Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 18: Quyển 8 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Nhất: Thất Phật

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 8


Thiên thứ 5: NGHÌN PHẬT

Gồm có 1 bộ: 1 Thất Phật, 2 Nhân duyên, 3 Chứng tích, 4 Giáng thai, 5Xuất thai, 6 Thị dưỡng, 7 Chiêm tướng, 8 Du học, 9 Nạp phi, 10 Yếm khổ, 11 Xuất gia, 12 Thành đạo, 13 Thuyết pháp, 14 Niết-bàn, 1 Kết tập.

Bộ thứ nhất: THẤT PHẬT:
Gồm có 9 phần: Thuật ý, Xuất thì, Tính danh, Chủng tộc, Đạo thụ, Thân quang, Hội số, Đệ tử, Cửu cận.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Từng nghe: Chín cõi phân chia, bốn loài khác tính. Sóng mê dễ nhiễm, tuệ nghiệp khó bồi. Lặn ngụp sông yêu, phiêu linh biển khổ. Không sinh thiện ý, chưa tỏ đèn lòng. Thế nên, những bậc đại Thánh thần thông, chí nhân đạt đạo, đều thu gom thế giới để làm thành tính; thâu tóm vũ trụ để tạo nên hình. Hình hiện hữu khắp nơi, tầm vĩ đại vượt ngoài quy củ; trí tạo nên tất cả, mức hành động cắt đứt nghĩ suy. Không thể đem chuyện nhân gian ước lượng, há được phép lấy nơi chốn luận bàn? Nếu muốn mở tung nhận thức cho đám ngu mê, cần phải đề cao linh tích của bậc chân giác. Điều ấy cũng giống gió trong hang lạnh lùa theo tiếng cọp gầm, áng mây lành vấn vương bên cạnh rồng lượn. Anh hưởng tương quan, lý thường vẫn thế. Đức Phật ta từ khi ở Lộc uyển hoằng dương, đến khi ở Kim hà đã khuất, linh tích thị hiện, hiển hách rất nhiều. Đã khiến chúng sinh trong thời tượng giáo có chứng nhiệm để phản tỉnh quy y. thậm chí, dù nghìn Phật linh tích khác nhau, vẫn một trí hướng cùng cứu cánh. Từ tâm bình đẳng vô biên, tuỳ ước vọng lợi sinh hoằng pháp; thệ nguyện trang nghiêm rộng lớn, chống thuyền từ cứu vớt đắm chìm. Nếu chúng sinh biết chân thành cảm nhận, chắc chắn có duyên cơ thể nhập vậy.*

Thứ hai: PHẦN XUẤT THÌ

Thuật rằng:

Nay căn cứ theo một Hiền kiếp, có thể phân chia ra bốn thời kỳ: 1/ là Thành, 2/ là Trụ, 3/ là Hoại, / là Không. Trong bốn thời kỳ này, Thành kiếp đã qua, Hoại kiếp chưa đến. Hiện tại đang ở vào thời kỳ Trụ kiếp, nên có nghìn Phật xuất thế. Nói đại khái, đã có ba vị Phật xuất thế. Hiện nay đang là thời kỳ có di giáo của đức Phật thứ tư Thích-ca-mâuni. Trong bốn thời kỳ này đều phân ra hai mươi Tiểu kiếp, tỏng cọng có tám mươi Tiểu kiếp, mới thành đủ một Đại kiếp thủy hỏa phong, gọi là Hiền kiếp. Theo luận Lập-thế-A-tỳ-đàm, trong hai mươi Tiểu kiếp đặc biệt của Trụ kiếp, mười một Tiểu kiếp chưa đến, tám Tiểu kiếp đã qua. Hiện tại đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ thành Phật trong Tiểu kiếp thứ chín.

– Hỏi: “Trong các kiếp Thành, Hoại, Không của Hiền kiếp này, chư Phật không xuất thế. Trái lại, chỉ chọn trong Trụ kiếp. Trong đó, chỉ còn mười một Tiểu kiếp tương lai. làm sao có đến chín trăm chín mươi sáu vị Phật đồng thời xuất hiện được?”

