rỡ”. Nhà vua bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, vì nhà ngươi đã lười biếng không làm việc thiện, nên phải chịu quả báo xấu xa này. Chẳng do ai tạo ra, nên phải gánh chịu lấy quá báo”.
Bấy giờ, vua Diêm La lại đưa ra lời trách cứ thứ ba rằng: “Nhà ngươi thật ngu si. Ngày trước, khi còn làm người, nhà ngươi há không thấy Thiên sứ thứ ba xuất hiện trên thế gian chăng?”. Người ấy trả lời: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không trông thấy”. Nhà vua lại bảo rằng: “Khi nhà ngươi còn làm người trên thế gian, há lại không thấy như làm thân đàn bà, như làm thân đàn ông, tùy số chết đi, đem đặt lên giường, lấy áo nhiều màu đậy che lại. Khiêng khỏi xóm làng, giăng màn che lọng, đủ thứ trang nghiêm. Thân quyến vây quanh, giơ tay xõa tóc. Đầu lấm tro bụi, hết sức đau thương. Kêu gào khóc lóc, cất tiếng gọi to. Đấm bụng đớn đau, nghẹn lời tức tưởi. Nhà ngươi đều đã thấy chăng?”. Người ấy trả lời: “Thưa đại Thiên, tôi đã thấy thật”. Bấy giờ, nhà vua bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, trước đây nhà ngươi đã thấy được như thế, tại sao chẳng suy nghĩ rằng, ta cũng phải chết, chưa thể thoát ly. Nay nên làm thiện, giúp cho ta mãi mãi có được lợi ích lớn lao?”. Người ấy đáp rằng: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế. Tại sao? Vì lòng phóng túng ngông cuồng”. Bấy giờ, nhà vua bảo rằng: “Nhà ngươi đã phóng túng, không làm việc thiện, tự tạo nên nghiệp ác này, chẳng phải do ai gây ra. Quả báo này, nhà ngươi phải tự mình gánh chịu”. Sau khi vua Diêm La đã đem ba vị Thiên sứ ra trách cứ tội nhân xong, liền ra lệnh dắt đi. Bấy giờ, bọn ngục tốt lập tức bắt tội nhân, túm lấy hai chân hai tay, dốc ngược đầu xuống, giơ hai chân lên, ném vào trong các địa ngục”.
Thuật rằng:
Than ôi! Lấp dòng nước chảy, chưa bằng bít kín đầu nguồn, giở ấm nước sôi, chưa bằng dập tắt bếp lửa. Tại sao? Nguồn phát ra nước, nguồn chưa bít kín thì nước không khô, lửa khiến nước sôi, bếp chưa dập thì nước há nguội? Thế nên, có bạn bít đầu nguồn, chẳng lấp dòng, nước đã tự cạn, có khách dập bếp lửa, không giở ấm, nước nóng tự nguội. Giống thế mà bàn, cũng biết rõ được: chỉ chán quả báo, chưa bằng cắt đứt nghiệp nhân, chỉ sợ khổ đau, há bằng răn đe việc ác? Nhân sinh ra quả, nhân chưa cắt đứt thì quả vẫn không cùng, ác tạo ra khổ, ác chưa chịu phạt thì khổ há hết? Thế nên, khiến kẻ học cắt đứt nghiệp nhân, không đợi chán, quả cũng cao tay, bậc tôn đức răn đe việc ác, chẳng cần sợ, khổ cũng xa chạy.
Hết thảy các bậc quân tử, nên chép lại để răn đe mình!
Tụng rằng:
“Sinh ra rồi lại chết đi,
Mặt trời khuất bóng, trăng thì lên ngôi.
Gió lay cành yếu rã rời,
Xôn xao nhân thế sóng nhồi nổi trôi.
Ngu si lạc mất đường rồi,
Chìm vào vực thẳm là nơi tủi sầu.
Sa chân xuống địa ngục sâu,
Rắc đầy chông nhọn ở lâu muôn đời.
Sáu đường luân chuyển tơi bời,
Chỉ vì ba nghiệp khúc nôi chưa tường.
Giữa dòng, ai cứu mà mong,
Thảm thương chỉ biết riêng lòng xót xa.
Ngắm xem vạn tượng bao la,
Chẳng qua cũng chỉ mù lòa dối nhau.
Biển trần vui sướng chi đâu,
Thuyền từ Bát nhã nguyện cầu bước lên”.
DUYÊN CẢM ỨNG
Trích dẫn sơ lược bảy chuyện linh nghiệm: 1. Cư sĩ Triệu Thái đời Tấn. 2. Sa-môn Chi Pháp Hành đời Tấn. 3. Cư sĩ Thạch Trường Hòa đời Ngụy. 4. Quỷ ở Hàm Cốc đời Hán. 5. Tiếng khóc ở huyện Lô Giang. 6. Vạc nước sơi ở nước Thổ Phồn. 7. Liêu Trí Cảm làm phán quan ở địa ngục đời Đường.
1. Triệu Thái đời nhà Tấn: tự là Văn Hòa, người Bối Khâu thuộc huyện Thanh Hà. Ông nội từng làm thái thú ở Kinh Triệu. Thái đậu hiếu liêm ở quận nhà, được mời làm quan tại địa phương, nhưng không nhận chức. Chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, có tiếng tăm khắp xóm làng. Đến già mới ra làm quan, mất khi đang giữ chức trung tán đại phu. Năm Thái được ba mươi lăm tuổi, bỗng nhiên lên cơn đau tim một lát rồi qua đời. Người nhà đem xác đặt xuống đất, tim còn nóng hẩm không nguội. Tay chân giở lên còn mềm mại, nên người nhà quàn xác lại suốt mười hôm. Bỗng nhiên, trong cổ họng phát ra tiếng rào rào như mưa, được một lúc thì sống lại. Thái kể rằng, khi mới chết, mơ màng thấy có một người đến kề cận dưới tim. Lại có hai người khác cưỡi ngựa vàng và hai kẻ tùy tùng đến xốc nách Thái đưa đi thẳng về hướng Đông. Không biết bao nhiêu dặm, đến một tòa thành lớn, cao chót vót, sắc xanh đen như thiếc. Bọn họ đưa Thái vào cửa thành, qua thêm hai lớp cửa dày nữa. Có chừng vài nghìn gian nhà ngói. Người nam nữ lớn nhỏ, cũng khoảng mấy nghìn người đang đứng xếp hàng. Đề lại mặc áo đen, độ năm, sáu người, đọc rõ tên họ rồi nói: “Phải đem tội trạng trình lên nhà vua”. Tên Thái nằm vào thứ hai mươi. Giây lát, bọn họ đưa Thái và mấy nghìn người nam nữ cùng tiến lên phía trước. Nhà vua ngồi quay mặt về hướng Tây, nhìn sơ qua sổ bộ xong, lại bảo Thái đi vào trong cửa màu đen ở phía Nam. Một vị mặc áo đỏ ngồi trong tòa nhà lớn, theo thứ tự gọi tên, hỏi việc làm lúc sống, gây nên tội gì, tạo được việc thiện nào. Dặn dò các người phải nói thật. Ở đây thường xuyên phái sứ giả của sáu bộ lên nhân gian ghi chép đầy đủ việc thiện ác. Không thể nói dối hão huyền. Thái khai cha anh đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Riêng mình từ nhỏ ở nhà tu học mà hoi, không làm việc gì khác, cũng không làm việc ác. Liền phái Thái làm sứ giả giám sát bên thủy quan. Thái đem hơn hai ngàn người mang cát đắp bờ sông, đêm ngày coi sóc siêng năng khó nhọc. Sau chuyển qua làm đô đốc thủy quan, coi sóc việc hình ngục. Cấp cho Thái người ngựa theo hầu, đi giám sát các địa ngục. Những địa ngục đi qua, các khổ hình đều khác biệt. Hoặc lấy kim đâm lưỡi, máu chảy đầy mình. Hoặc bới đầu lộ tóc, chân không trần truồng, cùng dắt nhau đi. Có người cầm hèo, từ sau đốc thúc. Giường sắt, cột đồng đốt cháy, đỏ suốt trong ngoài. Bắt buộc đám người này ngồi lên giường sắt, ôm lấy cột đồng. Lập tức bị cháy nát tan, rồi bỗng sống lại. Hoặc vạc lớn lò nóng, nấu nướng tội nhân. Đầu thân rời rã, lăn lộn theo nước sôi sùng sục. Có quỷ sứ cầm chĩa đứng sát một bên. Khoảng ba, bốn trăm người đứng riêng một chỗ, chờ phiên vào vạc, ôm nhau