– Đáp: “Một vị Phật xuất thế đã là khó khăn. Xưa nay, nhiều vị Phật cùng xuất thế quả nhiên càng khó khăn hơn. Tuy thế, nay dựa theo các kinh Dược-vương-Dược-thượng. Sau đó, dẫn chứng phụ thêm kinh Phật danh. Nên nhớ rằng kiếp có ngắn dài không giống nhau, nên kinh Dược-vương-Dược-thượng nói rằng: “Bấy giờ, Phật Thích-ca-mâu-ni bảo đại chúng rằng, vào vô lượng kiếp xa xưa, trong thời mạt pháp của Phật Diệu Quang, ta từng xuất gia học đạo, được nghe tên năm mươi ba vị Phật này. Nghe xong chắp tay, sinh lòng hoan hỷ. Rồi ta lại dạy cho người khác, khiến họ cũng được nghe biết thụ trì. Người khác nghe xong, lại lần lượt dạy nhau, lên đến ba ngàn người. Tất cả, khác miệng một lòng, thành tâm kính lễ. Lập tức đều được siêu thóat mọi tội lỗi sanh tử trong vô số ức kiếp.

Nghìn Phật đầu tiên thì Phật Hoa Quang đứng đầu, xuống đến Phật Tỳ-xá-phù, đều thành Phật trong Kiếp Trang nghiêm. Ấy là chư Phật trong thời quá khứ. Nghìn Phật trong kiếp này, đứng đầu là Phật Câu-lưu-tôn, xuống đến Phật Lâu-chí, lần lượt thành Phật trong Hiền kiếp. Nghìn Phật về sau thì đứng đầu là Phật Nhật Quang, xuống đến Phật Tu-di Tướng, sẽ lần lượt thành Phật trong Kiếp Tinh tú.” Nếu theo kinh Phật danh: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ có vị Phật tên là Tỳ-bà-thi. Vào ba mươi kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế tên là Thi-khí. Ngay trong kiếp này, còn có vị Phật xuất thế, tên là Tỳ-xá-phù.”

Hỏi: Chín mươi mốt kiếp này là Đại kiếp hay Tiểu kiếp?

Đáp: Là Đại kiếp.

Hỏi: “Làm sao biết được?”

Đáp: Theo luận Cựu-Bà-sa nói, bồ-tát nhân địa Thích-ca, từ thời Phật Tỳ-bà-thi trở đi, đã vun trồng nhiều nghiệp tướng tốt. Đến nay, vào thời Trụ kiếp thứ chín, đã trải qua chín mươi mốt Đại kiếp. Do đó, luận Cựu-Câu-xá mới nói, bồ-tát Thích-ca nhờ kính lễ Phật Để-sa hết sức tinh tiến, nên được siêu độ chín Đại kiếp, cuối cùng thành Phật. Thế mới biết chín kiếp ấy đã là Đại kiếp, chín mươi mốt kiếp kia há không phải là Đại kiếp chăng? Lại nữa, theo kinh Dược-vương-Dược-thượng, các Kiếp Trang nghiêm, Hiền, Tinh tú, đều có nghìn Phật xuất thế, thì biết kiếp này cũng là Đại kiếp vô số lượng. Lại nữa, trong kinh Dượcvương-Dược-thượng nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, thậm chí tất cả chúng sinh khác, nghe được tên năm mươi ba vị Phật này, thì trong trăm nghìn vạn ức vô số kiếp, sẽ không bị đọa vào Đường ác. Theo mạch văn này, lần lượt trong các kiếp gọi là Trang nghiêm, Hiền, Tinh tú, đều có nghìn Phật xuất thế. Thế mới biết đây là các Đại kiếp còn lớn hơn các Đại kiếp vô số lượng khác. Đến nay, trong Hiền kiếp có bốn vị Phật xuất thế cũng là đại kiếp vô số lượng, chứ không phải là Tiểu kiếp của Kiếp Trụ. Hiền kiếp đã là Đại kiếp, nên trong đó có nghìn Phật xuất thế là điều hiển nhiên, không còn có gì có thể nghi ngờ được nữa.