khóc lóc thảm thương. Hoặc cây kiếm cao lớn, không biết đến đâu. Mắt, cành, chồi lá đều làm bằng kiếm. Mọi người chê nhau, tự vịn trèo lên. Chưa hết hân hoan thì đầu thân đã bị cắt lìa, từng ly từng tí. Thái thấy ông nội, cha và hai em ở trong địa ngục này. Mọi người gặp nhau, cùng khóc lóc não ruột. Thái vừa ra khỏi cửa ngục, thấy có hai người mang văn thư đến, nói với cai ngục rằng, có ba người được gia đình lên chùa lập đàn, treo phướn thắp nhang, cầu giải tội giùm cho. Nên đưa họ ra nhà phước. Giây lát, thấy ba người từ địa ngục bước ra, ăn mặc áo quần tươm tất ngay ngắn trên mình, đi đến một cửa phía Nam gọi là đại sảnh Khai quang, có ba lớp cửa son chói lọi rực rỡ. Ba người lập tức bước vào trong, Thái cũng vào theo. Trước là điện lớn, trang hoàng đủ thứ châu báu, chiếu diệu hoa mắt, trần thiết Thiền sàng bằng vàng ngọc. Thái thấy được một vị thần nhân, dáng dấp hùng vĩ, hết sức phi thường, ngồi trên bảo tọa ấy. Hai bên có rất nhiều Sa-môn đứng hầu. Vua Diêm La bước đến, cung kính hành lễ. Thái hỏi: “Đây là vị nào mà vua Diêm La cung kính đến thế?”. Đề lại đáp: “Đây là đức Thế-tôn, vị đạo sư cứu độ chúng sinh”. Một lát, Ngài bảo mọi người trong địa ngục bước ra nghe kinh. Bấy giờ, có khoảng 1 trăm vạn chín ngàn người đều được ra khỏi địa ngục, đến thành Trăm dặm này. Tại đây, đông đảo mọi người đều được ngồi xuống để nghe thuyết pháp. Tuy hạnh kiểm còn chỗ thiếu sót, nhưng cũng đều được siêu độ cả. Thế nên, trong bảy ngày khai kinh này, mọi người tùy theo nghiệp nhân nặng nhẹ ít nhiều đã tạo ra, lần lượt đều được giải thoát. Trong khi Thái còn chưa ra khỏi nơi đây, đã thấy có hơn hàng ngàn người bay lên trời. Rời khỏi thành này, lại thấy một thành khác rộng hơn hai trăm dặm, gọi là thành Chịu biến hình. Sau khi tội nhân đã bị xét hỏi, xử trí ở địa ngục xong xuôi, phải vào thành này để chịu quả báo biến đổi hình dạng. Thái vào thành này, thấy hơn mấy ngàn gian nhà ngói cao lớn đều có phòng ốc. Chính giữa là ngôi nhà ngói lớn, có lan can tô vẽ rực rỡ, gồm mấy trăm phòng. Đề lại tra cứu văn thư, nói rằng: “Kẻ sát sinh phải làm phù du, sáng sinh chiều chết. Kẻ trộm cướp phải làm heo dê, bị người mổ xẻ. Kẻ dâm dật phải làm le cò, vịt trời, hươu nai. Kẻ hai lưỡi hại người phải làm chim cắt, cú mèo. Kẻ giựt nợ phải làm la lừa, lạc đà, trâu ngựa”. Thái độ chừng đã xử lý xong xuôi, bèn trở về thủy quan. Chủ sự bảo: “Ông vốn con nhà quý tộc, vì tội gì phải vào đây?”. Thái đáp: “Ông cha, anh em đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Tôi đã từng tuyển ra làm quan, nhưng từ chối không đi. Ở nhà đọc sách, tu thân, không tiêm nhiễm thói xấu xa”. Chủ sự bảo: “Ông vô tội nên được phái làm đô đốc thủy quan. Nếu không, thì cũng đã chịu số phận như các tội nhân khác ở địa ngục rồi”. Thái hỏi chủ sự: “Người ta phải làm gì, lúc chết mới được hưởng quả báo an lạc?”. Chủ sự nói: “Chỉ có những đệ tử thờ phụng Phật pháp, giữ gìn giới luật, mới được quả báo an lạc, không bị trách phạt mà thôi”. Thái lại hỏi: “Những tội lỗi gây ra trước khi thờ phụng Phật pháp, liệu có được trừ đi sau khi đã thờ phụng chăng?”