Lại nữa, kinh Trường-A-hàm nói: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế, tên là Tỳ-bà-thi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật tên là Thi-khí. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế tên là Tỳ-xá-bà.” Hai vị Phật Thi-khí và Tỳ-xá-bà, nói theo kinh Phật-danh, đều cùng xuất hiện trong kiếp này, không có sự khác biệt về thời gian. Hoặc chấp nhận như kinh Trường-A-hàm phiên dịch thừa ra ba mươi mốt kiếp này.

Lại còn có một giải thích theo luận Lập-thế-a-tỳ-đàm, trong hai mươi kiếp của Trụ kiếp, tám kiếp đã qua. Trong đó, có ba vị Phật đã xuất thế. Đức Phật Thích-ca sẽ xuất thế trong kiếp thứ chín hiện tại. Tức là trong chín kiếp trên đây, đã có bốn vị Phật xuất thế. Tương lai còn mười một kiếp. Trong đó, làm sao biết được chẳng có nhiều vị Phật sẽ xuất thế? Do đó, kinh mới nói rằng: “Đôi khi, trong một kiếp có vô số vị Phật xuất thế. Đôi khi, trong vô số kiếp trôi qua, không có một vị Phật nào xuất thế.” Theo nghĩa này suy ra, nếu trong một Tiểu kiếp có nhiều vị Phật xuất thế, cũng chẳng có trở ngại gì cả. Do căn cơ của chúng sinh có chỗ yếu mạnh khác nhau, nên nhận thức có chỗ không giống nhau mà thôi. (Ý nghĩa này rất khó nhận thức rất khó nhận thức, xin chờ các bậc hậu triết).

Quốc độ giáo hóa của nghìn Phật trong Hiền kiếp này, có thành quách bao bọc chung quanh, nằm khắp trong ba ngàn đại thiên thế giới. Các quốc độ ấy đều cư trú ở giữa. Bởi vì đức Phật là bậc hóa độ, giữa tâm rỗng lặng. Chúng sinh là kẻ được hóa độ, cũng chọn lấy chỗ cư trú ở giữa. Thế nên, ở đấy có Tòa kim cương. Các phương khác, cảnh giới khác đều không có Tòa này, nên đức Phật không ngự đến. Bởi thế, kinh Thụy-ứng nói: “Quốc độ ở phương này là trung tâm của ba ngàn mặt trời mặt trăng và mười hai ngàn thế giới. Uy thần của đức Phật không cho xuất thế ở phía bên, đất sẽ vì thế mà nghiêng ngửa. Thế nên từ xưa, đức Phật đều xuất thế ở quốc độ trung tâm này.” Đồng tình với nhận định này, vì là một bằng chứng hùng hồn.

Như kinh Trường-A-hàm nói: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Tỳ-bà-thi. Bấy giờ, con người thọ tám vạn tuổi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Thi-khí. Bấy giờ, con người thọ bảy vạn tuổi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Tỳ-xá-bà. Bấy giờ, con người thọ sáu vạn tuổi. Lại vào thời quá khứ, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Câu-lâu-tôn. Bấy giờ, con người thọ năm vạn tuổi. Lại nữa, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Câu-na-hàm. Bấy giờ, con người thọ bốn vạn tuổi. Lại nữa, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Ca-diếp. Bấy giờ, con người thọ hai vạn tuổi. Nay ta xuất thế, con người chỉ còn thọ một trăm tuổi. Tăng ít, giảm nhiều.” Theo luận Trí-độ-luận ca-diên, căn cứ vào con người của thời đức Phật Thích-ca thọ một vạn tuổi, ngài quan sát thời thế rồi mới ra đời. Vì từ khi con người còn thọ một vạn tuổi, chưa có cơ duyên để hóa độ. Đến khi con người chỉ còn thọ một trăm tuổi, bị khổ sở hành hạ, kiếp này lại sắp hết, nên mới ra đời. Vì vậy, luận ấy nói: “Kiếp hết, chư Phật xuất thế. Kiếp mới bắt đầu, Chuyển luân vương xuất thế.” Hai điều không giống nhau này, thiên Chuyển luân vương sau đây sẽ nói đến.