. Đáp rằng: “Đều trừ được cả”. Nói xong, chủ sự mở hộp khóa vàng, tra xét lại tuổi tác của Thái, thấy còn sống thêm được ba mươi năm nữa, bèn khiến Thái trở về. Khi từ biệt, chủ sự căn dặn: “Ông đã thấy được quả báo ở địa ngục phân minh như thế, nên nói lại cho mọi người trên thê gian đều biết, để họ làm thiện. Thiện ác theo người như hình với bóng. Há chẳng nên cẩn thận?”. Bấy giờ, bà con thân thích nội ngoại đến thăm Thái khoảng năm mươi, sáu mươi người, đều nghe lời Thái kể. Thái cũng chép lại để trao cho mọi người cùng xem. Ấy là ngày 13 tháng 7, dưới niên hiệu Thái Khang thứ năm đời nhà Tấn. Thái liền mời nhiều tăng sĩ đến lập đàn lớn cầu phúc cho ông nội, cha mẹ và hai em. Thái còn cho con cháu sửa mình, học tập Phật pháp. Khuyên nhủ phải siêng năng. Người đương thời nghe tin Thái đã chết rồi sống lại, được thấy rõ nhiều chuyện họa phúc, liền rủ nhau đến thăm hỏi. Có các ông Thái trung đại phu Tôn Phong ở Vũ Thành, quan nội hầu Hách Bá Bình ở Thường Sơn, cả nhóm đông hơn mười người, cùng đến nhà Thái, hỏi rõ mọi chuyện trước sau. Mọi người đều sợ hãi, cùng xin phát tâm thờ phụng Phật pháp.
2. Sa-môn Chi Pháp Hành là người đầu đời nhà Tấn: Mắc bệnh một tuần chết đi, ba hôm sau sống lại, kể rằng khi chết có người dẫn đi. Thấy có mấy chỗ giống công sở, không chịu tiêp nhận. Giây lát bỗng có bánh xe sắt, trên đó tua tủa móng sắt, từ phía Tây chạy lại, không có người điều khiển, nhưng chạy nhanh như gió. Một đề lại hô: “Tội nhân hãy đứng vào trước bánh xe!”. Hành kinh hoàng, ân hận đã không tinh tiến tu trì. Nay phải chịu nạn dưới bánh xe này chăng? Đề lại vừa nói xong, lại bảo: “Đạo nhân có thể ra khỏi nơi đây”. Liền đó, Hành thấy trên trời có lỗ hổng, bất giác mình đã bay lên rồi lấy đầu chui vào. Hai tay vén hai bên, nhìn quanh bốn phía, thấy các cung điện bằng thất bảo và các người trên trời. Hành cố sức nhảy nhót, nhưng không thể lên được. Mệt mỏi quá, đành phải trở về. Người dắt Hành đi mỉm cười, bảo rằng: “Bị mắc vật gì mà không thể lên được?”. Bèn đem Hành đem giao cho thuyền quan. Thuyền quan chèo thuyền, sai Hành cầm lái. Hành nói: “Tôi không biết cầm lái”. “Cứ gắng đi!”. Hằng mấy trăm chiếc thuyền đều chèo theo sau thuyền của Hành. Vì Hành không biết cầm lái, nên thuyền chạy đâm lên bãi cát. Bọn chức sắc xô đẩy Hành, nói: “Nhà ngươi dẫn đường mà lại đi lạc, theo luật phải chém đầu!”. Rồi dẫn Hành lên bờ, đánh trống sửa soạn chém đầu Hành. Bỗng nhiên có hai con rồng ngũ sắc hiện ra, đẩy thuyền xuống nước trở lại. Chức sắc bèn tha tội, chở Hành đi về phía Bắc khoảng ba mươi dặm, thấy hai bên bờ có chừng mấy vạn vạn nóc nhà, bảo rằng đó là nhà của dân lưu lạc. Hành lén trốn lên bờ. Trong làng thả chó xông ra suýt cắn phải. Hành vô cùng sợ hãi, nhìn về phía Tây Bắc có ngôi giảng đường, trên có rất nhiều tăng sĩ. Nghe có tiếng tụng kinh, Hành chạy một mạch lên đó. Giảng đường có mười hai bậc cửa, Hành mới bước lên bậc thứ nhất, đã thấy tiên sư Pháp Trụ ngồi trên Thiền sàng. Thấy Hành, ngài bảo: “Chính là đệ tử của ta. Tại sao lại đến đây?”. Rồi ngài bước lại đầu bậc thềm, lấy khăn tay đánh vào mặt Hành và bảo: “Đừng bước đến!”. Hành rất muốn bước đến, bèn cất chân lên. Ngài Pháp Trụ lại xô đẩy bảo xuống, đến ba lần Hành mới chịu dừng lại. Thấy trên mặt đất có một miệng giếng sâu chừng ba, bốn trượng. Tường thành liền lạc, không có vết gạch xây nên. Trong bụng Hành bảo đây là giếng tự nhiên của trời. Bên giếng có người bảo rằng: “Nếu không tự nhiên sao gọi là giếng?”. Nhân thấy ngài Pháp Trụ cứ nhìn theo Hành, người ấy bảo Hành nên quay về lại, chó không cắn nhà ngươi nữa đâu. Đi đến bờ sông lại không thấy chiếc thuyền đã chở đến trước đây, Hành khát quá muốn uống nước, liền rơi xuống sông. Nhờ thế, được sống lại. Sau đó, Hành xuất gia, giữ giới ăn chay. Đêm ngày chuyên tâm suy nghĩ, cố gắng trở thành vị Sa-môn rất có đạo hạnh. Tỳ-kheo Pháp Kiều vốn là đệ tử của Pháp Hành vậy.
3. Thạch Trường Hòa là cao nhân của nước Triệu: Năm lên 19 tuổi, mắc bệnh một tháng rồi chết. Nhà nghèo, không thể lo việc tẩm liệm đúng ngày giờ được. Qua bốn hôm sau, sống lại kể rằng khi mới chết, đi về phía Đông Nam, thấy hai người sửa đường ở trước mặt Hòa năm mươi bước. Hòa đi nhanh chậm thì hai người kia cũng sửa đường nhanh chậm theo một khoảng cách chừng năm mươi bước. Hai bên đường, gai góc mọc um tùm như vuốt chim diều dâu. Hòa thấy rất nhiều người đi trong gai góc. Thân thể bị tổn thương rách nát, đất dính máu me bê bết. Mọi người thấy Hòa được đi trên đường bằng phẳng, đều thở than: “Một mình con Phật được đi trên đường lớn!”. Đến phía trước, có một dãy nhà lầu lợp ngói rộng mấy nghìn gian. Có một ngôi nhà rất cao, trên có một người, hình dáng mặt mày to lớn, mặc áo màu đen bốn vạt, ngồi nhìn ra cửa, Hòa vái chào. Người trên gác bảo: “Hôm nay, ông Thạch mới đến đây, cách biệt nhau đã hai mươi năm rồi nhỉ!”. Bấy giờ, trong trí Hòa liền nhớ ra buổi chia tay năm ấy. Bạn thân quen của Hòa chỉ có Mã Mục và Mạnh Thừa, mà vợ chồng Mạnh Thừa chết cũng đã lâu rồi. Người trên gác hỏi: “Ông còn nhớ Mạnh Thừa không? “. Trường Hòa đáp: “Còn nhớ”. Người trên gác nói: “Lúc còn sống, Mạnh Thừa không tinh tiến tu hành, nay thường phải lo quét dọn cho ta. Còn vợ Mạnh Thừa, nhờ tinh tiến hơn nên sống rất an lạc”. Rồi đưa tay chỉ vào một gian phòng ở phía Tây Nam và nói: “Vợ Mạnh Thừa ở chỗ đó”. Vợ Mạnh Thừa mở cửa sổ, thấy Hòa, chào hỏi rất ân cần, lại hỏi thăm tin tức tất cả gia đình được bình an không. Rồi nói tiếp: “Khi nào ông Thạch về, xin qua cho gặp mặt để nhờ chuyển thư giùm”. Giây lát, thấy Mạnh Thừa cầm chổi, xách sọt rác từ căn gác phía Tây đi lại, cũng hỏi thăm tin nhà. Người trên gác nói: “Nghe rồng cá cho hay, ông rất tinh tiến. Vậy ông tu hành phép gì?”. Trường Hòa đáp rằng: “Không ăn cá thịt, rượu cũng không ghé môi. Thường tụng kinh Phật, cứu giúp những người đau ốm”. Người trên gác nói: “Quả là lời đồn không sai”. Nói chuyện hồi lâu, người trên gác hỏi viên chủ quản văn thư rằng: “Xem lại hồ sơ của ông Thạch, đừng để sai sót”. Viên chủ quản xem lại xong, trả lời: “Mạng sống còn hơn ba mươi năm”. Người trên gác hỏi rằng: “Ông muốn về lại không?”