Thứ ba: PHẦN TÍNH DANH

Phần sau đây đều nói theo các kinh Tăng-nhất-A-hàm và ThấtPhật-phụ-mẫu-tính-tự: “Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Thứ hai là Phật Thứckhí. Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Ba vị Phật này cùng mang họ Câu-lâu (kinh Trường-A-hàm nói, thứ nhất là Phật Tỳ-bà-thi. Thứ hai là Phật Thi-khí. Thứ ba là Phật Tỳ-xá-bà). Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần. Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Ba vị Phật này cùng mang họ Ca-diếp (kinh Trường-A-hàm nói, Phật thứ tư là Câu-lâu-tôn. Phật thứ năm là Câu-na-hàm. Phật thứ sáu cùng tên Cadiếp). Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta, họ là Cù-đàm.

Thứ tư: PHẦN CHỦNG TỘC

Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Thứ hai là Phật Thức-khí. Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Ba vị Phật này thuộc dòng dõi vua Sát-lợi. Thứ tư là

Phật Câu-lâu-tần. Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Ba vị Phật này đều thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thứ bảy là Phật Thích-ca-văn của chúng ta hiện nay. Ngài thuộc dòng dõi vua Sát-lợi.

Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Phụ hoàng tự là Bàn-biếu, là vua Sátlợi. Hoàng mẫu tự là Bàn-đầu-mạt-đà. Quốc hiệu cai trị là Sát-mạtđề.

Thứ hai là Phật Thức-khí. Phụ hoàng tự là A-luân-na, là vua Sátlợi. Hoàng mẫu tự là Ba-la-ha-việt-đề. Quốc hiệu cai trị là A-lâu-nahòa-đề.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Phụ hoàng tự là Tu-ba-la-đề-hòa, là vua Sát-lợi. Hoàng mẫu tự là Da-xá-việt-đề. Quốc hiệu cai trị là A-nậu-ưuma.

Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần. Phụ thân là A-chi-đạt-mâu, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Tỳ-xá-ca. Quốc hiệu cai trị là Luânha-lợi-đề-na. Quốc vương tên là Tu-ha-đề.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thân phụ là Da-thiểm-bátđa, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Uất-đa-la. Quốc hiệu cai trị là Tu-ma-việt-đề. Quốc vương tên là Tu-ma.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Thân phụ là A-chi-đạt-da, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Đàn-na-việt-đề-da. Quốc hiệu cai trị là Ba-la-tư. Quốc vương tên là Kỳ-tùy.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-văn-ni của chúng ta hiện nay. Phụ hoàng là Duyệt-đầu-đàn, thuộc dòng dõi vua Sát-lợi. Hoàng mẫu là Ma-hama-da. Quốc hiệu cai trị là Ca-duy-la-vệ. Tiên vương tên là Bàn-đề. (Nói một cách tổng quát, gồm có dòng dõi: 1/ là bà-la-môn. 2/ là sát-đế-lợi. 3/ là tỳ-xá. / là thủ-đà. Nhưng hai dòng dõi sau thấp hèn, không phải chỗ thác sinh của bậc chí tôn. Hai dòng dõi đầu cao quy, đúng là nơi thác sinh của bậc chánh giác. Bà-la-môn đức hạnh thanh cao. Sát-đế-lợi ân uy vang dội. Luận Trí-độ nói: “Theo điều thời thế tôn sùng, Phật sẽ giáng trần hóa độ. Thế nên, Phật Thích-ca ra đời trong lúc cường thịnh, mượn dòng dõi hoàng tộc để dương uy. Phật Ca-diếp giáng sinh trong buổi thuận hòa, giữ trong sạch để đề cao đạo đức.”)

Thứ năm: PHẦN ĐẠO THỤ

Thứ nhất là Phật Duy-vệ, đắc Đạo thành Phật dưới cây Ba-đà-la.

Thứ hai là Phật Thức-khí, đắc Đạo thành Phật dưới cây Phân-đồlợi.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp, đắc Đạo thành Phật dưới cây Bồ-tát-la. Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần, đắc Đạo thành Phật dưới cây Tư-lợi.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, đắc Đạo thành Phật dưới cây Ô-tạm.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp, đắc Đạo thành Phật dưới cây Câu-loại.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta hiện nay, đắc Đạo thành Phật dưới cây A-bái-đa-la.