. Hòa trả lời: “Muốn về”. Bèn ra lệnh cho chủ quản lấy xe ngựa giao cho hai người thuộc hạ đưa Hòa về. Trường Hòa bái từ, lên xe trở về. Trên đường về, phía trước đều có nhà công quán, thuộc lại, đồ ăn uống chuẩn bị sẵn sàng. Bỗng nhiên về đến nhà, Hòa chán cái xác đã hôi, không muốn nhập vào, cứ đứng chần chừ trên đầu. Thình lình, thấy em gái đã mất, từ phía sau xô ngã vào trên mặt xác chết. Nhờ thế, Hòa được sống lại. Bấy giờ, tăng sĩ Chi Pháp Sơn vốn còn do dự, chưa chịu xuất gia, nghe Hòa thuật lại mọi chuyên, liền quyết chí xuất gia cầu đạo. Pháp Sơn là người thời Hàm Hòa vậy. (Ba chuyện trên đây rút từ Minh Tường Ký).
4. Hán Vũ Đế du hành sang phương Đông: chưa ra khỏi cửa hàm Cốc, có một con vật cản đường. Thân hình cao mấy chục trượng, giống như trâu. Mắt xanh, tròng trắng, bốn chân lún trong đất, vùng vẫy nhưng không xê dịch được. Trăm quan đều hoảng kinh. Đông Phương Sóc bèn xin đem rượu tưới lên mình nó, tưới được vài chục đấu liền tiêu tan mất. Nhà vua hỏi nguyên nhân, Đông Phương Sóc tâu rằng: “Con vật này do khí ưu uất sinh ra. Ở đấy, ngày trước chắc là ngục thất của nhà Tần. Nếu không, chắc là chỗ tội nhân bị lưu đày tụ họp lại. Than ôi! Rượu là để giải sầu, nên có thể làm cho khí ưu uất ấy tiêu tan được”. Nhà vua phán rằng: “Ôi! Đúng là nhà bác học!”.
5. Trên địa bàn hai huyện Hoán và Thông Dương ở Lô Giang: có hai loại “xanh nhỏ” và “xanh lớn” sắc đen, sống trong vùng núi non. Thường nghe có tiếng khóc nhiều đến mấy chục người nam nữ, lớn bé, như mới phát tang. Người quanh vùng đều kinh hoàng, đi qua đó phải bỏ chạy, nhưng chẳng hề thấy ai cả. Chỗ nào có tiếng khóc ấy, chắc chắn sẽ có đám ma. Nếu tiếng khóc nhiều thì nhà lớn chết, tiếng khóc ít thì nhà nhỏ chết. (2 chuyện trên đây rút ra từ Sưu Thần Truyện Ký).
6. Sách Tây Quốc Hành của Vương Huyền Sách nói rằng: “Về phía Tây Nam nước Thổ Phồn có suối phun nước nóng. Từ mặt đất như bắn lên, cao năm, sáu thước, rất nóng, luộc thịt chín liền. Hơi nóng bốc lên trời như sương mù. Một bô lão người Thổ Phồn nói rằng, mười năm trước, nước bắn lên cao hơn mười trượng rồi mới tung tóe chung quanh. Có một người cưỡi ngựa rượt bắn nai, sa chân rơi thẳng xuống suối. Từ đó đến nay, nước không còn bắn vọt lên cao nữa. Trong suối thường thấy xương người văng lên. Nếu lấy nỉ dày trải lên mặt suối, giây lát sẽ bị rã nát. Có người bảo đó là Vạc nước sôi. Về phía Tây Bắc của suối này khoảng sáu mươi, bảy mươi dặm, lại có một suối khác, sức nóng cũng tương đương với suối này. Nước thường bắn vọt mạnh lên, có tiếng ầm ầm như sấm nổ. Các suối nước ấm nho nhỏ, thỉnh thoảng cũng có. Nay nhiều chỗ ở Trung Quốc này cũng có suối nước ấm, chỉ riêng suối này là Vạc nước sôi. Bởi thế, đức Thế-tôn có nói trong phần hạ văn của Luật Tứ Phần rằng, về phía Bắc thành Vương Xá có nước nóng từ địa ngục phun lên. Khi mới phun thì rất nóng. Về sau, chảy đến chỗ xa liền hơn nguội, do bị các dòng nước khác hòa chung vào, nên mới nguội đi. (Chuyện trên đây rút từ Tây Quốc Truyện).
7. Liễu Trí Cảm là người Hà Đông vào đời nhà Đường: Đầu niên hiệu Trinh Quan, làm tri huyện Trường Cử. Một đêm, đột ngột chết mất. Sáng hôm sau sống lại, kể rằng, lúc đầu bị quan quân cõi âm bắt đem tới vua Diêm La. Sứ giả đưa vào tham kiến xong, nhà vua bảo Trí Cảm: “Nay thiếu một chức quan, làm phiền ông giúp cho”. Trí Cảm từ chối vì còn cha mẹ già và còn phước đức được sống thêm, chưa đến số chết. Nhà vua sai xem lại sổ sách thấy đúng như thế, liền bảo rằng: “Số ông chưa đáng chết. Cứ tạm thời làm phán quan”. Trí Cảm bằng lòng, liền tạ ơn. Tạ ơn xong, đề lại dẫn xuống phòng làm việc. Có năm vị phán quan ngồi kề nhau và Cảm là người thứ sáu. Trưởng quan ngồi giữa sảnh đường. Cả ba gian đều bày giường sập. Công việc rất bề bộn. Đầu phía Tây không có phán quan, đề lại dẫn Cảm đến ngồi vào chỗ ấy. Bọn đề lại mang sổ sách giấy tờ đến giao cho xem xét, đặt lên bàn xong, bèn xuống đứng chờ dưới thềm. Trí Cảm hỏi ham tình hình, trả lời rằng: “Thói ác lấn lướt công lý!”. Rồi cũng chỉ đề cập quanh co đến những chuyện có liên quan với công vụ. Trí Cảm đọc qua văn thứ, đại khái cũng giống như việc trên nhân gian, bèn cầm bút phê vào. Một lát, cơm nước được mang đến, các phán quan đều ngồi vào ăn, Trí Cảm cũng ngồi vào bàn. Các phán quan bảo rằng: “Ông là phán quan tạm thời, không nên ăn những thức ăn này”. Cảm nghe lời không dám ăn. Chiều tối, đề lại đến đưa Trí Cảm về nhà. Tỉnh ra thì trời vừa sáng. Từ khi về nhà đến chiều tối, đề lại đến đón đi, đến đó thì trời vừa sáng, mới biết ngày đêm ở hai cõi âm dương trái ngược nhau. Từ đây, đêm phán xét công việc ở cõi âm, ngày làm công việc của huyện, đều đặn như thế. Hơn một năm làm việc ở âm phủ, bữa nọ, nhân vào nhà xí, gặp một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi tại phía Tây phòng. Dung nhan đoan chính, áo quần đẹp đẽ, đang đứng lau nước mắt. Trí Cảm hỏi là ai. Đáp rằng: “Tôi là vợ của tham quân coi kho lương ở Hưng Châu, bị bắt đến đây. Vừa mới xa cách chồng con, nên sinh đau buồn”. Trí Cảm đem chuyện hỏi đề lại. Đề lại trả lời: “Quan bắt đến là vì có chuyện muốn xét hỏi. Cốt để đối chứng với công việc của chồng mà thôi”. Nhân đó, Trí Cảm nói với người đàn bà ấy rằng: “Cảm tôi là tri huyện ở Trường Cử, nếu bị xét hỏi xin phu nhân hãy khai báo tự nhiên, đừng để liên lụy, chết chung với quan coi kho thì thật là vô ích”. Người đàn bà ấy nói: “Thật tình tôi cũng không muốn chết, chỉ sợ quan trên ép bức mà thôi”. Cảm nói: “Xin phu nhân đừng để vạ lây. Cũng đừng lo sợ bị bức ép”. Người đàn bà ấy hứa sẽ xin nghe lời. Trí Cảm về lại huyện, liền hỏi: “Vợ quan coi lương có bị bệnh gì không?”