Than ôi! Kèo vàng cột đỏ, chẳng phải là danh dự của bậc xuất gia; đệm cói, tùng râm, mới thật là thanh qui của kẻ nhập đạo. Sao vậy? Bởi thế tục cho hình hài đáng quý, nên chọn nhà đẹp đẽ nương thân; Đạo lấy gia thất làm mối lụy, nên bỏ phăng đi như cởi dép. Hết thảy những kẻ tước trọng quyền cao, đã có được mấy ai sớm giác ngộ? Như đức bổn sư Điều ngự của chúng ta, xứng đáng gọi là bậc vừa sinh đã biết. Từ khi giáng trần thuyết pháp đến khi thành Đạo nhập diệt, ngài đều ở dưới gốc cây. Đấy là ý chỉ cao cả siêu phàm. Thâm chí, ngài đã cắt tóc rút trâm, bài trừ danh lợi. Tấm gương sáng ấy, há chẳng đáng để chúng sinh dốc lòng ngưỡng mộ noi theo?

Thứ sáu: PHẦN THÂN QUANG

Như kinh Quán-Phật-tam-muội nói: “Thân Phật Tỳ-bà-thi cao sáu mươi do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn một trăm hai mươi do-tuần. Thân Phật Thi-khí cao bốn mươi do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn do-tuần, hào quang trên thân lớn một trăm do-tuần. Thân Phật Tỳxá-bà cao ba mươi hai do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn bốn mươi hai do-tuần, hào quang trên thân lớn 62 do-tuần. Thân Phật Câu-lâu-tôn cao hai mươi lăm do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn ba mươi hai do-tuần, hào quang trên thân lớn năm mươi do-tuần. Thân Phật Câuna-hàm-mâu-ni cao hai mươi lăm do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn ba mươi do-tuần, hào quang trên thân lớn bốn mươi do-tuần. Thân Phật Ca-diếp cao mười sáu trượng, vòng hào quang trên đầu lớn hai mươi dotuần. Thân Phật Thích-ca-mâu-ni cao 1,6 trượng, vòng hào quang trên đầu lớn bảy thước. Thân của bảy vị Phật đều có màu vàng tía. (Kính xét rằng pháp thân của chư Phật đều như nhau, không có sự hơn kém. Chỉ vì tùy theo căn cơ dị biệt của chúng sinh, nên mới thấy sự hiện hóa không giống nhau. Thế nên đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện ra sắc vàng tía, nhưng cả ngìn Tỳ-kheo đều thấy thành màu đỏ, còn mười sáu vị tín sĩ lại thấy thành sắc xám tro. Tự những vị ấy nhận thức khác biệt, chính chư Phật vẫn thường nhất thể mà thôi. Theo đó mà suy luận, mới gọi là không sai lầm.) Theo kinh Di-lặc-hạ-sinh nói, thân của ngài cao nghìn thước, vòng hào quang trên đầu lớn hai mươi trượng.

Thú bảy: PHẦN HỘI SỐ

Thứ nhất là Phật Duy-vệ, trước sau mở ba pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có mười vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có chín vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội thứ ba có tám vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ hai là Phật Thức-khí, cũng mở ba pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có chín vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-lahán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có tám vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội giảng kinh thứ ba có bảy vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp, mở ra hai pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có bảy vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-lahán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có sáu vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, mở một pháp hội giảng kinh, có ba vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp, mở một pháp hội giảng kinh, có hai vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta, mở một pháp hội giảng kinh, có một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thuật rằng:

Điều ghi chép bảy vị Phật thuyết pháp độ sinh nhiều ít trên đây là căn cứ theo giáo lý Tiểu thừa. Khi đức Như lai vừa thành Phật , trước tiên ngài cứu độ các kẻ ngoại đạo bỏ tà theo chánh. Ấy là từ các đệ tử Thanh văn trở thành đệ tử thân cận, nên mới hạn chế trong số lượng ít ỏi này. Nếu căn cứ suốt một đời thuyết pháp của đức Như lai, ngài đã cứu độ chúng sinh khắp Ba thừa đắc Đạo, số lượng sẽ vô lượng vô biên. Thế nên, pháp sư Huyền Trang đã nói trong sách Đại-Đường-Tây-vứcký rằng: “Suốt đời thuyết pháp của đức Như lai, tổng quát có thể chia thành ba thời kỳ:

Trong thời kỳ thứ nhất, ngài giảng giải Pháp hữu tướng cho các vị Thanh văn, đả phá chấp kiến của hàng ngũ ngoại đạo, khiến họ được ngộ Đạo.