. Viên coi lương trả lời: “Vợ tôi còn nhỏ tuổi, chẳng có bệnh gì cả”. Trí Cảm đem chuyện gặp mặt kể cho viên coi lương nghe, tả rõ hình dáng, y phục và khuyên nên làm phúc. Viên coi lương chạy về nhà, thấy vợ đang ngồi bên khung cửi dệt vải, chẳng có bệnh gì, nên cũng không tin vào lời của Cảm nhiều. 10 ngày sau, vợ của viên coi lương bị bệnh chết đột ngột. Bấy giờ, viên coi lương mới sợ hãi, bèn làm phước và cúng vái cho vợ. Lại nữa, có hai vị quan ở Hưng Châu trúng kỳ khảo hạch, được chọn về kinh, bảo Trí Cảm rằng: “Ngài làm phán quan ở âm tuy, xin hỏi giùm bọn tôi được chọn về kinh làm chức gì”. Trí Cảm xuống dưới, đưa tên họ ấy hỏi viên lục sự. Lục sự bảo: “Sổ bộ đều niêm phong và để trong hòm đá. Muốn xem xét, phải mất hai ngày nữa, mới báo cáo lại được”. Sau đó, lục sự báo cáo cho Trí Cảm biết rõ chức danh vừa được bổ trong năm nay. Trí Cảm thông báo cho hai người ấy. Hai người lên kinh, được tuyển vào bộ lại. So với dự báo của Cảm đều không giống, các quan ở châu huyện được tin, báo lại cho Cảm hay. Sau đó, Cảm hỏi lại viên lục sự. Lục sự bảo: “Đã kiểm tra lại. Đều đúng không sai”. Sau khi hai người ấy được tuyển mộ vào bộ lại, nhân viên thẩm tra lại, cho ra khỏi bộ lại, nhận chức mới đúng như đã ghi chép ở sổ bộ dưới âm ty. Từ đó, mọi người đều rất tin tưởng. Trong sổ bộ ở âm ty, mỗi lần Trí Cảm thấy bà con quen biết của mình có chức phận hay ngày tháng chết đi, liền báo cho hay để làm phúc. Nhờ thế, phần nhiều được qua khỏi. Trí Cảm tạm làm phán quan ba năm, đề lại lên cho hay rằng: “Đã có quan tư hộ họ Lý ở Long Châu chính thức thay thế ông rồi, không cần phải xuống làm phán quan nữa”. Trí Cảm lên châu, báo cáo với thứ sử họ Lý. Thứ sử Lý Long Phụng sai người sang Long Châu thẩm tra, thì viên tư hộ họ Lý đã mất. Hỏi ngày tháng, đúng là ngày đề lại mang tin đến cho hay. Từ đó bèn cắt đứt mọi chuyện dưới âm ty. Quan châu sai Trí Cảm giải tù lên kinh, đến địa phận Phụng Châu, bốn tên tù đều bỏ trốn. Trí Cảm lo sợ vì bắt lại chưa được. Đang đêm nằm nghỉ ở nhà trạm, bỗng thấy đề lại cũ đến bảo rằng: “Tù đều bắt được cả rồi. Một tên chết, ba tên còn sống, đang ở trong hang phía Tây núi Nam Sơn, cả ba đều bị trói lại. Xin ông đừng lo!”. Nói xong từ biệt ra đi. Trí Cảm liền xin dân binh đem vào hang phía Tây núi Nam Sơn, quả nhiên gặp bốn tên tù nhân. Bọn tù biết không thể chạy thoát, xông ra chống cự. Trí Cảm tiến lên đánh, giết một tên, ba tên còn lại đều đưa tay chịu trói, đúng như lời đã báo.
Hiện tại, Trí Cảm đang làm quan tư pháp tại Từ Châu ở phương Nam. Quan lộc khanh Liễu Hanh đem kể cho nghe chuyện này. Khi Hanh làm thứ sử Ngang Châu, có gặp Trí Cảm và đã đích thân hỏi rõ đầu đuôi. Tuy nhiên, ngự sử Bùi Đồng Tiết cũng nói rằng có gặp mấy người đều kể cho nghe như thế cả. (Chuyện trên đây rút ra từ Minh Báo Ký).