Trong thời kỳ thứ hai, ngài giảng giải Pháp vô tướng cho các vị bồ-tát Tiểu thừa, đả phá chấp kiến Thanh văn, khiến họ ngộ được Pháp vô tướng của Đại thừa.

Trong thời kỳ thứ ba, ngài giảng giải cùng lúc Pháp hữu tướng vô tướng cho các vị bồ-tát Đại thừa, đả phá luôn chấp kiến Pháp hữu tướng vô tướng, khiến họ ngộ được Viên giáo cứu cánh của Trung đạo.

Trong suốt ba thời kỳ này, ngài đã triệt để tùy cơ hóa độ, nhiều đến vô biên. Đôi khi, lần lượt bên cạnh các đệ tử của Ba thừa, có những kẻ nghe Pháp đắc Đạo, cũng nhiều hằng hà sa số. Không thể lấy một chữ nào ước lượng, một nghĩa nào quan niệm được.”

Thứ tám: PHẦN ĐỆ TỬ

Theo kinh Trường-A-hàm nói: “Phật Tỳ-bà-thi có hai đệ tử: một tên là Khiên-trà, hai tên là Chí-sa. Phật Thi-khí có hai đệ tử: một tên là A-tỳ-phù, hai tên là Tam-bà-bà. Phật Tỳ-xá-phù có hai đệ tử: một tên là Phù-du, hai tên là Uất-đa-ma. Phật Câu-lưu-tần có hai đệ tử: một tên là Tát-ni, hai tên là Tỳ-lâu. Phật Câu-na-hàm có hai đệ tử: một tên là Ưu-ba-tiển-đa, hai tên là Uất-đa-lâu. Phật Ca-diếp có hai đệ tử: một tên là Đề-xá, hai tên là Bà-la-bà. Ta nay có hai đệ tử: một tên là Xá-lợiphất, hai tên là Đại-Mục-kiền-liên (sự liệt kê danh xưng trên đây đều chép hai vị. Ay là căn cứ từ vị thứ nhất trong hàng ngũ đệ tử, nên mới có lối bàn luận khác biệt như thế).

Phật Tỳ-bà-thi có đệ tử chấp sự tên là Vô ưu. Phật Thi-khí có đệ tử chấp sự tên là Nhẫn hành. Phật Tỳ-xá-bà có đệ tử chấp sự tên là Tịch diệt. Phật Câu-lưu-tôn có đệ tử chấp sự tên là Thiện giác. Phật Câu-nahàm có đệ tử chấp sự tên là An hòa. Phật Ca-diếp có đệ tử chấp sự tên là Thiện hữu. Nay ta có đệ tử chấp sự tên A-nan.

Phật Tỳ-bà-thi có con tên là Phương ưng. Phật Thi-khí có con tên là Vô lượng. Phật Tỳ-xá-bà có con tên là Diệu giác. Phật Câu-lưu-tôn có con tên là Thượng thắng. Phật Câu-na-hàm có con tên là Đạo sư. Phật Ca-diếp có con tên là Tiến quân. Nay ta có con tên là La-hầula.”

Thứ chín: PHẦN CỬU CẬN

Theo kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Sau khi Phật Tỳ-bà-thi nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được hai vạn năm. sau khi Phật Thần văn nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được sáu vạn năm (các kinh khác gọi là Phật Thi-khí). Sau khi Phật Câu-lưu-tôn-đà nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được năm trăm năm. Sau khi Phật Câu-na-hàm-mâu-ni nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được hai mươi chín ngày. Sau khi Phật Ca-diếp nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được bảy ngày. Sau khi Phật Thích-ca nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được năm trăm năm. thời kỳ Tượng giáo cũng còn tồn tại được năm trăm năm (theo luận Thiện-kiến nói, Chánh pháp tồn tại được một ngàn năm).

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây